Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI
PHẬT LỊCH 2540 – GIAO ĐIỂM
Tuyển tập 1

PHẦN MỘT
TỔNG QUAN
Lý Nguyên Quân

PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC NGƯỠNG CỬA THẾ KỶ 21

MỘT THÁI ĐỘ CẦN THIẾT

Như một con bệnh không thể chữa lành khi người ta chỉ tìm cách che đậy, trốn tránh hay loanh quanh với những lý luận mơ hồ, không ăn nhập gì với hiện trạng. Cũng không thể chữa lành khi bệnh thì nằm ở gan ruột mà lại đi lo chữa chạy ở ngoài da. Phật Giáo Việt Nam (PGVN) ngày nay, ngoài những thành tựu của quá khứ dễ khiến người Phật tử tự hào, ngoài các sức mạnh quần chúng còn lại sau nhiều lần bị phung phí; và bên cạnh những yếu tố tích cực có thể đóng góp cho một viễn ảnh tốt đẹp hơn, thì vẫn còn đó, những yếu tố tiêu cực ngay ở tự thân của nó - những yếu tố đã từng làm cho PGVN bị nghiêng ngửa, rã rời, tan nát và ngày càng tỏ ra như một căn bệnh trầm kha, không ai chữa trị và cũng không ai muốn chữa trị. Ngay cả việc nói đến nó không thôi, người ta cũng phải e sợ đủ thứ chuyện thì nói gì đến việc chữa trị. Khoan nói đến lý do của trạng huống tâm lý này. Chỉ cần ghi nhận, trạng huống tâm lý này phản ảnh một thái độ tiêu cực mà hậu quả là chính Phật Giáo bị thiệt thòi chứ không ai khác. Làm thế nào mà PGVN có thể vươn mình trỗi dậy làm ngọn đuốc soi sáng cho đời khi mà các trạng huống tâm lý này cứ mãi đè nặng nơi một đa số thầm lặng - những người từng hoài bão nhiều cho Phật Giáo? Làm sao mà PGVN có thể mở rộng được cánh cửa tương lai để đi tới khi mà nó cứ phải trói buộc mình vào cái tâm cảnh của một nỗi e sợ kỳ cục như thế này?

Hẳn nhiên là PGVN sẽ vẫn còn đó. Còn đó trong tâm hồn của con người Việt Nam dẫu cho người ta vô tình hoặc cố ý không biết đến sự có mặt của nó chăng nữa vì nó đã như nước thấm sâu vào lòng đất. Còn đó trong đời sống trí tuệ của con người Việt nam vì nó vốn không phải là một tôn giáo sống bằng những hình thức tín ngưỡng dị đoan; lại càng không phải sống bằng những hứa hẹn và đe dọa hão huyền mà vì nó vốn là tôn giáo của Trí Tuệ, là con đường chân thực đưa tới Sự Thực. Dẫu cho thế gian này có bị thiêu hủy hay chìm trong tăm tối vì sự tham tàn và ngu muội của con người chăng nữa thì Sự Thực vẫn là Sự Thực và con đường chân thực đưa tới Sự Thực vẫn là con đường chân thực đưa tới Sự Thực. Nhưng còn đó như thế nào là điều mà chúng ta nên nghĩ tới. Còn đó như một ngọn đuốc soi sáng cho đời hay như một cục than bị vùi lấp giữa đống tro tàn? Còn đó như một sức mạnh văn hóa mở đường đi tới cho con người hay như một bảo vật trong viện bảo tàng? Đó là những câu hỏi đặt ra cho những người còn ít nhiều hoài bão cho Phật Giáo Việt Nam lúc này, khi mà các trạng huống tâm lý nói đến trên đây đang đè nặng trên tâm hồn của người con Phật Việt Nam ở bên này và bên kia. Đó cũng là những câu hỏi đặt ra một thái độ cần có như một bước đầu cho những chuẩn bị nghiêm chỉnh để đi tới ở ngày mai.

Thái độ đó là gì? Là sự rời bỏ trạng huống tâm lý e sợ đã nói để có đủ can đảm nhìn lại mình như một tác nhân chủ yếu quyết định cho con đường đi tới của PGVN giữa hoàn cảnh ngổn ngang này. Hoàn cảnh ngổn ngang của lịch sử, của đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội… của đất nước trong mấy thập niên qua đã từng tác động mạnh mẽ - và chắc chắn cũng sẽ còn tác động mạnh mẽ - lên tấm thân của Phật Giáo. Nhưng hoàn cảnh y báo ấy, trong ánh sáng của giáo lý Phật, vốn không thể tách rời và càng không là năng lực chủ động quyết định cho tự thân chánh báo. Chúng ta cần nhận ra điều này để không tự ru ngủ mình và không phải tập trung tất cả thì giờ, năng lực cho những việc làm, dù có thân thiết, nhưng chưa phải là điều thiết cốt. Truy tầm những lý do cho bệnh trạng ở bên ngoài và đặt vào đấy trách nhiệm về bệnh trạng trong khi vi trùng thì ở ngay thân mình – như nhiều người đã làm một cách rất năng nổ - dù có thể là một điều rất nên, rất đáng nhưng chắc chắn là không đủ để chữa trị bệnh trạng. Đó là chưa kể đến, việc lo đối phó với hoàn cảnh ngổn ngang đến độ trở thành một vật kéo của chiếc xe hoàn cảnh thì lại còn tệ hại hơn cả hoàn cảnh tệ hại vì nó chính là cách tự đánh mất mình, tự hủy diệt mình một cách nhanh và gọn nhất. Đã không cứu được mình, đã tự đánh mất mình, tự hủy diệt mình như thế thì còn nói gì đến chuyện cứu ai bây giờ!

Phật Đạo giữa thế gian là Bồ Tát Đạo. Trên con đường hoạt dụng của Bồ Tát ấy, người con Phật phải lấy Bồ Đề Tâm làm động cơ căn bản. Nhưng Bồ Đề Tâm chỉ có thể phát khởi khi có được thâm tâm và trước hết, là có được trực tâm. Trực tâm là cái tâm ngay thẳng, chất trực, không quanh co trá ngụy, không tự dối mình và dối người. Đó là cái tâm không e sợ, can đảm nhìn thẳng vào mình như một tác nhân chủ yếu để thấy ra đâu là cái gốc của bệnh, cái mầm của loạn. Đó chính là cái tâm quy định cho một thái độ cần thiết, bước đầu cho sự lên đường trở về tìm lại chính mình để cho Phật Giáo đúng là Phật Giáo chứ không phải là một cái gì khác mang danh Phật Giáo.

HIỆN TRẠNG CỦA PGVN NGÀY NAY

Ngoài những thành tựu và đổ vỡ mà ai cũng thấy và đã được nói đến nhiều – không kể đến những tiếng nói phô trương quá lố hay những xuyên tạc dối trá ở bên này và bên kia, PGVN ngày nay như đang ở trong một tình trạng phức tạp vừa có nhiều triển vọng vừa chứa đựng những nguy cơ hiểm họa khó lường.

  1. Triển vọng trước hết là ở niềm tin Phật của quần chúng. Sau hơn nửa thế kỷ - và có thể kể xa hơn, gần 140 năm nay – dân tộc Việt Nam đã phải ở trong một chu kỳ lịch sử lệ thuộc vào những sức mạnh của thời đại xuất phát từ Tây Phương. Ở đó, những chế độ nối tiếp nhau liên tục đặt Phật Giáo vào trong cái thế của một kẻ bị trị; và vì vậy, bị khống chế và kềm hãm đủ thứ. Lại ở đó, chiến tranh thù hận, độc tài áp bức, sự tuyên truyền có tính cách tẩy não của những ý thức hệ tôn giáo, chính trị đang nắm trong tay sức mạnh của thời đại đã như cùng tập hợp lại để không cho PGVN trỗi dậy; thậm chí, để triệt hủy niềm tin Phật của quần chúng. Nhưng rõ ràng cho đến hôm nay, niềm tin Phật của quần chúng đã không dễ dàng bị triệt hủy và Phật Giáo vẫn còn đó như một tôn giáo của đa số với hơn 50% dân chúng tin theo như thống kê của chế độ đương quyền (vì tính cách lỏng lẻo của các tổ chức Phật Giáo xưa nay, trong thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều). Những Lễ Hội Chùa Hương kéo dài trong nhiều tuần lễ với hàng hàng lớp lớp người tín mộ. Những mùa Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán… tràn ngập khách lễ bái hành hương ở khắp các chùa trên mọi miền đất nước như một cái gì rất xưa bừng sống dậy. Những lễ tang các bậc tôn túc với số người tham dự làm lo ngại cho cả nhà cầm quyền…
  2. Đó là những gì mà các quan sát viên và những người từng đi về Việt Nam đã chứng kiến và mô tã rải rác trên nhiều trang báo. Dưới những chế độ thực hiện chính sách triệt hủy Phật Giáo cách này cách khác trải dài hơn thế kỷ; những chủ thuyết, ý hệ chính trị xã hội cực đoan luôn đi theo cùng với sức mạnh quân sự, kinh tế của thời đại liên tục tấn công vào thành trì tín ngưỡng của dân tộc; với sự nghèo nàn cố hữu và ngay cả, với những đổ vỡ rạn nức ở ngay bản thân các tổ chức PGVN từ trước đến nay mà niềm tin Phật của quần chúng vẫn còn như vậy thực là một điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu này cho phép ta nghĩ được rằng, ít nhất là cho đến lúc này, niềm tin Phật của quần chúng vẫn còn là một tiềm năng lớn, một trong những yếu tố lớn cho một triển vọng có thể có của PGVN ở ngày mai.

  3. Một yếu tố khác đóng góp vào triển vọng của PGVN là đa số trí thức Việt Nam đã từng quay lưng lại với tôn giáo ngày càng tiếp cận với Đạo Phật; và càng tiếp cận thì càng có khuynh hướng quay về với Phật Giáo do bởi nhận ra rằng, Đạo Phật thực sự không giống với các tôn giáo khác.
  4. Không giống với các tôn giáo khác. Sự thực này được nhìn ra là một yếu tố có tính cách quyết định cho thái độ và khuynh hướng của người trí thức Việt Nam ngày nay. Tôn giáo là một thực thể của xã hội loài người. Lịch sử văn minh, văn hóa của con người đã có không ít những đóng góp của tôn giáo. Nhưng đồng thời, ở một mặt, tôn giáo cũng đã đóng góp không ít vào những thảm họa lịch sử. Lịch sử còn đó, những cuộc chiến tranh tôn giáo được gọi là Thánh Chiến (The Holy War) trải dài trong thời Trung cổ ở Âu Châu. Lịch sử cũng đang phơi bày những cuộc chiến tranh diễn ra trong thời cận và hiện đại ở khắp nơi trên thế giới có động cơ tôn giáo, những chiến tranh ở Trung Đông, Ái Nhĩ Lan, ở Ấn Độ, Phi Luật Tân, ở Phi Châu... Đó là chưa kể đến những thảm kịch Jonestown, Waco…, mặc dù trong một phạm vi nhỏ hơn, nhưng đã là những biểu hiện lòng cuồng tín tôn giáo đến độ làm ngạc nhiên, bàng hoàng cả những kẻ còn mê tín vào tôn giáo. Đó cũng là chưa kể đến những cuộc hôn nhân khác tôn giáo đã phải bị ép uổng hoặc gãy đổ khiến nhiều người phải đau khổ thế nào; và còn nữa, những tín điều, giáo điều, những lời phán truyền đầy dẫy trong các sách sử tôn giáo mà ngay cả người có đầu óc bình thường cũng không thể không đặt lên câu hỏi về bản chất và ý nghĩa của tôn giáo.

    Giữa bầu khí tôn giáo cần và đang được tra vấn đó thì Phật Giáo như riêng mình một cõi. Không từng can dự vào bất kỳ một cuộc chiến tranh tôn giáo nào xưa nay, không từng đẩy con người đến chỗ cuồng tín ở bất cứ đâu, không chứa đựng một điều gì huyền mị trong kinh sách – ngoài những biểu lộ cảnh giới của tâm linh mà con người chưa vươn tới được. Cho nên, không chỉ là yếu tố Thần (Gods) làm cho Phật Giáo khác với các tôn giáo khác mà ngay cả thực tế lịch sử và đời sống tín ngưỡng, người ta cũng không thể dùng định nghĩa và khái niệm tôn giáo chung chung đem áp dụng cho Phật Giáo. Không phải là vấn đề hơn hay thua, mạnh hay yếu nhưng rõ ràng là, Phật Giáo thực sự khác biệt với các tôn giáo khác. Điều này có ý nghĩa rất lớn nếu ta hiểu được cái lý do mà người trí thức Tây Phương ngày càng ngưỡng mộ Phật Giáo và tìm đến để học hỏi.

    Người trí thức Việt Nam ngày nay, trong buổi hoàng hôn của những chủ nghĩa, ý hệ hoang tưởng một thời được tôn thờ đưa đến những đổ vỡ trong tâm hồn và đời sống, phải đứng trước ngã ba đường để đi tìm một nền tảng tư tưởng và đạo lý cho cuộc sống. Các tôn giáo dễ dàng là các cửa ngõ cho một lựa chọn mới này. Ở đó, Phật Giáo hiện ra như một tôn giáo của Từ Bi, Bất Bạo động, của Trí Tuệ, Hỷ Xả - khác biệt với tất cả các tôn giáo khác trên mặt tư tưởng cũng như trên thực tế lịch sử, sẽ trở thành một cửa ngõ cho những tâm hồn khao khát sự an lạc và những đầu óc khát vọng chân lý. Một số không nhỏ các nhà trí thức Việt Nam ở Việt Nam và ở hải ngoại đang tìm về với Phật Giáo như một lựa chọn mới này, và đã có không ít những đóng góp trí tuệ vào ý hướng xây dựng một nền tảng tư tưởng và đạo lý cho dân tộc Việt Nam giữa lúc tinh thần chao đảo hiện nay.

    Những biểu hiện cho khuynh hướng trí tuệ tìm về Phật Giáo này đang quy tụ ở nhiều nơi: Ở Việt Nam, các thiền viện dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Thanh Từ, các trường Cao Cấp Phật Học, các Viện Nghiên Cứu Phật Học và ngay cả trong một vài sinh hoạt của Viện Khoa Học Xã Hội mấy năm lại đây mà buổi Hội Thảo về Tuệ Trung Thượng Sỹ là một điển hình… Ở hải ngoại, Làng Mai dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Nhất Hạnh, và các chi nhánh của nó ở nhiều nơi, các tạp chí Phật Giáo hoặc có màu sắc Phật Giáo mà đường hướng nhiều khi rất khác biệt nhau (Phật Giáo Việt Nam, Giao Điểm, Tin Phật, Hoa Sen, Chân Nguyên, Bông Sen, Viên Giác, Phật Giáo Hải Ngoại…)

  5. Một triển vọng đáng kể khác là những trung tâm tu học được thiết lập với những truyền thống tu tập được xây dựng, tái tạo hoặc cách tân. Như xương sống của cơ thể, những trung tâm tu học và truyền thống tu tập đã là yếu tố quyết định tối hậu cho lịch sử hưng vong của Phật Giáo xưa nay. Thử tưởng tượng, Phật Giáo Trung Hoa mà không có các bậc Cổ Đức đời đời nối tiếp thiết dựng các Đạo Tràng Dịch Kinh, Giảng Kinh, nói Pháp, lập thành các Pháp môn tu tập Thiền, Tịnh và các Tòng lâm hướng dẫn đồ chúng tu tập thì di sản của Phật Giáo Trung Hoa còn có gì? Như Phật Giáo Nhật Bản, không phải là Tổng Hội Phật Giáo Nhật Bản - thường được xem là cơ cấu đại diện cho Phật Giáo - nắm mạng mạch của Phật Giáo ở đây mà chính là hệ thống các Tông Phái với những sắc thái linh hoạt và truyền thống tu tập khác nhau được giữ gìn đã tạo nên các sức sống cho Phật Giáo xứ này. Phật Giáo Tây Tạng ngày nay là một ví dụ rõ nét khác. Trong khi Tây Tạng đang phải chịu đựng một trong những thảm kịch đau thương nhất của lịch sử các dân tộc mà tương lai chưa biết thế nào thì Phật Giáo Tây Tạng, theo cùng tình cảnh lưu vong của một phần dân tộc họ, lại đang ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh và trí tuệ của con người ở Tây Phương. Được vậy không chỉ vì những huyền thoại được nói nhiều về xứ này; cũng không chỉ vì những hình thức khá kỳ dị trong sinh hoạt tôn giáo của họ (vì huyền thoại và những hình thức nếu có làm cho người ta lưu tâm đến thì cũng chỉ nhất thời) mà chính là ở cốt tủy, Phật Giáo Tây Tạng còn đó những truyền thống tu tập với những kinh nghiệm tâm linh thực sự.
  6. Phật Giáo Việt Nam, ít ra là từ 1963 trở về sau, đã bị cuốn hút vào cơn lốc của thời thế để không có được sự quan tâm đúng mức, nói gì đến việc đáp ứng nhu cầu sinh tử nầy của Phật Giáo. Dù chúng ta có đó, những đời sống tâm linh tỏa sáng thành những tấm gương đạo hạnh đáng ngưỡng mộ nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt; chúng ta cũng có đó những Tu Viện, Phật Học Viện nhưng nề nếp tu học và sinh hoạt không đủ để tạo nên những truyền thống tu tập cho hơn một thế hệ. Phải đợi đến sau này, trong nghịch cảnh nhiễu nhương của vận nước, vận đạo, PGVN mới có được những bậc tôn túc quan tâm và thực hiện những trung tâm tu học và xây dựng lại những truyền thống tu tập. Các Thiền Viện ở trong nước với Thiền Sư Thanh Từ quy tụ đông đảo đồ chúng đang làm sống dậy bầu khí tu Thiền, kết hợp truyền thống Tổ Sư Thiền ở Trung Hoa với truyền thống Thiền Trúc Lâm đời Trần của Việt Nam. Trước và song song với nó, và trên những phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn, có những Đạo Tràng Liên Hữu tu tập Tịnh Độ, pháp môn Niệm Phật Công đức rải rác ở Trung và Nam.

    Trong khi ở hải ngoại, Làng Mai ở Pháp trở thành một trung tâm Thiền nổi tiếng với Thiền Sư Nhất Hạnh, đưa phương pháp Thiền trong truyền thống Kinh Tạng Phật giáo áp dụng vào cuộc sống của con người xã hội hiện nay, quy tụ hằng năm rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới và từ những truyền thống tôn giáo khác nhau đến tu học. Có nhiều nhóm Thiền sinh Việt Nam và ngoại quốc đang áp dụng phương pháp Thiền tập này và sinh hoạt tu tập khá đều đặn. Có những nơi vận dụng phương pháp Thiền tập này kết hợp với nề nếp tu tập vốn có ở Việt Nam trước đây như ở một số chùa, Tu Viện tại miền Bắc California, Texas, Massachusetts…

    Việc tái dựng các truyền thống tu tập với sự có mặt của các trung tâm tu học nói trên là một yếu tố đáng khích lệ lúc này khi nhìn về viễn ảnh của PGVN ngày mai. Càng đáng khích lệ hơn khi quần chúng Phật tử ngày càng qui tụ về các trung tâm tu học, thể hiện tấm lòng thiết tha cầu tu, cầu học và đưa sự tu học trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Tu học trở thành một nhu cầu, đó hẳn là một dấu hiệu có tính cách quần chúng đáng mừng nhất trong hai thập niên cuối của thế kỷ này. Mặc dù không ồ ạt nhưng tác động tích cực và thầm lặng của nó vào con đường đi tới của PGVN chắc chắn sẽ được thấy rõ về lâu về dài sau này.

  7. Cũng là những yếu tố tích cực góp phần vào triển vọng của PGVN là những thành tựu trong một chừng mực nhất định của hai tổ chức Giáo Hội hiện nay ở Việt Nam.

Không kể đến những thành tựu trước năm 1975, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), trong mấy năm lại đây, đứng trên vị trí cố hữu của mình, đã lên tiếng cho những khát vọng của dân tộc và của chính Phật Giáo. Đặt trong vị trí của một tổ chức tôn giáo lớn mà lại không thể công khai hoạt động và trong liên hệ với cảnh ngộ chung của dân tộc, sự lên tiếng của GHPGVNTN phải được xem là can đảm và cần thiết. Can đảm bởi vì sự lên tiếng đó đã phải trả giá bằng giá của nhiều hy sinh, ngay cả hy sinh thân mạng. Và đó là một trong những cách thế biểu lộ tinh thần xứng đáng được ngưỡng mộ của người Phật Tử Việt. Cần thiết vì nhu cầu chuyển hóa đất nước đòi hỏi phải có những tiếng nói khác với tiếng nói của người cầm quyền, những tiếng nói xuất phát từ người dân bị áp bức bất công và nói là nói cho những khát vọng của họ. Cũng cần thiết vì nó góp phần khẳng định con đường của PGVN khi đối diện với cái khổ của con người – con đường không nằm ở bên này hay bên kia mà vượt qua tất cả mọi thế đối nghịch tương tranh của con người trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Tiếc thay, tiếng nói của lương tâm đó đã không được nghe một cách nghiêm chỉnh như chính nó. Nhưng dù không được nghe một cách nghiêm chỉnh lúc này thì âm hưởng của tiếng nói đó cũng sẽ còn để góp phần định hướng cho con đường đi tới của PGVN giữa những tình thế còn nhiều phức tạp sau này.

Trong khi đó, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), trong những giới hạn lịch sử và tính chất của nó, cũng đã có những thành tựu đáng kể. Không nói đến những chùa chiền được tái tạo và xây dựng – không hẳn là do Giáo Hội này, GHPGVN ít nhất đã làm được hai điều có ý nghĩa lớn:

Một là đã thực hiện được hệ thống các trường Phật Học từ Cơ Bản đến Cao Cấp và từ Nam đến Bắc để đào tạo các thế hệ Tăng sĩ cho ngày mai. Hẳn nhiên còn nhiều giới hạn trong việc tổ chức, trong nội dung chương trình và phương pháp giáo dục và vì vậy, liên hệ đến phẩm chất đào tạo, nhưng sự hình thành một hệ thống như vậy với số lượng Tăng ni sinh theo học đông đảo đã là điều có ý nghĩa lớn cho sau này. Nó chứng tỏ tấm lòng thiết tha với tương lai của PGVN của những nhà lãnh đạo Giáo Hội này; và chắc chắn thành quả đào tạo của nó sẽ góp phần quyết định cho tương lai của PGVN như tấm lòng hoài bão của những người đã ra công thực hiện.

Hai là Giáo Hội này đã tổ chức và thực hiện được bước đầu, Đại Tạng Kinh Việt Nam. Đây là một nỗ lực không chỉ tùy thuộc vào tài chánh mà còn vào khả năng trí tuệ trên nhiều lãnh vực nghiên cứu, dịch thuật mà nếu không tập hợp được các khả năng này thì không dễ làm gì được. Trong khi Phật Giáo ở các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Đại Hàn và phần lớn các nước trong truyền thống Nam truyền đã có Đại Tạng từ lâu; và ngay cả Âu Mỹ mà lịch sử du nhập và phát triển Phật Giáo đang còn mới mẻ nhưng công trình dịch thuật, nghiên cứu kinh điển Phật Giáo đã hết sức đồ sộ thì gia tài của PGVN, trên lãnh vực này, thực là ít ỏi. Cho nên, việc thực hiện Đại Tạng Kinh Việt nam là một đóng góp lớn vào sự nghiệp trí tuệ đang còn nghèo nàn của PGVN và là một công trình cần thiết cho những thế hệ học Phật ở Việt Nam hôm nay và ngày mai.

Những yếu tố đáng kể cho nhìn ra triển vọng của PGVN là đó. Nhưng bên cạnh và ngay nơi một số yếu tố đầy triển vọng này, PGVN cũng đang có nhiều nguy cơ hiểm họa.

  1. Một đa số quần chúng Việt Nam vẫn còn niềm tin Phật nhưng đó là niềm tin có quá nhiều tính chất tiêu cực và có nhiều những tác động tiêu cực ở ngoài vào trong khi không có nhiều những nỗ lực điều hướng và giữ gìn niềm tin này ở các tổ chức Phật Giáo. Niềm tin Phật đó vốn không đơn thuần mà bị pha trộn với nhiều hình thái tín ngưỡng dân gian đầy những mê tín và dị đoan. Tin Phật, tin nhân quả đó nhưng cũng tin vào bói toán, cầu đảo, vào sự thưởng phạt của đủ loại thần, thánh, ma, quỷ; và vì vậy, Đạo Phật vốn là đạo của Trí Tuệ, đã và đang còn bị nhìn bởi một số đông người như là Đạo của mê tín, dị đoan, hủ lậu. Ở miền Bắc – như được ghi nhận bởi nhiều người - niềm tin Phật của quần chúng trỗi dậy mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ không kém, sự trỗi dậy của nhiều hình thức tín ngưỡng dị đoan của nhiều người “làm ăn” ở những hình thức tín ngưỡng này. Trong quá khứ, những hình thức này có thể đã là cái thành trì tín ngưỡng chống đỡ lại sức công phá của những giáo điều, tín điều ngoại nhập vốn cũng mê tín và dị đoan không kém.
  2. Nhưng trong tương lai không xa, đất nước đi vào con đường Tây phương hóa, như một điều không thể tránh – ít ra là trên mặt kinh tế - con đường lấy dục vọng làm động cơ thúc đẩy và vì vậy có sức cám dỗ mãnh liệt và kéo theo nó là cả những thành quả của khoa học, kỹ thuật làm thay đổi não trạng và khuynh hướng sống của con người, một đạo Phật gắn liền với những mê tín, dị đoan chắc gì không bị lung lay, nghiêng đổ? Một Đạo Phật mê tín bị lung lay, nghiêng đổ chẳng có gì là đáng tiếc – đáng mừng là khác – nhưng nghiêng đổ để rồi, không có một Đạo Phật chánh tín thay vào thì không chỉ là một nguy cơ suy tàn của Phật Giáo mà còn là cả một hiểm họa cho dân tộc trên mặt đạo đức. Một Đạo Phật chánh tín cho quần chúng không có, nguy cơ đó không phải trách nhiệm ở quần chúng mà là ở những người đang giữ gìn mạng mạch của Phật Giáo ngày nay.

    Cũng trong viễn tượng của một xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi và thay đổi với một tốc độ rất nhanh, những hiện tượng tiêu cực trong Phật Giáo hiện nay - đặc biệt là ở cơ cấu tổ chức và ở giới Tăng sĩ trên cả hai mặt phẩm chất đạo đức và khả năng - nếu không sớm điều phục thì chỉ trở thành đối tượng cho những khai thác không mấy lương thiện của nhiều thế lực khác mà thời nào cũng có, góp phần lay đổ niềm tin Phật của quần chúng và mở lớn cơ nguy suy tàn của PGVN mà thôi.

    Ngay với một thành phần không nhỏ giới trí thức Việt Nam đang tìm về Phật Giáo như tìm về một nền tảng tư tưởng và đạo lý cho đời sống cũng sẽ không làm gì được nếu như Phật Giáo không có được môi trường thích hợp cho những sinh hoạt trí tuệ; và nếu như giới này chỉ thấy được cái hay của Đạo Phật trong kinh sách và trong quá khứ mà không thấy được cái hay của Đạo Phật trong hiện thực đời sống và xã hội trước mặt. Chánh Pháp, cuối cùng, may lắm thì chỉ còn với một số cá nhân mà không thể trở nên ngọn đuốc hướng đạo cho đời sống tinh thần của ngay cả quần chúng Phật tử, nói gì đến xã hội.

  3. Nguy cơ suy tàn trên đây vốn liên hệ tới vai trò của các tổ chức Phật Giáo và phẩm chất của người Tu sĩ Phật Giáo.
  4. Tổ chức Phật Giáo trong mấy mươi năm nay cứ như một tấm thân ốm yếu bệnh hoạn lại cứ phải đắm trong một bầu không khí ô nhiễm. Ốm yếu, bệnh hoạn vì như chưa bao giờ Phật Giáo Việt Nam có được những chuẩn bị đầy đủ cả về lý thuyết lẫn thực tế cho một tổ chức Giáo Hội vừa muốn giữ lại tinh thần của Tổ chức Tăng đoàn thời nguyên thủy; vừa muốn có đủ giáo quyền để đảm nhiệm tất cả các mặt thế trị phức tạp như các tổ chức tôn giáo ở Tây Phương. Rõ ràng đây là một ý hướng nhằm giải đáp những yêu cầu đặt ra cho một tổ chức tôn giáo trong xã hội hiện nay; và ở trường hợp của PGVN, còn là cái yêu cầu bức thiết của hoàn cảnh lịch sử lâu đời không cho phép PGVN thu mình lại trong bốn bức tường của Thiền môn. Nhưng rõ ràng, hai ý muốn đó chứa đựng một nghịch lý đã không được trả lời thỏa đáng trên thực tế. Và vì vậy mà, Tăng đoàn trở nên lỏng lẻo trong đời sống hành trì và tổ chức Giáo Hội thì không đủ sức chủ động được các mặt thế trị phức tạp.

    Tăng đoàn trở nên lỏng lẻo vì thiếu đi cái xương sống của nó là những truyền thống tu tập - điều mà một tổ chức Giáo Hội – dù cho có đủ giáo quyền đi chăng nữa – không thể đảm nhiệm được. Sự thiếu vắng những truyền thống tu tập, ngoài hai thời công phu và khóa lễ Tịnh độ ở các chùa, viện, đã làm cho đời sống người Tu sĩ thiếu nội lực tâm linh và phẩm chất người Tu sĩ ngày càng yếu kém trên cả hai mặt đạo đức và khả năng. Thiếu nội lực và yếu kém phẩm chất mà lại mang thân vào đời để đảm nhiệm các mặt thế trị phức tạp của một tổ chức Giáo Hội như yêu cầu mong muốn thì thật khó tránh được cái “họa sát thân”. Cái họa đã rõ, ít ra là từ sau 1963 đến nay. Ngoại trừ một số vị giữ mình nghiêm mật, còn một số lớn khác đã không tránh được cái "bả lợi danh" của thế tục. Hỡi ôi! Đức Phật như một gương mẫu vẹn toàn đã vức bỏ tất cả để thành tựu được tất cả mà ngày nay, một số Tu sĩ hành đạo lại chỉ muốn ôm giữ tất cả để phải mất tất cả thì làm sao mà Phật Giáo thoát cảnh suy tàn! Một giáo lý cao đẹp chứa đầy tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ, Vị Tha, Vô Ngã… mà ngày nay, một số người con Phật càng sống, càng hành đạo thì bản ngã như lại càng to, càng lớn, càng thích loạn ngôn và múa may trên sân khấu đời. Nguy cơ khó tránh được là vậy.

    Các tổ chức Giáo Hội, cũng vì vậy mà không chủ động được các mặt thế trị phức tạp. Trái lại, chính các mặt thế trị này lại lôi cuốn các tổ chức Giáo Hội vào trong vũng lầy của nó để có muốn dứt ra cũng không được. Hậu quả là, các hoạt động của Phật Giáo trên các mặt thế trị bị rơi vào trong những cực đoan bên này, bên kia trong cái thế đối nghịch của hoàn cảnh lịch sử và xã hội; để cuối cùng, nhiều khi không tránh được cái thảm cảnh "gà nhà bôi mặt đá nhau". Con đường của Phật Giáo vốn là Trung Đạo, là con đường vượt trên và vượt qua các cực đoan đối nghịch trong tư tưởng và hành động và chỉ như vậy mới hiện thực được mục đích của nó giải thoát con người khỏi mọi sự ràng buộc đau khổ. Thì ở đây, các tổ chức Giáo Hội lại cứ bị du vào cái thế "mua dây buộc mình". Đối nghịch giữa tổ chức này với tổ chức khác là điều khó tránh dù cùng là Phật Giáo với nhau. Càng khó tránh hơn là cái hiện tượng đối nghịch xung khắc ngay trong cùng một tổ chức Phật Giáo. Bởi vì, ở đây – như mọi tổ chức thế tục của con người – các mâu thuẫn về quan niệm, khuynh hướng, sở thích và tánh khí của cá nhân không lúc nào mà không phát sanh; và khi không có gì chế ngự được nó thì mâu thuẫn trở thành xung khắc đối nghịch.

    Đường lối chính sách của tổ chức Phật Giáo, nếu có, cuối cùng chỉ có trên lý thuyết, còn trong thực tế thì hoàn toàn tùy thuộc vào khuynh hướng, sở thích, cảm tính của các cá nhân lãnh đạo, điều hành và theo sự tác động, ảnh hưởng, chi phối ở bên ngoài vốn đã đầy những trang chấp, đối nghịch. “Dở hay âu cũng tính trời, biết sao!” Đó là căn bệnh trầm kha của các tổ chức Phật Giáo. Ba cửa thanh tịnh của nhà Phật, Không, Vô Tướng, Vô Tác như chỉ còn trên trang kinh để thay vào đó, ba cửa Hữu (Tham), Tướng (Sân), Tác (Si) mở rộng để cho ngôi nhà Phật Giáo tràn ngập các mùi vị của thế tục; và sinh lực của nó bị cuốn trôi vào những hoạt động thế tục. Mối nguy thực đã quá rõ. Càng nguy hơn khi nó phải đắm mình trong một bầu không khí ô nhiễm của lòng người ly tán vì sự ngăn cách của đủ thứ cảnh ngộ và chướng ngại; của hoàn cảnh chính trị, xã hội nhiễu nhương và của bao nhiêu thế lực chỉ muốn lợi dụng và biến Phật Giáo thành con cờ của họ.

  5. Một mối nguy khác có tính cách lịch sử giai đoạn nhưng lại ở trên một quy mô lớn, ảnh hưởng toàn diện lên các sinh hoạt của PGVN hiện nay là sự hiện diện song hành của hai tổ chức Giáo Hội ở Việt Nam: Giáo Hội PGVN Thống Nhất và Giáo Hội PGVN. Mặc dầu cả hai Giáo Hội đều có những đóng góp có ý nghĩa như đã nói; *và mặc dầu, đứng ở những vị trí khác nhau, người ta có thể có những cái nhìn khác nhau về mỗi Giáo Hội; nhưng, ngay cả sự hiện diện song hành của hai Giáo Hội vốn đã tiềm ẩn những cơ nguy khó lường.

 Không như mối liên hệ kiểu "ai tu phận nấy" giữa các tổ chức Tông phái với những truyền thống, pháp môn tu tập khác nhau - điều mà PGVN có nhưng đang thiếu, đang cần. Cũng không như mối liên hệ thân hữu dễ dàng được thiết lập giữa các tổ chức Giáo Hội tập hợp các thành phần khác nhau và sinh hoạt trong những môi trường, khu vực khác nhau của cùng một tôn giáo - điều mà PGVN có nhưng đang thiếu, đang cần. Cũng không như mối liên hệ thân hữu dễ dàng được thiết lập giữa các tổ chức Giáo Hội tập hợp thành các thành phần khác nhau và sinh hoạt trong những môi trường, khu vực khác nhau của cùng một tôn giáo - điều mà PGVN cũng đã từng có và không bao giờ phải trở thành vấn đề. Mối liên hệ giữa GHPGVN và GHPGVN TN có nhiều yếu tố phức tạp, tế nhị lại chịu sự tác động nặng nề của tâm cảm và hoàn cảnh chính trị không mấy "xuôi chèo mát mái" của đất nước; và vì vậy mà trở thành vấn đề. Một bộ phận lớn của GHPGVN là GHPGVNTN. Nhưng không vì vậy mà ta có thể nói, đây là hai Giáo Hội anh em dù giữa hai Giáo hội có nhiều thầy trò, anh em với nhau. Một Giáo Hội thì ép mình theo thời thế để duy trì mối đạo; và vì vậy làm được nhiều việc nhưng cũng chịu nhiều nỗi đắng cay. Một Giáo Hội thì không chịu ép mình theo thời thế để nói tiếng nói cho những bất công, áp bức nên không làm được gì nhiều nhưng khẳng định được tinh thần có tính cách truyền thống của người Phật tử Việt Nam. Hai Giáo Hội biểu lộ hai thái độ phản ứng có tính cách nghịch hướng trước thời thế; và cả hai thái độ đều có những lý do thích đáng của nó.

 Việc nhận ra những lý do thích đáng này để bao dung được nhau không phải là điều khó, nếu ta vượt qua được những xúc cảm nhất thời và không để cho những tác động tiêu cực ở bên ngoài chi phối để nhìn ra được Con Đường Lớn của PGVN giữa những nghịch cảnh vốn đã rất đau long. Tiết thay, tác động tiêu cực của các thế lực bên ngoài quá nặng, kích động các mối xúc cảm nhất thời khiến cho việc nhìn nhận nhau, bao dung nhau thành khó. Càng khó hơn khi có một số người - ở cả hai - đứng hẳn vào trong quỹ đạo của các thế lực này để kết án lẫn nhau, tạo nên các màn "chỉ điểm, đấu tố" nhau một cách kỳ cục, khó coi chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo. Đó là mối nguy thứ nhất đã được thấy của hiện trạng song hành hai Giáo Hội.

Giáo Hội nào cũng có thầy. Thầy nào - bất kể chánh hay tà, chân hay ngụy, đấu tố hay bị đấu tố - cũng có một số người theo. Theo để học đạo. Đó là điều quá quý và không có gì để nói. Điều đáng nói là, những người theo để lợi dụng hoặc bị lợi dụng hoặc theo vì cảm tính hay vì chút liên hệ nào đó. Mối nguy nói đến trên đây sẽ không còn giới hạn trong một vài cá nhân liên hệ mà đã và sẽ mở rộng ra trong quần chúng đi theo này. Quần chúng lại là lớp người dễ bị kích động tâm lý - nhất là lúc nào cũng có sẵn người làm công việc kích động này và ở trong bầu khí đầy nghi kỵ, tranh chấp, thù nghịch bởi nhiều cảnh huống phân ly hiện nay. Đến đây thì không chỉ là tình trạng ngăn cách, phân hóa, bất hợp tác giữa các khuynh hướng Phật Giáo mà là sự xung khắc thù nghịch giữa các khối lực quần chúng Phật Tử. Sẽ có nhiều lý lẽ để biện minh cho sự xung khắc, thù nghịch này của mỗi bên - nhất là cái lý lẽ nhị nguyên phi Phật Giáo "chánh-tà, chân-ngụy" đã được nói đến nhiều. Nhưng điều đó có ích gì hay chỉ xé nát và chôn vùi Phật Giáo trong bầu khí hận thù ở khắp mọi nơi và di lụy lâu dài cho các thế hệ Tăng ni và Phật tử mai sau. Đó là mối nguy thứ hai mà hiện trạng song hành hai Giáo Hội đã và sẽ chỉ làm cho nó ngày một thêm rộng, thêm sâu.

 Ngay đến đặt sự hiện diện hai Giáo Hội này vào một hoàn cảnh bình thường – nghĩa là như tất cả mọi tổ chức trong xã hội, "đường ai nấy đi” để không có nữa, các màn đấu tố và thái độ thù nghịch nhau – điều tốt đẹp nhất mà có người đã nghĩ tới và mong muốn – thì vì những liên hệ phức tạp của chúng, sự hiện diện song hành này cũng không thể trở thành bình thường. Chỉ những mặc cảm, thành kiến sâu dày đã có không thôi mà lại ở vào tình trạng "không thể không gặp nhau" trong đời sống và trên các mặt hoạt động vì những liên hệ và tánh cách của nó, những va chạm thường xuyên là điều không thể tránh. Cũng là hoạt động từ thiện xã hội cho cùng một đối tượng nạn nhân đó mà gặp nhau không thể "tay bắt mặt mừng"như với một tổ chức tôn giáo khác cũng đã là khó nói, cũng đủ tạo nên những dư luận không mấy tốt đẹp và sự hoang mang dao động trong quần chúng huống gì những va chạm khó tránh. Oán tằng hội khổ là vậy. Rồi với những cơ sở hiện nay của Phật Giáo và những cơ sở mà bên này, bên kia đang đòi hỏi trả lại cho Phật Giáo, việc xác định chủ quyền của nó thuộc Giáo Hội này, Giáo Hội kia cũng không phải là điều giản dị; và ai đảm bảo, sẽ không có những tranh chấp làm tổn thương cho Phật Giáo sau này? Đó là mối nguy "tốt nhất" của hiện trạng song hành hai Giáo Hội.

 TRƯỚC NGƯỠNG CỬA THẾ KỶ 21

Đất nước Việt Nam đang thay đổi. PGVN cũng không thể ở mãi trong tình trạng như hiện nay. Nhưng thay đổi như thế nào?

Phật Giáo là một tôn giáo không có giáo điều nên là tôn giáo có khả năng thích ứng nhất với mọi đổi thay của hoàn cảnh; lại là một tôn giáo, tự bản chất, không trụ vào bất cứ pháp tướng nào. Ngay cả Pháp tướng Niết Bàn mà cũng không thì huống gì các pháp tướng lịch sử và thời đại mà bản chất của nó chỉ là vô thường, vô ngã, chỉ là không.

Trên bình diện tuyệt đối, "Chánh pháp cũng phải xả hà huống là phi pháp". Âm vang của lời kinh đủ cho người có chí nguyện tu học và phụng sự Phật Pháp bình thản đi giữa mọi cơ nguy và đau khổ mà sống trọn chí nguyện của mình. Nhưng trên bình diện tục đế của đời sống nhân văn và xã hội và với tất cả những liên hệ duyên khởi, người hoài tâm cho Đạo không thể không nhìn vào những triển vọng và cơ nguy của Đạo trong khi thực hiện chí nguyện của mình. Nhìn vào để thấy, để biết. Biết đường mà đi. Biết cửa mà vào. Biết nguy cho Đạo để tránh. Biết an cho Đạo để làm. Biết tất cả đó là Pháp sinh diệt vô thường để không vướng mắc, kẹt dính vào đâu. Lại biết tất cả đó đều là nơi để thành tựu tất cả công hạnh tu tập để không hề chán nản, để trải lòng, trải thân ra mà trọn nên chí nguyện cho Đạo, cho Đời. Đó là những gì mà các bậc Thầy Tổ xưa đã từng nêu gương để mở ra Con Đường Lớn của PGVN.

Con Đường Lớn của PGVN là gì?

Đó là con đường không trụ, không bám vào bất cứ cực đoan đối nghịch nào trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi thời. Mạng sống của con người và của lịch sử đã phải bị kềm hãm giữa hai bờ của những cực đoan đối nghịch ngay từ thưở bắt đầu của nó; và vì thế, đã không một ngày nào trên mặt đất mà không có chiến tranh, thù hận. Con đường của Phật Giáo là con đường giải thoát - giải thoát con người khỏi mọi ngục tù của những thành kiến, tà kiến, thiên kiến, biên kiến, ngục tù của những quan niệm, ý hệ cực đoan, những động lực mù quáng đã gieo rắc chiến tranh, hận thù ở khắp nơi. Ý thức về tất cả những tai họa đã có, đang có và sẽ có cho dân, cho nước, cho đạo, PGVN không thể để mình bị kẹt dính vào đâu trong những cực đoan đối nghịch mới có thể hiện thực được con đường giải thoát này.

Đó là con đường không trụ, không bám vào bất cứ một pháp tướng lịch sử và thời đại nào. Mọi pháp tướng đều là không tướng, đều là giả hợp, vô thường, tạm bợ. Những pháp tướng lịch sử và thời đại của PGVN hiện nay đều là những phương tiện để hành đạo, để thực hiện công hạnh độ sanh của người con Phật Việt Nam chứ không thể và không nên là cửa ngỏ cho những lợi danh có tính cách thế tục là đầu mối cho những tranh chấp, tạo thành các cơ nguy cho Đạo. Mặc dù các pháp tướng đều cần thiết và có vai trò của nó – và vì vậy, cần được quan tâm, giữ gìn, xây dựng sao cho phù hợp với tinh thần Phật Giáo, với truyền thống và với nhu cầu của hoàn cảnh, thời đại – nhưng điều thiết yếu không phải là ôm giữ những pháp tướng này mà làm gì, làm thế nào để - bằng vào những pháp tướng đó - hiện thực được Đạo Phật trong đời sống của con người và xã hội cho hôm nay và mai sau.

Đó là con đường của sự sống - sự sống cụ thể của con người trong những điều kiện tâm sinh lý và môi trường thiên nhiên xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế… của nó. Một Đạo Phật thực sự, vì vậy, không thể không đối diện với những vấn đề của con người - những vấn đề căn bản của hiện sinh cũng như những vấn đề mà hoàn cảnh và thời đại đặt ra cho nó. Đối diện để cung ứng những phương pháp trị liệu và chuyển hóa chứ không phải để tạo thêm vấn đề cho con người. Chỉ với những phương pháp trị liệu và chuyển hóa này mà sự có mặt của Đạo Phật mới thực sự có ý nghĩa.

Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, cái cần có để cho Phật Giáo là con đường của sự sống là một Đạo Phật chánh tín cho quần chúng để đối trị với những mê tín đang còn đầy dẫy; là một nền giáo dục đặt căn bản ở sự tự giáo dục và việc tái dựng những truyền thống tu tập để đối trị với tình trạng sa đọa tâm linh của con người ngày nay – trong đó có cả giới Tu sĩ – đang bị cuốn trôi vào khuynh hướng hưởng thụ và tìm kiếm hư danh; và để có được cho đời, những bậc thầy có chí nguyện và hoài bão, có phẩm cách đạo đức và khả năng làm công việc đối trị và chuyển hóa này. Sau nữa, một sự nghiệp Trí Tuệ của PGVN cần được trân trọng xây dựng bên cạnh những xây dựng khác để cho cuối cùng, PGVN không phải chỉ còn lại những đống tro tàn của một thời ngổn ngang mà còn đó, một ngọn đuốc sáng cho dân tộc tìm lại được Phẩm Giá và thấy được đường đi về sự Thanh Bình, An Lạc và Chân Lý sau khi đã đánh đổi quá nhiều đau thương, mất mát.

Giữa biển trần mờ mịt, đâu chánh, đâu tà, đâu chân, đâu ngụy? Nói bao nhiêu cũng chỉ là nói mộng huống chi là những cãi cọ với ngôn từ. Kỳ cùng, có lẽ chỉ có sự sống của con người với những đau khổ và hạnh phúc của nó mới cho được câu trả lời đích thực.

 Phật Giáo Việt Nam trước ngưỡng cửa Thế Kỷ 21. Triển vọng và cơ nguy. Tất cả đều đang có mặt và đang góp phần. Có Con Đường Lớn của PGVN dẫn con người Việt Nam đến trước ngưỡng cửa thế kỷ 21 hay là chỉ còn đó những trò chơi vẽ vời cảnh thế gian của tâm thức mộng mị trước khi khép lại cánh cửa cửa thế kỷ này? Kỳ cùng, cũng có lẽ, chỉ có người mang cái danh Phật Tử Việt Nam, Tu sĩ hay không là Tu Sĩ, với cái tâm và cuộc sống hiện thể của nó, mới quyết định được cho câu trả lời.

 Đem tấm lòng thành viết để hiến cúng Đức Phật và dâng đến những tâm hồn đã từng khóc cười với Phật Giáo Việt Nam.

Những ngày cuối năm 1996.

Mục lục | Dẫn Nhập | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 1 8 | 19 |

 


Vào mạng: 24-11-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang