- PHẬT GIÁO TRONG
THẾ KỶ MỚI
- PHẬT LỊCH 2540 – GIAO
ĐIỂM
- Tuyển tập 1
- ***
- PHẦN
BỐN
- DÂN TỘC
VÀ TÔN GIÁO
TA VỚI TA
GS-TS Cao Huy Thuần
Thuở 1948-50, lúc tôi bắt
đầu “quay một vòng hát mà chơi" trong gia đình Phật tử, anh
Võ đình Cường đã cho xuất bản quyển Ánh Đạo Vàng mà thiếu
niên chúng tôi hồi đó đều say mê. Từ đó đến nay, dù chẳng khi nào
ở gần anh, tôi lúc nào cũng có cảm tưởng như anh em cùng sống với nhau
dưới cùng một mái nhà- một mái chùa. Vì vậy, lúc thầy Thiện Châu đề
nghị tôi làm chủ tọa để tiếp anh Cường trong buổi hội ngộ hôm nay,
tôi vừa hân hạnh lại vừa bỡ ngỡ? Tại sao tôi lại phải “tiếp”
anh Cường? Tôi là chủ, anh Cường là khách? Tôi là "chủ tọa",
anh Cường là "khách tọa"? Rốt cuộc, cả anh và tôi đều là chủ
tọa, và điều đó gợi đề tài cho bài mở đầu của tôi. Tôi sẽ nói lăng
nhăng về hai chữ khách, chủ.
Tự xét mình, tôi chưa bao giờ là
chủ của một cái gì, kể cả cuộc đời của tôi, kể cả thân xác của
tôi.Tôi muốn tóc cứ xanh, nó cứ bạc. Tôi muốn ngủ, mắt không muốn nhắm.
Tôi đâu nghĩ có ngày phải sống xa nước, vậy mà rồi cũng bèo dạt mây
trôi. Luật Việt Nam ngày xưa bảo tôi là chủ gia đình. Có ai trên đời này
dám vỗ ngực xưng mình là chủ của bà vợ? Vay nợ để mua nhà, tôi là
chủ của cái nhà, hay cái nhà là chủ của tôi? Buồn, vui, thương, yêu, giận
ghét, cứ đến cứ đi, có thể xin phép gì tôi đâu? Tổng Đốc Hoàng Diệu
thắt cổ tự tử khi Hà Nội thất thủ, ông là chủ của cái cổ hay quan
niệm về danh dự là chủ của chiếc dây? Ý nghĩ mà tôi đang nói ra đây,
tôi đang làm chủ nó hay nó đã bắt đầu đưa đẩy tôi đi đến chỗ nào
tôi chưa biết? Không ai là chủ của một cái gì cả, vì lẽ giản dị
không có cái gì là khách.
Anh Cường là khách của tôi? Còn
lâu! Khi anh bước chân vào chùa này, khi anh nhìn thấy Phật, tôi cam đoan
anh không nghĩ anh là khách. Làm sao anh là khách của Phật! Rất nhiều người
trong chúng ta, nếu không muốn nói là tất cả, khi đặt chân lên đất nước
của chính mình, bỗng thấy mình là khách. Từ cái hộ chiếu phải cầm,
cho đến cách đối xử trong việc ăn ở, đi lại, giao tế, tất cả đều
dồn chúng ta đến cái cảm giác lạ lùng rằng mình là khách. Nhưng sức mấy
mà tôi là khách đối với đất nước tôi! Khi tôi mở cửa sổ và bất
chợt thấy "nắng hàng cau nắng mới lên", có cắt lưỡi, tôi
cũng phải nói rằng tôi không là khách của ông Hàn Mạc Tử. Tôi không
là khách của con trăng treo lơ lửng trên đầu ngọn tre; tôi đang thầm thì
nói với nó, cũng như tôi đang thầm thì nói với tiếng giọt mưa rơi trên
tàu lá chuối: "em đã là tôi tự thuở nào".
Mà tôi cũng không phải là khách của
nước Pháp, của nước Mỹ. Thời 1973-74, lần đầu tiên tôi đến nước
Mỹ, giữa lúc chiến tranh quyết liệt, sắp đến hồi kết thúc. Tôi đến
thăm một trường đại học để hô hào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt
Nam, và tôi thấy gì? Một cái chuồng cọp, y hệt cái chuồng cọp ở Côn
Đảo, với các cậu sinh viên thay phiên nhau ngồi chồm hổm trong đó. Tôi
là khách sao được của những tình cảm thắm thiết kia? Không người trí
thức nào thuộc thế hệ anh Cường nói mình là khách của vường
Luxembourg khi lần đầu tiên nhìn lá vàng rơi trên những pho tượng trắng.
Không có chủ, không có khách, bởi vì chủ hay khách là tự trong lòng, chỉ
một khoé môi là chủ thoắt biến thành khách, chỉ một ánh mắt là khách
vụt trở thành chủ. Cũng anh Thúc Sinh đó thôi, nhưng khi "trăm nghìn
đổ một trận cười như chơi" thì là quen, mà khi đờ mặt ra nghe
Kiều đàn với bà Hoạn Thư thì người đâu mà lạ thế!
Ngày trước, tôi thường hay bâng
khuâng với hai chữ "nhị hỷ" trong truyền thống cưới hỏi của
chúng ta. Đưa dâu là ngày hôm trước, đưa vợ mới cưới về thăm nhà
cha mẹ là nhị hỷ hôm sau. Nhị hỷ là nỗi vui thứ hai; thế thì nỗi vui
thứ nhất hẳn là ngày cưới. Thế mà có người con gái nào không khóc sướt
mướt khi lên xe hoa! "Khấp như thiếu nữ vu quy nhật", đố
ai biết nước mắt đó buồn hay vui. Có người bị ép uổng, khóc đã đành.
Các cô gái trong Nguyễn Bính đâu có lên xe hoa, chỉ qua đò, sang ngang.
Cách một con sông, trời ơi, chỉ còn có cái cửa sau để ngóng về quê mẹ.
Nhưng có người vui cũng khóc. Khóc vì tình cảm khách chủ ngổn ngang. Ra
đi, bỗng nhiên là khách, khách của tất cả những gì đã tạo ra mình, từ
cái mái nhà, mái hiên, đứa em út đang ngẩn ngơ nhìn chị cho đến con chó
đang ngoe nguẩy đuôi. Có phải nhị hỷ là để khách ngày hôm qua trở lại
là chủ của ngày hôm sau? Đố ai nói được! Khi cô dâu hôm trước bước
vào nhà, đứa em gái đã thay chiếc khăn nơi giường của chị. Nó đã
xoay lại chiếc bàn học, cắm một đóa hoa, làm dỏm một bức rèm. Cha mẹ
cô mừng rỡ, nhưng trong dáng tiếp con không phải như mừng con đi học về
ngày hôm qua. Có một cái gì lạ trong tất cả những cái đều quen. Ấy,
đứa em gái vừa rót mời chị một ly nước. Sao bây giờ nó bỗng rót nước
mời chị! Đưa dâu, chưa hẳn là ra đi vì trong lòng người con gái chưa rời
được nhà cũ. Nhị hỷ, lúc trở về, đó mới là lúc người con gái
thấy mình đã cất bước, con chim đã rời tổ.
Những chuyện lăng nhăng, vớ vẩn
như vậy trong đời đã đưa tôi vào đạo Phật lúc nào không hay. Người
con gái trở về nhị hỷ là khách thật chăng? Không hẳn. Là chủ chăng?
Cũng không. Anh Cường không phải là khách, không phải là chủ. Tôi đối
với tấm thân này của tôi, đối với cuộc đời của tôi cũng thế. Không
có cái gì là một, không có cái gì là hai. Nhìn một sẽ không thấy hai.
Nhìn hai sẽ không thấy một. Phật dạy cho tôi sự biết rốt ráo, vượt
lên trên một, vượt lên trên hai. Có lẽ chỉ có con cú, con chuột chù mới
chỉ thấy đêm, không thấy ngày. Có lẽ chỉ có anh triết gia gàn ngày xưa
mới thắp đuốc đi chơi đêm để nuôi ảo tưởng chỉ có ngày, không có
đêm. Thói thường, ai cũng biết rằng mọi sự vật ở trong đời đều có
đôi, có cặp: ngày đêm, tả hữu, cao thấp, trên dưới, lạnh nóng, xa gần,
tĩnh động… Từ đó, trong ý niệm cũng nảy sinh ra từng cặp, từng đôi:
vui buồn, thương ghét, âm dương, thiên đường địa ngục, tâm vật, và rắc
rối hơn nữa duy vật duy tâm. Nhưng có ai là khách của ai đâu? Không có
thấp, làm gì có ý niệm về cao; không có xa, biết thế nào là gần? Bao
nhiêu triết gia đã thử định nghĩa thế nào là vui, nhưng đố ai biết
vui là gì nếu không có buồn, đố ai biết thiện là gì nếu không có ác?
Ông Mạnh Tử bảo: tính người là thiện: thế thì thiện là gì chứ? Ông
Tuân Tử bảo: tính người là ác; thế thì thiện là khách?
Mỗi lần ăn một bát phở ngon,
tôi thấy Phật. Thấy thực sự, rành rành trước mắt, chứ không phải chỉ
thấy qua triết lý, tôn giáo. Tôi thấy Phật từ từ đi ra bờ sông, tôi
thấy Phật nhúng mình trong nước, tôi thấy Phât đi lên bờ, ngồi dưới
gốc cây. Và đẹp quá, tôi thấy cô thiếu nữ mặc áo xanh thắm kính cẩn
dâng lên Phật một bát cháo náo với sữa và mật của hoa rừng. Chưa bao
giờ Phật nếm một thức ăn ngon như vậy sau sáu năm tu khổ hạnh trong rừng
già. Bát cháo làm Phật hồi sinh. Phật ngồi nghỉ, rồi Phật đứng dậy,
đi qua bờ bên kia sông, ngồi dưới gốc cây bồ đề. Tất cả triết lý
của Ấn Độ thời ấy nhắm vào việc chế ngự thân xác để làm sáng ra
sức mạnh siêu nhiên của tâm linh. Thân này là khách, tâm linh kia mới là
chủ. Đuổi khách đi thì người chủ mới làm chủ trọng ngôi nhà. Bát
cháo của cô thiếu nữ đã làm tan biến ý niệm khách chủ giữa thân xác
với tâm linh. Cũng vậy, tôi ăn bát phở và tôi thấy khoan khoái cả trong
dạ dày lẫn trong tư tưởng. Cũng như khi tôi nhìn thấy đóa hoa hồng
trong vườn: không phải chỉ mắt mũi tôi ngây ngất với sắc hương, cả
tâm linh của tôi phơi phới.
Kinh và chuyện thiền đã mang lại
cho tôi cả một kho tàng hình ảnh, ẩn dụ để khước ý niệm khách chủ,
một hai. Trên đầu ngọn núi cao ngất kia, mây trắng kết thành một vòng.
Cái hình ảnh đẹp trước mắt là đỉnh núi với vòng mây. Trong cái trực
nhận đầu tiên về cái đẹp, trong một thoáng rất nhanh mà cảm quan bắt
chợt được cái đẹp như là cái đẹp, đâu có sự phân biệt đây là
núi, đó là mây. Hai bàn tay vỗ vào nhau đánh bộp. Bàn tay trái bảo: tiếng
bộp đó là tao. Đâu phải! Bàn tay mặt bảo: là tao, không phải mày. Đâu
phải! Là hai bàn tay chăng? Sai nốt ! Bằng chứng là nếu tôi đặt lòng
bàn tay này lên lòng bàn tay kia mà không vỗ thì chẳng nghe tiếng bộp
nào. Thế thì tiếng bộp đó là do sự vỗ chăng? Có tất cả trong tiếng
bộp, nghĩa là có một, có hai, có nhiều, có vô vàn yếu tố. Bồ Đề Đạt
Ma đã nói một câu tuyệt vời: "muốn thấy cá phải nhìn nước".
Chỉ cần chiêm nghiệm một câu đó thôi, là thấy cả chân lý và phong
thái sống trong đời. Thấy cá là thấy một, thấy nước là thấy một.
Thấy hai cũng trật, mà thấy một cũng sai. Cho nên tất cả lý thuyết nào
nói rằng do một mà sinh ra tất cả, tôi cười. Không có một ông thượng
đế nào sinh ra vạn vật. Tôi sống trong cuộc đời không đóng đinh chữ
một vào óc. Tôi không quỳ lạy trước Một, cho nên tôi tan hòa trong Tất
Cả. Mà làm sao tôi thấy Một được khi ngây ngất với đóa hoa hồng của
tôi? Màu hồng thắm nơi cánh hoa do đâu mà có? Nếu cánh hoa khoe rằng nó
là chủ của sắc màu thì mặt trời sẽ giận: không có ánh nắng, hoa lấy
sắc thắm ở đâu? Nếu mặt trời đắc thắng vỗ ngực bảo nó là chủ
của màu hồng, thì hạt mua sẽ không bằng lòng: không có mưa làm gì có
hoa? Nhưng ai dám bảo mưa là chủ: không có mây làm gì có mưa? Tất cả vạn
vật sẽ đi kiện nhau, nếu ai cũng cho mình là chủ: sông nước kiện mây,
bởi vì không có hơi nước thì làm gì có mây: không khí chuyển động kiện
hơi nước, bởi vì hơi nước làm sao bốc lên trời được nếu không có
chuyển động không khí?
Trong chuỗi kiện cáo liên miên bất
tận không đầu không đuôi đó, nếu có một ông thượng đế tự đứng
ra làm quan tòa tối cao để phân xử và cười khà phán rằng ta đây mới
thật là chủ, thì vụ kiện vẫn chưa yên đâu, bởi vì có kẻ sẽ đứng
ra kiện ông thượng đế: kẻ đó là tôi. Tôi kiện, vì nếu không có tôi
thì làm gì có ông? Không có tôi run sợ, khép nép, làm gì có ông là giải
pháp tối cao? Tôi là chủ, ông là khách. Lịch sử ở phương Tây này có
gì khác nhau đâu là lịch sử kiện cáo giữa con người với ông. Có nhiều
lúc con người ngạo nghễ: "thượng đế chết rồi!" Có lúc ông
hát khải hoàn ca: "Thượng đế phục thù!" Thế thì ông là chủ,
người là khách? Tôi thấy quan hệ đấu tranh giữa con người với ông ở
phương Tây này mệt quá, trong đóa hoa hồng trong vườn tôi bình yên nở
cánh. Mời ông xem, nơi nó có tất cả vạn vật, và tất cả vạn vật tụ
lại trên nó. Nó không là chủ của ai, không ai là chủ của nó, mà cũng
không ai là chủ của ai.
Vứt hết ý niệm một, vứt hết
ý niệm hai, vứt luôn cả ý niệm vừa một vừa hai, vứt hết, rồi hãy tưởng
tượng mà xem: không có sự giao tế nào đẹp hơn giữa người với người,
bởi vì ai cũng là chủ và không ai là khách. Đó là sự giao tế giữa trăng
với nước.Trăng lên, và nước không mời, trăng cũng đến chơi, trăng là
nhà của nước, nước là nhà của trăng, nước xao thì trăng vỡ, nước lặng
trăng tròn. Ném hòn sỏi xuống nước, một tia nước rơi vào lá cỏ: trong
hạt nước đọng trên lá vẫn có nước. Trăng nhởn nhơ trong nước,
nhưng trăng không ướt; về khuya, nước cũng không làm trăng lạnh.
Anh Cường đến chơi với chúng ta,
áo anh khô và người anh ấm. Tiếp anh, tôi xin đọc một bài thơ mà chúng
ta đã học từ thuở lớp nhì, lớp nhất. Thuở ấy, thầy giáo cắt nghĩa
cho tôi khác, bây giờ tôi hiểu với một tinh thần khác. Tôi lăng nhăng nói
trăng nói cuội nãy giờ cũng chỉ để đọc bài thơ kia với tinh thần này
mà thôi. Bài thơ của Nguyễn Khuyến mà ai cũng thuộc:
Đã bấy lâu nay bác đến nhà
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
Ao sâu lưới cạn khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn mướp đang hoa
Đầu trò tiếp khách trầu không
có
Bác đến chơi đây ta với ta.
Nguyễn Khuyến là nhà nho, chưa chắc
ông đã thông Hoa Nghiêm với Bát Nhã. Nhưng bài thơ là một chữ Không láu
lỉnh trong một chứ Có tài tình. Là chủ, ông vứt hết tất cả những
gì khiến ông là chủ, khiến bạn là khách, vứt hết ý niệm tiếp đãi,
lễ tân, khiến đó là đó, đây là đây. Trẻ con, chợ búa, cá mú, gà lợn,
cải cà, bầu bí, cau trầu, càng lo lắng chu toàn những phiền hà đó bao
nhiêu thì khoảng cách khách chủ càng xa bấy nhiêu. Tiếp bạn đâu không
thấy, chỉ thấy xa bạn, bạn chưa đến mà đã ra đi rồi. Vức khoảng cách
đi thì chẳng còn ai tiếp ai nữa, chỉ thấy phơi phới ta với ta, chẳng
biết ta nào là ta nào, hai ta đấy chăng hay chỉ một ta hóa hai, hai ta nhập
một. Tinh túy của Lão Trang bắt chợt gặp tinh túy của Thiền: vứt đi hết
để đến cái rỗng không thì thấy được cái tự nhiên trong đó con người
ung dung, thảnh thơi, tiêu dao, phóng khoáng, rong chơi như gió thổi qua nhà
trống.
Tôi xin chắp tay nhờ các bậc cao
minh chỉ giáo cho tôi hướng đi của Phật Giáo vào thế kỷ mới. Riêng
tôi, tôi không mơ tưởng chuyện lớn; tôi ước ao sống với Phật trong từng
chuyện vặt. Chuyện anh Cường đến chơi. Chuyện bài thơ Nguyễn Khuyến.
Tôi thấy chuyện vặt nhiều khi làm tôi gần Phật hơn là đại ngôn. Từ
ba chữ ta với ta của ông Nguyễn Khuyến chẳng hạn, tôi suy ra được khối
chuyện. Ví dụ: hãy "ta với ta" trước hết với ta. Trong cuộc sống
cam go giữa xã hội phiền toái này, tôi không phải chỉ một tôi mà trăm
ngàn tôi, nghĩa là trăm ngàn cái lưng, trăm ngàn cái lưỡi, trăm ngàn nụ
cười ruồi. Cười trung cười nịnh một hồi, riết rồi tôi biến thành
tôi của người, không thấy đâu nữa tôi của tôi. Đối với chính tôi,
tôi đã là khách rồi, làm sao tôi khỏi là khách đối với anh Cường ?
Anh Cường cũng vậy, anh đã là khách của anh, làm sao anh khỏi là khách đối
với tôi? Và cứ như vậy, chúng ta chỉ là khách của mình và khách của
nhau; ngồi ở đây chỉ toàn là khách với khách. Khách với khách bàn chuyện
"phát triển Phật Giáo", hoá chẳng phải là bàn về chuyện của một
khách khác hay sao? Tôi đề nghị thế này: cứ mỗi lần chúng ta uốn lưng,
uốn lưỡi, uốn nụ cười ruồi, hãy tưởng tượng ra rằng Phật đang dùng
tuệ nhãn nhìn chúng ta và cười khì. Không chừng nghe Phật cười khì mà
mình chợt tỉnh ra và bắt đầu tống khứ người khách ra khỏi lòng để
trở lại làm ta của ta. Ai cũng biết chuyện con khỉ Tôn Hành Giả: nó nhổ
một sợi lông, thổi một cái, biến thoắt ra trăm ngàn con khỉ đánh nhau
với yêu quái. Cái hay của con khỉ họ Tôn là từ một sợi lông, nó biến
ra trăm ngàn con khỉ rồi lại trở về với một con khỉ, là chính nó. Nó
là trăm ngàn bởi vì nó là nó. Ta nhổ hết lông cũng chẳng hạ được
con yêu nào, bởi vì ta chẳng là ta. Hiện tại, sao mà ai nấy lăng xăng làm
đủ mọi chuyện, trừ có mỗi một chuyện thôi là chuyện tu. Nói phát triển
làm gì cho mệt, khi từ cái bước đầu ta đã tự mình xa mình nghìn
trùng!
"Ta với ta", thứ hai, là với
gia đình. Đó là chuyện tôi cố gắng làm hằng ngày với vợ con, và thú
thực không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng làm hoài, ngã rồi đứng dậy,
làm nữa.
Thứ ba, tôi đang “ta với ta” với
anh Cường và với tất cả các bạn ở đây. Và thưa anh, giá như các
Giáo Hội của chúng ta cũng "ta với ta" với nhau thì vui biết mấy!
Cứ thế, trong tinh thần đó, hãy
“ta với ta” với những vấn đề cao siêu nhất của thời đại. Lý thuyết
về nhân quyền chẳng hạn. Quan niệm cá nhân như một chủ thể tối thượng
là quan niệm của Tây phương. Người chủ thể tối thượng là một người
đơn độc, bởi vì đứng cao nhất thì đương nhiên là đứng một mình.
Tôi không muốn đứng trên, tôi muốn đứng với. Không có ai nhào nặn ra
tôi rồi chỉ vào tôi tuyên bố: nó là tối thượng. Từ bản thân, tôi đã
là một mớ tương quan chằng chịt, làm sao tôi quan niệm được tôi ngoài
những tương quan, nghĩa là ngoài chữ với? Không có triết lý nào dạy
tôi hiểu ý niệm bình đẳng hơn là đạo Phật. Phật không dạy tôi chữ
trên, Phật dạy tôi chữ trong: chân lý là ở trong tôi, chỗ đứng xã hội
của tôi là ở trong mọi người. Tôi không ở trên, cho nên tôi không đi
ra; tôi ở trong cho nên tôi đi vào. Vào trong tôi và vào với mọi người.
Đi ra thì mất, thì là khách. Đi vào là được, thì là chủ. Tất cả đều
đi vào với nhau, ở trong nhau, và không ai ở trên ai. Đó là mối tương
quan giữa con người và quyền lực.
Tôi nghĩ đó không phải là nói
suông cho vui miệng. Lý tưởng của mọi người cầm quyền há chẳng phải
đừng là khách mà cũng đừng là chủ của nhân dân đó sao?
Và nếu bây giờ anh Cường hỏi tôi:
vậy thì tương quan giữa Phật giáo và lãnh đạo chính trị hiện tại
nên như thế nào? Tôi sẽ nói với anh: thì ta với ta!