1.
Giáo Pháp và Giới Luật
2.
Đi Đúng Đường, Đến Đúng Nơi
3.
Bốn Pháp Thiền Bảo Vệ.
4.
Giới Học
5.
Năm Chướng Ngại Tâm
6.
Các Tầng Thiền trong Thiền Chỉ và Thiền Minh Sát
7.
Phiền Não và Hạnh Phúc
8.
Hai Loại Hạnh Phúc
9.
Tốt Đẹp Ở Chặng Đầu
10.
Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa
11.
Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối
12.
Người Bạn Đạo Lý Tưởng
13.
Vai Trò Cần Thiết Của Sự Phát Triển Tâm Linh
14.
Tinh Tấn Và Dễ Duôi
15.
Hành Thiền Đúng Phương Pháp
16.
Tỳ Khưu Và Thiền Sinh
17.
Bốn Pháp Quán Niệm
18.
Gà ấp Trứng
Lời Giới Thiệu Của Như Lai Thiền Viện
Sách “Pháp Hành Đưa Đến Bình An" gồm 18 bài Pháp thoại do Hòa Thượng
Thiền S U Pandita diễn giảng trong khóa Thiền Minh Sát Đặc Biệt 20 ngày
từ 10 đến 29 tháng 5 năm 2004 tại Như Lai Thiền Viện.
Những bài Pháp thoại này được phiên dịch từ tiếng Miến sang tiếng Anh và
Việt ngay trong khóa thiền. Tỳ Kheo Pháp Luân phụ trách phần thông dịch
sang tiếng Việt và ghi chép lại để Như Lai Thiền Viện in thành sách hầu
phổ biến rộng rãi đến Phật tử và thiền sinh Việt Nam.
Trong khuôn khổ của một khoá thiền tích cực, Ngài Thiền Sư đã trình bày
Đạo Phật như là một phương cách sống tỉnh thức dựa trên Giới, Định, và
Huệ để tận diệt ba loại phiền não. Do đó, sự nghiêm trì giới luật là bước
đầu tối cần thiết cho việc hành thiền. Giới học giúp con người tránh khỏi
thân nghiệp và khẩu nghiệp bất thiện là loại phiền não tác động. Thiền
sinh giữ giới trong sạch sẽ dễ dàng đạt được sự định tâm khi hành thiền.
Định học giúp tâm ý tập trung, tránh ý nghiệp bất thiện là loại phiền não
tư tưởng. Huệ học giúp tận diệt mọi phiền não ngủ ngầm trong tâm để
thành đạt sự giải thoát.
Ngài đề cập tổng quát đến bốn pháp hành thiền bảo vệ thuộc Thiền Vắng Lặng
gồm sự quán tưởng đến phẩm tính của Đức Phật, niệm tâm từ hay Từ Quán,
quán tưởng sự ô trược của cơ thể hay Bất Tịnh Quán, và suy niệm về hiện
tượng chết. Quán tưởng về phẩm tính của Phật làm tăng trưởng đức tin, yếu
tố cần thiết khích động nỗ lực hành thiền. Từ Quán đem lại 11 lợi ích cho
người thực hành. Bất Tịnh Quán làm suy giảm ái dục để bớt bị dính mắc. Và
suy niệm về hiện tượng chết để khỏi bị nỗi sợ hãi về cái chết vây bủa và
để sống một đời sống tràn đầy ý nghĩa.
Kế tiếp, Ngài cho thấy sự toàn bích của Giáo Pháp trong việc đem lại hạnh
phúc thanh cao cho chúng sanh. Giáo Pháp toàn bích vì tốt đẹp ở chặng đầu,
tốt đẹp ở chặng giữa và tốt đẹp ở chặng cuối. Tốt đẹp ở chặng đầu bởi vì
Giáo Pháp làm tăng trưởng đức tin. Khi nghe Giáo Pháp, tâm tỉnh thức khỏi
si mê và không bị năm chướng ngại chi phối. Tốt đẹp ở chặng giữa là sự
thực hành Giáo Pháp nghiêm chỉnh sẽ đem lại hai loại hạnh phúc là hạnh
phúc an tịnh và hạnh phúc minh sát. Tốt đẹp ở chặng cuối là sự hành thiền
Tứ Niệm Xứ hoàn mãn sẽ đưa đến sự chứng đạt Đạo và Quả khiến tâm an nhiên
tự tại không còn bị lay động bởi các pháp thế gian. Đây là sự giải thoát
rốt ráo.
Để thành đạt mục đích phạm hạnh của đời sống tu hành, trước tiên phải có
đức tính tinh tấn. Thiền sinh phải nỗ lực trong cả ba giai đoạn hành
thiền. Tinh tấn khởi động để bắt đầu hành thiền. Tinh tấn triển khai trong
khi hành thiền để vượt qua sự lười biếng, dễ duôi. Tinh tấn hoàn thành để
phát triển Tuệ Minh Sát và thành tựu mục tiêu giải thoát.
Hành thiền Tứ Niệm Xứ tinh cần và đúng đắn sẽ phát triển được 37 trạng
thái tâm hỗ trợ cho sự giác ngộ được gọi là 37 Phẩm Trợ Đạo. Phải vận dụng
sự tinh tấn để duy trì chánh niệm liên tục hầu ghi nhận kịp thời và chính
xác các đề mục ngay khi chúng sanh khởi và hoại diệt. Kết quả là phiền não
bị chế ngự và Tuệ Minh Sát được triển khai. Thái độ hành thiền của thiền
sinh phải giống như gà mái ấp trứng theo như lời dạy của Đức Phật được ghi
lại trong bài kinh “Phát Triển Tâm Linh” thuộc Tương Ưng Bộ Kinh. Theo đó,
sự duy trì chánh niệm không đứt đoạn để phát triển Tuệ Minh Sát và thành
đạt giải thoát cũng tương tự như sự ấp trứng gà liên tục để trứng có thể
nở ra gà con khỏe mạnh. Và sự ra đời của gà con khỏe mạnh chính là sự phát
sanh trí tuệ giải thoát.
Ngài Thiền Sư luôn sách tấn thiền sinh nỗ lực hành thiền và duy trì chánh
niệm liên tục để phát triển các Tuệ Minh Sát. Theo Ngài, bất cứ ai hành
trì nghiêm chỉnh pháp hành Tứ Niệm Xứ đều được gọi là tỳ kheo mà không
phân biệt tu sĩ hay cư sĩ và chắc chắn sẽ đạt được hạnh phúc bình an.
Thiền
Viện thay mặt thiền sinh và Phật tử đa tạ công đức bao la của Ngài Thiền
Sư đã không quản ngại khó khăn và tuổi cao vượt trùng dương đến thiền viện
hướng dẫn thiền tập hầu như hàng năm. Thiền Viện cũng xin chân thành cảm
tạ Tỳ Kheo Pháp Luân đã phiên dịch và hiệu đính Pháp thoại của Hòa Thượng
Thiền Sư U Pandita và cho phép Thiền Viện ấn tống để phổ biến đến Phật tử.
Ngoài ra, Thiền Viện cũng xin tri ân mọi sự hỗ trợ công sức và tài lực của
các thiền sinh và Phật tử khắp nơi để Thiền Viện có đầy đủ phương tiện
hoàn thành sách này. Thiền viện mong mõi tiếp tục nhận được sự ủng hộ của
quý vị cho những dự án ấn tống kinh sách sắp tới. Cầu mong pháp thí cao
thượng này sẽ là duyên lành trên đường tu tập và thành đạt trí tuệ giải
thoát của quí vị trong tương lai.
Thiền viện xin được hân hạnh giới thiệu sách “Pháp Hành Đưa Đến Bình An”
đến tất cả thiền sinh và Phật tử việt Nam.
Trong tâm từ,
Ban Tu
Thư Như Lai Thiền Viện
Sơ Lược Tiểu Sử
Hòa
Thượng Thiền Sư U Pandita
Sayadaw U Pandita
Hòa Thượng Thiền Sư U Pandita sinh ngày 29 tháng 7 năm 1921 tại thôn
Swebosu, làng Tadahgalay, thị trấn Insein, Miến Điện. Ngài là con thứ chín
trong 10 người con của ông U Hpe và bà Daw Chit Su.
Năm lên bảy tuổi, Ngài được cha mẹ cho theo học lớp Phật Pháp dành cho
thiếu nhi tại tu viện Kocheh Village Monastery thuộc tỉnh Pegu với Hòa
Thượng U Jagara. Ngài đậu hai kỳ thi sơ cấp và trung cấp của chương trình
Phật Học. Đến năm 1 2 tuổi, Ngài thọ Sa Di với ngài Hòa Thượng Jagara. Năm
18 tuổi, Ngài được thầy gởi đến thọ giáo với Hòa Thượng Kelasmhay Thera
tại tu viện Mahabodhi Forest Monastery làng Kyauktan Village thuộc tỉnh
Pegu.
Khi vừa đến tuổi 20, Ngài thọ Tỳ Khưu với Hòa Thượng trụ
trì tu viện Mahabodhi Forest Monastery. Vào năm 1946, Ngài đậu kỳ thi
Patama Pan Pali bậc trung cấp tiêu chuẩn được chính quyền Miến điện tổ
chức lần đầu tiên. Một năm sau, Ngài đậu luôn kỳ thi Phật Pháp cao cấp.
Năm 1948, Ngài đến tu viện New Mahavisuddhyone Monastery
và thọ giáo với ngài Hòa Thượng U Siyatathera. Năm 1949, Ngài đậu kỳ thi
Pháp Sư (Dhammacariya) và năm 1952 kỳ thi Cetiyanganaparigiyatti do chính
phủ Miến điện tổ chức. Ngài được trao danh hiệu Vibhamsa.
Ngài nhận dạy Giáo Pháp toàn thời gian cho tu viện New
Shwegyin Monastery. Trong khi dạy học, Ngài tham dự kỳ Kiết Tập Kinh Điển
lần thứ sáu được tổ chức vào năm 1954. Công việc của Ngài là phụ trách
phần tổ chức và hiệu đính phần Phạn ngữ Pali.
Tuy nhiên, kể từ năm 1950, Ngài nhận thức được rằng Phật Pháp sẽ trường
tồn nếu pháp học được đi đôi với pháp hành. Ngài đến học thiền tại Thiền
Viện Yangon Sasama Yeiktha hay còn gọi là Thiền Viện Mahasi vì do Ngài
Mahasi sáng lập. Ngài học Thiền Minh Sát dưới sự hướng dẫn trực tiếp của
Thiền sư Ashin Vicara. Năm 1955, Ngài rời công việc giảng dạy Giáo Pháp và
chú tâm vào việc hành thiền và được Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi giao cho
nhiều trách nhiệm tại Thiền Viện Mahasi.
Tháng Giêng năm 1959, Ngài tháp tùng Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi sang Tích
Lan và ở lại xứ này ba năm để hoằng pháp và giúp thiết lập chi nhánh tại
ngoại quốc cho trung tâm thiền Mahasi. Về lại Ngưỡng Quang vào năm 1961,
ngài hành thiền tích cực dưới sự chỉ dạy trực tiếp của Hòa Thượng Thiền Sư
Mahasi. Sau đó Ngài phụ tá Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi để hướng dẫn thiền
sinh. Một thời gian sau, Ngài trở thành thiền sư chính thức của Thiền
Viện. Ngài hướng dẫn các tỳ khưu và tu nữ tại các trường thiền Mahasi tại
ba nơi Yangon, Moulmein, và Mandalay. Ngày 22 tháng 8 năm 1982, ngài được
bầu làm Thiền Sư Trưởng (Ovadacariya) Thiền viện Mahasi để tiếp tục trông
coi thiền viện sau khi Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi qua đời.
Năm 1984, lần dầu tiên Ngài sang Anh, Hoa kỳ, và Mã Lai để hướng dẫn hành
thiền tại các quốc gia này. Năm 1985, Ngài sang Nepal và Úc với sứ mạng
tương tự. Năm 1986, Ngài sang Hoa Kỳ lần thứ hai theo lời mời của tổ chức
Buddha Sasana Foundation để hướng dẫn khóa thiền tại Yucca Valley,
Califomia. Ngài đến hướng dẫn thiền cho nhóm thiền tiền thân của Như Lai
Thiền Viện lần đầu tiên vào năm 1989 trong một khóa thiền được tổ chức tại
tu viện Tuangpulu Monastery ở Santa Cruz, California. Sau khi thiền viện
được thành lập vào năm 1991, hầu như năm nào Ngài cũng sang hướng dẫn Khoá
Thiền Đặc Biệt Mùa Xuân tại Như Lai Thiền Viện. Ngoài ra, Ngài còn hướng
dẫn các khóa thiền cho trung tâm thiền Insight Meditation Society ở Barre,
Massachussetts.
Trong sứ mạng hoằng pháp, ngoài việc giảng dạy Giáo Pháp vả hướng dẫn hành
thiền tại nhiều nơi trên thế giới, Ngài còn thành lập nhiều trung tâm
thiền tại Miến Điện, Nepal, Úc, và Đại Hàn. Ngài đã viết một số sách bằng
tiếng Miến và Anh trong đó có các cuốn In This Very Life, On the Path to
Freedom, The Way to the Happiness of Peace, và The Meaning of
Satipatthana. Sách được dịch ra tiếng Việt có cuốn Ngay Trong Kiếp sống
Này do Như Lai Thiền Viện ấn tống.
Ngài Hòa Thượng Thiền Sư U Pandita là một trong ba vị cao tăng hướng dẫn
tinh thần cho Như Lai Thiền Viện kể từ khi Thiền Viện được thành lập.
- Nam Tassa Bhagavato Arahato
- Sammāsambuddhassa
- Con xin thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn
- Bậc A La Hán Cao
Thượng
- Đấng Chánh Biến Tri
Muc luc & Lời
giới thiệu - Tiểu sử | 1 |
2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7
| 8 | 9
| 10 |
11 | 12 |
13 | 14 |
15 | 16
| 17 |
18
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/phaphanh_binhan.htm