Mục đích của sự tu tập là làm cho trân khẩu ý trong sạch. Khi nghe
Pháp với sự chú tâm cùng động lực chân chánh sẽ hiểu được Giáo Pháp,
atthaveda. Khi hiểu rồi, bắt đầu thực hành và sau đó thấy rằng
quả đúng là chánh pháp, dhammaveda. Đây là đặc tính “Tốt Đẹp Ở
Chặng Đầu” của phẩm tính “Khéo Thuyết Giảng” của Giáo Pháp.
Đặc tính kế tiếp là “Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa”. Khi thật sự thực hành và
thực hành đúng phương pháp như được chỉ dạy sẽ hưởng được lợi lạc. Nếu
chỉ nghe suông mà không thực hành sẽ không hưởng được gì hết. Giống
như chỉ nghe biết vị ngon mà không thật sự ăn, sẽ không hưởng được vị
ngon này. Hành giả phải thật sự thực hành, và thực hành tích cực mới
hưởng được lợi lạc của Giáo Pháp qua sự chúng nghiệm hai loại hạnh
phúc an tịnh, samatha-sukha và hạnh phúc tịch tĩnh hay hạnh
phúc minh sát, vipassanā-sukha. Có như vậy, hành giả mới hiểu
được ý nghĩa của đặc tính “Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa”của Giáo Pháp.
Khi hướng tâm về đề mục và chánh niệm được giữ liên tục, tâm được an
định nhờ vào ảnh hưởng của hai chi thiền tầm và tứ giúp tâm hút chặt
và áp đặt tâm trên đề mục. Ảnh hưởng của hai chi thiền này xua đuổi ái
dục, sân hận, cũng như các phiền não khác không cho xâm nhập tâm. Hỉ
lạc phát sinh. Tâm an tịnh. Đây là hạnh phúc an tịnh,
samatha-sukha, một loại hạnh phúc do thiền định đem lại.
Đối với hành giả thiền minh sát, trong khi quán sát phồng xẹp, hành
giả chánh niệm vào các đối tượng xảy ra bằng tinh tấn, chuyên cần và
tỉnh giác làm cho chánh niệm gắn chặt vào đối tượng, không bỏ sót.
Chánh niệm xuyên thấu đối tượng, an trụ trong từng khoảnh khắc, hình
thành sát na định. Đây là kết quả vận dụng năng lực của ba chi Chánh
Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định trong Định Học. Năng lực của chánh
tinh tấn ngăn chận được phiền não, chánh niệm bảo vệ tâm, và chánh
định làm cho tâm không còn giao động hình thành sự an tịnh nơi tâm
trong từng khoảnh khắc. Tâm được giữ an tịnh tù thời điểm này sang
thời điểm khác. Đây cũng còn là loại hạnh phúc an tịnh
samatha-sukha, chưa phải là loại hạnh phúc tịch tĩnh của thiền
minh sát, vipassanā-sukha. Tiếp tục thực hành, tâm trở nên an
tịnh, nhuần nhuyễn, dễ dàng quán thấu đối tượng mà không chao động. Hỉ
lạc phát sinh. Năng lực ngày càng mạnh mẽ của ba tâm sở thiện chánh
tinh tấn, chánh niệm và chánh định, làm cho phiền não ngày một xa dần.
Tâm định mạnh mẽ hơn trước. Lúc này, hành giả có thể kinh nghiệm đối
tượng ưa ghét, nhưng hành giả không còn phản ứng bằng tham sân. Trước
đây khi nghe âm thanh chói tai, hành giả cảm thấy bực bội, khó chịu.
Bây giờ, hành giả chỉ đơn thuần ghi nhận mà không còn phát sinh cảm
xúc ưa ghét. Đây là kết quả của chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh
định với năng lực tăng trưởng mạnh hơn đã giúp cho tâm không còn phản
ứng lại bằng tâm bất thiện, vì các tâm bất thiện đã tạm thời bị chế
ngự không còn ở trong tâm. Hành giả nhận thức được sự thay đổi này nơi
tâm. Khi hồi tưởng lại phản ứng của mình trong khi kinh nghiệm với đối
tượng ưa ghét trong quá khứ và so sánh với phản ứng trong hiện tại,
hành giả thấy rằng mình không còn bị ảnh hưởng của loại phiền não tác
động, vốn biểu hiện tham sân qua thân khẩu. Do phiền não vắng bóng,
hành giả kinh nghiệm sự an tịnh, tĩnh lặng nơi tâm. Các tâm sở thiện
chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định tiếp tục được trau giồi để trở
thành tốt đẹp hơn nữa. Đây là ý nghĩa của chữ bhāvanā, phát
triển tâm linh. Phiền não tư tưởng đã được chế ngự bởi Định học. Đây
là kết quả ích lợi thiền minh sát. Như Đức Phật dạy rằng phải luôn giữ
chánh niệm vào mọi đối tượng khi chúng vừa sinh khởi. Vì thực hành
đúng theo sự chỉ dẫn như vậy, nên hành giả hưởng được lợi lạc đúng như
vậy. Đó là hai hạnh phúc an tịnh và hạnh phúc tĩnh lặng.
Bắt đầu bằng sự nghe Pháp, sau đó thực hành và cuối cùng tự mình kinh
nghiệm được lợi lạc của Giáo Pháp. Hành giả hiểu được thế nào là đặc
tính “Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa”. Hành giả nào thực hành không đúng phương
pháp sẽ không thể hưởng được lợi lạc này Chỉ có hành giả thực tập tinh
cần và đúng phương pháp mới được bảo đảm thành tựu hai loại hạnh phúc
này.
Hành giả kinh nghiệm sự rởn ốc, lành lạnh, ánh sáng, nhẹ nhàng, hay đê
mê, hay cảm thấy tràn ngập sung sướng. Tiếp tục thực hành, gia tăng
sức mạnh của sát na định, hành giả sẽ phát triển được tuệ minh sát như
phân biệt được tâm và vật chất, hay danh sắc, hiểu được tương quan
nhân duyên, và tiến xa hơn khi hiểu được ba đặc tướng vô thường, bất
toại nguyện và vô ngã của các hiện tượng tâm và vật chất. Khi phát
triển được sát na định mạnh mẽ hơn nữa, hành giả sẽ thấy được sự sinh
diệt mau lẹ của các pháp. Lúc này, hành giả sẽ kinh nghiệm hỉ lạc với
cường độ mạnh hơn, hoặc cảm giác nhấc bổng, lơ lững, hay sự sung sướng
tràn ngập làm cho hành giả không muốn mở mắt. Không còn giao động,
phóng dật, chỉ có hỉ lạc, thanh tịnh, tĩnh lặng. Hành giả đang kinh
nghiệm niềm vui pháp bảo. Tâm tĩnh lặng chú tâm theo dõi liên tục sự
sinh diệt của các pháp. Hành giả thực chứng được hương vị Giáo Pháp.
Kinh Pháp Cú câu 374, diễn tả:
Người luôn luôn chánh niệm
Sự sinh diệt các uẩn
Được hoan hỉ hân hoan
Chỉ bậc Bất Tử biết!
Khi hành giả thành đạt tuệ sinh diệt, udhayabbaya-ñāṇa,
kinh nghiệm hỉ lạc phi thường, hành giả được xem như có đủ phẩm
tính để tiếp tục đi về nơi Bất Tử, hay còn gọi là Niết Bàn. Ở giai
đoạn này, hành giả không còn ý muốn bỏ dở việc tu tập, trái lại có sự
thôi thúc quyết tâm tiếp tục hành trì để thành đạt cho được mục tiêu
ngay trong kiếp sống này. Khi kinh nghiệm được sự sinh diệt, hành giả
sẽ chứng nghiệm được pháp hỉ, một loại hạnh phúc khó quên. Đây 1à kết
quả viên mãn của Định học, nhờ thực hành đúng phương pháp, nên đạt kết
quả đúng là sự thành đạt tuệ minh sát thấy được sự sinh diệt, kinh
nghiệm được hạnh phúc Giáo Pháp.
Khi dùng vật gì một thời gian sau trở nên cũ kỷ, người ta vất bỏ và
mua vật mới. Hạnh phúc Giáo Pháp khác hẳn, loại hạnh phúc luôn luôn
mới mẻ, không bao giờ cũ, tự nó tốt luôn luôn. Đây là loại hạnh phúc
siêu phàm vượt trội hơn loại hạnh phúc của người và chư thiên. Đây là
một phẩm tính siêu việt của hạnh phúc minh sát. Những ai nghĩ rằng
hạnh phúc ngũ dục hay hạnh phúc thế tục là cao nhất, bây giờ kinh
nghiệm được hạnh phúc Giáo Pháp mới thấy rằng hạnh phúc thế tục rất
nhỏ nhoi, không thể sánh nổi với hạnh phúc Giáo Pháp vượt trội không
biết bao nhiêu lần. Nhờ chính bản thân thực hành và chứng nghiệm loại
hạnh phúc này, nên hành giả cảm thấy đầy tự tin, tràn ngập tín tâm nơi
pháp hành. Hành giả muốn thực hành nhiều hơn nữa bao lâu mà thời giờ
còn cho phép. Đây cũng là ý chí phát xuất từ sự chứng nghiệm hạnh phúc
an tịnh sang hạnh phúc tĩnh lặng khi hành thiền minh sát.
Trong Kinh Pháp Cú, câu 290, Đức Phật sách tấn:
Nhờ từ bỏ lạc nhỏ
Thấy được lạc lớn hơn
Bậc trí bỏ lạc nhỏ
Thấy được lạc lớn hơn!
Hạnh phúc thế tục thuộc loại hạnh phúc pha trộn, vyāseka-sukha,
không thanh khiết. Thực hành thiền minh sát đưa đến sự chứng nghiệm
hạnh phúc Giáo Pháp là loại hạnh phúc thanh khiết, avyāseka-sukha,
và cuối cùng sẽ thành đạt loại hạnh phúc tột cùng, đó là hạnh phúc
tịch tĩnh, santi-sukha, một loại hạnh phúc bảo đảm.
Các bạn thực hành Giáo Pháp cũng nhằm mục đích thành tựu loại hạnh
phúc tột cùng này. Vì ý thức như vậy bạn thấy mình đã quyết định đúng
khi bỏ hạnh phúc thế tục đằng sau để đến đây tham dự khóa thiền. Sư
mong các bạn thực hành một cách cẩn trọng và nghiêm túc.