Hành Thiền Đúng
Phương Pháp
Nếu muốn tu tập để rèn luyện tâm, thành đạt trí
tuệ, chỉ cần vận dụng tinh tấn để duy trì chánh niệm liên tục. Người
thực hành như vậy gọi là thiền sinh, yogi. Thế nên, là thiền
sinh, bạn chỉ có nhiệm vụ duy nhất phải làm là chú tâm ghi nhận vào
tất cả hiện tượng, quán sát phồng xẹp một cách kỹ lưỡng, vận dụng tinh
tấn cùng sự hướng tâm đến đề mục, thiết lập chánh niệm, và duy trì
chánh niệm trên đề mục bằng nỗ lực, tinh cần và tỉnh giác. Nhờ năng
lực của chánh niệm, phiền não không chen vào tâm. Tâm thoát khỏi phiền
não. Đúng theo ý nghĩa “chánh niệm chế ngự phiền não”. Tuy nhiên, nếu
không thực hành theo tinh thần của một thiền sinh đúng nghĩa, bạn dễ
duôi, mơ mộng, nói chuyện, phân tích, suy tư “tại sao như vầy, phải
như thế này, như thế kia, v.v...” làm mất chánh niệm, không theo dõi
kịp đề mục. Thực hành như vậy thà rằng đừng thực hành chi hết, tốt hơn
đừng hành thiền. Không chánh niệm và thất niệm làm cho phiền não xâm
nhập quấy phá tâm.
Đã hơn hai tuần qua, đầu khóa thiền, Sư đã giảng ý
nghĩa, nội dung và phương pháp hành thiền, cũng như đưa thí dụ cụ thể,
dễ hiểu để giúp các bạn hiểu và hành cho đúng. Tuy nhiên, Sư nhận thấy
vẫn còn thiền sinh hành thiền không đúng cách. Có thể các thiền sinh
này vẫn còn ưa suy nghĩ, phân tách, nên không thể nào chú tâm, quán
sát được đề mục, giữ được chánh niệm ghi nhận kịp thời khi đề mục xuất
hiện. Ngoài ra, vẫn còn thiền sinh không trình pháp đúng cách như đã
được chỉ dẫn.
Như đã bàn qua, mục đích của thiền tập là tu sửa để
có được một nhân cách tốt đẹp, tâm tư trong sạch, và trí tuệ sáng
suốt. Khi cá nhân tu tập viên mãn Giáo Pháp có được các phẩm tính cao
thượng, được gọi là sāsana sampatti, sự viên mãn Giáo Pháp. Nếu
cá nhân viên mãn Giáo Pháp, sẽ có nhân cách tốt đẹp, phẩm giá cá nhân
được nâng cao. Muốn thực hiện được mục đích này, cần phải đạt hai yếu
tố: (1) Chăm chú lắng nghe Giáo Pháp để hiểu phương pháp và cách trình
pháp, (2) Tinh tấn chú tâm đúng vào đối tượng, yoniso mānasikāra,
để ghi nhận kịp thời và chính xác. Thực hiện viên mãn hai điều này
gọi là sāsana sampatti.
Hai tuần hơn đã qua, nếu thiền sinh thực hành chưa
tiến bộ, hay chưa biết được lợi lạc của pháp hành, thiền sinh coi như
không đạt được yêu cầu của một hoặc cả hai điều này, có nghĩa thiền
sinh không hành đúng, hay không có sự chú tâm đúng, không duy trì được
chánh niệm. Đây là câu trả lời cho các thiền sinh thực hành chưa tiến
bộ hay chưa biết được lợi lạc của pháp hành. Có những thiền sinh khác,
khi được hỏi “Ghi nhận phồng xẹp như thế nào?”, “Giữ tâm trên phồng
xẹp được bao lâu?”. Có thiền sinh nói “5 phút, 10 phút,” có người nói
“lâu 45 phút”. Thiền sư nói “Tốt, nếu giữ được như vậy thì tốt!”, và
hỏi “Bạn hiểu phồng xẹp như thế nào?”. Đáp “Vâng! Tôi theo dõi và hiểu
được phồng xẹp”. Trình pháp như vậy chứng tỏ thiền sinh thực hành
không cẩn thận, không đúng cách, vì không chăm chú lắng nghe lời hướng
dẫn. Thiền sinh nên biết, tâm rất khó kiểm soát, dù chỉ trong 1
giây hay 1 phút. Thiền sinh nói giữ tâm được 5, 10, 45 phút là chuyện
không thể có được. Tuy nhiên đối với thiền sinh có chăm chú nghe cẩn
thận và hành thiền đúng cách sẽ có khả năng vận dụng được tinh tấn,
chú tâm duy trì chánh niệm trên phồng xẹp, thiền sinh hiểu được bản
chất của đề mục quán sát. Nhờ vậy, thiền sinh có khả năng hay biết khi
có phóng tâm và theo dõi được sự phóng tâm. Thiền sinh hiểu biết cụ
thể việc hành thiền của mình ra sao. Đây là loại thiền sinh thực hành
chân thật, và trình pháp chân thật. Có thiền sinh khác không dám nói
thật rằng mình không có khả năng giữ được chánh niệm trên đề mục. Đây
là loại thiền sinh thiếu chân thật. Những ai thực hành đúng đắn sẽ có
khả năng hiểu được sự hành thiền của mình, nên họ chân thật thú nhận
lúc nào có chánh niệm, lúc nào thất niệm. Thiền sinh thuộc loại chân
thật như vậy sẽ thực hành tiến bộ, và sẽ mau đạt được tuệ Minh Sát.
Nếu thiền sinh vận dụng được tinh tấn, chú tâm quán
sát phồng xẹp một cách cẩn thận, tinh cần, duy trì được chánh niệm
liên tục, sẽ làm phát sinh sát na định, cũng như luôn duy trì chánh
niệm trong mọi oai nghi, mọi nơi mọi lúc. Thực hành như vậy, cho dù
chưa phát triển được tuệ Minh Sát, nhưng nhờ giữ chánh niệm liên tục
trên đề mục, nên bảo vệ được tâm không bị phiền não xâm nhập. Do tâm
trong sạch không phiền não, nên không phát sinh tham ái dính mắc đối
với đề mục đang quán sát, cũng như đề mục không quán sát. Do tham ái
không có mặt trong tâm nên tâm không lấm nhơ bởi phiền não. Kết quả,
dù không ước muốn tâm được giải thoát khỏi phiền não, thiền sinh cũng
thực hiện được sự giải thoát. Tiếp tục thực hành đúng cách như vậy,
thiền sinh sẽ đạt được sự phân biệt được tâm và vật chất, hay tuệ danh
sắc, thiền sinh hiểu rõ ràng đối tượng quán sát và tâm ghi nhận, là
hai hiện tượng riêng biệt. Thiền sinh còn hiểu được đặc tướng riêng
của mỗi đối tượng quán sát như căng khi phồng, dãn khi xẹp, chuyển
động, hay cứng mềm, nóng lạnh, v.v...Thấy được như vậy, thiền sinh
không còn tin vào đàn ông, đàn bà, hay cá nhân, tôi ta, tự ngã v.v...
nơi đối tượng quán sát. Thiền sinh bỏ tham ái, thoát được dục thủ và
tà kiến thủ. Do dó, thiền sinh thành tựu được điều mong ước mà không
cần phải ước mong. Vì chính thiền sinh tự tu tập, tự chứng nghiệm kết
quả qua sự thực hành, nên đương nhiên thiền sinh thành đạt đúng như
vậy. Do đó, sự thực tiễn của Giáo Pháp thật rõ ràng: “có tu, có
chứng”.
Từ sự thực hành có kết quả đúng đắn, thiền sinh
hiểu được những lợi ích như sau:
-
Khi giữ được tinh tấn, phiền não sẽ bị đẩy lui.
Không tinh tấn, sẽ bị phiền não tấn công.
-
Khi giữ được chánh niệm, chánh niệm sẽ bảo vệ tâm
không bị phiền não quấy phá. Không có chánh niệm tâm bị phiền não
quấy phá.
-
Khi chánh niệm duy trì liên tục, bám chặt đề mục,
xuyên thấu đề mục, định tâm hình thành. Tâm an trụ trên đề mục. Nhờ
vậy, không còn tham ái.
-
Khi chánh niệm kịp thời đề mục sinh khởi, sẽ hiểu
biết rõ ràng thực tướng thân tâm của đề mục. Nhờ vậy, buông bỏ tà
kiến. Không còn tin vào đàn bà, đàn ông, tự ngã, tôi ta, linh hồn,
Thượng Đế. Ngoài ra, còn loại bỏ ba bất thiện tâm: Dục Tưởng, Sân
Tưởng và Hại Tưởng. Phiền não bị khô cạn.
Nhờ tinh tấn, chánh niệm, và chánh định sẽ làm cho
tâm thiền sinh trở nên khỏe mạnh, tăng trưởng được các tâm hiền lành,
và phát triển trí tuệ. Đây là kết quả của sự tu tập.
Nếu giữ được tâm khỏe mạnh như vậy liên tục trong 1
giây, mỗi giờ tâm trong sạch được 3600 lần, kết quả luyện tâm như vậy
thật là tốt đẹp biết bao!
Khi tâm bị phiền não như dục ái, hữu ái bám chặt
tâm trở nên nặng nề, trì trệ. Khi tâm thoát phiền não, tâm trở nên nhẹ
nhàng, linh hoạt, tươi mát. Nhờ sự hiểu biết thực tướng của các pháp
tâm trong sáng, an tịnh. Thiền sinh không còn vô minh tức không hiểu
biết hay hiểu biết sai.
Vì tâm ảnh hưởng đến vật chất, nên khi tâm được
thanh tịnh, linh hoạt, tươi mát, thân được thoải mải, khỏe mạnh, nhẹ
nhàng.
Các kết quả đem lại từ sự hành thiền đúng phương
pháp sẽ làm tăng trưởng tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, và tuệ
lực. Thiền sinh phát triển được Ngũ Lực mà không cần phải ước mong.
Đây là những kết quả đương nhiên thiền sinh gặt hái được nhờ thực hành
một cách tinh cần, cẩn trọng.
Nhờ đâu thiền sinh có được tâm thanh tịnh, trong
sạch, khỏe mạnh, giải thoát khỏi phiền não dục thủ, tà kiến thủ, không
còn vô minh? Đức Phật dạy rằng, thiền sinh đạt các kết quả này, chính
vì tự thiền sinh tu tập, tu tập những gì cần phải tu tập và tự chứng
nghiệm.
Do tu tập bằng pháp nào đem lại các kết quả này?
Chính 1à sự tu tập theo pháp thiền Tứ Niệm Xứ.