Vai Trò Cần Thiết Của Sự Luyện Tâm
Chúng ta đã nói về sự tu tập Giới-Định-Huệ giúp cá nhân có được một
nhân cách thật sự, mang tâm tính thật sự của một con người, và có trí
tuệ, trở thành người cao thượng hơn người thường. Khi tu tập có kết
quả như vậy, bạn nên thúc đẩy người khác tu tập để có kết quả như
mình. Phẩm giá cả hai được nâng cao. Bạn trở thành gương mẫu cho người
khác noi theo. Bạn luôn luôn đề cao sự tu tập. Bạn trở nên người bạn
đạo lý tưởng cho xã hội và giúp người khác cũng trở thành người bạn
đạo lý tưởng. Nếu tất cả cá nhân trong thế giới đều được như vậy, tất
cả đều là bạn lành với nhau thì cuộc đời này sẽ êm đẹp, dù rằng tất cả
chúng ta đang nổi trôi trong luân hồi vô tận
Sống có giới hạnh là tự thắng mình. Tự thắng mình để được trong sạch
là chiến thắng tốt hơn chiến thắng để được địa vị, quyền lực, công
danh, vật chất, hay các chiến thắng dùng đến vũ khí: Bằng sự tu tập để
tự thắng được mình, bạn trở nên một người bạn đạo tốt đem sự an vui
hạnh phúc cho gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới. Điều này không
thể ước muốn suông thôi mà có được. Bây giờ chúng ta tiếp tục bàn về
bài kinh “Phát Triển Tâm Linh”, sau đó giải thích ý nghĩa theo hai
khía cạnh lý thuyết và thực hành.
Khuynh hướng chung của con người là chú trọng sự phát triển vật chất
mà bỏ quên sự phát triển đạo đức. Muốn cho cuộc sống được an vui hạnh
phúc, cần phải tu tập Giới-Định-Huệ để rèn luyện bản thân, tự thắng
được mình. Nếu không như vậy, sẽ không có được an vui hạnh phúc. Nếu
chỉ ước muốn suông sao cho mình và mọi người được an vui, mà không
thực hành theo một phương pháp thích nghi có hiệu quả, thì chỉ có ước
muốn mà không có lợi ích cụ thể nào cả.
Bao lâu chưa tu tập Giới-Định-Huệ, không thực hành thiền Tứ Niệm Xứ để
phát triển trí tuệ, bạn vẫn còn chấp vào thân tâm này nên dính mắc hai
tà kiến dục thủ, chấp giữ ngũ dục, và kiến thủ, gồm tà kiến về linh
hồn và Thượng Đế. Nếu chỉ ước suông sao cho loại trừ được hai loại
chấp thủ này thì không bao giờ thực hiện được. Đức Phật dạy như sau:
“Này các Tỳ Khưu, Tỳ Khưu không tự mình cố gắng phát triển tâm mình
bằng thiền tập, sinh khởi ước muốn “Mong rằng tâm tôi được giải thoát
khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ!.” Tuy vậy, tâm vị nầy cũng không
giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Vì cớ sao? Phải nói
rằng vì vị ấy không có tu tập. Không tu tập cái gì?. .
Theo nội dung đoạn kinh vừa qua, nếu chỉ ước suông mà không tu tập
theo một phương pháp đúng đắn thì không thể khắc phục được hai loại
chấp giữ này: dục thủ và kiến thủ. Và, nếu không tu tập theo phương
pháp đúng đắn sẽ không mang lại kết quả. Ở đây, Đức Phật đặt vấn đề,
sau đó nêu lên câu hỏi, và chính ngài giải đáp. “Vì cớ sao? Phải
nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không tu tập cái gì?..”
Ngài dạy rằng, cần phải tu tập 37 Phẩm Trợ Đạo, đó là: (1) Tứ Niệm Xứ,
(2) Tứ Chánh Cần, (3) Tứ Như Ý Túc, (4) Ngũ Căn, (5) Ngũ Lực, (6) Thất
Giác Chi, và (7) Bát Chánh Đạo.
Do vậy, vì không tu tập bảy nhóm này để phát triển
những gì cần phát triển nên tâm không thoát khỏi dục thủ và kiến thủ.
Do đó, mỗi khi tiếp xúc với sự vật qua lục căn, tâm bị ô nhiễm xâm
nhập các căn, phát sinh sự dính mắc, ưa ghét, tham sân hay tin vào
linh hồn, Thượng Đế. Vì không chánh niệm, nên không hiểu được bản chất
của các hiện tượng. Vô minh chế ngự tâm qua hai hình thức: không hiểu
biết và hiểu biết sai.
Đức Phật còn dùng thí dụ gà ấp trứng để cho thấy
ước muốn suông không tạo kết quả. “Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám,
mười hay mười hai trứng gà, không được con gà mái ấp nằm đúng cách,
không được ấp nóng đúng cách, không được ấp dưỡng đúng cách. Dầu cho
con gà mái ấy khởi lên ý muốn. "Mong rằng những con gà con của ta, với
chân móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng,
được sanh ra một cách an toàn. Tuy vậy, các con gà con ấy không có
thể, với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ
trứng, được sanh ra một cách an toàn!”
Trong đoạn kinh này cho thấy nếu chính tự thân gà
không lo ấp, không lo làm những gì cần làm, không ấp đúng cách, mà chỉ
ước suông mong cho trứng nở thành gà con, thì không bao giờ có được.
Cũng vậy, đối với hành giả, nếu tự mình không tu tập để trở nên người
bạn lành, cũng như không thúc giục người khác tu tập để trở nên người
bạn lành, để tạo được thế giới an vui, dù ước muốn có nhiều mấy cũng
không thể nào thành sự thật. Không tu tập, sẽ tiếp tục chấp vào dục
thủ và tà kiến thủ, không thể nào xóa bỏ được những ô nhiễm này.
Đa số con người đều tin rằng, đời sống cá nhân sẽ
được nâng cao qua sự phát triển về vật chất, khoa học kỹ thuật, y tế,
xã hội, hay chánh trị v.v.. Dù rằng các sự phát triển thế tục
này có làm cho con người thăng tiến hơn, nhưng chúng không tạo được
hòa bình và an ninh cho thế giới. Cho dù làm việc miệt mài ngày đêm,
bỏ nhiều thì giờ vào nghiên cứu và phát triển, làm cho quốc gia này
giàu mạnh, phát triển hơn quốc gia khác, nhưng vẫn không giúp được các
vấn đề tâm thần như căng thẳng, lo âu, sợ hãi, thất vọng, v.v...Dù đạt
được cuộc sống cao về vật chất, nhưng vẫn chưa đạt được mục đích tối
thượng mong muốn, con người vẫn còn bị đau khổ bởi các vấn đề tâm
thần, những bệnh tật của tâm, không dễ gì giải quyết được. Các thành
tựu về khoa học kỹ thuật, y học, vẫn chưa đưa ra giải pháp bảo đảm nào
cho các vấn đề này.
Trong dịp trao đổi giữa một khoa học gia người Anh
và một viên chức tòa Đại sứ người Á châu về các vấn đề xã hội tôn
giáo, vị khoa học gia này nói rằng, sau thế chiến thứ hai, Anh quốc
tập trung vào việc tìm tòi sáng chế để phát triền khoa học kỹ thuật.
Vì phải vận dụng trí óc quá nhiều, làm việc với các vấn đề khoa học
ngày một thêm phức tạp, nên làm cho các khoa học gia phải dùng đến
thuốc an thần. Vì chỉ chuyên về khoa học kỹ thuật, nên các vị này thấy
bối rối không biết làm sao giúp được cho chính họ khỏi các vấn đề căng
thẳng, lo âu, thuộc về tâm thần này. Họ tìm đến sự thực hành theo Ấn
Độ Giáo, thực tập yoga, nhưng thấy rằng yoga chỉ đem lại giải pháp tạm
thời mà thôi. Đến khi nghiên cứu Phật Giáo, mới thấy rằng phương pháp
thực hành của Đức Phật là thực tế, cụ thể. Sau khi thực hành, họ thấy
rất lợi ích, nên tin rằng đây mới là giải pháp đúng đắn mà họ mong
tìm. Đây chỉ là nhận xét riêng của cá nhân vị khoa học gia này. Tôi
được nghe kể lại từ vị viên chức tòa Đại sứ, người trao đổi với vị
khoa học gia nọ.
Cách đây 10 năm, khi hướng dẫn khóa thiền ở
Yucca Valley, thuộc Califomia, Sư Cả nói rằng xứ này giống như cõi chư
thiên, chỉ có bấm nút thôi là có đủ thứ. Một thiền sinh nói với Sư Cả
“Bạch Sư, sự thật là chúng con bị khổ vì dù ở trong phòng điều hòa mát
mẻ, nhưng chúng con luôn luôn cảm thấy tim mình nóng như lửa.”
Do đó, các bạn thấy rằng ở quốc gia này, người ta
cố gắng phát triển khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao cuộc sống cho con
người, nhưng chỉ có hiệu quả ở bên ngoài thân này, còn trong tâm, con
người vẫn còn bị lửa phiền não tham sân si, đốt cháy ngày đêm.
Ở Thiền Viện Hse Min Gon, Panditarama Forest
Center, Miến Điện, sau khi tham dự khóa thiền dài hai tháng, trước khi
về nước, một thiền sinh đã nói như sau: “Bây giờ, con mới sống được an
vui hạnh phúc, và biết cách sống sao cho được an vui hạnh phúc, cũng
như con đã biết được nơi an trú thật sự để có an vui hạnh phúc. Con
thấy rằng, Miến điện là quốc gia tốt nhất, có đủ điều kiện tốt đẹp cho
sự thực hành thiền Minh Sát.” Đây là những nhận xét sau khóa thiền,
phát xuất từ kết quả thiền tập và phản ảnh trung thực tâm của thiền
sinh.
Một câu chuyện khác, Sư muốn kể thêm. Sau khi đến
Thiền Viện này được bảy ngày, có một gia đình Phật tử gồm hai vợ chồng
và ba người con, từ Oakland đến thăm Sư. Lúc trước, hai vợ chồng có
đến hành thiền tại trung tâm của Sư. Người chồng tu được 1 tháng, phải
về trước, người vợ ở lại tu 3 tháng, đạt được kết quả tốt, và rất cảm
kích Giáo Pháp. Thời gian sau, họ có được ba đứa con, lớn nhất 16, 14,
và 9 tuổi. Lần nào gặp, họ luôn nói rằng các cháu rất ngoan ngoãn hiền
lành. Cả hai vợ chồng đều tin rằng đây là kết quả có được từ thiền
tập. Do cha mẹ thực hành thiền Minh Sát, có được giới hạnh, tâm tánh
thiện lành, nên họ tạo được ảnh hường thiện lành này cho các con của
họ. Họ mới đúng là người bạn đạo lý tưởng cho gia đình và con cái.
Thế nên, muốn có được một cuộc sống an vui hạnh
phúc, trước hết bạn cần tu tập để trở nên người bạn đạo lý tưởng. Nhờ
vậy, bạn giúp được những người trong gia đình bạn trở thành những bạn
đạo lý tưởng. Giống như hạt giống tốt sẽ tạo cây tốt. Là cha mẹ, bạn
tu tập theo Giáo Pháp, con bạn sẽ là những người tốt, cũng như trong
quan hệ thầy trò, hễ thầy tốt thì trò tốt.
Tóm lại, khoa học kỹ thuật giúp cải thiện cuộc sống
vật chất đem lại hạnh phúc cho thân, nhưng không đem lại được hạnh
phúc cho tâm. Muốn tạo an vui hạnh phúc cho chính mình, trước hết hãy
tự mình tu tập theo Tam Học, Giới-Đinh-Huệ, để trở thành Người Bạn Đạo
Lý Tưởng, một người có một nhân cách thật sự, mang tâm tính thật sự
của một con người, và có trí tuệ, trở thành người cao thượng hơn người
bình thường. Sau đó, giúp người khác cũng trở thành Người Bạn Đạo Lý
Tưởng. Từ cá nhân này sang cá nhân khác, rồi đến thế giới, nếu tất cả
có được phẩm tính của Người Bạn Đạo Lý Tưởng, thì thế giới sẽ được an
vui hạnh phúc. Muốn thế, chúng ta phái thực hành pháp Tứ Niệm Xứ, một
pháp tu đúng đắn và hiệu quả nhất. Cầu mong các bạn hành thiền tốt
đẹp.