Trong thiền vắng lặng, hành giả chú tâm liên tục trên một đối tượng
duy nhất không thay đổi như đĩa đất kasina, hay chú tâm vào đối
tượng là người thân như trong thiền tâm Từ. Thực hành thiền vắng lặng
không cho hành giả đạt sự hiểu biết như phân biệt được tâm và vật chất
hay danh sắc, hiểu rõ sự tương quan nhân quả, và hiểu được sự sanh
diệt của đối tượng quan sát. Trái lại, trong sự thực hành thiền minh
sát, dù rằng sự chánh niệm được giữ trên các đối tượng luôn luôn thay
đổi, luôn luôn mới, nhưng giúp hành giả hiểu được thế nào là tâm và
vật chất, sự tương quan nhân quả, và đặc tính sinh diệt của các đối
tượng quán sát. Trong thiền vắng lặng, vì không cho hành giả sự hiểu
biết về tâm và vật chất nên hành giả có sự chấp giữ những quan kiến
như tin về sự hiện hữu của một tự ngã, hay linh hồn, hay một đấng Sáng
Tạo. Hay hành giả không hiểu được sự tương quan nhân quả, sẽ tin nơi
sự không có quả báo, hoặc chỉ tin vào nhân duyên một cách sai lạc làm
cho hành giả tin có sự hiện hữu một đấng Tối Cao tạo ra muôn loài, tạo
ra vũ trụ. Đây là những sự tin tưởng sai lầm. Khi không có sự hiểu
biết về sự sanh diệt hành giả sẽ hiểu sai lạc. Nếu chỉ tin vào sự sinh
mà không có sự diệt, hành giả sẽ tin vào sự thường còn vĩnh viễn, hay
thường kiến. Hoặc chỉ tin vào sự diệt không thôi, sẽ tin vào không có
tái sinh, chết là hết, hay đoạn kiến. Do đó nếu không hành thiền minh
sát, không có trí tuệ minh sát, hành giả sẽ tiếp tục mang trong tâm
những sự tin tưởng sai lầm như vậy trong suốt nhiều đời nhiều kiếp. Vì
thế, chính vì tính chất tục thế của tâm định đạt được trong thiền vắng
lặng, nên hành giả chỉ đạt được sự an tịnh nơi tâm chứ không đạt được
trí tuệ để giúp hành già buông bỏ các tà kiến.
Sát na định, khaṇika
samādhi, là sự gom tâm thành một điểm trong một khoảnh khắc khi
tâm ghi nhận hay có sự chánh niệm, hình thành ngay lập tức khi đề mục
xuất hiện. Sát na định là loại định tâm rất quen thuộc đối với hành
giả thiền minh sát. Sát na định còn có đặc tính khác là sự gắn chặt
cực mạnh vào đề mục, gom tụ tâm vào một điểm tương đương với cận định
trong thiền vắng lặng. Sát na định chỉ sinh khởi khi có chánh niệm
được giữ không gián đoạn, qua sự luôn luôn ghi nhận và liên tục ghi
nhận đề mục. Nhờ sự liên tục của chánh niệm ở thời điểm trước và thời
điểm kế tiếp, nên không cho các chướng ngại tâm chen vào được.
Khi sát na định phát triển mạnh mẽ, minh sát tuệ hình thành. Hành giả
thấy sự sinh diệt vô cùng mau lẹ của đề mục quán sát. Trong khoảnh
khắc này, tâm hành giả hoàn toàn vắng bóng các chướng ngại tâm như ái
dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, phóng dật hối tiếc, và hoài nghi. Do
đó, tâm trở nên an tịnh. Đặc biệt khi hành giả đạt được tuệ giác xả
hành, sankhārupekkha-ñāṇa,
tâm hành giả trở nên cực kỳ định tĩnh, không thể bị các chướng
ngại tâm này ảnh hưởng.
Khi sự định tâm mạnh mẽ, tâm trở nên định tĩnh và được gọi là chứng
đắc thiền jhāna.
Có hai loại chứng đắc thiền: Chứng đắc qua thiền vắng lặng
āramanūpa-jhāna hay samatha-jhāna và chứng đắc qua thiền
minh sát lakkhanūpa-jhāna hay vipassanā-jhāna.
Trong thiền vắng lặng, hành giả thành tựu trạng thái định tĩnh này
bằng sự quan sát liên tục đề mục như dĩa đất kasina. Khi hành
giả thấy được dĩa kasina hiện rõ trong tâm, hành giả đắc thiền.
Trong thiền minh sát, hành giả đắc thiền trong hai trường hợp: đắc
thiền trong khi quán sát đề mục phát triển tuệ minh sát, và đắc thiền
khi chứng đạt Đạo Quả.
Trong trường hợp thứ nhất, hành giả thành tựu trạng thái định tĩnh khi
đạt tuệ giác phân biệt tâm và vật chất, hay tuệ giác phân biệt danh
sắc, hay khi hành giả hiểu được đặc tính riêng của đề mục, sabhāva
lakkhaṇa. Như trong lúc
quán sát phồng xẹp, hành giả thấy được đặc tính riêng của vật chất
biểu hiện của tứ đại như yếu tố gió là sự chuyển động, hay của yếu tố
đất là cứng mềm, của yếu tố lửa là nóng lạnh, hay của yếu tố nước là
sự dính chặt hay ẩm ướt. Hay thấy đặc tính riêng của tâm biểu hiện qua
sự nhận biết, buồn vui, ưa, thích, sướng, khổ..v.v... Hoặc hành giả
thành tựu trạng thái định tĩnh này khi thấy đặc tính chung, samañña
lakkhaṇa, biểu hiện qua
sự sinh diệt của đề mục. Tâm hành giả có sự định tĩnh. Hành giả chứng
đắc tầng thiền minh sát.
Trong trường hợp thứ hai, hành giả đắc tầng thiền minh sát và chứng
đạt sự diệt tận của danh sắc, thành đạt Đạo Quả. Hãy tạm thời để vấn
đề này qua một bên.
Hãy đề cập đến hai chi thiền tầm, vilakka, và tứ, viccāra,
trong thiền định. Khi quán sát đề mục, hành giả hướng tâm một cách
chính xác và trực tiếp vào đề mục, đây là đặc tính của chi thiền tầm.
Sau khi đặt tâm trên đề mục, chi thiền tứ hình thành qua sự chà
sát đề mục và giữ yên trên đề mục. Khi hai chi thiền này có mặt liên
tục làm chế ngự được các chướng ngại tâm như ái dục, sân hận dã dượi,
buồn ngủ v.v..không để chúng xâm nhập tâm. Tâm vắng bóng phiền não.
Tâm trở nên an tịnh, tĩnh lặng. Trạng thái này gọi là tâm ẩn cư phiền
não. Kế đến, hành giả cảm thấy hoan hỉ biểu hiện qua các hình thức như
nổi óc, rờn rợn..và hành giả cảm thấy dễ chịu, an lạc, hạnh phúc. Tâm
hành giả trở nên định tĩnh gom tụ thành một điểm, ekkagatā. Tóm
lại, hành giả chứng đắc thiền định qua sự phát triển liên tục bằng các
chi thiền tầm, tứ, hỉ, lạc, và nhất tâm.
Trong thiền minh sát, sự đắc thiền minh sát cũng được khởi đầu nhờ yếu
tố tầm. Khi quán sát phồng xẹp, phải vận dụng sự hướng tâm về đề mục,
là tầm. Lúc ban đầu, cần phải có yếu tố tầm, làm trung gian giữa chánh
niệm và đề mục để nhận thấy được đặc tính riêng của đề mục, vì chánh
niệm chưa làm quen với đề mục. Giống như một người lạ muốn vào gặp
vua, không thể trực tiếp gặp nhà vua được, trước nhất cần có người
trung gian tiến dẫn đến cho gặp vua. Sau này, quen dần, không còn cần
người tiến dẫn nữa. Cũng như vậy, lực đầu cần phải có sự hướng tâm về
đối tượng hay tầm làm trung gian giữa chánh niệm và đề mục. Chánh niệm
nhờ đó được giữ liên tục trên đề mục như thể xúc chạm, chà sát đề mục.
Đây là biểu hiện của yếu tố tứ, sự xúc chạm và chà sát đề mục. Lúc này
coi như chánh niệm có sự quen thuộc được đề mục. Do đó, nhờ sự phát
triển của tầm và tứ, chánh niệm tăng trưởng sự tiếp xúc và duy trì
trên đề mục mạnh hớn nữa, tăng trưởng sự quen thuộc với đề mục hơn
nữa. Đến lúc này, hành giả cảm thấy tự tin với sự thực hành của mình.
Hành giả cảm thấy hoan hỉ, sung sướng, bình an, đưa đến sự an tịnh
trong tâm. Tâm trở nên định tĩnh. Hành giả kinh nghiệm sự đắc thiền
minh sát.
Theo tiến trình thiền tập, sức mạnh sát na định trở nên mạnh mẽ bảo vệ
tâm không bị phiền não xâm nhập. Tâm không còn bị giao động, trở nên
an tỉnh. Giống như một 1y nước bị quấy đục với cặn.bã, khi được để
yên, dần dần nước bớt đục, cặn bã lắng đọng xuống đáy ly, cuối cùng
chỉ còn nước trong bên trên, cặn bã nằm bên dưới. Cũng giống như vậy,
khi sát na định trở nên mạnh mẽ ngăn chận không để các ô nhiễm ái dục,
sân hận, dã dượi buồn ngủ, v.v.. xâm nhập tâm, tâm trở nên trong sạch
an tịnh. Nhờ tâm an tịnh, phát sinh sự hiểu biết như khả năng nhận
thấy thế nào là
đề mục quán sát và thế nào là tâm ghi nhận, hay sự phân biệt được tâm
và vật chất (namā và rūpa), còn gọi là danh sắc. Hành
giả cũng hiểu được thế nào là tương quan nhân quả của các hiện tượng
tâm và vật chất. Đây là minh sát tuệ đầu tiên. Thấy được tác ý là tâm
làm nhân, chuyển động là vật chất hay sắc, là quả. Hoặc thấy vật chất
là nhân, tâm là quả, hay tâm là nhân, tâm là quả, hay vật chất làm
nhân tạo ra vật chất là quả. Hành giả hiểu được rõ ràng tương quan
nhân quả của các hiện tượng. Tiếp tục phát triển sát na định sẽ đưa
đến sự hiểu biết bản chất sinh diệt của tâm và vật chất. Hành giả hiểu
được đặc tánh chung của các pháp là vô thường, bất toại nguyện, và
thấy rằng tất cả các hiện tượng tâm và vật chất chỉ đơn thuần là một
tiến trình, mả không có cái tôi ta, tự ngã, hay linh hồn nào trong
tiến trình này.
Theo sự tiến triển trong thiền tập, sức mạnh của chánh niệm và sát na
định ngày càng phát triển hơn nữa, hành giả kinh nghiệm các pháp sinh
diệt vô cùng mau lẹ. Tâm không bị phiền não chi phối do năng
lực chánh niệm được duy trì liên tục. Ở giai đoạn này, ái dục,
kāmacchanda nīvaraṇa, tạm
thời không còn sinh khởi. Hỉ, lạc phát sinh. Tâm an tịnh một cách phi
thường. Trạng thái này tương đương với sự thành đạt cận định hay nhập
thiền trong thiền vắng lặng.
Đặc biệt khi hành giả đạt tuệ giác cao hơn như tuệ sinh diệt,
udayabbaya-ñāṇa, hay tuệ
diệt, bhanga-ñāṇa, sát
na định càng trở nên mạnh nhiều hơn nữa. Hành giả cũng chứng nghiêm
được hỉ, lạc, hay ánh sáng v.v... là những kết quả đem lại sự vui
thích, khích lệ, làm cho hành giả không còn thoái thác trong thiền
tập. Chánh niệm giờ đã quen thuộc với đề mục nên không còn nhờ yếu tố
tầm làm trung gian. Thiền tập trở nên có trớn mạnh, không còn khó khăn
như trước kia. Chánh niệm tự động hướng đến đề mục và tự động duy trì
trên đề mục. Hành giả không còn cần phải cố gắng đưa tâm về đề mục và
cố sức duy trì chánh niệm trên đề mục. Hai yếu tố tầm và tứ giờ đây
không còn. Hỉ lạc phát sinh càng mạnh hơn. Hành giả vui thích với hỉ
lạc nhiều hơn. Hành giả có khuynh hướng dính mắc vào các cảm giác sung
sướng, lâng lâng, an lạc... Sự dính mắc vào các cảm giác, nikanti,
làm cho đình trệ pháp hành. Hành giả phải tiếp tục gia tăng chánh
niệm vào tất cả các hiện tượng, sao cho sự dính mắc không còn xuất
hiện nơi tâm nữa.
Chúng ta đã bàn qua các điểm khác biệt giữa thiền vắng lặng và thiền
minh sát. Trong thiền chỉ, đề mục hành thiền thuộc về tục đế. Hành giả
chú tâm quán sát đề mục cố định, làm cho tâm định tĩnh. Trong thiền
minh sát, đề mục hành thiền thuộc về chân đế. Hành giả quán sát tất cả
các hiện tượng tâm và vật chất sinh khởi, hình thành tuệ minh sát.
Hành giả hiểu được thế nào là thân tâm, hay danh sắc, thế nào là nhân
quả, và hiểu được ba đặc tánh: Vô Thường, Bất Toại Nguyện, và Vô Ngã,
để cuối cùng chứng đạt Đạo Quả.
Do đó, thay vì thực hành thiền chỉ, bạn có thể trực tiếp hành thiền
minh sát để thành đạt thánh quả.