- Bước đầu Học Phật
-14-
Giác
ngộ pháp gì ứng dụng tu Ngũ thừa Phật giáo?
I.- MỞ ÐỀ
Tất cả
pháp Phật dạy đều trước phải giác ngộ rồi sau mới ứng dụng tu. Cũng
như trước biết đường rồi sau mới đi, trước hiểu rồi sau mới làm.
Sự giác ngộ này là nhận thấy lẽ thật ngay thế gian không phải huyền
nhiệm siêu viễn, mà là cụ thể thực tế. Bởi giác ngộ rồi mới tu,
nên đúng tinh thần đạo giác ngộ. Chúng ta là Phật tử phải thấu rõ lẽ
này, đừng lầm lẫn ứng dụng tu một cách mù quáng. Không hiểu mà làm
là việc làm càn bướng dại khờ. Chúng ta phải thắp sáng ngọn đuốc chánh
pháp soi bước đi, để khỏi vấp ngã rơi hố lọt hầm.
Tổng quát
căn bản Phật pháp là Ngũ thừa Phật giáo, trước khi ứng dụng tu mỗi
thừa đều phải giác ngộ mỗi pháp. Ví như ở bến xe miền Ðông tại
thành phố Hồ Chí Minh, trước khi chúng ta mua vé lên một chiếc xe nào là
phải ý thức được mình đi đâu, đi làm gì? Khi mua vé lên xe, chúng ta biết
rõ chủ đích và phân biệt rành rẽ con đường mình đi. Nếu chúng ta mua
vé lên xe Tây Ninh là biết rõ mình sẽ đến Thị xã Tây Ninh, mua vé lên
xe Vũng Tàu là biết rõ mình sẽ đến Ðặc khu Vũng Tàu. Lên xe nào đến
chỗ ấy là ví dụ cho ngũ thừa Phật giáo. Bởi vì thừa là cỗ xe hay ngồi
xe, sẽ đưa đến mục đích chúng ta nhắm. Chọn lựa xe đi là theo nhu cầu
cần thiết của chúng ta đã biết. Thế nên trước giác, sau tu là chủ yếu
của Ngũ thừa Phật giáo.
II.- GIÁC NGỘ LÝ NHÂN QUẢ,
LUÂN HỒI ỨNG DỤNG TU NHÂN THỪA, THIÊN THỪA
1. Giác
ngộ lý nhân quả, luân hồi
a)
Giác ngộ lý nhân quả
Vạn vật
và mọi hiện tượng trên thế gian này, nếu đem ra khảo sát, chúng ta sẽ
thấy không có một vật tượng nào thoát ra ngoài nhân quả. Từ động vật,
thực vật, khoáng vật cho đến mọi hiện tượng mà các giác quan chúng ta
cảm nhận được, đều phải có nhân mới thành quả. Ví như con người là
quả, xuất phát từ bào thai là nhân. Cây lúa, bông lúa là quả, phát sanh
từ hạt lúa giống là nhân. Khối đá là quả, kết hợp từ những hạt bụi
là nhân. Dù là những hiện tượng lạ xuất phát từ con người hay thiên
nhiên, tuy hiện nay người ta chưa phát giác được nguyên nhân của nó,
song chỉ là chưa tìm ra, chớ chẳng phải không nguyên nhân. Thấy quả,
chúng ta liền biết có nhân, đó là tinh thần khoa học, là óc khảo cứu của
các nhà bác học. Thấy một thành quả, chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân của
nó, là chưa thấu suốt vấn đề. Từ một kết quả, chúng ta thông suốt
nguyên nhân, chúng ta có thể cấu tạo nguyên nhân để được kết quả
như ý muốn. Ví như thấy bông lúa thơm biết từ hạt giống lúa thơm, chúng
ta muốn sang năm có lúa thơm ăn, năm này phải lấy giống lúa thơm gieo mạ.
Trên lãnh vực khoa học, người ta thấy nắp vung nồi nước động, biết
từ hơi nước đun sôi bốc lên, do đó chế biến ra các loại máy nổ. Khi
thấy chiếc pháo thăng thiên bay vút lên cao nổ tung ra, biết từ nhiên liệu
cháy có sức đẩy, người ta chế ra các loại phi cơ phản lực... cho đến
những ngôn từ luận lý cũng phải từ quả đến nhân, hoặc từ nhân ra
quả. Nếu không như thế là lý luận không chặt chẽ. Ví như nói, tôi
thích món ăn này (quả), vì nó vừa miệng tôi (nhân). Tôi không ưa người
đó (quả), vì họ ở xấu với tôi (nhân). Vì nghèo (nhân), tôi không dám
ăn xài (quả). Thực tế mà nói, nhân quả bao trùm hết mọi lãnh vực
trong cuộc sống của con người. Mọi hành vi thố lộ ra, đều lệ thuộc
nhân quả. Song với người trí thì biết rõ, kẻ ngu thì không phân rành.
Nói đến
nhân quả là tùy thuộc thời gian. Bởi vì từ nhân đến quả, phải trải
qua giai đoạn khác nhau. Như từ một hạt cam đến thành cây cam và có
trái cam, phải trải qua thời gian dài. Hạt cam hoại để thành cây cam, hạt
cam thuộc quá khứ, cây cam hiện tại, trái cam vị lai. Rồi trái cam là
quá khứ, hạt cam là hiện tại, cây cam là vị lai. Cứ thế xoay vần từ
nhân đến quả, từ quả lại nhân. Vì thế muốn đoán định nhân quả,
chúng ta phải căn cứ trên ba thời mà xét. Nếu ai chỉ cắt xén một chặng
mà đoán định, là sai lầm lệch lạc. Ví như đồng thời trồng cam, mà một
người được quả cam sành, một người được quả cam đường. Nhìn cây
cam lá cam giống nhau, mà trái cam lại khác. Nếu chỉ căn cứ cây cam, trái
cam mà biện lý lẽ, làm sao hiểu nổi. Chúng ta phải xét lui về quá khứ,
khi gieo hạt cam loại nào, mới thấy thấu đáo vấn đề. Cũng thế, trong
cuộc sống khổ vui tốt xấu hiện tại của chúng ta, không nhìn lui về
quá khứ, khó bề hiểu biết tường tận. Cho nên trong kinh Nhân Quả Phật
dạy: "Muốn biết nhân đời trước, cứ xem cuộc sống hiện tại này,
cần biết quả đời sau, nên xem hành động hiện nay." Hiện tại là kết
quả của quá khứ, cũng là nhân của vị lai. Cây cam là quả của hạt
cam, cũng là nhân của quả cam. Muốn mai kia được nhiều quả cam ngon, hiện
tại chúng ta phải vun quén cho cây cam được sum suê. Ðấy là khéo ứng dụng
nhân quả. Hiểu thấu đáo lý nhân quả là giác ngộ lý nhân quả.
b)
Giác ngộ lý luân hồi
Luân hồi
là sự vận hành luân chuyển. Trong bầu vũ trụ chúng ta hiện sống đây,
luôn luôn vận hành luân chuyển. Quả địa cầu xoay tròn mãi mãi, sáng tối
rồi sáng tối. Nhân đó lập thời gian: ngày, tháng, năm, xuân, hạ, thu, đông.
Thế rồi xuân hạ thu đông lại xuân hạ thu đông... Ð?y là hiện trạng
luân hồi của không gian và thời gian. Cho đến mọi sanh vật sinh sống trên
quả địa cầu, vừa có sự sống là có vận hành lưu chuyển, ở bên
trong mọi vật đều có sự vận hành luân chuyển không ngừng. Dừng đứng
lại là mất sự sống. Như nơi con người máu từ quả tim chạy ra các huyết
quản, từ các huyết quản trở về quả tim, sự vận hành ấy không có
khi dừng, vừa dừng lại là chết. Các sanh vật khác cũng thế. Cho nên
luân hồi, là một thực thể của vũ trụ và chúng sanh. Phủ nhận lý
luân hồi là phủ nhận sự sống, phủ nhận sự biến thiên của thời
gian và không gian.
Thừa nhận
lý luân hồi, chúng ta phải thừa nhận hai yếu tố then chốt của nó là vận
hành và bất tận. Vì mọi hiện tượng trên nhân gian này luôn luôn vận
hành thăng trầm mà bất tận. Sự vật tùy duyên đổi thay, song bản chất
của nó không mất. Ví như nước, tùy duyên nóng hay lạnh hình thái của
nó bị đổi thay. Từ một thể lỏng, gặp duyên sóng nước biến thành thể
hơi, gặp duyên lạnh cô đọng lại thành thể cứng. Mọi sự biến thể của
nước đều là tùy duyên. Có khi nó nhẹ bàng bạc trong hư không, có khi đọng
lại thành khối cứng như đá. Tuy hình thái đổi luôn luôn, mà bản chất
nước vẫn không mất. Nếu ai thấy nước không còn ở thể lỏng, bảo mất
là khờ. Hoặc thấy tan không còn ở thể cứng, bảo hết là dại. Người
khôn ngoan biết sự tùy duyên biến thái của nước, muốn nó là hơi dùng
duyên nóng, muốn nó thành khối dùng duyên lạnh. Thế là tùy duyên ứng dụng
một cách linh động. Ðó là chỗ sử dụng của các nhà khoa học hiện
nay.
Cũng thế,
sang lãnh vực con người, biết sự luân hồi tùy nghiệp duyên, người tu hành
khéo tạo nghiệp lành duyên tốt, để sự vận chuyển đúng theo sở nguyện
của mình. Sử dụng nghiệp duyên theo nguyện vọng sở thích của mình, là
người thông suốt lý luân hồi. Biết rõ luân hồi là biến thể chớ
không mất, người tu không mắc kẹt hai cái chấp thường kiến và đoạn
kiến. Từ nghiệp duyên tốt xấu đưa đến thành quả khổ vui ở mai kia.
Chúng ta dại gì không chọn nghiệp duyên tốt để được kết quả an vui.
Ðây là sự tu hành của người Phật tử trong cuộc luân hồi.
2. Ứng dụng
tu nhân thừa, thiên thừa
Sau khi
thành Phật, đức Thích-ca đã từng bảo: "Ta xem thấy chúng sanh luân hồi
trong sáu đường, như người mắt sáng đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã
tư đường, thấy người qua lại của mỗi con đường một cách rõ
ràng." Trong sáu con đường ấy là: trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ
quỉ, địa ngục. Ba con đường trên là tốt, ba con đường dưới là xấu.
Ba con đường trên chọn kỹ chỉ có cõi trời, cõi người còn tu được.
A-tu-la nóng nảy khó tu. Vì thế người tu phải chọn hai con đường trên,
gọi là Nhân thừa và Thiên thừa.
a)
Nhân thừa
Tu nhân thừa,
trước phát nguyện qui y Tam Bảo để vạch một lối đi cho hiện tại và
mai sau. Kế giữ năm giới là nền tảng tạo thành tư cách con người, là
con người ai cũng xem sanh mạng mình là tối thượng, tài sản là huyết mạch,
gia đình là tổ ấm an vui. Vì thế tuyệt đối không được giết người,
không được trộm cướp của người, không được phạm tà dâm. Lại
không nói dối để gây uy tín, sự cảm thông trong gia đình và ngoài xã hội,
không uống rượu để mình bình tĩnh sáng suốt và khỏi làm phiền hà mọi
người chung quanh. Hiện tại là một con người đúng tư cách con người, vị
lai cũng sẽ làm người xứng đáng danh nghĩa con người. Ðó là do thấy
được nhân, biết rõ quả và nhận được sự bất tận trong dòng sanh mạng
của con người, nên ứng dụng tu như thế.
b) Thiên
thừa
Chúng sanh
ở cõi Trời do phước đức đầy đủ nên dục lạc sung mãn. Chúng ta muốn
hưởng sự an vui ấy, ngay hiện tại cần phải tu mười điều lành, nhân
lành đầy đủ sẽ được kết quả sanh cõi Trời. Mười điều lành có
chia hai phần tiêu cực và tích cực. Mười điều lành tiêu cực: không giết
người, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói ly gián,
không nói thêu dệt, không nói ác khẩu, bớt tham lam, bớt nóng giận,
không tà kiến. Mười điều lành tích cực: cứu mạng chúng sanh, bố thí,
trinh bạch, nói chân thật, nói hòa hợp, nói đúng lý, nói nhã nhặn, tập
từ bi, tập nhẫn nhục, chánh kiến. Mười điều này nhân thù thắng nên
được quả thù thắng nhất trong sáu đường. Vì thế, người Phật tử
tu hành, nếu biết còn luân hồi nên chọn cái luân hồi này là tốt đẹp
hơn cả. Ðó là ứng dụng tu Thiên thừa, qua sự giác ngộ lý Nhân quả,
Luân hồi.
III. GIÁC NGỘ LÝ VÔ THƯỜNG,
KHỔ, KHÔNG, ỨNG DỤNG TU THANH VĂN THỪA.
a) Giác
ngộ lý vô thường, khổ, không
Vạn vật
trên nhân gian này đều là tướng di động biến thiên, không một vật
nào tạm yên và đứng nguyên một trạng thái. Sự di động biến thiên ấy
gọi là vô thường. Vô thường là một lẽ thật trùm trên vạn vật. Ðã
có vô thường phải đến biến hoại (khổ), đã biến hoại phải bị diệt
mất (không). Ba trạng thái này liên hệ dĩ nhiên với nhau. Ðã thừa nhận
vô thường là thừa nhận KHỔ, thừa nhận khổ phải chấp nhận KHÔNG. Vạn
vật cứ như thế mà tiếp diễn liên miên bất tận.
b) Tu
pháp tứ đế
Ðức Phật
chứng kiến lẽ ấy, nên Ngài nói pháp tứ đế. Tất cả là khổ, vì nó
là tướng vô thường biến hoại. KHỔ là một lẽ thật nên nói là Khổ
đế. Nơi con người sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ. Ðây là tướng
vô thường biến hoại của con người. Dù là người ở ngôi vị nào cũng
phải chung chịu bốn tướng ấy. Thế nên khổ đế là luật chung của
nhân loại, không riêng bởi một cá nhân nào. Chẳng những thế mà còn,
Ái biệt ly khổ, Cầu bất đắc khổ, Oán tắng hội khổ, và Ngũ ấm xí
thạnh khổ. Nghĩa là ngoài cái khổ biến hoại của bản thân, còn những
cái khổ tình cảm bất như ý. Người thương yêu mà phải xa lìa, khiến
cho lòng dạ tan nát. Những điều mơ ước mong cầu mà không toại nguyện,
quả là một tuyệt vọng, một bất mãn tột cùng. Kẻ oán ghét mà phải sống
chung cùng, thật là sự bực bội khó tả. Tổng quát ngay nơi thân năm ấm
này là một khối chung hợp toàn những thứ biến hoại đau khổ. Kể cả
những thứ khổ nhỏ nhiệm thì có đến tám vạn bốn ngàn khổ.
Sự khổ
này không phải ngẫu nhiên mà có chính nó phát xuất từ nguyên nhân: si,
tham, sân, mạn, nghi, ác kiến. Nếu kể chi ly có đến tám vạn bốn ngàn
thứ trần lao phiền não. Các thứ đó gọi chung là Tập đế. Do si mê
không biết thân tâm như thật nên khởi tham ái thân tâm. Bởi tham ái thân
tâm nên mong cầu mọi sự khoái lạc, gặp sự chống đối liền khởi tức
giận. Do ái ngã nên khinh khi lấn lướt người. Bởi si mê nên nghi ngờ lẽ
thật và khởi kiến chấp tà ác. Tụ hợp những nguyên nhân mê lầm tạm
bợ này làm ngã, quả thật là nhân của khổ, nên gọi là Tập đế, hay
Khổ tập.
Muốn cho quả
khổ tan hoại, không gì hơn đập thẳng nơi tập nhân. Tập nhân đã tiêu
diệt gọi là Diệt đế hay Khổ diệt. Bởi tập nhân là mầm si mê biến
hoại, nên khi diệt sạch chúng thì, trí tuệ phát sanh, nhân sanh diệt cũng
bặt dứt. Thế là chứng tứ quả Thanh văn được tịch diệt Niết-bàn.
Song muốn
phá hoại tập nhân cần phải có phương tiện. Phương tiện này là ba mươi
bảy phẩm trợ đạo: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ
căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo. Mỗi pháp như Tứ niệm xứ...
ứng dụng triệt để cũng có thể tiêu diệt được tập nhân, không nhất
thiết phải tu đủ ba mươi bảy phẩm. Những pháp này quả có công hiệu
tiêu diệt tập nhân, nên gọi là Ðạo đế hay Khổ đạo. Chữ đạo có
nghĩa là phương pháp, ba mươi bảy phẩm này là những phương pháp diệt sạch
tập nhân đau khổ.
Trong bốn
đế này đứng về mặt nhân quả mà nói: Khổ đế là quả, Tập đế là
nhân của dòng luân hồi sanh tử. Diệt đế là quả, Ðạo đế là nhân của
dòng giải thoát sanh tử. Thế nên còn có Tập đế quyết định phải có
Khổ đế, biết dụng tu Ðạo đế đúng pháp, nhất định sẽ đạt được
Diệt đế. Thế là hai con đường luân hồi đau khổ và tịch diệt Niết-bàn
đã trưng bày trước mắt chúng ta, tùy ý chọn lấy mà đi. Ðây là một lẽ
thật không thể sai chạy, cho nên Tôn giả A-nan trình lên Phật khi Ngài sắp
niết-bàn: "Mặt trời có thể lạnh, mặt trăng có thể nóng, pháp Tứ
đế Phật nói vẫn không thay đổi!"
IV.- GIÁC NGỘ LÝ NHÂN
DUYÊN ỨNG DỤNG TU DUYÊN GIÁC THỪA
a) Giác
ngộ lý duyên sanh vô ngã
Vạn vật
có hình tướng đều do duyên hợp. Không có một vật tự thân là một vật,
mà phải do chung hợp nhiều dữ kiện mới hình thành. Cái bàn không tự
là cái bàn, mà phải có gỗ, có đinh, ông thợ mộc và dụng cụ mới tạo
thành cái bàn. Cái cây không tự là cái cây, mà phải có hạt giống, có
phân, có đất, có nước, có ánh nắng và người săn sóc mới thành cây.
Con người không tự là con người, mà phải do tinh cha, huyết mẹ, nhờ sự
bú sữa, ăn uống, hít thở... mới thành con người. Tóm lại cả thế gian
này không có một vật gì tự nó thành nó, mà do duyên chung quanh hợp
thành hình.
Ðã do
duyên hợp thì không chủ thể, thế là vô ngã. Như thân xác thịt chúng
ta, nhà Phật bảo là tứ đại hợp thành. Ðất nước gió lửa là bốn thứ
lớn, hợp thành con người cũng hợp thành sự vật. Thử phân tích con người,
chất cứng là đất, chất ướt là nước, chất động là gió, chất ấm
là lửa. Bốn chất này tìm xem cái nào là chủ? Nhẹ như chất gió và lửa
mà thiếu một, thử hỏi thân này còn chăng? Quả nhiên không thể thiếu một
chất nào mà thân này còn tồn tại. Thế thì bốn chất có khả năng như
nhau, vậy cái nào là chủ? Không có chủ tức là vô ngã. Thân đã vô ngã,
tâm lại có ngã chăng? Nhà Phật chia thân này làm năm nhóm: nhóm hình sắc
gọi là sắc uẩn, nhóm cảm thọ gọi là thọ uẩn, nhóm tưởng tượng gọi
là tưởng uẩn, nhóm suy tư gọi là hành uẩn, nhóm phân biệt gọi là thức
uẩn. Bỏ phần sắc uẩn ra, còn bốn thứ kia thuộc phần tâm thần. Thế
thì bốn nhóm thọ tưởng hành thức cái nào là chủ. Nếu cảm thọ là chủ
thì tưởng tượng suy tư phân biệt là gì? Chính nơi tâm thần chúng ta có
đủ bốn nhóm ấy, mỗi thứ hoạt động một lãnh vực riêng. Thế nên phần
tâm cũng không chủ thể, ấy là tâm vô ngã.
b) Tu
pháp Thập nhị nhân duyên
Mười hai
nhân duyên, khởi đầu là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên
danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ,
thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên
lão tử. Thế là "cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia
sanh". Vô minh là mê lầm về bản ngã, nên mất thân theo nghiệp dẫn
là Hành. Nghiệp thúc đẩy thức đi thọ sanh là Thức. Thức tựa vào sự
phối hợp của tinh cha huyết mẹ là Danh sắc. Danh là thức, sắc là tinh
huyết cha mẹ, hợp thành thai bào. Thai bào có đủ sáu căn là lục nhập.
Khi ra khỏi lòng mẹ sáu căn tiếp xúc với sáu trần là Xúc. Do sự tiếp
xúc có cảm thọ khổ, vui, không khổ không vui là Thọ. Bởi cảm thọ nên
sanh yêu thích là Ái. Từ yêu thích khởi tâm bảo thủ là Thủ. Do bảo thủ
tạo thành nghiệp thiện ác là Hữu. Ðã có nghiệp thiện ác là có sanh đời
sau là Sanh. Ðã có sanh là phải già chết là Lão tử. Trong mười hai nhân
duyên liên hệ quá khứ hiện tại vị lai, cứ thế xoay vần không có ngày
cùng. Ðây là mười hai nhân duyên theo chiều lưu chuyển.
Biết rõ
thân tâm này do nhân duyên hòa hợp không có chủ thể là vô ngã. Trí tuệ
đạt lý vô ngã này dẹp tan mê lầm về bản ngã là Vô minh. Thế là vô
minh diệt nên Hành diệt, Hành diệt nên Thức diệt, Thức diệt nên Danh sắc
diệt, Danh sắc diệt nên Lục nhập diệt, Lục nhập diệt nên Xúc diệt,
Xúc diệt nên Thọ diệt, Thọ diệt nên Ái diệt, Ái diệt nên Thủ diệt,
Thủ diệt nên Hữu diệt, Hữu diệt nên Sanh diệt, Sanh diệt nên Lão tử
diệt. Từ đây vòng xúc xích mười hai nhân duyên tan rã. Chính là câu
"cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt".
Ðây là quán mười hai nhân duyên theo chiều hoàn diệt.
Do thấu suốt
nhân duyên, đạt được trí vô ngã nên chứng quả Duyên giác.
Ngang đây
chấm dứt sự luân hồi, hằng an lạc Niết-bàn.
V.- GIÁC NGỘ LÝ DUYÊN KHỞI
TÁNH KHÔNG, TU BỒ-TÁT THỪA
a/ Giác
ngộ lý duyên khởi tánh không
Cũng đứng
trên lý duyên sanh, song Bồ-tát không dừng lại ở chỗ thân này do năm uẩn
kết hợp là vô ngã, mà còn thấy năm uẩn tánh không. Bởi vì thân này
là giả tướng do năm uẩn kết hợp, chính năm uẩn cũng là giả tướng của
cái khác kết hợp và có cái khác cũng là giả tướng của cái khác nữa
kết hợp... Tột cùng tất cả các pháp đều là duyên hợp không có chủ
thể, là tánh không. Bởi tánh không do duyên hợp nên giả có. Vì cái có
ấy là tướng duyên hợp, nên giả dối tạm bợ như huyễn hóa. Giả có
nên chẳng phải không, có một cách tạm bợ nên không phải thật có. Thế
là không mắc kẹt ở hai bên chấp không và chấp có. Ðạt tột lý duyên
khởi tánh không, Bồ-tát nhìn sự vật như chính bản thân mình, chỉ có
giả danh mà không có thực thể. Bởi không có thực thể, nên các pháp thấy
như bọt, bóng, huyễn hóa. Duyên hợp thì các pháp có, duyên tan thì các
pháp không. Sự có không ấy chẳng qua là tướng của duyên thôi. Thế
nên, Bồ-tát thấy thân như huyễn, ngay khi sanh mà biết vô sanh.
b/ Tu
pháp lục độ
Lục độ là
sáu pháp: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.
Sáu pháp này tu được cứu kính gọi là Lục ba-la-mật. Bồ-tát do thấy
các pháp như huyễn nên tu bố thí được cứu kính. Bố thí có chia: Tài
thí, Pháp thí, Vô úy thí. Tài thí lại có ngoại tài, nội tài. Bồ-tát
dùng của cải để cứu giúp người đói khổ là bố thí ngoại tài. Có
khi cần đến sức lực, hoặc thân phần của mình để cứu giúp người,
Bồ-tát sẵn sàng làm là bố thí nội tài. Song phần tài thí chỉ là phương
tiện đầu để thu nhiếp cảm tình của người rồi sang pháp thí. Pháp
thí là đem chánh pháp chỉ dạy cho người được tỉnh giác. Giáo hóa cho
người được giác ngộ là phần giác tha của Bồ-tát. Vô úy thí là dùng
phương tiện giúp người qua cơn kinh sợ hãi hùng. Trong mọi hoàn cảnh khủng
khiếp của Bồ-tát đều dùng mọi phương tiện để an ủi cho người khỏi
sợ. Song cái sợ to lớn nhất là biển khổ sanh tử, Bồ-tát thường chèo
thuyền Bát-nhã cứu người qua khỏi biển khổ là vô úy thí. Ðã thấy
các pháp như huyễn, nên Bồ-tát không khước từ những điều khó bố
thí. Vì thế bố thí được ba-la-mật.
Trì giới
là gìn giữ giới pháp của Phật răn cấm. Trong giới Bồ-tát có mười giới
trọng và bốn mươi tám giới khinh, từ kinh Phạm võng. Hoặc Tam tụ tịnh
giới của hàng Bồ-tát. Ðây là ba nhóm giới thanh tịnh Bồ-tát phải thực
hành. Một là nhiếp luật nghi giới, những pháp nên lìa Bồ-tát hằng
lìa. Hai là nhiếp thiện pháp giới, những pháp nên chứng, Bồ-tát đều
tu chứng. Ba là nhiêu ích hữu tình giới, Bồ-tát thường làm lợi ích
chúng sanh. Những giới pháp này tu hành đến cứu kính viên mãn gọi là giới
ba-la-mật. Chính vì thấy các pháp duyên khởi như huyễn nên Bồ-tát hay
làm được việc khó làm.
Nhẫn nhục
là sức cam chịu mọi hoàn cảnh khổ đau bức bách tủi nhục đến với tự
thân. Chúng ta chiến thắng mọi sự thúc giục bức bách của bản thân tạo
ra và chiến thắng những gì khổ đau tủi nhục từ bên ngoài đưa đến.
Cho đến những điều oan trái không đâu, hoặc cực kỳ vô lý, chúng ta cũng
nhẫn chịu được. Có khi phải trả giá rất đắt về danh dự, về thân
thể, mà vẫn cam chịu để tròn hạnh nhẫn nhục. Cho nên nhẫn nhục khi
đến cứu kính là một sức hùng dũng phi thường, vì đã chiến thắng
hoàn toàn bản tánh ái ngã và bảo vệ ngã. Ðược thế mới gọi là nhẫn
nhục ba-la-mật.
Tinh tấn
là cố gắng nỗ lực. Dốc hết khả năng để chiến thắng mình, để chóng
thành đạo quả, là tinh tấn trong phần tự lợi. Dốc hết khả năng để
cứu giúp người, để giáo hóa cho họ giác ngộ, là phần lợi tha. Ở hai
bình diện tự lợi lợi tha, Bồ-tát lúc nào cũng nỗ lực một cách tột
cùng, gọi là tinh tấn ba-la-mật. Bởi Bồ-tát thấy đem thân như huyễn độ
hữu tình như huyễn, nên không bao giờ biết mỏi mệt và chán ngán.
Thiền định,
"thiền" nguyên từ chữ Phạn Dhyàra (Thiền Na), Trung Hoa dịch là Tĩnh
lự. Có nghĩa là do gá tâm một cảnh khiến những tâm lự lăng xăng được
lặng yên. Song Thiền định trong nhà Phật cũng có nhiều lối, hoặc quán
thân tâm này vô chủ để ngộ ngã không hoặc quán năm uẩn tánh không để
ngộä pháp không, hoặc tâm không chấp cảnh khiến tâm cảnh nhất như. Bởi
dừng được vọng tâm nên gọi là tĩnh lự. Thiền định đến tâm cảnh
nhất như là Thiền ba-la-mật.
Trí tuệ
là trí vô sư được hiển lộ viên mãn. Bởi mây mờ vọng lự dứt sạch,
nên mặt trời trí tuệ vô sư chiếu sáng rực rỡ. Trí tuệ này là do
công phu tu thiền định mà phát xuất, chớ không phải do học tập mà được.
Cho nên khi trí thể này hiện bày thì vô minh phiền não hoàn toàn tiêu sạch.
Thế là đầy đủ trí vô lậu thoát ly sanh tử luân hồi. Ðây là trí tuệ
ba-la-mật.
Lục độ có
nghĩa là do tu sáu pháp này đưa qua biển khổ sanh tử. Lại có nghĩa tu mỗi
pháp qua mỗi cái dở: tu Bố thí độ bỏn sẻn, tu Trì giới độ phá giới,
tu Nhẫn nhục độ nóng giận, tu Tinh tấn độ lười biếng, tu Thiền định
độ tán loạn, tu Trí tuệ độ ngu si.
Tóm lại,
ngũ thừa Phật giáo là phương tiện hướng chúng sanh tiến lên, tùy căn
cơ và sở nguyện mà sự tiến lên ấy có cao thấp khác nhau. Ðã là phương
tiện thì chưa phải mục đích chánh yếu của đức Phật muốn dạy. Nếu
nhằm chỗ mục đích chánh của Phật thì chỉ giáo hóa chúng sanh đều
được thành Phật. Tuy nhiên lòng từ bi của đức Phật là như thế, song
trình độ căn cơ của chúng sanh thì chẳng đồng. Buộc lòng đức Phật
phải mở rộng Ngũ thừa hoặc Tam thừa mà giáo hóa chúng sanh. Nếu chúng
ta ứng dụng tu hành một thừa trong năm thừa, mà tâm niệm vẫn biết rõ
rằng đây là phương tiện để tiến lên, chớ không phải chỗ an trụ vĩnh
cửu, là không có lỗi lầm. Ngược lại, chúng ta tu theo thừa nào chấp chặt
vào đó, không chịu phát tâm hướng thượng, ấy là những kẻ rơi trong hóa
thành. Chúng ta là người cầu Phật đạo, phải tu đến bao giờ viên mãn
Phật đạo mới được dừng nghỉ. Ðây là mục đích tối thượng của
người Phật tử chúng ta.