- Bước đầu Học Phật
-9-
Tam
độc
I. MỞ ÐỀ
Rắn độc
thuốc độc là thứ người đời rất kinh sợ, nhưng không đáng sợ bằng
tam độc. Vì rắn độc thuốc độc hại người chỉ một thân này, tam độc
hại người đến bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Nếu đáng sợ chúng ta
nên sợ tam độc hơn tất cả thứ độc khác. Thế mà, người đời chẳng
những không sợ tam độc, lại còn nuôi dưỡng chứa chấp bảo vệ, khiến
nó càng ngày càng tăng trưởng. Do đó, người đời luôn luôn sống trong
mâu thuẫn, một mặt cầu mong được an ổn vui tươi, một mặt nuôi dưỡng
tam độc là động cơ bất an và đau khổ. Có khác gì, người kia muốn gia
đình được bình an, mà nuôi kẻ giặc trong nhà. Thế thì sự bình an chẳng
những không có, mà đau khổ tan hoại sẽ đến nay mai. Người học đạo
chúng ta phải sáng suốt nhận diện đúng mặt thật kẻ phá hoại, tiêu diệt
chúng thì sự an vui sẽ đến với chúng ta. Tam độc là nguồn đau khổ của
chúng sanh, là cội rễ bất an của nhân loại, chúng ta phải hiểu nó và cố
gắng trừ nó.
II. HÌNH TƯỚNG TAM ÐỘC
Tam độc là
ba thứ ác độc mang đau khổ đến cho con người, phá hoại mọi hạnh
phúc an vui của con người. Theo thứ tự thông thường của nó là Tham,
Sân, Si; song đặt đúng trật tự từ gốc ra ngọn phải nói Si, Tham, Sân.
1. Si:
Si là si mê. Không biết đúng lẽ thật giả, không nhận ra phải trái,
không thấy được tà chánh, ngu tối mờ mịt là tướng trạng của Si. Cái
si mê căn bản nhất là nhận lầm thân giả dối làm cái ta chân thật,
tâm sanh diệt làm cái ta vĩnh cửu. Nơi ta đã nhận lầm thì đối tất cả
đều lầm, phát sanh bao nhiêu thứ tội lỗi về sau đều gốc từ cái lầm
này mà ra.
Thân là tướng
duyên hợp hư giả mà lầm chấp thân mình thật. Ðã thấy thân thật rồi,
sanh bao nhiêu thứ bảo vệ gìn giữ nuôi dưỡng tô điểm cho thân, giành
giật đuổi bắt tìm cầu cho được những nhu cầu mà thân đòi hỏi. Nhưng
không bao giờ có sự thoả mãn của bản thân, vì nó là một thứ ghẻ lở,
càng được lại càng đòi hỏi. Chính nó là cái gốc của lòng tham vô tận
sau này. Lầm chấp thân là thật thì mọi sự vật lệ thuộc về thân cũng
thấy là thật. Do đó chẳng những lo tìm cách bảo vệ thân, cũng lo tìm
cách bảo vệ những sự vật lệ thuộc. Chúng ta cố gìn giữ thân mình, cố
tìm kiếm những nhu cầu để thỏa mãn thân mình, cố bảo vệ những sự
vật lệ thuộc về mình, kẻ khác cũng thế. Ai cũng muốn thỏa mãn, muốn
bảo vệ, song mình được thì kẻ khác phải mất, đó là chỗ đụng nhau
của con người. Nhân loại tranh đấu nhau để được từng mảnh vụn vật
chất, gốc từ chấp thân thật phát sanh. Bởi cho thân là thật, một khi
nó sắp hoại thì mọi sợ sệt lo âu không sao kể hết.
Về tâm,
cho những thứ suy tư nghĩ tưởng cảm xúc phân biệt... là tâm mình thật.
Song những thứ ấy là tướng duyên theo bóng dáng trần cảnh, chợt có chợt
không, bỗng sanh bỗng diệt, không có thực thể cũng không lâu dài. Bám
vào cái giả dối tạm bợ ấy cho là tâm mình. Khi đã chấp là tâm mình rồi,
mình nghĩ cái gì cũng cho là đúng, mình tưởng cái gì cũng cho là hay,
mình phân biệt điều gì cũng cho là phải. Bảo vệ ý kiến mình chống đối
ý kiến kẻ khác. Nếu sự chống đối của một cá nhân với một cá
nhân, là ý kiến bất đồng trong phạm vi cá nhân. Nếu sự chống đối của
quần chúng này với quần chúng khác, là tranh đấu ý thức hệ. Bất đồng
ý kiến là mầm đau khổ triền miên từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
Nhưng mà, ý kiến làm sao đồng được, bởi mỗi người sống trong mỗi môi
trường khác nhau, sự huân tập hấp thụ khác nhau, kể cả những chủng
nghiệp của thời quá khứ cũng khác nhau, đương nhiên vọng tưởng tâm thức
phải khác nhau. Bởi những thứ ấy do huân tập mà có nên những bất đồng
ấy không thể tránh khỏi. Thế mà chúng ta lại bảo thủ ý kiến mình là
đúng, kẻ khác ắt cũng nhận ý kiến họ là đúng, hai cái đúng ?y sẽ
là gốc đấu tranh. Nếu nói thẳng, ý kiến không có đúng, chỉ vì phù hợp
với một số người nào với khoảng thời gian nào, đến những kẻ khác
và thời gian khác là sai. Vì thế, người cố chấp ý kiến mình đúng, quả
là họ đã sai. Càng cố chấp càng bảo thủ ý kiến mình là nguyên nhân
đau khổ trầm trọng của con người. Chỉ khéo léo dung hòa buông xả để
cùng vui vẻ với nhau, là người khôn ngoan nhất.
2. Tham:
Do chấp thân là thật nên khởi tham lam mọi nhu cầu vật chất cho thân.
Lòng tham là cái hang không cùng, cái túi không đáy, cho nên không biết đến
đâu là đủ. Không có, tham lam muốn có; đã có, tham lam muốn thật nhiều,
càng được lại càng tham. Tham mà không toại nguyện liền nổi sân. Quả
thật tham là nhân đau khổ vô hạn, con người đến khi sắp tắt thở vẫn
chưa thỏa mãn lòng tham. Tham có nhiều loại:
Tham muốn
thân này sống mãi không chết, người ta coi cái chết là một họa hại tối
đại của con người. Thế nên, thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, người ta luôn
mồm cầu khỏe mạnh, cầu sống lâu trăm tuổi. Bởi có ám ảnh mình sống
lâu, nên kinh doanh sự nghiệp đuổi theo danh vọng, mê say sắc đẹp, thích
uống ăn ngon lành... cho thỏa mãn thân này. Vì sợ chết nên người ta luôn
luôn tránh né tiếng chết, dù cho đến khi bệnh ngặt sắp chết, đi mua hòm
về vẫn nói nhắc cái "thọ". Sự thể tham sống đầy ngập nơi
con người, có những người mang thân sống một cách khổ đau đen tối, mà
nghe nói chết cũng sợ sệt. Song có sanh nhất định phải có tử, là một
định án không thể di dịch, làm sao tránh được. Chỉ có sợ chết mà
không biết đường tránh, đây là nỗi khổ tuyệt vọng của con người.
Vì tham sống
lâu nên người ta muốn được nhiều tiền của để bảo đảm đời sống.
Muốn được tiền của nhiều, người ta phải tranh đua giành giật với
nhau. Ðã là giành giật thì có kẻ được người mất, kẻ được vui cười
thì người mất tức tối. Vì thế người được càng nhiều thì thù hận
càng lắm. Có khi trong lúc giành giật, chỉ nghĩ phần được về mình, người
ta đã càng lấn dẫm đạp trên sanh mạng kẻ khác. Cho nên cái được của
ta cũng là mồ hôi nước mắt của người. Người tham tiền của nhiều thì
đau khổ cũng nhiều. Bởi vì đâu phải muốn là được, phải lao tâm nhọc
trí, phải tốn hao bao nhiêu sức lực mới được. Ðã được lại sợ
người ta phá, tìm mọi cách gìn giữ bảo vệ, nhưng có khi nó cũng ra đi.
Khổ công quá nhiều mới được, được rồi lại mất, thật là khổ đau
vô kể.
Danh vọng
là những hạt nước lóng lánh trước ánh nắng mặt trời, người thích
những danh vọng cao sang, nhưng khi nắm vào tay nó liền tan biến. Song người
thế gian nào có biết chán, cứ một bề ngó lên, được một bậc lại muốn
lên một bậc. Chính vì tham lam mong muốn, người ta phải chạy chọt cầu
cạnh bợ đỡ những người có khả năng đưa mình lên. Mong cầu mà được,
người ta lại thêm mong cầu. Mong cầu mà không được, người ta phải khổ
đau sầu thảm. Danh vọng là miếng mồi ngon, nên ta mong ước kẻ khác cũng
mong ước. Nếu ta nắm được nó trong tay thì kẻ khác cũng tìm đủ cách
để gỡ ra. Vì thế, người xưa đã nói "càng cao danh vọng càng dày
gian nan". Ít có người ngồi trên chiếc ghế danh vọng được an ổn
suốt đời. Song vì tánh cách hào nhoáng của danh vọng hấp dẫn mọi người
dán mắt vào đó không biết mỏi. Ðuổi bắt danh vọng, như những đứa bé
đuổi bắt bóng, cuối cùng chỉ chuốc lấy sự mệt nhừ. Chỉ ai khôn
ngoan khéo biết dừng, người đó sẽ được an ổn.
Sắc đẹp
cũng là một thứ men say khiến nhiều người đắm mê đeo đuổi. Bao nhiêu
danh từ hạnh phúc yêu đương êm tai, ngọt dịu, thúc đẩy khách si tình
chìm sâu trong biển ái, rốt cuộc chỉ là những ảo tưởng đảo điên,
do con người điên đảo bày bịa. Hạnh phúc là chiếc mặt nạ của khổ
đau, một khi lột chiếc mặt nạ ấy ra liền lộ nguyên hình đau khổ.
Nhưng con người là bệnh nhân của sắc dục, mặc dù biết nó là nhân
đau khổ, mà họ vẫn la cà bê bết, không chịu tránh xa. Người ta đuổi
theo sắc dục không khi nào biết chán, như người khát uống nước muối càng
uống càng khát. Nó mang họa hại cho bản thân chóng tàn cỗi, lại thêm
nhiều sầu thảm khổ đau. Ðam mê sắc dục là người tự phá hoại sanh mạng
của chính mình.
Những thức
ngon ăn uống chỉ có giá trị khi còn tại lưỡi, nuốt qua khỏi cổ nào
có ra gì. Thế mà người đời vì miếng ăn giành giật nhau, giết hại
nhau. Tốn bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu sức lực, chỉ vì một món ăn ngon. Hôm
nay thích ăn món này, ngày mai đòi ăn món nọ, sự thèm khát đòi hỏi
thôi thúc người ta phải khốn khổ nhọc nhằn suốt đời. Rốt cuộc một
đời sống chỉ vì nô lệ cho cái lưỡi. Dù có người bảo rằng ăn uống
bồi bổ sức khỏe con người, cần thiết cho sự sống, song chúng ta chỉ
cần ăn những thức có đủ sinh tố nuôi dưỡng cơ thể là tốt, đừng cầu
kỳ món ngon vật lạ, đừng đòi hỏi chả phụng khô lân. Biết chọn thức
ăn đủ bồi dưỡng thân này khỏe mạnh là đúng, chớ để cả đời nô
lệ cho cái lưỡi.
Lại có lắm
người cứ thích nhàn rỗi thảnh thơi, thong thả qua ngày, chẳng ưng làm lụng
việc gì. Họ tự cho thân sung sướng là trên hết, không muốn làm động
móng tay. Quan niệm này lâu ngày trở thành lười biếng hèn nhát. Họ là
những khối thịt thường được vất lên chiếc giường, ném xuống chiếc
võng. Cả ngày họ chỉ biết thụ hưởng, mà không ưng làm một công tác
gì để có lợi cho mình và giúp ích xã hội. Nếu một đời sống mà tập
như thế, kẻ đó tự chuốc bệnh hoạn vào thân và vô ích cho xã hội.
Càng ở không càng thấy thân lừ nhừ nhọc mệt, vì thân này là một cái
máy hoạt động, nếu không chịu hoạt động máu huyết không được lưu
thông, gân cốt không dẻo dai, là cái cớ để bệnh hoạn. Người cố ở
không cho sung sướng, đâu ngờ họ tự chuốc bệnh hoạn khổ đau.
3. Sân:
Sân là nóng giận. Do tham lam mà không toại nguyện, hoặc bị ngăn trở liền
nổi sân. Một khi nổi sân thì mọi tội ác nào cũng dám làm, mọi khổ
đau nào cũng dám tạo. Tất cả sự hung tợn dữ dằn ác độc đều do sân
mà phát sanh. Sân có loại bộc phát, có loại thầm kín.
Nghe một lời
nói trái tai, thấy một hành động không vừa ý liền nổi nóng la ó ầm
ầm là sân bộc phát. Loại sân này rất nguy hiểm, song đối phương dễ
thấy dễ biết. Những điều gì mình muốn được bị kẻ khác ngăn trở,
liền nổi giận mặt đỏ, miệng thốt ra lời bất hảo, tay chân quơ múa,
toàn thân cử động một cách mất điều hòa. Nếu khi này, đối phương
nhường nhịn đi thì khả dĩ dịu lại, bằng không thì cơn ẩu đả khó
tránh. Một phen nổi sân là một trận bão bùng họa hại hiểm nguy không
thể lường trước được. Mọi hiểm nguy họa hại trong đời sống của
chúng ta đều do sân mang lại. Người ôm ấp lòng sân là kẻ chứa chấp rắn
độc trong nhà, tai họa đến một cách dễ dàng chỉ trong giây phút.
Có người
được sức mạnh dằn ép lửa sân bộc phát, nhung họ lại nuôi dưỡng nó
một cách ngấm ngầm. Khi nghe nói trái tai, họ nổi giận, mà ghìm ở trong
lòng. Lòng sân này thầm lặng mà ác độc vô kể, vì đối phương không
biết được để ngừa đón. Những kẻ có lòng sân thầm kín là con người
sâu độc nguy hiểm. Ðây là đống lửa than, khó thấy mà lâu tàn. Người
ôm lòng sân này như ngôi nhà đẹp mà chứa đầy hơi độc. Những kẻ thiếu
tinh tế, nhận xét hời hợt, không sao tránh khỏi bị hơi độc làm ngạt
thở. Song hại được người chính mình cũng không an ổn gì. Thế nên sân
là mối hiểm họa cho mình cho người, mọi khổ đau trong đời này đến
muôn kiếp đều do sân gây ra.
III. TRỪ TAM ÐỘC
Như trên đã
thấy, tam độc là họa hại vô cùng bất tận của con người. Chúng ta phải
nỗ lực thủ tiêu chúng thì đời mình mới an ổn và đem an ổn lại cho mọi
người. Tam độc như một cây to, si là gốc cây, tham là thân cây, sân là
cành lá. Trừ tam độc, chúng ta phải nhắm thẳng vào gốc của nó mà đoạn
diệt. Gốc của nó tức là si, nên phương pháp trừ nó phải là trí tuệ.
Ở đây chúng ta dùng hai phương pháp để trừ diệt chúng:
1/ Quán
vô thường: Bởi do si mê chấp thân này là thật và cuộc sống lâu
dài, nên dấy khởi lòng tham sống lâu, tham của cải, tham danh vọng... Ở
đây chúng ta dùng trí tuệ quán chiếu theo chiều thời gian, xem thân này quả
thật sống lâu dài hay không? Như Phật đã nói: "mạng người sống
trong hơi thở". Ðây là một sự thật của kiếp người, chỉ một
hơi thở ra không hít vào đã chết. Dù có đến trăm ngàn lối chết, song
bất cứ lối chết nào cũng thở khì ra mà không hít lại là xong một cuộc
đời. Thời gian thở ra không hít lại khoảng bao lâu, quả thật ngắn ngủi
vô cùng, chỉ trong vòng một tích tắc đồng hồ. Như thế, chúng ta kết
luận mạng người sống bao lâu, mà tham lam đủ thứ. Càng xét nét chúng
ta càng thấy thân này thật quá mỏng manh, một luồng gió độc xuông vào
cũng có thể chết, dẫm chân lên con rắn độc bị cắn cũng có thể chết,
đi đường sẩy chân ngã bổ cũng có thể chết, ngồi trên xe đụng nhau
cũng có thể chết, một gân máu bể cũng có thể chết v.v... sự còn mất
của thân này quá nhanh, không có gì bảo đảm cho sự sống của nó hết.
Phút giây nào còn sống là biết nó sống, phút giây khác không chắc nó lại
còn. Một cơn bất thần liền ngã ra chết, nên nói thân này là vô thường.
Ðã thấy thân mỏng manh như vậy thì sự tham lam cho thân còn có giá trị
gì. Do trí tuệ thấy đúng như thật thân này vô thường, mọi sự tham lam
theo đó được dừng, lòng sân hận cũng nguội lạnh.
Những suy
tư nghĩ tưởng của tâm thức cũng đổi thay từng giây phút. Chúng thay
hình đổi dạng luôn luôn nên cũng thuộc vô thường. Trong một ngày mà buồn
giận thương ghét đổi mày thay mặt không biết bao nhiêu lần. Mọi sự đổi
thay ấy là tướng trạng vô thường, còn gì tranh chấp là chân lý. Chấp
suy tư nghĩ tưởng của mình là đúng là chân lý, quả là việc dại khờ,
có khi nào lấy một cái búa trong bóng để đập nát một viên đá thật
được. Cũng thế, vọng tưởng là cái vô thường tạm bợ làm sao dùng
nó suy ra được một chân lý muôn đời. Chấp chặt những nghĩ tưởng mình
là đúng chân lý, quả là phi lý rồi.
2/ Quán
duyên sanh: Si mê chấp thân này là thật, chúng ta hãy dùng trí tuệ đứng
về mặt không gian xem xét coi có đúng hay chăng? Từ tinh cha huyết mẹ cộng
với thần thức hòa hợp thành bào thai, khi ra khỏi lòng mẹ phải nhờ tứ
đại bên ngoài nuôi dưỡng bồi bổ thân này mới sanh trưởng. Thế là do
hòa hợp mà có thân, cũng do hòa hợp được sanh trưởng. Ðã là duyên hợp
thì không phải một thể, chỉ là hợp tướng từ duyên sanh. Như cái nhà
là hợp tướng của nhiều duyên, trên hợp tướng ấy không có cái nào
là chủ của cái nhà, cái nhà là giả tướng của nhiều duyên hợp lại.
Nếu chúng ta chỉ cây cột cũng không phải cái nhà, cây kèo cũng không phải
cái nhà, cho đến tất cả không có cái nào là cái nhà, đủ những thứ
đó hợp lại tạm gọi là cái nhà. Cái nhà ấy là một giả tướng do duyên
hợp, thân này cũng thế. Mọi sự duyên hợp đều hư giả, chúng ta tìm đâu
cho ra lẽ thật của thân này. Trên cái không thật mà lầm chấp cho là thật
quả thật si mê. Thấy rõ thân này duyên hợp không thật là trí tuệ. Thấy
thân này không thật rồi, còn gì tham lam nhiễm trước nơi thân. Ðối với
thân không tham nhiễm thì mọi nhu cầu của nó còn có nghĩa lý gì. Thấy
thân đúng lẽ thật thì si mê tan tành tham sân cũng theo đó biến hoại.
Ðến như
suy tư nghĩ tưởng thương ghét... trong tâm đều do sáu căn tiếp xúc với
sáu trần mà phát sanh. Bản thân của những tâm lý ấy không tự có, do căn
trần thức hòa hợp mà sanh. Ðã do duyên hợp thì không thật thể, cái
không thật mà cố chấp là thật thật quá si mê. Dùng trí tuệ soi thấu
những tâm tư theo duyên thay đổi đều là hư giả, chúng ta đã đập tan
được cái si mê chấp ngã nơi nội tâm con người. Biết rõ bao nhiêu thứ
suy nghĩ tưởng tượng đều là ảo ảnh, còn gì chấp chặt cái nghĩ mình
là đúng, cái tưởng mình là thật nữa. Do đó, chúng ta buông xả mọi vọng
tưởng giả dối, sống một đời an lành trong cái bình lặng của tâm tư.
IV.- KẾT LUẬN
Tam độc là
cội nguồn đau khổ của chúng sanh, trừ diệt được nó chúng sanh sẽ hưởng
một đời an vui hạnh phúc. Khổ vui vốn do chứa chấp tam độc hay tống
khứ chúng đi, đây là căn bản của sự tu hành. Ba thứ độc này, si là
chủ chốt. Diệt được si thì hai thứ kia tự hoại. Nhắm thẳng vào gốc
mà đốn thì thân và cành đồng thời ngã theo. Vì thế, trong mười hai nhân
duyên cái đầu là vô minh, muốn cắt đứt vòng xúc xích luân hồi của
nhân duyên, chỉ nhắm thẳng vô minh, vô minh diệt thì hành diệt v.v... Si
độc là động cơ chính yếu của tam độc, chận đứng được si thì
toàn thể tam độc đều dừng. Ðức Phật thấy được cội gốc của đau
khổ và đầu nguồn của thoát khổ, nên Ngài dạy Phật tử cứ ngay cái gốc
ấy mà trừ, người ứng dụng đúng như thế sẽ ít tốn công mà kết quả
viên mãn. Si là gốc đau khổ, cũng như vô minh là gốc luân hồi, vì diệt
tận gốc ấy, đức Phật dạy dùng cây búa Trí Tuệ đập tan nó, hoặc thắp
sáng ngọn đuốc trí tuệ phá tan màn đêm vô minh. Bởi lẽ ấy, đạo Phật
là đạo giác ngộ, chỉ có giác ngộ mới diệt tận cội rễ si mê, chỉ
có mặt trời giác ngộ xuất hiện thì đêm tối vô minh mới hoàn toàn hết
sạch. Diệt được tam độc của mình là tự cứu bản thân, cũng đã đem
sự an ổn lại cho mọi người chung quanh. Một việc làm tự lợi lợi tha
đầy đủ, tất cả Phật tử chúng ta phải tận lực cố gắng thực hiện
kỳ được mới thôi. Ðuợc vậy mới xứng đáng là người Phật tử chân
chánh.