- Bước đầu Học Phật
-25-
Phật
là gì?
Phật là lời nói gọn, nói đủ là
Phật-đà (Buddha) dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa là Người Giác Ngộ.
Phàm nói Phật là chỉ cho đức Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni). Trước đây hơn
hai mươi lăm thế kỷ, ở thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) phía Bắc miền
Trung Ấn Ðộ, trong cung vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đã sanh một vị Thái tử
tên Tất-đạt-đa (Siddhartha). Lớn lên, có dịp Thái tử đi dạo bốn cửa
thành, chứng kiến sự sanh già bệnh chết của kiếp người, khiến Ngài
xót xa đau đớn. Sau đó, Ngài quyết định từ bỏ một cuộc đời sang cả
trong hoàng cung, dấn thân vào rừng núi để tìm ra con đường giải thoát
sanh tử. Trải qua mười một năm trời học đạo và khổ tu, bốn mươi chín
ngày tọa thiền dưới cội bồ-đề, Ngài bỗng nhiên hoàn toàn giác ngộ,
thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Sau khi giác ngộ, Ngài thấy rõ manh mối
lôi cuốn con người trôi lăn trong dòng sanh tử và biết tột cùng con đường
giải thoát sanh tử. Nói một cách khác, Ngài biết rõ nguyên nhân và thành
quả của sanh tử, biết rõ nguyên nhân và thành quả của giải thoát sanh
tử, đồng thời Ngài cũng biết rõ sự sanh thành và hoại diệt của mọi
sự vật. Cũng gọi sự giác ngộ ấy là "Trí biết tất cả loại"
(Nhất thiết chủng trí).
Chính trí
tuệ này, Ngài đã được viên mãn và cũng đem nó giáo hóa chúng sanh khiến
tất cả đều được viên mãn, nên gọi là Phật.
Phật chỉ
nguyên nhân đưa con người vào đường sanh tử và manh mối giải thoát
sanh tử một cách rõ ràng, là mười hai nhân duyên: vô minh duyên hành...
cho đến sanh duyên lão tử. Ðây là vòng tròn nối tiếp triền miên trong
sanh tử. Muốn giải thoát sanh tử, tức là: vô minh diệt thì hành diệt...
cho đến sanh diệt thì lão tử diệt. Thế là vòng sanh tử rã rời. Nhìn
vào mười hai nhân duyên, chúng ta thấy vô minh là chủ động cuộc sanh tử,
tiêu diệt vô minh là giải thoát sanh tử. Thế thì, vô minh là đầu mối
sanh tử, tiêu diệt vô minh là đầu mối giải thoát sanh tử. Ðầu mối
còn thì chi mạt ngọn ngành tiếp nối sanh trưởng, đầu mối diệt thì
chi mạt ngọn ngành theo đó hết sạch.
Vô minh là
gì mà có khả năng mãnh liệt như thế? Vô minh là không sáng, là mê lầm.
Ngay nơi cuộc sống này, mà không biết cái nào là giả dối, không nhận
ra cái nào là chân thật, là vô minh. Giả không biết, thật không hay, quả
tang là kẻ mê lầm. Ðức Phật biết rõ những cái nào là giả dối, nhận
chân cái chân thật, nên gọi là Người Giác Ngộ. Ðược giác ngộ thì
không còn vô minh, nên giải thoát sanh tử, đồng thời cũng có đầy đủ
mọi diệu dụng mà người đời không thể biết hết, nên nói "giải
thoát bất tư nghì". Thế là, Ngài đã đạt được bản hoài trước
khi phát nguyện đi tu. Cũng chính là cái thành quả viên mãn của bao nhiêu
năm Ngài khổ công đeo đuổi.
Sau khi đạt
được sở nguyện, Ngài đem pháp của mình đã được chỉ dạy lại cho mọi
người, để cùng giác ngộ như Ngài. Trong thời gian ấy, Ngài đã giới
thiệu bao nhiêu bản nguyện công hạnh của chư Phật khắp mười phương
cho đồ đệ nghe. Do đó, chúng ta được biết thêm nhiều danh hiệu chư Phật
khác. Ðức Phật là một con người thật, có cha có mẹ có lịch sử rõ
ràng và sự giác ngộ của Ngài cũng hoàn toàn chân thật. Chúng ta có thể
kiểm chứng sự giác ngộ ấy qua Tam Tạng giáo điển của Ngài còn lưu lại.
Ðó là vấn đề Phật pháp.