- Bước đầu Học Phật
-20-
Chấp
là gốc của đấu tranh
Mọi người chúng ta đều than cuộc
sống là đau khổ..., người nghèo có cái khổ của người nghèo, người
khá giả có cái khổ của người khá giả. Biết là mình khổ mà không biết
cái khổ ấy xuất phát từ nguyên nhân gì. Khi khổ đến, người ta chỉ
biết kêu Phật kêu trời than vắn thở dài, cam chịu bất lực. Người học
Phật không chấp nhận như vậy, mà phải phăng tìm tận cội rễ thử xem
nó phát xuất từ đâu. Không một kết quả nào xảy ra mà không có nguyên
nhân. Vậy khổ từ nguyên nhân nào tạo ra? Chính "cố chấp" là
nguyên nhân đấu tranh và đau khổ. Hết cố chấp là hết đấu tranh, hết
đau khổ. Chúng ta đọc đoạn kinh Phú-lâu-na sau này thì thấy rõ.
ÐẠI Ý KINH PHÚ-LÂU-NA
Thế Tôn
ở nước Xá-vệ (Savathi) vườn Thái tử Kỳ-đà (Jetavana) tịnh xá ông Cấp
Cô Ðộc (Anathapindika), tôn giả Phú-lâu-na (Punna) đến xin Phật dạy pháp
tu tóm gọn để vào rừng tinh tấn tu hành. Phật dạy: Nếu mắt thấy sắc
đuổi theo chấp chặt là đau khổ. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm
vị, thân xúc chạm, ý duyên pháp đuổi theo chấp chặt là đau khổ (xa Niết-bàn).
Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng cho đến ý duyên pháp không đuổi theo không
chấp chặt là hết đau khổ (gần Niết-bàn). Phật hỏi Phú-lâu-na: Sau khi
hiểu rồi, ông đến chỗ nào tu? Phú-lâu-na bạch: Con đến nước Du-na ở
phương Tây tu. Phật bảo: Dân xứ ấy hung hăng bạo ngược, họ sẽ mắng
nhiếc nhục mạ ông, ông nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền
thiện chưa dùng tay đánh đập con. Phật bảo: Chúng dùng tay đánh đập
ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện
không lấy đất đá ném con. Phật bảo: Chúng lấy đất đá ném ông, ông
sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa dùng
cây, gậy đánh đập con. Phật bảo: Chúng dùng cây, gậy đánh đập ông,
ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa lấy
dao bén đâm chém con. Phật bảo: Chúng lấy dao bén đâm chém ông, ông sẽ
nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng thật hiền thiện chưa giết con
chết. Phật bảo: Chúng giết ông chết, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch:
Con nghĩ, chúng thật hiền thiện đã giúp con giải thoát thân ô uế khổ
đau này. Phật bảo: Ông nên đến đó độ những người chưa được độ.
Phú-lâu-na
đến xứ ấy an cư ba tháng chứng được Tam minh và độ được năm trăm
cư sĩ nam, năm trăm cư sĩ nữ.
GIẢI RỘNG PHÁP TU
Mắt thấy
sắc đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Vì con mắt chúng ta nhìn
sự vật không có cái thấy đồng nhất, do còn thói quen huân tập lâu đời
của mỗi người cộng thêm vào trong đó, nên thấy có sai biệt. Thấy sai
biệt mà mỗi người đều cho mình thấy đúng sự thật thì sự cãi vã
không thể tránh khỏi. Có cãi vã là có buồn khổ, nên chấp chặt là đau
khổ. Ví như năm cô đi chợ cùng vào hàng vải. Có một loại vải mà nhuộm
đủ năm màu, năm cô nhìn qua mỗi cô thích mỗi màu khác nhau. Cô thích
màu xanh cho màu xanh là đẹp, cô thích màu hồng cho màu hồng là đẹp... Nếu
mỗi cô đều khẳng định màu mình thích là đẹp tuyệt, các màu khác
không thể sánh được, sẽ có trận cãi vã nổi lên chăng? Hẳn không
tránh khỏi. Cãi vã là nhân giận hờn thù địch, đưa đến kết quả đau
khổ. Ai có thể đứng ra phân giải màu nào đẹp hơn màu nào. Chân lý sẽ
đi về đâu? Chúng ta khéo biết mỗi người có cái thấy khác nhau, chỉ
có cái đẹp riêng của mỗi người, không có cái đẹp chung cho tất cả,
thông cảm nhau, đừng cãi vã vô ích, đây là biết sống không gây đau khổ.
Nếu thấy sắc liền đuổi theo là nhiễm ái, có nhiễm ái là có bảo thủ.
Ái, thủ là nhân sanh tử đau khổ ở đời vị lai. Chính ái thủ cũng là
nhân đấu tranh ngay trong hiện tại. Ta thấy sắc đẹp ấy ta thích, người
khác thấy đẹp cũng thích. Nếu ta được thì người mất, ai cũng muốn
được thì phải đấu tranh, có đấu tranh là có đau khổ. Bởi đấu tranh
nên phiền não, đây là nhân xa Niết-bàn.
Tai nghe tiếng
đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Tai chúng ta nghe tiếng cũng không
đồng nhau. Bởi mỗi người do huân tập sai biệt cao thấp, nên có nhận
định khác nhau. Ví như cùng nghe một bài pháp, mà có kẻ khen hay có người
chê dở, hoặc người khen đoạn này, kẻ khen đoạn khác. Như cùng nghe một
bản nhạc, người tài tử chuyên nghiệp chê nhạc không hay, người mới bập
bẹ vài nốt nhạc khen bản nhạc rất hay. Cái nghe của chúng ta còn tùy
thuộc chỗ huân tập mà đánh giá khác nhau. Nếu bảo cái nghe của ta là
chân lý, cái nghe của người khác cũng nhận là chân lý. Hai chân lý mà
sai biệt nhất định phải tranh cãi. Ðã tranh cãi thì đi đến khổ đau. Nên
nói chấp chặt là đau khổ. Thế mà người đời nói: "Cái gì tai nghe
mắt thấy mới là sự thật." Tai nghe tiếng mà chạy theo tiếng cũng là
đau khổ. Vì tiếng có hay dở, có tốt có xấu, có khen có chê. Nếu nghe
khen ta mừng, nghe chê ta giận, nghe hay ta thích, nghe dở ta bực, đây là gốc
phiền não, là nhân đau khổ, cũng là xa Niết-bàn.
Mũi ngửi mùi
đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Mũi chúng ta cùng ngửi một thứ
mùi, mà kẻ khen thơm người chê hôi, tùy thuộc sự huân tập khác nhau.
Ví như một trái sầu riêng, người quen ăn nói là thơm, người chưa từng
ăn nói là hôi. Hai người đồng ngửi được mùi sầu riêng, mà hai người
nhận định trái nhau. Như vậy, thơm là chân lý, hôi là chân lý? Nếu ai cũng
cho mình là chân lý thì khó tránh khỏi một trận cãi vã. Lại nữa, như mùi
nước mắm biển, người quen ăn khen thơm, người không quen ăn chê hôi.
Làm sao đánh giá đúng sự thật của nó. Chúng ta quen thói, mình nói thơm
bị người khác chê hôi là nổi giận. Nhân đấu tranh từ đây phát khởi,
quả đau khổ nhân đó mà thành. Nếu chúng ta phóng tâm chạy theo mùi thơm,
dễ bị chúng phỉnh gạt, đi đến chỗ sa đọa. Ðây cũng là tâm ái nhiễm,
sanh ra bảo thủ, tạo thành nhân sanh tử đau khổ ở đời sau.
Lưỡi nếm
vị đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Lưỡi chúng ta nếm vị cũng
không nhất định giống nhau, tùy thuộc chỗ huân tập riêng của mỗi người.
Chính chúng ta cũng thừa nhận mỗi người có khẩu vị khác nhau. Nếu mỗi
người chấp chặt khẩu vị của mình là đúng thì sự tranh cãi không có
ngày dừng. Ví như người quen ăn mặn khi nấu canh nếm thử rất vừa ăn,
múc bưng lên bàn gặp người quen ăn lạt nếm thử liền chê mặn. Cả hai
đều nếm đến vị canh, một bên bảo vừa ăn, một bên chê mặn. Chân
lý về bên nào? Nếu mời người thứ ba nếm thử, người này quen ăn mặn
thì đồng ý với người ăn mặn, quen ăn lạt thì đồng ý với người
ăn lạt. Nếu chấp theo cái lưỡi của mình thì sự cãi vã không tránh khỏi.
Có những thức ăn người chồng thích người vợ không thích, người cha
ưa, con không ưa. Chúng ta khẳng định theo khẩu vị mình bắt mọi người
phải theo thì họ bực bội. Bực bội thì mầm đấu tranh dễ bùng nổ.
Chính đây là gốc đau khổ. Người chạy theo vị ngon đòi thỏa mãn cái lưỡi,
họ phải nhọc nhằn không có ngày cùng. Anh thợ mộc làm mỗi ngày được
năm ngàn đồng (5.000đ tiền VN), hai bữa ăn đòi phải ngon, chắc anh không
còn dư đồng nào để giải quyết những nhu cầu khác, và anh sẽ không
có ngày nào được nghỉ. Thích thức ăn ngon là ái nhiễm vị, có ái nhiễm
thì có bảo thủ, ái thủ là nhân sanh tử đau khổ ở đời sau, là xa Niết-bàn.
Thân xúc chạm
đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Thân xúc chạm cảm giác không
giống nhau, tùy cơ thể mỗi người. Một người mập (béo), một người
ốm (gầy) ở chung nhau một căn phòng. Khí hậu khoảng mười tám độ C,
người mập (béo) cảm thấy mát, người ốm (gầy) phát run. Người ốm lại
đóng kín cửa sổ, người mập bực bội mở toác ra. Thế là, sự ẩu đả
phải đến. Bởi chấp chặt vào cảm giác riêng mình, nên dễ nổ ra sự
chống đối. Ở chung mà chống đối nhau là phiền não, là khổ đau. Hơn nữa,
đuổi theo xúc dục là nhân tan nát gia đình, là mầm trầm luân khổ hải.
Ý duyên
pháp trần đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Pháp trần là bóng
dáng ngoại cảnh do huân tập in sâu vào ý căn (não bộ) mà thành. Ý y cứ
những bóng dáng sẵn có ấy, nhận định mọi sự việc xảy ra, giống
như người mang một thứ kiếng màu nhìn cảnh vật. Bởi sự huân tập từ
mỗi gia đình, hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên sự nhận định của mỗi
người cũng khác nhau, như mỗi người mang một thứ kiếng màu. Chấp chặt
nhận định riêng tư của mình, bắt mọi người phải giống như vậy, là
không thể được. Cho nên sự đấu tranh cãi vã xảy ra thường nhật, vì
chỗ không đồng ý nhau. Vợ chồng cãi vã đến ly dị cũng vì không đồng
ý. Anh em chống đối nhau đến tình cốt nhục phải phân ly, cũng vì không
đồng ý. Cha có thể từ con, cũng vì con không giống ý mình... Vợ chồng
làm sao đồng ý nhau được? Vì vợ quen nếp nội trợ, giao thiệp với
phái nữ, còn chồng hoạt động bên ngoài, phần lớn tiếp xúc phái nam, sự
huân tập hai bên khác nhau quá nhiều, làm gì có nhận định giống nhau
như một được. Thế mà đòi mọi việc phải đồng ý nhau, có chỗ bất
đồng liền sanh sự, quả là điều không hợp lý. Cha và con lại khó đồng
ý nhau. Vì cha được học hỏi huân tập hoàn cảnh khác, con được học hỏi
huân tập một hoàn cảnh khác. Nếu con giống hệt cha là con đã lạc hậu,
vì sống lùi lại hai ba thập kỷ. Hiểu như vậy, chúng ta muốn được cuộc
sống vui hòa, cần phải thông cảm nhau và xả cái chấp riêng biệt của
mình, mới đem lại đời sống an lành hạnh phúc.
Nếu ý đuổi
theo pháp trần là loạn động điên đảo, là phiền lụy khổ đau. Muốn tâm
an định, ý dừng lại không chạy theo pháp trần, lúc ấy là hết khổ, gần
Niết-bàn.
Trên đây
là nói rộng pháp tu ngài Phú-lâu-na nhận được một cách đơn giản nơi
đức Phật. Ứng dụng pháp tu này chỉ trong vòng ba tháng Ngài chứng được
Tam minh và độ được hàng ngàn cư sĩ.
LÝ DO NÀO NGÀI TU CHỨNG
NHANH CHÓNG
a) Khéo
ứng dụng pháp tu. - Do Ngài khéo ứng dụng pháp tu đúng như thật nên
kết quả nhanh. Sáu căn là cội nguồn tội lỗi, cũng chính sáu căn là gốc
giải thoát. Cho nên mê lầm sáu căn là "lục tặc" (sáu đứa giặc),
tỉnh giác sáu căn là "lục thông" (sáu pháp thần thông). Chúng ta
tu mà không nắm được cội rễ này, cứ xoay quanh hình thức bên ngoài,
nên tu cả đời mà ít thấy tiến bộ. Vì tu mà vẫn thấy thị phi, vẫn
tranh hơn thiệt... làm sao hết phiền não, nên càng tu càng xa Niết-bàn.
b) Tâm
can đảm không sợ hiểm nguy. -Sau khi Phật hỏi ông định đến đâu
yên tu, Ngài thưa đến phương Tây nước Du-na. Phật liền cảnh cáo dân xứ
ấy hung hăng bạo ngược..., Ngài vẫn không chút nao núng và bạch một
cách thoải mái với Phật. Phật thấy ý chí vững chãi và tâm hiền hòa
bao dung của Ngài, nên đồng ý cho đi. Chính Phật cũng thấy trước là
Ngài sẽ thành công, nên bảo "ông nên đến đó độ những người
chưa được độ". Nếu chỉ riêng ý chí kiên cường xem thường họa
hoạn cũng chưa đủ cho Ngài sớm đắc đạo, còn nhờ tâm đại hỉ xả dù
gặp cảnh nào vẫn thấy người ta còn tốt. Mặc người đối xử cách
nào, Ngài vẫn không ôm một chút oán hờn thù giận. Ngược lại, chúng ta
thì sao? Gan dạ xông pha vào chốn hiểm nguy đã không có, ai chạm đến bản
ngã thì hận thù không thể tha. Vậy chừng nào chúng ta mới đắc đạo?
KINH PHẠM VÕNG CŨNG ÐỒNG
Ý TRÊN
Trong kinh Phạm
Võng mỗi khi kết thúc kiến chấp của ngoại đạo, đức Phật đều nói:
"Chỉ Như Lai biết rõ chỗ lầm chấp đó và biết nhiều hơn nữa họ
đã tin như thế nào, chấp như thế nào, có báo ứng như thế nào, nhưng
Như Lai không hề để ý chấp trước nên được giải thoát tịch diệt.
Như Lai biết rõ sự sanh khởi và tận diệt của thọ, biết sự ái nhiễm
và tội lỗi của thọ, biết sự thoát ly các thọ và đem trí tuệ quán
sát bình đẳng mà được giải thoát hoàn toàn." (Kinh Phạm Võng. trường
A-hàm tr. 261 H.T. Trí Ðức dịch.)
Qua đoạn
kinh trên, chúng ta thấy Phật biết tất cả chỗ chấp của ngoại đạo và
biết nhiều hơn, song Phật không chấp trước nên được giải thoát tịch
diệt. Ðây là Phật đánh giá đầy đủ biết chấp là triền phược trầm
luân, biết tất cả mà không chấp là giải thoát tịch diệt. Ðến đoạn
sau, Phật biết rõ sự sanh khởi và diệt tận của thọ cho đến biết sự
thoát ly các thọ... Chữ thọ ở đây là sáu căn tiếp xúc sáu trần là
xúc có cảm thọ là thọ, ái nhiễm là ái, tội lỗi là thủ, tạo thành
đau khổ đời này và nhân sanh tử đời sau. Do Phật dùng trí tuệ quán
sát bình đẳng các thọ, dù thọ lạc, thọ khổ... bản chất nó là duyên
hợp hư dối, vô thường không lâu bền nên không ái nhiễm mà giải
thoát.
Lại một
đoạn khác, Phật nói: "Các đạo sĩ và Bà-la-môn sở dĩ chủ trương
thế gian thường trú cho đến chủ trương chúng sanh hiện tại Niết-bàn,
cũng bởi họ dựa vào sự xúc đối phân biệt của sáu giác quan, nếu
không xúc đối thời cũng không thể có các chủ trương...
Nếu vị Tỳ-kheo
nào đối với sáu xúc đối của sáu giác quan biết được một cách đúng
đắn như thật về sự phát khởi, sự diệt tận, sự nhiễm ái, sự tội
lỗi, và sự thoát ly nó, thì sẽ vượt ra ngoài vòng các kiến chấp sai lầm
trên." (Trường A-hàm tr 269 H.T Trí Ðức dịch). Ngoại đạo do sáu căn
tiếp xúc sáu trần cảm thọ thế nào chấp cứng thế ấy, cho cái ta nhận
được là chân lý, khác với cái nhận của ta đều sai lầm. Bởi chấp
như vậy nên kẻ này cãi vã kẻ kia, nhóm này chống đối nhóm khác. Sự
cãi vã chống đối ấy rốt cuộc không đi đến đâu, chỉ ôm ấp phiền
não thù hận. Vì cái cảm nhận của họ là cục bộ, là phiến diện, làm
sao giải quyết thỏa mãn được cái toàn diện. Chỉ có những người qua
sự xúc đối, có cảm nhận, biết rõ bản thân nó do duyên hợp sanh khởi,
rồi vô thường hoại diệt, ái nhiễm nó sẽ tạo nghiệp đau khổ, gỡ bỏ
nó sẽ thoát ly ngoài vòng kiến chấp, được giải thoát Niết-bàn.
Cũng kinh
Trường A-hàm, Phật có thí dụ Mù rờ voi. Câu chuyện thế này: Một hôm
nhà vua ngự tại triều muốn thử nghiệm những người mù. Vua sai các quan
tìm một số người mù dẫn đến trước sân triều và dẫn một con voi đến.
Công việc ổn định xong, nhà vua và quần thần ra trước sân triều dự
cuộc thử nghiệm. Vua bảo một vị quan sắp đặt những người mù đứng
hai hàng, khoảng giữa là chỗ con voi đứng. Xong xuôi, vị quan bảo những
người mù rằng: Trước các người là một con voi, hãy tiến đến rờ
xem, rờ rồi diễn tả hình dáng con voi cho nhà vua và bá quan nghe, ai diễn
tả đúng được hậu thưởng. Sau khi ào vào mò rờ, người chụp được
cái chân nói con voi giống cây cột, người rờ nhằm cái bụng nói con voi
giống cái trống, người chụp được cái đuôi nói con voi giống chổi
chà..., mỗi người trình bày con voi mỗi cách. Chính vì mình sờ tới nắm
được nên khẳng định con voi như thế, người khác cũng sờ tới nắm
được cũng khẳng định chỗ biết của mình. Vì mỗi người đều chấp
chặt vào chỗ xúc chạm riêng mình nên không ai chịu nghe ai, nổ ra một cuộc
cãi vã ồn náo. Những người mù yêu cầu nhà vua và bá quan phân giải xem
ai đúng. Trường hợp này, vua và quan là người mắt sáng thấy rõ con voi,
sẽ đáp thế nào? Chỉ có cách nói rằng "các anh đều đúng cũng đều
không đúng". Những người mù có thỏa mãn chăng? Hẳn họ lên án những
vị này "ba phải". Bởi vì sự việc hoặc đúng, hoặc sai, không
thể có vừa phải vừa sai được. Song nhà vua và bá quan thấy rõ toàn bộ
con voi, làm sao chấp nhận một bộ phận con voi là toàn thể được, cũng
không thể phủ nhận một bộ phận con voi không dính dáng gì đến con voi.
Những người mù ví dụ chúng ta chỉ xúc chạm một phần chân lý rồi chấp
chặt vào đó tranh cãi nhau. Nhà vua và bá quan thí dụ đức Phật và các vị
Bồ-tát đã giác ngộ thấy chân lý viên mãn nên không chấp, cũng không về
hùa với một phe nhóm nào. Bởi vậy nên đức Phật gọi là Nhất thiết
trí và Nhất thiết chủng trí, tức là Trí biết tất cả và Trí biết tất
cả loại. Cho nên đức Phật nói "Như Lai biết tất cả mà không chấp
trước được giải thoát tịch diệt." Ngược lại, chúng ta sống
trong mù tối quen rồi, chụp được điều gì hay liền cho là cứu kính,
tuyên bố cho mọi người biết, nếu có ai thấy khác chúng ta, liền bảo họ
nói bậy là sai lầm. Do đó mà sự tranh cãi càng ngày càng tăng, khổ đau
càng ngày càng nhiều. Nếu chúng ta biết, cái thấy của mình chỉ là một
góc một cạnh chân lý, nếu có ai thấy khác cũng là một góc một cạnh
chân lý khác, chúng ta và họ "đều một phần đúng", bổ túc cho
nhau là hay, chống đối nhau là dở. Thế gian này, mọi người đều có
cái nhìn như vậy thì sống an lạc vô biên.
Trong kinh Phật
nói về tôn trọng chân lý và bảo vệ chân lý rằng: "Nếu ai nói vấn
đề này tôi thấy như thế là đúng, đây là cái thấy của tôi." Người
này biết tôn trọng chân lý. Ngược lại, "nếu ai nói vấn đề này
tôi thấy như thế là đúng, người nào thấy như tôi là phải, thấy khác
tôi là sai là bậy." Người này không biết tôn trọng chân lý và bảo
vệ chân lý. Hầu hết chúng ta đều đứng về hàng ngũ với người sau,
người không biết tôn trọng chân lý. Vì thế chúng ta bao giờ cũng thấy
mình phải, mọi người đều sai, đây là cái bệnh muôn đời của chúng
ta.
KINH KIM CANG BÁT-NHÃ TINH
THẦN CŨNG TƯƠNG TỢ
Hai câu hỏi
chủ yếu của toàn quyển kinh Kim Cang do tôn giả Tu-bồ-đề hỏi Phật là:
"Nếu có người thiện nam thiện nữ phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác làm sao an trụ tâm? Làm sao hàng phục tâm?" Phật trả lời
câu an trụ tâm rằng: "Nếu có người thiện nam thiện nữ phát tâm cầu
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng nên dấy tâm trụ nơi sắc, chẳng
nên dấy tâm trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp; nên không có chỗ trụ
mà sanh tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác." Quả là Phật dạy
chúng ta tu cầu thành Phật, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần đừng khởi tâm
chấp trước sáu trần, chính cái không chấp trước đó là Phật. Ở kinh
A-hàm, Phật nói "Như Lai biết tất cả mà không chấp trước". Ở
kinh này, Phật nói "cái không chấp trước đó là Phật". Bởi vì
có giác ngộ viên mãn mới không chấp trước, chính chỗ không chấp trước
là tâm an trụ. Vì thế Lục Tổ nghe Ngũ Tổ giảng tới câu này liền
phát ngộ kêu lên "Ðâu ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ
tánh mình đầy đủ tất cả! Ðâu ngờ tánh mình không sanh không diệt!..."
Lục Tổ không chỉ thấy sáu căn không dính mắc sáu trần thành giải
thoát tịch diệt, mà còn thấy khi sáu căn không dính mắc sáu trần, tánh
thanh tịnh sẵn có của mình hiện rõ ràng, tánh này đầy đủ tất cả, tánh
này không sanh không diệt... Thế là, Ngài nhảy vọt vào pháp thân, không
còn giải thoát như Nhị thừa. Ðến đây chúng ta thấy rõ cả hệ A-hàm
đến hệ Bát-nhã đều chỉ chỗ chủ yếu tu hành được giải thoát, được
thành Phật gốc từ không cho sáu căn chấp trước với sáu trần. Thành giải
thoát hay thành trầm luân cũng chỉ là sáu căn không dính mắc sáu trần
hay sáu căn kẹt chặt sáu trần. Người học đạo giải thoát phải hiểu
rõ điều này.
KINH LĂNG NGHIÊM CŨNG ÐỒNG
TINH THẦN NÀY
Trong kinh Lăng
nghiêm, A-nan sau khi nghe Phật dạy nghĩa quyết định thứ hai, khởi nghi vấn:
"... Xin nguyện đức Đại Từ thương xót kẻ chìm đắm, chính
nơi thân tâm hiện nay, chỉ cho chúng tôi thế nào gút, do đâu mà cởi, cũng
khiến cho chúng sanh khổ não vị lai được khỏi luân hồi, không sa vào ba
cõi..."
Khi bấy giờ,
ông A-nan và cả đại chúng đều nghe các đức Như Lai mười phương, số
như vi trần, tuy khác miệng nhưng đồng một lời, bảo A-nan rằng:
"Hay thay cho A-nan! Ông muốn biết cái câu sinh vô minh là cái đầu gút,
khiến ông phải luân hồi sanh tử, thì nó chính là sáu căn của ông, chớ
không phải vật gì khác; ông lại muốn biết tính vô thượng Bồ-đề,
khiến ông chóng chứng đạo quả an vui, giải thoát, vắng lặng, diệu thường,
thì cũng chính là sáu căn của ông, chớ không phải vật gì khác."
(Kinh Lăng Nghiêm tr. 51, Tâm Minh dịch.)
Ở đây
không chỉ đức Phật Thích-ca mà cả mười phương chư Phật đồng nói
sáu căn là gốc luân hồi, sáu căn cũng là gốc giải thoát. Vô minh là
cái mê chấp của sáu căn, nó lôi chúng ta vào vòng luân hồi sanh tử. Vô
thượng Bồ-đề là cái tỉnh giác của sáu căn, nó đưa chúng ta đến chỗ
an lạc giải thoát... Thấy được chỗ căn bản này, sự tu hành của
chúng ta, có nơi y cứ vững chắc, chúng ta không còn ngờ vực gì trên bước
đường tầm đạo giải thoát.
Ngài A-nan
tuy nghe như vậy vẫn còn ngờ, cúi đầu bạch Phật: "Làm sao cái khiến
cho tôi bị luân hồi, sống chết hay được an vui, diệu thường, cũng đều
là sáu căn, chớ không phải vật gì khác?"
Phật bảo
A-nan: "Căn và trần đồng một nguồn, cột và mở không phải hai, cái
thức phân biệt là luống dối như hoa đốm giữa hư không. A-nan, nhân cái
trần, mà phát ra cái biết của căn, nhân cái căn, mà có ra cái tưởng của
trần, tướng phần sở kiến và kiến phần năng kiến đều không có tự
tánh, như những hình cây lau gác vào nhau. Vậy nên nay ông chính nơi tri kiến,
lập ra tướng tri kiến thì tức là gốc vô minh; chính nơi tri kiến, không
có tướng tri kiến, thì đó là vô lậu chân tịnh Niết-bàn, làm sao trong
ấy lại còn có vật gì khác." (Kinh Lăng Nghiêm tr 453-457, Tâm Minh dịch)
Ðoạn này
Phật nói rõ căn trần thức đều hư dối không thật như hoa đốm trong
hư không, như bó lau dựng nương vào nhau mà không có chủ. Cái không thật,
không chủ ấy, mà chấp thấy biết của sáu căn là thật, là gốc vô
minh. Ðã là vô minh thì đi trong luân hồi sanh tử. Nếu thấy biết mà
không chấp tướng thấy biết là vô lậu chân tịnh Niết-bàn. Bởi vì từ
cái gốc không thật có sanh ra ngọn ngành hoa quả cũng đều không thật.
Không thật chấp là thật tức vô minh. Không thật biết không thật là
giác ngộ. Vô minh thì luân hồi, giác ngộ thì giải thoát. Chỉ y cứ sáu
căn, mê thì luân hồi, giác thì giải thoát, không còn pháp gì khác nữa.
CHẤP LÀ SI MÊ
Cuộc đời
là một dòng trôi chảy linh động, không dừng ở một phút giây nào,
không đứng mãi ở một vị trí nào. Thế mà, chúng ta cố giữ nó còn
mãi và nguyên vẹn với chúng ta. Quan niệm cố giữ là gốc từ si mê, bởi
vì không thấy được lẽ thật. Như thân này là vô thường sanh già bệnh
chết, mà chúng ta có chịu già, chịu bệnh, chịu chết đâu? Chúng ta muốn
trẻ mãi, muốn khỏe luôn, muốn sống hoài. Song muốn mà không được trở
thành đau khổ. Cho nên nói già khổ, bệnh khổ, chết khổ. Nếu chúng ta
thấy rõ luật vô thường như thế, không mong muốn cố giữ, thì khi già,
bệnh, chết đến có khổ chăng? Họa chăng có khổ là khổ vì thân bại
hoại thôi, chớ không có khổ do tâm cố giữ mà không được. Vì thế, người
thấy rõ lẽ này không chấp trước là bớt khổ năm mươi phần trăm (50
%).
Ðến cái bệnh
muôn đời của chúng ta là chấp cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm,
cái xúc chạm, cái suy nghĩ của mình lúc nào cũng đúng. Ta một bề chấp
cứng cái thấy cho đến cái suy nghĩ của mình là đúng, khác đi là sai, người
cũng một bề chấp cứng như vậy, mà hai cái thấy và suy nghĩ đều khác
nhau, chắc chắn sẽ nổ ra trận đấu khẩu, đấu khẩu mà không giải quyết
được, trận đấu võ ắt phải đến. Nhỏ thì chuyện rắc rối giữa cá
nhân với cá nhân, lớn hơn giữa gia đình với gia đình, lớn nữa giữa
quốc gia với quốc gia. Ngòi đấu tranh đã châm lên, thì lửa đau khổ sẽ
lan khắp. Chính vì không suốt thấu lẽ thật, nên sẽ sanh ra chấp chặt.
Cái chấp chặt ấy vốn từ si mê mà ra. Do đó, đạo Phật chủ trương lấy
ánh sáng giác ngộ, phá tan đêm tối si mê, là cứu khổ chúng sanh. Cái cứu
khổ này không có hình tướng, nên không thấy cụ thể, song cái lợi ích
sâu xa bền bỉ của nó không thể đánh giá đến được. Người đời chỉ
thấy cái gì cụ thể, cho là thiết thực, không thấy cụ thể cho là huyền
hoặc. Như một gia đình nghèo khổ khốn đốn, người chồng là cột trụ
trong nhà đi đạp xích lô, mỗi ngày được năm ba ngàn, anh mắc phải cái
bệnh ghiền rượu. Chiều nào anh cũng phải ngồi quán, số tiền kiếm
được của anh đã mất hết hai phần trong quán. Vợ con anh chỉ còn một
số quá nhỏ, nên phải khốn đốn. Chúng ta thấy thương, mỗi ngày đến
giúp vài lít gạo, thử hỏi chúng ta giúp đến bao giờ gia đình này hết
khốn đốn? Chỉ cách duy nhất, chúng ta phải khéo khuyên ông chồng nhà
ấy bỏ rượu. Một khi ông thức tỉnh chịu bỏ rượu, gia đình ấy sẽ
bớt khốn đốn lâu dài. Lời khuyên để ông chịu bỏ rượu không có gì
cụ thể, mà kết quả không thể lường được. Chính vì cứu khổ chúng
sanh, đức Phật vạch trần cho chúng ta thấy cái mê chấp là đau khổ, là
trầm luân. Một khi chúng ta thức tỉnh bỏ được mê chấp là an lạc vĩnh
viễn.
Tóm lại,
trên đây đã trình bày đầy đủ cội gốc của đau khổ trầm luân và cội
gốc của giải thoát Niết-bàn. Chủ động của hai lối đi xuống và lên
là sáu căn. Mê muội y cứ vào sự thấy biết của sáu căn mà chấp chặt,
là đau khổ trầm luân. Sáng suốt thấy rõ sự thấy biết của sáu căn là
giới hạn là góc cạnh, không chấp trước là an lạc giải thoát. Con đường
tu của chúng ta thật là đơn giản, chỉ ở sáu căn giác và mê mà được
vui hay chịu khổ. Không tìm cái vui ở phương trời nào, cũng không chạy
trốn cái khổ ở núi non gì. Chuyển hướng sáu căn không chạy theo không
dính mắc sáu trần là thật sự giải thoát. Có vị tăng hỏi thiền sư:
"Thế nào là giải thoát?" Thiền sư trả lời: "Căn trần không
dính nhau là giải thoát." Câu này vừa là đơn giản vừa là thực tế.
Dính mắc là bị trói buộc, là mất tự do. Không dính mắc là tự do là
giải thoát, thật không có gì lạ cả. Hơn nữa căn trần là tướng duyên
hợp không thật. Nếu thấy căn trần duyên hợp như huyễn hóa, là phá
được chấp ngã (căn), chấp pháp (trần), mới là hoàn toàn giải thoát.