- Phật Học Khái
Luận
- TT. Thích Chơn Thiện
- Tiết IV
- Tuệ Giác của Thế Tôn
Như vừa đề cập ở tiết III, sự
tán thán Thế Tôn một cách chân chính là tán thán Tuệ Đức của Ngài. Để
sự tán thán ấy có ý nghĩa, người Phật tử cần hiểu rõ về Tuệ giác
của Thế Tôn, hay trí tuệ của Thế Tôn là gì? Ở đâu? Chính sự có mặt
của Tuệ giác là sự phân biệt rõ ràng giữa những gì gọi là Phật
giáo với ngoại đạo. Ngoài Tuệ giác ấy, Phật giáo không còn là Phật
giáo, Tam Minh hay Lục Thông là sự phân biệt đầu tiên giữa Phật giáo
và ngoại đạo mà người viết đề cập đến.
Tam Minh (Tevijjà) là: "Túc mệnh
minh" (Thấy rõ vô lượng kiếp của tự thân với tất cả nghiệp
nhân và nghiệp quả); "Thiên nhãn minh" (Thấy rõ vô lượng kiếp
quá khứ của chúng sanh, thấy rõ sự sinh tử của chúng sanh với tất cả
nghiệp nhân và nghiệp quả) và "Lậu tận minh" (đoạn hết lậu
hoặc, chứng vô lậu Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát) (Kinh Tam Minh,
Trung Bộ II, Trung A-hàm số 157).
Kinh Bà-sa-cù-đa Tam Minh (Tevijjà-Vacchagottasuttam,
Trung Bộ Kinh; Hán tạng: Kinh Tam Minh số 26) chép: "... Nếu nói rằng
Sa-môn Gotama là bậc Nhất Thiết Trí, Nhất Thiết Kiến, Ngài tự cho là
có trí kiến hoàn toàn, khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ, và khi Ta thức,
tri kiến luôn luôn tồn tại và liên tục. Như thế là nói một điều không
thực về Ta. Nếu nói rằng Sa-môn Gotama là bậc có ba Minh (với ý nghĩa rằng
khi nào Thế Tôn muốn thì Túc mệnh minh và Thiên nhãn minh mới khởi lên).
Như thế mới không nói điều không thật về Ta".
Chính với Thiên nhãn minh (hay cả
ba Minh), Thế Tôn thấy và tuyên bố rằng: "Không có một người tại
gia nào không đoạn trừ kiết sử, sau khi thân hoại, có thể diệt tận,
khổ đau. Không phải một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm;
nhưng nhiều hơn như thế là những ngưòi tại gia không đoạn trừ kiết sử
có thể sanh Thiên".
Nhưng đối với hành tà mạn ngoại
đạo thì Thế Tôn dạy: "Không có một vị tà mạn ngoại đạo nào,
sau khi thân hoại, có thể diệt tận, khổ đau, và dầu cho Ta nhớ đến chín
mươi mốt kiếp, Ta không thấy một vị tà mạn ngoại đạo nào được
sanh Thiên, trừ một vị, vị này thuyết về nghiệp và thuyết về tác dụng
của nghiệp".
--"Sự việc là như vậy, này
Vaccha, thời ngoại đạo giới này là trống không, cho đến vấn đề sanh
Thiên".
Kinh Bà-sa-cù-đa Tam Minh; Kinh Bà-sa-cù-đa
Hỏa Dụ (Trung Bộ Kinh III); Kinh Xuất Gia (Đại II, 246b, Đại II 446a, Hán tạng)
xác nhận rằng, nếu muốn thì các đệ tử của Thế Tôn có thể chứng
Tam minh (hay Lục thông) ngay trong hiện tại.
Điểm đặc sắc thứ hai nổi bật
của Thế Tôn giữa các ngoại đạo là nói lên vị trí độc tôn cuả
Ngài với mười Như Lai lực:
- Như Lai như thật, biết xứ phi xứ.
- Như Lai như thật, biết các quả báo tuỳ thuộc sở do, sở nhân của
các hành nghiệp quá khứ, vị lai và hiện tại.
- Như Lai như thật, biết con đường đưa đến các sanh thú.
- Như Lai như thật, biết mọi thế giơi với mọi sai biệt của chúng.
- Như Lai như thật biết sự hiểu biết sai biệt của các loài hữu tình.
- Như Lai như thật biết các tâm tánh sai biệt của tất cả chúng sanh.
- Như Lai như thật biết các tạp nhiễm, thanh tịnh, xuất khởi của các
Thiền chứng về Thiền, về giải thoát và về định.
- Như Lai chứng Túc mệnh minh.
- Như Lai chứng Thiên nhãn minh.
- Như Lai chứng Lậu tận minh.
Chính do mười Như Lai lực này mà
Thế Tôn cất tiếng rống sư tử giữa các hội chúng và chuyển xe Pháp (Tăng
Chi Bộ kinh V, Phẩm Mười Pháp).
Truyền thống Bắc và Nam tạng đều
tán dương Thế Tôn về mười "Như Lai lực" và mười "hiệu
Như Lai". Ở mười hiệu Như Lai, Thế Tôn hiện rõ là bậc Vô thượng
về đức, tuệ và giáo hóa. (Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Trí, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,
Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn).
Từ đây, chúng ta đã có thể thấy
được: Tuệ giác vô thượng của Thế Tôn, một tuệ giác không thể tìm
thấy trong bất cứ một hệ thống tôn giáo, tư tưởng ngoại đạo nào,
trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.
Ở quả chứng Tam minh, đây là quả
chứng của Tuệ giải thoát thuộc Thiền quán (Vipassana). Nói rõ hơn, Ấn
Giáo có tư duy về tiểu ngã và đại ngã, nhưng không có nhìn bằng con mắt
"duyên sinh", nghĩa là không có Thiền quán. Đặc điểm của Thiền
quán Phật giáo là phân tích các pháp qua mười hai nhân duyên (qua Duyên khởi).
Tại đây, có hai điểm giáo lý giải thoát đặc biệt của Phật giáo
không tìm thấy ở ngoại đạo.
1. Giáo lý Duyên khởi
Giáo lý này do Thế Tôn tự thân
khám phá. Từ đó, Thế Tôn đắc Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Qua Duyên khởi, Thế Tôn dạy toàn
bộ⠫hổ uẩn là do Mười hai nhân duyên sinh khởi (Tập khởi) và toàn bộ
khổ uẩn diệt là do Mười hai nhân duyên diệt. Nói khác đi; gốc của
sanh tử, khổ đau chính là vô minh, hay ái hoặc thủ... Sự khám phá này
không có trong bất cứ một hệ thống giáo lý ngoại đạo nào.
2. Từ "Duyên sinh"
Thế Tôn tuyên bố: "Hết thảy
các Pháp là vô ngã", "Hết thảy các hành là vô thường và khổ
đau" (Dhp, 277, 278, 279). Đây gọi là "Ba Pháp ấn".
Nhìn thấy các pháp (hữu vi và vô
vi) đều vô ngã (anatta) là cái nhìn độc đáo nhất trong lịch sử của
tôn giáo và triết học, gây sửng sốt cả thế giới.
Chính gốc của mọi khổ đau, mọi
tranh chấp, mọi tù ngục là sự chấp trước ngã, là ý niệm sai lầm về
ngã. Cái nhìn vô ngã của trí tuệ vô ngã của Thế Tôn quả nhiên là cái
nhìn giải phóng khổ đau, tù ngục... Chính ở đây, chúng ta nhận ra Tuệ
giác của Thế Tôn.
Chỉ khi nào loại trừ hết vô
minh, ái, thủ thì cái nguyên nhân đưa đến sinh tử (các lậu hoặc) mới
bị chặt đứt, và bấy giờ mới đắc "Lậu tận minh", một quả
vị hoàn toàn không thể có ở ngoại đạo.
Từ điểm khác biệt nền tảng
này, phát sinh rất nhiều điểm khác biệt nổi bật khác, nói lên sắc
thái độc đáo gọi là Phật giáo. Đấy là con đường trí tuệ của nhận
thức vô ngã, của thực tại vô ngã, mà không phải là của Hữu thần, Nhất
thần, Đa thần, hay Phiếm thần, cũng không phải là sản phẩm của giáo
lý "mặc khải" từ một đấng tối cao nào. Đây là con đường hoàn
toàn của trách nhiệm tự thân, của tự độ, tự giác, mà không phải của
sự ban ân cầu nguyện, thưởng phạt, bùa chú hay hành xác nào. Đây là
con đường vắng mặt chủ trương "Duy Tâm", "Duy linh",
"Duy vật", "Duy thần" v.v..., và là con đường của Duyên
sinh vô ngã. Nếu phải miễn cưỡng gọi nó là Duy thức, Duy linh, Duy vật
v.v... thì phải hiểu rằng Thức, Linh, Vật v.v... ấy là vô ngã, khác hẳn
với chủ trương của ngoại đạo. Đây là con đường cho rằng gốc của
sanh tử, khổ đau và ái, thủ, vô minh, mà không phải là gì khác của thế
giới bên ngoài. Ở đây không chủ trương rằng cuộc đời này là hoàn
toàn mộng ảo, phi thực, cần phải từ bỏ để đi tìm cõi chân thực ở
bên kia thế giới, mà chỉ chủ trương loại bỏ ái, thủ, vô minh. Tất cả
đều là phi thực, nếu vướng mắc ai, thủ, vô minh... Tất cả đều là
chân thực, nếu xa rời hẳn ái, thủ, vô minh.
Nói tóm, con đường Tuệ giác vô
ngã của Thế Tôn là con đường "Trung đạo" của hai mặt: nhận
thức và hành động.
Từ nghĩa "Trung đạo" ấy,
Thế Tôn vạch mở lối đi "Bát Thánh Đạo", con đường đi vào giải
thoát, rốt ráo dứt sạch sinh tử, khổ đau.
Đây là điểm giáo lý độc đáo
khác của Phật giáo mà không thể tìm thấy trong bất cứ hệ thống giáo
lý nào khác. Con đường này xây dựng trên căn bản của Giới (gồm Chánh
ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng), Định (gồm Chánh Tinh tấn, Chánh niệm
và Chánh định) và Tuệ (Gồm Chánh Kiến và Chánh Tư duy) do từ chính Tuệ
giác của Thế Tôn.
Tự mình chứng nhập chân lý mà trước
đó chưa từng có người chứng (trừ chư Phật quá khứ) là một sự kiện
biểu hiện Tuệ giác vô thượng, nhưng tự mình mở đường cho hàng đệ
tử chứng nhập chân lý cũng là một sự kiện của Tuệ giác vô thượng.
Từ đây, chúng ta sẽ hiểu rõ rằng
từ Tuệ Giác vô thượng, Thế Tôn thiết lập giáo lý giải thoát của
Ngài, nên từ giáo lý ấy, ta có thể tìm thấy Tuệ giác vô thượng kia.
Đó là những gì có mặt trong Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, và Giải
thoát tri kiến.
Giới, được xây dựng trên cơ sở
của chánh trí và từ bi, nhằm mục đích đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi
loài trong hiện tại và tương lai. Căn bản của Giới là Giới bổn
Patimokha (Skt. Pratimoksa), Hán dịch là Ba-la-đề-mộc-xoa (hay Biệt giải thoát,
hoặc Xứ giải thoát). Đấy là sự giải thoát do nhiếp phục các hành động
của thân, lời và ý, là kết quả của Tuệ giác của Thế Tôn.
Cề Định, hay Thiền định, có thể
nói Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (Đạo đế) như là giáo lý của Định,
là con đường đưa đến loại trừ hết khổ đau. Con đường nầy được
thiết lập trên căn bản của Giới (Tương Ưng Bộ Kinh, IV), như các loài
động vật di chuyển trên nề1n tảng đất.
Các giáo lý về Tuệ như Duyên khởi,
Vô ngã, Năm uẩn, Nhân quả, v.v... thì nhắm đến ly tham, đoạn trừ các lậu
hoặc.
Toàn bộ giáo lý đạo Phật thực
sự đều đưa đến ly tham, ly sân, ly si, giải thoát và tri kiến giải
thoát. Tất cả đó phải là sản phẩm của Tuệ giác vô thượng, của một
sự chứng nhập Pháp giới táng vô thượng. Trí tuệ ấy Thế Tôn đạt
được ở thời điểm gọi là Thành Đạo, thành Phật hay đắc Niết-bàn.
Chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu ý
nghĩa của Thành Đạo, thành Phật, Niết-bàn trong các tiết mục tiếp
theo./.