- Phật Học Khái
Luận
- TT. Thích Chơn Thiện
- Tiết VI
- Luân Hồi (Samsàra)
Tiếp theo nhân quả và nghiệp báo,
Luân hồi thường được đề cập đến. Luân hồi có là do có nghiệp
báo, có nhân quả.
Luân hồi là từ dịch của từ
Pàli "Samsàra" (hay Skt, Samsàra) có nghĩa là sự chuyển sinh, sự
tái sinh, sự đi đến. Thường, từ nói đủ là bánh xe sinh tử, hay bánh
xe chuyển sinh (Samsàracakka), diễn đạt đường sinh tử không có đầu, không
có đuôi, quay mãi như bánh xe quay tròn không tìm thấy điểm khởi đầu.
Đây là ý nghĩa của từ luân hồi (luân: bánh xe, hồi: quay tròn).
Sinh tử, luân hồi có là do con người
mê mờ không thấy rõ thật pháp Vô ngã pháp mà sinh ra chấp thủ ngã,
pháp và tham ái. Do chấp thủ, tham ái mà tạo ra các nghiệp thiện, ác khiến
đi vào sinh tử, không thấy lối ra. Lối đi vào sinh tử của chúng sinh trải
qua thời gian không kể xiết vẽ thành vòng luân hồi quay mãi. Như lời Thế
Tôn dạy được ghi lại ở bài kệ Pháp Cú số 60:
"Đêm dài đối với kẻ thức,
Đường dài đối với kẻ mệt,
Luân hồi dài đối với kẻ ngu,
Không biết rõ chơn diệu pháp".
Trong Kinh Đại Duyên (Trường Bộ
Kinh III), Thế Tôn dạy rõ chơn diệu pháp ấy là Duyên khởi:
"Này A-nan, chính vì không giác
ngộ, không thâm hiểu giáo pháp Duyên khởi này mà chúng sinh hiện tại bị
rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ..., không thể nào
ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử". (tr. 56).
Như thế, nói đến Luân hồi chính
là nói đến vòng quay của mười hai chi phần nhân duyên của Duyên khởi
trải qua ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Cho đến khi nào mười
hai nhân duyên đoạn diệt, cho đến khi ấy vòng quay của Luân hồi mới chấm
dứt. Nói cụ thể hơn, cho đến khi nào vô minh hết, tham ái hết hay chấp
thủ không còn, cho đến khi ấy chúng ta mới đi ra khỏi vòng quay của
Luân hồi; nhưng cho đến khi nào vô minh, chấp thủ hay tham ái còn, thì
vòng luân hồi tiếp tục quay vô cùng tận.
Chúng ta có thể hình dung con đường
Luân hồi như những đường rầy xe lửa nhiều chiều chạy qua lại, lên
xuống, vòng quanh từ các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh cho đến Người,
A-tu-la, năm cảnh trời Dục giới, bốn cảnh trời Sắc giới và bốn cảnh
trời Vô sắc, mà nghiệp lực hay nghiệp thức của chúng sanh thì như những
con tàu; và nhiên liệu, động cơ quay chuyển con tàu chính là tham ái, chấp
thủ. Tùy theo nghiệp lực của chúng tạo ra trong đời sống hiện tại, và
tùy theo cận tử nghiệp của chúng ta, con tàu sinh tử của chúng ta sẽ
chuyển bánh, sau khi chết, đi từ ga cuộc đời này đến ga tiếp theo
tương ưng với nghiệp ấy. Nếu ngay trong đời sống hiện tại, tất cả
nhiên liệu tham ái và chấp thủ đã được công phu tu tập của ta đốt
cháy sạch, thì con tàu sinh tử của ta sẽ thôi không còn chuyển bánh. Điều
này không có nghĩa là con tàu vẫn ở lại ga đời này, mà có nghĩa là tất
cả nhà ga sinh tử không còn liên hệ gì đến con người giải thoát nữa.
Ở đây, sinh tử chính là tham ái, chấp thủ, cũng chính là con tàu và các
nhà ga. Cái gọi là Luân hồi thực ra đấy chính là sự quay chuyển của
vô minh. Khi vô minh được đoạn tận, thì tất cả con tàu, đường sắt và
các nhà ga đều được đốt cháy sạch. Tất cả những thứ ấy bị đốt
sạch, nhưng không phải vì thế mà trở thành rỗng không, mà là để lộ
thực tại toàn bích, giải thoát không còn lại một dấu vết nào của
sinh tử. Bấy giờ con người giải thoát, hay thật ngã chính là thực tại.
Hiểu Luân hồi, do đó, chính là nội
dung của hiểu biết Nhân quả, Nghiệp báo, Tứ đế hay Duyên khởi.
Ở đây, chỉ có một vấn đề chúng
ta cần tìm hiểu là cái gì đi luân hồi? Với con người Năm uẩn, thì
cái gì đi luân hồi?
Theo Nikàya và A-hàm, như chúng ta đã
thấy ở phần trình bày về nghiệp báo, nghiệp thức đi đầu thai. Khi chết
là chết cái thân sắc uẩn, bốn uẩn còn lại, được xem như thu vào thức
uẩn, tạo thành một sức mạnh, gọi là nghiệp lực tiếp tục quay chuyển,
chuyển sinh. Nghiệp thức này (còn được gọi là hương ấm) hợp với
danh-sắc mới tạo thành thân mới. Tại đây, có nhiều quan điểm chủ
trương có thân trung ấm, thân trung gian ở giữa thân của đời này và
thân của đời sau như các nhà ngoại đạo của Số luận, như Đông sơn bộ,
Chính Lượng bộ và Hữu bộ (thuộc Nam Tạng). Kinh bộ (Nikàya) và A-hàm,
Đại chúng bộ, Phân biệt luận... thì chủ trương không có thân trung hữu.
Thế Hữu cho rằng thân trung hữu
kéo dài một thời gian tối đa bảy ngày. Thiết-ma-đạt-đa thì cho thời
gian của thân trung hữu có thể kéo dài đến bốn mươi chín ngày. Có lẽ
do chịu ảnh hưởng thuyết này mà một số Phật tử Việt Nam ngày nay có
tập quán cúng thất thất trai tuần.
Kinh bộ (Nikàya) và A-hàm thì cho rằng
từ tử tâm chuyển qua kiết sanh tâm (patisandhi) đi vào thân mới chỉ trong
vòng từ một đến hai sát-na, nên không cần có thân trung hữu.
Nikàya và A-hàm gọi nghiệp thức
đi đầu thai là hương ấm (gandhaba) và không cắt nghĩa hương ấm là tầm
hương, có thức ăn là mùi thơm, trong khi đó quan điểm kia thì cho thức
ăn của thân trung hữu là hương thơm và gán cho nó cái tên tầm hương
(đi tìm hương thơm).
Nikàya ghi rõ con người chết là do
sắc thân đoạn diệt, do thọ mạng hết, hoặc do nghiệp ở đời hết,
nhưng cũng có trường hợp chết ở ngoài ba trường hợp trên gọi là chết
"bất đắc kỳ".
Chúng tôi nghĩ rằng quan điểm chết
đi đầu thai liền thì phù hợp với truyền thống Phật giáo nguyên thủy,
qua Nikàya và A-hàm, hơn là quan điểm trung ấm thân, dù là trường hợp chết
"bất đắc kỳ".
Nhiều nơi trong các Kinh, gồm Kinh
Đại Niết-bàn (Trường Bộ Kinh III), ngay khi có một Phật tử hay một tu
sĩ qua đời, Tôn giả A-nan thường hay bạch hỏi Thế Tôn về sanh thú của
các vị ấy và Thế Tôn trả lời rõ cảnh giới đầu thai của các vị
ấy. Có lần, Thế Tôn đã quở nhẹ Tôn giả A-nan tại sao cứ làm phiền
Thế tôn với những câu hỏi như thế. Ý của Thế Tôn không muốn đề cập
nhiều đến chuyện đầu thai ấy, thành thử ngày nay chúng ta không cần
thiết đòi hỏi phải đi sâu vào vấn đề đầu thai ấy.
Tình trạng gọi là thân trung gian,
nếu có, ta có thể hiểu đây cũng là một thân luân hồi thuộc một cảnh
giới, chỉ khác các cảnh giới khác về thời gian tồn tại ngắn hay dài
mà thôi. Khi đã có thân thì đấy là thân rồi.
Có lần (Tương Ưng và Tiểu Bộ)
Tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallàna) chỉ cho một Tỷ-kheo trẻ tuổi biết
rằng giữa hư không này Tôn giả thấy (bằng thiên nhãn) có nhiều cảnh
giới đầu thai với các thân khác nhau và chịu các quả báo khác nhau. Vị
Tỷ-kheo bạch hỏi Thế Tôn tại sao không nghe Thế Tôn dạy về các cảnh
giới đó? Thế Tôn đã dạy là các cảnh giới đó có nhưng ngại vì khó
tin, vả lại không liên hệ mật thiết với mục đích phạm hạnh nên Thế
Tôn không dạy. Thế là, cạnh cảnh giới con người đã có những thân sắc
khác với sắc chất, đấy là cảnh giới khác rồi hà tất phải lập
thêm thân trung ấm.
Hẳn là ở đây không nỗ lực để
chứng minh Luân hồi có, vì nó vốn có rồi, như đã được đề cập ở
phần Nhân quả và Nghiệp báo.
Qua các mẩu chuyện Bổn sanh (Tiểu
Bộ Kinh) nói về các tiền thân của đức Phật, ta có thể hình dung ra cuộc
Luân hồi dài, mênh mông như thế nào. Tại đây chúng ta có thể rút ra
được thêm một kết luận rằng chúng sinh đi vào Luân hồi bằng hai động
cơ chính: hoặc do nghiệp lực bị cuốn hút vào Luân hồi một cách bị động,
hoặc do nguyện lực - như trường hợp chư Bồ-tát đi vào sinh tử một
cách chủ động vì lòng đại bi thương chúng sinh, đi vào để mà giáo
hóa. Trường hợp đi vào do nghiệp lực thì gọi là bị Luân hồi; nhưng
trường hợp đi vào do nguyện lực độ sinh thì khác, gọi là giải thoát
Luân hồi cho chúng sinh và cho tự thân.
Luân hồi cũng như mọi pháp khác,
nó là do Duyên sinh nên Vô ngã. Không thể có một pháp như thực gọi là
Luân hồi, mà chỉ có thể nói tự thân của Luân hồi cũng chính là như
thực khi vô minh không còn ngăn che nữa. Nếu Luân hồi có tự ngã thì sẽ
không bao giờ có sự kiện giải thoát Luân hồi cả. Nhưng sự kiện giải
thoát Luân hồi thì có thực, nên Luân hồi phải là không có tự ngã.
Giáo lý Phật giáo chỉ cho thấy
có Luân hồi. Nhưng trọng điểm của giáo lý này là giải thoát Luân hồi.
Thế nên, rốt ráo mà nói Luân hồi chỉ có mặt ở vô minh mà không có mặt
trong thực tại như thực. Nó có mà cũng như không có. Chúng ta đừng hoài
công đi tìm thực chất của Luân hồi (hay nguồn gốc của Luân hồi), bởi
vì theo Phật giáo, tất cả cái gì thuộc pháp hữu vi, thuộc sinh tử,
Luân hồi đều là hư vọng, không có gốc. Vọng thì thực sự không có gốc.
Luân hồi, đây chỉ là từ ngữ chỉ
hiện tượng lên xuống, qua lại hay sinh diệt của chúng sinh. Nó không phải
là một giáo lý như Nhân quả hay Nghiệp báo, nên chúng ta khỏi đi sâu
vào vấn đề tìm hiểu nó. Chỉ vì vấn đề Luân hồi đã một lần đặt
ra thì chúng ta cũng phải đề cập đến./.