Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Phật Học Khái Luận
TT. Thích Chơn Thiện

Tiết IV
Nhân Quả

Nhận Xét Tổng Quát

- Các hiện tượng tâm lý và vật lý chuyển biến liên tục. Phật giáo gọi sự chuyển biến không dừng nghỉ đó là "vô thường". Nho giáo gọi là "dịch biến". Héraclite, một triết gia Hy Lạp thời cổ đại, thì nói lên hình ảnh cuộc đời trôi chảy "Chúng ta không thể bước xuống hai lần nơi cùng một dòng nước".

- Hiện tượng giới luôn luôn trôi chảy theo một quy luật gọi là nhân quả. Ví như mưa là kết quả, mây là nguyên nhân; mây là kết quả, hơi nước là nguyên nhân, v.v... Vấn đề tìm hiểu của chúng ta là về sự có mặt của con người. Theo Phật giáo, con người hiện tại vẫn là kết quả của nguyên nhân quá khứ. Sự tương quan nhân quả ấy xãy ra thế nào?

- Trong vấn đề Nhân quả của con người, có một vấn đề khác được đặt ra, đó là Nghiệp (Karma, Kamma). Nghiệp là hành động tác ý, một hành động không có tác ý thì chỉ là hành động, mà không gọi là Nghiệp.

- Ở con người, yếu tố tâm lý và ý chí tác động mạnh trên điều kiện sống, trên sự biểu hiện của nghiệp quả. Yếu tố này được điều động bởi tà kiến, hay bởi chánh tri kiến, do đó việc khảo sát nhân quả trở nên phức tạp hơn.

- Nhân và quả trong giáo lý Phật giáo đều là pháp duyên sinh, chúng vô ngã; chúng luôn luôn cần được nhìn dưới ánh sáng của Duyên khởi.

- Nói đến nhân quả là nói đến tương quan; nói đến nghiệp là nói đến thiện và ác. Phật giáo không dừng lại ở điểm "Không làm các việc ác, chỉ làm các việc lành", mà còn đi xa hơn nữa đến chỗ "Tâm ý thanh tịnh, giải thoát", nghĩa là thoát ly sự trói buộc của nhân quả. Thiện, ác chỉ là vấn đề luân lý của đạo Phật, giải thoát sinh tử khổ đau mới là mục đích của Phật giáo.

- Tham ái (tanhà) là động cơ chính của Nghiệp, của nhân quả. Như thế, giới hạn của việc khảo sát nhân quả là ở vùng có tham ái và tập khí của tham ái. Không có gì để nói đến nhân quả ở vùng hoàn toàn đoạn diệt tham ái.

- Chủ trương của Phật giáo là khích lệ con người vận dụng tuệ giác và ý chí của mình để đoạn diệt Nghiệp, để thoát ly hoàn toàn vòng ràng buộc của nhân quả. Các hành động thoát ly nghiệp là các hành động vô tham, vô sân, vô si, hay gọi là các hành động duy tác (Kriyà hay Kiriyà) của bậc Thánh.

Dựa vào một số nhận xét tiêu biểu trên, ta đi vào khảo sát nhân quả của Phật giáo để tránh rơi vào các ngộ nhận đáng tiếc của ngoại đạo.

Ý Nghĩa Nhân Quả của Phật Giáo

Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả.

Trong thế giới tương quan của hiện tượng, mỗi hiện hữu đều có nguyên nhân của nó. Nguyên nhân của sự có mặt của các hiện hữu gọi là quả.

Tương quan nhân quả của các hiện hữu trong hiện tượng giới là tương quan vòng tròn (hay xoắn ốc). Mỗi hiện tượng vừa là kết quả vừa là nguyên nhân. Tương quan nhân quả này chính là tương quan Duyên sinh đã được trình bày ở giáo lý Duyên khởi. Mỗi hiện hữu có một nguyên nhân chính (trực tiếp) và các nguyên nhân phụ (nguyên nhân xa hơn). Nguyên nhân chính gọi là nhân, nguyên nhân phụ gọi là duyên. Nhân quả, do đó, nói đủ là nhân-duyên-quả. Từ nhân đến quả còn có các yếu tố duyên ảnh hưởng.

Trong tương quan nhân quả này, một nhân không thể đưa đến quả, hay một quả không thể chỉ có một nhân; và nhân, quả thường ở trong một đẳng loại, không có sự lẫn lộn đẳng loại. Vì dụ, con gà thì chỉ đẻ ra trứng gà, mà không thể có sự kiện con gà đẻ ra trứng vịt. Hoặc giả, trứng gà chỉ nở ra con gà và không nở ra con vịt.

Từ nhân đi đến quả có các yếu tố duyên xen vào, nên quả tuy cùng đẳng loại với nhân nhưng vẫn khác với nhân. Cũng không nhứt thiết một nhân đòi hỏi đưa đến quả. Tùy thuộc vào sự can thiệp mạnh hay yếu của các duyên ở trung gian, thuận chiều hay nghịch chiều phát triển của nhân mà quả có thể hình thành sớm, muộn hay không thể hình thành. Khi quả hình thành, thì việc đón nhận tùy thuộc vào điều kiện tâm lý của người đón nhận. Với người không chấp thủ thì quả dị thục mất hết ảnh hưởng tác động, nó có cũng như không.

Nhân quả chỉ được đề cập khi có mặt tương quan. Tương quan chỉ có mặt khi có ý niệm phân biệt. Ở nơi nào có mặt của xả niệm, của niệm vô phân biệt, hay ở thực tại như thật, thì nhân quả không được đề cập đến, không thuộc phần được khảo sát ở đây.

Phân Loại Nhân Quả

Thời gian từ nhân đến quả khác nhau ở các loại nhân khác nhau và ở các người tạo nghiệp khác nhau. Tùy theo cách nhìn, các nhà nghiên cứu Phật học sắp đặt sự phân loại khác nhau.

Phân loại 1:

Có loại nhân mà thời gian từ nhân đến quả rất nhanh, gọi là nhân quả đồng thời. Như ăn thì liền no, sân vừa khởi thì liền có phiền não. Một cú đấm vừa phát ra thì liền có một cú đấm trả lại, v.v...

Có loại có một khoảng thời gian ở giữa nhân và quả; một loại gọi là hiện báo, nghĩa là nghiệp nhân trong đời này đưa đến quả báo trong đời này; một loại gọi là sinh báo, tạo nhân ở đời này nhưng đến đời sau mới nhận quả; một loại gọi là hậu báo, tạo nhân ở đời này nhưng đến các đời sau mới thọ báo.

Nhân quả ba thời này thường được xếp vào loại nhân quả xác định (gọi là định nghiệp). Cũng có một số trường hợp ảnh hưởng trung gian của các duyên rất mạnh đưa nghiệp quả đến chỗ khác, khó xác định thời gian và chủng loại. Loại nghiệp quả này gọi là loại bất định nghiệp. Ba thời nhân quả giúp cho chúng ta cắt nghĩa rõ ràng sự khác biệt giữa người này và người khác, cắt nghĩa rõ trường hợp ở ác mà được may mắn, ở lành mà chẳng may...

Tuy nhiên, không phải vì thế mà sự phân loại trên có thể gói gọn mọi trường hợp nhân quả. Có trường hợp do yếu tố tâm lý và tuệ giác can thiệp mạnh vào quá trình biểu hiện của nghiệp quả, nghiệp quả có thể không đến, hoặc đến với đẳng loại khác hẳn với nghiệp nhân. Như trường hợp làm mười ác nghiệp mà đời sau được sanh thiên, làm mười thiện nghiệp mà đời sau lại đọa địa ngục, do có sự can thiệp của "cận tử nghiệp" (lúc chết có chánh kiến hay tà kiến..) (Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, Trung Bộ III).

Có trường hợp làm việc ác nhỏ mà kiếp sau có thể rơi vào địa ngục; ngược lại, có người phạm điều ác lớn hơn mà chỉ chịu quả báo rất nhẹ trong hiện tại, hoặc quả báo gần như không đáng kể trong hiện tại, còn nói chi đến đời sau (Phẩm Hạt Muối, Tăng Chi I). Như một nắm muối thả vào một tô nước thì mặn, nhưng nếu thả vào hồ nước Đa Nhim thì ảnh hưởng được xem như không có. Cũng thế, việc ác xảy đến với người không tu tập cả thân và tâm thì quả báo nặng, cùng việc ác ấy, nếu xãy đến với người có tu tập Giới, Định, Tuệ, có từ tâm vô lượng thì không có hậu quả, hay hậu quả không đáng kể.

Trong đời sống thực tế, ta cũng thường nghe người bình dân phát biểu tương tự: "Nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột". Cái đứt tay nhè nhẹ đối với người giàu sang nghe đau như kẻ ăn mày đổ ruột; cái đứt tay đối với kẻ ăn mày thì được xem như chẳng có nghĩa gì.

Phân loại 2:

Một hình thức phân loại nhân quả khác nói lên sự biểu hiện của nghiệp quả ở hai lãnh vực: thế giới vật lý và cảnh giới tâm lý. Nhân quả biểu hiện ở mặt vật lý gọi là nhân quả ngoại giới, nhân quả biểu hiện ở mặt tâm lý gọi là nhân quả nội tâm.

Như trường hợp một người tu hành chân chính bị vu oan mà phải vào tù. Xác thân của vị ấy bị cầm tù, còn tâm thì không. Nhờ công phu tu tập, vị ấy có khả năng làm chủ tâm lý mình và không cảm thấy tù túng, khổ đau.

Một người có thể sinh ra có thân tướng xấu xí, khó nhìn, nhưng lại có trí thông sáng và có tâm tu tập tốt. Và ngược lại, có người được sinh ra, được phước báo cả hai mặt thân và tâm. Có người lại sinh ra với quả báo xấu ở cả hai mặt thân, tâm...

Một Số Loại Nhân có Quả Tương ƯNhất Định
(Theo Kinh Địa Tạng và Nikàya)

Hầu hết các Phật tử đều biết nếu tạo nghiệp sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, phá kiến thì đời sau sẽ rơi vào địa ngục, nếu phạm tội "ngũ nghịch" (như giết cha, mẹ, A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, và phá hòa hợp Tăng) thì cũng sẽ rơi vào địa ngục.

- Nếu đa dâm, sẽ thác sinh làm chim sẻ, bồ câu, uyên ương...

- Nếu đa si (quá si mê), sẽ thác làm lợn, dê...

- Nếu đa kiêu mạn, phóng dật, sẽ thác sinh làm hổ, lang...

- Hay trêu ghẹo, đời sau sinh vào khỉ, vượn...

- Đời này sống keo bẩn, lắm ganh ghét thì đời sau sinh vào loài chó...

- Giới cấm thủ (giữ tà giới) sẽ thác sinh vào súc sinh hay địa ngục.

- Tham lam, đoạt tài sản người thì rơi vào ngạ quỷ.

- Nếu biết tu tập, giữ gìn năm giới cấm, biết bố thí rộng rãi sẽ được tái sanh làm người.

- Nếu biết tu mười thiện nghiệp, biết bố thí rộng rãi sẽ được sanh về các cung Trời.

Các trường hợp tạo các nghiệp nhân kể trên còn tùy thuộc vào "cận tử nghiệp" mới có quyết định rõ ràng cảnh giới đầu thai.

Những ai là các đệ tử của Thế Tôn có chánh tri kiến, tu theo Giới, Định, Tuệ, nếu được thác sinh về các cõi Trời, thì sau khi mệnh chung, ở đấy, sẽ được sanh lên cõi Trời cao hơn và dẫn về Niết-bàn, hoặc nhập Niết-bàn ngay tại cõi ấy. Những ai không có chánh tri kiến, không tu theo Giới, Định, Tuệ, khi ở cõi Trời ấy mệnh chung thì rất dễ rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, rất ít khi được sanh xuống cõi Trời thấp hơn hay sanh vào loài Người. (Xem Tăng Chi I, Phẩm Đọa Xứ).

Sự Có Mặt Lẫn Lộn Giữa Các Thiện Nhân, ANhân và Thiện Quả, AQuả

Đời sống của con người không phải chỉ thuần khổ, thuần lạc, hay thuần phi khổ phi lạc, mà xen kẽ cả ba loại cảm thọ trên. Cũng vậy, các hành động của con người thường vẫn lẫn lộn giữa thiện ác và phi thiện ác, các quả báo vì thế cũng xen kẽ các nghiệp quả đã tạo tác.

Có người có phước báo giàu sang mà lại thiếu nhan sắc và trí tuệ. Có người có trí tuệ lại thiếu nhan sắc và giàu sang... Có người có tài trí thì lại đa truân, có kẻ ít tài trí lại bình an... Có người đa tham, có kẻ đa sân... Có người lắm rủi ro, có kẻ nhiều may mắn.. Có giai đoạn của cuộc đời thì khó khăn, có giai đoạn lại hanh thông... Có người nhiều lợi dưỡng thì lại thiếu danh tiếng...

Tất cả những gì đang xãy đến với con người trong hiện tại, không phải hoàn toàn do nghiệp nhân của các đời quá khứ. Một số hậu quả do nghiệp nhân trong hiện tại gọi là nghiệp mới.

Thế Tôn dạy: "Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là nghiệp cũ. Các hành động của thân, khẩu, ý trong hiện tại là nghiệp mới". (Tương Ưng IV, Phẩm Mới và Cũ, tr. 141)

Ở đây, chúng ta có thể rút ra được nhiều kết luận cần thiết. Tất cả cái gọi là các nghiệp tạo ra trong quá khứ đã nằm gọn trong chiếc thân ngũ uẩn này, nghĩa là trong sáu căn, sáu trần và sáu thức. Tất cả các nghiệp quả cũng nằm gọn trong sáu căn, sáu trần và sáu thức. Do xúc của căn, trần và thức mà cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc phát sinh. Con người có thể chọn lựa các xúc mình muốn. Trường hợp không chọn lựa được, hay chọn lựa không như ý về đối tượng xúc, thì bấy giờ con người vẫn làm chủ được tư duy, được tâm lý để ngăn ngừa ái thủ. Làm chủ tâm lý, ngăn ngừa ái thủ là không chịu hậu quả của quả báo nội tâm, và không tạo thêm nghiệp nhân khổ mới để dẫn đến quả báo khổ trong tương lai. Đây là chỗ khởi hành của con người để đi vào hạnh phúc và giải thoát qua giáo lý nhân quả của Phật giáo.

Khổ đau và hạnh phúc như thế, theo Phật giáo, không phải là chuyện ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống, hay từ lòng đất vọt ra; cũng không phải do sự thưởng phạt của bất cứ một quyền lực nào. Hạnh phúc và khổ đau cũng là do duyên sinh, điều mà ngay trong hiện tại con người có thể hiểu được và có thể tạo dựng cho chính mình. Qua nghĩa Duyên sinh đó, nếu con người giác ngộ Vô ngã tính của chính nhân quả và của chính Năm uẩn, nghĩa là có khổ, lạc, nhưng không có ai khổ, ai lạc, thì lập tức có thể đi ngay vào giải thoát, đi ra liền khỏi vòng ràng buộc của các nghiệp quả.

Nghiệp quả của các chúng sinh khác cũng thế, ở ngay trong thân tướng của chúng sinh và cảnh giới của chúng sinh thác thai. Điều tối trọng và tối diệu là làm sao giác ngộ rằng không có mặt một ngã tướng nào trong mọi cảnh giới ấy. Giác ngộ được điều đó thì cảnh giới sinh tử sẽ sụp đổ sớm hay muộn.

Con người có may mắn và hạnh phúc lớn nhất là có nhân duyên để biết về Vô ngã pháp, nhưng vẫn còn một điều bí mật nằm ở điều quyết định rời xa ái, thủ, nằm ở chính mình. Mọi chuyện không có gì là bí mật, kể cả nhân quả, nếu con người đoạn tuyệt tham ái. Nhưng cho đến khi nào con người còn nằm mơ màng trong giấc mơ ái, thủ thì cho đến khi ấy sương mù tiếp tục buông xuống che mờ khắp thực tại nhân quả này.

Cho đến khi nào chúng ta còn xem mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý này là mình, là tự ngã của mình thì nghiệp cũ còn có mặt ở đó, ở khắp thế giới hiện tượng này. Cho đến khi nào ta ổn định không xem mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý này là mình thì bấy giờ nghiệp quả không còn liên hệ gì với mình nữa, mà cả nghiệp mới cũng không tạo tác thêm.

Tại đây chúng ta có thể kết luận nghiệp (cũ và mới) từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý này khởi lên nếu có mặt ái, thủ; và nghiệp cũng từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý diệt đi, nếu không có tham ái và chấp thủ.

Chính nghiệp tạo ra nghiệp nhân và đưa đến nghiệp quả. Khi nghiệp bị đoạn diệt, thì nghiệp nhân và nghiệp quả cũng đoạn diệt. Bấy giờ vấn đề nhân quả đề cập ở trên không còn được đặt ra.

Nhân Quả: Vấn Đề Đạo Đức, Luân Lý của Phật Giáo

Nhân quả, như vừa được trình bày, thuộc pháp hữu-vi, thuộc phạm trù sinh diệt mà không phải thuộc pháp vô-vi, giải thoát.

Giáo lý nhân quả dạy con người lánh xa các nghiệp ác và làm các nghiệp lành. Giáo lý này tự thân ít nhấn mạnh vào giải thoát, nên mang ý nghĩa đạo đức, luân lý của đạo Phật nhiều hơn.

Với những người chưa phát tâm làm các điều thiện tích cực, thì cái khuynh hướng tránh xa khổ đau của con người khiến họ tránh xa các ác nghiệp, nếu họ tin nhân quả. Điều này cũng đóng góp vào công cuộc loại trừ các hiện tượng xã hội xấu, tiêu cực.

Nhân quả nghiêm chỉnh đặt ra vấn đề trách nhiệm cá nhân của con người, bởi con người là chủ nhân của nghiệp, vừa là kẻ thừa tự của nghiệp, như Thế Tôn đã dạy.

Không có trách nhiệm cá nhân thì nhân quả không được thành lập. Cũng vậy, không có trách nhiệm cá nhân thì luật pháp xã hội cũng không được thành lập, hay nếu được thành lập thì cũng không có cơ sở để thi hành. Đời không có luật pháp thì sẽ đại loạn.

Ở lãnh vực giáo dục cũng thế, con người trưởng thành được định nghĩa như là con người có trách nhiệm cao đối với tự thân và xã hội.

Giáo lý nhân quả, do đó, một mặt vừa chỉ rõ con đường sinh tử của con người để tránh, vừa khích lệ con người hành thiện, mặt khác dạy con người ý thức trách nhiệm, sống không ỷ lại, không chạy trốn, không đổ lỗi, không cầu xin. Đây là tinh thần giáo dục rất lành mạnh và tích cực trong việc giáo dục một con người tốt ở cả hai mặt cá nhân và xã hội.

Trên cơ sở nhân quả này, nghĩa là trên căn bản thiện, quan niệm đạo đức, luân lý của Phật giáo xuất hiện. Thiện của Phật giáo được hiểu như là những gì đem lại lợi ích cho mình và người trong hiện tại và tương lai, theo hướng ly tham, ly sân, ly si, không ganh ghét, không đố kỵ, không gây tổn hại. Trên căn bản thiện này, các yêu cầu xã hội như công bằng, nhân đạo, chí công vô tư, liêm, chánh, kiệm cần được phát triển tốt đẹp. Các hiện tượng tham nhũng, trộm, cắp, v.v... sẽ bị dập tắt.

Con người chịu trách nhiệm đời sống tâm thức của mình nên tự nguyện lánh xa mọi điều xấu, chứ không phải vì sợ hình phạt, chỉ trích, hoặc vì khen thưởng... Cơ sở triết lý ly tham, ly sân, ly si, ly ác, ly hại ở trên vững chắc hơn cơ sở hình phạt của pháp luật, bởi vì con người khôn ngoan có thể chạy trốn (hay qua mặt) pháp luật và dư luật, nhưng người ta không thể chạy trốn lương tâm và nghiệp quả của mình.

Khía cạnh tích cực của thiện là ban bố lợi ích và an vui cho tha nhân, tập thể qua ngỏ đường tài thí và pháp thí. Tại đây, chúng ta có thêm một bài học kinh nghiệm về hạnh phúc: ngoài hạnh phúc của thủ, còn có hạnh phúc của xả cao hơn. Sống vì hạnh phúc của tha nhân và tập thể là một lối sống hạnh phúc cao thượng, rất hạnh phúc cho chính mình.

Nền đạo đức, luân lý Phật giáo như thế không xây dựng các tín điều, không xây dựng trên các tư duy thuần lý, cũng không "ra lệnh", mà được xây dựng trên giá trị tiêu chuẩn của an lạc, hạnh phúc và giải thoát của con người, rất người. Nếu luân lý này không ra lệnh, không trừng phạt mà trả con người về chính nó để tự chịu trách nhiệm về hai mặt nhận thức và hành động.

Một nền luân lý như vậy là đầy màu sắc tích cực, đầy trí tuệ, đầy tính người và rất là nhân bản.

ÝNghĩa Tương Đối khi Tìm Hiểu Luật Nhân Quả

Người ta chỉ có thể hiểu rõ nhân quả khi nào người ta hiểu rõ quả dị thục của nghiệp. Nhưng về quả dị thục thì Thế Tôn đã dạy là con người không thể tư duy được, nếu nỗ lực tư duy về nó thì có thể đi đến điên loạn.

Tăng Chi Bộ Kinh I, Phẩm Bốn Pháp chép:

"Có bốn phạm trù không thể tư duy: Phật giới, Thế giới tâm, Thiền định của người tu Thiền, và quả dị thục của nghiệp".

Do đó, chúng ta không thể chờ đợi bất cứ một khảo luận nào về nhân quả có thể trình bày rõ ràng, hợp lý, giải quyết được mọi nghi vấn. Thực sự, nhân quả cũng tương đối như tính tương đối của các pháp hữu vi, chịu biến hoại, vô thường đoạn diệt. Cho đến khi một người đoạn trừ hết lậu hoặc thì chân nghĩa của nhân quả sẽ xuất hiện một lần với chân tướng của các pháp.

Phạm Vi của Nhân Quả

Như đã được đề cập, thế giới hiện tượng là thế giới của tương quan nên nó là sự biểu hiện của các quá trình nhân quả. Ở đâu mà có mặt ái, thủ thì ở đấy có mặt của nghiệp, có mặt của nhân quả. Ở đâu không có ái, thủ thì ở đấy không có mặt sự tạo tác nghiệp mới, ở đâu không có mặt của nghiệp hay chỉ còn ảnh hưởng của nghiệp cũ để lại, thì ở đó nhân quả chỉ còn ảnh hưởng ở ngoại giới, hoặc không còn có mặt nữa.

Ở quả vị Tu-đà-hoàn (Sơ quả Thánh), nghiệp mới không được tiếp tục tạo tác, chỉ còn lại dục, sân và năm thượng phần kiết sử. Ở quả vị A-na-hàm, chỉ còn năm thượng phần kiết sử. Ở quả vị A-la-hán, hết thảy lậu hoặc đã được đoạn tận, nghiệp hoàn toàn được đoạn tận, có thể chỉ còn vài ảnh hưởng của nghiệp nhân quá khứ rơi rớt trên tấm thân sắc uẩn.

Tóm lại, nhân quả có vị trí rất trọng yếu trong việc giải thích các sự khác biệt của con người, rất trọng yếu trong việc thiết lập nền tảng đạo đức của Phật giáo và chỉ có mặt trong thế giới của ý niệm, của các ngã tướng.

Tại đây, có một ý nghĩa được dùng đặc biệt của từ ngữ nhân quả mà chúng ta cần phải xác định.

Khi nói: Nhân giải thoát thì quả giải thoát, như thế, chữ nhân và quả ở đây chỉ là lối mượn từ để diễn đạt, chữ nhân ấy không phải là nghiệp nhân, và quả ấy cũng không phải là nghiệp quả. Nghiệp như đã định nghĩa từ đầu là hành động có tác ý (thiện, ác, phi thiện - phi ác), còn giải thoát là giải thoát nghiệp. Các hành động vô ký của một bậc Thánh giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc ngay trên cõi đời này, là các hành động duy tác (kriyà) mà không phải là nghiệp (kamma, karma).

Thỉnh thoảng, chúng ta gặp một vài đoạn kinh ghi lời dạy của Thế Tôn rằng: "Vô tham, vô sân, vô si, vô thủ trước là nhân, mà giải thoát là quả...", lối dùng từ nhân và quả ở đây cũng thế, chỉ là mượn từ để diễn đạt. Vả lại, lời dạy trên còn mang một ý nghĩa khác nữa là, cứ tu tập khởi niệm, trú niệm vô tham, vô sân, vô si, thì dần dần tập khí của nghiệp cũ sẽ tiêu, và sự giải thoát tâm thức hoàn toàn sẽ thực sự đến. Nói là giải thoát đến cũng chỉ là cách nói; thực ra, tự thân của tâm vô tham, vô sân, vô si đã là giải thoát rồi.

Đấy là lãnh vực giới hạn của nhân quả và nghiệp của Phật giáo trong phần khảo sát nầy.

Nhìn Lại Một Số Lời Phát Biểu về Nhân Quả PG

Có tài liệu nói về nhân quả của Phật giáo chép rằng:

"Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giải thị,
Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị".

(Muốn biết nhân đời trước, thì nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại;
muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, thì nhìn vào những tạo tác của hiện tại).

Nhận định trên nói lên rất giới hạn ý nghĩa của nhân quả Phật giáo, người học Phật cần phải thận trọng, đừng xem lời nói ấy như là một định thức mẫu mực. Nó chỉ trình bày đúng một phần biểu hiện của nhân quả mà thôi. Bởi vì:

- Nghiệp nhân chưa hẳn đưa đến quả dị thục.

- Những gì thọ báo trong hiện tại, nói chính xác là chỉ có thân Năm uẩn, là kết quả của nghiệp cũ trong quá khứ; các cảm thọ, tri kiến khác còn do nghiệp mới trong hiện tại tạo ra. Tương tự như thế, đối với một đời sống khác của tương lai. Nhận định nói trên đã đánh mất cái tác dụng của các nghiệp nhân tức thời trong hiện tại, những nghiệp nhân này gây ảnh hưởng tối quan trọng, chúng có thể chấm dứt được cả dòng sinh tử. Chính khi dạy về nhân quả, Thế Tôn chú trọng nhiều nhất cho việc tạo ra nghiệp mới trong hiện tại, chú trọng ở điểm đoạn diệt nghiệp hơn là tạo tác nghiệp thiện. Đây là mục đích giải quyết của đời sống Phạm hạnh.

Một lần ngoại đạo phát biểu: "Người này làm nghiệp như thế nào, thì người ấy cảm thọ quả như vậy". Đức Thế Tôn đã bác bỏ quan điểm đó, Ngài dạy: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, thì người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". (Tăng Chi I, tr. 284).

Trong tài liệu văn học Việt Nam có một số quan điểm phê bình văn học cho rằng cụ Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, và lẫn lộn nhân quả với các thuyết Thiên mệnh và Tiền định.

Trong thời gian Kiều luân lạc, cụ Nguyễn Du viết:

"Cho hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao".

Khi Kiều vừa hết kiếp đoạn trường, thì cụ viết:

"Có trời mà cũng có ta,
Tu là cội phúc, tình là dây oan".

Cho đến đây, Kiều mới bình tĩnh hơn để nhận định cuộc đời. "Trời" ấy là ý nghĩa của nghiệp cũ, "ta" ấy là ý nghĩa của nghiệp mới. Chỉ có hai câu thơ sau mới liên hệ gần với giáo lý nhân quả của Phật giáo.

Phải phát biểu là nhân quả của Phật giáo hoàn toàn không phải là thuyết Thiên mệnh, Số mệnh hay Tiền định. Nó không phải là một quyết định thuyết (déterminisme).

Lại có một quan điểm không phải Phật giáo truyền thống cho rằng, ngoài nghiệp thiện ác, còn có nghiệp vô ký, kết quả của hành động vô ký (vô ký mà không phải là duy tác). Quan điểm này không được Nikàya, Đại Tỳ-bà-sa và Duy Thức Pháp Tướng tông chấp nhận. Như đã định nghĩa từ đầu, nghiệp là hành động có tác ý. Nhân quả luôn luôn liên hệ đến nghiệp. Chính do vì có nghiệp cảm mới có động cơ chính vẽ thành tiến trình của nhân quả.

Qua các phần được trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng không thể nào có được một công thức nhứt định nào về nhân quả. Không thể nào lập được một bảng liệt kê đối chiếu giữa các loại nhân và quả, bởi vì nhân và quả đều là Duyên sinh, mang ý nghĩa bất định như các pháp hữu vi khác. Phương trời hiện tại và tương lai của quả dị thục luôn luôn mở rộng, nó cũng có thể được chấm dứt với sự chấm dứt sinh tử của một bậc A-la-hán, bậc đã trừ hết lậu hoặc. Phương trời quả dị thục ấy mở rộng, bởi vì nó tùy thuộc vào việc vận dụng khả năng giải thoát hầu như vô tận trong hiện tại của con người.

Đối với bất cứ một pháp hữu vi nào, chúng ta chỉ có thể hiểu rõ ngọn nguồn của nó khi chúng ta đã đoạn tận tham ái, chấp thủ hay vô minh./.


| 2.06 | 2.07 | 2.08 | 2.09 | 2.10 | 2.11 | 2.12 | 2.13 | 2.14 | 2.15 | 3.01 | 3.02 | 3.03 | 3.04 |

 


Cập nhật: 24-8-2000

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang