- Phật Học Khái
Luận
- TT. Thích Chơn Thiện
- Tiết XV
- Chánh Và Tà Pháp - Thiện
Và Bất Thiện -
Thuyết Pháp - Nghe Pháp - Sống Theo Pháp Và Hành Theo Pháp
Qua phần trình bày các giáo lý về
Giới, về Định và về Tuệ, chúng ta đã nắm được ý nghĩa thế nào
là Chánh pháp. Thế nào là tà pháp. Thế nào là thiện. Thế nào là bất
thiện. Tại đây chúng ta đi vào những định nghĩa trực tiếp của Thế Tôn
về các tiểu mục như trên.
- "Này các Tỷ-kheo, thế nào
là phi Thánh pháp? - Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà
tinh tấn, tà niệm, tà định, tà giải thoát, tà tri kiến giải thoát gọi
là phi Thánh pháp". (Tăng Chi III-B, tr. 228).
Ngược lại mười phi Thánh pháp kể
trên gọi là Thánh pháp.
- "Sát sanh, lấy của không cho,
tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời
phù phiếm, tham, sân, tà kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi pháp và
phi mục đích". (Sđd., tr. 236)
Ngược lại với các điều ấy gọi
là pháp và mục đích.
Về thiện pháp và bất thiện pháp
thì như chúng ta đã rõ, cái gì làm sinh khởi tham, sân, tà kiến cho mình
và cho người thì gọi là bất thiện. Cái gì làm sinh khởi vô tham, vô
sân, và chánh kiến gọi là thiện. Hay nói cách khác, các pháp nào liên hệ
với tham, sân và tà kiến thì gọi là bất thiện pháp. Pháp nào liên hệ
với vô tham, vô sân, và chánh kiến thì gọi là thiện pháp.
Tại đây, chúng ta sẽ rõ hơn về
ý nghĩa thiện và bất thiện qua một số định nghĩa khác nhau của Thế
Tôn:
- "... Những pháp nào thuộc phần
thiện, tất cả những pháp ấy lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không
phóng dật làm chỗ quy tụ; không phóng dật được gọi là tối thượng
đối với những pháp ấy". (Tương Ưng V, 1982, tr. 95).
- "... Phàm pháp nào thuộc về
phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy như lý tác ý làm căn bản, lấy
như lý tác ý làm chỗ quy tụ; như lý tác ý được gọi là tối thượng
đối với những pháp ấy". (Sđd., tr. 95).
Ngược lại, các bất thiện pháp
thì liên hệ căn bản đến phóng dật và phi như lý tác ý.
Nếu hành giả tinh cần và để chánh
kiến tác ý trên Khổ, Vô thường và Vô ngã thì các bất thiện pháp sẽ
dần dần bị đoạn diệt.
Về ý nghĩa của thuyết pháp, nghe
pháp và hành pháp thì Tôn giả Xá-lợi-phất dạy:
- "... Những ai thuyết Pháp để
đoạn tận tham, những ai thuyết Pháp để đoạn tận sân, những ai thuyết
Pháp để đoạn tận si, những vị ấy là những vị thuyết Pháp ở đời".
(Tương Ưng IV, 1982, tr. 257).
- "Những ai thực hành đoạn tận
tham, thực hành đoạn tận sân, thực hành đoạn tận si, những vị ấy là
những vị khéo thực hành ở đời". (Sđd., tr. 257).
Như thế, trọng điểm của việc học
hỏi Phật pháp, hiểu Phật pháp, hành Phật pháp và nói Pháp chính là việc
đoạn trừ tham, sân, si.
Trọng điểm của việc giải thoát
là tu tập để đoạn tận tham, sân, si nên một lần Thế Tôn đã xác định
như thế nào là sống theo Pháp rằng:
- "Ở đây, vị Tỷ-kheo học
thông suốt Pháp tức là Khế kinh (Sutta), Ứng dụng (Gayyam), Ký thuyết
(Veyyàkaranam), Phúng tụng (Gàtham), Vô vấn tự thuyết (Udànam), Như thị
thuyết (Ittivuttaka), Bổn sanh (Jàtaka), Vị tằng hữu pháp (Abbhutàdhammam),
Trí giải hay Phương quảng (Vedalla). Vị ấy dùng trọn cả ngày để học
thuộc lòng Pháp, bỏ phế sống độc cưan tịnh, không nỗ lực chuyên chú
vào nội tâm an chỉ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Tỷ-kheo thông đạt
nhiều kinh điển, nhưng không sống theo Pháp". (Tăng Chi II-B, 1982, tr.
118).
- "Lại nữa, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
thuyết cho các người khác một cách rộng rãi pháp như đã được nghe,
như đã được học thông suốt... Vị ấy dùng trọn cả ngày để trình
bày Pháp cho các người khác, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực
chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo thuyết
trình nhiều, nhưng không sống theo Pháp". (Sđd., tr. 118).
- Lại nữa, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
đọc tụng một cách rộng rãi Pháp như đã được nghe, như đã học thuộc
lòng. Vị ấy dùng trọn cả ngày để tụng đọc, bỏ phế sống độc
cư, an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là Tỷ-kheo đọc tụng nhiều, nhưng không sống theo Pháp". (Sđd.,
tr. 119).
- "Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo... dùng trọn cả ngày suy tầm nhiều về Pháp, bỏ phế sống độc
cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là Tỷ-kheo suy tầm nhiều, nhưng không phải sống theo Pháp".
(Sđd., tr. 119).
Tiếp theo đoạn kinh trên, Thế Tôn
dạy đại để rằng, nếu làm các công việc trên một phần của ngày và
để một phần của ngày vào công việc sống độc cư, chuyên tâm tịnh chỉ,
thì như vậy có nghĩa là sống theo Pháp. Đoạn Thế Tôn kết thúc bằng lời
giáo giới này:
- "Này các Tỷ-kheo, đây là những
gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ
có phóng dật. Chớ để về sau phải hối tiếc. Đây là lời giáo giới của
Ta dành cho các Ông". (Sđd., tr. 119).
Cuối cùng, vấn đề giải thoát, vấn
đề sống với Chánh pháp vẫn là việc hành Thiền định để đoạn tận
các lậu hoặc.
Về những người nghe Pháp, Thế
Tôn đã phân loại có ba hạng:
- Một hạng người, ngay tại chỗ
ngồi nghe, đã không để tâm tác ý đến bài kinh thuyết giảng.
- Một hạng người khác, sau khi rời
khỏi chỗ nghe thì tâm không còn tác ý đến bài giảng.
- Hạng thứ ba thì có chú tâm tác
ý và nắm giữ được ý nghĩa của bài giảng trong lúc giảng và cả sau
lúc giảng. Chỉ có hạng nghe Pháp thứ ba này là người nghe Pháp tốt nhất
với trí tuệ rộng lớn. (Theo Tăng Chi I, 1980, tr. 145-146).
Ích lợi lớn nhất của việc nghe
Pháp chính là để hiểu Pháp. Ích lợi lớn nhất của việc hiểu Pháp là
hỷ tâm và tín tâm sinh để vận dụng vào việc tu tập Pháp. Ích lợi lớn
nhất của việc tu tập chính là sự giải thoát tham, sân, si. Khi tham, sân,
si đã bị tận diệt thì nhu cầu nghe Pháp và hành Thiền vẫn còn có để
được hiện tại lạc trú.
Nói tóm lại, những gì thuộc giải
thoát, an lạc, hướng về giải thoát, an lạc thì gọi là chánh, là thiện.
Tất cả công việc nói Pháp, nghe Pháp, hành Pháp đều nhằm vào mục tiêu
giải thoát sau cùng ấy./.