- Phật Học Khái
Luận
- TT. Thích Chơn Thiện
- Tiết V
- Nghiệp và Nghiệp Báo
- Tổng Quát về Nghiệp
Như đã được bàn ở tiết Nhân
Quả, nghiệp là động cơ vẽ nên tiến trình nhân quả, luân hồi của con
người. Nay chúng ta tìm hiểu thêm giáo lý về nghiệp của Phật giáo.
Chữ Nghiệp dịch từ chữ Karma
(Sanskrit) hay Kamma (Pàli), có nghĩa là hành động có tác ý
(volitional action) của thân, khẩu, và ý. Các hành động không có tác ý
thì chỉ là hành động mà không được gọi là nghiệp. Tác ý ấy chính
là hoạt động của hành uẩn hay tư tâm sở (cetànà). Tác ý thì hoặc thiện,
hoặc ác, hoặc phi thiện phi ác.
Như thế, nói đến nghiệp là nói
đến nghiệp thiện, nghiệp ác trong vòng sinh diệt của hiện tượng. Đấy
chính là nghiệp hữu lậu. Trong các Kinh, thỉnh thoảng có đề cập đến
nghiệp vô lậu, nhưng, tương tự như nhân quả, ở đây phải hiểu là mượn
từ để diễn đạt. Thực ra, vô lậu thì ở ngoài vòng nghiệp, theo định
nghĩa về nghiệp ở trên.
Một trong năm điều mà Thế Tôn dạy
các đệ tử của Ngài, tại gia hay xuất gia, phải thường xuyên quan sát
là nghiệp:
"Ta là chủ nhân của nghiệp,
là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc,
nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa
tự nghiệp ấy". (Tăng Chi II, tr. 77)
Do vì nghĩ đến khổ đau mà con người
phải cảm thọ như là hậu quả của chính các hành động ác của thân,
khẩu, ý của con người, nên Thế Tôn dạy rõ giáo lý về nghiệp để khích
lệ con người đi vào các thiện nghiệp ngỏ hầu cảm nhận được hạnh
phúc lâu dài của Trời. Cá nhân cũng được hạnh phúc và cõi đời cũng
được hạnh phúc hơn ngay trong hiện tại và cả tương lai. Từ thiện nghiệp,
con người dễ đi vào giải thoát hơn.
"Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý ô nhiễm
Nói năng hay hành động,
Khổ não bước theo sau
Như chiếc xe theo chân con vật kéo". (Dhp. 1).
"...
Nếu với ý thanh tịnh (thiện)
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình". (Dhp. 2)
Qua các lời dạy trên của Thế
Tôn, chúng ta có cảm nhận ngay rằng, chính do vì có nghiệp quả mà nghiệp
nhân được bàn đến.
Tìm hiểu về nghiệp, thực ra là
công việc tìm hiểu về nghiệp báo hay quả dị thục của nghiệp.
Về quả dị thục của nghiệp, hay
gọi là nghiệp quả, chúng ta đã nói đến ở phần nhân quả. Ở đây, tưởng
cũng cần nhấn mạnh một số điểm đưa đến sự hiện hành của quả dị
thục:
- Điểm thứ nhứt, do ý làm chủ tạo
tác ra nghiệp nên cường độ tác ý mạnh yếu có ảnh hưởng lớn đến
sự hiện hành và thời điểm hiện hành của nghiệp quả.
- Trong thời gian đi đến nghiệp quả,
các nghiệp mới có ảnh hưởng lớn đến quả hiện hành của các nghiệp
cũ.
- Tâm lý của người thọ báo quyết
định cảm thọ khổ, lạc nhiều hơn là chính quả báo dị thục.
- Cận tử nghiệp (các hành động
của ý thức trước lúc chết) có ảnh hưởng quyết định sanh thú hơn là
các loại nghiệp khác.
- Thông thường, ác nghiệp dẫn đến
ác quả, ác thú; thiện nghiệp dẫn đến thiện quả, thiện thú tương
ưng.
Tuy nhiên, như Thế Tôn đã dạy,
khó mà tư duy được về quả dị thục của nghiệp. Lẽ giản dị là vì
tất cả nghiệp nhân, nghiệp quả đều là Duyên sinh nên mang nghĩa bất định.
Phái Túc Mệnh Luận (thuộc Nam
tông) thì chủ trương túc nghiệp, có nghĩa là không thể chuyển nghiệp,
nghiệp cũ quyết định quả báo hiện tại. Chủ trương này nghe không phù
hợp với tính chất Duyên sinh, bất định của các pháp. Nếu nghiệp
không thể chuyển được thì làm sao có sự kiện giải thoát ngay trong hiện
tại? Thực ra, con người tạo tác nhiều nghiệp ở quá khứ khác nhau dẫn
đến các kết quả định, bất định khác nhau. Điểm căn bản của giáo
lý nghiệp của Phật giáo cần phải nắm vững là các quả báo ngoại giới
có loại chuyển được, có loại không chuyển được; trong cả hai loại này,
người thọ quả báo luôn luôn có điều kiện tâm lý độc lập để nhận
chịu ảnh hưởng hay không. Chính vì vậy mà Phật giáo đã chỉ dạy con
đường tu tập huấn luyện và chuyển đổi tâm lý để đi đến giải thoát.
Giải thoát có nghĩa là giải thoát nghiệp, không để bị chi phối bởi
nghiệp nhân hay nghiệp quả. Giáo lý Duyên Khởi của Phật giáo đã xác định
rất rõ ràng là có khổ, ái... nhưng không có ai khổ, ái... hay chỉ có
nghiệp quả mà không có người thọ quả. Thế mới là lối vào giải
thoát.
Thực sự, không có một loại nghiệp
nào được gọi là định nghiệp cả, nếu mức độ giác tỉnh của ta đủ
mạnh để đoạn tận các lậu hoặc. Khi giải thoát đã có thể thực hiện
ngay trên cõi đời này thì hẳn nhiên đi đến kết luận rằng tất cả
nghiệp đều có thể được chuyển hóa.
Nghiệp do chính con người tạo tác
(hay do ý tạo tác) thì cũng do chính con người đoạn trừ (hay do ý đoạn
trừ). Nó là cái gì rất chủ quan của tâm lý, được coi như không liên hệ
gì đến các quyền năng bên ngoài, nên con người chủ động trong việc phát
khởi, duy trì hay dứt bỏ nó.
Nghiệp thiện, ác không phải do
hành động thuộc loại thiện, ác làm nên, mà là do ý chấp thủ tướng
thiện, ác. Khi ý (hay tâm) rời khỏi chấp thủ, tham ái thì bấy giờ nghiệp
không có nhơn duyên để thành lập hay tồn tại. Bấy giờ các hành động
biểu hiện của thân, khẩu, ý được gọi là hành động duy tác (kriyà).
Các Loại Nghiệp
Có hơn sáu mươi danh từ nói về
nghiệp. Ở đây chỉ trình bày một số nghiệp căn bản.
- Nhiều phẩm Kinh gọi các nghiệp
thiện là bạch nghiệp (hay nghiệp trắng), gọi nghiệp ác là hắc
nghiệp (nghiệp đen), gọi các hành động duy tác của các bậc Thánh
là phi hắc, phi bạch (nghiệp không trắng, không đen).
- Các nghiệp nhất định sẽ đưa
đến kết quả gọi là định nghiệp, nghiệp không dẫn đến kết
quả, hay kết quả xuất hiện ở một thời điểm rất xa không định được
gọi là bất định nghiệp.
- Nghiệp cảm thọ riêng của từng
cá nhân gọi là biệt nghiệp, thiện ác của thân, khẩu, ý cũng có
mười gọi là thập ác nghiệp.
- Bát Thánh đạo, Thập Thánh đạo
gọi là Bát Thánh nghiệp, Thập Thánh nghiệp. Và ngược lại,
các nghiệp không có sanh y gọi là duy tác nghiệp, các nghiệp có sanh
y gọi là tác nghiệp.
- Khi tâm con người nhận chịu quả
báo, thì loại nghiệp này được gọi là thọ nghiệp, ngược lại,
gọi là phi thọ nghiệp.
- Các nghiệp đưa đến quả báo
trong hiện tại gọi là hiện pháp thọ nghiệp; các nghiệp đưa đến
quả báo trong đời sống kế tiếp gọi là sinh thọ nghiệp; các nghiệp
dẫn đến kết quả ở các đời sau gọi là hậu thọ nghiệp.
- Các duy tác nghiệp đều thuộc vô
lậu nghiệp, nghĩa là nghiệp không có sanh y. Các nghiệp khác còn lại,
ngoài vô lậu nghiệp, là hữu lậu nghiệp.
- Khi quả báo đến ở thời điểm
khác với thời điểm tạo tác thì nghiệp này được gọi là dị thời
nhi thục nghiệp; khi kết quả đổi khác với loại nhân tạo tác (biến
chất) thì gọi là dị loại nhi thục. Khi kết quả đổi khác một
phần (biến tướng) thì gọi là biến dị nhi thục nghiệp.
- Khi nghiệp có quả báo ở thời
gian gần thì gọi là thục nghiệp, khi nghiệp có quả báo ở thời
gian xa, thì gọi là phi thục nghiệp.
- Khi nghiệp đưa đến chịu báo
ít thì gọi là thiểu thọ nghiệp; khi nghiệp đưa đến chịu báo
nhiều thì gọi là đa thọ nghiệp.
- Nghiệp quyết định nơi thác sinh
thì gọi là dẫn nghiệp; dẫn nghiệp có khi được cắt nghĩa là
nghiệp rõ rệt trong cuộc sống.
- Chúng sanh tuy sinh cùng một cảnh
giới, nhưng vận mệnh có nhiều loại, đây là mãn nghiệp, có khi gọi
mãn nghiệp là các nghiệp còn lại ngoài dẫn nghiệp.
- Nghiệp nhân để được tái sinh
về cõi Người gọi là Nhơn nghiệp. Tương tự, ta có Thiên nghiệp,
Địa ngục nghiệp, Ngạ quỷ nghiệp và Súc sinh nghiệp.
Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Tỳ-đàm)
thì phân loại nghiệp có bốn; bốn loại theo công tác, bốn loại theo sức
mạnh dẫn đến quả báo.
1. Phân loại
theo công tác
- Sanh nghiệp (Janakakamma) là
nghiệp chi phối sự sanh trưởng cho đời sau (như sinh ra Năm uẩn). Chết
chỉ là hiện tượng tạm thời, kết liễu tạm thời. Chính sát-na sau
cùng định đoạt nơi thọ sanh.
- Trì nghiệp (Upathavakakamma)
là nghiệp đi theo sanh nghiệp và duy trì, nâng đỡ nghiệp này cho đến khi
mệnh chung.
- Chướng nghiệp (Upapìtakakamma)
là nghiệp làm yếu ớt, chậm trễ hay dừng lại sự kết thành của sanh
nghiệp, trái với trì nghiệp.
- Đoạn nghiệp (Upaghàtakakamma)
là nghiệp tiêu diệt năng lực của sinh nghiệp, như một mũi tên đang bay
bị một sức mạnh cản lại khiến rơi xuống. Sức mạnh ấy gọi là đoạn
nghiệp.
2. Phân loại
theo sức mạnh
- Cực trọng nghiệp
(Garukakamma) như tội ngũ nghịch giết cha, mẹ, A-la-hán, phá hòa hợp Tăng
và làm thân Phật chảy máu. Nghiệp này còn gọi là vô gián nghiệp.
- Cận tử nghiệp
(Ásannakamma) là nghiệp tạo ra hay nhớ nghĩ lúc lâm chung. Nghiệp này rất
quan trọng vì nó chi phối đến việc thác sinh.
- Tập quán nghiệp là chính
những hành động trở thành tập quán tác thành cá tính con người. Tập
quán nghiệp tốt có thể giúp con người hoan hỷ khi chết, và ngược lại.
- Tích lũy nghiệp là các nghiệp
còn lại, ngoài ba nghiệp trên được gọi là tích lũy nghiệp. Nghiệp này
như chỗ chứa đựng các nghiệp của một chúng sanh.
3. Phân loại
khác
Hiện báo, sanh báo, hậu báo nghiệp
và vô hiệu nghiệp. Vô hiệu nghiệp (Ahosikamma) là nghiệp mà quả
báo không thành tựu ở đời này hay đời sau.
Loại Nghiệp Nào Dẫn Đi Đầu Thai?
Trong một cuộc đời có nhiều nghiệp
thiện, ác lẫn lộn, vậy thì khi kết thúc đời sống, loại nghiệp nào dẫn
đi đầu thai?
Thông thường, tập quán nghiệp
nào mạnh nhất thì sẽ sống dậy mãnh liệt nhất trước lúc chết, do đó
có nhân tố mạnh quyết định nơi đầu thai. Tuy nhiên, cận tử nghiệp
là nghiệp vừa được tạo tác ra trước lúc chết (thiện hoặc bất thiện)
là yếu tố quyết định cảnh giới thác thai, như đã được đề cập.
Khi có sự kiện cận tử nghiệp
quyết định cảnh giới đầu thai, thì hẳn nhiên rằng những tâm niệm
(hay ý lực) sau cùng giữ vai trò quyết định. Điều này cũng nói lên rằng
với một người có tu tập tâm, thường hành chánh niệm, tĩnh giác sẽ giữ
được phần chủ động trong việc đi thác thai. Nếu sự tĩnh giác sau
cùng, trước lúc chết này đủ mạnh đoạn trừ tham ái (dục ái, hữu
ái, và vô hữu ái) thì có thể giải thoát nghiệp ngay tại chỗ, không
còn đi đầu thai nữa.
Nghiệp tạo ra trong suốt đời này,
như vậy, chỉ được xem là có mặt khi chúng ta còn chấp thủ ngã, còn tự
đồng hóa mình với nó; một khi tâm niệm mình giác tỉnh, làm chủ, không
tự đồng hóa mình với nghiệp, không thấy có tự ngã, không thấy mình
có trong nghiệp hay nghiệp có trong mình... thì sự có mặt của nghiệp được
xem như không có. Như thế cho đến sát-na sau cùng của cuộc đời, đương
sự và những ai chứng Túc mệnh thông mới biết được cảnh giới đi đầu
thai, nghiệp nào của mình dẫn mình đi đầu thai.
Về tự thân, nếu tâm trước lúc
chết đầy dục ái mà có gìn giữ năm giới thì có thể sanh về cõi Người;
nếu tâm dục ái mà hành thập thiện thì sẽ được sanh về Dục giới
thiên; nếu tâm đầy dục ái mà không tu thập thiện, không có Thiền định,
không giữ ngũ giới, thì sẽ sinh về một trong ba nơi: địa ngục, ngạ quỷ,
hay súc sanh; nếu tâm nhàm chán ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) mà
có tu tập giới, định, vào được một trong bốn Thiền, thì sẽ được
sanh về cõi trời Sắc giới với cảnh giới tương ưng; nếu tâm nhàm
chán Sắc giới có tu tập tứ sắc định thì sẽ được sanh về Vô sắc
giới; nếu tâm sanh nhàm chán sinh tử, muốn được thoát ly sinh tử, thì
do vì lòng còn vướng vô sắc ái nên sẽ tùy theo nghiệp trước lúc chế
mà thác sinh về cảnh giới tương ưng ở cõi Vô sắc. Như thế, rõ ràng
chúng ta có điều kiện tâm lý để chọn lựa cảnh giới thác sinh ngay
trong đời sống hiện tại, nếu chúng ta biết sửa soạn tâm lý tương
ưng với cảnh giới muốn thác sinh.
Thác sinh là nghiệp thức thác sinh,
cái mà ta gọi là nghiệp lực, là vô minh, là tham ái hay chấp thủ. Khi
tham ái diệt thì thức diệt, vô minh diệt, chúng ta không có gì để nói
đến nghiệp hay vấn đề thác sinh nữa.
Nghiệp vốn có nguồn gốc từ sự
nhận lầm các pháp có ngã tướng, từ đó ái thủ mới sinh. Con đường
giải thoát nghiệp là con đường đi ra khỏi sự nhận lầm ấy để giác
tỉnh rằng các pháp là Vô ngã tướng. Thực tại Vô ngã thì không có đến,
không có đi, không có sinh, không có diệt, không có nghiệp. Trở về lại
định nghĩa của Nghiệp (Kamma) từ đầu, mọi vấn đề về nghiệp đều
phát sinh, từ chỗ tác ý (volition). Nếu ta nhiếp ý thanh tịnh, giác tỉnh
đi ra khỏi thiện, ác thì tất cả là thực tại như thực của không sinh,
không diệt, không đến, không đi ấy. Đây chính là trọng điểm của giáo
lý về Nghiệp của Phật giáo, và là trọng điểm của vấn đề tìm hiểu
ý nghĩa giáo lý ấy vậy./.