- Kinh Trường bộ
9. KINH
POTTHAPADA
1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế
Tôn ở tại Sàvatthi (Xá-vệ), rừng Jetavana (Kỳ viên), vườn Anàthapindika
(Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ, du sĩ ngoại đạo Potthapada (Bố-sá-bà-lâu)
cùng với đại chúng du sĩ ngoại đạo khoảng ba trăm vị, ở tại vườn
của hoàng hậu Mallika (Mạt-lê-viên) tên là Ekasàlaka có hàng rào cây
tinduka, một hội thảo trường luận bàn về chánh kiến, tà kiến.
2. Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào buổi
sáng đắp y cầm bát vào Sàvatthi khất thực. Rồi Thế Tôn tự nghĩ:
"Nay còn quá sớm để đi khất thực tại Sàvatthi, Ta hãy đi đến vườn
của hoàng hậu Mallika tên là Ekasàlaka, có hàng rào cây tinduka, một hội
thảo trường luận bàn chánh kiến, tà kiến, để gặp du sĩ ngoại đạo
Potthapàda". Và Thế Tôn đi đến vườn của hoàng hậu Mallika, tên là
Ekasàlaka, có hàng rào cây tinduka, một hội thảo trường luận về chánh
kiến, tà kiến.
3. Lúc bấy giờ du sĩ ngoại đạo
Potthapàda ngồi với đại chúng du sĩ ngoại đạo, đang ồn ào, la lối, lớn
tiếng bàn luận những vấn đề phù phiếm như câu chuyện về vua chúa;
câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần; câu chuyện về binh
lính; các câu chuyện về hãi hùng; câu chuyện về chiến tranh; câu chuyện
về đồ ăn; câu chuyện về đồ uống; câu chuyện về đồ mặc; câu chuyện
về giường nằm; câu chuyện về vòng hoa; câu chuyện về hương liệu; câu
chuyện về bà con; câu chuyện về xe cộ; câu chuyện về làng xóm; câu
chuyện về thị trấn; câu chuyện về thành phố; câu chuyện về quốc độ;
câu chuyện về đàn bà; câu chuyện về đàn ông; câu chuyện về vị anh
hùng; câu chuyện bên lề đường; câu chuyện tại chỗ lấy nước; câu
chuyện về người đã chết; các câu chuyện tạp thoại; câu chuyện về
hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương; câu chuyện về
sự hiện hữu và sự không hiện hữu.
4. Du sĩ ngoại đạo Potthapàda thấy
Thế Tôn từ xa đến, liền khuyến cáo chúng của mình: "Các Tôn giả
hãy nhỏ tiếng, các Tôn giả hãy đừng làm ồn. Nay Sa-môn Gotama đang đến,
Ngài ưa mến sự trầm lặng, vị Đại đức này tán thán sự trầm lặng.
Nếu biết chúng này yên tịnh, Ngài có thể ghé đến đây". Nghe nói vậy,
các du sĩ ngoại đạo liền im lặng.
5. Rồi Thế Tôn đến du sĩ ngoại
đạo Potthapàda. Và du sĩ ngoại đạo Potthapàda bạch Thế Tôn: "Thiện
tai Thế Tôn ! Hoan nghênh Thế Tôn ! Đã lâu Thế Tôn không quá bộ đến đây.
Mời Thế Tôn ngồi. Đây là chỗ ngồi đã soạn sẵn".
Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn
sẵn. Du sĩ ngoại đạo Potthapàda lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống
một bên. Rồi Thế Tôn nói với du sĩ Potthapàda đã ngồi một bên:
"Này Potthapàda, vấn đề gì các vị đang ngồi thảo luận ? Vấn đề
gì đang nói mà bị gián đoạn ?"
6. Khi nghe nói vậy du sĩ ngoại đạo
Potthapàda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, hãy gác một bên
câu chuyện chúng tôi đang ngồi bàn luận, bạch Thế Tôn, lát nữa Thế
Tôn nghe lại cũng không khó khăn gì. Bạch Thế Tôn, thuở xưa xưa lắm,
nhiều vị Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo tụ họp, ngồi hội thảo trong giảng
đường nêu lên vấn đề sự diệt tận các tăng thượng tưởng.
"Này Tôn giả, tăng thượng tưởng
diệt tận như thế nào ?" Một vài vị trả lời: "Không nhân,
không duyên, các tưởng của con người sinh và diệt ! Khi tưởng sanh con
người có tưởng, khi tưởng diệt con người không có tưởng". Như vậy,
một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng.
Về vấn đề này, người khác lại
nói như sau: "Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả,
tưởng là tự ngã của con người, chính tưởng ấy đến và đi. Khi tưởng
ấy đến thì con người có tưởng, khi tưởng ấy đi thì con người không
có tưởng". Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng
thượng tưởng.
Vấn đề này, người khác lại
nói như sau: "Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả,
có những Sa-môn, Bà-la-môn có đại thần thông và đại oai lực. Chính những
vị này khiến tưởng nhập vào trong người và cũng kéo tưởng ra ngoài người
ấy. Khi các vị này khiến tưởng nhập vào trong người, người ấy có tưởng,
khi kéo tưởng ra ngoài, người ấy không có tưởng". Như vậy một vài
vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng.
Về vấn đề này, người khác lại
nói như sau: "Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả,
có những vị thiên thần có đại thần thông, có đại oai lực, chính những
vị này khiến tưởng nhập vào trong người và kéo tưởng ra ngoài người
ấy. Khi các vị này khiến tưởng nhập vào trong người, người ấy có tưởng,
khi kéo tưởng ra ngoài, người ấy không có tưởng". Như vậy một vài
vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng. Bạch Thế Tôn,
lúc bấy giờ con tưởng niệm đến Thế Tôn: "Mong Thế Tôn có mặt
ở đây ! Mong Thiện thệ có mặt ở đây ! Ngài rất tinh thông những pháp
này. Chắc chắn Thế Tôn biết rõ sự diệt tận các tăng thượng tưởng".
Bạch Thế Tôn, sự diệt tận các tăng thượng tưởng như thế nào ?
7. Này Potthapàda, những Sa-môn,
Bà-la-môn nào đã nói: "Không nhân, không duyên, các tưởng của con
người sinh và diệt". Những vị này đã sai lạc ngay từ ban đầu. Vì
sao vậy ? Này Potthapàda, chính vì có nhân, có duyên, các tưởng của con
người sinh và diệt. Chính do sự học tập, một loại tưởng sanh, chính
do sự học tập, một loại tưởng diệt.
Và Thế Tôn nói:
- Sự học tập ấy là gì ? Này
Potthapàda, nay ở đời Như Lai xuất hiện, là bậc A-la-hán, Chánh Biến
Tri... (như kinh Sa-môn Quả số 40-43 trừ đoạn kết của mỗi đoạn) thân
nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh, mạng sống trong sạch, giới hạnh đầy đủ,
hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác và biết tri túc. Này Potthapàda, thế
nào là Tỷ-kheo giới hạnh đầy đủ ? Ở đây này Potthapàda, Tỷ-kheo từ
bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có
lòng từ, sống thương xót hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu
tình. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật ... (như kinh
Sa-môn Quả số 43-62)... như dùng ảo thuật để yên ổn, để khỏi làm
các điều đã hứa... ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Còn vị ấy thì
tránh xa các tà mạng kể trên... như vậy là giới hạnh của vị ấy trong
giới luật.
8. Này Potthapàda, và như vậy Tỷ-kheo
ấy nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về
phương diện hộ trì giới luật. Này Potthapàda, như một Sát-đế-lỵ đã
làm lễ quán đảnh, đã hàng phục kẻ thù địch, không còn thấy sợ hãi
từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch. Cũng vậy, này Potthapàda, Tỷ-kheo
ấy nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về
phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý
này, nên hưởng lạc thọ nội tâm không lỗi lầm. Như vậy, này
Potthapàda, Tỷ-kheo đầy đủ giới luật.
9. Này Potthapàda, thế nào là Tỷ-kheo
hộ trì các căn ? Này Potthapàda, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ
tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt
không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi
lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự
hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị...
thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng
chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không
được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo
chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thiệt hành sự hộ trì ý căn. Vị
ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ, nội tâm
không lỗi lầm. Như vậy, này Potthapàda, Tỷ-kheo hộ trì các căn... (Như
kinh Sa-môn Quả số 65-74)...
10. Khi quán tự thân đã xả ly năm
triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan, nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân
được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định
tĩnh. Tỷ-kheo, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất,
một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm, với tứ. Dục tưởng
xưa kia của vị ấy được diệt trừ, và khi tưởng hỷ lạc vi diệu chân
thật do ly dục sanh khởi lên, vị ấy có tưởng hỷ lạc vi diệu chân thật,
do ly dục sanh. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập,
một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: "Đó là sự học tập Thế
Tôn nói đến".
11. Lại nữa, này Potthapàda, Tỷ-kheo
diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc
do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tưởng hỷ lạc vi
diệu chơn thật do ly dục sanh xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và
khi tưởng hỷ lạc vi diệu chơn thật do định sanh khởi lên, vị ấy có
tưởng hỷ lạc vi diệu chơn thật do định sanh. Như vậy do học tập, một
tưởng khởi lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn
nói: "Đó là sự học tập Thế Tôn nói đến".
12. "Lại nữa này Potthapàda, Tỷ-kheo
ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc
Thánh gọi là "Xả niệm lạc trú", chứng và trú thiền thứ ba. Tưởng
hỷ lạc chơn thật vi diệu do định sanh xưa kia của vị ấy được diệt
trừ. Và khi tưởng xả lạc vi diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng
xả lạc vi diệu chơn thật. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên
và cũng do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: "Đó là
sự học tập Thế Tôn nói đến".
13. Lại nữa này Potthapàda, Tỷ-kheo
xả lạc, xả khổ, diệt hỷ, ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền
thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy xả lạc chơn
thật vi diệu xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng xả lạc,
xả khổ vi diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng xả lạc, xả khổ
vi diệu chơn thật. Như vậy do học tập một tưởng khởi lên, cũng do học
tập một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: "Đó là sự học tập Thế
Tôn nói đến".
14. Lại nữa này Potthapàda, với sự
vượt thoát mọi sắc tưởng, với sự diệt trừ mọi chướng ngại tưởng,
với sự không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Hư không
là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Như vậy sắc tưởng
xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng Không vô biên xứ vi
diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng Không vô biên xứ vi diệu chơn
thật. Như vậy do sự học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập một
tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: "Đó là sự học tập Thế Tôn
nói đến".
15. Lại nữa này Potthapàda, với sự
vượt thoát mọi Không vô biên xứ, Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Thức là vô
biên" chứng và trú Thức vô biên xứ. Như vậy tưởng Không vô biên xứ
vi diệu chơn thật xưa kia của vị ấy được diệt trừ, và khi tưởng Thức
vô biên xứ vi diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng Thức vô biên
xứ vi diệu chơn thật. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng
do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: "Đó là sự học
tập Thế Tôn nói đến".
16. Lại nữa này Potthapàda, với sự
vượt thoát mọi Thức vô biên xứ, Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Không có vật
gì" chứng và trú Vô sở hữu xứ. Như vậy tưởng Thức vô biên xứ
vi diệu chơn thật xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng Vô
sở hữu xứ vi diệu chơn thật khởi lên, vị ấy có tưởng Vô sở hữu
xứ vi diệu chơn thật. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng
do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: "Đó là sự học
tập Thế Tôn nói đến".
17. Lại nữa này Potthapàda, khi Tỷ-kheo
ở nơi đây tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này
đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này khi đứng tại
tưởng tột đỉnh có thể nghĩ: "Tâm còn suy tưởng có hại cho ta,
tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng, khi
những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên, ta
hãy đừng có suy tưởng". Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt
tận và các thô tưởng khác không khởi lên, vị ấy cảm thọ sự diệt tận.
Như vậy, này Potthapàda, là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần
các tăng thượng tưởng.
18. Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế
nào ? Trước đây ngươi đã nghe sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần
dần các tăng thượng tưởng này không ?
- Bạch Thế Tôn, con không có nghe.
Bạch Thế Tôn, nhưng nay con hiểu lời nói của Thế Tôn.
- Này Potthapàda, khi Tỷ-kheo ở đây
tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng
khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này, khi đứng lại tưởng tột
đỉnh có thể nghĩ: "Tâm còn suy tưởng, có hại cho ta, tâm không suy tưởng
mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng khi những tưởng này của
ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên. Vậy ta hãy đừng có suy tưởng".
Và vị này không có suy tưởng. Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt
tận và các thô tưởng khác cũng không khởi lên. Vị ấy cảm thọ sự diệt
tận. Như vậy này Potthapàda là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần
các tăng thượng tưởng.
- Như vậy là phải, này Potthapàda
!
19. - Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chỉ
nói đến một tưởng tuyệt đỉnh hay nhiều tưởng tuyệt đỉnh ?
- Này Potthapàda, Ta nói đến một
tưởng tuyệt đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh.
- Bạch Thế Tôn, làm sao Thế Tôn
nói đến một tưởng tuyệt đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tuyệt
đỉnh ?
- Này Potthapàda, tùy theo vị ấy cảm
thọ sự diệt tận (của một tưởng) sau tưởng khác, vị ấy đạt tới
nhiều tuyệt đỉnh sai khác, cái này tiếp theo cái kia cho đến tuyệt đỉnh
cuối cùng mà Ta nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh. Này Potthapàda như vậy
Ta nói đến một tưởng tuyệt đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tuyệt
đỉnh.
20. - Bạch Thế Tôn, tưởng khởi
trước, trí khởi sau; hay trí khởi trước tưởng khởi sau; hay tưởng và
trí cùng khởi một lần không trước không sau ?
- Này Potthapàda, tưởng khởi trước
trí mới khởi sau, do tưởng sanh, trí mới sanh. Vị ấy tuệ tri: "Do
duyên tưởng, trí sanh ra nơi ta". Này Potthapàda, với lời dạy này cần
phải hiểu tưởng sanh trước trí sanh sau, tưởng sanh trí mới sanh.
21. - Bạch Thế Tôn, tưởng có phải
là tự ngã của con người hay tưởng khác, tự ngã khác ?
- Này Potthapàda, ngươi hiểu tự ngã
như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã
là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành, và do đoàn thực nuôi dưỡng.
- Này Potthapàda, nếu tự ngã là
thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành và do đoàn thực nuôi dưỡng,
như vậy này Potthapàda, tưởng khác và tự ngã khác. Này Potthapàda, với sự
nhận thức này, cần phải hiểu, tưởng khác và tự ngã khác. Này
Potthapàda, giải sử tự ngã ấy là thô phù, có sắc, do bốn đại hình
thành và do đoàn thực nuôi dưỡng, tuy vậy một vài tưởng khác của người
ấy khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapàda, với sự
nhận thức này cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác.
22. - Bạch Thế Tôn, con hiểu tự
ngã là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn.
- Này Potthapàda, nếu tự ngã là do
ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn, như vậy
này Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự
ngã khác. Này Potthapàda, giả sự tự ngã ấy là do ý sở thành, đầy đủ
mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn, tuy vậy một vài tưởng khác
của người ấy khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này
Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã
khác.
- Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã
là vô sắc, do tưởng sở thành.
23. - Này Potthapàda, nếu tự ngã
là vô sắc, do tưởng sở thành, với sự nhận thức này Potthapàda, cần
phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. Này Potthapàda, giả sự tự ngã là
vô sắc, do tưởng sở thành, tuy vậy, một vài tưởng khác của người khởi
lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapàda, với sự nhận thức
này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác.
24. - Bạch Thế Tôn, con có thể hiểu
được chăng "tưởng là tự ngã của người" hay "tưởng khác,
tự ngã khác" ?
- Này Potthapàda, thật khó cho ngươi
biết được "tưởng là tự ngã của con người" hay "tưởng
khác, tự ngã khác", vì ngươi có dị kiến, có tin tưởng khác, có lý
tưởng khác, có thiên tư khác, có hạnh nguyện khác.
25. - Bạch Thế Tôn, nếu thật khó
cho con biết được "tưởng là tự ngã của con người", hay
"tưởng khác, tự ngã khác" vì con có dị kiến khác, có tin tưởng
khác, có lý tưởng khác, có thiên tư khác, có hạnh nguyện khác, thời bạch
Thế Tôn, thế giới có phải là thường còn không ? Chỉ có quan niệm này
là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
"Thế giới là thường còn, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực,
ngoài ra là mê muội".
- Bạch Thế Tôn, có phải thế giới
là vô thường, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê
muội không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
"Thế giới là vô thường, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực,
ngoài ra là mê muội".
- Bạch Thế Tôn, có phải thế giới
này là hữu biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là
mê muội không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
"Thế giới là hữu biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực,
ngoài ra là mê muội".
- Bạch Thế Tôn, có phải thế giới
là vô biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội
không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
Thế giới là vô biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra
là mê muội".
26. - Bạch Thế Tôn, có phải sinh mạng
và thân thể là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra
là mê muội không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
"Thân thể và sinh mạng là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự
thực, ngoài ra là mê muội".
- Bạch Thế Tôn, có phải sinh mạng
khác, thân thể khác ? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra
là mê muội không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
"Sinh mạng khác, thân thể khác. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực,
ngoài ra là mê muội".
27. - Bạch Thế Tôn, có phải Như
Lai tồn tại sau khi chết ? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực,
ngoài ra là mê muội không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
"Như Lai tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực,
ngoài ra là mê muội".
- Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai
không tồn tại sau khi chết không ? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực,
ngoài ra là mê muội không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
"Như Lai không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự
thực, ngoài ra là mê muội".
- Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai tồn
tại và không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự
thực, ngoài ra là mê muội không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
"Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này
là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội".
- Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai
không tồn tại và không tồn tại sau khi chết. chỉ có quan điểm này là
đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không ?
- Này Potthapàda, Ta không trả lời:
"Như Lai không tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan
điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội".
28. - Bạch Thế Tôn, vì sao Thế
Tôn không trả lời?
- Này Potthapàda, câu hỏi này không
thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp, không thuộc căn bản của
phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến
tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy, Ta
không trả lời.
29. - Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn
trả lời những gì?
- Này Potthapàda, Ta trả lời: "Đây
là khổ". Ta trả lời: "Đây là khổ tập". "Ta trả lời:
"Đây là khổ diệt". Ta trả lời: "Đây là con đường đưa đến
khổ diệt".
30. - Bạch Thế Tôn, vì sao Thế
Tôn trả lời ?
- Này Potthapàda, câu hỏi này thuộc
về đích giải thoát, thuộc về Pháp, thuộc căn bản của phạm hạnh,
đưa đến yểm ly, đến ly tham đến tịch diệt, đến thắng trí, đến giác
ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy Ta trả lời.
- Bạch Thế Tôn, như vậy là phải.
Bạch Thiên Thệ, như vậy là phải. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Ngài
làm gì Ngài xem là phải làm.
Và Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy
ra về.
31. Thế Tôn rời khỏi chưa bao lâu,
những du sĩ ngoại đạo ấy liền bao vây xung quanh du sĩ ngoại đạo
Potthapàda và tuôn ra những lời nói mỉa mai gay gắt: "Potthapàda này
là như vậy, những gì Sa-môn Gotama nói đều được Potthapàda tán thành:
"Bạch Thế Tôn, như vậy là phải. Bạch Thiện Thệ như vậy là phải".
Chúng tôi không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những
vấn đề sau đây: "Thế giới là thường còn", hay "Thế giới
là vô thường", hay "Thế giới là hữu biên", hay "Thế giới
là vô biên", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh
mạng khác, thân thể khác", "hay Như Lai có tồn tại sau khi chết"
hay "Như Lai không tồn tại sau khi chết" hay "Như Lai tồn tại
và cũng không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không tồn tại
và cũng không không tồn tại sau khi chết".
Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo
Potthapàda nói với các du sĩ ngoại đạo kia:
- Này các Tôn giả, tôi cũng không
được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau
đây: "Thế giới là thường còn", hay "Thế giới là vô thường",
hay "Thế giới là hữu biên", hay "Thế giới là vô biên",
hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng khác, thân
thể khác", hay "Như Lai có tồn tại sau khi chết", hay "Như
Lai không có tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai có tồn tại và cũng
không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không có tồn tại và cũng
không tồn tại sau khi chết". Sa-môn Gotama đã tuyên bố một phương pháp
như thực, chơn chánh, chơn thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy
tắc. Và khi một vị tuyên bố một phương pháp như thực, chân chánh,
chân thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy tắc thì làm sao một
người hiểu biết như tôi lại không tán thành ?
32. Hai ba ngày sau, Citta
Hatthisàriputta và du sĩ ngoại đạo Potthapàda đi đến chỗ Thế Tôn. Khi
đi đến nơi, Citta Hatthisàriputta đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một
bên, còn du sĩ ngoại đạo Potthapàda, nói những lời chào đón hỏi thăm xã
giao với Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi một bên, du sĩ ngoại
đạo Potthapàda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn rời
khỏi chưa bao lâu những du sĩ ngoại đạo liền bao vây xung quanh con và
tuôn ra những lời nói mỉa mai gay gắt: "Potthapàda này là như vậy. Những
gì Sa-môn Gotama nói đều được Potthapàda tán thành: "Bạch Thế Tôn,
như vậy là phải, Bạch Thiện Thệ như vậy là phải". Chúng tôi
không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề
sau đây: "Thế giới là thường còn", hay "Thế giới là vô thường",
hay "Thế giới là hữu biên", hay "Thế giới là vô biên",
hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng khác, thân
thể khác", hay "Như Lai có tồn tại sau khi chết", hay "Như
Lai không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai có tồn tại và cũng
không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không tồn tại và cũng
không không tồn tại sau khi chết". Khi được nói vậy, con nói với
các du sĩ ngoại đạo kia: "Này các Tôn giả, tôi cũng không được biết
Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: "Thế
giới là thường con", hay "Thế giới là vô thường", hay
"Thế giới là hưu biên", hay "Thế giới là vô biên", hay
"Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng khác, thân thể
khác" hay "Như Lai có tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không
có tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai có tồn tại và cũng không
tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không tồn tại và cũng không
không tồn tại sau khi chết". Sa-môn Gotama đã tuyên bố một phương pháp
như thực, chơn thánh, chơn thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy
tắc. Và khi một vị đã tuyên bố một phương pháp như thực, chơn chánh,
chơn thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy tắc thì làm sao một
người hiểu biết như tôi lại có thể không tán thành ?"
33. - Này Potthapàda, những vị du sĩ
ngoại đạo ấy là mù, không có mắt, chỉ có ngươi là người có mắt độc
nhất giữa chúng. Này Potthapàda, có những pháp được Ta truyền thuyết,
trình bày một cách không dứt khoát. Này Potthapàda, có những pháp được
Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát. Này Potthapàda, những pháp
gì được Ta tuyên thuyết trình bày một cách hông dứt khoát ? "Thế
giới là thường còn", Này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết
trình bày một cách không dứt khoát. "Thế giới là vô thường", này
Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt
khoát. "Thế giới là hữu biên", này Potthapàda... "Thế giới
là vô biên", này Potthapàda... "Sinh mạng và thân thể là một",
này Potthapàda... "Sinh mạng khác, thân thể khác", này Potthapàda...
"Như Lai có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda... "Như Lai không
có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda... "Như Lai có tồn tại
và cũng không có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda ... "Như Lai
không có tồn tại và cũng không không có tồn tại sau khi chết", này
Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt
khoát.
Này Potthapàda, vì sao những pháp
ấy lại được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát ? Này
Potthapàda, những pháp này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về
pháp, không thuộc căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm lỵ, đến
ly dục, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ,
đến Niết bàn. Vì vậy những pháp ấy được Ta tuyên thuyết, trình bày
một cách không dứt khoát. Này Potthapàda, những pháp gì được Ta tuyên
thuyết trình bày một cách dứt khoát ? "Đây là khổ", này
Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt
khoát. "Đây là khổ tập", này Potthapàda, đó là pháp được Ta
tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát. "Đây là khổ diệt",
này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt
khoát. "Đây là con đường đưa đến khổ diệt", này Potthapàda,
đó là pháp được Ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát.
Này Potthapàda, vì sao những pháp
ấy được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát ? Này Potthapàda,
những pháp ấy thuộc về đích giải thoát, thuộc về Pháp, thuộc căn bản
phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly dục, đến tịch diệt, đến tịch
tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn. Vì vậy những
pháp ấy được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát.
34. Này Potthapàda, có một số
Sa-môn, Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này:
"Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh". Ta đến những
vị ấy và hỏi: "Có phải quý Đại đức có chủ trương như thế này,
có chủ kiến như thế này: "Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh
phúc, vô bệnh". Khi được Ta hỏi như vậy, những vị ấy công nhận
là phải. Ta nói: "Chư Đại đức có sống và đã biết đã thấy thế
giới này là hoàn toàn hạnh phúc không ?". Khi được hỏi vậy, các vị
ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Vậy chư Đại đức
có tự thân cảm biết hoàn toàn hạnh phúc trong một đêm hay trong một
ngày, hay trong nửa đêm hay trong nửa ngày không ?". Khi được hỏi vậy,
các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Chư Đại đức
có biết một con đường nào, một phương pháp nào có thể đưa đến sự
chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không ?" Khi được hỏi
vậy, các vị ấy trả lời là không ?
Ta nói với các vị ấy: "Chư
Đại đức có nghe tiếng nói của chư thiên, đã được sinh vào một thế
giới hoàn toàn hạnh phúc. "Này các vị, hãy cố gắng khéo thực
hành. Này các vị hãy trực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc.
Này các vị, chúng tôi đã thiệt hành, đã sanh vào một thế giới hoàn
toàn hạnh phúc" không? Khi được hỏi vậy, các vị ấy không trả lời
không. Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào ? Sự kiện là như vậy, thời có
phải lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn kia là không chánh xác hợp lý
?
35. Như có một người nói:
"Tôi yêu và ái luyến một cô gái đẹp trong nước này". Có người
hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết
là người giai cấp nào, là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà
?" Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi:
"Này bạn, cô gái đẹp Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết tên
gì, lớn người, thấp người hay người bậc trung ? Da đen sẫm, da ngăm
ngăm đen hay da hồng hào ? Ở tại làng nào, hay thành phố nào?" Khi
được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này
bạn, như vậy có phải Ông đã yêu và ái luyến một người Ông không biết,
Ông không thấy ?" Được hỏi vậy vị ấy trả lời phải. Này
Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào ? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời
nói của người kia là không chánh xác hợp lý ?
- Vâng phải, bạch Thế Tôn ! Sự
kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là không chánh xác, hợp
lý.
36. - Như vậy này Potthapàda, những
Sa-môn, Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này:
"Sau khi chết tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh", Ta đến những
vị ấy và hỏi: "Có phải quý Đại đức có chủ trương như thế này,
có chủ kiến như thế này: "Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh
phúc, vô bệnh". Khi được hỏi như vậy, những vị ấy công nhận là
phải. Ta nói: "Chư Đại đức có sống và đã biết, đã thấy thế giới
này là hoàn toàn hạnh phúc không ?" Khi được hỏi vậy, các vị ấy
trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Vậy chư Đại đức có tự
nhận cảm biết hoàn toàn hạnh phúc trong một đêm hay trong một ngày, hay
trong nửa đêm hay trong nửa ngày không ?". Khi được hỏi vậy, các vị
ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Chư Đại đức có biết
một con đường nào, một phương pháp nào đưa đến sự chứng ngộ một
thế giới hoàn toàn hạnh phúc không ?" Khi được hỏi vậy, các vị
ấy trả lời là không ? Ta nói với các vị ấy: "Chư Đại đức có
nghe tiếng nói của chư thiên đã được sinh vào một thế giới hoàn toàn
hạnh phúc: "Này các vị, hãy cố gắng khéo thực hạnh ! Này các vị,
hãy trực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc ! Này các vị, chúng
tôi đã thực hành, đã sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc".
Không ? Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Này
Potthapàda, Ngươi nghĩ thế nào ? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời
nói của những Sa-môn, Bà-la-môn kia là không chánh xác, hợp lý ?
- Vâng phải, bạch Thế Tôn sự kiện
là như vậy, theo lời nói của người kia là không chánh xác, hợp lý.
37. - Này Potthapàda, như một người
muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên lầu. Có người hỏi:
"Này bạn, Ông muốn xây một cái thang để leo lên lầu, vậy Ông có
biết lầu ấy là về hướng Đông, hay về hướng Tây, hay về hướng Bắc,
hay về hướng Nam ? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình ?" Được hỏi
vậy, vị ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy
có phải, Ông xây một cái thang để leo lên một cái lầu mà Ông không biết,
không thấy ?" Được hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Potthapàda
ngươi nghĩ thế nào ? Sự kiện là như vậy thời có phải lời nói của
người kia là không chánh xác, hợp lý ?
- Vâng phải, bạch Thế Tôn ! Sự
kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là không chánh xác, hợp
lý.
38. - Như vậy này Potthapàda, những
Sa-môn, Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này:
"Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh". Ta đến những
vị ấy và hỏi: "Có phải quý Đại đức có chủ trương như thế này,
có chủ kiến như thế này: "Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh
phúc, vô bệnh". Khi được hỏi vậy, những vị ấy công nhận là phải.
Ta nói "Chư Đại đức có sống và đã biết, đã thấy thế giới này
là hoàn toàn hạnh phúc không ?" Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả
lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Chư Đại đức có biết một
con đường nào, một phương pháp nào có thể đưa đến sự chứng ngộ một
thế giới hoàn toàn hạnh phúc không ?" Khi được hỏi vậy, các vị
ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Vậy chư Đại đức
có tự tâm cảm biết hoàn toàn hạnh phúc trong một đêm hay trong một
ngày, hay trong nửa đêm hay trong nữa ngày không ? Khi được hỏi vậy, các
vị ấy trả lời là không". Ta nói với các vị ấy: "Chư Đại đức
có nghe tiếng nói của chư thiên đã được sinh vào một thế giới hoàn
toàn hạnh phúc". Này các vị, hãy cố gắng thực hành ! Này các vị,
hãy trực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Này các vị, chúng
tôi đã thực hành, đã sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc
"không ?" Khi được nói vậy, các vị ấy trả lời là không. Này
Potthapàda, ngươi nghĩ như thế nào ? Sự kiện là như vậy, thời có phải
lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn, kia là không chánh xác, hợp lý.
- Vâng phải, bạch Thế Tôn ! Sự
kiện là như vậy, thời lời nói của người kia không chánh đáng, hợp
lý.
39. - Này Potthapàda, có ba loại ngã
chấp: thô phù ngã chấp, ý sở thành ngã chấp, vô sắc ngã chấp. Này
Potthapàda, thế nào là thô phù ngã chấp ? Có sắc, do bốn đại hình
thành, do đoàn thực nuôi dưỡng là thô phù ngã chấp. Thế nào ý sở
thành ngã chấp ? Có sắc, do ý sở thành, đầy đủ chi tiết lớn nhỏ, các
căn đầy đủ, là ý sở thành ngã chấp. Thế nào là vô sắc ngã chấp ?
Không có sắc, do tưởng sở thành là vô sắc ngã chấp.
40. Này Potthapàda, Ta thuyết pháp để
diệt thô phù ngã chấp. Nếu các người thực hành theo pháp này thời nhiễm
pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại,
tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung
mãn, quảng đại. Này Potthapàda, rất có thể các người nghĩ: "Các
nhiễm pháp sẽ diệt trừ, các tịnh pháp sẽ tăng trưởng, và ngay hiện tại
tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung
mãn, quảng đại, tuy vậy đau khổ vẫn tồn tại". Này Potthapàda, chớ
có nghĩ như vậy. Khi nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng
trưởng, ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và
an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại, thời hân hoan sanh, hoan hỷ, khinh an,
chánh niệm, tỉnh giác và lạc trú sanh.
41. Này Potthapàda, Ta thuyết pháp cũng
để diệt trừ ý sở thành ngã chấp. Nếu các người thiệt hành theo
pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng,
và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại.
Này Potthapàda, rất có thể các ngươi nghĩ: "Các nhiễm pháp sẽ diệt
trừ, các tịnh pháp sẽ tăng trưởng, và ngay hiện tại tự mình giác ngộ,
với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại, tuy vậy
đau khổ vẫn tồn tại". Này Potthapàda, chớ có nghĩ như vậy. Khi nhiễm
pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, khi ngay hiện tại
tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn
quãng đại, thời hân hoan sanh, hoan hỷ, khinh an, chánh niệm tỉnh giác là
lạc trú sanh.
42. Này Potthapàda, Ta thuyết pháp cũng
để diệt trừ vô sắc ngã chấp. Nếu các ngươi thực hành theo pháp này,
thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và
ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú
trí tuệ sung mãn quảng đại. Này Potthapàda, rất có thể các ngươi nghĩ:
"Các nhiễm pháp sẽ diệt trừ, các tịnh pháp sẽ tăng trưởng, ngay
hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ
sung mãn quảng đại, tuy vậy đau khổ vẫn tồn tại". Này Potthapàda,
chớ có nghĩ như vậy. Khi nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được
tăng trưởng, ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt
và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại, thời hân hoan sanh, hoan hỷ, chánh
niệm, tỉnh giác và lạc trú sanh.
43. Này Potthapàda, có những người
ngoài hỏi chúng tôi: "Này Hiền giả, thô phù ngã chấp ấy là gì mà
Hiền giả thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo
pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng,
và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an
trú trí tuệ sung mãn quảng đại ?"
Khi được chúng hỏi như vậy, chúng
tôi trả lời "Này Hiền giả, chính thô phù ngã chấp ấy, chúng tôi
thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp này, thời
nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện
tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ
sung mãn quảng đại".
44. Này Potthapàda, có những người
ngoài hỏi: "Này Hiền giả, ý sở thành ngã chấp ấy là gì mà Hiền
giả thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp
này thời nhiễm pháp này được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng
và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an
trú trí tuệ sung mãn, quảng đại ?"
Khi được hỏi vậy, chúng tôi trả
lời: "Này Hiền giả, chính ý sở thành ngã chấp ấy chúng tôi thuyết
pháp để diệt trừ, khiến các người thiệt hành theo pháp này thời nhiễm
pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện tại,
tự mình giác ngộ với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn
quảng đại".
45. Này Potthapàda, có những người
ngoài hỏi chúng tôi: "Này Hiền giả, vô sắc ngã chấp ấy là gì mà
Hiền giả thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thiệt hành theo
pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng
và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ với thắng trí chứng đạt và an
trú trí tuệ sung mãn quảng đại ?". Khi được hỏi vậy, chúng tôi trả
lời: "Này Hiền giả, chính vô sắc ngã chấp ấy, chúng tôi thuyết
pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp này thời nhiễm
pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện tại,
tự mình giác ngộ với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn
quảng đại".
Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào
? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói ấy là chánh xác, hợp lý
?
46. Này Potthapàda, ví như một người
xây một cái thang để leo lên lầu, từ dưới chân lầu ấy. Người ấy
được hỏi: "Này bạn, Ông xây cái thang để leo lên lầu, cái lầu
ấy về hướng Đông hay hướng Nam, hay hướng Tây, hay hướng Bắc ? Nhà lầu
ấy cao, hay thấp, hay trung bình ? Nếu người ấy trả lời: "Này Hiền
giả, cái lầu mà tôi xây thang để leo lên chính tại dưới chân lầu
này". Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào ? Sự kiện là như vậy thời
có phải lời nói ấy là chính xác, hợp chăng ?
- Vâng phải, bạch Thế Tôn, sự kiện
là như vậy thời lời nói của người kia là chánh xác, hợp lý !
47. - Như vậy, này Potthapàda, và
có những người ngoài hỏi chúng tôi: "Này Hiền giả, thô phù ngã chấp
là gì ?... Này Hiền giả, ý sở thành ngã chấp là gì ?... Này Hiền giả,
vô sắc ngã chấp ấy là gì mà Hiền giả thuyết pháp để diệt trừ, khiến
các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh
pháp được tăng trưởng và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ với thắng
trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại ?" Khi được hỏi
vậy, chúng tôi trả lời: "Này Hiền giả, chính vô sắc ngã chấp ấy
mà chúng tôi thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo
pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng
và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ với thắng trí chứng đạt và an
trú trí tuệ sung mãn quảng đại".
- Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào
? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói ấy là chánh xác, hợp lý
?
- Vâng phải, bạch Thế Tôn, sự kiện
là nha vậy, thời lời nói của người kia là chánh xác, hợp lý !
48. Khi nghe nói vậy, Citta
Hatthisàriputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, trong khi có thô
phù ngã chấp, phải chăng không có ý sở thành ngã chấp, không có vô sắc
ngã chấp ? Thô phù ngã chấp khi ấy thật có tồn tại. Bạch Thế Tôn,
trong khi sở thành ngã chấp, phải chăng không có thô phù ngã chấp, không
có vô sắc ngã chấp ? Ý sở thành ngã chấp khi ấy thật có tồn tại. Bạch
Thế Tôn, trong khi có vô sắc ngã chấp, phải chăng không có thô phù ngã
chấp, không có ý sở thành ngã chấp ? Vô sắc ngã chấp khi ấy thật có
tồn tại.
49. - Này Citta, trong khi có thô phù
ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc ý sở thành ngã chấp, không thuộc
vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc thô phù ngã chấp. Này Citta, trong
khi có ý sở thành ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã
chấp, không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc ý sở thành ngã
chấp. Này Citta, trong khi có vô sắc ngã chấp, thời ngã chấp ấy không
thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy
thuộc vô sắc ngã chấp. Này Citta, nếu có người hỏi Người:
"Ngươi đã có tồn tại ở quá khứ hay không ? Ngươi sẽ tồn tại
ở tương lai hay không ? Ngươi có tồn tại ở hiện tại không ?" Này
Citta, được hỏi vậy, ngươi trả lời như thế nào ?
- Bạch Thế Tôn, nếu có người hỏi
con: "Ngươi đã có tồn tại ở quá khứ hay không ? Ngươi sẽ tồn tại
ở tương lai hay không ? Ngươi có tồn tại ở hiện tại hay không ?" Bạch
Thế Tôn được hỏi vậy, con sẽ trả lời: "Tôi đã có tồn tại ở
quá khứ, không phải không tồn tại; tôi sẽ tồn tại ở tương lai, không
phải không không tồn tại; tôi tồn tại ở hiện tại, không phải không
tồn tại". Bạch Thế Tôn, nếu được hỏi như vậy, con sẽ trả lời
như vậy.
50. - Này Citta, nếu có người hỏi
lại ngươi: "Quá khứ ngã chấp mà Ngươi đã có, có phải ngã chấp
ấy đối với Ngươi là thật có, ngã chấp tương lai, không tồn tại,
ngã chấp hiện tại không tồn tại ? Tương lai ngã chấp mà Ngươi sẽ có,
có phải ngã chấp ấy đối với Ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ
không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại ? Hiện tại ngã chấp
mà Ngươi hiện có, có phải ngã chấp ấy đối với Ngươi là thật có,
ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại
?" Này Citta, được hỏi vậy, Ngươi trả lời thế nào?
- Bạch Thế Tôn, nếu có người hỏi
con: "Quá khứ ngã chấp mà Ngươi đã có, có phải ngã chấp ấy đối
với Ngươi là thật có, ngã chấp tương lai không tồn tại, ngã chấp hiện
tại không tồn tại ? Tương lai ngã chấp mà Ngươi sẽ có, có phải ngã
chấp ấy đối với Ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại,
ngã chấp hiện tại không tồn tại ? Hiện tại ngã chấp mà Ngươi hiện
có, có phải ngã chấp ấy đối với N Ngươi là thật có, ngã chấp quá
khứ không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại ?" Bạch Thế
Tôn, nếu được hỏi vậy, con sẽ trả lời: "Quá khứ ngã chấp mà
tôi đã có, ngã chấp ấy đối với tôi là thật có, ngã chấp tương lai
không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại ? Tương lai ngã chấp
mà tôi sẽ có, ngã chấp ấy đối với tôi là thật có, ngã chấp quá khứ
không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại. Hiện tại ngã chấp
mà tôi hiện có, ngã chấp ấy đối với là thật có, ngã chấp quá khứ
không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại". Bạch Thế Tôn,
được hỏi vậy, con sẽ trả lời như vậy.
51. - Như vậy này Citta, trong khi có
thô phù ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc ý sở thành ngã chấp,
không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc thô phù ngã chấp. Này
Citta, trong khi có ý sở thành ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc
vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc ý sở thành ngã chấp. Này Citta,
trong khi có vô sắc ngã chấp, thời ngã chấp không thuộc thô phù ngã chấp,
không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô sắc ngã chấp.
52. Này Citta, ví như từ bò cái
sanh ra sữa, từ sữa sinh ra lạc, từ lạc sanh ra sanh tô, từ sanh tô sanh
ra thục tô, từ thục tô sanh ra đề hồ. Khi thành sữa thời sữa ấy
không thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, không thuộc
đề hồ, chính khi ấy thuộc sữa; khi thành lạc... khi thành sanh tô... khi
thành thục tô... khi thành đề hồ thời đề hồ không thuộc sữa, không
thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, chính khi ấy thuộc
đề hồ.
53. Như vậy này Citta trong khi có
thô phù ngã chấp... Này Citta, trong khi có ý sở thành ngã chấp... Này
Citta, trong khi có vô sắc ngã chấp thời ngã chấp ấy không thuộc thô
phù ngã chấp, không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô sắc
ngã chấp. Này Citta, chúng chỉ là danh tự thế gian, ngôn ngữ thế gian,
danh xưng thế gian, ký pháp thế gian. Như Lai dùng chúng nhưng không chấp trước
chúng.
54. Được nghe nói vậy du sĩ ngoại
đạo Potthapàda bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn
! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Như người dựng lại những gì bị
quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những
người lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt
có thể thấy sắc. Cũng vậy chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương
tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y
Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở
đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
55. Và Citta, Hatthisàriputta cũng bạch
Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn
! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Như người dựng đứng lại những gì
bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những
người đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có
mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều
phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y
chúng Tăng. Mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, mong cho con
thọ đại giới.
56. Citta Hatthisàriputta được xuất
gia với Thế Tôn và được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao
lâu, Đại đức Citta Hatthisàriputta ở một mình, an tịnh, không phóng dật,
sống nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích
tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình hướng đến. Đó là vô thượng phạm hạnh ngay trong hiện
tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú: sanh đã
tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm sau đời này sẽ
không có đời sống khác nữa. Đại đức Citta Hatthisàriputta hiểu biết
như vậy.
Và đại đức Citta Hatthisàriputta
trở thành một vị A-la-hán nữa.