- XỨ PHẬT HUYỀN
BÍ
- Nguyên tác: AUTOBIOGRAPHIE D’UN
YOGI
- Của: Tu sĩ PARAMHANSA
YOGANANDA
CHƯƠNG MƯỜI LĂM
VÀI KỶ
NIỆM LẠ LÙNG
-"Nghe em và con tôi quá đề
cao và khâm phục Sri Yukteswar tôi sẽ đến viếng ông ấy một lần xem
sao."
Bác sĩ thú y Chunder Roy nói với một
giọng trịch thượng, nhưng tôi không tỏ ra bất mãn, ông ta là một người
duy vật hạng nặng. Con trai ông Santosh khẩn khoản yêu cầu tôi giúp đỡ
cha y, nhưng trường hợp này có vẽ tuyệt vọng."
Qua ngày hôm sau bác sĩ Roy cùng đi
với tôi đến đạo viện Serampore. Sư phụ bằng lòng tiếp ông ta; cuộc hội
kiến ngắn ngủi chỉ là một cơn im lặng kéo dài ở cả đôi bên, sau
cùng người khách đứng dậy ra về.
-"Con đem một người chết tới
đây làm gì?" Sri Yukteswar nói khi cánh cửa vừa đóng lại phía sau vị
bác sĩ.
-"Bạch Sư phụ, Bác sĩ Roy vẫn
còn sống!"
-"Nhưng y sắp chết đến nơi rồi!"
Lời nói ấy làm tôi xúc động.
-"Đó sẽ là một vố nặng nề
cho người con của ông ta. Santosh hy vọng rằng thời gian sẽ đánh tan những
ý tưởng duy vật của cha y. Cầu xin Sư phụ hãy giúp đỡ người này."
-"Được, thầy sẽ làm vừa
lòng con."
Gương mặt Sư phụ vẫn thản nhiên.
-"Người thú y này không biết
rằng y bị chứng đái đường rất nặng. Y sẽ phải nằm liệt giường
trong vòng mười lăm ngày. Các y sĩ sẽ chịu bó tay: y sẽ từ giả cõi đời
trong vòng sáu tuần lễ kể từ ngày hôm nay. Nhờ sự can thiệp của con
nên y khỏi bịnh vào ngày đó. Nhưng ta đặt một điều kiện: con hãy
khuyên y đeo một vật hộ phù chiêm tinh; chắc chắn là y sẽ nhảy dựng
lên như ngựa trước khi bị bị đem giải phẩu!"
Sau một lúc im lặng, trong khi đó
tôi ngẫm nghĩ nên làm cách nào để thuyết phục vị thú y, Sư phụ nói
tiếp:
-"Khi y cảm thấy khá, con hãy
khuyên y kiêng ăn thịt. Y sẽ không nghe lời khuyên đó và sẽ chết trong
sáu tháng, đúng vào lúc mà y tưởng là đã khỏi bịnh. Sáu tháng phụ trội
đó chỉ được ban cho y là do lời cầu xin của con!"
Ngày hôm sau, tôi dặn Santosh hãy đặt
làm một vật hộ phù tại tiệm kim hoàn. Bảy ngày sau đó, vật ấy đã
làm xong nhưng bác sĩ Roy từ chối không chịu đeo.
-"Tôi cảm thấy sức khỏe dồi
dào. Các con đừng nhát tôi với những bùa phép chiêm tinh dị đoan đó."
Bác sĩ vừa nói vừa phóng đến tôi một cái nhìn ngạo nghễ.
Tôi thích thú mà nhớ lại rằng Sư
phụ vừa so sánh vị thú y với một con ngựa chứng. Một tuần lễ trôi
qua; vị thú y thình lình nhuốm bịnh, nên đành chịu đeo vật hộ phù. Hai
tuần sau, viên y sĩ khám bệnh cho y nói với tôi rằng trường hợp ấy đã
tuyệt vọng, và nói thêm nhiều chi tiết về những sự tàn phá trong cơ thể
do bịnh đái đường gây ra.
Tôi lắc đầu:
-"Sư phụ nói với tôi rằng
bác sĩ Roy sẽ bình phục; bịnh này chỉ kéo dài trong vòng một
tháng."
Viên y sĩ nhìn tôi với cặp mắt
nghi ngờ. Nhưng hai tuần sau, ông ta lại gặp tôi và nói:
-"Bác sĩ Roy đã hoàn toàn bình
phục! Đây là trường hợp lạ lùng nhất trong đời làm thầy thuốc của
tôi. Tôi chưa từng thấy một người nào bịnh đang hấp hối mà tự
nhiên lại sức một cách đột ngột như vậy. Thầy của anh chắc phải là
một nhà tiên tri và chữa bịnh!"
Trong một cuộc gặp gỡ với bác sĩ
Roy, tôi có nói cho ông ta biết Sri Yukteswarr có lời cảnh cáo ông ta không
nên ăn thịt. Sau đó tôi không gặp ông ta trong sáu tháng. Một hôm tôi
đang đứng trước hàng ba nhà tôi, ông ta từ đâu tiến đến và nói:
-"Em hãy nói với Thầy em rằng
sở dĩ tôi mau lại sức là nhờ ăn rất nhiều thịt! Quan niệm phản khoa
học của ông ấy về vấn đề dinh dưỡng không thuyết phục được tôi!"
Lúc ấy bác sĩ Roy quả thật
là hiện thân của sức khỏe. Nhưng qua ngày hôm sau, Santosh hớt hơ hớt hải
chạy đến nhà tôi:
-"Cha tôi thình lình ngã lăn ra
chết hồi sáng hôm nay!"
Đó là một trong những kinh nghiệm
lạ kỳ nhất của tôi trong thời kỳ tôi sống chung với Sư phụ. Người
chữa khỏi bịnh cho viên thú y ngoan cố, không màn để ý đến sự hoài
nghi thiển cận của ông ta, và kéo dài đời sống thế gian của ông ta
thêm sáu tháng chỉ vì có lời khẩn cầu của tôi. Sri Yukteswarr thường tỏ
ra có lòng ưu ái vô bờ bến đối với những đệ tử chân thành cầu xin
người giúp đỡ với tấm lòng khẩn thiết.
II
Điều làm tôi hãnh diện là tôi
có đặc quyền đem những bạn học của tôi đến gặp Sư phụ. Phần nhiều
các bạn tôi trong những dịp đó đã từ bỏ thái độ hoài nghi của họ
về vấn đề Tôn giáo, một thái độ rất thịnh hành lúc đương thời.
Một trong những người bạn đó,
tên là Sasi, đã trải qua nhiều dịp nghỉ cuối tuần thích thú tại đạo
viện. Sư phụ có nhiều cảm tình với người thanh niên này và lấy làm
buồn về cuộc đời phóng đãng vô kỷ luật của y.
-"Sasi, nếùu con không sửa đổi
cách sinh hoạt của con, con sẽ bị đau nặng!"
Sri Yukteswarr vừa nói vừa nhìn bạn
tôi một cách tuyệt vọng.
-"Ta nói có Mukunda làm chứng;
con sẽ không còn nói rằng ta không khuyên giải con từ trước."
Sasi cười và nói:
-"Bạch Thầy, con xin nhờ Thầy
cầu nguyện giùm cho con! Con có nhiều thiện chí, nhưng thiếu can đảm. Trên
đời này, Thầy là vị cứu tinh của con; con không tin được ai nữa, ngoài
ra Thầy."
-"Con phải đeo một hòn đá
xanh nặng hai carats. Đeo nó sẽ có lợi cho con."
-"Con không đủ sức sắm vật
ấy. Tuy nhiên, nếu con bị chuyện gì nguy gấp, con xin Thầy che chở cho
con."
Sri Yukteswarr trả lời với một vẻ
bí hiểm:
-"Trong vòng một năm, con sẽ
đem đến đây ba hột ngọc bích, nhưng lúc bấy giờ thì những viên ngọc
ấy không có ích gì cho con nữa."
Câu chuyện vẫn trở lại chung
quanh một đầu đề. Sasi thú nhận với một sự tuyệt vọng đáng buồn cười:
-"Con không thể tự sửa đổi!
Đức tin của con đặt nơi Thầy, còn quí báu hơn mọi loại ngọc quí!"
Một năm sau, tôi đến Calcutta cùng
với Sư phụ, người ở tại nhà một đê tử tên là Naren Babu. Vào lúc mười
giờ sáng, Sư phụ và tôi đang ngồi nghỉ trong phòng khách trên lầu,
thình lình tôi nghe tiếng mở cửa. Sư phụ bèn ngồi nhỏm dậy và nói một
cách nghiêm trọng:
-"Sasi đã đến. Một năm vừa
trôi qua: hai buồng phổi của y đã hỏng! Y không nghe lời Thầy. Con hãy
nói rằng Ta không muốn tiếp y."
Tôi chạy xuống thang lầu, thì thấy
Sasi cũng đang lần từng bước thang đi lên.
-"Mukunda, tôi hy vọng rằng Thầy
có ở đây!"
-"Có, nhưng người không muốn
bị ai quấy rầy."
Sasi vừa khóc sướt mướt vừa vượt
qua trước mặt tôi để thụp xuống lạy Sư phụ và đặt dưới chân người
ba viên ngọc bích thật đẹp.
-"Bạch Sư phụ, các y sĩ nói rằng
con bị chứng ho lao cấp số! Họ nói con sẽ không sống được tới ba tháng!
Con khẩn cầu Sư phụ giúp con, vì con biết chỉ có Sư phụ mới cứu được
con!"
-"Phải chăng đã quá trễ để
nghĩ đến việc cải tạo cuộc đời? Con hãy đi đi với những viên ngọc
bích vô dụng này, thời kỳ hiệu nghiệm của nó đã qua rồi."
Sư phụ nói xong, liền rút lui vào
một cơn im lặng kéo dài, chỉ còn tiếng khóc nức nở của người thanh
niên.
Tôi linh cảm rằng Sri Yukteswarr chỉ
nói vậy để thử thách đức tin của Sasi nơi quyền năng chữa bệnh của
người. Bởi đó tôi không ngạc nhiên khi mà một giờ sau, Sư phụ vừa
ban cho bạn tôi một cái nhìn thương hại vừa nói:
-"Con hãy đứng dậy, Sasi, và
đừng làm mất sự yên tĩnh trong nhà người khác! Hãy trả các viên ngọc
bích cho người thợ kim hoàn; vì hiện giờ đó chỉ là một sự phí tổn
vô ích. Con đừng sợ, trong vài tuần con sẽ cảm thấy khỏi bịnh!"
Một nụ cười chói sáng trên gương
mặt đẫm lệ của Sasi, chẳng khác nào mặt trời xuất hiện sau cơn mưa:
-"Bạch Sư phụ, con cần phải
uống thuốc chăng?"
Sri Yukteswarr tỏ ra giàu lòng tha thứ:
-"Nếu con muốn; uống thuốc
hay không cũng không hại gì. Dẫu cho mặt trời mặt trăng dời đi chỗ khác,
con cũng không chết vì bệnh lao!" Người nói thêm một cách đột ngột:
"Bây giờ, con hãy đi đi, kẻo có khi ta lại đổi ý!".
Sasi kiếu từ và rút lui. Trong những
tuần lễ sau đó, tôi đến thăm y nhiều lần và lấy làm thất vọng mà
thấy sức khỏe của y càng ngày càng hao mòn.
-"Sasi sẽ không qua khỏi đêm
nay!"
Lời tuyên bố của vị y sĩ, và
tình trạng nguy kịch của bạn tôi làm cho tôi phải hối hả lên đường
đi đến đạo viện. Sư phụ lạnh lùng nghe lời báo cáo của tôi, trong
khi tôi vừa nói vừa khóc vì xúc động.
-"Tại sao con đến làm phiền
ta như vậy? Ta há chẳng nói trước rằng Sasi sẽ khỏi bịnh sao?"
Tôi kính cẩn cúi đầu trước Sư
phụ và âm thầm rút lui. Sư phụ không nói gì nhưng trầm mình trong im lặng;
đôi mắt hé mở của người đang chiêm ngưỡng một cõi giới xa xăm nào.
Tôi trở lại nhà Sasi ở Calcutta ngay khi đó, và lấy làm vô cùng ngạc
nhiên mà thấy bạn tôi đang ngồi tỉnh táo và uống sữa!
-"Mukunda hỡi! Thật là kỳ diệu!
Trong mấy tiếng đồng hồ vừa qua, tôi cảm thấy trong phòng có sự hiện
diện của Sư phu; ngay tức khắc chứng bịnh tôi liền thuyên giảm và biến
tan đi mất. Tôi biết rằng chính nhờ Sư phụ mà tôi được hoàn toàn
bình phục!"
Chỉ trong vài tuần, Sasi đã lên
cân và sức khỏe dồi dào hơn bao giờ hết. Nhưng sự khỏi bịnh của y lại
có những hậu quả bất ngờ: y tỏ ra vô ơn bạc nghĩa, những cuộc viếng
thăm đạo viện của y cũng thưa thớt lần lần. Một ngày nọ, bạn tôi
tâm sự với tôi rằng y cảm thấy hổ thẹn vì thái độ của mình đến
nỗi y không dám đến gặp Sri Yukteswarr.
Việc ấy đưa tôi đến kết luận
rằng chứng bịnh của Sasi có cái hậu quả bất ngờ là làm cho y bị lệch
lạc ý chí và không còn biết phép xử thế lịch sự ở đời!
III
-"Tôi thường bị xâm chiếm bởi
những tư tưởng hoài nghi, vô thần. Tuy nhiên một ý nghĩ băn khoăn đôi
khi cũng thoáng qua trong tâm trí tôi: linh hồn có hay chăng những tiềm năng
chưa hề khai thác? Con người có lãng quên mục đích thật sự của mình
chăng khi họ không quan tâm đến vấn đề này?"
Dijen Babu, một bạn học cùng lớp
tâm sự với tôi như thế khi tôi mời y đến đạo viện. Tôi bèn đáp:
-"Sư phụ sẽ khai tâm cho anh
theo pháp môn Kriyâ Yoga. Pháp môn này sẽ làm lắng dịu những sự cuồng
loạn ảo vọng bằng một sự giác ngộ thiêng liêng trong nội tâm."
Chiều hôm ấy, Dijen theo tôi đến
đạo viện. Trước mặt Sư phụ tôi cảm thấy một niềm an lạc thâm trầm
xâm chiếm lấy tâm hồn y và từ đó y thường đến đạo viện luôn. Những
điều lo lắng nhỏ nhặt của đời sống hằng ngày không đủ làm thoả
mãn con người; trong tánh chất của y cũng có những sự khát khao chân lý.
Trong những lời giảng huấn của Sri Yukteswar, Dijen nhận thấy một sự
khích lệ thúc đẩy y tìm kiếm tận nơi thâm sâu của nội tâm cái Chân
Ngã bất diệt khác hẳn với phàm ngã chật hẹp ích kỷ của con người.
Dijen Và tôi cùng theo học ban Cử
nhân tại trừơng Serampore College, trực thuộc trường Đại học Calcutta, và
thường có thói quen đến đạo viện ngay sau giờ học. Sri Yukteswar thường
nhìn thấy chúng tôi từ trên bao lơn từng lầu hai, và tiếp đón chúng
tôi với một nụ cười.
Một hôm Kanai một đệ tử trẻ nội
trú tại đạo viện đón chúng tôi ở ngoài cửa và nói:
-"Sư phụ hôm nay vắng mặt, người
có việc gấp phải đi Calcutta."
Ngày hôm sau tôi nhận được một
bưu phiếu của Sư phụ viết như sau:"Thầy sẽ rời Calcutta vào sáng
ngày thứ tư; con và Dijen hãy đón thầy ở ga Serampore do chuyến xe lửa 9
giờ."
Sáng thứ tư vào lúc 8 giờ 30, một
thông điệp thần giao cách cảm của Sư phụ đi xuyên qua trí tôi:"Thầy
mắc bận việc vào giờ chót; đừng đón chuyến xe 9 giờ."
Tôi liền báo tin cho Dijen; y đã sửa
soan ra đi, nhưng nghe tin ấy thì nói với một giọng bất mãn:
-"Anh cứ hay nói chuyện linh cảm
với linh giác! Tôi chỉ tin những việc đó khi nào có chử viết của Sư
phụ"
Tôi nhún vai, lặng lẽ ngồi
xuống và quyết định ở lại. Dijen vừa bước ra cửa vừa nói lầm bầm
và đóng sầm cánh cửa khi đi ra.
Trong phòng hơi u ám, tôi bèn đi đến
chỗ cửa sổ trổ ra ngoài đường. Bỗng nhiên, ánh sáng dịu lúc ban mai
đổi thành một thứ ánh sáng chói lòa trong đó cửa sổ song sắt hoàn
toàn biến mất dạng. Trên sàn gạch chói sáng, đứng sừng sững giữa phòng,
chính là Sri Yukteswarr, bằng xương bằng thịt rõ ràng!
Bàng hoàng và vô cùng kinh ngạc,
tôi thụp xuống dưới chân Sư phụ và sờ nhẹ hai bàn chân người để tỏ
lòng Tôn kính như thường lệ. Sư phụ mang đôi giày bố màu da cam, đế
giày bằng sơ dừa; tôi nhận ra một cách rõ ràng đó la đôi giày mà Sư
phụ vẫn thường dùng hằng ngày. Chiếc vạt áo màu vàng sậm của người
phất qua đụng da mặt tôi; tôi cảm xúc được không những cái vạt áo,
mà còn nhận thấy mặt nhám của đôi giày bố và hai ngón chân cái cộm
lên ở bên trong. Quá xúc động đến không thể nói chuyện được, tôi chỉ
có thể nhìn Sư phụ bằng cặp mắt dọ hỏi.
-"Thầy rất vui lòng mà thấy
con nhận được bức thông điệp thần giao cách cảm của Thầy."
Giọng nói của Sư phụ vẫn bình
thường, không thay đổi.
-"Thầy không thể hoàn tất mọi
công việc kịp thời ở Calcutta và sẽ về đến Serampore do chuyến xe lửa
10 giờ."
Câm lặng vì ngạc nhiên, tôi vẫn
tiếp tục nhìn Sư phụ. Sri Yukteswarr nói tiếp:
-"Không, đây không phải là một
sự hiện hình, mà chính là Thầy, bằng xương bằng thịt. Thầy ban cho con
cái kinh nghiệm hiếm có này do bởi Thiên YÙ. Con hãy đợi thầy ở nhà
ga; Dijen và con sẽ gặp Thầy cũng trong bộ áo Thầy đang mặc lúc này, và
đi trước Thầy, có một thiếu nhi cầm một cái bình bằng bạc."
Sư phụ bèn đặt hai bàn tay lên đầu
tôi và nói thì thầm những lời ban ân huệ. Vừa nói xong, tôi nghe một tiếng
động đặc biệt. Thể xác của Sư phụ từ từ tan rã trong ánh sáng chói
lòa. Hai bàn chân, rồi hai bàn chân biến mất trứơc hết, kế đó tới
thân mình và đầu cũng ví như một cuộn giấy bị cuốn tròn lại. Cho đến
phút chót, tôi cảm thấy sự đụng chạm nhẹ nhàng của những ngón tay luồn
trong mái tóc của tôi. Trong giây lát ánh sáng chói loà lúc nãy đã lu mờ
dần, tôi chỉ còn nhìn thấy cái cửa sổ song sắt và những tia nắng mặt
trời êm dịu.
Tôi đắm chìm trong một cơn bàng
hoàng như tỉnh như mê, và tự hỏi phải chăng đó là một cơn nắng quáng
đèn loà, khiến cho tôi nhìn thấy một ảo ảnh. Trong khi đó Dijen mặt
mày ngơ ngác bước vào gian phòng và nói:
-"Sư phụ không về bằng chuyến
xe 9 giờ và luôn cả chuyến xe 9 giờ 30."
Bạn tôi nói câu đó dường như để
xin lỗi.
-"Anh hãy đi theo tôi! Tôi biết
Sư phụ sẽ về do chuyến xe 10 giờ."
Tôi kéo Dijen đi theo tôi, hầu như
cưỡng bách mặc dù y không bằng lòng. Mười phút sau chúng tôi đã đến
nhà ga, chuyến xe cũng đã vừa đến. Tôi kêu lên:
-"Hào quang của Sư phụ chói
loà khắp các toa xe lửa! Người đã về!"
-"Anh chỉ tưởng tượng."
Dijen nói với giọng châm biếm.
-"Chúng ta hãy đợi ở đây."
Tôi diễn tả từng chi tiết hình
dáng của Sư phụ khi người sẽ trở về. Tôi vừa nói xong, Sri Yukteswar đã
xuất hiện, với bộ áo vàng sậm mà tôi đã thấy từ lúc nãy. Người
đi chậm bước và theo sau một đứa trẻ nhỏ mang một cái bình bằng bạc.
Trong một lúc, tôi cảm thấy lạnh
minh vì kinh hãi trước sự kiện lạ lùng vừa xảy ra. Cả một bầu thế
giời quen thuộc của thế kỷ hai mươi duy vật dường như sụp đổ trước
đôi mắt ngạc nhiên của tôi; Tôi tưởng chừng như sống thụt lùi trở
lại thời kỳ mà đức Jesus xuất hiện trước thánh Pierre trên bờ biển
Galilée!
Khi Sri Yukteswar đến chổ mà tôi
và Dijen ngồi, bàng hoàng và câm lặng vì kinh sợ, Sư phụ vừa mỉm cười
vừa nói với bạn tôi:
-"Ta cũng có gởi đến con một
thông điệp, nhưng con không nhận được."
Dijen lặng thinh và nhìn tôi với một
vẽ nghi ngờ. Sau khi đưa Sư phụ về đạo viện chúng tôi đi đến trường,
Dijen ngừng lại giữa đường và nói với giọng bực tức:
-"À, thì ra là như vậy! Sư phụ
có gởi thông điệp cho tôi! Tại sao anh dấu tôi? Anh phải trả lời cho
tôi rõ!"
-"Có phải lỗi tại tôi chăng
nếu tấm gương tâm hồn anh quá lu mờ nên không thể phản chiếu những
thông điệp của Sư phụ?"
Dijen liền bình tĩnh lại ngay và
nói với một giọng đầy hối hận:
-"Tôi hiểu anh muốn nói gì. Nhưng
anh hãy giải thích do đâu mà anh biết trước có một đứa trẻ nhỏ mang
một cái bình bằng bạc?"
Khi tôi vừa kể hết câu chuyện Sư
phụ xuất hiện một cách nhiệm mầu vào lúc sáng sớm, thì chúng tôi đã
đến trước cửa trường Serampore. Dijen bèn kết luận:
-"Những gì tôi được nghe về
quyền năng của Sư phụ làm cho tôi nghĩ rằng tất cả những trường Đại
học của thế giới chỉ là những….. vườn chơi trẻ con!"
- Mục
lục | Lời tựa | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25|
- Chúng tôi chân thành cảm ơn Phật tử
Huỳnh Thanh Hương đã phát tâm đánh máy gởi sách này về tặng cho Ban
biên tập Đạo Phật Ngày Nay.