- XỨ PHẬT HUYỀN
BÍ
- Nguyên tác: AUTOBIOGRAPHIE D’UN
YOGI
- Của: Tu sĩ PARAMHANSA
YOGANANDA
CHƯƠNG MƯỜI
NHỮNG
NĂM SỐNG TẠI ĐẠO VIỆN
-"À, con đã đến".
Sri Yukteswarr ngồi trên một tấm da
cọp trải dưới sàn một phòng khách nhỏ có bao lơn. Người nói với một
giọng lạnh lùng, không biểu lộ một sự xúc cảm nào.
-"Bạch Sư Phụ, con đến để
xin làm đệ tử của Người".
Tôi vừa nói vừa quì lạy dưới
chân Sư phụ.
-"Con không xứng đáng, vì con
đã cãi lời ta".
-"Bạch Sư phụ, con sẽ không
làm như vậy nữa! Từ nay, con sẽ triệt để tuân lịnh sư phụ dạy bảo".
-"Tốt lắm! Bây giờ ta có thể
chịu trách nhiệm về cuộc đời của con."
-"Con xin đặt tương lai con
trong tay Sư phụ."
-"Trước hết, ta muốn con hãy
trở về với gia đình. Con phải vào trường đại học Calcutta để tiếp
tục sự học."
-"Bạch Sư phụ, con xin vâng."
Tôi cố dấu sự bất mãn. Những
sách vở nhồi sọ sẽ theo đuổi tôi mãi suốt đời hay chăng? Trước hết
cha tôi đã muốn vậy, rồi bây giờ lại đến Thầy tôi!
-"Một ngày kia con sẽ đi truyền
giáo ở phương Tây. Quần chúng ở các xứ ấy sẽ sẵn sàng thưởng thức
nền minh triết cổ truyền của Aán Độ hơn, nếu vị Đạo sư Aán Độ có
một cấp bằng khoa cử đại học."
-"Bạch Sư phụ, sư phụ biết
nhiều hơn con."
Sự bất mãn của tôi đã tiêu tan.
Việc truyền giáo ở Tây phương đối với tôi hãy còn là một chuyện
quá xa vời, nhưng trước hết mọi sự tôi chỉ mong ứơc làm vui lòng Sư
phụ.
-"Calcutta cách đây không xa; con
có thể đến đây mỗi khi con có thời giờ."
-"Mỗi ngày nếu có thể! Con sẽ
vui lòng tuân theo ý muốn của Sư phụ."
Thế là sự mong ước lớn nhất
trong đời tôi đã được thực hiện; những sự dò dẫm vô ích và những
sự tìm kiếm lâu dài trước kia nay đã chấm dứt. Tôi đã tìm thấy nơi
trú ẩn thực sự ở dưới chân Thầy.
-"Con lại đây! Ta sẽ đưa con
đi viếng đạo viện."
Sư phụ bèn rời khỏi tấm da cọp.
Tôi liếc nhìn chung quanh và lấy làm ngạc nhiên mà nhìn thấy một bức
chân dung của đức Lahiri Mahâsaya trên vách. Tôi bất giác buột miệng
kêu:
-"Lahiri Mahâsaya!"
-"Phải, đó là Sư Phụ của
ta."
Giọng nói của Sri Yukteswarr vang
lên với một âm điệu đầy hứng khởi:
-"Ngài là một vị Tôn sư cao cả
nhất trong các vị Tôn sư mà ta được biết."
Tôi kính cẩn cúi đầu trước bức
chân dung quen thuộc, và chiêm bái tự trong đáy lòng vị Tôn Sư cao cả đã
từng che chở cho tôi từ thuở ấu thơ, và đã hướng dẫn bước chân
tôi đến đây vào giờ phút đáng ghi nhớ này.
Tôi đi một vòng xem khắp đạo viện
và những dãy nhà phụ thuộc với sự hướng dẫn của Sư Phụ. Đạo viện
là một ngôi nhà gạch rộng lớn có hai tầng, kiến trúc theo lối cổ coi
rất chắc chắn, chung quanh có sân rộng. Các vách tường ngoài có rêu phủ
xanh um; những con chim bồ câu bay lượn trên mái nhà. Phía sau nhà, có vườn
cây ăn trái với những cây xoài, chuối và nhiều loại kỳ hoa dị thảo.
Những bao lơn của đạo viện nhìn ra sân từ ba phía nhà. Gian phòng rộng
lớn ở từng dưới hằng năm dùng làm chổ hành lễ Durga Puja. Một cầu
thang nhỏ đưa đến phòng khách của Sri Yukteswarr mà cái bao lơn nhìn ra
phía đường lộ. Đạo viện có bày những bàn, ghế, tràng kỷ ở bên
trong, tất cả mọi thứ đều rất giản dị, sạch bóng và tiện lợi cho
việc sử dụng hằng ngày.
Sư phụ mời tôi ở lại đạo viện
một đêm. Bữa ăn chiều gồm có cơm và rau đậu nấu với đồ gia vị,
do sự đảm trách của hai người đệ tử trẻ tuổi có phận sự đi chợ
nấu ăn và lo việc nội bộ của đạo viện.
-"Bạch Sư phụ, xin Sư phụ kể
cho con nghe vài điều về cuộc đời của ngài."
Tôi ngồi trên chiếc chiếu, gần
bên tấm da cọp của Sư phụ. Bên ngoài bao lơn, ánh sao chói rạng ngời
trong đêm của vùng nhiệt đới .
-"Tục danh là Priya Nath Karar. Ta
sinh ở Serampore tại đó thân phụ ta có một cơ nghiệp thương mại đồ sộ.
Người để lại cho ta cái di sản này, trước kia là nhà ở của gia đình,
nay đổi làm đạo viện. Ta không thích sự học ở nhà trường, vì đối
với ta nó có vẻ nông cạn. Khi trưởng thành, ta quyết định lập gia đình,
và có một con gái, nay đã thành gia thất. Vào độ trung niên, ta có cái diễm
phúc gặp gỡ đức Lahiri Mahâsaya, và theo học Đạo với ngài. Khi hiền nội
của ta qua đời, ta bèn xuất gia theo dòng của các tu sĩ Swâmi, và lấy
pháp danh là Sri Yukteswarr. Đó là câu chuyện giản dị về cuộc đời của
ta."
Sư phụ mỉm cười mà thấy tôi chăm
chú nghe. Những lời nói của người chỉ trình bày những điểm sơ lược
của một tiểu sử, mà không biểu lộ phần nào về tính chất tâm linh.
Sư phụ im lặng. Tối đến, người
đưa tôi tới một phòng nhỏ để an nghỉ. Giấc ngủ của tôi ở nhà Sư
phụ trong đêm ấy thật êm đềm và ngon lành làm sao!
Sáng hôm sau, Sri Yukteswarr mới cho
tôi làm lễ nhập môn để được truyền thụ pháp môn Kriyâ Yoga. Trước
kia, tôi đã thụ giáo về khoa Yoga này với hai vị đệ tử của đức
Lahiri Mahâsaya, là cha tôi và tu sĩ Kebalânanda, vị đỡ đầu của tôi. Nhưng
bây giờ với sự hướng dẫn của Thầy tôi, tôi lại càng tinh tiến thêm
nhiều. Dưới bàn tay phép mầu của Sư phụ, tôi cảm thấy nơi tôi chiếu
một Aùnh Sáng diệu huyền, dường như là ánh hào quang cấu tạo nên bởi
vô số vầng Thái Dương rực rỡ huy hoàng. Một nguồn an tĩnh và phúc lạc
vô biên tràn ngập tâm hồn tôi; niềm an lạc ấy kéo dài cho đến tận ngày
hôm sau. Sau đó, tôi bèn kiếu từ ra về. Sư phụ dặn tôi:
-"Con sẽ trở lại đây trong ba
mươi ngày."
Tôi trở về nhà ở Calcutta với lời
tiên tri đó ghi nhớ trong lòng. Trái hẳn với điều tôi e ngại, không ai
trong gia đình nhắc nhở đến sự trở về của "người con bỏ nhà
đi hoang"
Tôi trèo lên gác nhỏ và ngắm
nhìn nó với cái nhìn trìu mến, dường như nó là một bạn cũ. Thật vậy,
nó đã từng chứng kiến trong im lặng, những giọt lệ sầu, những cơn bão
lòng, cùng những công phu tu luyện của tôi. Bây giờ, tôi đã tìm thấy một
niềm an tĩnh thiêng liêng dưới chân Sư phụ.
-"Con hỡi, cha lấy làm sung sướng
cho cả hai chúng ta", cha tôi nói khi tôi ngồi với người ngoài sân
vào một buổi chiều. "Con đã tìm thấy Sư phụ con một cách nhiệm mầu
cũng như cha. Bàn tay thiêng liêng của đức Lahiri Mahâsaya che chở cho cả
hai ta. Sư phụ con không phải là một vị tu sĩ ẩn dật trên dãy Tuyết Sơn
hẻo lánh, mà gần như một người láng giềng. Những lời cầu nguyện của
ta đã được đáp ứng, ta sẽ không bị mất con trong khi con theo đuổi việc
học Đạo".
Cha tôi cũng vui lòng mà thấy tôi
định tiếp tục sự học; người liền lo những thủ tục cần thiết. Qua
ngày hôm sau, tôi đã ghi tên vào trường đại học Calcutta.
Ngày tháng trôi qua trong cuộc sống
yên vui với gia đình. Quí vị độc giả chắc hẳn đã đoán biết được
rằng tôi không chăm học lắm! Đạo viện Serampore gây cho tôi một sự hấp
dẫn rất mạnh. Sư phụ chấp nhận sự có mặt thường xuyên của tôi mà
không nói gì, và điều làm cho tôi yên lòng là người ít khi nhắc đến
trường đại học. Tuy ai cũng biết rõ là tôi không chú tâm vào việc học,
thỉnh thoảng tôi cũng cố gắng làm sao cho có được số điểm trung bình
cần thiết.
Đời sống tại đạo viện trôi
qua một cách lặng lẽ êm đềm. Sư phụ tôi thức dậy trước lúc bình
minh, và ngồi tĩnh tọa ngay trên giường trong cơn nhập định.
Trước khi ăn điểm tâm, Sư phụ và
tôi cùng đi dạo một vòng trên bờ sông Hằng. Những cuộc đi bách bộ sớm
mai này đều ghi khắc trong ký ức của tôi! Tôi vẫn không quên những giờ
phút thần tiên đi bên cạnh Sư phụ: mặt trời sớm mai hâm nóng mặt
sông còn sương mờ bao phủ; giọng nói của Sư phụ chứa đầy minh triết
vang dội rõ ràng bên tai tôi…
Bữa cơm trưa do hai người đệ tử
trẻ lo việc bếp núc nấu ăn theo chỉ thị của Sư phụ. Sư phụ ăn chay
trường, tuy rằng hồi trước khi xuất gia người có dùng trứng gà và
cá. Người dạy các đệ tử nên ăn thức ăn giản dị, phù hạp với thể
chất của họ.
Buổi xế trưa, khách thập phương
thường đến viếng đạo viện; Sư phụ luôn luôn tiếp đón họ một
cách nhã nhặn lịch sự. Đối với ai đã hiểu rằng mình là một linh hồn
, chứ không phải chỉ là một thể xác vật chất, một phàm ngã giả tạo,
thì tất cả mọi người đều y như nhau.
Sự vô tư của sư phụ vốn căn cứ
trên sự minh triết. Những vị Tôn sư đạo hanïh cao thâm đã thoát khỏi
vòng tương đối cuả ảo ảnh (mâyâ) mà những đối tượng không còn
làm cho họ băn khoăn chú ý. Sri Yukteswar không hề biểu lộ một dấu hiệu
Tôn kính trọng vọng quá mức những kẻ có quyền thế cũng như những bậc
hiền minh cũng như người không bao giờ khinh rẽ những kẻ bần cùng hay dốt
nát. Người sẵn lòng chú ý nghe một điểm chân lý thốt ra từ cửa miệng
một đức trẻ nhỏ, hơn là nghe ý kiến một nhà bác học tự phụ, kiêu
căng.
Bửa ăn chiều dọn ra lúc tám giờ
tối và đôi khi có những quan khách đến thình lình. Sư phụ cho là mình
không làm tròn bổn phận chủ nhà nếu một vị khách nào rời khỏi đạo
viện trong sự bất mãn hoặc không được no lòng. Người không bỏ sót một
điều gì, không bao giờ bị bối rối vì có khách đến bất ngờ; không
bao giờ cạn hết phương tiện, người có thể bày ra một bữa ăn đầy
đủ ngon lành với những vật liệu tối thiểu, hầu như chẳng có gì! Tuy
vậy người biết tiết kiệm mà không quá ư hà tiện. Người thường hay
nói:"Hãy biết ăn ở rộng rãi tuỳ theo phương tiện của mình"
và "Thói xa xỉ chỉ đem đến thất vọng đắng cay."
Trong những giờ yên tĩnh của trời
chiều chúng tôi ngồi nghe những lời giảng huấn đầy minh triết của sư
phụ. Mỗi lời nói sâu xa của người đều có mang dấu vết của sự kinh
nghiệm tâm linh. Người nói với một lối hùng biện ít ai có. Những tư
tưởng của người được cân nhắc kỹ lưỡng do một khối óc phân biện
xác đáng, chỉ xuất khẩu thành những câu nói linh động hùng hồn. Linh hồn
người đã hoà hợp với chân lý một cách chặt chẽ đến nỗi sự thốt
ra những chân lý ấy đối với người dường như là một hoạt động của
cơ thể. Tôi ý thức rằng tôi đang đứng trước một hiện thân của Thượng
Đế, quyền lực của người bắt buộc tôi đương nhiên chịu khuất phục.
Nếu vài người khách đến trể giờ
nhận thấy Sri Yukteswar sắp nhập thiền, thì người liền đánh lạc hướng
sự chú ý của họ bằng cách lôi cuốn họ vào một cuộc đàm thoại vì
người không hề thích phô trương những khả năng siêu đẳng của mình.
Vì người đã hoà hợp thường xuyên với Chân Như Đại Thể nên người
có thể nhập thiền bất cứ lúc nào mà không cần phải tuân theo giờ khắc
nhất định. Một vị Tôn sư đã thức hiện được Chân Ngã ắt là đã vượt
lên cao hơn mức độ tham thiền."Cái hoa rụng khi cái trái đã thành
hình" Nhưng các vị Tôn sư thường Tôn trọng hình thức bề ngoài
trong việc công phu tu luyện để khuyến khích các đệ tử.
Những cuộc thảo luận đạo lý thường
kéo dài suốt đêm. Đôi khi một vị đệ tử mở màn cho cuộc thảo luận
này bằng cách nêu ra một vấn đề tối nghiêm trọng. Khi đó tôi cảm thấy
mọi sự mệt nhọc và buồn ngũ đều tiêu hao; những lời dạy tốt lành
của sư phụ là quá đủ đối với tôi.
-"Trời đã sáng rồi chúng ta
hãy đi dạo một vòng trên bờ sông", những lời nói này của sư phụ
thường chấm dứt những đêm thức sáng trắng một cách thú vị đó.
Trong những tháng đầu tiên ở đạo
viên tôi đã học được một bài học thực tế:"Làm sao để khỏi bị
muỗi cắn". Ở nhà chúng tôi đều ngủ có mùng. Tôi lấy làm kinh ngạc
mà thấy rằng người ta chỉ ngủ trần ở đạo viện Serampore, mặc dầu
ở đây rất nhiều muỗi. Toàn thân tôi từ đầu đến chân đều có đầy
những vết muỗi cắn. Sư phụ lấy làm thương hại tôi:
-"Con hãy mua một cái mùng cho
con và một cái cho thầy"
Người vừa cười vừa nói thêm:
-"Nếu con chỉ mua có một cái,
thì tất cả muỗi đạo viện đều bu lại cắn một mình thầy!"
Tôi vui vẻ vâng lời. Mỗi đêm
tôi ngủ tại đạo viện, sư phụ đều bảo tôi giăng luôn cả hai cái
mùng.
Một đêm có thật nhiều muỗi, Sri
Yukteswar quên không ra lệnh cho tôi giăng mùng như mọi khi. Tôi lắng tai
nghe ngóng chờ đợi nhưng không thấy gì. Tôi bèn lên giường nằm và cầu
nguyện thiêng liêng che chở cho tôi khỏi bị muỗi cắn. Nửa giờ sau tôi
ho lớn để làm cho sư phụ phải chú ý đến tôi, vì bầy muỗi khát máu
tấn công tôi từ bốn phía với tiếng bay kêu inh ỏi, làm cho tôi muốn
phát điên lên.
Sư phụ vẫn nằm yên bất động,
tôi bèn rón rén đến gần nhưng không nghe có hơi thở. Đó là lần đầu
tiên mà tôi thấy sư phụ trong trạng thái xuất thần đại định và tôi
lấy làm sợ hãi. Tôi thầm nghĩ :"Hay là sư phụ bị đứng tim!",
tôi lấy một tấm kiếng để trước miệng người nhưng không thấy dấu
vết hơi thở. Tôi bèn đánh bạo lấy ngón tay bịt hai lỗ mũi và miệng
người trong vài phút để kiểm chứng sự nghi ngờ của tôi. Toàn thân người
đều cứng đơ và lạnh buốt. Tôi hoảng sợ, vừa chạy ra phía cửa vừa
la thất thanh để kêu cứu.
-"Thế nào? Oâng y sĩ tí hon!
Oâng làm khổ cái mũi của tôi!"
Sư phụ cười vang lên một cách thật
tình.
-"Tại sao con không đi ngủ? Con
tưởng rằng tất cả thế gian phải thay đổi để làm vừa lòng con sao? Nếu
con muốn thay đổi thế gian, con hãy bắt đầu ở tự nơi con trước đã,
và trước hết con hãy tự giải thoát khỏi việâc sợ bị muỗi cắn!"
Tôi lủi thủi trở lại giường nằm
thì không còn thấy bóng một con muỗi nào ở gần bên. Tôi hiểu rằng sư
phụ chỉ chấp nhận cái mùng để làm vui lòng tôi thôi, chứ thật ra người
không hề sợ muỗi. Người có quyền năng hoặc khiến cho muỗi đừng cắn
hoặc trở nên bất khả xâm phạm trước sự tấn công của chúng. Tôi thầm
nghĩ rằng sư phụ đã chứng minh cho tôi thấy cái bản lĩnh của người
Yogi mà tôi còn phải cố gắng tu luyện để đạt tới. Quên hẳn tất cả
những sự chi phối của ngoại cảnh, người Yogi phải trụ tâm hồn vào
trạng thái siêu thức. Sự khuấy rối của côn trùng sâu bọ. Tia nắng gắt
của mặt trờiv.v…tất cả những cảm xúc của giác quan đều phải bị
loại trừ. Trong trạng thái đó người Yogi tiếp nhận những âm thanh những
linh ảnh, nhưng đó là thuộc về cõi giới cao siêu huyền diệu hơn.
Loài muỗi còn là đầu đề của bài
học tâm linh khác nữa trong những ngày đầu tiên của tôi ở đạo viện.
Một buổi chiều khi tôi đang thưởng thức cảnh vật êm đềm khi tôi ngồi
dưới chân sư phụ, thình lình một con muỗi bay đến quấy rầy sự yên lặng
của tôi. Khi nó vừa "cắm dùi" nhọn vào bắp đùi non của tôi,
tôi đưa lên một bàn tay sát phạt nhưng rồi lại ngừng vào giây phút
chót, khi tôi nghĩ đến lời giới răn của đạo sư Patanjali về đức bất
sát (ahimsa) hay bất bạo hành.
-"Tại sao con không hạ thủ?"
-"Bạch sư phụ, sư phụ định
bảo con sát hại loài sinh vật chăng?"
-"Không phải vậy, nhưng con đã
mưu sát ngay trong tư tưởng rồi đấy!"
-"Con không hiểu."
-"Patanjali nói rằng ngừơi ta
phải diệt trừ ngay cả ý định giết chóc."
Như vậy Sri Yukteswar đã đọc được
tư tưởng của tôi một cách rõ ràng như một quyển sách đã mở! Cõi thế
gian thật là một nơi khó thực hành thuyết bất bạo động (ahimsa) một cách
tuyệt đối. Con người có thể bị bắt buộc phải tiêu diệt những loài
sinh vật nguy hiểm mà không cảm thấy thù ghét hay căm hờn. Mọi sinh vật
đều có quyền thở bầu không khí của Mâyâ (ảo ảnh). Vị tu sĩ khám
phá cái bí quyết của sự sinh hoá sáng tạo, sẽ hoà hợp với mọi sắc
tướng biểu hiện ra dưới thiên hình vạn trạng. Người nào đã thắng
được ở tự nơi mình cái tính đa sát, bạo hành cũng sẽ hiểu được
điều đó.
-"Bạch sư phụ, ta có nên hy
sinh tánh mình thay vì phải giết một con thú dữ chăng?"
-"Không! Xác thân con người là
một vật quý. Nó có những khả năng tiến hoá ẩn tàng mà vị trí nằm
trong bộ óc và những bí huyệt nằm trong tuỷ xương sống có thể giúp
cho những vị đệ tử tiến hoá cao đạt được những trạng thái tâm
linh siêu đẳng. Không một loài sinh vật nào có được một thể xác cấu
tạo tinh vi như thế. Thật ra thì con người mắc một tội lỗi nhỏ nhặt
nếu y bắt buộc phải giết một con thú hay một loài sinh vật nào khác.
Nhưng kinh Phệ Đà (Véda) dạy rằng giết hại một mạng người tức là
vi phạm luật nhân quả một cách nặng nề."
Tôi thốt ra một tiếng thở dài nhẹ
nhõm, những trường hợp mà Thánh Kinh chấp nhận những bản năng thấp kém
của con người thất là rất ít!
Tôi không bao giờ có dịp chứng kiến
sư phụ đương đầu với một con cọp hay một con beo. Nhưng một ngày nọ
người đã khuất phục một con rắn hổ mang dữ tợn chỉ bằng mãnh lực
của lòng bác ái. Rắn hổ mang là một loài rắn dữ ở Aán Độ, và mỗi
năm có đến năm trăm ngàn người bị rắn cắn chết. Việc ấy xẩy ra tại
Puri, tại đó Sri Yukteswar có một đạo viện khác toạ lạc trong một khung
cảnh thơ mộng thần tiên trên bờ biển vịnh Bengale. Lúc ấy có một đệ
tử trẻ tên Prafulla ở một bên sư phụ. Prafulla kể chuyện:
-"Chúng tôi đang cùng sư pụ đứng
ngoài sân ở gần bên đạo viện. Một con rắn hổ mang dài độ một thước
rưỡi thình lình xuất hiện, phùng mang to tướng và phóng tới chúng tôi.
Sư phu bình tĩnhï mỉm cười tiếp đón con vật, chẳng khác như đó là một
đứa trẻ nhỏ. Tôi kinh hoàng mà thấy người vỗ hai bàn tay làm nhịp
(vì loại rắn này thường tấn công những vật đang cử động; muốn thoát
nạn phải đứng im một chỗ) dường như người muốn cảm hoá con rắn dữ!
Tôi bèn đứng yên, hoàn toàn bất động và lặng lẽ khấn vái cầu nguyện
với tất cả tâm hồn. Con rắn bò lại gần sư phụ rồi ngừng lại dường
như nó bị hấp dẫn bởi cách xử sự dịu dàng êm ái của người. Cái
mang của nó phồng lên như cái dĩa bàn lúc nãy cũng từ từ xẹp xuống, nó
lẳng lặng bò qua giữa hai bàn chân của sư phụ rồi biến mất dạng
trong đám cỏ rậm". Prafulla kết luận:
-"Hồi đó tôi không hiểu tại
sao sư phụ lại vỗ tay làm nhịp và tại sao con rắn không cắn người.
Nhưng về sau tôi biết chắc chắn rằng sư phụ không hề sợ sệt bất cứ
một loài mãnh xà ác thú nào."
II
Trong những tháng đầu tiên
tôi ở đạo viện, một buổi trưa tôi nhận thấy Sri Yukteswar nhìn tôi một
cách chăm chú:
-"Mukunda, con gầy ốm quá!"
Lời nhận xét ấy làm tôi rất
xúc động. Tôi đã uống rất nhiều thứ thuốc bổ nhưng vô hiệu vì
tôibị chứng đau bao tử kinh niên từ thuở bé. Tôi thất vọng lớn lao đến
nỗi có lúc tôi đã tự hỏi rằng cuộc đời có đáng sống hay không với
một xác thân bịnh hoạn và suy nhược như thế?
-"Sự công hiệu của thuốc men
chỉ có giới hạn, còn cái nguồn sinh lực sáng tạo ra muôn loài thì vô
biên. Con sẽ khỏi bịnh và sẽ trở nên cường tráng."
Những lời nói đó của sư phụ đánh
thức dậy nơi tôi một đức tin dũng mãnh mà không một nhà chữa bịnh
nào có thể gây ra được mặc dầu tôi đã viếng rất nhiều y sĩ và lang
băm!
Tôi càng ngày càng nặng cân. Hai tuần
lễ sau một ân huệ bí mật của sư phụ đã làm cho tôi trở nên lực lưỡng
và nặng cân thêm gấp bội. Chứng đau bao tử kinh niên cũng đã dứt tuyệt.
Trong những trường hợp khác tôi
nhận thấy sư phụ cũng đã chữa khỏi một cách mầu nhiệm những chứng
bịnh hiểm nghèo, bịnh lao, bịnh đái đường, động kinh hay tê bại. Hơn
ai hết, tôi biết ơn sư phụ đã chữa khỏi bịnh cho tôi và làm cho tôi từ
nay không còn vẻ suy nhược như cái xác khô héo nữa.
Về cách chữa bịnh một cách mầu
nhiệm Sri Yukteswar giải thích:
-Mọi sinh hoạt trong vũ trụ càn
khôn đều chịu sự chi phối của những định luật. Những định luật mà
các nhà bác học đã khám phá, nó cai quản cái thế giới bên ngoài là những
định luật thiên nhiên. Nhưng ngoài ra còn có những định luật khác nữa
tế nhị và tinh vi hơn nó cai quản địa hạt của tâm thức, mà chỉ có
khoa học huyền môn, gọi là Yoga mới có thể xác định được mà thôi.
Những cõi giới tâm linh vô hình, huyền bí cũng có những định luật thiên
nhiên những nguyên tắc tiến hoá riêng của những cỏi ấy. Cái tinh hoa của
vật chất có thể sở đắc được không phải bởi nhà bác học của thế
giới hữu hình mà chỉ bởi bậc tu sĩ giác ngộ đã thực hiện Chân Ngã.
Chính bởi lẽ đó mà đấng Christ đã chữa lành vết thương cho người
gia nô bị một vị Tông đồ chém đứt vành tai ("Và một trong số đó
chém người gia nô đứt vành tai bên mặt. Nhưng Chúa Giê Su lên tiếng, và
nói:"Hãy thôi, ngừng tay lại!"Rồi ngài lấy tay sờ vào lỗ tai ngừơi
ấy và vết thương lại lành." Luc, XXII, 50-51)
-"Tuy vậy con không hoàn toàn
chú ý đến câu chuyện, sự phản đốicủa con bắt buộc ta phải nói rằng
con đang nghĩ trong trí về việc thành lập ba đạo viện: một ở vùng đồng
bằng, một ở đồi núi và một ở ven biển!"
Những tư tưởng mơ màng đó thật
sự đã có thoáng qua trong trí tôi. Tôi nhìn sư phụ như để thú nhận việc
ấy.
-"Con còn làm gì được trước
một vị Tôn sư nhìn thấu suốt cả những tư tưởng thầm kín nhất của
mình?"
-"Con đã cho ta cái quyền đó.
Những chân lý thâm sâu tế nhị mà ta vừa nêu ra, chỉ có thể lãnh hội
được dưới một sự chú ý hoàn toàn. Thầy chỉ bước vào địa hạt những
tư tưởng thầm kín riêng tư của một người trong trường hợp tối cần
thiết. Đó là địa hạt mà mỗi người đều có trọn quyền để tư tưởng
tự do phiêu lưu tuỳ ý muốn. Dẫu cho Thượng Đế cũng không lọt vào đó
nếu không được mời! Thầy cũng không mạo hiểm bước vào đó nếu con
không muốn."
-"Bạch Sư phụ, con luôn luôn
hân hạnh được sư phụ chiếu cố."
-"Những ước mơ lập đạo viện
của con sẽ được thực hiện sau này. Con bây giờ hãy bắt tay vào việc!"
Như thế sư phụ đã tiên đoán ba
việc quan trọng trong đời tôi. Từ thuở thiếu niên tôi thường thấy xuất
hiện trước nhãn quang của tôi những linh ảnh lạ lùng về ba ngôi kiến
trúc toạ lạc trên ba khu đất khác nhau. Những ngôi kiến trúc đó được
thực hiện theo thứ tự mà sư phụ đã tiên đoán. Trước hết là một trường
dạy Yoga cho thanh thiếu niên ở đồng bằng tỉnh Ranchi; kế đó là tổng
hành dinh của tôi ở Mỹ quốc, trên một ngọn đồi ở Los Angeles và sau
cùng là một đạo viện trên bờ biển Thái Bình Dương ở California.
Sư phụ không bao giờ tự hào mà
tuyên bố rằng:"Ta đã tiên tri việc nọ hay việc kia" mà chỉ nói
rằng: "Con có nghĩ rằng việc nọ hay việc kia có thể xảy đến
chăng?" Tuy nhiên những lời nói giãn dị ấy có hàm xúc một ý nghĩa
sâu xa thâm trầm, tuy rằng che dấu nhưng luôn luôn được xác nhận bởi
những sự kiện xảy ra về sau.
Sri Yukteswar xét đoán mói sự một
cách rất dè dặt và rất đúng đắn. Người không phải là một triết
gia mơ tưởng nói những lý thuyết vu vơ trong khoảng không. Đầu óc nghĩ
trên mây nhưng hai chân trồng vững chắc trên mặt đất. Sư phụ thu hút
được sự thán phục của những người thực tế.
Tấm gương cuộc đời của sư phụ
đã cho phép tôi quy định một đường ranh giới giữa sự thực tế tâm
linh và khoa thần bí mơ hồ. Sư phụ không thích những cuộc thảo luận viển
vông siêu hình, tâm hồn của người thật giản dị. Sư phụ không hề
dùng lời nói ám chỉ hoặc nhắc đến những hiện tượng siêu nhiên mà
chỉ làm những việc đó một cách thật sự. Những người khác nói chuyện
về những phép lạ mà không làm được; Sri Yukteswar ít khi nói đến những
định luật của thế giới vô hình, nhưng sử dụng những định luật đó
trong vòng bí mật và tuỳ theo ý muốn. Người giải thích:
-"Người đã giác ngộ chỉ thực
hiện những việc nhiệm mầu tuỳ theo mệnh lệnh của Chân Ngã. Thượng
Đế không muốn những bí mật của Trời Đất được tiết lộ cho kẻ phàm
tục. Mặt khác, mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm sử dụng
tự do ý chí của mình. Dẫu cho một bậc thánh cũng không được xâm phạm
đến cái quyền tự do thiêng liêng đó.
Vì sư phụ có thái độ khiêm tốn
không thích khoa trương nên ít ai biết người là một bậc siêu nhân. Lời
sáo ngữ:"Điên rồ thay cho kẻ nào không biết dấu diếm sự minh triết
của mình" bao giờ cũng vẫn đúng.
Khi tôi sờ hai bàn chân thiêng
liêng của sư phụ, tôi cảm thấy có một luồng điện chạy khắp châu
thân. Các đạo sĩ Yogi dạy rằng người đệ tử khi tiếp xúc với Tôn Sư
tiếp nhận được một luồng từ điển tâm linh làm cho mọi dấu vết xấu
xa của dĩ vãng được xoá bỏ, mãnh lực của những dục vọng trần gian
được điều chỉnh lại thăng bằng và bức mản ảo vọng, vô minh
(Mâyâ) được vén lên trong một lúc để cho y thực nghiệm chân hạnh
phúc. Toàn thân tôi dường như được tinh luyện và chiếu diệu một vầng
hào quang giải thoát khi mà theo tập quán Aán Độ tôi quỳ dưới chân sư
phụ. Sư phụ kể lại:
-"Dẫu cho Lahiri Mahasayâ im lặng
hoặc là nói về những vấn đề không liên quan đến đạo lý, ta cũng thâu
thập nơi ngài một nền minh triết thâm sâu không lường".
Đó là điều mà tôi cảm xúc được
khi có sự hiện diện của Sri Yukteswar. Mỗi khi tôi mệt mỏi hoặc chán nản,
tôi đến đạo viện và tâm trạng của tôi thay đổi lần lần. Một sự
yên tĩnh tốt lành xâm chiếm tâm hồn tôi khi tôi nhìn thấy sư phụ. Mỗi
ngày sống gần bên sư phụ đều đem đến cho tôi một kinh nghiệm mới về
sự minh triết, bằng an và phúc lạc. Sư phụ không bao giờ cảm thấy thất
vọng, ganh ghét, giận hờn hay tha thiết theo thói thường tình của thế
nhân.
-"Tấm màn ảo ảnh vô minh bao
phủ thế gian một cách từ từ và yên lặng. Chúng ta hãy tìm nơi trú ẩn
bên trong nội tâm của mình."
Đó là câu mà sư phụ nhắc nhở các
đệ tử hãy công phu theo pháp môn Kriyâ Yoga vào mỗi buổi chiều tà. Một
hôm một đệ tử mới bày tỏ sự nghi ngờ khả năng của mình trong việc
thực hành pháp môn Kriyâ Yoga. Sri Yukteswar an ủi y như sau:
-"Hãy quên cái dĩ vãng. Dĩ vãng
của mỗi người đều đầy dẫy những điều hổ thẹn. Cách xử thế của
con người không được toàn vẹn khi mà nó không được hoà hợp với
thiêng liêng. Trong tương lai con sẽ tiến bộ dưới những điều kiện cố
gắng công phu không ngừng về phương diện tâm linh."
Ở đạo viện sư phụ luôn luôn
có những đệ tử trẻ tuổi. Sư phụ đặt hết tâm hồn vào việc trí dục
và đức dục của họ. Những môn sinh trong đạo viện đều yêu mến và
kính trọng sư phụ; người chỉ cần vỗ nhẹ hai bàn tay cũng đủ làm cho
họ chạy đến ngay một cách mau mắn. Khi người ngồi yên bất động
trong cơn toạ thiền thì tất cả đều im lặng không ai thốt ra một lời
nào. Khi tiếng cười giòn giả của sư phụ vang lên một cách vui vẻ thì
tất cả đều thoải mái và coi người như một người bạn.
Sư phụ ít khi đòi hỏi sự phục
dịch của các đệ tử và chỉ nhận công tác đó của những vị nào
thành thật và sẳn lòng muốn giúp đỡ. Sư phụ tự giặt giũ lấy quần
áo của mình khi nào các đệ tử quên làm công việc đó. Người khoác chiếc
áo màu vàng sậm của giới tu sĩ và mang giày bằng da cọp hay da hưu, theo
thói quen của các đạo sĩ Yogi.
Sư phụ có vẻ hài lòng về sự tiến
hoá tâm linh của tôi, vì người ít khi sửa chửa tôi về khía cạnh đó.
Những lỗi lầm của chính tôi là tính lãng trí, sự cau có gắt gỏng, sự
vi phạm một vài điểm kỷ luật và đôi khi làm việc cẩu thả thiếu phương
pháp. Về điểm này một hôm sư phụ nói với tôi:
-"Con hãy xem những hoạt động
của lịnh Tôn, Bhagabatti, thật là sắp đặt có mực thước và tổ chức
quy củ khéo léo dưới tất cả mọi phương diện."
Cha tôi và Sri Yukteswar đều là đệ
tử của đức Lahiri Mahâsaya. Hai vị đã gặp nhau ít lâu sau khi tôi bắt
đầu những chuyến hành hương đến Serampore. Hai người đều có sự quý
mến lẫn nhau và cả hai đều xây dựng đời sống tâm linh của mình trên
một nền tảng vững chắc.
III
Tính chất riêng của tôi làm
cho tôi thiên hẳn về con đường Sùng Tín. Lúc đầu tôi lấy làm hoang
mang khi thấy rằng sư phụ tuy thấm nhuần đức Minh Triết (Jnâna) lại có
vẻ xa lạ với đức Sùng Tín (Bhakti) vì người thường giảng chân lý bằng
một phương pháp thuần lý trí, khô khan, máy móc và lạnh lùng. Nhưng khi tự
đặt mình trong sự hoà hợp tâm linh với sư phụ, tôi cảm thấy rằng con
đường Sùng Tín mà tôi noi theo để đạt tới Chân Lý, lại càng tăng
trưởng chứ không giảm sút. Một vị Tôn sư đã hoàn toàn giác ngộ có
thể dìu dắt các đệ tử trên bất cứ con đừơng nào thích hợp với họ.
Những sự giao cảm giữa tôi với
sư phụ tuy im lặng không lời nhưng có ý nghĩa rất nhiều. Lắm khi sự im
lặng của người đem đến sự giải đáp cho những tư tưởng thầm kín của
tôi, làm cho lời nói cũng bằng thừa. Ngồi một bên sư phụ tôi cảm thấy
ảnh hưởng tốt lành của người thấm vào tận chỗ thâm sâu bí ẩn nhất
của tâm hồn tôi.
Tôi đã có dịp nhận xét sự công
bình vô tư của Sri Yukteswar trong những tháng nghỉ hè ở trường đại học.
Cái viễn ảnh sẽ sống trong nhiều tháng liên tiếp tại đạo viện gây
cho tôi một sự hứng thú say sưa. Khi tôi vừa đến. Sư phụ liền thông
báo:
-"Con sẽ làm Quản đốc đạo
viện. Bổn phận của con sẽ gồm có việc tiếp khách và giám sát công việc
của những đệ tử khác."
Nửa tháng sau, có một thanh niên miền
đông tỉnh Bengale tên là Kumar được thu nhận. Y rất thông minh nên không
bao lâu y được sư phụ mến thương, và vì một lý do khó tả, sư phụ dành
cho y một sự ưu đãi rất đặc biệt.
-"Mukunda, từ rày về sau Kumar sẽ
làm Quản đốc đạo viện, còn con sẽ lo việc nội trợ bếp núc."
Sư phụ lại ra lịnh như thế khi
Kumar vừa đến ở đạo viện mới được có một tháng!
Hãnh diện với chức vụ mới,
Kumar bèn lên giọng hách dịch quyền hành trong đạo viện. Các đệ tử khác
ngầm thoả thuận với nhau để tiếp tục đến nhận chỉ thị của tôi hằng
ngày.
-" Mukunda thật là khó chịu! Sư
phụ đã giao chức Quản đốc cho con , nhưng các huynh đệ khác lại đến
tìm y và vâng lời y!"
Kumar lên trình với sư phụ như thế
sau đó ba tuần lễ, và tôi nghe lỏm được câu chuyện từ gian phòng bên
cạnh.
-"Bởi đó nên ta mới cho nó xuống
nhà bếp còn con thì lên phòng khách!"
Giọng nói khinh bỉ của sư phụ là
một điều bất ngờ đối với Kumar.
-"Như vậy con sẽ hiểu rằng một
ngừơi lãnh đạo có khả năng phải dốc lòng phụng sự chứ không phải
ỷ thế lạm quỳên. Con muốn lãnh chức vụ của Mukunda nhưng con lại bất
lực không kham nổi địa vị đó bằng tài đức của mình. Bây giờ con
hãy trở về với công việc ở nhà bếp mà con đã làm từ lúc đầu."
Sau khi xảy ra chuyện ấy, Sư phụ
lại tiếp tục dành cho Kumar một sự biệt đãi và khoan dung như trước. Có
ai lường được sự bí ẩn của tình thương? Sư phụ dành cho Kumar những
sự ưu đãi tế nhị mà ngừơi không dành cho những đệ tử khác. Tuy
Kumar đã rỏ ràng là người thân tín chọn lọc của sư phụ nhưng tôi
không cảm thấy ganh tị.
Thậm chí Tôn sư cũng có những sự
biệt đãi, thiên vị đối với một vài đệ tử. Điều này làm cho cuộc
đời có những khía cạnh vô cùng phong phú. Bản tính tôi ít khi chú ý đến
hững chuyện nhỏ nhặt. Tôi hoài vọng ở Sri Yukteswar những kho tàng tâm
linh quý giá khác hơn là những sự biệt đãi hoặc những lời khen.
Một hôm Kumar gây gỗ với tôi một
cách vô lý và thốt ra những lời lẽ nặng nề. Tôi bị chạm tự ái rất
nặng.
-"Huynh đừng quá nóng",
tôi trả lời và cảnh cáo y,"Nếu huynh không sửa đổi tánh hạnh chắc
có ngày huynh sẽ bị mời ra khỏi đạo viện."
Kumar phát lên giọng cười ngạo
nghễ và lập lại những lời nói của tôi cho sư phụ khi người vừa bước
vào. Tôi tưởng chắc phen này mình bị quở trách nặng nề, bèn khép nép
đứng thu hình vào một góc phòng.
-"Có thể rằng Mukunda nói có
lý!" Sư phụ đáp lại với một giọng lạnh lùng khác hẳn mọi khi,
còn tôi không bị quở.
Một năm sau, Kumar về quê thăm gia
đình bất kể đến sự bất mãn câm lặng của sư phụ, vì người không
bao giờ sử dụng uy quyền đối với các đệ tử. VaØi tháng sau đó, khi
y trở lại đạo viện y đã thay đổi một cách bất ngờ. Y không còn là
một chàng thanh niên hiên ngang có gương mặt khôi ngô sáng sủa trầm lặng,
mà là một anh nông dân thô tục vừa mắc phải nhiều tật xấu.
Sư phụ gọi anh ta lại và lấy
làm đau lòng mà nhận thấy rằng người thanh niên ấy không còn thích hợp
với đời sống ở đạo viện.
-"Mukunda, con hãy nói với Kumar
rằng y phải rời khỏi đạo viện vào sáng ngày mai. Ta không đủ can đảm
nói với y!"
Sư phụ rưng rưng giọt lệ, nhưng
người bèn trấn tĩnh ngay:
-"Nếu y biết vâng lời ta mà
đừng về nhà để bị bạn bè bất hảo lôi cuốn, thì y đã không đến
nỗi quá truỵ lạc như vậy. Y đã từ khước sự che chở của ta. Từ nay
cuộc đời cay đắng phũ phàng sẽ là thầy của y."
Sự ra đi của Kumar không gây nơi tôi
một sự thoả mãn tự ái nào cả; lòng buồn man mác tôi tự hỏi vì sao một
người có cái diễm phúc được sư phụ mến yêu, lại có thể coi trọng
những thú vui phàm tục hơn thầy. Rượu chè đàng điếm có tác dụng như
những thứ thuốc độc hại người. Trong nội tâm ta vốn có sẳn một niềm
phúc lạc mà ta luống công đi tìm một cách vô ích ở khắp mọi nơi.
Có lần sư phụ bình phẩm về
Kumar:
-"Trí thông minh có hai mặt, nó
có thể xây dựng hay phá hoại cũng như một con dao bén có thể dùng để
giải phẩu một mụt nhọt ung thư hoặc dùng để giết người. Trí thông
minh chỉ đi đúng đường khi nào con người đã phát triển tâm linh và hiểu
biết đạo lý."
IV
Trong số các đệ tử ở đạo
viện có vài người thuộc về phái nữ; Sư phụ săn sóc tất cả mọi người
cũng như những người con trong gia đình. YÙ thức được sự bình đẳng của
tất cả mọi linh hồn, người không phân biệt vấn đề nam nữ.
Người nói:
-"Trong giấc ngủ người ta không
ý thức rằng mình là đàn ông hay đàn bà. Cũng như một người nam không
trở thành một người nữ khi y mặc quần áo đàn bà thì linh hồn cũng vậy;
linh hồn khoác lấy một thể xác đàn ông hay đàn bà nhưng thật ra nó vốn
không có tính chất nam hay nữ. Linh hồn của con người chỉ là một hình
ảnh thuần khiết và bất tử của đấng Thiêng Liêng".
Sri Yukteswarr không tránh né phụ nữ,
người không cho rằng phụ nữ là mục tiêu cám dỗ người đàn ông, và
nói rằng: "Đàn ông cũng là một sự cám dỗ đối với đàn bà!"
Tôi bèn hỏi vì sao một vị thánh nhân thời cổ đã nói rằng đàn bà là
"cửa vào địa ngục"? Sư phụ giải thích:
-"Chắc hẳn là trước kia một
thiếu nữ đã gây nhiều xáo trộn và làm mất sự bình an trong lòng ông
ta. Nếu không, thì ông ta đã không lên án đàn bà, mà chỉ trách mình
không biết tự chủ". Những đệ tử thật lòng muốn diệt trừ ảo vọng,
tìm thấy nơi Sư phụ những lời khuyên sáng suốt:
-"Cũng như người ta ăn uống
để giải bớt sự đói khát chứ không phải thỏa mãn sự tham ăn, thì bản
năng sinh lý là để lưu truyền nòi giống theo định luật thiên nhiên chứ
không phải để thỏa mãn dục tính thấp hèn. Hãy diệt trừ dục vọng xấu
xa ngay bây giờ, kẻo nó sẽ theo dõi ta qua tận trung giới khi ta rời bỏ
xác phàm. Trước một sự cám dỗ quá mạnh, ta phải chống lại bằng một
sự phân tích khách quan và một ý chí bất khuất. Như thế, những dục vọng
mạnh mẽ tự nhiên sẽ được chế ngự.
"Chúng ta hãy biết bảo toàn
sinh lực. Ta hãy làm như biển đại dương, thu hút về mình tất cả mọi
nguồn sông, rạch của giác quan. Trong cái kho vô tận của niềm an tịnh
bên trong nội tâm, những mối xúc cảm nhỏ nhặt của thất tình lục dục
đều là những lỗ hổng làm chảy mất đi những nguồn sinh khí bảo dưỡng,
nó sẽ bị khô cạn trên bãi cát khô khan của duy vật chủ nghĩa. Aùp lực
chuyên chế của những dục tính xấu xa là kẻ thù lớn nhất của hạnh
phúc con người. Các con hãy tập lấy tính tự chủ và đừng bao giờ mở
rộng cửa để dung dưỡng sự yếu đuối."
Ngoài ra các Kinh Thánh, Sri Yukteswarr
chỉ chú trọng đến rất ít sách vở. Tuy thế, người vẫn biết rõ những
phát minh khoa học mới nhất và những ngành học thuật khác của nhân loại.
Sư phụ rất hùng biện trong những cuộc đàm thoại với những vị khách
viếng thăm đạo viện; tính tình vui vẻ, người làm cho câu chuyện trở
nên sôi nổi hào hứng. Người thường nghiêm trang, nhưng không bao giờ có
nét mặt sầu thảm. Người nói: "Tu hành không có nghĩa là lúc nào cũng
phải có bộ mặt đưa đám. Các con hãy nhớ rằng tu hành đắc Đạo tức
là chấm dứt tất cả mọi điếu phiền não, nghiệp chướng."
Trong số những nhà trí thức, học
giả, bác học từng đến viếng thăm đạo viện, nhiều người tưởng rằng
ở đây họ sẽ gặp một tu sĩ thuộc về loại tầm thường cũng như bao
nhiêu tu sĩ khác. Họ biểu lộ cái tâm trạng đó đôi khi bằng một cái cười
ngạo nghễ, hay cặp mắt khinh thường. Nhưng đến khi họ ra về, họ lấy
làm ngạc nhiên mà thấy rằng Sri Yukteswarr đã tỏ ra có những kiến thức
rộng rãi và tầm hiểu biết sâu xa trên mỗi lãnh vực chuyên môn của họ.
Sư phụ rất hiền hoà và khả ái
đối với những khách viếng thăm và tiếp đón họ một cách mặn mà lịch
sự. Tuy nhiên những kẻ ích kỷ lố lăng hay ngạo mạn đều bị người
cho những bài học đích đáng. Trong những dịp đó họ bị người dành
cho hoặc một sự thờ ơ lạnh lùng, hoặc một sự chống đối mãnh liệt.
Một nhà hoá học trứ danh một
hôm đã có dịp chạm trán với sư phụ. Oâng ta từ chối không nhìn nhận
là có Thượng Đế bởi vì khoa học không thể chứng minh được việc ấy.
Sư phụ nói mỉa mai:
-"À, thế là ông chưa tìm ra
cái Quyền Năng thiêng liêng bằng những công thức hoá học trong phòng thí
nghiệm? Tôi đề nghị là ông hãy làm một cuộc thí nghiệm khác thường
này: ông hãy theo dõi và phân tích những tư tưởng của ông không ngừng
trong 24 giờ liên tiếp. Chừng đó ông không còn thắc mắc về sự không
tìm thấy Thượng Đế."
Những người hãnh diện về quyền
thế và địa vị cao sang của họ ở ngoài đời, đã có dịp nhận một
bài học khiêm tốn trước mặt sư phụ. Một vị thẩm phán địa phương
một hôm tình cờ đến viếng đạo viện của sư phụ trên bờ biển ở tỉnh
Puri. Vị này từng nổi tiếng là một viên chức khắc nghiệt và có đủ
quyền hành để đuổi chúng tôi ra khỏi đạo viện nếu y muốn. Tôi dặn
trước sư phụ hãy nên cẩn thận khi tiếp đón ông ta. Nhưng sư phụ không
màng để ý đến lời dặn của tôi chút nào và thậm chí không đứng dậy
để tiếp đón vị khách quý ấy. Tôi hơi e ngại bèn đứng nép một bên
ở phía gần cửa vào. Vị thẩm phán buộc lòng phải chịu ngồi trên một
cái ghế đẩu nhỏ bằng gỗ, vì sư phụ không ra lệnh cho tôi lấy ghế
bành. Vị thẩm phán hẳn là trông đợi sự tiếp đón trọng hậu hơn với
những nghi lễ dành cho địa vị, quyền chức của mình, bèn lộ vẻ thất
vọng rõ rệt..
Kế đó diễn ra một cuộc thảo luận
về đạo lý. Người khách Bình Luận các thánh kinh với rất nhiều điểm
sai lầm. Khi sư phụ vạch cho y thấy những điểm đó, y bèn nổi nóng cãi
lại và nói lớn:
-"Đại Đức có biết rằng
tôi đã đậu thủ khoa trong kỳ thi Tiến sĩ Triết học?"
Sư phụ đáp:
-"Này ông thẩm phán, ông quên
rằng ông không phải ngồi trước một phiên toà. Những lời bình luận
kém cỏi của ông làm cho tôi nghĩ rằng sự học có lẽ của ông không
được chu đáo lắm. MoÄt bằng cấp khoa cử, tuy vậy không liên hệ gì đến
cái tinh hoa thâm thuý của kinh Phệ Đà (Veda). Người ta không sản xuất
thánh nhân từng kỳ hạn như những vị tân khoa.
Vị thẩm phán bị "chỉnh"
bằng cách đó rốt cuộc đành phát tiếng cười lớn một cách thật
tình. Oâng ta nói:
-"Đây là cuộc gặp gỡ đầu
tiên của tôi với một vị thâm phán của trời!"
Ít tháng sau đó ông ta làm một lá
đơn chánh thức với những danh từ luật pháp, nó đã trở thành bản
tính tự nhiên thứ nhì của ông ta để xin nhập môn vào đạo viện với
tư cách một "đệ tử tập sự".
Sư phụ đích thân chăm lo quản lý
tài sản của mình. Những kẻ bất lương đã nhiều lần âm mưu chiếm đoạt
ruộng đất hương hoả của sư phụ. Sri Yuteswa đã cương quyết lật tẩy
âm mưu đen tối của họ, thậm chí đã đưa họ ra trứơc pháp luật. Người
tự đảm nhiệm việc kiện thưa rắc rối này để khỏi phải trở nên một
gánh ặng cho các đệ tử. Tôi không bao giờ nghe sư phụ đòi hỏi tiền bạc
hoặc ám chỉ việc cần dùng tiền vì một mục đích này hay một mục đích
khác. Việc giảng huấn tại đạo viện được hoàn toàn miễn phí cho tất
cả các đệ tử.
Một ngày nọ, một viên thừa phát
lại đột nhiên xuất hiện tại đạo viện Serampore với một trát tòa. Y
tỏ ra hỗn láo với Sri Yukteswarr:
-"Oâng nên từ giả đạo viện
để đến thở bầu không khí lương thiện của pháp đình."
Y vừa nói vừa có một nụ cười
khinh ngạo. Tôi không thể tự chủ được nữa, giận sôi lên và hăm hở
tiến tới:
-"Oâng còn hỗn láo, tôi sẽ đập
cho ông một trận."
Kanai, một đệ tử trẻ đứng gần
đấy, cũng nổi cơn thịnh nộ:
-"Đồ xấc láo! Sao mi dám
buông lời xúc phạm trong chốn thiêng liêng."
Sư phụ bèn can gián chúng tôi:
-"Các con hãy bình tĩnh, đừng
nóng giận. Người này chỉ làm bổn phận của y đấy thôi."
Viên thừa phát lại, ngạc nhiên
vì sự can thiệp đầy hảo ý đó, bất giác thốt ra vài lời xin lỗi
vàliền kiếu từ ra về mà không đòi hỏi gì thêm nữa.
Thật là một điều lạ lùng mà thấy
một vị Tôn sư vời một ý chí dũng mãnh bất khuất, lại có thể bình tĩnh
được như vậy. Người thật là tiêu biểu cho một bậc siêu nhân đúng
theo định nghĩa của kinh Phệ Đà:
"Nói về sự tốt lành thì người
còn êm dịu hơn bông hoa; nhưng khi những nguyên tắc đạo lý bị xâm phạm
thì người còn dũng mãnh hơn sấm sét".
Cách xử thế toàn vẹn của một bậc
thánh nhân gây cho ta một ấn tượng mạnh mẽ sâu sa hơn nhũng lòi nói:
"Kẻ nào thắng được cơn nóng giận, còn cương dũng hơn một bậc
anh hùng, và người nào tự chủ được mình còn cao cả hơn một viên hổ
tướng chiếm đoạt thành trì."
Tôi thường suy nghiệm rằng Sư phụ
đã có thể trở nên một bậc hoàng đế hay một nhà chinh phục tiếng tăm
lùng lẫy nếu người chọn con đường lợi danh và những sự thành công
theo thế tục. Nhưng trái lại, người đã chọn việc đả phá những
thành trì của sự hận thù và lòng ích kỷ, sự triệt hạ những thành
trì đó mới là ghi dấu sự cao cả của con người.
- Mục
lục | Lời tựa | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25|
- Chúng tôi chân thành cảm ơn Phật tử
Huỳnh Thanh Hương đã phát tâm đánh máy gởi sách này về tặng cho Ban
biên tập Đạo Phật Ngày Nay.