- XỨ PHẬT HUYỀN
BÍ
- Nguyên tác: AUTOBIOGRAPHIE D’UN
YOGI
- Của: Tu sĩ PARAMHANSA
YOGANANDA
CHƯƠNG TÁM
SƯ PHỤ
SRI YUKTESWARR.
-"Đức tin nơi thiêng
liêng có thể giúp ta làm nên mọi việc, trừ ra việc thi đậu mà không
có học bài!" Tôi ngạo nghễ xấp lại quyển sách mà tôi đã giở ra
trong một lúc nhàn rỗi và thầm nghĩ:
-"Sự dè dặt của tác giả
này chứng tỏ sự hoàn toàn thiếu đức tin. Có lẽ y chú trọng thái quá
đến việc thi cử."
Tôi đã hứa với cha tôi là sẽ học
cho đến hết chương trình ban Tú Tài. Tôi không tự hào rằng mình chăm học.
Những tháng sau cùng, tôi thường đến ngồi suy tư ở những nơi vắng vẻ
trên bờ sông Hằng, thay vì đến lớp học.
Khu đất dành cho việc hoả táng
xác chết, đặc biệt rùng rợn lúc ban đêm có một sức hấp dẫn rất lớn
đối với những tu sĩ Yogi. Người đi tìm chân lý, tìm cái tinh hoa của sự
bất tử ắt không cảm thấy ghê rợn trước những cảnh thây ma và sọ
người. Tính chất vô thừơng của sự vật trần gian càng biểu hiện rõ
hơn ở gần bên cảnh tượng rùng rợn của những đống xương tàn. Đó
là bối cảnh của những cuộc đi chơi đêm của tôi, thật khác xa với lối
tiêu khiển của bao nhiêu đứa học trò khác!
Tuần lễ thi Tú Tài ở trường
trung học đã sắp đến. Thời gian chờ đợi thất là một giai đoạn cực
hình; tâm trí tôi không hề được phút nào ngơi nghỉ. Trong những đêm
làm bạn với xác chết và sọ người tôi đã thu thập được một kiến
thức không có dạy ở nhà trường, nhưng còn thiếu cái quyền năng của
tu sĩ Pranabhâ, là phân thân để xuất hiện cùng lúc ở hai nơi!
-"À, Mukunda! Mấy ngày nay anh
đi đâu mà biệt tích vậy?". Một bạn học gọi tên tôi ở ngoài đường
vào một buổi chiều.
-"À, Nantu, chào anh! Vì biệt
tích nên bây giờ tôi mới nguy như thế này!"
Nantu là một học trò giỏi, y cười
một cách thoải mái vì sự thú nhận của tôi.
-"Tự nhiên là anh không đủ
chuẩn bị để ứng phó với những bài thi năm nay. Có lẽ tôi nên giúp
anh!"
Những lời nói đó vang dội bên
tai tôi như một lời hứa hẹn thiêng liêng. Tôi bèn hối hả đi đến nhà
bạn tôi. Y chỉ dẫn cho tôi nghe một cách vắn tắt cách giải đáp những
câu hỏi mà y cho rằng các giám khảo có thể đưa ra trong kỳ thi năm nay.
-"Đó là tất cả những câu hỏi
"hóc búa" mà họ sẽ dùng để hạ những thí sinh. Anh hãy học kỷ
những bài giải đáp của tôi rồi anh sẽ "trúng tủ"!
Đêm đã khuya sau khi tôi từ giả bạn
tôi ra về. Sau khi đã tự nhồi sọ với những kiến thức mới đó, tôi
nhiệt thành cầu nguyện sao cho những điều đó đừng tiêu tan như mây
khói vào những ngày quyết định. Chương trình thi tú tài gồm nhiều môn
học khác nhưng trong khi vội vàng, Nanu đã quên môn Phạn ngữ. Tôi cầu
nguyện thiêng liêng hãy giúp tôi vượt qua sự thiếu sót đó.
Sáng ngày hôm sau tôi đi bách bộ dạo
chơi và ôn lại trong trí những bài giải đáp vừa học được. Khi tôi
đi vào một đường nhỏ qua một khoảnh đất trống, tôi thấy trên bãi cỏ
vài trang giấy có chử in; tôi lượm lên xem thì thấy đó là một bài văn
thơ Phạn ngữ cổ điển. Tôi bèn đi tìm một học giả hay chử để giúp
tôi bình luận bài văn thơ này. Giọng ngâm nga phong phú của ông ta làm nổi
bật lên những âm điệu và vần thơ bất hủ của thứ cổ ngữ này.
-"Những câu thơ đặc biệt này
chắc không phải là đầu đề thi năm nay", nhà học giả nói với một
nụ cười hoài nghi.
Tuy vậy sự hiểu biết tường tận
dầu chỉ có một bài thơ duy nhất, đã giúp tôi vượt qua bài thi Phạn ngữ
trong ngày hôm sau. Sự chỉ dẫn của Nantu cũng giúp tôi có được số điểm
trung bình về những môn học khác.
Cha tôi lấy làm sung sướng mà thấy
rằng tôi đã giữ đúng lời hứa. Tôi biết ơn Thượng Đế đã giúp tôi
qua sự trung gian của Nantu và đã khiến tôi đi rẽ qua con đường tắt trên
mảnh đất hoang có rải rác giấy tờ vụn vặt. Như vậy ngài đã hai lần
che chở cho tôi.
Quyển sách mà tác giả phủ nhận
quyền năng thiêng liêng đối với vấn đề thi cử lại hiện ra trước mắt
tôi. Tôi mỉm cười và thầm nghĩ: "Y sẽ phân vân đến đâu nếu tôi
cho y biết rằng sự tham thiền giữa những thây ma nơi nghĩa địa đã
giúp tôi thi đỗ tú tài!"
Với tư cách một cậu tú tân khoa,
tôi có thể chuẩn bị để công khai rời khỏi gia đình. Sau khi hội ý với
Jintendra Mâzumda, tôi quyết định đến một đạo viện Mahâmandal ở
Bénarès để theo một khoá huấn luyện tâm linh.
Tuy nhiên tôi cảm thấy nghẹn ngào
khi nghĩ đến việc chia ly với gia đình. Từ khi mẹ tôi qua đời, tôi cảm
thấy nảy nở một tình thương đậm đà đối với hai em trai tôi là
Sananda và Bishnu. Tôi bèn lui vào nơi ẩn trú của tôi trên gác lầu, là chỗ
tôi vẫn công phu tham thiền hằng ngày. Tôi khóc rất lâu và sau cùng tôi cảm
thấy có một sự thay đổi diệu huyền trong người tôi, dường như dưới
ảnh hưởng của một mảnh lực vô hình nào. Sợi dây trói buộc của
tình thương gia đình đã bị bẻ gẫy. Quyết định xuất gia tầm đạo của
tôi đã trở nên cứng rắn, không sao lay chuyển. Tôi lo hoàn tất việc chuẩn
bị lên đường.
Cha tôi bằng lòng cho tôi đi một cách
luyến tiếc. Tôi hối hả lên đường để đúng hẹn với Jitendra, y đã
có mặt tại đạo viện Bénarès. Khi tôi đến nơi, tu sĩ Dayânanda, vị sư
trưởng hãy còn trẻ tiếp đón tôi một cách nồng hậu. Tác cao hơi gầy
vẻ mặt suy tư trầm tĩnh, tu sĩ đã gây cho tôi một ấn tượng tốt lành.
Gương mặt khôi ngô của tu sĩ phảng phất những nét giống như của đức
Phật.
Tôi lấy làm sung sướng mà thấy rằng
nơi tư thất mới của tôi có một cái gác nhỏ ở đó mỗi buổi sáng
tôi có thể tham thiền trong vài giờ. Những đệ tử trong đạo viện không
quen thực hành môn thiền định bèn quyết định giao cho tôi một công việc
tổ chức. Họ khen tặng tôi về công việc tôi làm ở văn phòng mỗi buổi
chiều.
-"Huynh không nên nhập Niết
Bàn quá sớm!", một bạn đồng môn nói với tôi khi tôi rút lui lên
gác.
Tôi bèn đến gặp tu sĩ Dayânanda
trong am thất nhỏ của ngừơi có cửa sổ nhìn xuống sông Hằng:
-"Thưa sư trưởng, tôi không hiểu
ở đây người ta muốn tôi phải làm gì. Tôi đang công phu để đạt tới
Đạo một cách trực tiếp. Không được vậy thì không một địa vị, một
tín ngưỡng, một sứ mạng nào có thể làm cho tôi thoả mãn."
Vị sư trưởng mặc áo vàng sậm vỗ
nhẹ lên vai tôi một cách thân mật. Người rầy một cách nhẹ nhàng vài
người đệ tử đang đứng gần bên:
-"Hãy để yên Mukunda! Y sẽ
quen dần lối sống ở đây"
Tôi nén lòng một cách lễ phép để
khỏi nói rằng tôi lấy làm ngờ về việc đó! Những đệ tử rời khỏi
phòng không để ý bao nhiêu tới lời khiển trách vừa rồi. Tu sĩ Dayânanda
nói với tôi:
-"Mukunda, cha em gởi tiền cho em
đều đều. Em hãy gởi trả về nhà vì ở đây em không cần dùng tiền. Một
điểm kỷ luật khác là vấn đề ăn uống; khi em đói, em hãy đừng để
cho người ngoài nhìn thấy!"
Tôi không biết rằng bề ngoài tôi
có lộ vẻ đói hay không. Nhưng điều mà tôi biết quá rõ, ấy là tôi đói.
Ở đạo viện buổi cơm đầu tiên dọn ra vào lúc giữa trưa; ở nhà tôi
vẫn có thói quen ăn một bữa thịnh soạn lúc chín giờ sáng.
Khoảng sai biệt ba tiếng đồng hồ
đó càng ngày càng trở nên không thể nhịn nổi! Còn đâu những ngày
vàng son ở Calcutta, khi đó tôi có thể quở trách người đầu bếp vì dọn
cơm trễ có mười phút! Có một lần, vì muốn tự chủ trong sự ăn uống,
tôi tập nhịn ăn trong hai mươi bốn giờ. Tôi càng chờ đợi một cách
nôn nao hơn đến trưa ngày hôm sau.
-"Chuyến xe lửa của Sư trưởng
Dayânanda bị trễ giờ; chúng ta sẽ đợi sư trưởng về mới ăn!"
Jitendra đem cho tôi cái tin chẳng
lành đó.
Sư trưởng đi vắng hai tuần nay,
để tiếp đón người một cách lễ phép, các đệ tử đợi đến lúc người
về đến nơi mới dọn cơm cùng ăn. Mùi hương vị đồ ăn thơm ngào ngạt
bay qua lỗ mũi tôi. Tôi phải nằm đo ván để chịu đựng cơn nhịn đói
kéo dài vô tận.
-"Cầu xin Thượng Đế khiến
cho chuyến xe lửa về sớm."
Tôi nghĩ rằng lời ngăn cấm của
tu sĩ Dayânanda bảo tôi đừng lộ vẻ đói ra ngoài, chắc sẽ không áp dụng
đối với Thượng Đế. Tuy nhiên ngài vẫn không đáp ứng lời cầu nguyện
của tôi, vì trời đã về chiều, màn đêm đã rơi xuống khi sư trưởng
bước vào cửa đạo viện, tôi tiếp đón với một niềm hy vọng tràn trề.
-"Sư trưởng còn đi tắm và
tham thiền xong chúng ta mới khởi sự ăn", đó là lời thông báo của
Jitendra, sứ giả của tai hoạ.
Tôi sắp sửa thấy khó chịu trong
mình. Cái bao tử còn non nớt của tôi không quen nhịn ăn, cồn cào kêu đói.
Những cảnh chết đói rùng rợn lỏn vởn trong trí của tôi. Tôi thầm nghĩ:
-"Nạn nhân đầu tiên của nạn
đói đến tại Bénarès này chắc sẽ là tôi!" Cái cực hình đó chỉ
chấm dứt lúc đồng hồ gõ đúng chín giờ. Than ôi! Buổi cơm chiều hôm
đó hãy còn ghi dấu vết trong ký ức như một trong những giờ phút tốt
đẹp nhất của đời tôi!
Tôi ăn bằng bốn người và nhận
thấy rằng tu sĩ Dayânanda ăn uống uể oải một cách vô tâm. Người dường
như vượt lên cao hơn những sự khoái cảm trần tục của tôi.
-"Thưa Sư trưởng. Sư trưởng
không đói sao?", tôi hỏi tu sĩ sau khi đã ăn uống no lòng, tôi bước
vào văn phòng của người.
-"Có chứ! Tôi không ăn uống gì
cả trong bốn ngày qua. Tôi không bao giờ ăn trên xe lửa vì ở đó đầy
những rung động nặng nề xấu xa của kẻ phàm tục. Tôi triệt để tuân
theo những quy luật của giòng tu của tôi. Tôi bị bận rộn vì nhiều vấn
đề tổ chức, nên chiều nay tôi chỉ ăn uống sơ sài. Nhưng không sao
ngày mai tôi sẽ ăn cẩn thận."
Tu sĩ nói xong bèn cười một cách
thoải mái.
Tôi lấy làm hổ thầm trong bụng.
Nhưng trọn một ngày chịu cực hình không thể nào quên được một cách
dễ dàng; tôi đánh bạo đưa ra một câu hỏi cuối cùng:
-"Thưa sư trưởng, tôi có sự
nghi ngờ. Nếu theo lời dặn của Sư trưởng, tôi không đòi ăn uống khi
đói bụng và nếu không ai mời tôi ăn; chắc là tôi sẽ chết đói!"
-"Chừng đó, em hãy chịu chết"
Những lời nói đó có tác dụng như
tiếng quất của một ngọn roi da.
-"Chừng đó Mukunda em hãy chết
nếu cần! Em đừng bao giờ nghĩ rằng em sống không phải nhờ ở Thượng
Đế mà chỉ nhờ ở đồ ăn! Đấng Thiêng Liêng đã sáng tạo ra đồ vật
thực và đã cho chúng ta biết đói bụng, chắc hẳn là sẽ lo chu đáo cho
chúng ta khỏi phải thiếu thốn điều gì. Em đừng nghĩ rằng cơm gạo ban
cho em sự sống và tiền bạc hay người đời có thể nuôi dưỡng được
em. Họ có thể nuôi em sống được chăng nếu Thượng Đế thu hồi lại
ở nơi em hơi thở của sự sinh tồn? Họ chỉ là những khí cụ thụ động
của ngài mà thôi. Em có thể bắt buộc cái bao tử tiêu hoá đồ ăn tuỳ
theo ý muốn được chăng? Em hãy suy nghĩ kỷ, Mukunda để nhận thấy cái
Nguyên Lý độc nhất ở bên ngoài các hiện tượng biến hoá vô cùng tận."
Những lời nói cương nghị này
làm cho tôi cảm thấy lạnh tê người. Thế là cái thành kiến cố hữu
cho rằng thể xác thắng đoạt tinh thần không còn đứng vững. Thỉnh thoảng
tôi đã có dịp thưởng thức cái thú vui về sự độc lập huyền diệu của
Tinh Thần. Trong bao nhiêu thành phố mà tôi đi ngang qua trong suốt cuộc đời
di chuyển không ngớt của tôi, tôi đã có dịp nhận xét thấy cái hiệu lực
của bài học ấy, mà tôi đã thọ lãnh trong một đạo viện ở Bénarès!
II
Món của cải duy nhất mà tôi
đem theo từ Calcutta là cái linh vật hộ phù bằng bạc của vị tu sĩ Thánh
Đức, mà mẹ tôi đã để lại cho tôi. Tôi đã giữ gìn nó kỷ lưỡng
trong nhiều năm và bây giờ nó được cất giữ kín đáo trong phòng tôi.
Một buổi sáng, tôi mở cái hộp
để ngắm nhìn nó. Những ổ khoá đều còn nguyên vẹn, nhưng món linh vật
đã biến mất. Buồn rầu, tôi xé cái vỏ bọc ngoài của nó và biết rằng
nó đã không cánh mà bay đúng như lời tiên tri của vị tu sĩ đã làm cho
nó xuất hiện từ lúc đầu.
Sự giao thiệp của tôi với những
đệ tử của Dayânanda càng ngày càng trở nên căng thẳng. Sự tự do của
tôi làm phật lòng đến cả vị sư trưởng. Sự áp dụng giờ giấc tham
thiền quá chặc chẽ của tôi, nó vốn là cái lý tưởng vì đó mà tôi rời
khỏi gia đình, đã đem đến cho tôi những sự chỉ trích nặng nề từ mọi
giới.
Đau lòng một hôm tôi quyết định
cầu nguyện cho đến khi tôi nhận được một sự trả lời.
"Hỡi đức Phật Mẫu đại từ
đại bi của Vũ Trụ, xin Ngài hãy dạy con tính chất từ bi của ngài qua
những linh ảnh, hay qua một vị Tôn sư mà Ngài sẽ gởi đến cho con!"
Tôi khóc và cầu nguyện rất lâu,
giờ khắc trôi qua mà tôi không nhận được một sự trả lời. Bỗng nhiên,
tôi cảm thấy như bị lôi cuốn cả thể xác lẫn linh hồn lên tận những
cõi giới cao siêu huyền diệu.
-"Tôn sư con sẽ đến trong ngày
hôm nay!"
Giọng nói ấy, một giọng nói
thanh bai của phái nữ với những âm điệu của cỏi trời, dường như vọng
đến từ khắp nơi và cũng không từ nơi nào.
Cái kinh nghiệm siêu linh đó bị
gián đoạn bởi một tiếng kêu lanh lảnh; một đệ tử trẻ tên Habu gọi
tôi từ sau bếp ở từng dưới:
-"Mukunda! Thôi đừng tham thiền
nữa! Người ta cần anh đi chợ mua đồ."
Nếu trong trường hợp khác tôi đã
phản ứng kịch liệt. Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi lấy khăn lau nước
mắt và lẳng lặng nghe theo. Habu và tôi bước ra cửa đi về phía một chợ
ở xa, trong khu vực Bengali của thành Bénarès. Mặt trời nắng gắt của
Aán Độ chưa lên đến tốt đỉnh chúng tôi đã mua xong những đồ vật dụng
cần thiết và vạch một con đường đi xuyên qua một đám rừng người đông
đảo, những đàn bà nội trợ chen lẫn với những tăng lư, tu sĩ, hướng
dẫn viên du lịch, quả phụ ăn mặc nâu sòng, người Bà la môn, người hành
khất và…bò.Khi đi ngang qua một con đường nhỏ hẹp có vẻ nghèo nàn,
tôi quay đầu lại và nhìn thấy một người có vẻ giống như chúa Giê
su, mặc áo màu vàng sậm của giới tu sĩ và đứng ở đầu đường. Người
ấy trông dường như một người quen cũ, khiến tôi càng chú ý nhìn kỷ.
Bỗng nhiên, một sự nghi ngờ xâm chiếm lấy tôi và tôi tự nhủ:"Có
lẽ mình lầm người tu sĩ này với một người nào khác. Thôi ta đi!"
Mười phút trôi qua, tôi cảm thấy
hai chân tôi nặng như chì, dường như chúng đã trở thành đá và không
còn tuân theo ý nuốn của tôi. Tôi thử quay trở lại thì hai chân tôi đi
được như thường.Tôi lại thử tiến bước theo lối đi ngược chiều,
thì hai chân tôi lại nặng như chì không thể cử động.
"Vị tu sĩ hấp dẫn tôi đến
với người bằng một thứ mãnh lực từ điển nào đó." Với cái ý
nghĩ đó trong trí, tôi giao những gói đồ cho Habu; y đã quan sát những cử
chỉ của tôi một cách ngạc nhiên; sau cùng y bật cười:
-"Anh làm gì vậy? Chắc anh điên
rồi!"
Trí óc huyên náo của tôi lúc ấy
làm cho tôi không màng đáp lại. Tôi quay đầu trở lại và lặng lặng noi
theo con đường nhỏ hẹp mà tôi đã đi qua. Gần đến đầu đường, tôi
nhận thấy gương mặt trầm lặng ấy đang nhìn chăm bẳm về phía tôi. Chỉ
còn vài bước nữa và tôi đã quỳ mọp dưới chân người:
-"Kính lạy Sư phụ!"
Gương mặt thiêng liêng ấy không
gì khác hơn là gương mặt đã từng xuất hiện trong vô số những linh ảnh
của tôi. Đôi mắt yên tĩnh, cái đầu tóc dài dơn sóng xoả xuống vai như
đầu sư tử và bộ râu ngắn vuốt nhọn dưới cằm, chính gương mặt ấy
đã chinh phục tôi trong những cơn linh ảnh mê ly, nó tượng trưng một sự
hứa hẹn nào đó mà tôi không hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa.
-"Con đây rồi, con đã đến."
Sư phụ tôi lập lại câu ấy bằng
tiếng bengali, giọng nói hơi run vì cảm động:
-"Ta đã đợi con từ bao nhiêu
năm nay."
Kế đó là một cơn yên lặng kéo
dài, trong lúc đó những lời nói cũng là thừa. Một nhạc khúc du dương
đang vang lên trong lòng của vị Tôn sư và đệ tử. Một tiếng nói trong nội
tâm bảo cho tôi biết rằng Sư phụ đã đắc đạo và có thể dắt dẫn
tôi đến chân lý. Những sự vô minh đen tối của dĩ vãng đã tiêu tan trước
ánh bình minh mới lố dạng trong cuộc đời tôi. Tự nó cũng đã xuất hiện
trong một tiền kiếp xa xăm nào. Dĩ vãng, hiện tại, tương lai chỉ là một
cuộc tuần hoàn tiếp diễn vô tận. Đây không phải là vầng mặt trời
đầu tiên đã chứng kiến việc tôi ngồi dưới chân thiêng liêng của người!
Bàn tay trong bàn tay, Sư phụ dắt tôi
đến nơi am thất tạm thời của người ở khu Rana Mahal tại Bénarès. Người
đi với những bước đi chắc chắn. Cao lớn và lưng thẳng tuy đã có đến
55 tuổi vào thời kỳ đó, người vẫn nhanh nhẹn và lực lưỡng như một
thanh niên. Đôi mắt đen sậm, lớn và đẹp chiếu sáng ngời ánh sáng minh
triết. Những lọn tóc dài hơi xoắn tròn tô điểm gương mặt cao quý của
người. Nơi người sức mạnh đi đôi một cách rất đều hoà với sự dịu
dàng.
Khi chúng tôi đến nơi sân thượng
của một ngôi nhà trổ ra phía bờ sông Hằng. Sư phụ nói với một giọng
ưu ái:
-"Ta cho con cái đạo viện này
và tất cả những gì ta sở hửu"
-"Bạch sư phụ con đi tìm sự
Minh Triết và ước mong đạt tới chân lý. Đó là những kho tàng mà con
đang thèm muốn của sư phụ!"
Bóng hoàng hôn qua mau ở Aán Độ
đã sắp tàn; khi sư phụ lại nói tiếp đôi mắt người lại phản chiếu
một tình thương rộng rãi vô biên:
-"Ta cho con tất cả tình thương
của ta và không điều kiện."
Đó là những lời vô cùng quý
báu! MoÄt phần tư thế kỷ trôi qua trước khi sư phụ nói lại một lần
nửa với tôi vầ tình thương của người.
-"Để đáp lại con có cho ta
cái tình thương cũng vô điều kiện đó không?"
-"Bạch sư phụ, con xin kính
yêu sư phụ mãi mãi"
-"Tình của thế gian vốn ích kỷ
và bắt nguồn từ những ham muốn và thoả mãn dục vọng. Tình thiêng
liêng vốn cho ra không điều kiện, vô giới hạn và không thay đổi. Tâm hồn
con người khi tiếp xúc với tình thiêng liêng ấy sẽ vĩnh viễn trở nên
siêu thoát ."
Kế đó ngừơi đứng dậy và đưa
tôi vào một gian phòng. Chúng tôi ăn xoài và bánh ngọt hạnh nhân trong khi
đó sư phụ lái câu chuyện để thăm dò tâm hồn tôi. Tôi rất thán phục
về sự Minh Triết hoà lẫn với đức khiêm tốn của người.
-"Con đừng buồn về việc cái
linh vật hộ phù đã biến mất vì nó đã hoàn tất sứ mạng của
nó"
Sư phụ tôi, chẳng khác như tấm
gương thiêng liêng đã phản ảnh trọn cả cuộc đời tôi.
-"Bạch sư phụ, sự hiện diện
của sư phụ là một ân huệ, nó bù lại gấp bội phần sự thất lạc đó."
-"Đã đếân lúc con cần thay
đổi không khí vì con đã cảm thấy không vui trong cái đạo viện này."
Tôi không nói gì về dĩ vãng của
tôi , vả lại điều đó cũng là thừa. Tôi hiểu rằng với đức giản dị
và khiêm tốn, sư phụ không hề muốn tôi thán phục cái nhãn quang siêu
linh của ngừơi.
-"Con phải trở về Calcutta, tại
sao con lại đặt gia đình ra ngoài tình thương của con đối với toàn thể
nhân loai?"
Lời đề nghị đó làm tôi không
vui. Gia đình đã tiên đoán sự trở về của tôi, tuy tôi vẫn dửng dưng
trước những lời kêu gọi khẩn thiết trong các bức thơ của nhà gởi
cho tôi. Ananta anh cả tôi, đã tuyên bố:"Chúng ta hãy để cho con chim
non vỗ cánh tung bay trên những từng trời triết lý siêu hình. Rốt cuộc
nó sẽ mệt mỏi và sẽ khiêm tốn bay trở về tổ ấm gia đình"
Những lời nói khiêu khích này hãy
còn vang dội trong ký ức của tôi, tôi cương quyết không chịu trở về
Calcutta.
-"Bạch sư phụ con không trở về
nhà nhưng con sẽ theo sư phụ khắp mọi nơi. Xin sư phụ cho con biết quý
danh và địa chỉ"
-"Ta là tu sĩ Sri Yukteswar Giri.
Đạo viện chính của ta ở Serampore, đường Rai Ghat. Ta chỉ ở đây có
vài ngày để thăm viếng mẫu thân."
Tôi thầm nghĩ:
-"Thiên ý thật là một điều
bí hiểm khôn lường! Serampore chỉ cách Calcutta có độ mười hai dặm đường;
tuy vậy, để cho cuộc gặp gỡ của chúng tôi được thực hiện, chúng
tôi phải đến tận nơi thánh địa Kasi (Bénarès), là nơi được thánh
hóa bởi kỷ niệm của đức Lahiri Mahâsaya. Chính đức Phật, đức
Shankaracharya, và những bậc hiền nhân thánh triết khác của Aán Độ cũng
đã đặt gót chân lên Bénarès và làm cho thành phố ấy trở nên bất tử!"
-"Con hãy đến với ta trong bốn
tuần lễ"
Lần đầu tiên, Sri Yukteswarr nói với
một giọng nghiêm khắc.
-"Ta đã bày tỏ tình thương bất
diệt và niềm vui của ta khi ta tìm thấy con, và bởi đó mà con đã cãi lời
ta. Ta rất nghiêm khắc trong việc chọn lựa đệ tử; họ phải tuyệt đối
tuân theo kỷ luật tâm linh của ta."
Tôi giữ một sự im lặng kéo dài.
Sư phụ đoán biết dễ dàng sự khó nghĩ của tôi.
-"Con sợ về sẽ bị gia đình
chế diễu chăng?"
-"Con sẽ không trở về
nhà."
-"Con phải trở về trong vòng
ba mươi ngày."
-"Bạch sư phụ, không khi
nào!"
Tôi kính cẩn quì xuống chân sư phụ
và từ biệt mà không nói gì thêm để làm dịu bầu không khí căng thẳng.
Vừa bước chân ra đi trong đêm tối, tôi vừa tự hỏi tại sao sự gặp gỡ
huyền diệu đó lại kết thúc bằng một điều không vui? Sự tương đối
ảo ảnh (mâyâ) ở cõi thế gian luôn luôn pha lẫn lộn cái vui với cái buồn!
Trí óc còn non nớt của tôi chưa đủ tinh luyện thuần thục để chịu nép
mình dưới uy quyền của một vị Tôn sư.
Sáng ngày hôm sau, tôi nhận thấy rằng
sự thù nghịch của các bạn đồng môn trong đạo viện đối với tôi đã
tăng gia rõ rệt; mỗi ngày, tôi đều bị đụng chạm với họ một vài lần.
Sau đó ba tuần lễ, tu sĩ Dayânanda rời đạo viện để đi dự một phiên
họp tại Bombay. Sự thù nghịch của cả đạo viện bèn có dịp đổ dồn
lên đầu tôi:
-"Mukunda là một kẻ ăn bám, y
chịu sự nuôi dưỡng của đạo viện mà không đóng góp phí tổn!"
Nghe nói vậy, lần đầu tiên tôi mới
hối tiếc là đã tuân lịnh của sư trưởng và gởi tiền trả lại cho
cha tôi. Buồn rầu, tôi mới tìm gặp Jitendra, bạn duy nhất của tôi và
nói:
-"Tôi đi đây. Anh hãy vui lòng
chuyễn đạt sự hối tiếc và lời chào kính cẩn của tôi cho sư trưởng
khi người trở về."
-"Tôi cũng sẽ đi! Những công
phu thiền định của tôi cũng bị ngăn trở và chỉ trích giống như trường
hợp của anh", Jitenda than thở.
-"Tôi vừa gặp một hiền giả
lạ chưa từng có. Chúng ta hãy đến gặp người tại Serampore."
Nhân dịp đó, con "chim non"
sửa soạn vỗ cánh bay về miền đông, gần bên Calcutta.
- Mục
lục | Lời tựa | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25|
- Chúng tôi chân thành cảm ơn Phật tử
Huỳnh Thanh Hương đã phát tâm đánh máy gởi sách này về tặng cho Ban
biên tập Đạo Phật Ngày Nay.