- Những Hạt Ngọc Trí
Tuệ Phật Giáo
- Gems of
Buddhist Wisdom
Buddhist
Missionary Society, Malaysia, 1983, 1996
18
PHẬT
GIÁO TRONG ÐỜI SỐNG HIỆN ÐẠI
Tiến Sĩ Ananda Guruge
Ðề tài nói trên đây gồm có những
phần: Thế nào là đời sống hiện đại? Phật Giáo là gì? Và vài trò của
Phật Giáo trong đời sống hiện đại?
Ðời sống
hiện đại chính tự nó rất khó để định nghĩa. Ta có thể nói đời sống
hiện đại có đặc điểm nổi bật bởi thực ra thế giới càng ngày
càng nhỏ hơn, con người có quyền hay phương tiện đến với nhau, bức
tường ngăn cách về truyền thông đã không còn, chỉ trong khoảnh khắc ta
có thể biết được tin tức xẩy ra bất cứ nơi nào trên thế giới, ta
có thể tham gia vào đời sống rộng lớn tiêu biểu của thế giới mà ta
không bao giờ tưởng tượng được. Ðó là một khía cạnh của đời sống
hiện đại. Liên quan đến đời sống hiện đại phải kể đến những lãnh
vực khoa học và kỹ thuật. Con người trong hoài bão chinh phục thiên
nhiên, bệnh tật, những chướng ngại thiên nhiên, đã hoàn thành một số
kỳ công về kỹ thuật phức tạp làm tâm giật mình kinh sợ. Ðó là một
khía cạnh khác của đời sống hiện đại. Ðiểm thứ ba có lẽ là khía
cạnh xáo trộn nhiều của đời sống hiện đại: thế giới càng gần
nhau hơn, bức tường chướng ngại truyền thông đã bị phá vỡ, tiến bộ
về khoa học và kỹ thuật tiến nhanh, chúng ta phải đương đầu vối một
số khó khăn về kinh tế và chính trị đối lập, ô nhiễm, bùng nổ dân
số, tài nguyên hiếm hoi, và sự sử dụng bừa bãi tài nguyên không thể
thay thế được. Với những khó khăn trên, xuất hiện hàng loạt các vấn
đề khác được gắn thẳng cánh là "sinh tồn".
Văn Minh
Hiện Ðại Có Thể Sống Sót Không?
Về vấn đề
này, ta cũng có thể thêm vào khía cạnh luân lý - một câu hỏi về đạo
đức- và hỏi: "Ðến một mức độ nào, trong tiến trình hiện đại
hóa và chinh phục thiên nhiên, chúng ta đã đi trệch khả năng chinh phục
chính mình? Có phải sự tranh đấu sinh tồn có nghĩa là con người hiện
đại phải trở thành nô lệ cho ích kỷ, ràng buộc bởi tham dục và ý thức
bốc đồng của chính mình? Có phải chúng ta đã mất đi tất cả những
thứ về giá trị đặc biệt của con người như việc tương quan giữa cá
nhân, sự lo lắng chăm sóc cho hạnh phúc, tinh thần vị tha đối với người
khác? có phải chúng ta đã mất những điều đó?
Vậy thì
khi nghĩ đến đời sống hiện đại, ta có thể nghĩ với một mức lạc
quan cao độ, và đồng thời, một mức độ bi quan tương đương. Ta có thể
hết sức vui sướng là chúng ta có thể sống ngày nay ở một thời đại
hầu như không có gì là con người không chinh phục được. Có lẽ, vẫn
còn một số bệnh tật là mối thách thức con người. Có thể, vẫn còn một
số nơi chốn trong vũ trụ mà con người muốn đến, và con người vẫn
chưa phát triển được kỹ thuật để đến đấy. Nhưng hình như tất cả
những thứ đó đều trong tầm tay của con người. Với sự lạc quan về
khả năng của con người, thì về phía bi quan, chúng ta, trong tiến trình đó,
đã mất mát một cái gì đó. Hãy để cả hai việc này trong tâm.
Phật
Giáo
Vậy thì
chúng ta hãy nhìn vào Phật giáo xem Phật Giáo là gì. Chúng ta hiểu Phật
Giáo như thế nào? Có thể có nhiều thứ đối với nhiều người khác
nhau. Có người cho rằng đó chỉ là đời sống của Ðức Phật, tấm gương
của Ðức Phật và những người đệ tử gần gũi nhất của Ngài đặt
ra - đó là kỳ công quang vinh của một người, một người đứng trước
công chúng tuyên bố con đường giải thoát. Ðó là một loại Phật Giáo.
Với số người khác, Phật Giáo có nghĩa là học thuyết quần chúng như
đã ghi trong văn học Phật Giáo đương nhiên gồm nhiều tập và gồm vài
nghìn trang ghi các lời của Ðức Phật. Và trong đó miêu tả một triết
lý cao quý, sâu sắc, phức tạp và uyên bác về cuộc đời. Rồi căn cứ
vào lời dạy của Ðức Phật, vào sự tu tập trong thời kỳ Ðức Phật tại
thế, nảy sanh một nền văn hóa xúc tích, một nền văn hóa đã lan rộng
khắp Á Châu từ 2500 năm qua, và các dân tộc từ những tầng lớp xã hội
khác nhau có nền tảng xuất thân khác nhau ở những quốc gia ấy đã đóng
góp vào sự trường tồn của Phật Giáo. Một số lớn giáo phái và trường
phái, hay hệ thống triết lý, đã phát triển, và tất cả, đúng hơn đã
hoạt động dưới danh hiệu Phật Giáo. Rồi đến một định nghĩa khác về
Phật Giáo: đó là một loại nghi thức phát sanh chung quanh học thuyết của
Ðức Phật do giáo lý và cách sống được thuyết giảng bởi Ðức Phật,
trở thành một tôn giáo. Dù Ðức Phật muốn hay không muốn, giáo lý của
Ngài thành tôn giáo, một tôn giáo mà người dân chấp nhận nguyện trung
thành có nghi thức riêng, có tổ chức, đường lối hay tiêu chuẩn để
quyết định cái gì làm đúng và cái gì làm sai. Nay lại có một loại Phật
Giáo khác. Nếu ta lấy một trong những khía cạnh riêng rẽ, và thử khảo
sát tác động của cái gọi là Phật Giáo trong đời sống hiện đại, thì
chắc chắn quả là một công việc lớn lao.
Với tôi,
Phật Giáo là tất cả những thứ này. Ðó là Ðức Phật và đời sống của
Ngài, học thuyết, văn hóa đã phát triển quanh nó và đã dự phần đóng
góp, và nghi lễ liên quan. Một khi ta lấy việc này đem so sánh với một
khối lớn kinh nghiệm của con người, đem lọc kỹ càng thành một dạng
thức tinh túy nhất và đem trình bày cho chúng ta thì mỗi chúng ta có thể
chọn phần thích hợp, phần lôi cuốn chúng ta sẽ thấy cái độc đáo phi
thường của Phật Giáo. Lúc tại thế, chính Ðức Phật thường nhấn mạnh
điểm này. Không cần thiết phải là một học giả mới biết mọi thứ.
Phật Giáo không giống một môn học như toán mà bạn phải học các định
lý và các phương pháp để giải đáp những loại tính. Nếu bạn biết nền
móng, căn bản thì sự nghiên cứu chi tiết uyên thâm không phải là một
điềm báo trước quan trọng để tu tập. Cho nên ngoài thứ này, văn hóa,
tôn giáo hay văn chương rộng lớn Phật Giáo, hay một khối lớn kinh nghiệm
đến với chúng ta là Phật Giáo, mỗi trong chúng ta sẽ thấy điều gì
thích đáng cho đời sống, cho loại khó khăn của chúng ta.
Một Học
Thuyết Vô Tận
Tôi thường
băn khoăn không hiểu sao Phật Giáo được gọi là "Akalika"
có nghĩa là "vô tận" - lúc nào cũng tồn tại. Tôi càng thấy sự
thay đổi trong văn hóa Phật Giáo hay Ðạo Phật, tôi càng thấy phải làm
sao tiếp tục thích ứng với nhu cầu ở mọi lãnh vực, dân số, cá nhân,
tôi càng thấy bức thông điệp của Ðức Phật truyền đạt lúc nào cũng
có giá trị bất diệt. Cho nên nếu Phật Giáo có sự áp dụng ngày nay,
và nếu Phật Giáo có một vị thế trong đời sống hiện đại thì đó
là vì sự liên quan thích đáng vô tận, bắt nguồn từ một tập hợp các
giá trị bất diệt. Nói về đặc điểm bất diệt là một cách hết sức
nghịch lý trong việc trình bày hay miêu tả một tôn giáo có nguyên lý học
thuyết vô thường ở ngọn nguồn. Cái đặc tính vô tận bắt nguồn từ
thực tế được hiểu là mọi thứ đều tiếp diễn không ngừng, nhưng tiếp
tục trong một luồng, trong một tiến trình thay đổi và tiến hóa không ngừng.
Vậy nên Phật Giáo có thể thích nghi với mọi thời gian và mọi nền văn
minh. Cho nên chúng ta có thể, không một ngần ngại, tiếp cận với bất cứ
một khía cạnh nào của Phật Giáo như một điều gì thích hợp và có thể
áp dụng với chúng ta ngày nay.
Những vấn
đề gì khiến Phật Giáo vô tận? Xin để tôi lấy một vài điều. Ðiều
trước nhất là sự thừa nhận trách nhiệm của một cá nhân. Ðức Phật
là một trong các vị đạo sư phi thường giải phóng con người khỏi tất
cả những ràng buộc - những ràng buộc của mối quan hệ siêu nhân, một
Thượng Ðế, sự sáng tạo, tội lỗi hay bất cứ một đặc điểm từ một
người nào đó (ngoài điều chính bạn đã làm). Cho nên, Ðức Phật nói mỗi
người là vị chủ tể của chính mình, người đó ban hành ra nguyên tắc
mà sự áp dụng trở nên mạnh mẽ hơn vì con người bắt đầu càng thấy
tin tưởng hơn trong việc kiểm soát chính mình và môi trường chung quanh. Vậy,
nếu ngày nay với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, con người cảm
thấy đã đi đến điểm mà trí thông minh của mình làm cho mình cao hơn bất
cứ ai khác, và cho phép mình giải quyết bất cứ khó khăn nào hiện có,
liệu vật chất hay đạo đức, hay chính trị, hay bất cứ gì đi nữa, sẽ
không phải là nguyên tắc con người là vị chủ tể của chính mình mà
con người phải chịu trách nhiệm trước chính mình vì bất cứ gì mình
làm ra mình thừa hưởng - trở thành một trong những cách thức quan trọng
nhất để xem xét chính mình?
Vậy nên
cách giải quyết căn bản làm con người thoát khỏi tất cả những xiềng
xích, tinh thần và các mặt khác, là một trong những học thuyết rất quan
trọng của Phật Giáo đóng góp vào tính vô tận của tôn giáo này. Chúng
ta càng tiến bộ, con người càng có nhiều tiến bộ, thì việc cần thiết
của con người là phải xác nhận chính mình là vị chủ tể của mình.
Con người càng xác quyết chính mình là vị chủ tể của mình, lại càng
phải nhớ lại lời Ðức Phật dạy: "Atta hi attano natho".
Tự Do Tư
Tưởng
Rồi đến
một học thuyết khác không kém phần quan trọng: Học thuyết về tâm mở
rộng- tự do tư tưởng. Phật Giáo không những giải thoát chúng ta khỏi
Thượng Ðế hay sự ràng buộc siêu nhiên mà còn giải thoát chúng ta khỏi
tín điều. Chúng ta hãy mường tượng thời gian Ðức Phật thuyết giảng.
Ðó là một thời gian mà nhiều giáo lý của các tôn giáo khác đang thịnh
hành và Ấn Ðộ ở vào thế kỷ thứ 6 trước Tây Nguyên là một nơi được
chú trọng nhất về cuộc sống. Các đạo sư tôn giáo đưa ra nhiều loại
học thuyết ganh đua với nhau để có nhiều người theo đạo của mình.
Ngoài những giáo lý mới, còn có những hệ thống đạo lý thâm căn cố
đế. Trong tất cả những hệ thống tôn giáo này, lý thuyết rêu rao là:
"Chúng tôi đã tìm ra con đường". "Con đường này là con đường
chính đáng". "Bạn đến đây, bạn sẽ được cứu độ". Vào
giữa lúc này, Ðức Phật xuất hiện và nói: "Ðừng tin vào sách vở
nói. Ðừng tin vào những gì các bậc thầy dạy nói. Ðừng tin vào truyền
thống nói. Ðừng tin vào điều gì chỉ vì điều đó là của quyền thế
hay của một người nào đó. Hãy tự mình kinh nghiệm điều đó. Bạn phải
tự suy nghĩ. Hãy tự mình nhận thấy đúng hay sai. Một khi nhận thức thấy
đúng hãy làm theo." Chính điều này là một phương cách rất mạnh:
con người được hoàn toàn tư do, điều mà con người tranh đấu để có,
tự do tư duy. Nếu dưới chế độ phong kiến, trước khi các tiến bộ hiện
nay đạt được, chúng ta không có quyền được tự suy nghĩ, khi các tiến
bộ ngày nay đang diễn ra, chúng ta càng xác quyết quyền (tự do suy nghĩ) càng
nhiều hơn nữa. Chúng ta sẽ cảm thấy tin theo sau những cuộc điều tra
nghiên cứu của chính chúng ta, và sau khi chúng ta đã có thể xem xét tỉ mỉ
những nguyên tắc, những thực tế, những điều thuận và nghịch. Ðiều
này chúng ta coi như một quyền bất khả xâm phạm. Ðó là một học thuyết
thứ hai có thể áp dụng vào thời hiện đại, và tương lai phải tiếp tục.
Vai Trò Của
Phật Giáo
Ðến một
câu hỏi quan trọng nhất - Ngoài phần hỗ trợ cái mà con người muốn khẳng
định về bản thân trong hiện tại và tương lai, Phật Giáo sẽ tiếp tục
có một vai trò sửa sai không? Với câu hỏi này thấy có một khía cạnh
quan trọng nhất mà tất cả chúng ta phải lưu tâm ngày nay. Trong khi con người
có những tiến bộ này, chúng ta cũng thấy áp lực của đời sống hiện
đại - sự cạnh tranh để sống còn, sự cạnh tranh nhằm làm tốt hơn
người khác, sự ham thích sống cuộc đời ganh đua về kinh tế, chính trị,
văn hóa, hoặc bất cứ hình thức nào - mang đến căng thẳng. Ðể giảm bớt
những căng thẳng này, con người lại càng phát triển nhiều hình thức
vui chơi giải trí và nghỉ ngơi. Kết quả bề ngoài có vẻ được chút
ít thư giãn nghỉ ngơi để giảm bớt căng thẳng, nhưng hình như họ càng
ngày càng sa vào vòng tội lỗi. Vì căng thẳng, ta lại tham đắm vào một
loạt hoạt động thoát ly thực tế, và vì những hoạt động đào thoát
này mất quá nhiều thì giờ, ta lại phải bắt cho kịp tiến trình sống
còn nên càng sa vào giai đoạn căng thẳng trầm trọng hơn. Kinh tế càng tiến
bộ lớn mạnh bao nhiêu, chính trị càng sáng tỏ bấy nhiêu, ta lại càng
phải cần đến thuốc giảm đau và thuốc an thần để làm nhiệm vụ
bình thường. Bạn phải uống một viên thuốc để thức, một viên để
ngủ, một viên để thư giãn và vân vân... Kiểu hiện đại hóa này đã
thành mốt ở chỗ nào căng thẳng con người lên tới chỗ thấy rằng tất
cả những gì mà con người đã đạt được là không còn dùng được, là
ở trong một tình trạng nghiêm trọng. Thêm vào những áp lực này, nảy
sanh một khía cạnh khác trong đó với thời gian rảnh rang dồi dào mà con
người đạt được ngày nay do thoát khỏi sự làm việc cực nhọc, lại
phải đương đầu với một khó khăn khác - đó là sự chán chường. Cho nên
với một bên là áp lực căng thẳng, bên kia thì chán chường, xuất hiện
một loạt tình trạng phức tạp làm con người thực sự không hạnh phúc.
Ngày nay người ta có thể hỏi: Phải chăng con người đang sống thực sự
hạnh phúc, hay ở trong tình trạng mà ít nhất nhận thức thấy rằng mặc
dù đã đạt được mọi thứ, họ đã mất một cái gì dưới hình thức
của những khía cạnh căn bản của đời sống? Ai là người bị trách cứ?
Phải chăng chúng ta trách khoa học? Chúng ta trách kỹ thuật? Chúng ta trách
hệ thống chính trị? chúng ta trách hệ thống kinh tế do ta thừa hưởng
hay do ta phát triển? Hay chúng ta trách cứ chính chúng ta?
Bạn Là
Vị Chủ Tể Của Chính Bạn
Quay về lối
nhìn của Ðức Phật vào vấn đề, bạn sẽ nói, bạn nắm phương tiện
cuộc sống trong tay bạn. Bởi lẽ bất cứ gì sai, bạn đều phải chịu
trách nhiệm, bạn là vị chủ tể của chính bạn. Bạn để nó chạy như
vậy - cho phép nó thoát khỏi sự kiềm chế trong tay bạn. Quả là dễ
dàng để trách cứ một người: "Bạn để cơ hội trôi qua, bạn đã
để mất cơ hội từ tay bạn". Nhưng cái đó có giúp ích không? Cái vĩ
đại của Phật Giáo nằm trong sự việc này, nó không dừng lại sau khi đặt
trách nhiệm cho bạn và không nói: Bây giờ đó là như thế. Nay chúng ta
tìm thấy thủ phạm. "Tiến tới giai đoạn kế tiếp nói rằng: "Nơi
đây có một ít thứ có thể làm được".
Nếu một
người cứ loay hoay nhìn vào đủ loại biện pháp tôn giáo, tâm thần, tâm
lý liên can để cứu người hay để chữa chạy trạng thái căng thẳng này
và chán chường bên kia, bạn sẽ thấy có rất nhiều biện pháp nhưng không
một biện pháp nào lại không tốn kém, thực tiễn như những hưóng dẫn
đơn giản của Phật giáo tiến dẫn. Ta có thể đặt câu hỏi: "Có phải
một người khi trở thành Phật Tử thì sẽ không còn bị căng thẳng hay
chán chường trong đời sống hiện đại nữa phải không? Trả lời câu hỏi
này rất khó vì không ai trở thành một Phật Tử. Không có ai mang cái
nhãn hiệu Phật Tử. Vì Phật Giáo không phải là một trong những triết
lý ấy hay lối sống hay tôn giáo - Tôi dùng từ "tôn giáo" vì
không có một hạng nào khác để có sắp vào cho ngang bằng - trong đó cần
có một nhãn hiệu. Khi Ðức Phật còn tại thế, dân chúng tìm đến Ngài,
nghe Ngài và nếu họ thấy vừa lòng với Ngài họ nói: "Tôi nương tựa
nơi Ngài, nơi Giáo Pháp của Ngài, và nương tựa nơi Ðoàn thể Tăng Già,
cộng đồng, những đệ tử theo cách sống ấy". Cả đến ngày nay tất
cả thứ đó cần thiết cho bất cứ ai tự gọi mình là Phật Tử. Vì đã
tin theo điều mà Ðức Phật dạy thích hợp với khó khăn của đời sống,
ta cảm thấy đó là lối sống có thể theo đuổi vì có lợi ích, bằng
cách nương tựa nơi Phật, Pháp và Tăng Già. Với lòng tin vững chắc trong
tâm này, người ấy trở thành người Phật Tử không cần phải nghi lễ,
nghi thức của một loại nào, ghi danh, hay những đòi hỏi pháp luật nào
khác. Ðó là điều mà F.I. Woodword, một trong những dịch giả tài giỏi về
chuyển ngữ những lời của Ðức Phật gọi là "một-tôn-giáo
-do-chính-bạn-làm-ra".
Ngày nay có
nghĩa gì khi có cả hàng nghìn người chưa bao giờ đặt chân tới một
ngôi chùa Phật, chưa bao giờ tham gia nghi thức đã phát triển trong các quốc
gia Phật Giáo, nhưng ai là người mà tâm của mình đã nhìn thấy giá trị
bức thông điệp của Ðức Phật và ai là những người sống một cuộc
đời theo đúng giáo lý của Phật Giáo. Thực ra, chúng ta thấy đa số dân
cư trên thế giới nguyện trung thành với Ðức Phật vì lý do này hay lý
do khác. Ðó là một trong những điều phi thường mà ta có thể coi hầu như
là một vi diệu.
Lối Sống
Lối sống
do Ðức Phật thuyết giảng rất là đơn giản. Ðối với người cư sĩ nó
gồm có năm giới đơn giản: không giết, không trộm cướp, không tà dâm,
không nói dối, và không dùng các chất say - quả là một cụm giới rất
đơn giản. Nhưng lối sống Phật Giáo mà Ðức Phật miêu tả chưa chấm dứt
với loại giới này. Ðể đơn giản hóa trong một phương cách khiến bất
cứ ai cũng có thể hiểu được, có ba điều mà mỗi người cố gắng làm
được gọi trong tiếng Pali là Dana (Bố Thí), Sila (Trì Giới),
và Bhavana (Thiền Ðịnh).
Dana
(Bố Thí) có nghĩa là hào phóng, rộng rãi - hành động cho. Rất quan trọng
Phật Giáo bắt đầu với Bố Thí như một hành động đạo hạnh thứ nhất
mà ta phải thi hành nhằm đưa mình vào con đường chính đáng, vì bố thí
là một hành động hy sinh. Ðể có thể cho một cái gì, tâm bạn phải sẵn
sàng từ bỏ cái mà bạn có đó, cái mà bạn quý trọng, cái mà bạn luyến
ái. Cho nên bạn phải đương đầu với nguyên nhân lớn nhất của tất cả
các khó khăn trong tiếng Pali được gọi là Lobha (tham) hay tham dục
hay tham lam. Thật lý thú được thấy lối sống được trình bày cho chúng
ta trong cái cách từng bước một chúng ta có thể loại trừ được những
nhược điểm và đặc điểm của con người chính nó gây căng thẳng và
chán chường đang làm ta bực dọc ngày nay. Hào phóng là chống lại tham dục,
lòng tham, bản chất bám níu.
Giới liên
quan chặt chẽ tới một số giới luật, đạo đức hay hạnh luân lý. Ðức
Phật biết rõ người ta không thể đặt ra điều lệ và quy tắc cho mọi
người trong cùng một đường lối. Cho nên có một số luật lệ cho người
cư sĩ. Thêm một số luật lệ nữa cho những ai muốn sống một cuộc đời
đạo hạnh, và nhiều hơn nữa cho những thầy tu tự nguyện dấn thân vào
con đường nghiêm ngặt về kỷ luật và thanh tịnh. Cho nên Giới là một
thứ tăng trưởng dần dần, để mỗi người làm quen cái có thể theo được
trong hiện tại.
Trong giới
hay hạnh luân lý, hay giáo lý đạo đức của Ðức Phật, chúng ta quay về
với học thuyết đầu tiên: chúng không phải là điều răn, chúng không phải
lệnh truyền từ trên, chúng không phải lệnh ban bố bởi Ðức Phật, những
mệnh lệnh phải tuân theo. Mỗi một giới luật mà chúng ta, người Phật
Tử giữ là lời chính mình tự hứa hoàn toàn tự nguyện. Và cách mà các
giới ấy nói là: 'Tôi tự nguyện giữ kỷ luật không sát sanh, trộm cắp"
vân vân..., vì tôi là chủ tể của số phận của tôi, và chính tôi quyết
định cuộc sống mà tôi nên theo. Ðức Phật như một người dẫn đường
đã cho thấy một số nhược điểm căn bản hay những lầm lẫn mà ta cần
phải tránh. Nguyên nhân thứ hai trong hầu hết các vấn đề mà chúng ta
có là hận thù của chúng ta, hay oán hờn người khác. Tiếng Pali được gọi
là Dosa. Sila (giới) là một trong những thuốc giải độc cho
nguyên nhân thứ hai này về tất cả các nhược điểm của chúng ta. Khi
chúng ta giữ giới, chúng ta kiểm soát hay đúng hơn là chúng ta hoàn toàn
loại bỏ nguyên nhân của hận thù. Ðức Phật là một trong những người
rất biết về những hậu quả của hận thù. Ngài đã nhìn thấy những người
đã tự hủy hoại do hận thù. Ðiều mà đã khiến Ngài khẳng định sân
hận không dập tắt được sân hận, càng sân hận bao nhiêu thì khốn khổ
bấy nhiêu. Bạn ghét tôi, tôi ghét bạn: Tôi ghét bạn nhiều hơn, bạn ghét
tôi nhiều hơn và sân hận cứ thế tăng đến điểm cả hai bạn và tôi
đều tự bị thiêu đốt trong mối sân hận lẫn nhau, và theo Ðức Phật
cách duy nhất là một trong hai người phải ngưng. Vì lẽ không có một
bên hay tốt hơn cả hai bên đều cố gắng đều chiến thắng sân hận bằng
tình hữu nghị, chiến thắng bằng không sân hận, sự liên tục của sân
hận, sân hận nối tiếp sẽ không bao giờ chấm dứt. Phương cách đối
phó này căn cứ vào toàn bộ học thuyết về cuộc sống đạo đức trong
Phật Giáo. Vì lẽ đời đạo hạnh đánh phá nguyên nhân yếu kém thứ hai
của chúng ta được gọi là sân hận, trong Phật Giáo chúng ta có học thuyết
rất lợi ích và vô tận về lòng từ ái. Lòng từ ái là nền tảng của
Phật Giáo, (nền móng trên đó học thuyết của Phật Giáo được xây dựng)
không phải Ðức Phật chỉ coi điều đó như một nguyên tắc đạo đức
đơn giản. Ngài đã lý giải nguyên tắc của lòng từ ái trong cuộc sống
cao thượng.
Rồi đến
lòng từ bi - Karuna. Lòng trắc ẩn phát sanh dễ dàng hơn. Bạn thấy
người nào gặp khó khăn, bạn thấy ai cần đến sự giúp đỡ của bạn,
tim bạn, tình yêu thương của bạn hướng tới người đó và bạn vội
vã giúp người ấy. Ðức tính vội vàng giúp đỡ người- cảm thấy áy
náy vì người khác đau khổ, đó là một khía cạnh khác của lòng từ
ái.
Rồi đến
khía cạnh thứ ba, một khía cạnh khó khăn hơn để thực hành, khía cạnh
này đòi hỏi tình thương và chịu đau khổ lớn lao được gọi là Mudita
- lòng hoan hỷ, đó là chia sẻ hạnh phúc của người khác - quét sạch
trong tâm tất cả những dấu vết của ganh ghét và thèm muốn, để bạn có
thể vui với hạnh phúc của người khác, của người láng giềng và ngay cả
của kẻ thù.
Cuối cùng
là khía cạnh thứ tư của lòng từ ái và đó là sự thanh thản hoàn
toàn, tâm xả ly, Upekkha. Bạn không còn bạn, không còn thù, không ai
hơn, không ai kém. Bạn tuyệt đối không còn phân biệt người này với người
kia, và bạn hoàn toàn hòa đồng vào cái tính thống nhất với tất cả
chúng sinh, tất cả sự vật, tất cả hoàn cảnh. Cho nên một khi bạn có
thể sống một cuộc đời với bốn đặc điểm này chi phối hành động
của bạn thì không còn chỗ cho sân hận, không có chỗ cho hơn thua, không
có chỗ cho tranh đua. Cho nên nguyên tắc thứ hai của giới sẽ chịu trách
nhiệm về chuỗi khó khăn mà chúng ta sẽ có thể có.
Ðiều nghĩa
lý nhất sau cùng, điều mà bạn sẵn sàng tiến hành ngay, đó là Bhavana
- thiền định. Thiền định có nghĩa là huấn luyện tâm. Tiếng này theo từ
nguyên học tự nó có nghĩa là mở mang- sự phát triển của tâm. Ðức Phật
tin, và là một người tuyên bố sớm nhất là mọi thứ bắt nguồn từ
tâm con người (nhất thiết do tâm tạo). Tổ chức mà tôi miêu tả có lời
mở đầu trong Hiến Pháp: "Vì chiến tranh khởi đi từ tâm con người,
thì chính nơi tâm con người có thể kiến tạo được hòa bình". Ðiều
này phản ảnh dòng đầu của câu kệ thứ nhất trong Kinh Pháp Cú. Tâm
thanh tịnh, tâm được huấn luyện, tâm mở mang, tâm được kiểm soát
theo ý muốn, tâm buông lung dẫn đến những điều căng thẳng và chán chường,
nhưng tâm biết cảnh giác, biết tự phát triển, tự khám phá, và trong
lòng nó bí ẩn của đời sống, khó khăn của cuộc đời và sự thực của
đời sống, là kho tàng vĩ đại của con người.
Tôi không
ngạc nhiên ngày nay có sự say mê ở bộ phận thế giới có sự phát triển
kỹ thuật cao độ về tất cả các loại thiền định. Không có gì là
quan trọng về chuyện ai thuyết giảng cái gì hay triết lý nào, hay kỹ thuật
nào đem ứng dụng. Nhưng sự thực vẫn là người ta bắt đầu nhận định
được lúc tĩnh lặng tập trung, lúc suy nghĩ thâm sâu, lúc chức năng của
tâm được kiểm soát đúng cách, là một yếu tố cần thiết cho hạnh
phúc của con người.
Từ 2500
năm qua, Ðức Phật đã dạy đường lối này.và không có gì khác cần cho
con người ngày nay thì con người cần an lạc trong tâm. Con người muốn
thoát khỏi căng thẳng và chiến đấu chống lại chán chường. Và tôi
nhìn thấy câu trả lời trong Phật Giáo, nhất là ba pháp Bố Thí, Trì Giới
và Thiền Ðịnh.
Hãy nhìn
vào nguyên tắc riêng của Ðức Phật như căn bản hay sự khởi đầu cuộc
đời đạo lý của Ngài. Chúng ta biết nhiều người nghèo trở thành
giàu, nhưng nơi đây trường hợp người giàu trở thành nghèo, đi tìm kiếm,
như chúng ta có thể nói, an lạc trong tâm - đó là phước báu vĩ đại nhất.
Kết quả người ấy nhìn vào chính mình, rồi dạy người khác sự cản
trở lớn, nguồn gốc của tất cả khó khăn, là sự luyến chấp.
Cho nên, nếu
hôm nay có một người nào đó đến nói rằng: "Tôi có thể đưa bạn
thẳng đến Niết Bàn chỉ trong một phút" Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng
ta đều có lòng tha thứ. Người nào đó sẽ nói: "Tôi có thể chờ đến
khi con gái tôi lấy chồng không?" Một người khác lại nói: "Tôi
có thể chờ đợi đến Ðại Hội Thiện Hữu Phật Giáo Thế Giới chấm
dứt không?" Tôi không thể đợi đến khi hoàn thành nhiệm vụ ở
Bangkok?" Chúng ta đều có lúc thích hơn khi mục tiêu tối hậu đến.
Dù quyết
định của bạn ra sao để tiến tới mục tiêu, có một điểm mà chúng ta
không thoát khỏi. Chúng ta không thể chối bỏ sự thực tất cả những
phát triển hiện đại không có gì để tiến dẫn mà bất an, tranh giành cũng
như căng thẳng và chán chường kết liên với chúng. Phật Giáo đưa ra một
số ít phương pháp đơn giản hữu hiệu để chiến đấu với chúng. Với
điều này tôi cảm thấy Phật Giáo có một vai trò trong đời sống, một
vai trò mà trong các nước Phật Giáo giữ một phần quan trọng. Trách nhiệm
của chúng ta là chia sẻ tư duy, kiến thức và kinh nghiệm của chúng ta
càng nhiều càng tốt để cuối cùng chúng ta đều nhìn thấy thông điệp
của Ðức Phật, bức thông điệp đem lợi ích cho nhân loại, không ngưng
tiến tới nhân loại ở khắp thôn cùng xóm vắng, ở khắp mọi nơi trên
thế giới.
Mục lục | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15
16 | 17 | 18 |
19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31