- Những Hạt Ngọc Trí
Tuệ Phật Giáo
- Gems of
Buddhist Wisdom
Buddhist
Missionary Society, Malaysia, 1983, 1996
21
TẠI
SAO HÀNH THIỀN?
Bhikkhu Piyananda
Con người không ngưng tìm phương cách
gia tăng hạnh phúc, an lạc nội tâm và hòa hợp. Theo công luận, hạnh
phúc đạt được do của cải, uy quyền, địa vị xã hội, hay do dùng kem
đánh răng, kem thoa mặt, hay lái một loại xe nào đó - ít nhất như cái
mà quảng cáo nói. Họ tìm giải pháp cho vấn đề qua gia đình, công việc,
bạn hàng, bạn bè vân vân... Họ cố gắng thay đổi những điều kiện bên
ngoài về vật chất, xã hội, môi trường chính trị theo cách này hay cách
khác, vì họ tin rằng khi thế giới cuối cùng trở nên toàn hảo, họ sẽ
hạnh phúc và an lạc. Nhưng họ quên rằng những hoàn cảnh ấy luôn luôn
thay đổi, không bao giờ ngưng. Vừa mới hoàn thành được điều mơ ước,
thì sự vật lại thay đổi và lời hứa hạnh phúc lại mờ đi như trong
suơng mù buổi sáng lúc rạng đông. Ta càng cố gắng bao nhiêu để tiến tới
hạnh phúc, thì hạnh phúc lại càng xa lánh như như con bướm đang vỗ cánh
bay rất gần mà không sao bắt được.
Ðuổi bắt
mà đa số áp dụng là phương pháp sai lầm để tìm hòa bình và hòa hợp.
Họ tìm cầu bên ngoài, ở thế giới bên ngoài thay vì tìm cầu nơi chính
mình. Nhiều người khám phá ra suối nguồn thực sự hạnh phúc và những
trở ngại: tâm. Và quay sự chú ý về con người vào bên trong, tâm, hành
thiền là con đường đó.
Ngày nay,
thiền lôi cuốn nhiều người thuộc đủ các tầng lớp xã hội và trong
các chủng tộc tôn giáo khác nhau. Tại sao? Vì tâm hành hoạt bất kể người
đó thuộc nòi giống hay tôn giáo nào. Nhiệm vụ của thiền là hiểu bản
chất của tâm và sử dụng nó hữu hiệu hàng ngày. Tâm là chìa khóa của
hạnh phúc, và cũng là chìa khóa của nghèo đói. Ðể hiểu tâm và sử dụng
nó hữu hiệu là nhiệm vụ vượt qua chướng ngại về nòi giống, văn hóa
và tôn giáo. Ðương nhiên thiền có thể tu tập bởi bất cứ ai bất kể
đến nhãn hiệu tôn giáo của người ấy.
Lợi Ích
Của Thiền
Con người
quá bận trong việc tìm kiếm những phương thức để đạt dục lạc trong
cuộc tranh đua quyết liệt ngày nay. Thiền có lợi gì? Lợi ích của thiền
như sau:
* Nếu bạn
là người bận bịu, thiền giúp bạn quét sạch căng thẳng và tìm thấy
thư giãn.
* Nếu bạn
là người lo lắng, thiền giúp bạn bình tĩnh và giúp bạn tìm thấy thanh
bình lâu dài hay tạm thời.
*Nếu bạn
là người có quá nhiều vấn đề, thiền giúp bạn có can đảm và sức mạnh
để đương đầu và khắc phục các vấn đề ấy.
* Nếu bạn
thiếu tự tin, thiền sẽ giúp bạn lấy lại tự tin mà bạn cần. Lòng tự
tin là bí quyết của thành công.
* Nếu bạn
sợ hãi trong tim, thiền có thể giúp bạn hiểu rõ bản chất thực sự của
đối tượng làm bạn sợ hãi - rồi bạn có thể khắc phục được sợ hãi
trong tâm bạn.
* Nếu bạn
lúc nào cũng bất mãn với mọi thứ - không có thứ gì trên đời này được
vừa ý - thiền sẽ cho bạn cơ hội để phát triển và duy trì thỏa mãn nội
tâm.
* Nếu bạn
hoài nghi và không lưu tâm đến tôn giáo, thiền sẽ giúp bạn vượt qua tính
hoài nghi của bạn và nhìn thấy giá trị thực tiễn trong sự hướng dẫn
đạo lý.
*Nếu bạn
thất vọng và thất tình do sự thiếu hiểu biết bản chất về đời sống
và thế giới, thiền thực sự hướng dẫn bạn và giúp bạn hiểu điều
đã làm xáo trộn bạn bởi những thứ không cần thiết.
* Nếu bạn
là một người giàu có, thiền sẽ giúp bạn nhận thức được bản chất
của của cải của bạn và cách sử dụng của cải của bạn cho hạnh
phúc của bạn cùng những người khác.
* Nếu bạn
là người nghèo, thiền sẽ giúp bạn đạt sự mãn ý không nuôi dưỡng
ganh tị với những người có nhiều hơn bạn.
* Nếu bạn
là người trẻ đứng trước ngã tư của cuộc đời, bạn không biết phải
đi ngả nào, thiền sẽ giúp bạn hiểu biết con đường nào phải đi để
tiến tới mục tiêu đúng của bạn.
* Nếu bạn
là người già yếu đã chán chường cuộc sống, thiền sẽ mang lại cho bạn
sự hiểu biết sâu xa hơn về cuộc đời; sự hiểu biết này sẽ giảm
thiểu nỗi đau đớn của cuộc sống và làm tăng sự vui sống.
* Nếu bạn
là người nóng nảy, bạn có thể phát triển sức mạnh để khắc phục
nhược điểm nóng giận, hận thù và bất mãn.
* Nếu bạn
ghen ghét, bạn có thể hiểu được cái nguy hiểm của sự ganh ghét của bạn.
* Nếu bạn
là người nô lệ cho năm giác quan, bạn có thể học hỏi cách trở nên chủ
tể của những giác quan-tham dục của bạn.
* Nếu bạn
ghiền rượu hay ma túy, bạn có thể nhận thức được cách vượt qua được
thói quen nguy hiểm đã làm bạn thành nô lệ.
* Nếu bạn
là người ngu muội, thiền này sẽ cho bạn cơ hội trau dồi kiến thức hữu
dụng và lợi ích cho cả bạn lẫn bạn bè và gia đình.
* Nếu bạn
thực sự muốn tu tập thiền định này, cảm xúc của bạn sẽ không bao
giờ có cơ hội biến bạn thành người ngốc nghếch nữa.
* Nếu bạn
là người trí, thiền này sẽ mang bạn tới giác ngộ tối thượng. Rồi bạn
sẽ nhìn thấy sự vật chúng đúng như thế nào và không phải chúng có vẻ
là như thế.
* Nếu bạn
là người tâm tư suy nhược, thiền này sẽ làm tăng sức mạnh cho tâm bạn
để phát triển sức mạnh ý chí hầu khắc phục được những nhược điểm
của bạn.
Trên đây
là một số các lợi ích thực tiễn khi tu tập thiền định. Những lợi
ích này không có bán tại bất cứ một tiệm nào hay một siêu thị nào.
Tiền bạc không thể mua chúng được. Chúng là của bạn khi bạn tu tập
thiền định. Ở lúc ban đầu, loại chú tâm này thực sự là một tâm
"lo lắng" đang canh phòng "các tâm vọng tưởng" khác (tất
cả trong pham vi tinh thần của mình luôn thay đổi). Bằng cách đó, ta có
thể phát triển khả năng nhìn vào tâm và xem nó đi đâu.
Chuẩn Bị Thiền Tập
Chọn
Ðịa Ðiểm
Khi bạn mới
bắt đầu tập thiền, điều khuyên bạn là nên có một nơi yên tịnh để
bạn có thể tu tập. Cố gắng tìm nơi xa chỗ ồn ào náo nhiệt của một
cuộc sống bận rộn. Ðịa điểm có thể là một căn phòng, một mảnh vườn,
phòng ngủ - bất cứ chỗ nào bạn có thể tìm thấy. Khi đã tìm được
chỗ, gắn bó với nó. Không nên di chuyển chỗ tập thiền.
Khi bạn đã
có tiến bộ, bạn có thể tu tập ngay chỗ bạn làm việc hàng ngày. Không
cần thiết phải vào nơi ẩn dật. Nhớ rằng khi bạn đã phát triển tu tập
thiền định, chỗ nào cũng là chỗ bạn có thể thiền được.
Chọn
Giờ Giấc
Giờ hành
thiền là do bạn quyết định. Bất cứ thì giờ nào bạn đã chọn thì
thì giờ ấy phải để dành cho thiền. Trong thời gian này bạn phải nhất
quyết quên mọi thứ, mọi hoạt động hàng ngày, lo âu và những thứ đại
loại như vậy. Nhất quyết không để một việc gì trần tục xen vào việc
tu tập của bạn. Cũng nhất định dành thì giờ thường lệ vào việc thực
tập hàng ngày. Nhớ rằng khi bạn đã phát triển được hành thiền thì bất
cứ lúc nào cũng là lúc bạn hành thiền. Nếu bạn tiến tới giai đoạn
ấy, thiền là một phần của cuộc sống hàng ngày.
Thầy Dạy
Thiền
Có lẽ bạn
cảm thấy cần một người nào đó giúp đỡ, hướng dẫn và chỉ dạy bạn.
Không mấy dễ dàng tìm được một thiền sư thích hợp và đủ khả
năng. Nếu bạn có người bạn nào hành thiền, hãy nói chuyện với họ; họ
có thể là thầy dạy của bạn. Nếu bạn gặp cuốn sách nào hay bài báo
nào nói về thiền, hãy đọc chúng; chúng có thể là thầy dạy bạn. Nếu
bạn có thể tìm đuợc một thiền sư, nhớ rằng vị thiền sư cũng chỉ
là người bạn và người hướng dẫn. Thiền sư này không hành thiền cho
bạn được. Ông không thể thực hành cho bạn. Nếu bạn biết cách phát
triển sự tập trung và chú tâm để được sung mãn, trong sáng và kiên
trì, sự tỉnh thức tập trung là vị thầy, vị thầy ở ngay trong phạm vi
của bạn.
Cách Ngồi
Về cách ngồi
thiền, bạn có thể ngồi theo lối bán già hay kiết già. Nếu cách ngồi
đó khó khăn, bạn có thể ngồi ngay trên một cái ghế. Ðể chân thõng xuống
đất, chân không căng thẳng. Ngồi ngay ngắn lưng thẳng đứng, thân không
ngả về phía trước hay ngả về phía sau, bạn có thể bị buồn ngủ. Giữ
thân cho cân đối trong vị thế thẳng cho nên bạn có thể ngồi vững
vàng không căng hay cứng nhắc. Nếu cổ và xương sống không giữ được
thẳng, bản sẽ cảm thấy đau sau một vài phút.
Thiền
Là Gì?
Thiền đơn
giản là tập trung tỉnh thức. Nếu bạn quan tâm đến hành thiền, bạn phải
học làm sao phát triển tập trung qua thiền Samatha (trạng thái tâm vắng lặng,
an định) và Vipassana (tuệ minh sát ) thiền. Mặt khác sau khi học làm sao
phát triển sự tỉnh thức, hay sự chú tâm, bạn có thể thực hành tuệ
minh sát thiền hay tuệ giác thiền. Nếu bạn thích sử dụng tâm vắng lặng
(samatha) thiền trong cuộc sống hàng ngày, bạn học hỏi cách áp dụng sự
tập trung trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn muốn sử dụng tuệ minh
sát thiền, bạn học cách áp dụng tỉnh thức trong cuộc sống hàng ngày.
Sống-thiền đơn giản là phát triển và sử dụng tỉnh thức tập trung
trong những kinh nghiệm thông thường và biến cố của cuộc sống hàng
ngày.
Samatha:
An Chỉ Thiền
Samatha (Trạng
thái tâm vắng lặng) là một phương pháp huấn luyện tâm cho những ai muốn
phát triển sự tập trung. Thiền Samatha liên quan với việc gom tâm vào một
điểm.
Nhất điểm
trụ là trạng thái tập trung mà tất cả những khả năng và sức mạnh
tinh thần đều nhắm vào và điều khiển bởi sức mạnh ý chí hướng về
một điểm hay một đối tượng. Nhất điểm tâm là một tâm được tập
trung và hợp nhất. Nhất điểm tâm là sự đối nghịch của tâm buông
lung hay tán loạn. Bình thường trạng thái tinh thần của chúng ta chạy đi
mọi hướng nhưng nếu sự tập trung được dồn vào một đối tượng, bạn
bắt đầu biết bản chất thực sự của đối tượng ấy. Tiến trình của
tập trung lần lần thay đổi trạng thái tinh thần cho đến khi toàn bộ năng
lượng tinh thần đồng quy vào một điểm.
Mục đích
phát triển nhất của nhất điểm tâm là gì? Nếu bạn huấn luyện tâm
theo đường lối ấy, bạn sẽ mang lại bình tĩnh và sự tĩnh lặng cho tâm
và bạn sẽ có thể gom sự chú ý vào một điểm cũng như có thể ngưng
những vọng tưởng của tâm và những phí phạm năng lượng hữu dụng. Tâm
bình tĩnh không phải là mục đích. Sự bình tĩnh của tâm chỉ là cần
thiết để phát triển tuệ giác. Nói một cách khác, một tâm bình tĩnh cần
thiết nếu bạn muốn có một cái nhìn sâu vào chính bạn và có được sự
hiểu biết sâu xa về chính mình và thế giới.
Thiền
Samatha huấn luyện tâm với nhiều giai đoạn khác nhau của sự tập trung
tinh thần. Ở giai đoạn cao của sự tập trung tinh thần (được biết là
jhana - đắc thiền-na), sức mạnh tâm linh được phát triển. Tuy nhiên giai
đoạn cao về tập trung không cần thiết hay thực tiễn cho hầu hết mọi
người sống trong nhịp độ cuồng nhiệt của đời sống hiện đại.
Với hầu hết
mọi người, tâm nhẩy từ quá khứ tới hiện tại, tới vị lai và từ chỗ
này đến chỗ khác. Những người như vậy phí phạm một khối lượng
năng lực tinh thần to lớn. Nếu bạn có thể huấn luyện tâm bạn duy trì
đủ sự tập trung chú ý đến mỗi nhiệm vụ từng chập một thì quá thừa
đủ! Khi bạn đọc, tản bộ, nghỉ ngơi, trò chuyện - bất cứ gì bạn
làm trong cuộc sống hàng ngày, hãy hoạt động với một tâm bình tĩnh, đó
là chú tâm đến mỗi và mọi hành động. Hãy học cách nhắm tâm vào mỗi
nhiệm vụ.
Sống
Ngay Bây Giờ!
Nếu bạn
muốn phát triển sự tập trung, nhiệm vụ trước nhất là bạn phải tìm
một đối tượng thích hợp mà bạn có thể phát triển tập trung được
tâm. Trong thiền Phật Giáo, có 40 đối tượng (không phải là phương cách
hay phương pháp) bạn có thể sử dụng để phát triển tập trung. Bạn
không cần thiết phải sử dụng cả 40 đối tượng mà chỉ chọn một
trong số đó thích hợp với tính khí và tâm tính của bạn. Nếu bạn
không có thầy chọn cho bạn đối tượng thích hợp, bạn phải thử nghiệm
và tự lựa chọn. Dưới đây là một vài hướng dẫn để tự tìm ra đối
tượng thích hợp cho việc tập trung:
* Ðối tượng
phải trung tính; nếu nó gợi lên bất cứ cảm nghĩ mạnh mẽ về tham, sân
vân vân.. bạn không thể làm tâm bình tĩnh mà còn bị bồn chồn và khích
động.
*Ðối tượng
có thể ở trong hay ở ngoài. Ðối tượng ở trong là bên trong bạn. Thí dụ
đối tượng ở trong như hơi thở, lòng từ ái, từ bi vân vân.. Ðối tượng
bên ngoài có nghĩa đối tượng ở bên ngoài bạn. Thí dụ đối tượng bên
ngoài như: hình Ðức Phật, một đóa hoa, ngọn núi, vòng ánh sáng, một ngọn
lửa nến vân vân..
* Ðối tượng
phải vừa ý, tâm có thể chấp nhận được; nếu tâm luôn luôn bác bỏ
đối tượng, sự tập trung sẽ bị yếu đi.
* Nhớ rằng
đối tượng có lúc thích hợp với bạn nhưng rất có thể không được tâm
chấp nhận vào lúc khác. Thí dụ, sau một cơn thịnh nộ, rất khó khăn
cho bạn sử dụng lòng từ ái như một đối tượng để tập trung. Vào những
lúc như thế, cảm xúc nóng giận tự nó có thể dùng là một đối tượng
tốt để tập trung.
Một khi đã
chọn lựa đối tượng, nhiệm vụ của bạn chỉ đơn giản là giữ tâm bạn
cột vào đối tượng như bạn cột một con vật vào cọc. Chìa khóa để
thực hiện tập trung là giữ tâm vào một đối tượng, không vào đối
tượng nào khác. Bằng cách tụ tâm vào đối tượng, tâm dần dần trở
nên bình tĩnh và thư dãn.
Ðây một số
bài tạo rèn luyện sự tập trung mà bạn có thể phát triển như một loại
thiền chính thức hay một phần trong hoạt động hàng ngày của bạn.
- Tập về
sức khỏe: trong khi đi đi lại lại, hãy giữ ba ý tưởng này trong tâm:
"sung sướng, mạnh và khỏe". Hãy nhắc đi nhắc lại những lời
ấy, tập trung tâm vào những lời ấy cho đến khi cảm thấy những lời
ấy thâm nhập vào thân theo qui luật tự nhiên.
- Tập về
suy nghĩ: Trong khi nghĩ về một đề tài, chú tâm vào đề tài ấy. Tụ
tâm vào đề tài ấy mà suy xét. Không nuôi dưỡng tư tưởng xa lạ hay không
thích hợp nào.
- Thực tập
thông lệ hàng ngày: khi đọc sách, giữ mắt và tâm vào cuốn sách.
- Khi quét
nhà, chú tâm vào việc quét nhà.
- Khi đọc
cho người khác viết một lá thư, chú tâm vào việc đọc chứ không phải
người thư ký.
- Học cách
tập trung vào việc bạn làm từng lúc một. Ðó là sống trong hiện tại.
Sống ngay bây giờ!
Vipassana:
Minh Sát Thiền
Tuệ minh
sát thiền là sự hiểu thấu bản chất bên trong sự vật; Vipassana là
nhìn sự vật chúng đúng la vậy. Con đường dẫn đến hiểu thấu bên
trong hay nhận thức là tỉnh thức hay chú tâm. Phương pháp phát triển sự
chú tâm căn cứ vào bài giảng nổi tiếng của Ðức Phật. Trong bài thuyết
giảng này, Ðức Phật giải thích cách phát triển và trau dồi tâm. Tên của
bài thuyết pháp này là Kinh Satipatthana (Niệm Xứ). Trong kinh này, Ðức Phật
đưa ra bốn đối tượng thiền để cân nhắc: thân, cảm nghĩ, tư tưởng
và trạng thái tâm. Nền tảng của việc tập Minh Sát Thiền là sử dụng
bốn đối tượng đó cho việc phát triển sự tập trung, chú tâm, và tuệ
giác hay hiểu thấu chính mình và thế giới chung quanh mình. Satipatthana
trình bày phương pháp đơn giản, trực tiếp và hữu hiệu cho việc huấn
luyện tâm để đáp ứng nhiệm vụ và những vấn đề hàng ngày hầu đạt
được mục tiêu tối thượng: giải thoát. Satipatthana an toàn cho tất cả
loại tính nết, và là phuơng cách vô hại để huấn luyện tâm. Bạn có
thể dùng được phương pháp này bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu,
trong phòng sở bận bịu hay trong bầu không khí yên tĩnh của một đêm
thanh bình.
Nhiệm vụ
phát triển sự tỉnh thức là chú tâm (sati). Tỉnh thức rất đơn giản,
rất thông thường, và rất quen thuộc với trạng thái của tâm. Trong giai
đoạn sơ khởi, tỉnh thức tức hết sức chú tâm vào một đối tượng.
Có nghĩa là bạn chỉ quan sát đối tượng mà không có suy xét hay suy nghĩ
về nó. Tỉnh thức đơn giản là quan sát hay đem chú tâm mà không có một
phán xét hay suy nghĩ nào.
Thân Là
Một Ðối Tượng Của Thiền
Mục đích
của những bài thiền tập này là để nhận thức bản chất của thân và
không luyến chấp vào thân, không bị lôi cuốn hay cự tuyệt bởi tâm. Thường
đa số người tự nhận dạng mình bằng thân. Tuy nhiên, ở một giai đoạn
thanh tịnh tâm thần và tuệ giác, bạn sẽ không còn chú ý nghĩ mình là một
thân, bạn không còn đồng nhất hóa với thân. Bạn sẽ bắt đầu nhìn
thân đúng như nó là thế .
Bài Tập
1: Chú Tâm về Hơi Thở (anapanasati)
Ðã chọn
xong thì giờ và địa điểm, và đã áp dụng tư thế thích hợp nhất, bạn
sẵn sàng bắt đầu. Thở lặng lẽ và tự nhiên, trong khi thở hoàn toàn
nhận thức hơi thở của bạn. Nhận thức hành động thở không đồng nhất
hóa bạn với hơi thở ấy. Thừa nhận tiến trình ấy như sau: "Hít
vào" "Thở ra". Nếu nhiều ý tưởng hay vọng tưởng phát sinh
và quấy rầy sự tập trung của bạn, bạn có thể đếm hơi thở: Hít
vào 1, 2, 3 - "Thở ra 1, 2, 3.." Khi tập trung tăng trưởng, không cần
đếm nữa và nhận thức mình đang thở. Cố gắng chú ý đến điểm trên
lỗ mũi, chỗ hơi thở chạm với thân.
Hơi thở có
thể trở nên sâu hay nông, chậm hay nhanh, theo khuynh hướng tự nhiên. Giữ
thân thẳng thắn và bất động trong khi tinh thần tỉnh táo, hãy theo dõi
sát và càng giữ bất động càng tốt. Khi bạn thành thạo với bài tập
này, thân trở nên thoải mái va hơi thở điều hòa. Bạn sẽ thấy rất an
lạc và không bị phiền nhiễu bởi những biến cố trong tâm hay bên
ngoài.
Trong khi thực
hành bài tập này, bạn nên quên đi công việc đủ loại hàng ngày, và
không nên ý thức cả về chính bạn nữa. Chỉ cần nhận biết tiến
trình hơi thở, hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra. Sáng sớm là
lúc rất tốt cho bài thực tập này.
Bài Tập
2: Chú Tâm Lúc Kinh Hành
Thực tập
đi kinh hành băt đầu bằng đứng tại chỗ. Tư thế đứng với thân thẳng,
gót chân chạm vào nhau. Mắt nhìn thằng phía trước, không nhìn lên và cũng
không nhìn xuống.
Giữ tư thế
như vậy suốt lúc tập đi kinh hành. Ðừng theo những chuyển động bằng
mắt mà bằng sự chú tâm. Trong khi đứng, nhận thức mình đứng, nhận biết
bạn đang đứng bằng cách nói trong tâm "Ðang đứng, đang đứng, đang
đứng" Bây giờ bắt đầu đi, trước hết chú ý đến gót chân bên
chân phải. Nhận biết nhấc chân phải bằng cách nói trong tâm, "nhấc".
Bước tới và nhận thức,"bước" . Hạ thấp chân xuống và để
trên mặt đất, nhận thức bằng tinh thần. "Ði".
Tập kinh
hành gồm có ba giai đoạn: "nhấc", "bước", và "đi".
Nhận biết mỗi giai đoạn khi bạn đi chú tâm tập trung vào những động
tác của phương pháp đi cho đến khi bạn tiến tới cuối đường.
Bạn ngùng
lại, hai châm chụm nhau trong tư thế đứng thẳng, nói trong tâm::
"Ðang đứng, đang đứng, đang đứng". Khi bạn quay lại bằng gót
chân, nhận biết mỗi giai đoạn của sự chuyển động quay lại: quay gót
của một chân và nhấc chân lên rồi đặt chân xuống đất của chân kia.
Nhận biết bằng cách nói "quay". Khi quay xong, nhận biết tư thế
đứng:Ðang đứng, đang đứng, đang đứng". Rồi bắt đầu bước tới:
"Nhấc, bước, đi". Việc thực tập này phải được làm chậm
rãi càng chú tâm càng tốt.
Nếu bất cứ
cảm nghĩ, tư tưởng, tiếng động, xáo trộn vân vân phát xuất, bạn phải
nhận biết khi chúng đến. Nếu bạn nghe thấy một tiếng động, bạn tự
nhủ "Nghe, nghe, nghe" Nếu một vài tư tưởng xâm nhập tâm, nhận
biết và nói "suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ" Sau khi nhận biết, quay sự
chú ý về thực tập kinh hành.
Bài Tập
3: Chú Tâm Về Thân Trong Ðời Sống Hàng Ngày
Một khi bạn
đã phát triển sự tập trung tỉnh thức với thân như môt đối tượng của
thiền, bạn phải cố gắng hiểu rõ ràng bạn đang làm gì với thân mọi
lúc trong ngày làm việc. Trong khi đi bộ, chú ý đến động tác đi bộ, với
nhiều chi tiết mà bạn có thể quan sát được. Tự bạn cũng nhận thức
khi thân ngồi, đứng, tựa. Quan sát cử động của thân dù trong hành động
nhìn vào, hay nhìn chung quanh, dù cúi xuống hay duỗi ra, dù mặc quần áo, rửa,
ăn, nhai kẹo cao xu, hay đáp ứng việc đại, tiểu tiện. Mục đích là giữ
vững vàng sự chú ý vào mỗi biến chuyển trong khi nó hiện hữu mà không
theo những biến chuyển ấy với tưởng tượng là chúng không hiện hữu.
Mục đích bị mất nếu thân làm một đàng mà tâm nghĩ một nẻo.
Bất cứ lúc
nào bạn có thì giờ rảnh trong ngày, hãy sử dụng thân như một đối tượng
của sự tập trung tỉnh thức.
Cảm
Nghĩ Như Những Ðối Tượng Của Thiền
Nhiệm vụ
ở đây là tinh thần phải nhận thức mỗi cảm nhận lúc cảm nhận ấy
phát sinh. Bạn có rất nhiều việc phải làm nếu bạn muốn giải quyết với
những cảm nghĩ. Bạn phải hiểu thấu những loại cảm nghĩ phải hay không
phải chúng đem thích thú, không thích thú hay trung tính. Bạn phải hiểu
làm sao chúng trở thành, làm sao chúng phát triển sau khi phát sinh, và làm
sao chúng biến đi. Cảm nhận nảy sanh bất cứ lúc nào có sự tiếp xúc
giữa những giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân) và những đối tượng
bên ngoài. Cảm nhận phải được nhận thức và hiểu rõ đúng chúng như
thế nào.
Bài Tập
1: Chú tâm vào những giác quan căn bản
Bạn phải
tỉnh thức về những cơ quan của giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân)
và sự tiếp xúc của chúng với thế giới bên ngoài. Bạn phải tỉnh thức
về những cảm nghĩ phát sinh do kết quả của những sự tiếp xúc ấy.
Thí dụ: tai tiếp xúc với tiếng động (Như trẻ em la lối và cười) bên
ngoài chỗ bạn thiền. Cảm nghĩ không thích thú nảy sanh hay thân tiếp
xúc với bề mặt cứng (cái ghế mà bạn ngồi lên). Không thích; không
không thích thú. Cảm nhận như ngứa trong mũi; cảm nhận không thích thú;
muốn gãi. Nhận biết cảm nhận và bạn giống như người gác cửa luôn
luôn phải canh chừng người vào ra. Sử dụng cảm nghĩ như đối tượng
để tập trung tỉnh thức. Rồi bạn sẽ hiểu bản chất của cảm nghĩ và
bạn có thể thực tập kiểm soát chúng tốt hơn.
Bài Tập
2: Chú tâm về những cảm nghĩ trong đời sống hàng ngày
Cố gắng từ
từ thiết lập sự kiểm soát về những cảm nghĩ bằng cách điều độ
trong ăn uống, bằng cách tránh ngủ nhiều. Cố gắng nhìn thấy những cảm
nghĩ khi chúng phát sinh trong tiến trình đời sống hàng ngày. Ðây một
vài thí dụ như khi chờ đợi tại trạm xe buýt, quan sát," "sự bất
mãn nảy sanh trong tâm". Trong khi vui hưởng thức ăn trong nhà hàng ăn,
quan sát "Lưỡi tiếp xúc với những vật ngon. Tham ăn nảy sanh.
"Khi bạn gặp người bạn tốt mà đã từ lâu không được gặp, quan
sát, " tâm tiếp xúc với đối tượng về tình bạn. cảm nghĩ tốt,
sung sướng nảy sanh".
Các Trạng
Thái Tinh Thần Như Những Ðối Tượng Của Thiền
Bạn không
thể chạy trốn khỏi tâm. Với thiền bạn có thể huấn luyện cho tâm
bình tĩnh và thoát khỏi những xáo trộn bên trong hay bên ngoài. Áp dụng tập
trung tỉnh thức với những hỗn loạn bên trong và mâu thuẫn tinh thần,
quan sát, hay chú tâm đến tất cả những trạng thái thay đổi của tâm.
Khi tâm được phát triển đúng cách, nó mang niềm vui và hạnh phúc nhất.
Nếu tâm bị sao lãng nó mang lại cho bạn trở ngại và khó khăn không kể
siết. Tâm kỷ luật rất mạnh mẽ và hữu hiệu, trong khi tâm do dự thì yếu
và không hữu hiệu. Người trí huấn luyện tâm họ như người luyện ngựa
huấn luyện ngựa.
Bài Tập
1: Quan Sát Tâm
Ngồi một
mình và quan sát những trạng thái thay đổi của tâm. Nhiệm vụ chỉ là vấn
đề quan sát sự thay đổi các trạng thái. Không tranh đấu với tâm, hay lẩn
tránh tâm, hoặc cố gắng kiểm soát nó. Ðơn giản nhìn vào tâm và cố gắng
thấy nó như thế nào. Khi tâm ở trong trạng thái tham dục, phải tỉnh thức
biết nó tham dục. Quan sát khi tâm ở trong trạng thái sân hận hay khi nó
thoát khỏi sân hận. Quan sát tâm tập trung hay tâm mung lung. Quan sát những
hoàn cảnh thay đổi này mà không đồng nhất hóa với chúng. Nhiệm vụ
là không chú tâm đến thế giới mà nhắm vào chính tâm bạn: Tâm quan sát
tâm để khám phá ra bản chất của chính nó. Quả là một nhiệm vụ hoàn
toàn không dễ, nhưng có thể làm được.
Bài Tập
2: Quan Sát Tâm trong đời sống hàng ngày
Trong tất cả
mọi tình trạng, bạn phải quan sát sự hành hoạt của tâm mà không đồng
nhất với hay bào chữa cho tư tưởng của bạn, không xây bức màn của
thành kiến, không mong chờ tưởng thưởng hay thỏa mãn. Khi bạn đang quan
sát, cảm giác ham muốn, sân hận, ganh ghét, và nhiều trạng thái bất thiện
khác chắc chắn phát sanh và làm đảo lộn quân bình của tâm. Ðó là lúc
bạn phải thiền để kiểm soát những yếu tố có hại ấy. Những thí dụ
như: nhận biết, " tâm lo lắng vì tôi lỡ chuyến xe buýt. Sự lo lắng
không phải là xe buýt, sự lo lắng là tâm". Nhận biết " Sân hận
trong tâm vì tôi không thích đồ ăn này. Sự sân hận không phải trong đồ
ăn, đó là trong tâm. Tôi phải cẩn thận quan sát sân hận này trong
tâm".
Tư Tưởng
Như Những Ðối Tượng Của Thiền
Trong Kinh
Satipatthana nói đến sự tỉnh thức về con đường giác ngộ do Ðức Phật
trình bày. Nơi đây nhiều khía cạnh của Pháp hay Giáo Lý của Ðức Phật
- đối tượng tinh thần- được chú tâm thẩm tra và quan sát khi chúng
phát sinh trong tâm. Với những người mới bắt đầu hành thiền và không
ý thức đến những khía cạnh này của Giáo Lý của Ðức Phật, những đối
tượng này có thể là những tư tưởng và quan niệm phát sinh trong tâm.
Nhiệm vụ
nơi đây là tỉnh thức về những tư tưởng sinh rồi diệt trong tâm. Bạn
sẽ từ từ hiểu bản chất của những tư tưởng . Bạn phải hiểu cách
làm sao sử dụng những tư tưởng thiện và tránh cái nguy hiểm của những
tư tưởng có hại. Tư tưởng của bạn lúc nào cũng cần được quan sát
nên tâm phải được thanh tịnh hóa.
Bài Tập
1: Chú tâm về những tư tưởng
Ngồi một
mình rồi tập trung tâm vào những tư tưởng. Quan sát những tư tưởng thiện
và thấy chúng ảnh hưởng tinh thần bạn ra sao. Quan sát những tư tưởng
có hại và thấy chúng xáo trộn tinh thần bạn ra sao. Ðơn giản là quan
sát tư tưởng một cách vô tư và tạo cơ hội để vượt qua chúng. Sự
chuyển động vượt qua tư tưởng và kiến thức mang an lạc, hòa hợp, và
hạnh phúc. Giống như bạn quan sát người ra vào phòng bạn. Bằng cách tỉnh
thức về những tư tưởng, bạn từ từ có thể giảm thiểu những tư tưởng:
mỗi tư tưởng được giảm thiểu mang thêm an lạc và sức mạnh cho tâm.
Nếu bạn chiến đấu với tư tưởng bạn sẽ có một nhiệm vụ rất
không thích thú. Ðơn giản hãy quan sát chúng. Từ từ bạn sẽ hiểu được
cách kiểm soát những tư tưởng tội lỗi và khuyến khích các tư tưởng
thiện.
Bài Tập
2: Chú tâm về đối tượng tinh thần
Thường nhật
trong ngày làm việc, cố gắng quan sát tiến trình suy nghĩ của bạn. Không
đồng nhất hóa với tiến trình ấy, đơn giản quan sát nó. Nhận biết,
" Bây giờ sự suy nghĩ của tôi sai, tôi đang toan đánh lừa người này".
Nhận biết, tâm suy nghĩ rất tiêu cực bây giờ. Bất cứ gì tôi suy nghĩ,
tôi đều suy nghĩ tiêu cực. Tại sao lại như vậy? Nhận biết "Ðó
là môt ý tưởng tốt vừa mới xuất hiện trong tâm. Tôi phải đưa ý kiến
này cho Ông X. để sử dụng".
Tiến Triển
Trong Thiền
Xin nhớ hành
thiền đòi hỏi nhẫn nại, bền bỉ, và cố gắng và một thời gian dài
để hoàn thành. Không có con đường tắt. Không có công thức thần diệu.
Tiến trình
thiền đòi hỏi làm việc tích cực: như lội ngược dòng.
Bạn sẽ bị
thất vọng nếu bạn mong muốn có kết quả tức khắc hay nhanh chóng từ
việc hành thiền của bạn. Nếu bạn là người bận rộn với những tham
vọng trần tục, bạn không thể tức khắc và tình nguyện an tâm bạn đến
mức dẹp hết được tất cả tư tưởng; bạn không thể tức khắc kinh
qua được sự tập trung tỉnh thức mạnh mẽ và liên tục.
Nếu bạn
hy vọng tiến bộ về thiền, bạn phải đặt mình vào một số luật lệ
rèn luyện. Luật lệ rèn luyện rất quan trọng đối với thể lực của một
lực sĩ muốn chiếm giải vô địch. Cũng thế luật lệ rèn luyện rất
quan trọng cho việc sung sức của một thiền giả muốn đạt được tiến
bộ lâu dài. Thiết lập kỷ luật tự giác, phải giống như dây của cây
đàn lục huyền cầm không căng quá mà cũng không trùng quá: đừng để mất
sự hòa hợp.
Sức khỏe
về tinh thần và thể lực tốt rất cần thiết cho sư tiến bộ của bạn.
Bạn phải duy trì và tạo ra năng lượng tinh thần và thể xác đầy đủ.
Một thân xác hay một tâm yếu đuối và suy nhược là một trở ngại lớn
cho việc hành thiền. Bạn phải để cho thân và tâm nghỉ ngơi, thực tập
và có chế độ ăn uống đúng cách.
Làm sao bạn
có thể phán xét tiến bộ thực sự của bạn về hành thiền? Không mấy
dễ dàng cho một người ước lượng sự tiến bộ tinh thần của mình.
Không nên xét đoán sự tiến bộ qua trạng thái phớn phở chốc lát, nhận
thức biến đổi, tình trạng bất thường của thức, thần thông huyền
bí. Sau đây là một luật lệ khắt khe để bạn đo lường sự tiến bộ
thực sự của bạn: nếu bạn đạt sự gia tăng về trạng thái hạnh
phúc, an lạc và tịch tịnh, và bạn thấy giảm thiểu tình trạng buồn
bã, thất vọng, lo lắng, băn khoan, bạn có sự tiến bộ thực sự.
Hành Thiền
Trong Ðời Sống Hàng Ngày
Trạng thái
tập trung tỉnh thức có thể được phát triển như một loại thiền chính
thức. Tuy nhiên trạng thái này phải được dần dần chuyển vào đời sống
hàng ngày. Việc này cần phải có thời gian, cố gắng và nhẫn nại nhưng
bạn có thể áp dụng thiền trong suốt cuộc đời.
Nếu bạn
muốn như vậy, bạn có thể luôn luôn tạo những cơ hội phát triển một
số dạng thức tập trung tỉnh thức trong đời sống hàng ngày. Trong đời
sống hiện đại, có quá nhiều bổn phận phải thi hành, quá nhiều những
hành động vội vàng, những lúc căng thẳng, và những tình trạng lo lắng
tạo thành sự lãng phí lớn năng lượng tinh thần. Giũa cái náo động của
cuộc đời, hãy bỏ ra ít phút trong một ngày để thiền dịnh lặng lẽ hầu
làm sung mãn tâm bạn. Ðó là tài sản cho công việc hàng ngày của bạn
và cho sự tiến bộ. Bằng cách quan sát tư tưởng và cảm nghĩ của những
người khác khi chúng phát sinh trong lề thói hàng ngày, bạn cũng có thể từ
từ thăm dò vào ý nghĩa bên trong của sự vật. Bạn có thể tìm thấy sức
mạnh và an lạc bên trong.
Nếu bạn
có thể tu tập thiền trong đời sống hàng ngày, bạn hoàn toàn sống và
đang sống trong hiện tại. Bạn hoàn toàn tỉnh thức về điều xẩy ra bên
trong và chung quanh bạn. Trong cái thế giới chao đảo này, bạn sống với
nội tâm an lạc và bình thản.
Mục lục | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15
16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31