- KINH TỤNG HẰNG
NGÀY
- TỔNG HỢP 49 KINH CĂN
BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
- NAM TÔNG VÀ BẮC
TÔNG
LỜI
GIỚI THIỆU
Từ khi
Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX, Tăng, Ni và Phật
tử nước ta đều đọc tụng Kinh điển bằng chữ Hán. Nhờ có phong trào
chấn hưng Phật giáo trong các thập niên 30 và 40 của thế kỷ này, các
nghi thức bằng chữ Hán dần dần được thay thế bằng các nghi thức
phiên âm Hán Việt. Theo bộ Nhật Tụng hai tập thượng và hạ, viết bằng
Hán tự, do hội Việt Nam Phật Giáo chủ biên và trường Viễn Đông Bác Cổ
Hà Nội ấn hành, một ngày đêm được chia thành sáu thời tu niệm. Mỗi
thời đều có khóa lễ riêng biệt: khóa sáng vào lúc 4 giờ, đại chúng
vân tập tại chính điện tụng Thủ-lăng-nghiêm và Thập Chú;
khoá trưa tụng Kinh Tứ Thập Bát Nguyện; khóa tối tụng Kinh A-di-đà,
và ba thời niệm Phật: Buổi sáng khoảng 5 giờ 30’, chiều 18 giờ và buổi
tối, trước khi đi ngủ (lâm thụy), lúc
21 giờ. Đấy là theo nghi thức tu trì ngoài Bắc. Còn Trung, Nam bộ, các
nghi thức tụng niệm phần lớn mô phỏng theo nghi thức Hai Thời Khóa Tụng
của các Tổ Trung Hoa. Thần chú Thủ-lăng-nghiêm và Mười Thần Chú
căn bản khác được tụng vào thời Kinh khuya. Kinh A-di-đà và Kinh Phổ Môn thường được tụng
niệm trong các khoá lễ buổi chiều. Thỉnh thoảng các Kinh Phổ Hiền
Hạnh Nguyện, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp
Hoa, Kinh Đại Bát Niết-bàn và Kinh Kim Cương Bát-nhã cũng được đọc tụng trong những ngày đại
lễ Phật giáo. Các Kinh điển Đại thừa bằng âm Hán Việt đó nếu
không được vị pháp sư phân tích và giảng giải tường tận thì người
đọc tụng khó mà lĩnh hội được hết những nghĩa lý sâu xa huyền diệu
chứa đựng trong đó. Các nghi thức tụng niệm của Phật giáo Việt Nam do
vì chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, được biên soạn theo âm Hán Việt,
nên tinh thần giáo lý cao siêu của đức Phật khó có thể lan truyền rộng
rãi trong khắp giới bình dân, một thành phần chiếm đại đa số trong các
thời đại.
Bộ Kinh
Tụng Hằng Ngày mà quý vị hiện có trong tay là một tuyển tập 49 bài
Kinh căn bản trong hai kho tàng Kinh điển Pali và Đại thừa, được đại
đức Thích Nhật Từ chọn lọc, biên soạn và ấn tống lần đầu vào năm
1994. Hơn hai phần ba số Kinh được trích dịch từ Kinh tạng Pali trong khi
chỉ có một phần ba còn lại từ Kinh điển Đại thừa, Hán tạng. Tỷ lệ
cũng như nội dung của các bài Kinh trong nghi thức này cho thấy được tính
nhất quán và bổ sung lẫn nhau về giáo nghĩa và pháp thức hành trì trong
hai truyền thống lớn của Phật giáo là Nguyên thuỷ và Đại thừa.
Bộ Kinh được biên soạn, theo chủ ý ban đầu, để
đọc tụng trong khoá lễ buổi tối tại các chùa, trên thực tế chúng ta
có thể đọc tụng trong các khoá lễ buổi sáng và buổi chiều. Một trong
các đặc điểm của nghi thức này là tính chất thuần Việt được thể
hiện trong từng bài Kinh, và ngay cả hai phần nghi thức dẫn nhập và hồi
hướng. Nhờ đó, người đọc tụng có thể dễ dàng hiểu được tôn chỉ
của Kinh mà ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Vậy, khi đọc tụng bộ
Kinh này, người thụ trì không cần phải tra khảo các từ điển Phật học
mà vẫn có thể tự mình trực tiếp hiểu được lời Phật dạy, nhờ đó
tăng thêm tín tâm với chính pháp, áp dụng vào đời sống, đem lại an lạc
và hạnh phúc cho bản thân. Điểm đặc biệt khác là bộ Kinh chứa đựng
nhiều bài Kinh với nhiều nội dung tu tập khác nhau, được sắp xếp theo
một thứ tự từ căn bản đến chuyên sâu, nhờ vậy, người đọc tụng
hằng ngày không cảm thấy nhàm chán như trong trường hợp phải đọc đi
đọc lại một bài Kinh quanh năm suốt tháng, như các nghi thức tụng niệm
trước đây.
Ngoài những
bài Kinh căn bản của Đại thừa ra, các nghi thức của Việt Nam trước
nay đều được biên soạn trên tinh thần của pháp môn Tịnh Độ, phối hợp
với Mật tông, yếu tố thiền định là nền tảng chính của cánh cửa giải
thoát cũng được chú ý một cách đặc biệt.
Bộ
Kinh
Tụng Hằng Ngày trình
bày nội dung giáo pháp của đức Phật, giới thiệu các phương pháp tu
tâm dưỡng tính, các nghệ thuật xây dựng hạnh phúc cá nhân, gia đình
và xã hội, các pháp tu niệm Phật, niệm pháp và thiền định cần thiết
cho sự phát triển đời sống tâm linh. Nói chung, các giáo pháp căn bản
cho việc thiết kế một mô hình xã hội nhân đạo chân chính và hướng
đến sự chứng đắc giải thoát đều được trình bày trong bộ Kinh này.
Việc đọc tụng và thụ trì bộ Kinh này, do vậy, trở nên rất cần thiết
đối với người con Phật, bất luận trong thời đại nào.
Trong
truyền thống đặc thù của Phật giáo Việt Nam, các vị Tổ Sư tiền bối
đã khéo dung hợp ba pháp môn Tịnh, Mật và Thiền hòa quyện trong cùng một
thời khóa tu niệm, tạo cho người thụ trì, đọc tụng thanh tịnh được
thân, khẩu, ý một cách dễ dàng mà không thấy có gì là ngăn ngại cả.
Một nỗ lực khác đáng chú ý là, soạn giả đã
mạnh dạn đặt lại tên của các bài Kinh, mà tựa nguyên thuỷ của nó
không phản ánh được chủ đề chính mà chúng muốn mô tả. Không những
thế, soạn giả cũng đã thêm các tiêu đề phụ ở những bài Kinh chưa có
tiêu đề, hầu giúp cho người đọc tụng dễ nắm bắt được đại ý của
các Kinh.
Ở đây,
tôi cũng cần nhắc người thụ trì, hãy tránh thái độ tụng Kinh để kể
công với Phật, hay để tiêu khiển thời gian, hoặc biến thời Kinh thành
một buổi nhạc lễ. Không nên tụng Kinh vì mục đích cầu phúc báo danh lợi
nhân gian. Đọc tụng Kinh điển trước để hiểu rõ và sau là hành trì.
Hiểu rõ để thực hành khỏi sai. Hành trì để bản thân và tha nhân được
an lạc.
Nói cách
khác, để hiểu rõ và hiểu sâu lời Phật dạy, trước nhất, người thụ trì cần phải siêng năng đọc tụng,
nghiền ngẫm nghĩa lý. Sau khi nắm vững được chính pháp, người đọc tụng
phải đích thân ứng dụng và thực hành. Có như vậy thì việc đọc tụng
mới có nhiều ý nghĩa thiết thực.
Người
đọc tụng cần phải lưu ý rằng lời Phật dạy được trình bày trong
Kinh điển chỉ là tấm bản đồ hướng dẫn chúng ta tu tập. Bản thân tấm
bản đồ cũng như các con đường không phải cứu cánh của việc tu tập.
Nương vào sự hướng dẫn của Kinh điển để tu tập cũng như nương vào
ngón tay để nhìn thấy được mặt trăng, hay nương vào thuyền bè để
sang sông. Khi thấy được mặt trăng chân tâm hay khi đến được bờ giải
thoát bên kia, người thụ trì coi như phần nào đã chứng ngộ rồi vậy.
Đã
từ lâu, tôi hằng mong ước biên soạn một nghi thức tụng niệm thuần Việt,
để giúp cho người Phật tử Việt Nam dễ dàng hiểu và thực hành, hoài
bão đó đến nay vẫn chưa đủ duyên để thực hiện. Nay đại đức Thích
Nhật Từ phát tâm soạn bộ Kinh Tụng Hằng Ngày, tôi vô cùng hoan hỷ,
và mong rằng trong tương lai gần, chư tôn đức giáo phẩm sẽ ngồi lại
cùng biên soạn một nghi thức tiêu chuẩn cho toàn quốc. Trong khi chờ đợi một nghi thức hoàn chỉnh,
bộ Kinh Tụng Hằng Ngày này sẽ mang lại nhiều lợi ích không nhỏ
cho người đọc tụng và thụ trì Kinh điển bằng tiếng Việt Nam.
Cầu
chúc tất cả những ai có duyên đọc tụng bộ Kinh này đều tăng trưởng
tâm bồ-đề, gặt hái được nhiều an lạc ở hiện tại và tương lai, đồng
thời gặp được nhiều thắng duyên trên con đường tu tập giải thoát.
- Viết tại chùa
Giác Minh, Sài Gòn, ngày 10-1-2002
- Sa-môn Thích Đức Nhuận