Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KINH TỤNG HẰNG NGÀY
TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

KINH BA CÁNH CỬA GIẢI THOÁT
Thứ hai mươi tám

 

Thời đó, Phật đang ở thành Xá-vệ với đầy đủ quý vị trong cộng đồng Tỳ-kheo. Một hôm Ngài nói với đại chúng rằng:    O

- Có ba cánh cửa giải thoát, còn gọi là pháp ấn mầu nhiệm, quý vị có biết không? Hôm nay Như Lai muốn phân tích và diễn giải pháp ấn này cho quí vị nghe. Quý vị hãy đem nhận thức thanh tịnh ra để nghe cho kỹ, tiếp nhận cho thấu đáo, khéo léo sử dụng tâm ý để ghi nhớ mà hành trì.   O

Đại chúng cùng thưa rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn ! Xin Người chỉ dạy cho. Chúng con muốn được nghe.

Đức Phật dạy rằng:

- Tự tính của "không" là không nằm trên bình diện có không, không nằm trong khuôn khổ các vọng tưởng, không có tướng sinh, không có tướng diệt, và vượt thoát mọi tri kiến. Tại sao thế? Vì tự tính của "không" không có vị trí trong không gian, không có hình tướng, không thể khái niệm được, chưa bao giờ sinh khởi, tri kiến không nắm bắt được, và thoát ly mọi sự nắm bắt. Vì thoát ly mọi sự nắm bắt nên nó bao hàm được tất cả các pháp, và an trú nơi cái thấy bình đẳng không phân biệt. Cái thấy ấy là cái thấy chân chính và xác thực. Thưa đại chúng ! Quý vị nên biết rằng không chỉ có tự tính của "không" như thế mà tất cả các pháp khác cũng đều như thế. Đó gọi là pháp ấn.     O

Pháp ấn này chính là ba cái cánh cửa đi vào giải thoát, là giáo lý căn bản của các Đức Phật, là con mắt của các Đức Phật, là chỗ đi về của các Đức Phật. Vì vậy quý vị nên nghe cho kỹ, tiếp nhận cho thấu đáo, để ghi nhớ mà tư duy và quán chiếu ngay trong thực tại.   O

- Này đại chúng ! Người tu hành nên tìm nơi tĩnh mịch như vào rừng, ngồi dưới gốc cây, để thực tập quán chiếu về tự thân thực tại. Phải thấy mọi hình sắc là khổ, là không và là vô thường, để thoát ly cho được sự bám víu vào hình sắc và trở về an trú trong cái thấy bình đẳng không phân biệt đối với hình sắc. Đối với cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức cũng thế: Người ấy nên quán chiếu rằng chúng là khổ, là không và là vô thường để có thể thoát ly cho được cái thấy có tính cách sai lạc về cảm giác, trí giác, tâm tư và nhận thức để đạt tới cái thấy bình đẳng không phân biệt về chúng. Các uẩn vốn là không, vốn được sinh khởi từ tâm, khi tâm không còn hiện hành thì uẩn cũng không còn tác dụng. Thấy biết được như thế tức là đạt được giải thoát chân chính, giải thoát chân chính rồi thì thoát được mọi tri kiến. Phép quán sát này được gọi là “không,” cánh cửa giải thoát thứ nhất.  O

- Lại nữa, an trú trong định mà quán sát các đối tượng thì hành giả thấy được các đối tượng hình sắc đều tan biến hết và người thoát ly được tánh cách hư ảo của tri giác về hình sắc. Các đối tượng khác là thanh, hương, vị, xúc và ý niệm của tâm cũng đều tan biến hết và hành giả thoát ly được tánh cách hư ảo của mọi tri giác về thanh, hương, vị, xúc và ý niệm của tâm. Phép quán sát này gọi là “vô tướng,” cánh cửa giải thoát thứ hai. Vào được cánh cửa giải thoát này rồi thì tri kiến sẽ được thanh tịnh nên hành giả diệt trừ được tất cả phiền não tham, sân, si. Tham, sân và si đã tận diệt thì hành giả an trú được trong cái thấy bình đẳng. An trú được trong cái thấy này thì lìa được những cái thấy về “ta” và về “của ta,” nghĩa là chấm dứt được mọi cái thấy sai lầm. Cái thấy này không còn cơ hội và căn cứ để sinh khởi nữa.  O

- Lại nữa, này đại chúng ! Thoát ly được cái thấy về ta rồi, thì không còn cho rằng những sự vật mà ta thấy, nghe, cảm và biết là những sự vật có thật ngoài những nhận thức nữa. Vì sao thế? Vì nhận thức cũng chính là do nhân duyên mà phát sinh. Nhận thức và các nhân duyên làm phát khởi ra nhận thức đều biến chuyển vô thường, mà vì thức vô thường cho nên ta cũng không nắm bắt được. Tổ hợp thức đã không như bất cứ hiện tượng nào khác thì còn có gì cần được tạo tác nữa đâu? Phép quán sát này được gọi là “vô tác,” cửa giải thoát thứ ba. Vào được cửa giải thoát này rồi thì thấy được chân tướng các pháp một cách triệt để, không còn bị kẹt vào một pháp nào nữa và thể nghiệm được tính cách tịch diệt của các pháp.     O

Pháp ấn mầu nhiệm là như thế. Đó là ba cánh cửa đi vào giải thoát. Này toàn thể đại chúng, nếu quý vị tu học theo pháp ấn này thì chắc chắn sẽ đạt được tri kiến thanh tịnh.

Toàn thể đại chúng nghe bài pháp này đều tỏ ra rất sung sướng. Họ làm lễ Phật và phát nguyện làm theo.  O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

~~oOo~~
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |  22 | 23 | 24 | 25
26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49

 


Vào mạng: 22-3-2002

Trở về mục "Nghi thức Phật giáo"

Đầu trang