Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KINH TỤNG HẰNG NGÀY
TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

 

Phụ lục 1

TÓM TẮT NỘI DUNG 49 BÀI KINH

***

 

Dưới đây là phần tóm tắt nội dung của bốn mươi chín bài kinh trong bộ Kinh Tụng Hằng Ngày, để giúp cho người đọc tụng kinh nắm bắt được chủ đề và nội dung căn bản của kinh. Trong phần này, soạn giả không chú ý đến việc phân tích và bình giảng nội dung của các kinh như những tác phẩm chuyên chú giải về Kinh xưa nay. Phần tóm tắt này chỉ đóng chức năng “gợi ý” cho người đọc nắm bắt được ý chính của kinh. Người đọc tụng cần phải tự mình suy nghĩ, chiêm nghiệm và nghiền ngẫm nghĩa lý ẩn chứa trong kinh để phát hiện hết những chân lý sâu xa, vi diệu trong từng chữ, từng lời, từng câu, từng đoạn và từng bài kinh mà phần tóm tắt không sao nêu ra hết được. Sau đó, người thọ trì nên ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày, đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Được như vậy thì sự đọc tụng mới thật sự được lợi lạc.

 

1. Thi Kệ Cuộc Đời Đức Phật

Do cư sĩ Phan Khắc Nhượng diễn thơ dựa vào tác phẩm Tiểu Sử Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong Phật học Phổ Thông của HT. Thích Thiện Hoa, có tham khảo tác phẩm Lịch sử Đức Phật Thích-ca. của HT. Thích Minh Châu. Nguyên tác thi kệ gồm 900 câu, soạn giả đã tỉnh lược một phần ba, nhuận thơ và hiệu đính tư tưởng giáo lý và các sự kiện lịch sử theo truyền thống Đại thừa, có đối chiếu với các tài liệu về cuộc đời đức Phật trong kinh điển Nam tông.

Thi kệ chia làm ba phần chính. Phần thứ nhất miêu tả sự đản sinh, dòng họ gia thế của đức Phật, trình bày tài đức siêu quần của Ngài, đời sống vương giả vợ đẹp con xinh không thể kềm chân Ngài trước lý tưởng xuất gia, cầu quả vị giác ngộ giải thoát. Phần thứ hai trình bày ý chí xuất trần của Phật, trải qua sáu năm khổ hạnh rừng sâu, tu tập tất cả các pháp môn nổi tiếng lúc bấy giờ. Ngài đã chóng chứng ngộ các pháp tu đó nhưng rồi Ngài nhận ra rằng các pháp này chưa đưa đến giải thoát thật sự. Cuối cùng Ngài từ bỏ khổ hạnh, chuyên tâm thiền định, quán lý Duyên Khởi và Trung Đạo mà thành Phật. Phần ba nói về sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Phật trong suốt 49 năm, bao gồm sự hóa độ theo căn cơ thứ lớp, vận dụng nhiều phương tiện, và độ tất cả những người hữu duyên với tinh thần bình đẳng. Bài thi kệ kết thúc bằng cách nhắc lại những lời giáo huấn sau cùng của Phật trước khi Ngài Niết-bàn vô dư.

Mục đích của thi kệ này là giúp người đọc tụng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp độ sanh của Phật trước khi đi vào các giáo pháp căn bản mà ngài đã dạy, trong 48 bài kinh tiếp theo sau. Nhờ vậy, người đọc tụng và thọ trì kinh điển có thể phát lòng tôn kính đối với Phật và giáo pháp cao thượng của Ngài.

 

2. Kinh Chuyển Pháp Luân

Bản kinh này do soạn giả dịch từ bản tiếng Anh The Book of Kindred Sayings của Hội Thánh Điển Pāli, vốn có xuất xứ từ bài  Dhammacakkappavattana Sutta (S. V. 420-423) và phần Ðại Phẩm (Mahāvagga) thuộc Tạng Luật (Vinaya pitaka) của Tam Tạng Pāli. Người dịch cũng có đối chiếu với bản dịch tiếng Việt của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tương Ưng, V. 610-16 (ấn bản Đại Tạng Kinh Việt Nam) và các bản dịch tiếng Việt hiện có.

Đây là bài pháp đầu tiên của đức Phật, sau khi ngài thành tựu đạo quả giác ngộ vô thượng Bồ-đề theo truyền thống Nam tông. Về phương diện lịch sử, bài pháp được Phật nói cho những người bạn đồng tu khổ hạnh ngày xưa là năm anh em tôn giả Kiều-trần-như tại vườn Nai, Isipatana, gần Benares. Về phương diện triết lý, bài kinh giới thiệu và khẳng định con đường Trung Đạo, không phải là con đường ở chặng giữa mà là con đường vượt lên trên hai lối sống cực đoan: xem sự hưởng thụ khoái lạc giác quan như là hạnh phúc cao nhất, và lối tu khổ hạnh ép xác như là con đường dẫn đến giải thoát khỏi khổ đau.

Hưởng thụ dục lạc giác quan là lối sống của đức Phật khi ngài còn là đông cung thái tử trong khi khổ hạnh ép xác là lối tu tập của ngài với những người bạn đồng tu, trong suốt sáu năm tầm cầu chân lý. Cả hai đều thấp kém, vô vọng, và không dẫn đến giải thoát. Con đường hưởng thụ dục lạc như chúng ta đã chứng kiến trong đời, mang lại nhiều đau khổ: trong vui đã có sẵn mầm mống của đau khổ, tạm bợ và mong manh. Con đường khổ luyện để mong được giải thoát đã trở thành một cực đoan đối lập, làm bại hoại thân thể và do đó, hành giả không thể còn minh mẫn để hướng tâm tu tập thiền định và giải thoát. Tự mình kinh qua hai lối sống đó, đức Phật cuối cùng nhận chân ra được con đường Trung đạo, vượt lên trên hai cực đoan thấp kém và hướng đến cứu cánh giải thoát. Đó là con đường gồm tám yếu tố: quan niệm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh.

Quan điểm chân chánh là cái nhìn mọi sự vật hiện tượng dưới nhãn quan duyên khởi, không có nguyên nhân đầu tiên của thế giới, không có Thượng Đế, tất cả đều vận hành chuyển biến và không thực thể. Tư duy chân chánh là những nếp nghĩ suy vượt khỏi các đối tượng tham ái, sân hận và tổn hại. Nó bao gồm những tư duy đối lập với ba tư duy trên và hướng đến mục đích lợi mình và người khác. Lời nói chân chánh bao gồm tuyên bố sự thật, không nói lời gây sự chia rẽ, không dệt hoa thêu gấm, không nói lời tục tĩu và không nói tán dóc hay những lời không có lợi cho sự phát triển của đạo đức và trí tuệ. Hành vi chân chánh bao gồm các hành động của thân thể, lời nói và tác ý hướng đến các giá trị đạo đức. Đó là hành vi vị tha, lợi ích cho mình và cộng đồng xã hội. Nghề nghiệp chân chánh bao gồm các nghề nghiệp không liên can đến sự lừa đảo, dối trá, luồn cúi, buôn thần bán thánh, buôn bán vũ khí, buôn bán rượu và các chất kích thích có hại cho thể chất và tinh thần. Nó còn đi ngược lại với các nghề buôn lậu, buôn nô lệ, bán súc vật, bán thân nuôi miệng, bói toán xem quẻ. Nói chung nó bao gồm các kế sanh nhai lành mạnh, hiền lương, hướng đến sự phát triển đời sống đạo đức bản thân và phúc lợi xã hội. Nỗ lực chân chánh là những cố gắng theo đuổi các mục đích thiện ích, chấm dứt các nghiệp bất thiện, hướng đến sự thành tựu đời sống tâm linh và đạo đức. Chánh niệm là ý thức và sự tập trung chân chánh, về các đối tượng nội tại và ngoại tại một cách không vướng mắc. Nó là tiến trình quan sát và phản ánh về thế giới của các kinh nghiệm giác quan và năm nhóm nhân thể. Nó còn bao gồm các ý thức đứng đắn về các hoạt động của thân thể, về cảm giác, về tâm và các ý niệm của tâm. Và thiền định chân chánh là sự chuyên nhất của tâm trong các đối tượng thiền quán. Đó là trạng thái an chỉ và sự phát triển an chỉ, hướng đến sự chứng đắc hạnh phúc tối thượng, Niết-bàn.

 

3. Kinh Người Áo Trắng

Kinh này do HT. Thích Nhất Hạnh dịch từ Kinh Ưu-bà-tắc, số 128, thuộc Trung A-hàm, có tham khảo Anguttara Nikāya, III. 211.

Kinh này đức Phật dạy cho tôn giả Xá-lợi-phất, cư sĩ Cấp Cô Độc và 500 vị Phật tử khác. Nội dung kinh giới thiệu nếp sống đạo đức thanh cao của người Phật tử tại gia, trong việc góp phần kiến tạo một con người gương mẫu, một gia đình hạnh phúc, một đất nước an bình, thịnh vượng và một thế giới an lạc, không còn chiến tranh. Nếp sống đó bao gồm năm nguyên tắc đạo đức và bốn pháp quán tưởng song hành với bốn tâm cao thượng.

Trước nhất về năm nguyên tắc đạo đức. Nguyên tắc thứ nhất là người Phật tử từ bỏ sự giết chóc, buông bỏ khí giới, tu tập tình thương đối với con người, loài vật và sinh thái. Nguyên tắc thứ hai là từ bỏ sự trộm cướp, không cho mà lấy, các hình thức bóc lột, tham nhũng, biến của công thành của riêng v.v… Đồng thời phát triển tâm rộng lượng, giúp đỡ tài sản, vật chất và tình thương cho người khác. Nguyên tắc thứ ba là từ bỏ quan hệ tình cảm phi pháp và bất chánh. Tôn trọng và bảo vệ hạnh phúc lứa đôi của kẻ khác. Nguyên tắc thứ tư là xa lìa các hình thức nói dối, nói lời độc ác, nói lời gây chia rẽ, nói lời vô ích; đồng thời phát triển lời chân thật, từ ái, hài hòa, xây dựng đoàn kết và có ích cho người nghe. Nguyên tắc thứ năm là từ bỏ các hình thức uống rượu, hút thuốc, sử dụng các kích thích tố có hại cho sức khỏe và tâm trí. Đồng thời góp phần tuyên truyền một đời sống lành mạnh.

Để có được bốn tâm cao thượng là tâm thương người và vật, tâm cứu khổ ban vui, tâm hoan hỷ và tâm xả bỏ mọi chấp thủ, người Phật tử nên tu bốn pháp quán niệm sau đây. Quán niệm thứ nhất là quán tưởng với chánh kiến rằng đức Phật là bậc giác ngộ viên mãn, đạo đức và trí tuệ toàn vẹn, là bậc Thầy đáng nương tựa và học hỏi của nhân loại và chư thiên. Nhờ quán tưởng như thế, hành giả an trụ vào tâm cao thượng thứ nhất là tâm từ. Bởi lẽ trí tuệ và đạo đức của đức Phật là để phục vụ cho sự an lạc và lợi ích cho con người. Quán niệm thứ hai là quán tưởng với chánh kiến rằng lời Phật dạy (chánh Pháp) rất thực tiễn, đem lại lợi ích hiện tại và tương lai, được người trí khen ngợi và học hỏi, có khả năng hướng thượng. Nhờ quán niệm như vậy, hành giả an trú vào tâm cao thượng thứ hai là tâm bi. Nói cách khác, giáo pháp của đức Phật có công năng thanh tẩy ác, bồi dưỡng thiện, giúp cho chúng sanh hết khổ được vui. Quán niệm thứ ba là quán tưởng với chánh kiến rằng đoàn thể Tăng Ni tu tập Phật đạo là đoàn thể thanh tịnh, với quyết tâm đạt được thánh quả, thành tựu đạo đức, thiền định và trí tuệ, có khả năng cứu giúp cuộc đời, đáng được cung kính, cúng dường và noi gương học hỏi. Nhờ quán sát như vậy, hành giả an trụ được tâm cao thượng thứ ba là hoan hỷ. Nói cách khác, cung kính và hỗ trợ sự tu học và làm Phật sự của quý Tăng Ni là một hạnh tùy hỷ hay hoan hỷ với các thành tựu về đạo đức và trí tuệ. Quán niệm thứ tư là quán tưởng với chánh kiến rằng giới luật của Phật là hoàn hảo, có khả năng giúp chúng ta an trụ vào đạo đức của Như Lai. Nhờ quán tưởng như vậy, hành giả an trụ được tâm cao thượng thứ tư là tâm xả, buông bỏ tất cả các chấp thủ về bản thân như ngã và thế giới là thường còn.

Nói tóm lại, người tu tập và truyền bá năm nguyên tắc đạo đức, bốn pháp quán tưởng Phật, Pháp, Tăng và Giới luật và bốn tâm cao thượng sẽ từng bước sống an lạc và hạnh phúc ở đời này. Người như vậy là người xây dựng Tịnh Độ tại nhân gian, biến đau khổ thành an lạc.

4. Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp

Kinh này do cư sĩ Phan Khắc Nhượng dịch từ bản dịch tiếng Anh của HT. Narada, vốn dịch từ bản Pāli có tên là Dhammapāda. Trong khi dịch, dịch giả cũng có đối chiếu với bản chữ Hán và các bản dịch tiếng Việt Kinh Pháp Cú của HT. Thích Minh Châu và HT. Trí Đức (Thích Thiện Siêu). Bản dịch được soạn giả hiệu đính và nhuận văn vào năm 1992. Tựa đề của kinh được dịch giả ghi là Kinh Pháp Cú như các bản dịch xưa nay. Soạn giả đã đổi thành Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp, để phù hợp với hình thức và nội dung của Kinh.

Dhammapāda không phải là một bài kinh được đức Phật tuyên thuyết trong một pháp hội, như phần lớn các kinh khác, mà do các vị thánh đệ tử tuyển chọn và kết tập lại phần lớn từ bốn bộ kinh Nikāya. Dhamma có nhiều nghĩa nhưng ở đây có nghĩa là “giáo pháp” hay “chánh pháp” và pāda có nghĩa là câu, và có thể hiểu ý là danh ngôn. Do đó, tựa kinh có thể dịch thoát là Kinh Tuyển Tập Lời Vàng của Phật, hay Kinh Danh Ngôn của Phật, hay Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp. Như bản nguyên tác tiếng Anh và tiếng Pāli, bản dịch có đủ 423 câu. Nhưng vì có nhiều câu trùng lập ý tưởng lẫn nhau, hoặc được trình bày theo các cặp đối lập (chẳng hạn như phẩm Song Đối), soạn giả chỉ tuyển chọn 153 câu có nội dung tiêu biểu nhất. Kinh này như là sách gối đầu giường của Tăng Ni và Phật Tử Nam tông, trên con đường tu học chánh pháp của Phật.

Phần lớn các câu kệ này đều có nội dung độc lập; một số khác cùng chủ đề nhằm để minh hoạ cho nhau; cốt để giáo dục đạo đức và trí tuệ cho người tầm cầu đạo giải thoát. Ở mức độ ứng dụng thấp hơn, mỗi câu kệ trong kinh này có thể được xem như những khuôn vàng thước ngọc để ứng dụng xử thế, một cách khôn ngoan, giúp cho người đọc tụng và thọ trì có khả năng tự lập, tự tu, tự vượt thoát khỏi các gian khó trong đời và đạo. Kinh này có thể được xem như là tinh hoa của lời Phật dạy trong gần 50 năm thuyết pháp độ sinh của Ngài, được trình bày dưới dạng kệ thơ, dễ nhớ, dễ thuộc. Người tu học Phật nếu không có thời giờ đọc tụng Ba kho tàng kinh điển Phật giáo, có thể đọc kinh này để nắm lấy ý chỉ mà vào đạo.

 

5. Kinh Nền Tảng Đức Tin

Tựa đề nguyên tác Pāli là Kālāma Sutta (A. I. 189-92). Soạn giả tóm lược từ bản dịch của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi (III. 539-43, ấn bản năm 1988), có tham khảo bản tiếng Anh  Those of Kesaputta thuộc The Book of Gradual Sayings (I. 170-5), Hội Thánh Điển Pāli ấn hành năm 1989). Soạn giả đã đặt lại tựa kinh để làm nổi bật nội dung chính của Kinh. Nhân sự kiện dân chúng Kālāma hoang mang về sự kiện nhiều nhà tôn giáo ca ngợi tôn chỉ của mình trong khi hết lời chỉ trích tôn giáo khác, thỉnh cầu Ngài dạy dỗ. Đức Phật đã tuyên nói về mười nền tảng của một đức tin chân chính.

Đức Phật khuyên mọi người sống với lý trí, không nên vội tin bất cứ điều gì, chỉ vì điều đó là: (1) truyền thuyết, (2) truyền thống, (3) tuyên truyền, (4) kinh điển, (5) lý luận logic, (6) phù hợp lập trường mình, (7) không đủ bằng chứng, (8) phù hợp định kiến của mình, (9) có thế lực ủng hộ, (10) các đạo sư hay nhà lãnh đạo tôn giáo nói.

Bên cạnh mười nền tảng này làm thước đo chân lý đúng sai, đức Phật còn khuyên mọi người nên suy nghĩ thật chín chắn, thể nghiệm giá trị đạo đức và lợi ích của nó trước khi nên tin theo một điều gì. Chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, điều nào nếu ứng dụng sẽ mang lại lợi ích, phúc lợi, an lạc cho mình và người ở hiện tại cũng như tương lai thì hãy tin theo. Ngược lại, hãy đặt vấn đề và từ chối chúng.

Có thể nói đây là nền tảng của một niềm tin khoa học, một niềm tin có trí tuệ, một niềm tin cần thiết cho sự tu học của tất cả những ai muốn hướng mình đến an lạc và giải thoát chân chánh.

 

6. Kinh Từ Tâm

Nguyên tác tiếng Pāli của kinh này là Metta Sutta, một bài kinh ngắn trong bộ Kinh Tập (Sutta Nipāta) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikāya). Bản diễn thơ này được Tỳ-kheo Đệ Tử Phật dựa theo bản dịch của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi (III, 11-14, ấn bản 1988).

Bản kinh chứa tải nhiều giá trị đạo đức rất cao, nhất là hạnh ban rải tình thương đến con người và các loài động vật một cách không phân biệt. Tình thương hay từ bi trong Phật giáo là một thứ tình thương siêu vượt khỏi giới tính, thân sơ, bạn thù, ta người. Nó là một thứ tình thương vượt biên giới của tình cảm và tâm lý nhị nguyên. Tình thương như vậy chỉ có thể phát xuất từ một tấm lòng bao la, vô ngã, không vị kỷ, để cứu giúp tất cả chúng sanh đang đau khổ.

Đức Phật khẳng định rằng người tu tập và phát triển tâm từ như vậy sẽ hưởng được an lạc hiện đời và về sau. Về phương diện hiện tại, người tu tâm từ sẽ có giấc ngủ an lành, không có mộng mị khiếp đảm. Khi đi đứng và lúc nằm ngồi, tâm tư luôn thấm nhuần an lạc. Người tu tâm từ như vậy sẽ được mọi người đem lòng kính mến, tin phục, hộ trì và giúp đỡ. Về phương diện đời sau, người có tâm từ sẽ được sanh về cảnh giới tốt. Nếu sanh làm người thì không có kẻ thù, không bị ai hiềm khích, hãm hại, sống trong sự an lành và hạnh phúc. Nói chung hạnh từ tâm không chỉ làm thanh tịnh thân tâm hành giả mà còn có tác dụng chuyển hóa cuộc đời đau khổ, phân chia, tranh chấp, hiềm hận, thù hằn thành an lạc, không phân chia, không tranh chấp, không hiềm hận và không thù hằn. Nói cách khác nơi nào có tình thương vô ngã thì nơi đó có hình bóng của hòa bình, an lạc và giải thoát.

 

7. Kinh Phước Đức

Bản dịch của HT. Thích Nhất Hạnh, có xuất xứ từ Mahāmangala Sutta, một bài kinh trong bộ Kinh Tập (Sutta Nipāta) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya). Nội dung của kinh đề cập đến mười phương pháp tạo nên phước đức / cát tường hay hạnh phúc (mangala) cho mình và tha nhân và nói chung cho toàn thể nhân loại. Bài kinh được xem là cẩm nang tu thân, tề gia và an bình xã hội, qua những dòng thơ kệ ngắn gọn.

Phương pháp thứ nhất là lánh xa môi trường xấu, thân cận bậc hiền đức, tôn kính và cầu học ở bậc đạo đức. Phương pháp thứ hai là tận dụng cuộc sống hiện tại để gieo trồng các hạt giống lành mạnh và đạo đức. Phương pháp thứ ba là ổn định nghề nghiệp chân chánh, sống cuộc đời thanh bần đạo đức, lời nói ôn hòa, ái kính. Phương pháp thứ tư là hiếu kính mẹ và cha, thương yêu và bảo hộ gia đình bằng sức mạnh của đôi tay và trí thông minh chân chính, hợp pháp. Phương pháp thứ năm là sống cuộc đời thanh liêm, chính trực, không chịu khuất phục trước gian tà, biết mở lòng thương, giúp đỡ người nghèo khó và thân bằng quyến thuộc.

Phương pháp thứ sáu là từ bỏ vĩnh viễn các hành vi xấu ác và phi pháp, không đam mê rượu chè, hút sách, cờ bạc, ăn chơi sa đọa, sống tinh cần và làm việc lành trong từng phút giây của cuộc sống. Phương pháp thứ bảy là biết khiêm cung, lễ độ, kính trên nhường dưới, biết tiết kiệm để phòng hờ về sau, biết ân và trả ơn người đã giúp đỡ và dạy dỗ mình và không bỏ quên việc học đạo, trau dồi đạo đức và trí tuệ. Phương pháp thứ tám là biết kiên trì, nhẫn nại trước gian khó, thân cận và học hỏi các bậc thầy, phục thiện khi sai lầm và trau dồi phẩm cách, đạo đức cho hoàn thiện hơn. Phương pháp thứ chín là sống chánh niệm và tỉnh giác trong từng hơi thở, ra sức học chánh pháp không mệt mỏi, để thể chứng an lạc và giải thoát. Phương pháp thứ mười là giữ tâm bất động trước các ngọn gió khen chê, vui buồn, được mất, thành bại của cuộc đời; giữ tâm an nhiên trong đời như hoa sen trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Sống trong đời ô trược nhưng tỏa ra thanh tịnh và giải thoát.

Đây là mười phước lành giúp cho con người sống cuộc đời an vui và hạnh phúc tại thế gian này. Đời sau nếu sanh làm người thì chắc chắn sẽ sanh trong gia đình giàu có và an lạc. Bằng không, sẽ sanh về các thế giới chư thiên, tiếp tục tu tập bất thối chuyển.

 

8. Kinh Sáu Pháp Vô Thượng

 Bài kinh có xuất xứ  từ A. III. 324-8, được soạn giả tóm lược từ bản dịch của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi (II. 319-322, ấn bản năm 1988) có tham khảo bản tiếng Anh The Book of Gradual Sayings (III. 229-32) của hội Thánh Điển Pāli.

Bài kinh trình bày sáu cặp quan điểm hoàn toàn đối nghịch nhau: một đàng thuận theo dòng đời và đàng còn lại ngược dòng đời. Cặp đối lập thứ nhất là: nếu người đời thích xem các bảy báu thế gian và thăm viếng các Bà-la-môn có tà kiến tà hạnh, thì người Phật tử chỉ nên yết kiến Thế Tôn và các hàng Thánh Tăng. Cặp đối lập thứ hai là: nếu người đời thích nghe các loại nhạc cụ, bài ca thế gian, hoặc lời của các Bà-la-môn nói, thì người Phật tử chỉ nên thích nghe chánh pháp. Cặp đối lập thứ ba là: nếu người đời cảm thấy hạnh phúc khi có được người bạn đời, con cái, tài sản v.v... thì người tu đạo giải thoát chỉ hạnh phúc với các tài sản thánh. Cặp đối lập thứ tư là: nếu người đời vui sướng khi học các ngành nghề thế gian thì người tu đạo giải thoát cảm thấy vui sướng khi trau dồi ba học thánh đó là giới định và tuệ. Cặp đối lập thứ năm là: nếu người đời hạnh phúc khi được hầu cận và phục dịch vua chúa và hàng phú quý thì người Phật tử cảm thấy hạnh phúc khi được phụng sự Tam Bảo. Và Cặp đối lập sau cùng là: nếu người đời hạnh phúc khi nhớ nghĩ đến vợ con, tài sản, thầy tà bạn xấu thì người tu đạo giải thoát cảm thấy hạnh phúc khi nhớ đến Phật, Pháp, Tăng, đạo đức và việc làm thiện.

Qua sáu cặp phạm trù khác biệt về sở thích này, chúng ta thấy đạo Phật quả là “đạo ngược đời” hay “đạo đi ngược dòng đời,” để hướng đến dòng thánh, dòng an lạc và dòng giải thoát.

 

9. Kinh Hiền Nhân

Bài kinh do cố HT. Thích Hành Trụ dịch và HT. Thích Nhất Hạnh nhuận văn. Nội dung kinh dạy về phép trị quốc an bang, dưới hình thức đối đáp giữa một đức vua và Hiền Nhân, một bậc đạo đức thông tuệ, tiền thân của Phật Thích-ca. Bài kinh có thể được xem là cẩm nang của những kẻ cầm cân nảy mực, trong chí hướng đưa đất nước tiến đến đời sống giàu mạnh về vật chất, an lạc về tâm linh, toàn dân thuần hoà, vui vẻ, bốn biển một nhà, trên dưới hòa thuận đều chung sức gây lại một cuộc thái bình, thạnh trị. Đây là phép trị nước theo quan điểm Phật giáo Đại thừa, công thành thân thoái. Người trị nước thì nên ban bố ân huệ cho kẻ biết làm lành, tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ tu hành truyền bá chánh đạo, góp phần làm giàu mạnh đất nước.

Kinh cũng vạch ra những nét tiêu cực của nhiều chế độ lỏng lẻo về quản lý, tin dùng các nịnh thần, nạn tham nhũng hối lộ lan tràn không chỉ làm cho đất nước lâm nguy mà còn đem lại cơ cực và đau khổ cho người dân. Thông qua đó, bài Kinh khuyên các bậc vua chúa nên giao việc trị nước cho người hiền, phó thác việc trọng đại cho bậc tài trí, ban thưởng người lành, trừng phạt kẻ gian ác, không tin nghe kẻ nịnh thần.

Bậc Đại Nhân ở đây không chỉ là người thấu suốt nhân quả, thể hiện lòng nhân từ độ lượng, mà còn đại diện cho hình ảnh Bồ-tát trong cuộc sống đời thường. Bài kinh còn dạy về nhân quả báo ứng, họa phúc rõ ràng như âm vang theo tiếng, bóng theo hình. Tất cả sự thiên sai vạn biệt trong thế gian như kẻ sống lâu, người chết yểu, kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh, kẻ xấu xa, người tốt đẹp, kẻ nghèo hèn, người giàu sang, đều do hành vi tác tạo có chủ ý của con người; không có ông Thượng Đế hay thần linh nào can thiệp hay ban phước giáng hoạ. Hoạ phước hay hạnh phúc khổ đau đều do con người tạo ra và do đó con người phải chịu trách nhiệm về đời sống đạo đức của mình.

Kinh còn đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau như phép giao du kết bạn, bốn điều không nên tin, năm cái đáng ghét, năm tính tốt, tám dấu hiệu của ghét nhau, tám điều kiện hạnh phúc, tám điều nên yêu thích, mười yếu tố xác định người trí, mười dấu hiệu của tình người, mười điều khó khuyên can, mười trường hợp không nên nói, mười dấu hiệu của người nữ bất khả tín, mười đối tượng mà mình không nên mời về nhà, mười hạnh tốt, mười điều hổ thẹn, mười hai điều luôn phải nghĩ tới không bao giờ lãng quên, mười hai điều khó, mười lăm tội nặng và bốn mươi lăm việc của bậc trí, v.v...

Nói tóm lại bài kinh này là một cẩm nang xử thế, mỗi lời mỗi câu là những khuôn vàng thước ngọc của phép tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ, thấm nhuần trí tuệ siêu phàm, có giá trị ứng dụng không chỉ cho con người hôm nay mà còn cả ngàn sau.

 

10. Kinh Quốc Gia Cường Thịnh

Bài kinh có xuất xứ từ Anguttara Nikāya  (IV. 16-8), được soạn giả tóm lược từ bản dịch tiếng Việt của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi (II. 415-55, ấn bản năm 1988), có tham khảo bản tiếng Anh The Book of Gradual Sayings (IV. 11-3 Hội Thánh Điển Pāli ấn hành năm 1988). Tựa đề của kinh do dịch giả ra đặt cho phù hợp với chủ đề và nội dung của Kinh.

Nhân sự kiện vua A-xà-thế định trả thù nước Bạt-kỳ (Vajji) bằng cách cất quân xâm chiếm nước này, sai đại thần đến thỉnh ý   Phật, đức Phật đã dạy về bảy tiêu chí làm cho một đất nước cường thịnh, đồng thời có thể bảo vệ được bờ cõi và đảm bảo được đời sống thanh bình cho muôn dân. Bài kinh cho thấy mặc dù đức Phật không trực tiếp đàm luận về vấn đề chính trị, chiến tranh và chiến lược, nhưng những điều Ngài gián tiếp nói về sự cường thịnh và bất khả chiến bại của đất nước Vajji đã làm cho vua A-xà-thế từ bỏ mộng báo thù. Điều đó cho thấy đạo Phật không đứng ngoài đời, không xoay lưng với các vấn đề của con người, chẳng những không chán đời mà rất lạc quan với một đời sống lợi mình, lợi người trong hoà bình và thạnh trị.

Một xã hội an bình và thạnh trị theo đức Phật không nhất thiết giàu có về vật chất, đầy đủ các tiện nghi hiện đại như các nước đại tư bản hiện nay, mà là một xã hội mà các vị lãnh đạo và nhân dân của nước đó: 1. thường nhóm hợp với nhau, 2. tụ hợp, làm việc và giải tán trong tinh thần đoàn kết, 3. không ban hành những luật lệ không cần thiết và không huỷ bỏ các luật pháp thích đáng, 4. tôn trọng, lắng nghe và học hỏi những bậc trưởng thượng, 5. không cưỡng bức, không chà đạp phụ nữ, 6. tôn trọng và giúp đỡ các cơ sở tôn giáo, 7. bảo hộ và giúp đỡ cho  các bậc thánh nhân và các nhà tu hành chân chánh truyền bá đạo.

Yếu tố đầu có thể bao gồm các hình thức họp quốc hội, các đại hội khoáng đại để trưng cầu dân ý, phát huy và phát triển chính sách có lợi cho đất nước và nhân dân. Yếu tố thứ hai nhằm loại bỏ các chủ nghĩa cá nhân, địa phương để hướng đến việc hình thành vào bảo vệ sự hoà hợp và đoàn kết trong các hội đoàn và  cộng đồng xã hội. Yếu tố thứ ba liên hệ đến ý thức tôn trọng và sống phù hợp với luật pháp, bảo vệ các phong tục và truyền thống tốt của một quốc gia, không ban hành các chính sách hà khắc dân. Yếu tố thứ tư tạo nên sự hài hoà giữa các thế hệ già và trẻ, bằng thái độ ứng xử tôn trọng và lắng nghe những người trưởng thượng và các thế hệ đi trước. Yếu tố thứ năm nhằm bảo vệ quyền bình đẳng và các quyền con người của phụ nữ, giúp họ đứng vững và góp phần làm xã hội giàu mạnh và an vui. Yếu tố thứ sáu là bảo vệ các tôn giáo, khích lệ các hoạt động tôn giáo và tâm linh, để tạo điều kiện cho các tôn giáo chu toàn chức năng giáo dục xã hội. Yếu tố thứ bảy là tôn trọng các bậc thánh nhân, những bậc đức hạnh và các bậc anh tài của đất nước.

Quốc gia nào hội đủ bảy yếu tố trên chắc chắn sẽ an bình, thịnh trị và muôn dân sẽ sống trong cảnh hạnh phúc và ấm no. Do vậy không có nước xâm lăng nào có thể thôn tính được.

 

11. Kinh Nền Tảng Đạo Đức Xã Hội

Tên nguyên tác Pāli là Singālovāda Sutta (D. III. 180-93). Đây là bài kinh thứ 31 trong Trường Bộ Kinh, được cư sĩ Phan Khắc Nhượng diễn thơ, phỏng theo bản tiếng Anh trong bộ Dialogues of the Buddha (III. 172-84, Hội Thánh Điển Pāli ấn hành năm 1995). Bản diễn thơ có tham khảo Trường A-hàm (I, 555-547, Đại Tạng Kinh Việt Nam) và đối chiếu bản dịch của HT. Thích Minh Châu “Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt” (Trường Bộ II, 529-548, Đại Tạng Kinh Việt Nam). Soạn giả đã đặt lại tựa Kinh, hiệu đính và nhuận thơ cho bản phỏng dịch.

Nhân sự kiện một thanh niên Bà-la-môn tên là Thi-ca-la-việt đảnh lễ sáu phương vào mỗi buổi sáng mà không hiểu ý nghĩa của việc mình làm, đức Phật đã giảng dạy về các mối quan hệ đạo đức xã hội, thông qua sáu phương. Phương Đông tượng trưng cha mẹ. Phương Nam tượng trưng cho thầy cô giáo. Phương Tây tượng trưng cho đạo vợ chồng. Phương Bắc tượng trưng cho bạn bè. Phương Trên tượng trưng cho các bậc tu hành. Phương Dưới tượng trưng cho quan hệ chủ thợ.

Về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đức Phật dạy 5 nguyên tắc đạo đức cho cha mẹ và 5 nguyên tắc đạo đức cho con cái. Phàm làm cha mẹ phải thương yêu con cái theo 5 nguyên tắc đạo đức: (1) ngăn chận con làm việc ác, (2) khuyên dạy con làm việc thiện, (3) tạo dựng nghề nghiệp chân chánh cho con, (4) xây dựng gia đình xứng đáng cho con, (5) truyền trao gia tài cho con đúng thời. Ngược lại phần làm con phải đối xử với cha mẹ theo năm cách: (1) nuôi dưỡng mẹ cha, (2) làm tròn bổn phận, (3) giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình, (4) bảo vệ tài sản thừa tự, (5) chu toàn tang lễ cho cha mẹ.

Về đạo vợ chồng, đức Phật dạy mỗi bên cũng có 5 bổn phận như nhau. Chồng đối với vợ phải: (1) trọng nể vợ, (2) chung thủy với vợ, (3) tin tưởng khả năng của vợ, (4) giao quyền hạn cho vợ, (5) sắm nữ trang cho vợ. Ngược lại, người vợ phải đối xử với chồng theo 5 cách: (1) làm tốt trách nhiệm, (2) cư xử tốt đối với bên nội và bên ngoại, (3) chung thủy thương yêu chồng, (4) giữ gìn và bảo quản tài sản gia đình, (5) siêng năng và khéo léo trong giao tế.

Về đạo bằng hữu, đức Phật dạy năm điều sau đây: (1) giúp đỡ bạn, (2) nói lời từ ái với bạn, (3) vì lợi ích của bạn, (4) xem bạn như mình, (5) thành thật và giữ lời hứa với bạn. Ngược lại, người bạn cũng nên đối xử với ta như sau: (1) không để bạn sa ngã, (2) không làm cho bạn sợ hãi (3) bảo vệ bạn hoạn nạn, (4) giúp bạn trong gian khó, (5) ca ngợi tánh tốt của bạn.

Về đạo chủ thợ, đức Phật dạy như sau. Chủ phải đối với thợ: (1) giao công việc cho thợ đúng với khả năng và sức khỏe, (2) trả lương và tặng quà thích đáng, (3) chăm lo sức khỏe khi thợ bị bệnh, (4) chia xẻ thức ăn cho thợ, (5) cho thợ nghỉ ngơi hợp lý. Ngược lại, thợ cũng phải đối với chủ: (1) dậy trước chủ, (2) ngủ sau chủ, (3) hài lòng với những gì chủ cho, (4) làm tốt công việc được giao, (5) giữ gìn danh giá và uy tín của chủ.

Về đạo cư sĩ và tu sĩ, đức Phật dạy như sau. Người cư sĩ phải xử sự với người tu sĩ: (1-3) từ ái bằng lời nói, ý nghĩ và việc làm đối với người tu, (4) cung kính và chào đón tu sĩ, (5) cúng dường và ủng hộ tu sĩ. Ngược lại, người tu cũng đối lại: (1) khuyên cư sĩ từ bỏ ác, (2) khuyến khích cư sĩ làm việc thiện, (3) trải lòng từ ái đối với cư sĩ, (4) dạy cho cư sĩ những gì chưa được học hỏi, (5) hiệu chỉnh và thanh tịnh những gì chưa hoàn thiện ở cư sĩ, (6) chỉ dạy cho cư sĩ cách tái sanh về cõi trời.

Trên nền tảng các mối quan hệ đạo đức như vừa nêu, kinh này được xem là giềng mối đạo đức của gia đình và xã hội.

 

12. Kinh Bảy Loại Vợ

Bài kinh có xuất xứ từ Anguttara Nikāya (IV. 91-3) được soạn giả tóm lược từ bản dịch của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi (II. 515-7, ấn bản 1988), có tham khảo tiếng Anh The Book of Gradual Sayings (IV. 56-8, Hội Thánh Điển Pāli ấn bản 1988). Tựa do soạn giả đặt cho phù hợp chủ đề và nội dung của Kinh.

Như tựa đề của kinh, bài kinh ngắn này được đức Phật giảng cho cô Su-cha-ta (Sujātā), nàng dâu ngỗ nghịch của cư sĩ Cấp Cô Độc, nhân dịp đức Phật viếng thăm vị cư sĩ này. Được cư sĩ Cấp Cô Độc thỉnh cầu khuyên dạy nàng dâu, đức Phật không hề quở trách cô, mà chỉ giới thiệu cho cô biết về bảy hạng người vợ trên đời, để cô tự xác định mình thuộc vào hạng nào. Bảy hạng vợ đó là: vợ như kẻ sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người em gái, vợ như người bạn, và vợ như người hầu. Sau khi giải thích rõ ràng về các loại vợ, đức Phật khuyên rằng ba hạng vợ đầu nên tránh và nên học hỏi và noi gương theo bốn hạng vợ sau cùng.

Hạng vợ sát nhân bao gồm những người vợ thiếu chung thuỷ trong đời sống hôn nhân, không tôn trọng chồng, có nhiều tánh xấu ác và thường thích việc sát hại. Người vợ như vậy đúng là kẻ sát nhân của chồng, của gia đình hai họ. Hạng vợ như người ăn trộm chỉ chung cho những người vợ, không tự tạo ra của cải vật chất trong gia đình, không biết giữ gìn và phát triển tài chánh gia đình, mà trái lại, còn tiêu xài xa hoa, hoang phí những tài sản của chồng tạo ra từ mồ hôi nước mắt bằng nghề nghiệp chân chánh. Hạng vợ như chủ nhân chỉ cho những người vợ muốn “quản lý” chồng mình, chẳng những không biết nhường nhịn tôn kính chồng mà còn lấn lướt chồng trước mọi người, như một người “xếp” không biết điều. Hạng thứ nhất phá vỡ hạnh phúc gia đình, hạng thứ hai làm tiêu tan tài sản và hạng thứ ba tạo ra những gia đình mà người chồng chẳng khác gì kẻ nô lệ.

Hạng vợ như người mẹ bao gồm những người vợ hiền nhu, biết lo lắng sức khoẻ cho chồng, tánh tình dịu dàng, ngăn nắp từ trên xuống dưới, chu tất mọi việc từ nội gia cho đến giao tế trong xã hội, để đem lại tiếng thơm và hạnh phúc cho cả hai và con cái. Hạng vợ như em gái chỉ cho những người vợ tánh tình khiêm cung, nhã nhặn, biết tôn trọng và cung kính chồng như một người em gái ngoan ngoãn nghe lời và lo lắng cho người anh trai trong gia đình. Hạng vợ như bạn là những người vợ biết thương yêu, tôn trọng, cảm thông, giúp đỡ, chia sẻ và tha thứ chồng để cả hai cùng thăng tiến trên đường đời cũng như đường đạo. Thái độ đồng hành và bạn hữu của vợ đối với chồng là yếu tố dẫn đến một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Hạng vợ như người hầu là người vợ có tánh chịu đựng bền bỉ, năng động, biết nhường nhịn, biết hy sinh, nhằm đem lại hạnh phúc và thành công của chồng cũng như của cả hai.

Dựa trên tinh thần giáo dục của bài Kinh, chúng ta có thể quy ra bảy loại người chồng tương ứng với bảy loại người vợ, đó là: chồng như kẻ sát nhân, chồng như người ăn trộm, chồng như chủ nhân, chồng như người cha, chồng như người anh trai, chồng như người bạn, và chồng như người hầu. Ở đây, giáo dục hôn nhân theo tinh thần của lời Phật dạy không chỉ dừng lại ở nữ giới, mà bao trùm cả nam giới, một thành phần quan trọng không thể thiếu trong việc tạo dựng hạnh phúc lứa đôi. Nói cách khác, để đời sống hôn nhân được loan phụng hoà minh, trăm năm hạnh phúc, cả đôi bạn đời phải biết từ bỏ các thái độ và lối cư xử phụ tình, phụ bạc, tiêu xài phung phí của cải của chung, và muốn làm “xếp” của người kia. Thêm vào đó, đôi bạn đời phải biết lo lắng và chăm sóc cho nhau như cha mẹ của nhau, chung lo cho con cái. Cả hai phải sống với thái độ tận tâm giúp đỡ nhau trong đời, để cùng thăng hoa. Cả hai phải biết chăm sóc, lo lắng và chu toàn cho nhau như người em gái lo cho anh trai hay như người anh trai lo cho em gái của mình. Cả hai phải xem nhau như hai người bạn đồng hành trong mọi lãnh vực: phu xướng phụ tuỳ và ngược lại. Và không kém phần quan trọng, cả hai phải biết sống với thái độ dâng hiến cho nhau và vì nhau như người hầu lo cho chủ nhân của mình.

 

13. Kinh Người Vợ Mẫu Mực

Bài kinh này có xuất xứ từ bản Pāli (A. III. 294-8) được soạn giả tóm lược từ bản dịch tiếng Việt của HT. Thích Minh Châu Kinh Tăng Chi (II. 295-8, ấn bản năm 1988), có tham khảo bản tiếng Anh The Book of Gradual Sayings (III. 211-4, Hội Thánh Điển Pāli ấn hành năm 1988). Tựa kinh do dịch giả đặt.

Bài kinh kể về một sự kiện ly kỳ hiếm có, đó là cha của Nakula thoát được thần chết trong cơn bệnh vô cùng ngặt nghèo, nhờ vào lòng chung thuỷ, thương kính và niềm tin Tam Bảo sắt đá của người vợ hiền dịu và đảm đang. Thái độ quyến luyến và lo sợ của vị cư sĩ cho tương lai của vợ ông, của con ông, và của gia đình ông, có lẽ đã làm cho bệnh tình của ông ngày thêm trầm trọng. Nào ông sợ vợ ông có thể tái giá sau khi ông qua đời; nếu vậy thì ông vĩnh viễn mất bà! Nếu vợ ông độc thân thì ông lại lo cho bà không có thể đủ sức để nuôi lớn con cái, cho chúng ăn học thành tài? Rồi điều gì sẽ xảy ra đối với gia tài và sự nghiệp của ông để lại một cách bất đắc dĩ?  Còn nhiều điều suy nghĩ miên man khác trong khi ông đang nằm trên giường bệnh chờ tử thần đến rước! 

Là một người vợ đảm đang, thông minh và chung thuỷ, mẹ của Nakula như hiểu được tất cả những suy nghĩ thầm kín của chồng, lại càng thầm thương ông hơn bao giờ hết. Vốn là người tin vào Tam Bảo, bà hiểu rõ tầm quan trọng của những giờ phút trước khi chết, có thể có khả năng dẫn người vừa qua đời tái sanh vào những cảnh giới tốt hay xấu, tuỳ theo khuynh hướng của dòng tâm thức lúc đó. Bà đã khuyên chồng mình không nên quyến luyến cuộc đời. Mọi vật có thịnh phải có suy. Thời gian có ngày phải có đêm. Người có sanh thì có tử. Sum hợp, thương yêu phải có lúc chịu cảnh âm dương đôi ngã, đau khổ vô cùng! Bà đã mạnh dạn khuyên ông không nên để cho tâm niệm ái luyến về vợ con, tài sản, gia đình chi phối, để có thể ra đi một cách nhẹ nhàng. Không những thế, bà còn khẳng định với ông về lòng chung thuỷ của bà. Bà sẽ không bước thêm bước nữa. Bà sẽ nỗ lực gánh vác toàn bộ công việc của gia đình, thay ông chăm sóc và dưỡng nuôi con cái. Bà không những duy trì mà còn phát triển tài sản và truyền thống gia đình. Và bà tuyên thệ sẽ đi trọn con đường phụng sự Ba Ngôi Báu, sống an lạc trong chánh pháp của đức Phật như khi ông còn khoẻ mạnh. Tất cả những điều đó đã làm cho ông cảm động tột bực, truyền thêm sức sống cho ông. Nhờ đó, ông đã thoát chết một cách mầu nhiệm và sống hạnh phúc bên vợ con trong tinh thần lời Phật dạy thêm nhiều năm nữa.

Bài kinh cho thấy lòng chung thuỷ, đảm đang và vững tiến trong lý tưởng chân chánh của người bạn đời có công năng không chỉ giáo dục hay khích lệ người kia, mà còn như thuốc thần giúp cho người kia vượt qua những khúc ngoặc ngặt nghèo, hiểm nguy trong cuộc sống.

 

14. Kinh Giáo Hóa Người Bệnh

Bài kinh này được HT. Thích Nhất Hạnh dịch từ Tăng Nhất A-hàm, phẩm Thi Thường, thứ 51, kinh số 8, có tham khảo và phối dịch với kinh Anathapindikovada Sutta, kinh thứ 143 thuộc Trung Bộ Kinh,Giáo Hoá Bệnh Kinh, kinh thứ 26 thuộc Trung A-hàm.

Bài kinh kể lại cuộc thăm bệnh của tôn giả Xá-lợi-phất và A-nan-đa đối với cư sĩ Cấp Cô Độc. Trước sự đau đớn về thể xác của Cấp Cô Độc, tôn giả Xá-lợi-phất đã hướng dẫn ông tu pháp quán Tam Bảo, để khẳng định niềm tin chân chánh đối với Phật, Pháp và Tăng. Niềm tin này nhằm xác quyết cuộc đời phụng sự Tam Bảo và cứu giúp người cơ hàn, nghèo khó của ông là đúng và có quả báo thiện to lớn. Kế đến tôn giả Xá-lợi-phất đã dạy ông quán sát: (1) sáu giác quan, (2) sáu đối tượng của giác quan, (3) sáu thức, (4) sáu yếu tố hình thành nên thế giới vật chất, (5) năm hợp thể tạo nên con người, (6) chuỗi thời gian ba đời. Tất cả những thứ này không phải là ta, ta không bị giới hạn trong chúng. Tất cả nương vào nhân duyên mà hình thành, phát triển và hoại diệt để tiếp tục hình thành nên cái khác. Bản chất của các pháp không đến không đi, không sanh không diệt, không có tự tánh riêng biệt. Đó là pháp quán tính "không" của các pháp. Một khi hành giả nhận chân được rằng không có một ngã thể bất biến trong con người và thế giới thì đâu là chủ thể của cảm thọ?

Cấp Cô Độc vừa thực hành, vừa cảm động rơi nước mắt vì tính hiệu năng của phương pháp. Khi thực hành pháp quán này, Cấp Cô Độc cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng. Ngay khi hai tôn giả Xá-lợi-phất và A-nan-đa từ giã ra về thì Cấp Cô Độc qua đời và sanh về cõi trời Đao-lợi.

 

15. Kinh Mười Pháp Quán Niệm

Đây là bản dịch tiếng Việt theo thể văn vần của HT. Hộ Tông từ Kinh Tăng Chi bộ, (A.V.108-60; KS. V. 74-77), trích từ Kinh Nhật Tụng, hệ Nam Tông, trang 107-124. Soạn giả đã tỉnh lược những đoạn trùng lập và điều chỉnh một số câu thơ cho sát ý. Bản dịch này tương ứng với bản dịch của HT. Thích Minh Châu ở Kinh Tăng Chi III, 401-405.

Kinh này kể lại bệnh tình đau đớn của Tỳ-kheo Gi-ri-ma-nan-đa. Tôn giả A-nan-đa thương xót mới bạch Phật, xin Phật chỉ bày cách khắc chế các cảm thọ đau khổ của thân xác. Đức Phật đã dạy mười pháp quán niệm, đó là: (1) quán vô ngã, (2) quán vô thường, (3) quán bất tịnh, (4) quán bệnh khổ, (5) quán từ bỏ, (6) quán ly tham, (7) quán tịch tịnh, (8) quán yểm ly, (9) quán các hành, (10) quán hơi thở ra vào.

Tôn giả A-nan-đa đã vâng lời Phật dạy trùng tuyên lại mười pháp quán niệm trên cho Thầy Gi-ri-ma-nan-đa. Quả thật, khi Thầy này chuyên tâm thực tập các pháp quán niệm và an trú trong niềm an lạc của tâm thức, quên đi các cảm giác đau khổ của thân xác.

16. Kinh Quy Luật Cái Chết

Bài kinh có xuất xứ từ A. III. 56, được soạn giả tóm lược từ bản dịch của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi (II, 60-63, ấn bản năm 1988), có tham khảo bản tiếng Anh The Book of Gradual Sayings (III. 47-8) của hội Thánh Điển Pāli.

Bài kinh này kể lại câu chuyện thương tâm về sự qua đời đột ngột của hoàng hậu Mallika, vợ của vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) trong khi vua đang nghe đức Phật thuyết pháp. Trước hung tin đó, đức vua bất giác sững sờ, mất hết thần sắc. Đức Phật liền dạy rằng có 4 sự kiện như một quy luật không từ một ai, đó là, già, bệnh, chết và hoại diệt. Ngoài ra, đức Phật còn dạy cách khắc phục cơn đau sanh ly, tử biệt này với một nhận thức như sau:

"Không phải chỉ riêng ta lâm vào cảnh âm dương chia cách này, phàm các loài hữu tình có đến phải có đi, có sanh tất có diệt, có hợp phải có tan. Quy luật này không loại trừ một ai."

Bài kinh này như một tuyên ngôn về quy luật sống chết mà không ai có thể tránh khỏi. Người Phật tử khi đứng trước cảnh đau thương đó phải biết phát khởi chánh tín, không nên khóc lóc, than thở, mà trái lại nên bình tĩnh, niệm Phật trợ tiến hương linh, giúp hương linh không còn vướng bận, nhờ đó, vãng sanh một cách nhẹ nhàng.

 

17. Kinh Nhổ Mũi Tên Sầu Muộn

Bài kinh có xuất xứ từ A. III. 57-9, được cư sĩ Phan Khắc Nhượng dịch từ bản tiếng Anh The Book of Gradual Sayings (III. 48-91), có tham khảo bản dịch của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi II, 63-8, ấn bản năm 1988.

Duyên khởi của kinh này cũng gần giống với Kinh Quy Luật Cái Chết. Khi hay tin hoàng hậu Bhaddā thăng hà, đức vua Munđa (Muṇḍa) sửng sốt, bỏ bê việc triều chính, đau khổ tột cùng. Vua tẩm liệm hoàng hậu bằng một loại quan tài đặc biệt, được bao bọc bằng nhiều lớp, những mong giữ thi thể của hoàng hậu được lâu. Nhờ có đại thần Piyaka hướng dẫn, đức vua đã đến gặp tôn giả Nan-đa để cầu mong ngài cứu giúp. Tôn giả đã từ tốn giảng dạy về quy luật của cái chết, và khuyên đức vua:

"An lòng gác chuyện sầu bi,

Tử sinh sinh tử có chi bận lòng!"

Với pháp thoại gần gũi nhưng sâu xa, đức vua đã giác ngộ được quy luật vô thường sanh tử, trở nên trầm tĩnh và an lạc. Sau thời pháp thoại, đức vua từ giã tôn giả ra về, làm lễ hỏa táng hoàng hậu và bắt đầu mọi việc triều chính trở lại.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy con người thường chỉ đau thương trước sự tử biệt của người thân mình trong khi dửng dưng trước hàng trăm triệu ngàn cảnh âm dương cách biệt của người khác. Bài kinh nhắn nhủ chúng ta nên bình tĩnh trước cơn sống chết, lo tang lễ một cách giản đơn nhưng chu đáo, đúng với tinh thần chánh pháp, để cho người qua đời và người còn sống đều được lợi lạc.

 

18. Kinh Nhận Thức Vô Thường và Đau Khổ

Kinh này do HT. Hộ Tông dịch, in trong Kinh Nhật Tụng, hệ Nam Tông, (Thành hội Phật giáo HCM xuất bản năm 1990, trang 55-78). Bài kinh được chuyển ngữ theo thể thơ song thất lục bát. Soạn giả đặt lại tựa Kinh, hiệu chỉnh một số từ cần thiết cho các vần thơ thêm mạch lạc.

Nội dung kinh nhằm phân tích về thuộc tính của mọi sự vật hiện tượng trên đời là không thường còn, không có thực thể và dẫn đến đau khổ. Nguyên lý vô thường của mọi sự vật được ghi nhận trên chiều thời gian, trong khi nguyên lý vô ngã được đánh dấu về mặt không gian của sự vật. Nói cách khác, thuộc tính đôi này không tách rời nhau: mọi sự vật hiện tượng không phải là ngã, không có thực thể và do đó trở nên vô thường, mong manh, giả tạm, có đó rồi mất đó. Hiện tượng sanh diệt, chóng vánh này thường dẫn đến cảm giác đau khổ ở con người.

Thông qua ba nguyên lý này, bài kinh dạy chúng ta nên sống an trú trong từng phút giây hiện tại, không để cho các kinh nghiệm đau khổ hay hạnh phúc của quá khứ lôi kéo và chi phối, cũng như không hướng vọng và mơ tưởng về tương lai không thật. Lối sống an trú trong hiện tại, một mặt giúp chúng ta xả bỏ được tất cả thế giới kinh nghiệm, mặt khác giúp chúng ta sống an nhiên tự tại trong mọi thăng trầm và biến cố của cuộc đời. Nhờ đó, chúng ta vĩnh viễn xa lìa được các nghiệp ác, bất thiện, an trú trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc.

 

19. Kinh Cúng Thí Người Mất

Kinh này được soạn giả tóm lược từ bản dịch của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi III, ấn bản năm 1988, có tham khảo bản tiếng Anh của Hội Thánh Điển Pāli. Tựa đề do soạn giả đặt.

Bài kinh giới thiệu cuộc pháp thoại giữa đức Phật và Bà-la-môn Janussoni, một người chuyên làm lễ hiến tế người chết. Bà-la-môn này hỏi đức Phật rằng sự cúng kiến cho người đã qua đời có lợi ích hay không? Người chết có nhận được sự cúng dường đó hay không? Đức Phật trả lời rằng chỉ khi nào có sự “tương xứng” thì người chết mới nhận được những gì người thân nhân cúng cho họ.

Theo đức Phật chỉ có một trường hợp tương xứng duy nhất là nếu người chết tái sanh vào loài ngạ quỷ, loại chúng sanh sống bằng sự cúng kiến của người còn sống, thì họ sẽ nhận được sự cúng đó. Chúng sanh nào khi sống làm nhiều điều ác độc, chết bị đọa vào ngạ quỷ hoặc các loài động vật. Tại đây, các chúng sanh đó không thể nhận được sự cúng của người thân, vì họ có sự sống riêng. Tương tự, chúng sanh nào khi sống do làm điều thiện, lúc chết được tái sanh làm người hay chư thiên thì cũng không nhận được sự cúng của người thân, vì tại thế giới loài người và loài trời, họ có sự sống khác biệt, được cha mẹ của họ nuôi nấng.

Khi cúng kiến cho người thân như vậy, dù trong trường hợp người thân quyến của người cúng không bị đọa vào ngạ quỷ, người phát tâm cúng kiến đó cũng gặt hái nhiều lợi ích. Nhân đây, đức Phật dạy về lợi ích của bố thí và cúng dường. Người tu hạnh bố thí dù cho có làm ác khi chết bị tái sanh vào các loài thú, như voi, ngựa, v.v… cũng được phước báu hơn các loài thú khác. Do quả báo của bố thí, chúng sẽ được chủ nhân chăm sóc, cho ăn uống và trang phục đầy đủ hơn các con thú khi làm kiếp người không biết bố thí và cúng dường. Tương tự, nếu người sống biết bố thí và cúng dường lại còn tu tập nhiều hạnh lành, xa lánh điều tội lỗi, thì khi còn sống được mọi người kính nể, thương yêu, khi qua đời thì được tái sanh làm chư thiên để hưởng quả phước. Nói chung trong mọi trường hợp, hạnh bố thí cúng dường mang lại nhiều giá trị đạo đức cho người thực hành.

 

20. Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh

Kinh này được soạn giả tóm tắt từ Kinh Trường A-hàm (I, kinh thứ 7, tr 329- 364, Đại Tạng Kinh Việt Nam), bản dịch của Viện Cao Đẳng Phật Học Huệ Nghiêm. Tựa kinh trong nguyên tác bản dịch là Kinh Tệ-túc. Soạn giả đổi thành Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh để phù hợp với chủ đề của Kinh.

Bài kinh này là một cuộc đối thoại đầy triết lý, diễn ra sau khi đức Phật Niết-bàn chẳng bao lâu, giữa tôn giả Đồng-nữ Ca-diếp và Bà-la-môn Tệ-túc, về các bằng chứng của tái sanh. Bà-la-môn Tệ-túc là người chủ trương không có đời sau, không có quả báo thiện ác. Ông vận dụng "chủ nghĩa kinh nghiệm" để phủ bác không có nghiệp báo và tái sanh. Trong suốt cuộc đời của ông, ông chưa từng chứng kiến cảnh một người nào, ngay cả người thân của ông, làm nhiều điều tội lỗi, sau khi chết bị đọa vào địa ngục rồi trở về mách bảo ông rằng họ bị đọa đày trong ngục khổ. Ông cũng biện luận rằng cũng chưa từng gặp một người nào làm nhiều thiện và đạo đức khi chết được tái sanh vào cõi trời, trở về báo cho ông rằng phước báo làm lành là có thật. Và còn nhiều cách lý luận khác nữa để phủ định nhân quả báo ứng.

Tôn giả Đồng-nữ Ca-diếp đã vận dụng nhiều phương tiện để chứng minh ngược lại. Đối với trường hợp thứ nhất tôn giả cho rằng người bị đọa địa ngục do vì nghiệp báo nên không thể có dịp trở về báo với người thân trên dương thế. Đối với trường hợp thứ hai, người sanh cõi trời do hưởng các an lạc và hạnh phúc cõi trời, không còn thiết tha với cõi Ta-bà đầy đau khổ nên không muốn trở về mách bảo. Đó là chưa nói đến sự khác nhau về thời gian và không gian giữa các hành tinh và cõi sống, do đó khó mà trở về trái đất để mách bảo được. Sau khi đưa ra nhiều bằng chứng cụ thể và sinh động, tôn giả Ca-diếp đã thuyết phục được Bà-la-môn Tệ-túc tin vào nhân quả báo ứng và khuyến khích vị Bà-la-môn này làm nhiều điều bố thí và tế lễ không có máu thịt của chúng sanh, để gặt hái các quả báo hạnh phúc và an vui ngay hiện đời và đời sau.

 

21. Kinh Na-tiên Đàm Đạo

Kinh này do cư sĩ Cao Hữu Đính dịch từ bản chữ Hán. Tựa của kinh được soạn giả đổi lại cho phù hợp với thể thức của bài Kinh. Bài kinh được ghi lại theo thể vấn đáp đàm đạo giữa đức vua Di-lan-đà và đại đức Na-tiên, tóm thâu gần như toàn bộ các lời dạy của Phật trong kinh tạng Pāli. Kinh được phân theo nhiều chủ đề, mỗi chủ đề chứa đựng một giáo lý nền tảng của Phật giáo. Ở đây, soạn giả chọn lọc 11 chủ đề liên hệ đến các vấn đề nhân quả, nghiệp báo, tái sanh và niết-bàn. Trật tự và tên của các chủ đề trong kinh được soạn giả thay đổi để ý tưởng của chúng được liên kết. Soạn giả cũng hiệu chỉnh và nhuận văn để cho bản dịch được mạch lạc và thuần Việt hơn. 

Bài kinh khẳng định rằng không có tính thực thể, thường hằng bất biến trong con người và mọi sự vật. Danh xưng tên gọi chỉ là các mặc ước để giao tế trong đời, không có gì có thể gọi là bản ngã.  Mối tương quan “không phải đồng nhất nhưng cũng không phải khác nhau” giữa đời trước và đời sau của một hiện hữu đã được đại đức Na-tiên trình bày bằng nhiều hình ảnh rất ấn tượng. Con người sinh ra với nghiệp lực, rồi lớn lên, già, và chết. Chết rồi lại mang một thân mới mà sinh trở lại. Mất thân trước, liền thọ thân sau. Chuỗi thời gian là vô cùng tận, không thể phanh ra sự khởi thuỷ và sự tận cùng. Trong đó, chúng sanh trôi lăn trong ba cõi sáu đường theo ba chiều thời gian là quá khứ, hiện tại và vị lai với một quy trình gồm mười hai mắc xích: vô minh, hành, thức, danh sắc, sáu giác quan, cảm thọ, tham ái, chấp thủ, hiện hữu, tái sanh, già và chết. Chỉ có những bậc tu tập chứng được giải thoát, chuỗi thời gian trong không gian ba cõi mới bị chặt đứt hoàn toàn.

Tất cả con người, thế giới và mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này đều sanh ra, tồn tại và hoại diệt theo định luật nhân duyên, cái này tuỳ thuộc vào cái khác, và cái khác đó lại tuỳ thuộc vào cái khác nữa. Không có nguyên nhân khởi thuỷ. Không có Thượng Đế, không có sự tạo dựng. Chỉ có các hiện tượng diễn ra theo nhân duyên, vô thường và vô ngã. Dù các chúng sanh có đi đầu thai từ đời này sang đời khác, biết bao nhiêu lần sự chết chóc đã diễn ra, thân thể trở về với cát bụi, nhưng những hành vi đã tạo tác sẽ không bao giờ mất. Đó là lý do dẫn đến sự thiên sai vạn biệt trong thế giới hữu tình như là kết quả của tất cả các hành vi tạo tác có ý thức của chúng sanh trong chuỗi kiếp sống dài vô tận. Sự chấm dứt mạng sống ở nơi này là lúc kết thành một mầm sống mới ở nơi khác. Thời gian chuyển tiếp giữa cõi chết ở đời này và cõi sống ở đời sau chỉ là các tích tắc.

Các phiền não như tham ái và chấp thủ là hai nguyên nhân đưa đẩy chúng sanh trôi lăn trong ba cõi sáu đường, trong khi sự chuyên tâm tu tập thiền định và phát triển trí tuệ là hai cửa ngõ dẫn đến sự giải thoát, chứng đạt niết-bàn tại thế gian này. Cuối cùng, bài kinh nói về bản chất siêu việt của niết-bàn, vắng mặt hoàn toàn các khổ đau, phiền não và nhiễm ô. Niết-bàn chỉ thực chứng được khi mọi hành vi bất thiện và các phiền não đã được nhổ sạch gốc rễ ở thân tâm của hành giả. Đó là trạng thái an lạc nhất, có thể cảm nhận được qua quá trình kinh nghiệm thực chứng hay cảm nhận.

 

22. Kinh Sống và Tu trong Hoà Hợp

Kinh này do Tỳ-kheo Đệ Tử Phật diễn thơ ngũ ngôn từ bài Tiểu Kinh Sừng Bò, thuộc Trung Bộ Kinh (I. 449-61, bản dịch của HT. Thích Minh Châu, ấn bản Đại Tạng Kinh Việt Nam). Soạn giả đã sửa lại tựa kinh theo nội dung của bài Kinh.

Bài kinh kể lại kinh nghiệm chung sống và tu tập trong hoà hợp của ba vị huynh đệ Tỳ-kheo, tên là Anurudha, Nandiya, và Kimbila. Nhờ vào sự tu học trong hoà hợp, như nước hoà với sữa, giúp đỡ nhau như những người anh em ruột thịt, và hỗ trợ nhau cùng chứng đạt bốn thiền sắc giới (thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư) và năm định vô sắc giới (định không vô biên, định thức vô biên, định vô sở hữu, định phi phi tưởng và định không còn tri giác và cảm thọ), và cuối cùng chứng đắc thánh quả, giải thoát.

Bài kinh không chỉ mang ý nghĩa giáo dục về đời sống lục hoà trong cộng đồng Tăng mà Tăng Ni và Phật tử cần phải noi gương, còn nhằm khẳng định rằng chỉ khi nào những người con Phật, dù khác hệ phái và ý thức hệ, biết bỏ đi các dị biệt, không còn chống trái nhau, hỗ trợ nhau cùng tu tập và truyền bá giáo pháp của đức Phật thì đạo Phật sẽ mãi mãi hưng thịnh trên đời này.

 

23. Kinh Tôn Trọng các Pháp Môn

Tựa kinh nguyên tác là Mahācunda Sutta (A. III. 355-7). Kinh này được soạn giả tóm lược từ bản dịch của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi (II. 347-8, ấn bản năm 1988), có tham khảo bản tiếng Anh The Book of Gradual Sayings (III.252-3, Hội Thánh Điển Pāli ấn hành năm 1988).

Nội dung kinh phản ánh: những thái độ cho rằng con đường và pháp môn mình thực hành là hay, là đúng trong khi con đường và pháp môn của người khác là dở hoặc sai, cần phải được loại ra khỏi tâm tưởng và cách ứng xử của những người con Phật lấy mục tiêu giải thoát làm trọng tâm. Mặc dù bài kinh chỉ đưa ra cặp trường hợp điển hình chống trái và phê bình nhau là người chuyên về thiền định và người chuyên về phân tích và luận giải kinh điển. Nội dung của kinh này còn nhằm khuyên tất cả những người con Phật không những không nên chê bai, phỉ báng người tu pháp môn khác mà còn tôn trọng và học hỏi ở những người đó để bổ sung, hỗ trợ và hoàn thiện lẫn nhau.

Tán đồng người cùng sở hành, sở tu với mình; phê bình và phủ nhận người khác sở hành, sở tu với mình, thỉnh thoảng đã trở thành khuynh hướng ứng xử của một số người tu học Phật. Người đệ tử Phật cần phải tôn trọng tất cả các pháp môn khác. Không những thế, người học Phật còn tôn trọng và học hỏi các pháp môn đó, vì mình thiếu chuyên môn trong lý thuyết cũng như thực hành các môn đó. Thái độ bao dung, hiểu biết, cảm thông và cùng hoàn thiện cho nhau như nước hoà với sữa, trong chánh pháp Phật-đà, sẽ giúp cho tất cả những người con Phật cùng lớn mạnh trong tu tập và giải thoát.

 

24. Kinh Bốn Mươi Hai Bài

Kinh này được cư sĩ Phan Khắc Nhượng diễn thơ từ bản dịch tiếng Việt trong tác phẩm Tìm Hiểu Kinh Tứ Thập Nhi Chương  (bản cảo, dịch và diễn giảng phổ biến nội bộ năm 1989) của soạn giả. Toàn bộ các tiêu đề chương được soạn giả đặt, để giúp người đọc hiểu được đại ý của các bài Kinh.

Giống như Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp (Kinh Pháp Cú), kinh này là một tuyển tập về các lời dạy tiêu biểu của đức Phật trong truyền thống kinh điển Đại thừa và kinh điển A-hàm, và được xem là kinh cẩm nang của tất cả những người mới tu theo Bắc tông. Bài kinh còn có giá trị lịch sử truyền bá Phật giáo ở Trung Quốc, khi hai tôn giả Ca-diếp-ma-đằng và Trúc-pháp-lan mang sang Trung Hoa và là bản kinh được dịch và phổ biến đầu tiên ở nước này.

Bài kinh trình bày một cách ngắn gọn nhiều chủ đề như thế giới quan, nhân sinh quan, đạo đức học, phép xử thế, các quan niệm sống tốt đạo đẹp đời, tại ngay thế gian này. Nhiều triết lý được trình bày trong kinh này rất tương ứng với những điều Phật dạy trong kinh điển Pāli, nhưng cũng có một số khác lại phản ánh tư tưởng tiêu biểu của Đại thừa. Hành trì kinh này, chúng ta sẽ thấy giáo pháp của Phật trong hai truyền thống đan quyện vào nhau trong một mạng lưới, để cùng xiển dương một chân lý duy nhất, đó là, tất cả giáo pháp của Phật chỉ thuần một hương vị giải thoát.

 

25. Kinh Chủ Trương của Như Lai

Bài kinh này được soạn giả tóm lược từ bản dịch của HT. Thích Minh Châu trong Kinh Tăng Chi (III. 29-32, ấn bản năm 1988), có tham khảo bản tiếng Anh The Book of Gradual Sayings (IV. 171-8, Hội Thánh Điển Pāli ấn hành năm 1988).

Kinh ghi lại cuộc đối đáp của đức Phật và Bà-la-môn Veranja về sáu học thuyết / chủ nghĩa / chủ trương  mà vị Bà-la-môn này đã hiểu sai hay cố tình gán cho đức Phật. Sáu chủ nghĩa / học thuyết đó là: thiếu ý vị, thiếu tài sản, không hành động, đoạn diệt, yếm thế và hư vô.

Cái tuyệt vời của đức Phật ở đây là Ngài không hề phủ nhận những gì người ta đã cố tình gán hay chụp mũ Ngài, trái lại, Ngài đã vận dụng tinh thần “bầu cũ rượu mới” vào trong các chủ nghĩa và học thuyết khô khan và vô dụng đó. Nói cách khác, cũng dùng chung một khái niệm, một ngôn từ, nhưng nội dung và triết lý mà đức Phật sử dụng hoàn toàn khác và vượt lên trên các cách thức mà các truyền thống tôn giáo và triết học bấy giờ đã hiểu và sử dụng. Chúng ta thấy, thường đức Phật ít khi dùng đến những khái niệm mới, ngoại trừ không thể tìm ra trong các truyền thống trước đó các khái niệm có thể vay mượn để diễn tả triết lý cao siêu huyền diệu của ngài, ví dụ như Bồ-tát, Bồ-đề tâm, Phật và Phật tánh v.v... 

Kể từ thế kỷ 19 trở lại đây, Phật pháp đã trở thành đối tượng nghiên cứu và thực hành nở rộ ở phương Tây. Nhiều học giả đã xem đạo Phật như là một nền triết học, một tôn giáo, một hệ thống đạo đức. Các học giả khác thì cho rằng đạo Phật là khoa học, là xã hội học, là tâm lý học trị liệu v.v... Tuỳ theo cái nhìn và cách thế tiếp cận, đạo Phật đã trở thành và hiệp nhất với các quan điểm của người đánh giá. Nhiều Tăng Ni và Phật tử đã không hài lòng về cách lý giải đạo Phật qua các môn học hiện đại, và cho rằng làm như vậy sẽ thế tục hoá đạo Phật, v.v... Theo tinh thần của kinh này, việc làm đó không có gì là sai cả, nếu nội dung mà người ta hiểu và định nghĩa cho đạo Phật trong các chủ nghĩa học thuyết đó không đi ngược lại với tinh thần giáo pháp. Nói cách khác, điều quan trọng không phải là tên gọi của học thuyết mà người ta đặt cho đạo Phật, mà chính là nội dung chứa đựng trong tên gọi của học thuyết đó. Quan trọng hơn là sự thực hành nội dung chánh pháp được chứa tải trong các danh xưng và học thuyết để đem lại an lạc và hạnh phúc cho mình và người, chứ không phải danh xưng và bản thân của các học thuyết.

 

26. Kinh Quan Niệm về Như Lai

Bản dịch của HT. Thích Nhất Hạnh từ Samyutta Nikāya, 22, 6. Bài kinh tường thuật lại câu hỏi của một vị Bà-la-môn về bản chất của Như Lai sau khi chết, dưới hình thức bốn mệnh đề (tứ cú). Bốn mệnh đề đó là Như Lai tồn tại sau khi chết, Như Lai không tồn tại sau khi chết, Như Lai vừa còn vừa không còn tồn tại sau khi chết và Như Lai vừa chẳng còn vừa chẳng phải chẳng còn tồn tại sau khi chết. Được hỏi vậy, tôn giả Anuradha đã trả lời rằng đức Phật chưa bao giờ giảng dạy hay tuyên bố liên hệ đến hình thái của bốn mệnh đề: có, không có, vừa có vừa không có; chẳng phải có chẳng phải không có. Mệnh đề đầu rơi vào chủ nghĩa thường còn. Mệnh đề thứ hai rơi vào chủ nghĩa đoạn diệt. Mệnh đề thứ ba tổng hợp hai mệnh đề một và hai, trở nên mâu thuẫn vì tính cách loại trừ nhau. Mệnh đề thứ tư đối lập với mệnh đề thứ ba, do đó cũng trở nên vô nghĩa vì tính cách mâu thuẫn và loại trừ với mệnh đề thứ ba. Cả bốn mệnh đề đều rơi vào hai chủ nghĩa hoặc thường kiến hoặc đoạn kiến. Giáo pháp của Phật phủ định hai loại kiến chấp này. Do đó, sẽ trở nên vô nghĩa nếu áp đặt sự kiện Như Lai sau khi chết vào trong khuôn khổ của bốn mệnh đề này.

Không thoả mãn với câu trả lời ngắn gọn của tôn giả Anuradha, các du sĩ ngoại đạo đã khinh chê tôn giả là người kém học ít biết hoặc chỉ là người mới tu tập nên không có kiến thức chuyên sâu về vấn đề. Tôn giả không buồn đính chính, đến bên Phật trình bày lại sự kiện và thỉnh cầu đức Phật giảng giải.

Đức Phật dạy rằng không thể tìm kiếm Như Lai trong hay ngoài năm tổ hợp nhân tính (thân thể, cảm giác, suy luận, tâm tư và ý thức). Tìm kiếm Như Lai khi Ngài còn sống còn không được huống hồ là sau khi Ngài chết! Cuối cùng đức Phật lưu ý rằng giáo pháp của Ngài không để phục vụ cho kiến thức thuần tuý, vượt khỏi chủ nghĩa duy lý. Xưa và nay, Ngài chỉ tuyên bố hai điều đó là vạch mặt khổ đau và chỉ ra con đường để chấm dứt khổ đau. Tất cả các câu hỏi cũng như các câu trả lời về bản chất của Như Lai sau khi chết đều không hướng đến mục đích chấm dứt đau khổ trong đời.

 

27. Kinh Biết Sống Một Mình

Bản dịch của HT. Thích Nhất Hạnh. Kinh này gồm 2 phần: phần I dịch từ kinh số 1071, Tạp A-hàm và phần II dịch từ Bhaddekaratta Sutta, thuộc Majjhima Nikāya, 131.

Phần một tường thuật lại hạnh tu một mình của vị Tỳ-kheo tên là Thượng Tòa. Vị Tỳ-kheo này hành trì và ca ngợi hạnh sống một mình trong khất thực, ăn uống, đi đứng nằm ngồi và trong tu tập thiền quán. Đức Phật một mặt ca ngợi về hạnh viễn ly đó, mặt khác dạy phương pháp sống có ý nghĩa tích cực và lợi ích lớn hơn. Đó là cách sống chánh niệm và tỉnh giác trong hiện tại. Nói cách khác, sống một mình mà không có chánh niệm và tỉnh giác thì không có lợi ích gì cả. Người sống chánh niệm trong từng phút giây của hiện tại, không để tâm vướng mắc vào các tham đắm, từ bỏ mọi lo âu, hối hận, sầu khổ, cắt đứt mọi ràng buộc của cuộc đời, an trụ vào thánh trí, giải thoát. Được vậy, mới xứng đáng được gọi là người “biết” sống một mình.

Trong phần hai, đức Phật giải thích một cách chi tiết về hạnh sống trong hiện tại. Sống trong hiện tại là thái độ sống tỉnh thức trong từng tích tắc của thời gian, không tìm về quá khứ, không hướng vọng tương lai. Nó còn là thái độ sống tinh tấn trong chánh pháp ngay bây giờ và tại đây, không trông chờ một cái gì khác. “Không tìm về quá khứ” không có nghĩa là cắt đứt mọi suy nghĩ về quá khứ, thờ ơ với lịch sử, mà thực chất là không để tâm bị ràng buộc quyến luyến về những gì đã qua. Tương tự, “không tưởng đến tương lai” không có nghĩa là đóng bít các giác quan về những gì sẽ xảy ra, mà thật ra là không để cho tâm bị ràng buộc vướng mắc vào tương lai. Khi tâm không vướng bận về quá khứ, hành giả sẽ thoát khỏi những cảm giác vui buồn của những kinh nghiệm hạnh phúc hay đau khổ trong quá khứ. Khi tâm không hướng đến tương lai, hành giả sẽ không bị các cảm giác lo âu như ta "sẽ thế nào? sẽ ra sao? sẽ làm sao?” v.v… chi phối, khống chế. Tâm hành giả sẽ trở nên thơ thái, an tịnh, không bị buộc ràng.

Nhờ an trú một cách có chánh niệm vào hiện tại, hành giả sẽ nhận chân được rằng từng cá thể hay năm hợp thể tâm vật lý như hình thể, cảm thọ, tưởng tượng, tâm tư và nhận thức đều không phải là ngã, không thuộc về ngã và ngược lại, cái gọi là “ta” cũng không lệ thuộc vào chúng. Nhờ quán chiếu như vậy, hành giả sẽ vượt khỏi mọi ràng buộc chấp mắc ở đời; sống ung dung và giải thoát.

 

28. Kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát

Bản dịch của HT. Thích Nhất Hạnh từ Phật Thuyết Pháp Ấn Kinh, kinh thứ 104 trong ấn bản Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tựa đề của dịch giả ghi là Kinh Pháp Ấn. Soạn giả sửa lại Kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát, để giúp độc giả dễ hiểu được chủ đề của Kinh. Như tựa đề, bài kinh này trình bày ba cánh cửa giúp hành giả đạt được giải thoát ngay thế gian này. Ba cánh cửa đó là pháp quán “không, vô tướng và vô tác.”

Quán chiếu về “không” là sự nhìn rõ về bản chất của “khổ, không thực thể và biến chuyển” của năm tổ hợp nhân tính (hình thể, cảm giác, tưởng tượng, tâm tư và nhận thức), để thoát khỏi mọi chấp mắc về chúng. Quán chiếu về “vô tướng” là sự nhìn rõ về bản chất của các đối tượng của giác quan (hình thái, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý niệm của tâm) vốn không phải là “ta” (ngã) cũng không phải “những gì thuộc về ta” (ngã sở hữu), vì chúng cũng không có thực thể và luôn biến chuyển không thường còn. Quán chiếu về “vô tác” là sự nhìn rõ về bản chất của “các pháp và sự thấy nghe hiểu biết về chúng” vốn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố nhân duyên, và không có chủ thể tạo tác.

Nhờ thực hành quán chiếu về ba cánh cửa giải thoát này, vị hành giả không còn chấp mắc vào ngã và ngã sở, diệt trừ hết các phiền não tham-sân-si, nhìn rõ được bộ mặt thật của mọi sự vật hiện tượng, không còn kẹt vào một pháp nào nữa và nhận ra được tính cách tịch diệt của các pháp, và nhờ vậy, sống an nhiên và giải thoát trong đời.

 

29. Kinh Dụ Ngôn Bọt Nước

Bản kinh này do cư sĩ Phan Khắc Nhượng diễn thơ từ Kinh Tương Ưng V, bản dịch của HT. Thích Minh Châu, Đại Tạng Kinh Việt Nam. Bài kinh này được đức Phật giảng cho các vị Tỳ-kheo nhân đi ngang qua sông Hằng, nhìn thấy các bọt nước trồi lên mặt sóng rồi bỗng chốc vỡ tung và tan biến. Đức Phật dạy mọi người nên quán sát tổ hợp nhân thể gồm năm yếu tố (ngũ uẩn) tạo nên sắc thân và tâm thức của con người cũng vô thường, chóng vánh và vô ngã như bọt nước. Năm tổ hợp tạo nên con người là (1) thân thể, (2) cảm thọ, (3) ý niệm, (4) tâm tư, và (5) nhận thức.

Đức Phật đã dùng 5 hình ảnh để sánh ví tính vô thường và vô ngã của hợp thể con người tâm vật lý. Thân thể con người như bọt nước, có đó rồi tan biến đó. Cảm thọ (đau khổ, hạnh phúc và trung tính) như các bong bóng nước khi trời mưa rơi xuống đất, tạm bợ, thay đổi, không dừng. Ý niệm của con người cũng như ráng trời, như mây tụ tán, bỗng chốc liền không. Sự vận hành hay sự sống của chúng sanh cũng như thân cây chuối, tưởng chắc thật nhưng vốn không có lõi bên trong. Thức phân biệt như trò ảo thuật, vốn không có thật. Đức Phật khẳng định rằng ai tu tập quán chiếu về tổ hợp tâm vật lý vô thường và vô ngã nhất định sẽ thoát khỏi các sự say đắm về đời sống năm dục lạc thấp kém, hướng tâm đến thiền vị cao hơn, xả bỏ các chấp mắc về ngã và pháp, chứng đạt sự an lạc và giải thoát.

 

30. Kinh Chánh Kiến

Bản dịch của HT. Thích Nhất Hạnh về bài kinh thứ 301 trong Tạp A-hàm, có tham khảo kinh Kaccayanagotta, thuộc Samyutta Nikāya II, 16-7. Tựa đề của dịch giả ghi là Kinh Trung Đạo Nhân Duyên, được soạn giả sửa lại thành Kinh Chánh Kiến, vì nội dung của Kinh nhằm giải thích về ý nghĩa của thuật ngữ chánh kiến cũng như các giá trị nhận thức và đạo đức của chánh kiến.

Chánh kiến trước nhất là cái nhìn vượt thoát khỏi hai quan niệm về hiện hữu và phi hiện hữu của bản ngã và mọi sự vật hiện tượng. Cho rằng mọi vật hiện hữu sẽ dẫn tới thường kiến luận, trong khi cho rằng mọi vật không hiện hữu sẽ rơi vào đoạn kiến luận. Cả hai đều dẫn đến các hệ quả bất thiện về phương diện đạo đức.

Kế đến, chánh kiến là cái nhìn về mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này dưới nhãn quan của nguyên lý duyên khởi và tương thuộc: cái này có vì cái kia có, cái này sanh vì cái kia sanh, cái này không vì cái kia không và cái này diệt vì cái kia diệt. Tất cả các quan niệm cho rằng thế giới này được hình thành từ nguyên nhân khởi thuỷ, dù gọi bằng tên gì như Thượng Đế, Phạm Thiên, Thiên Chúa, Chúa Trời v.v... chỉ là quan niệm sai lầm.

Với cái nhìn chánh kiến, thế giới của chúng sanh có tình thức được hình thành, phát triển và hoại diệt từ 12 mắc xích: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Từ đó, đau khổ chồng chất theo nhau từ đời này sang đời khác. Chỉ với chánh kiến và trí tuệ như thật, con người có thể chặt đứt được dòng tiếp nối của sanh tử trong ba cõi sáu đường.

 

31. Kinh Dụ Ngôn Người Bắt Rắn

Bản dịch của HT. Thích Nhất Hạnh từ kinh thứ 22 trong Trung Bộ Kinh, có tham khảo Kinh Tương Ưng  trong Trung A-hàm, đó là kinh A-lê-sá, thứ 220. Nhân sự kiện vị Tỳ-kheo Arittha hiểu và tuyên truyền sai về giáo pháp của đức Phật, thay vì đức Phật dạy “ái dục là một chướng ngại cho con đường giải thoát”, thầy hiểu sai và nói ngược lại, đức Phật đã dạy cho đại chúng về phương pháp học tập và nắm bắt kinh điển có lợi ích cho bản thân. Trước nhất, người đệ tử Phật phải tìm hiểu tường tận những gì đức Phật dạy, rồi hành trì và ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Người học hỏi chánh pháp chỉ để nâng cao kiến thức thuần tuý, tranh luận hơn thua, sẽ không đem lại lợi ích gì cho bản thân, mà chỉ tăng thêm nhiều chướng ngại, cũng giống như người muốn bắt rắn mà không biết thủ thuật bắt, sẽ có thể bị rắn độc cắn chết.

Kế đến, đức Phật nói về dụ ngôn chiếc bè. Mục đích chính của chiếc bè là để vượt qua sông. Sau khi qua được bờ bên kia, người có trí không thể mang chiếc bè về thờ, mà phải thả nó trở về bên kia để nó có thể giúp được nhiều người khác. Tương tự, sau khi giác ngộ, hành giả phải xả bỏ luôn cả chánh pháp, huống hồ những gì không phải chánh pháp.

Bài kinh còn dạy không nên chấp thủ vào năm tổ hợp nhân tính (hình thể, cảm giác, tưởng tượng, tâm tư và nhận thức) cũng như thế giới này, vì tất cả là vô ngã, không nằm trong ngã và không phải là ngã và ngược lại. Kinh cũng phân tích các nỗi buồn và lo sợ dù có nguyên nhân nội tại và ngoại tại, đều có gốc rễ do quan niệm có một bản ngã thật gây ra. Một khi từ bỏ được sự chấp ngã, tất cả nỗi lo sợ và đau khổ sẽ chấm dứt. Kinh cũng cho thấy rằng ai cho rằng đức Phật chủ trương chủ nghĩa đoạn diệt thông qua triết lý vô ngã của Ngài đều là hiểu sai về triết lý cao siêu này. Đức Phật còn nhắn nhủ thêm rằng người tu học Phật phải có thái độ bình thản trước mọi phê bình và chỉ trích của người khác, cũng như những lời khen ngợi tán dương, vì tất cả những điều này không có liên hệ gì đến mục tiêu giải thoát. Để giải thoát các hành giả phải tự mình nhổ sạch gốc rễ của các phiền não, nhiễm ô, và các kiết sử để từng bước thanh tịnh tâm và an lạc ở đời.

 

32. Kinh Quán Niệm Hơi Thở

Bài kinh này do HT. Thích Nhất Hạnh dịch từ Kinh Ānāpānasatisutta (M. III. 79-99). Đây là bài kinh thứ 118 thuộc Kinh Trung Bộ, giới thiệu mười sáu cách quán niệm hơi thở ra và vào, trong sự chánh niệm và tỉnh giác. Mười sáu cách quán niệm hơi thở đó là:

  1. Thở vào / ra một hơi dài, người ấy biết: ta đang thở vào / ra một hơi dài.
  2. Thở vào / ra một hơi ngắn, người ấy biết: ta đang thở vào/ ra một hơi ngắn.
  3. Ta đang thở vào / ra và có ý thức về toàn thân ta.
  4. Ta đang thở vào / ra và làm cho toàn thân an tịnh.
  5. Ta đang thở vào / ra và cảm thấy mừng vui.
  6. Ta đang thở vào / ra và cảm thấy an lạc.
  7. Ta đang thở vào / ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta.
  8. Ta đang thở vào / ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh.
  9. Ta đang thở vào / ra và có ý thức về tâm ý ta.
  10. Ta đang thở vào / ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc.
  11. Ta đang thở vào / ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định.
  12. Ta đang thở vào / ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát, tự do.
  13. Ta đang thở vào / ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp.
  14. Ta đang thở vào / ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp.
  15. Ta đang thở vào / ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp.
  16. Ta đang thở vào / ra và quán chiếu về sự buông bỏ.

Đức Phật khẳng định 16 pháp quán niệm hơi thở này có mối liên hệ mật thiết với bốn pháp quán niệm. Nhờ chánh niệm và tỉnh giác trong hơi thở ra vào, hành giả an trú trong (1) pháp quán thân trong thân, (2) quán cảm thọ trong cảm thọ, (3) quán tâm ý như tâm ý, (4) quán đối tượng tâm ý trong trạng thái vượt thoát mọi tham đắm ở đời.

Thông qua việc thành tựu bốn lãnh vực quán niệm, 16 pháp quán niệm hơi thở này cũng dẫn đến thành tựu bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đó là: chánh niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ lạc xuất thế, khinh an, định và hành xả. Như vậy phương pháp quán niệm hơi thở ra vào trong chánh niệm tỉnh giác không chỉ có công năng khắc chế các cảm thọ đau khổ của thân xác mà còn hướng đến sự giải thoát ngay hiện tại và bây giờ.

 

33. Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm

Kinh này là bản dịch của HT. Thích Nhất Hạnh từ Kinh Niệm Xứ, Trung A-hàm 98, phối hợp với bản dịch chữ Hán của Tăng-già-đề-bà  (Sanghadeva, 317-420 AP), có tham khảo các bản Pàli tương đương là Satipathana Sutta, bài kinh thứ 10 trong Trung Bộ Kinh.

Bốn lãnh vực quán niệm là (1) pháp quán thân trong thân, (2) quán cảm thọ trong cảm thọ, (3) quán tâm thức như tâm thức, (4) quán đối tượng tâm ý như đối tượng tâm ý.

Quán thân trong thân là thái độ chánh niệm tỉnh giác trong từng cử chỉ vận hành của thân như đi, đứng, nằm, ngồi, ngước lên, cúi xuống, duỗi ra, co vào, thở ra vào, bản chất duyên khởi và vô ngã của tổ hợp tâm vật lý v.v… để đối trị các tâm niệm xấu ác, bất thiện bằng các tâm niệm an lạc và lợi ích. Pháp quán này còn bao gồm các pháp quán khác như quán vô ngã, vô thường, bất tịnh, thây ma để từ bỏ các tham đắm ngũ dục lạc thấp kém.

Quán thọ trong các cảm thọ là trạng thái chánh niệm và tỉnh giác trong từng cảm giác hạnh phúc, đau khổ hay trung tính, để làm chủ các giác quan, hướng tâm đến sự an trụ hỷ lạc siêu thế.

Quán tâm thức như tâm thức là trạng thái chánh niệm và tỉnh giác trong từng tâm lý thiện và ác của chúng ta. Khi tâm bị tham, sân, si, bỏn xẻn, kiêu mạn v.v. . . chế ngự thì phải nhận thức rõ chúng để khắc chế chúng bằng các tâm lý đối nghịch là rộng lượng, hoan hỷ, sáng suốt, ban cho, khiêm hạ, v.v… Sự khắc chế tâm ý như vậy là một quá trình sàng lọc và thanh tẩy, từ xấu thành tốt, từ bất thiện thành thiện và do đó từ phàm phu tục tử trở thành bậc thánh.

Quán đối tượng tâm ý như đối tượng tâm ý là thái độ chánh niệm và tỉnh giác trong từng ảnh niệm của các giác quan sau khi tiếp xúc với các cảnh trần của chúng. Phải nhận chân những hình ảnh, khái niệm, ý niệm lưu lại trong tâm tư: cái nào là thiện, bất thiện, cái nào là nội kết và tháo mở, cái nào đã phát sanh, chưa phát sanh, cái nào đã tiêu diệt và chưa tiêu diệt. Trên cơ sở đó, hành giả từ bỏ các cảm giác xấu, tháo mở các nội kết của tâm, phát triển các tâm niệm, khái niệm, ý niệm thiện và có lợi cho sự tu tập.

Bốn pháp quán niệm này là con đường mà các đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đã, đang và sẽ đi qua, có công năng đem lại hỷ lạc khắp thân, tâm niệm, thanh lọc các cấu uế của tâm, hướng đến tuệ giác. Người an trụ trong bốn lãnh vực quán niệm này sẽ có thể chứng được thánh quả hay trí tuệ cứu cánh ngay hiện đời.

 

34. Kinh Mười Pháp Đến Bờ Kia

Kinh này có xuất xứ từ các bản kinh tụng truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thủy, được soạn giả trích lại từ Nghi Thức Tụng Niệm của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam, do chùa Pháp Luân, Texas, Hoa Kỳ xuất bản. Tựa đề kinh theo Pāli là Dasapāramī, có nghĩa là mười Ba-la-mật, hay mười pháp độ, mười pháp hành có khả năng đưa hành giả đến bờ bên kia, tức là giác ngộ và giải thoát. Bản dịch in trong quyển nghi thức trên chỉ ghi là Kinh Đáo Bỉ Ngạn, soạn giả sửa lại cho thuần Việt và sát với nội dung chủ đề của kinh: Kinh Mười Pháp Đến Bờ Kia. Bốn câu kệ trùng lập sau mỗi pháp Ba-la-mật “hy sinh ngoại vật tứ chi . . . theo chân đại từ” đã được tỉnh lược trong ấn bản này. Do đó, các âm vận cũ cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp với âm vận mới sau khi tỉnh lược.

Trong Phật giáo Đại thừa, chỉ có sáu pháp đến bờ bên kia là: bố thí, trì giới, nhẫn nại, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Trong truyền thống Phật giáo Thượng Toạ bộ, có đến mười pháp đến bờ bên kia là: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, chí nguyện, từ tâm và hành xả. Trong hai truyền thống trên, có năm pháp tu sau đây là thống nhất: bố thí, trì giới, nhẫn nại, tinh tấn và trí tuệ. Nhìn chung, các pháp đến bờ kia này có công năng giúp hành giả giải thoát chính mình và người khác. Do vậy, cái gọi Phật giáo Thượng Toạ bộ là Tiểu thừa, là thấp kém chỉ là sự hiểu sai về các pháp môn hành trì trong truyền thống này mà thôi. Nói cách khác, người hành trì các pháp đến bờ kia sẽ trở thành các thánh nhân, các vị Bồ-tát và Phật, nếu không ở hiện tại thì chắc chắn ở tương lai.

 

35. Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Hàng Bồ-tát

Tỳ-kheo Thích Kiên Anh dịch thơ từ bản chữ Hán của ngài An Thế Cao, kinh 779, thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Nguyên tựa đề ghi là Bát Đại Nhân Giác Kinh, có nghĩa là Kinh Nói về Tám Điều Giác Ngộ của các Bậc Đại Nhân. Đại nhân (Pāli: mahāpurisa), chỉ chung cho những người có đạo đức, trí tuệ và hạnh nguyện hơn hẳn người thường. Trong văn học Phật giáo Đại thừa, đại nhân chỉ cho các vị Bồ-tát.

Điều giác ngộ thứ nhất là nhận rõ thế gian này vô thường, năm hợp thể nhân tính là vô ngã, tâm là nguồn gốc của mọi khổ đau cũng như hạnh phúc. Điều giác ngộ thứ hai là nhận rõ rằng nguồn gốc của mọi đau khổ trong đời là do tham ái và chấp thủ gây ra. Đời sống ít muốn biết đủ và cởi bỏ mọi trói buộc là những bước đường hướng tới giải thoát. Điều giác ngộ thứ ba là nhận rõ rằng đường danh lợi mà thế gian đam mê có ít giá trị đạo đức và tâm linh, trong khi con đường trí tuệ như là sự nghiệp giải thoát duy nhất của các bậc trí. Điều giác ngộ thứ tư là nhận rõ rằng mọi sa đoạ và lạc hậu trên con đường tâm linh đều do tâm lười biếng mà ra, do vậy, phải tinh tấn tu tập ngày đêm để hướng đến giải thoát cho bản thân và tha nhân. Điều giác ngộ thứ năm là nhận rõ rằng vô minh là đầu mối của sự trôi lăn trong sanh tử, trong khi trí tuệ có khả năng soi sáng và giải thoát. Điều giác ngộ thứ sáu là nhận rõ rằng nghèo khó thường sanh thù oán. Hàng Bồ-tát chuyên hạnh ban cho không phân biệt thân sơ, bạn thù, để giúp tất cả chúng sanh hướng đến giải thoát. Điều giác ngộ thứ bảy là nhận rõ rằng năm dục lạc không phải là mục đích thật sự của cuộc sống. Người xuất gia nhờ quan niệm như vậy nên sống đời thanh bần, chuyên tâm thiền định, mong giải thoát cho mình và tha nhân. Điều giác ngộ thứ tám là nhận rõ rằng vòng sanh tử triền miên đang thiêu đốt tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Thương đời, hàng Bồ-tát phát tâm từ bi rộng lớn để hoá độ tất cả cùng chứng được niết-bàn.

Tám điều giác ngộ này không phải dành riêng cho hàng Bồ-tát. Nói chung, bất cứ ai thực hành theo đều có thể đạt được giải thoát cho bản thân, và trở thành các bậc Bồ-tát có khả năng chuyển hoá đau khổ của cuộc đời thành an lạc.

 

36. Kinh Dẫn Nhập Đại Thừa

Trích toàn bộ Thắng Man Phu Nhân Hội, (hội 48 thuộc  Kinh Đại Bảo Tích), do HT. Thích Trí Quang dịch từ bản dịch chữ Hán của ngài Bồ-đề-lưu-chi (thuộc kinh số 310 của Đại Tạng Kinh bản Đại Chính Tân Tu). Bản dịch ghi là Kinh Thắng Man, soạn giả đặt lại tựa kinh để làm nổi bật các chủ đề chính mà kinh muốn giới thiệu.

Kinh này giới thiệu bao quát các giáo nghĩa căn bản của Đại thừa, đặc biệt là thai tạng Như Lai tiềm ẩn trong tất cả chúng sanh. Phần cốt lõi của kinh do phu nhân Thắng Man tuyên thuyết dưới sự khuyến khích và chứng minh Phật. Kinh gồm 15 chương, mỗi chương trình bày về một học thuyết trọng yếu của Đại thừa.

Chương một giới thiệu đức tính siêu việt của Phật về nhục thân và trí tuệ. Giáo pháp của Ngài thật là cao siêu mầu nhiệm. Chương hai trình bày mười điều tâm nguyện của Bồ-tát là: giữ giáo pháp, tôn trọng sư trưởng, không sân hận, không ganh tỵ, không bỏn xẻn, ban bố và giúp đỡ mọi người, nhiếp hoá mọi người, giải phóng chúng sanh bị giam cầm, chuyển người ác làm lành, và thực hành các pháp Ba-la-mật. Chương ba giới thiệu ba nguyện lớn: luôn hướng tâm trí về chánh pháp, truyền bá chánh pháp không mệt mỏi và hy sinh thân mạng vì chánh pháp. Chương bốn giải thích các phương diện của thu nhận chánh pháp, phù hợp với căn tánh chúng sanh. Chương năm khẳng định Đại thừa là nguồn gốc của tất cả các pháp lành trên thế gian. Do đó sự tồn vong của Đại thừa liên hệ đến sự tồn vong của chánh pháp.

Chương sáu đề cập đến trí thánh đế của Phật siêu việt các hàng Thanh Văn và A-la-hán. Chương bảy nói về thai tạng Như Lai. Chương tám trình bày về pháp thân. Chương chín nói về hai loại Như Lai tạng: như thật không và như thật hữu. Chương mười và chương mười một xác quyết chỉ có Niết-bàn là chân lý duy nhất, chân thật, thường còn và đáng nương tựa, còn ba chân lý còn lại chỉ là giả lập để hiển thị Niết-bàn. Chương mười hai giới thiệu các quan niệm sai lầm, đối lập với chánh kiến, trong mối liên hệ đến con người, thế giới và Niết-bàn.

Chương mười ba nói đến tánh dụng và thể của Như Lai tạng trong dòng sanh tử. Chương mười bốn giới thiệu ba đối tượng “con thật của Phật” là người chứng tuệ giác, người tuỳ thuận chánh pháp và người có đức tin chân chánh về giáo pháp. Chương cuối nêu ra nhiều tên gọi của kinh và khuyên tất cả truyền bá kinh này.

Nhìn chung, bản kinh này được xem là nền tảng của đạo đức học và nhận thức luận Đại thừa, trình bày các khía cạnh giới luật và các hành trì của hàng Bồ-tát.

 

37. Kinh Bốn Điều Nương Tựa

Trích từ phẩm Tứ Y trong Kinh Đại Bát-niết-bàn, (tập I, trang 182-6, ấn bản 2 tập) do HT. Thích Trí Tịnh dịch. Tựa đề do soạn giả đặt, để tóm yếu nội dung của Kinh. Bốn điều nương tựa là: (1) nương tựa chánh pháp, không nương tựa người, (2) nương tựa ý nghĩa, không nương tựa văn tự, (3) nương tựa trí tuệ, không nương tựa thức, (4) nương tựa kinh điển liễu nghĩa, không nương tựa kinh điển thiếu liễu nghĩa.

Pháp nương tựa thứ nhất giúp chúng ta xa lìa chủ nghĩa tôn sùng cá nhân và những hệ quả bất thiện của nó gây ra một khi thần tượng cá nhân đó bị sụp đổ. Chỉ có chánh pháp tối thượng của đức Phật là nơi chúng ta có thể nương tựa để tìm an lạc và giải thoát. Ngoài ra, pháp ở đây còn được hiểu là pháp tánh, người được chỉ chung cho hàng phàm phu và cho đến các bậc Thanh Văn. Nương tựa pháp là nương tựa pháp tánh, tức Như Lai, không nương tựa vào các hàng phàm phu và Thanh Văn vì đó chưa phải là chỗ nương tựa cao tột.

Pháp nương tựa thứ hai giúp chúng ta nắm bắt được nghĩa lý sâu xa huyền diệu, không vướng mắc vào văn tự chữ nghĩa. Nói cách khác, đó là thái độ “được ý quên lời.” “Nghĩa” ở đây còn ám chỉ cho chân lý cao siêu, trong khi “ngữ” được ám chỉ cho các lời lẽ chủ trương trái với lời Phật dạy, vì mục đích lợi dưỡng.

Pháp nương tựa thứ ba dạy chúng ta hướng đến trí tuệ cao siêu, bỏ qua nhận thức phàm phu thông thường. Trí ở đây là nhìn thấy được đức Phật có ba thân: pháp thân, ứng thân và báo thân, trong khi nhận thức thông thường chỉ thấy sắc thân của Phật giới hạn trong năm uẩn và mười tám giới.

Trong pháp nương tựa thứ tư, kinh liễu nghĩa chỉ cho kinh điển Đại thừa, hay những giáo pháp hướng đến Phật quả. trong khi kinh không liễu nghĩa chỉ cho kinh điển ngoài Đại thừa, không có khả năng độ thoát rốt ráo. Các phán đoán sau đây là liễu nghĩa: Như Lai thường trụ, Như Lai chỉ nhập pháp tánh chứ không chết, không thật có ba thừa mà chỉ có một Phật thừa v.v.... Các phán đoán ngược lại được gọi là bất liễu nghĩa.

Nói tóm lại, bốn pháp nương tựa này được xem là nền tảng đạo đức và nhận thức của người tu học Phật pháp Đại thừa, là kim chỉ nam để hướng đến giải thoát, và là chiếc cầu nối dài phàm phu tới Phật quả. Điều nương tựa thứ nhất nhằm phá chấp về chủ nghĩa cá nhân. Điều nương tựa thứ hai nhằm phá chấp vào văn tự chữ nghĩa. Điều nương tựa thứ ba hướng đến trí tuệ bát-nhã, vượt bỏ các nhận thức phàm phu. Điều nương tựa cuối cùng hướng tất cả chúng sanh đến Đại thừa để lợi ích mình và người trong tu tập.

 

38. Kinh Chỉ Bày Chân Tâm

Trích từ chương Gạn Hỏi cái Tâm thứ hai trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm Trực Chỉ Đề Cương (tập I, trang 19-53, xuất bản năm 1986), do HT. Thích Từ Thông dịch và giải. Tựa đề do soạn giả đặt cho phù hợp với nội dung của Kinh. Các tiêu đề phụ trong kinh dựa theo bản dịch trên, có thay đổi đôi chút.

Bài kinh kể lại bảy lần đức Phật gạn hỏi chân tâm thường trú, thể tánh tịnh minh, cho vị đệ tử thân tín của Ngài là tôn giả A-nan-đa, vị Đa văn đệ nhất, người có công trùng tuyên toàn bộ lời dạy của Ngài trong suốt cuộc đời hoằng pháp. Tôn giả A-nan-đa lần lượt cho rằng: tâm ở trong thân, tâm ở ngoài thân, tâm núp sau con mắt như con mắt núp sau chén thủy tinh, nhắm mắt thấy tối là tâm thấy ở trong tâm, sự suy nghĩ hợp với chỗ nào thì tâm ở chỗ đó, tâm ở chặng giữa, và tâm không dính dáng vào đâu cả. Theo đó, đức Phật lần lượt chỉ ra cho chúng ta thấy chân tâm thường trú không phải là bảy thứ đó.

Phật dạy rằng tất cả chúng sanh thường nhận lầm cái tánh theo duyên, bám víu các đối tượng giác quan, thành cái chân tâm thường trú, nên phải chịu cảnh luân hồi trong ba nẻo sáu đường. Nền tảng của Niết-bàn và trí tuệ giải thoát vốn không mất trong tâm của chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh bị vô minh che lấp nên từng giây phút sống trong thể tánh thanh tịnh mà trở thành điên đảo, không hay không biết.

Đức Phật tha thiết khuyên tất cả chúng ta phải siêng tu thiền định, để từ bỏ thái độ nhận giặc sắc trần làm con, xem các giác quan như tâm chân thật của mình. Chỉ với con đường thiền định chín thứ lớp, không trụ chấp vào các cảnh giới chứng đắc, hướng tâm ra khỏi ba cõi, chúng sanh mới có thể từ bỏ được pháp trần tạm bợ, nhận chân ra được chủ nhân chân thật, đó là cái tâm tánh thanh tịnh xưa nay của mình.

 

39. Kinh Cúng Dường Pháp

Trích phẩm Cúng Dường Pháp trong Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết, bản dịch của HT. Thích Huệ Hưng (Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh tái bản 1993, các trang 165-73).

Nhân sự kiện Thích-đề-hoàn-nhân tức Đế-thích (Vua cõi trời Đao-lợi) phát nguyện sẽ hỗ trợ và bảo hộ cho những ai đọc tụng, hành trì và truyền bá kinh Phật, đức Phật khuyến khích và ca ngợi tinh thần phổ biến và hoằng dương chánh pháp đến với các chúng sanh như là cách cúng dường các đức Phật một cách cao thượng và đáng khen nhất.

Bài kinh khẳng định cúng dường pháp có giá trị vô song so với các cách cúng dường khác như xây dựng chùa cao, Phật lớn, dựng tháp bảy báu thờ xá-lợi Phật, hoặc cúng dường các thứ cần dùng hay hầu hạ đức Phật trong vô lượng kiếp. Các cúng dường vật chất như thế giá còn thua kém một người nghe chánh pháp của đức Phật rồi phát tâm hành trì và truyền bá. Bởi lẽ, vật chất chỉ có thể nuôi sống thân mạng vô thường, trong khi chánh pháp của Phật có thể trưởng dưỡng tâm giác ngộ và giúp chúng sanh thoát khỏi nhà lửa ba cõi, an lạc vĩnh hằng.

Cúng dường pháp ở đây bao gồm việc tán dương và hoằng truyền chánh pháp của đức Phật, để giúp chúng sanh theo đường Bồ-đề, sanh lòng đại bi, nuôi lớn trí tuệ, phá các tà kiến, vững tiến trên đường giải thoát các lậu hoặc phiền não. Đó là sự truyền bá chân lý duyên sanh, không có Thượng Đế, vạn vật muôn sự nương duyên mà thành, trụ và hoại. Đó là bốn chân lý thánh: nhận diện mặt mũi khổ đau, truy tìm nguyên nhân khổ đau, trạng thái an lạc vắng mặt khổ đau và con đường thánh chấm dứt khổ đau. Đó là chân lý cho rằng con người và thế giới này là vô ngã và không thường còn. Đó là nhân quả nghiệp báo, thiện ác rõ ràng. Đó là bốn tâm cao thượng: từ, bi, hỷ và xả. Đó là sáu pháp đến bờ kia: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đó là nương tựa chánh pháp, ý nghĩa, trí tuệ và kinh điển Đại thừa, chứ không phải người, ngôn ngữ, kiến thức thông thường và kinh điển cho người sơ cơ.

Nói chung, cúng dường pháp trước là sự hành trì chánh pháp của bản thân và sau là tâm hạnh truyền bá đến mọi người để tất cả cùng an lạc và giải thoát. Nói cách khác, cúng dường pháp là hạnh ban bố pháp mà tất cả người con Phật cần thực hiện.

 

40. Kinh Hạnh Trẻ Thơ

Trích phẩm Anh Nhi Hạnh thứ mười một, trong Kinh Đại Bát-niết-bàn, (tập I, trang 205-7, bộ hai tập), do HT. Thích Trí Tịnh dịch. Soạn giả dịch tựa kinh ra tiếng Việt cho dễ hiểu. Do vậy, toàn bộ từ “hạnh anh nhi” trong suốt mạch kinh đều được đổi thành “hạnh trẻ thơ.”

Đức Phật mượn hình ảnh trẻ thơ không có các khả năng nói năng, đi đứng, không biết phân biệt, chấp mắc, để chỉ cho tánh Phật thanh tịnh vô nhiễm trong mọi chúng sanh. Ngài khuyên chúng ta nên trở về với hạnh trẻ thơ của mỗi người, để từ bỏ vĩnh viễn các thái độ nhị biên, phân biệt, chấp trước, nhờ đó mà hướng đến giải thoát.

Sự kiện không biết nói năng của trẻ thơ tượng trưng cho đức Phật thuyết pháp mà thật ra chẳng nói một lời nào. Nói pháp chỉ là phương tiện để độ sanh, chỉ là cung cấp chiếc bè giúp chúng sanh tự vượt sông sanh tử chứ không phải để thờ phượng.

Sự kiện không biết khổ vui, ngày đêm của trẻ thơ ám chỉ cho hàng A-la-hán, Bồ-tát và Phật không còn tâm phân biệt nhị nguyên, không còn tạo nghiệp sanh tử, tâm luôn an trụ vào Bồ-đề và giải thoát.

Hạnh trẻ thơ còn được ví cho các phương tiện thiện xảo mà người hoằng pháp độ sanh cần vận dụng vào đời sống thường nhật để giúp đỡ và cứu độ chúng sanh. Đó là giải lập ra ba thừa (Thanh Văn, Bồ-tát và Phật thừa) nhưng cốt nhằm qui về một Phật thừa mà thôi.

Hạnh trẻ thơ còn được ví cho các phương tiện thiện xảo mà người hoằng pháp độ sanh cần vận dụng vào đời sống thường nhật để giúp đỡ và cứu độ chúng sanh. Đó là giải lập ra ba thừa (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát) nhưng cốt nhằm qui về một Phật thừa mà thôi.

Hạnh trẻ thơ còn được sánh với thái độ tuỳ thuận, hoà quang đồng trần, sử dụng các mặc ước ngôn ngữ và phong tục tập quán của chúng sanh, để truyền bá chánh pháp, giúp chúng sanh dứt được các tà kiến, hướng đến chánh kiến, vượt thoát khỏi ba cõi sáu đường, đạt được Niết-bàn tại thế gian này.

 

41. Kinh Hạnh Bồ-tát

Trích từ phẩm Bồ-tát Hạnh, thứ 72 trong Kinh Bát-nhã (tập III, trang 189-960, bộ 3 tập), do HT. Thích Trí Tịnh dịch. Soạn giả dịch lại tựa kinh và dịch tất cả các cụm từ chữ Hán trong bản dịch trên thành các cụm từ tương đối thuần Việt trong ấn bản này. Như tựa đề của kinh, kinh này tán dương và khuyến khích tất cả mọi người nên tu tập và truyền bá hạnh Bồ-tát.

Hạnh Bồ-tát là hạnh hướng đến mục tiêu duy nhất là giác ngộ vô thượng, thành Phật. Hạnh Bồ-tát là sự hành trì miên mật các pháp quán “không thực thể” về năm nhóm nhân thể, sáu giác quan, sáu đối tượng giác quan, và tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này. Hạnh Bồ-tát còn gồm thâu các hành trì bốn thiền sắc giới, từ bi hỷ xả, bốn thiền vô sắc giới, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy yếu tố giác ngộ, tam-muội “không, vô tướng và vô tác,” tám giải thoát, chín thiền định, mười lực, bốn không sợ sệt, bốn trí vô ngại, mười tám đặc tính của Phật, tâm đại từ đại bi, trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sanh, các thứ biện tài, văn tự, các môn Đà-la-ni, và tất cả hạnh, chỉ vì mục đích duy nhất là chứng đạt được Vô Thượng Bồ-đề mà thôi, chứ không vì một mục tiêu nào khác.

Vô thượng Bồ-đề ở đây được hiểu là trí tuệ siêu việt nhìn thấy được mặt mũi thật của tất cả sự vật hiện tượng trên thế gian này như chúng đang là. Đó là sự nhận chân được thật tướng và pháp tánh, vượt khỏi các danh tướng ngôn thuyết thế gian, xoá bỏ mọi phân biệt và chấp thủ nhị nguyên. Nhờ vậy mà chứng đắc Nhất Thiết Chủng Trí hay Phật Trí.

Vị hành giả khi thực hành được trí tuệ siêu việt đó, không còn chấp mắc thì trong một hành trì thiện đã dung thông và bao gồm tất cả căn lành khác. Muốn được vậy, hành giả trước phải siêng năng học tập, thực hành và cúng dường pháp bằng cách truyền bá chánh pháp của Phật đến với tất cả chúng sanh. Bất cứ ai làm được điều nầy đều được gọi là hàng Bồ-tát không còn thối chuyển.

 

42. Kinh Lục Độ Dung Thông

Trích phẩm Lục Độ thứ 68 trong Kinh Bát-nhã (tập III, trang 88-108, bộ 3 tập), do HT. Thích Trí Tịnh dịch. Soạn giả đặt lại tựa đề kinh và nhuận văn để giúp người đọc dễ hiểu được mạch văn.

Như tựa đề của Kinh, bài kinh này dạy về cách tu pháp đến bờ kia một cách dung thông và bao nhiếp tất cả các pháp đến bờ kia của hàng Bồ-tát. Có sáu pháp đến bờ kia là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Bố thí Ba-la-mật là trong lúc bố thí không chấp trước có chủ thể bố thí, người nhận phẩm vật và tặng phẩm. Trì giới Ba-la-mật là lúc giữ giới không thấy mình là người giữ giới, có giới để giữ và sự kiện giữ giới. Nhẫn nhục Ba-la-mật là lúc thực hành nhẫn nhục không thấy mình bị hành hạ, không   thấy có người hành hạ và không thấy có sự hành hạ. Tinh tấn Ba-la-mật là lúc tinh tấn làm các pháp lành, không thấy mình là người làm, có chúng nhận hưởng các pháp lành đó, và không có các pháp lành để làm. Thiền định Ba-la-mật là lúc hành thiền, không còn chấp trước vào chủ thể hành thiền, đối tượng hành thiền và sự kiện hành thiền. Trí tuệ Ba-la-mật là không phân biệt mình là chủ thể trí tuệ, không thấy có đối tượng của trí tuệ và sự kiện trí tuệ. Nói chung các Ba-la-mật là các đặc tính đạo đức và trí tuệ mà một vị Bồ-tát cần tu tập cho trọn vẹn để chứng đắc đạo quả giác ngộ cùng tột, và hướng dẫn tất cả chúng sanh cùng đạt được.

Đối với hàng Bồ-tát sáu pháp Ba-la-mật không phải được thực hành một cách rời rạc. Khi thực hiện một hạnh Ba-la-mật nào đó, vị Bồ-tát đồng thời cũng hoàn thiện luôn năm Ba-la-mật còn lại. Trong bố thí, vị Bồ-tát vẫn thể hiện đủ trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Ngược lại, các Ba-la-mật khác cũng vậy. Sự kiện tương dung này cho chúng ta thấy, trong một pháp thiện, với một tâm tu tập tinh chuyên, không vì phước đức ở cõi người cõi trời, không vì quả vị Thanh Văn và Duyên Giác, mà chỉ vì trí tuệ và giác ngộ tối thượng cho mình và tất cả chúng sanh, các pháp thiện khác đã hội đủ. Một pháp lành dung chứa các pháp lành khác. Tất cả các pháp lành được dung thông trong một pháp lành.

Chỉ với cách tu tập như vậy, hành giả hoàn tất được hạnh nguyện Bồ-tát của mình.

 

43. Kinh Chỉ Bày Phương Tiện

Trích Phẩm Phương Tiện, trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Hoa Sen Chánh Pháp), do HT. Thích Trí Tịnh dịch. Tựa đề do soạn giả sửa lại cho rõ nghĩa.

Phẩm này có thể được xem là phần tinh hoa nhất của toàn bộ Kinh Pháp Hoa, giới thiệu nhiều vấn đề mấu chốt của triết lý Đại thừa, dưới hình thức các phương tiện. Phương tiện ở đây có 2 nghĩa:  thứ nhất là phương pháp vận dụng khác nhau trong hoằng pháp độ sanh để đạt được kết quả cao nhất, thứ hai là chỉ chung cho tất cả những gì ngoài Phật thừa đều thuộc về phương tiện, chứ chưa phải cứu cánh. Chẳng hạn đức Phật sau khi thành đạo quả, dùng vô số ngôn ngữ, sắc tướng, tỷ dụ, trải suốt cuộc đời hoằng pháp gần 50 năm không mệt mỏi, chỉ để hướng dẫn các căn cơ chúng sanh khác nhau cùng chứng được trí tuệ Phật giống nhau. Tất cả những thứ đó đều là phương tiện. Nói chung, cho đến khi nào, chúng sanh chưa giác ngộ được cảnh giới mà đức Phật đã đạt được, chỉ dạy, thì tất cả các pháp môn giảng dạy của Ngài đều thuộc về pháp môn phương tiện.

Bài kinh khẳng định đức Phật Thích-ca cũng như các đức Phật quá khứ, hiện tại và tương lai, ra đời chỉ vì một mục tiêu duy nhất, đó là, mở (khai) trí tuệ Phật cho chúng sanh, chỉ bày (thị) trí tuệ Phật cho chúng sanh, giúp chúng sanh tỏ ngộ (ngộ) và thâm nhập (nhập) trí tuệ Phật.

Nói cách khác, mục đích của đức Phật là giúp cho tất cả chúng sanh cùng được thành Phật như ngài. Chân lý “tất cả chúng sanh sẽ thành Phật như đức Phật” đó quả sâu xa, khó tin, khó hiểu. Đức Phật phải dùng đến phương tiện, diễn bày thành ba thừa: Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát, thông qua chín thể loại kinh điển khác nhau, để độ cho các chúng sanh với nhiều căn cơ khác nhau, mà cốt yếu chỉ bày một Phật thừa, còn gọi là trí tuệ Phật hay Phật quả.

Chỉ với trí tuệ Phật, chúng sanh mới có thể thấu tột tướng chơn thật của các pháp, nghĩa là các pháp: tánh như vậy, tướng như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy. Pháp tánh cao siêu mầu nhiệm đó, chỉ có các đức Phật mới biết rõ với nhau mà thôi, người chưa đạt đến trí tuệ Phật không thể hiểu hết được. Kế đến, kinh còn khẳng định rằng dù chúng sanh có bị trôi lăn trong ba cõi sáu đường theo nghiệp báo mà chúng đã tạo tác, khác nhau về hình thù, đạo đức và trí tuệ, nhưng cái tri kiến Phật hay Phật tánh vốn không mất trong họ. Do đó, một khi đã gieo hạt giống với Phật, Pháp, Tăng thì trước sau gì hạt giống này khi gặp đủ duyên sẽ trổ quả Phật.

Nói cách khác, cái chân lý mầu nhiệm mà đức Phật đã dùng phương tiện để trình bày cho chúng sanh hiểu trong kinh này là đức Thích-ca Mâu-ni là Phật-đã-thành và tất cả chúng sanh là Phật-sẽ-thành.

 

44. Kinh Ý Nghĩa Bát-nhã

Trích Phẩm Bát-nhã, trong Kinh Pháp Bảo Đàn, thuộc bộ Chư Kinh Nhật Tụng (trang 147-60, do Thành hội Phật giáo Hồ Chí Minh, ấn hành năm 1993), do HT. Thích Duy Lực dịch. Soạn giả thêm từ “ý nghĩa” vào tựa kinh để làm rõ chủ đề và ý nghĩa của bài Kinh.

Bài kinh này do thiền sư Huệ Năng, tổ thứ sáu của dòng thiền Trung Quốc, nói nhân Vi Sử Quân thưa hỏi về ý nghĩa của “Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật.” Bát-nhã là trí tuệ ở tự tâm, phải thực hành mới nhận chân được. Tâm là nguồn gốc của Phật, chúng sanh, thiện ác, mê ngộ, bao hàm muôn pháp, nên cũng gọi là “lớn” (đại). Tâm lượng rộng khắp pháp giới nhưng dung thông vạn tượng: một là tất cả, tất cả là một. Chỉ với trí tuệ Bát-nhã, phá tất cả chấp, không dính mắc pháp nào, tự tại vô ngại, chuyển ba độc thành giới định huệ, chúng sanh mới có thể đến được bờ giải thoát bên kia (Ba-la-mật). Người tỏ ngộ được trí Bát-nhã thì không còn khởi tâm vọng niệm, phân biệt nhị nguyên, không nắm không bỏ,  tự tại diệu dụng.

Cái tự tánh Bát-nhã của tất cả chúng sanh vốn thường vắng lặng, thanh tịnh, không tăng không giảm, chiếu sáng xưa nay, vượt ngoài ngôn ngữ văn tự. Kẻ mê thì rong ruổi tìm kiếm bên ngoài. Người ngộ thì trực nhận ở tâm. Dùng tâm vô niệm để bỏ các nhiễm trước thế gian, thông đạt các pháp, thì chắc chắn sẽ thấy tánh thành Phật.

 

45. Kinh Trí Tuệ Kim Cương

Bản dịch của HT. Thích Nhất Hạnh. Soạn giả sửa lại tựa kinh và vài từ trong bản dịch, để giúp người đọc dễ hiểu ý kinh hơn.

Bồ-tát độ vô số chúng sanh nhưng không thấy mình có độ bất kỳ một chúng sanh nào cả. Bồ-tát bố thí với tâm không vướng mắc vào đối tượng giác quan. Không thể nhìn Như Lai qua 32 tướng tốt. Chỉ khi nào nhìn thấy được đặc tính “vô tướng” trong các tướng trạng và hình thái thì ngay đó thấy được Như Lai. Phải quan niệm chánh pháp của đức Phật chỉ như chiếc bè để qua sông. Khi đạt đến bờ kia, chánh pháp còn phải buông bỏ, huống hồ là những thứ không phải chánh pháp. Tất cả các pháp đều là giả danh, do đó, không có cái gọi là chứng đắc hay không chứng đắc. Cúng dường pháp là tối thượng trong các cúng dường. Không thấy có sự chứng đắc về bốn quả Thanh Văn thì đó mới thật sự chứng đắc. Đức Phật cũng chưa từng cho rằng Ngài đắc quả Vô thượng Bồ-đề trong khi tu học với đức Phật Nhiên Đăng. Các hàng Bồ-tát nên trang nghiêm Tịnh Độ trong tinh thần vô sở trụ.

Bồ-tát khi thực hành sáu Ba-la-mật mà không thấy mình đang thực hành thì đó mới là thực hành đúng nghĩa. Bồ-tát độ vô lượng vô số chúng sanh qua bờ giải thoát nhưng không thấy có chúng sanh nào được mình hoá độ. Bồ-tát phải giữ tâm không vướng mắc (vô sở trụ) vào bất cứ khái niệm nào, làm tất cả pháp thiện nhưng không vướng mắc vào pháp thiện nào. Nhờ vậy, Bồ-tát không bị bốn tướng “mình, người, chúng sanh và mạng sống” trói buộc, chi phối. Khi không còn bị kẹt vướng trong khái niệm và bốn tướng đó, Bồ-tát sẽ thấy rõ rằng tất cả các pháp là Phật pháp; tu tập chứng đắc đạo quả mà chẳng thấy mình chứng đắc gì cả, đó mới là thật chứng đắc.

Tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai đều không thể nắm bắt được. Như Lai có đủ năm mắt: mắt thịt, mắt trời, mắt tuệ, mắt pháp và mắt Phật. Chúng ta không thể nhận diện Như Lai qua hình tướng được. Người phát tâm tu đạo giải thoát của Phật không bao giờ quan niệm rằng thế giới và con người này là hư vô, đoạn diệt, thay vì do duyên sanh.

Như Lai là bậc không từ đâu tới và cũng chẳng đi về đâu cả. Tất cả các sự vật hiện tượng trên đời này không liên hệ gì đến các khái niệm, ngôn ngữ, đặc tính mà con người đã áp đặt cho chúng. Ngay cả chính bản thân của các khái niệm, ngôn ngữ, đặc tính cũng không phải là khái niệm, ngôn ngữ và đặc tính. Người tu hạnh Bồ-tát nên quán sát các pháp hữu vi vô thường, tạm bợ, như sương mù, sấm chớp, có đó liền không đó, để xa rời mọi chấp thủ và chứng đắc giải thoát ở đời.

 

46. Kinh các Pháp Tu Viên Thông

Trích nửa chương thứ năm và gần hết chương thứ sáu của Kinh Thủ-lăng-nghiêm, bản dịch của HT. Thích Từ Thông. Tựa đề do soạn giả đặt, cho phù hợp với chủ đề chính của Kinh.

Bài kinh giới thiệu 25 pháp tu viên thông của các hàng A-la-hán và Bồ-tát có mặt trong pháp hội Thủ-lăng-nghiêm. Đây là các pháp tu tiêu biểu mà chúng ta có thể chọn và hành trì theo. Các pháp tu đầu liên hệ đến sáu đối tượng giác quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), sáu giác quan (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý), sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức và thân thức, ý thức), và bảy đại (hoả, địa, thuỷ, phong, không, thức, kiến). Trong đó, chỉ có pháp môn “nhĩ căn viên thông” của Bồ-tát Quán Thế Âm được đức Phật xác chứng phù hợp với căn tánh của chúng sanh trong cõi Ta-bà nhất, và khuyên đại chúng cùng tu học và truyền bá vì tính cách phổ quát và viên mãn của nó.

Pháp môn nhĩ căn viên thông liên hệ đến tiến trình văn-tư-tu chánh pháp, dẫn vào thiền định, và chứng đắc giải thoát. Đầu tiên Bồ-tát quán tiếng động và tĩnh, rồi bỏ đi hai tính đối lập này, ngay cả bỏ luôn chủ thể nghe và đối tượng nghe. Sau khi đạt được tánh giác thanh tịnh, hành giả cũng không chấp vào tánh giác này. Nhờ vậy, nhận chân được thế giới bất nhị, hiện tiền và thông suốt.

Một mặt đưa ra các hạn chế nhất định của 24 pháp tu viên thông của các hàng Thanh Văn và Bồ-tát khác, đức Phật mặt khác giới thiệu hạnh nguyện độ sanh của Bồ-tát Quán Thế Âm, thể hiện 32 ứng thân, và hiện thân ngàn tay ngàn mắt, để hoá độ thích ứng với nhiều loại căn cơ khác nhau, nhằm hướng dẫn chúng sanh trở về với đạo Bồ-đề vô thượng. Bồ-tát còn vận dụng “văn huân và văn tu” để thành tựu 14 đức tính không sợ hãi và bốn đức tính không thể nghĩ bàn.

47. Kinh Thể Nhập Pháp Môn Không Hai

Trích phẩm Nhập Bất Nhị Pháp Môn, trong Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết (Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh tái bản năm 1993, trang 147-60), do HT. Thích Huệ Hưng dịch. Soạn giả đặt lại tựa đề và nhuận văn vài chỗ cần thiết.

Bài kinh tường thuật lại sự kiện ba mươi hai vị Bồ-tát lần lượt trình bày về phương pháp thể nhập “pháp môn không hai.” Đó là lìa phân biệt, chấp mắc về: sanh và diệt, ngã và ngã sở, dơ và sạch, động và tĩnh, một và nhiều, Bồ-tát và Thanh Văn, thiện và ác, tội và phước, hữu lậu và vô lậu, hữu vi và vô vi, thế gian và xuất thế gian, sanh tử và Niết-bàn, tận cùng và không cùng tận, ngã và vô ngã, trí tuệ và vô minh, sắc và không, bốn đại và hư không, chủ thể và đối tượng, bố thí và hồi hướng, đắc và vô đắc, thích và chán, chánh và tà, thực và không thực v.v...

Bồ-tát Văn-thù chỉ rõ rằng pháp môn không hai vượt khỏi ngôn ngữ, trình bày và vấn đáp. Riêng Bồ-tát Duy-ma-cật chứng minh và thể hiện pháp môn không hai, như Bồ-tát Văn-thù vừa trình bày, bằng cách chỉ im lặng, không nói một lời.

 

48. Kinh Viên Giác

Bản dịch của HT. Thích Duy Lực, trong bộ Chư Kinh Nhật Tụng (Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1993). Soạn giả đã tỉnh lược tất cả các đoạn thưa thỉnh trùng lập, đổi các cụm từ chữ Hán thành các cụm từ thuần Việt, để giúp người đọc tụng dễ hiểu lời Kinh.

Kinh này trình bày pháp môn trực nhận thể tánh viên giác vốn sẵn có trong tất cả chúng sanh, là pháp môn tổng trì, lập nên chân như, Niết-bàn, Bồ-đề, các Ba-la-mật và tất cả pháp lành. Chỉ vì chúng sanh bị vô minh che lấp nên tánh viên giác không hiển hiện được. Vô minh không có thật thể, chỉ là huyễn hoá khi chúng sanh chưa giác ngộ. Do đó, tu tập chỉ là “lấy huyễn giác để trị huyễn mê.” Khi mê hết thì giác cũng bỏ đi, không nắm lấy. Khi lìa hết tất cả huyễn và giác thì lúc đó mới thật là chân giác ngộ.

Để dứt huyễn mê, các pháp phương tiện thiện xảo cần được sử dụng để tu tập như: chánh niệm, thiền định, giữ giới, quán tính không thực thể của bốn đại, v.v... Thể tánh viên giác vượt khỏi sắc tướng như hạt châu Ma-ni vốn trong suốt không màu. Tánh giác này cùng khắp không gian và thời gian, vốn không bị trói buộc nên không cần tháo mở; vượt lên trên các đối đãi nhị nguyên. Rốt ráo không có thật năng chứng và sở chứng, chẳng nắm chẳng buông. Một khi thể nhập được thể tánh viên giác thì tất cả vọng tưởng và giả huyễn đều tan biến vĩnh viễn, như khi vàng ròng đã được điều chế thành sản phẩm rồi thì không thể thành quặng trở lại nữa.

Ân ái, dâm dục là gốc của sanh tử luân hồi. Do đây mà có yêu ghét, lấy bỏ, tạo nhiều nghiệp thiện ác, chìm trong vô minh. Chủng tánh của chúng sanh tuy nhiều nhưng không ngoài năm loại, đó là phàm phu, Nhị thừa, Bồ-tát, bất định và ngoại đạo. Bồ-tát phải tuỳ thuận theo từng chủng tánh để hoá độ tất cả mà không thấy mình có hoá độ. Do đó nên biết rằng tất cả kinh điển chỉ như ngón tay để chỉ mặt trăng chứ không phải bản thân của mặt trăng. Thấy được trăng thì hãy quên và đừng chấp vào ngón tay trỏ.

Kinh cũng dạy cách trừ bốn loại bệnh: làm, mặc kệ, dừng lại và diệt, và còn trình bày hai mươi lăm pháp tu định, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các pháp môn thiền định để diệt trừ các huyễn hoặc, giác ngộ thanh tịnh. Vận dụng thiền định để diệt trừ các quan niệm sai lầm về tướng ngã, nhơn, chúng sanh và thọ mạng trong quá trình tu tập.

 

49. Kinh Lời Dạy Sau Cùng

Soạn giả dịch từ bản dịch chữ Hán của ngài Cưu-ma-la-thập. Kinh này ghi chép những lời di chúc của đức Phật cho hàng đệ tử Phật, nhất là hàng xuất gia, trước lúc Ngài qua đời tại rừng Ta-la. Nội dung di chúc của đức Phật xoay quanh các vấn đề chính sau đây:

Đệ tử đức Phật phải xem giới luật là Thầy tối thượng. Xa rời các hình thức sinh hoạt bận rộn của thế tục, sống đời giản dị, thanh bần lạc đạo, phát huy chánh mạng và chánh nghiệp, xem trí tuệ là sự nghiệp của người tu. Giới là nền tảng của trí tuệ và thiền định, và của tất cả cánh cửa giải thoát. Người xuất gia phải ý thức và sống chế ngự các giác quan, không để chúng đam mê các đối tượng cảnh trần. Luôn quan niệm rằng ăn uống cốt để giữ gìn sức khoẻ, tiến tu đạo nghiệp, không đam mê của ngon vật lạ. Phải nỗ lực không ngừng và tinh tấn ngày đêm trong tu tập. Hạn chế ngủ nghỉ, dành hết thời gian cho thiền định, tụng kinh, hành trì đạo giải thoát. Phát triển tâm hổ thẹn về những nếp nghĩ và hành vi bất thiện để thăng tiến mình trên đường đạo.

Người tu hành phải trau dồi hạnh nhẫn nhục. Không ôm lòng sân si, thù hận, trả đũa những ai đã đem lại đau khổ cho mình. Tu tập từ bi để xoá bỏ mọi oán kết với tha nhân. Người tu phải luôn phát huy hạnh khiêm cung, từ bỏ vĩnh viễn thái độ ngạo mạn, cống cao. Phải tự nhắc nhở mình đã từ bỏ các thú vui thế gian, sống bằng cách ăn xin thì có gì mà tự phụ chứ! Thể hiện đời sống đạo bằng cách giữ lòng chánh trực, không a dua, nịnh bợ những kẻ bất chánh. Những gì đáng nói thì nói đúng sự thật, bằng không thì im lặng đúng chánh pháp. Phải sống tiết chế bằng cách giảm thiểu tối đa các ham muốn, nhờ vậy thoát được các ưu phiền. Song song, phải trau dồi hạnh biết đủ, thoả mãn với những gì có được. Hạnh phúc thật sự không tuỳ thuộc khối lượng và số lượng tài sản ta có, mà tuỳ thuộc vào thái độ hài lòng với những gì có được.

Người xuất gia nên tu tập hạnh viễn ly, xa rời nơi huyên náo, chuyên tâm thiền định để thanh lọc thân tâm. Siêng năng phấn đấu và tinh tấn không ngừng trên đường tu tập. Phải nương tựa chính mình, như ốc đảo thật sự của giải thoát. Siêng năng tu tập thiền định để phát huy trí tuệ. Nhờ có trí tuệ, thấu rõ được bản chất duyên khởi của mọi vật, các thái độ tham đắm và đau khổ ở đời đều tan biến. Từ bỏ cái thói tán dóc, bình luận chuyện thế sự, không có ích cho sự tu học. Nên quan niệm rằng Như Lai chỉ đóng vai trò lương y, chẩn bệnh cho thuốc, cũng như người chỉ đường, để khỏi ỷ lại nơi đức Phật, mà quên tự độ. Cuối cùng đức Phật nhắc nhở quy luật vô thường, để khuyên bốn hàng đệ tử của Ngài không nên bi lụy than khóc trước sự kiện từ giã cõi đời của Ngài, khi hạnh nguyện độ sanh của Ngài đã viên mãn.

Như đã nói, phần tóm tắt nội dung này chỉ nêu ra các gợi ý, nhằm giúp cho người đọc tụng và thọ trì nắm được đại ý và nội dung của các Kinh. Người đọc tụng và thọ trì cần phải tự mình thường xuyên tư duy và chiêm nghiệm nghĩa lý sâu xa, huyền diệu chứa đựng trong các Kinh, để tự mình thâm nhập và thực hành.

Kinh điển của Phật chứa nhiều ẩn dụ và biểu tượng. Người đọc tụng và thọ trì cần “được ý quên lời,” để tránh tình trạng hiểu sai ý Kinh, nhất là thái độ lầm chấp cho kinh điển là chân lý tối hậu. Kinh Phật chỉ là ngón tay giúp chúng ta thấy được mặt trăng, là chiếc bè đưa chúng ta sang bờ an lạc và giải thoát. Đọc tụng, thọ trì và truyền bá kinh Phật theo tinh thần như vậy thì phước đức sẽ tăng trưởng, an lạc sẽ trổ hoa, cửa giải thoát sẽ rộng mở chào đón tất cả chúng ta!

 

Ấn Độ,  ngày1 tháng 1 năm 2002

                                                  Tỳ-kheoThích Nhật Từ

                                       Kính bút

~~oOo~~
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |  22 | 23 | 24 | 25
26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49

 


Vào mạng: 22-3-2002

Trở về mục "Nghi thức Phật giáo"

Đầu trang