Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KINH TỤNG HẰNG NGÀY
TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

KINH MƯỜI PHÁP QUÁN NIỆM
Thứ mười lăm
 
Một thuở nọ gần thành Xá-vệ
Phật cùng hàng đệ tử ngự yên,
Tại nơi tinh xá Kỳ Viên,
Của Cấp Cô Độc làm duyên cúng dường.
- Lúc ấy có người vương bệnh nặng,
Thầy tỳ-kheo Gi-ri-ma-nan-đa,
Chịu nhiều đau đớn thiết tha,
Xót thương, đại đức A-nan-đa trình bày.  O
- Vào đến chốn Thế Tôn đang ngự,
Đảnh lễ rồi cớ sự bạch qua,
Rằng Gi-ri-ma-nan-đa,
Thầy vương chứng bệnh trầm kha não nùng.
- Bạch Thế Tôn mở lòng từ ái,
Dời gót vào đến tại thất riêng,
Cứu thầy trong lúc bệnh duyên,
Hoành hành, đau đớn triền miên lâu ngày.  O
*
- Liền lúc đó Thế Tôn bèn dạy,
A-nan-đa, ông phải thẳng qua
Chỗ thầy Gi-ri-ma-nan-đa,
Truyền mười pháp tưởng của ta chỉ bày.
- Pháp tưởng ấy tánh hay trừ bệnh,
Chẳng luận là căn bệnh chóng chầy,
Nếu thầy Gi-ri-ma-nan-đa,
Được nghe, lập tức bệnh đà giảm thuyên.  O
- Mười pháp tưởng linh thiêng bao nả ?
Tưởng những là vô ngã, vô thường,
Bất tịnh lại dứt tình trường,
Sự khổ dứt bỏ thói thường cho xong.
- Tưởng tịch tịnh, tưởng không tham luyến,
Pháp thế gian lắm chuyện thị phi,
Tưởng đến những pháp hữu vi
Đều vô thường hết có chi bận lòng.
- Lại để ý bên trong hơi thở,
 Hành đủ mười điều dạy của ta.
Lắng nghe nầy A-nan-đa,
Tưởng vô thường ấy nghĩa là làm sao ? O
*
- Vị hành giả đã vào Phật pháp,
Ở trong rừng, ở dưới cội cây,
Hoặc nơi thanh vắng không ai,
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
- Sắc, thọ, tưởng và cùng hành, thức
Đều vô thường một mực như nhau.
Ngũ uẩn chẳng luận uẩn nào.
Hành giả thấy uẩn đổi thay không thường.
- Tưởng ngũ uẩn vô thường như vậy
Như Lai cho tưởng ấy vô thường.
Lắng nghe này A-nan-đa
Còn tưởng vô ngã, nghĩa là làm sao?     O
*
- Mắt và sắc vốn đều chẳng thật,
Chẳng phải là vật thuộc của ta
Tai và các tiếng gần xa,
Vốn đều chẳng phải của ta đâu nào.
- Mũi lại với các mùi cả thảy,
Đều ở ngoài chẳng phải của ta,
Lưỡi cùng các vị nếm qua,
Thật đó chẳng phải của ta, chớ lầm.
- Thân thể với các đồ xúc chạm,
Chớ đảo điên cho đó là ta
Tâm cùng các pháp hà sa,
Cũng đều chẳng phải của ta mỗi phần.
- Hành giả tưởng căn trần như thế
Ngoài phạm vi chẳng kể của ta,
Lắng nghe này A-nan-đa,
Pháp tưởng vô ngã đó ta đã bày.              O
*
- Tưởng bất tịnh là điều chi vậy,
Người tu hành tưởng thấy trong thân.
Trên từ ngọn tóc xuống chân,
Có da bao bọc chung quanh cả mình.
- Trong chứa vật nhiều hình nhiều dáng,
Khác khác nhau nhưng đáng gớm ghê,
Tóc lông với móng răng da,
Thịt, gân, xương tủy, ruột già, ruột non.
- Thận, tim, gan, da non, lá lách
Phổi, phẩn, đàm, nước mắt, mồ hôi,
Mật cùng vật thực chưa tiêu,
Đầu da, mủ máu rất nhiều phần dơ.
- Mỡ, nhớt, mũi, chẳng bao giờ thiếu,
Nước miếng cùng nước tiểu dẫy đầy,
Hành giả tưởng các vật này,
Vốn nào sạch sẽ trong thây con người.
- A-nan-đa vậy ngươi cố nhớ,
Pháp ấy để tưởng sợ thân ta,
Lắng nghe này A-nan-đa,
Tưởng sự khổ nghĩa là làm sao ?      O
*
- Thân thể có dẫy đầy khổ não,
Tội lỗi gây quả báo về sau,
Bịnh căn khốn khó nhức đau,
Những bịnh hoạn ấy kể sao cho cùng.
- Như bịnh phát phần trong tai mũi,
Trong thân hình, trong lưỡi trong đầu,
Trong miệng, trong bụng đâu đâu,
Ngoài tai, ngoài mũi, khắp hầu châu thân.
- Bịnh ho suyễn, gầy lần bịnh nóng,
Bịnh chân răng, các giống lác, cùi
Bịnh bứu, sảy, mụn trên da,
Bịnh phong lao tổn thật là khổ thân.
- Bịnh chóng mặt, trái ban thổ huyết,
Trĩ nhức đau, chi xiết thúi tha,
Ghê thay ghẻ phỏng ngoài da,
Đau bụng, bịnh tả cùng là đàm xanh.
- Bịnh đau máu dễ thành chứng nặng,
Bịnh mật đau, huyết trắng, phong đàm,
Bịnh bón, bịnh lậu, khó kham,
Phong lở, đau mật, gió làm cho đau.
- Bệnh thời khí, bịnh do đánh đập,
Do bịnh duyên dồn dập từ xưa,
Do lạnh, do nóng không ưa,
Do đói, do khát, chẳng chừa một nhân.
- Tưởng sự khổ trong thân như thế,
Pháp ấy nhằm tưởng khổ thân ta,
Lắng nghe này A-nan-đa ,
Còn tưởng dứt bỏ nghĩa là làm sao ?      O
*
- Vị hành giả đã vào Phật Pháp,
Không có lòng tham thọ dục chi,
Cố làm tiêu tán dứt đi,
Không cho sanh “dục tư duy” thường tình.
- Không thọ lãnh lại càng dứt bỏ,
Làm tiêu tan chẳng có chút chi,
Không cho sanh “hận tư duy”,
Thứ lòng cố chấp nghĩ suy oán thù.
- Không thọ lãnh lại càng dứt bỏ,
Làm tiêu tan chẳng có chút chi,
Không cho sanh “Khốn tư duy”,
Thứ lòng khốn khó nghĩ suy thực hành.
- Không thọ lãnh lại càng dứt bỏ,
Làm tiêu tan không để phát sanh,
Không cho nghiệp dữ tạo thành,
Nghiệp dữ đã có dần dần giảm thuyên.
- Này A-nan và hàng đại chúng,
Pháp ấy là pháp tưởng dứt trừ,
Chuyên cần tinh tấn lìa xa,
Tưởng dứt tình dục nghĩa là làm sao ?         O
*
- Vị hành giả đã vào Phật Pháp,
Ở trong rừng, ở dưới cội cây,
Hoặc nhà thanh vắng không ai.
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
- Dứt tình dục, nơi đây Bất diệt,
Là Niết-bàn trừ diệt sở hành,
Dứt bỏ, phiền não chẳng sanh,
Đoạn trừ ái dục, cội căn tuyệt rồi.
- Niết-bàn ấy vô hồi tịch tịnh,
Pháp môn nầy cao thượng sâu xa,
Lắng nghe này A-nan-đa
Tưởng dứt tình dục pháp ta giáo truyền.   O
*
- Tưởng tịch tịnh, cơ duyên sao đó ?
Là Niết-bàn trừ diệt sở hành,
Dứt bỏ phiền não chẳng sanh,
Đoạn trừ ái dục cội căn tuyệt rồi.
- Niết-bàn ấy vô hồi tịch tịnh,
Pháp môn nầy cao thượng sâu xa,
Lắng nghe này A-nan-đa .
Đó pháp tịch tịnh do ta giáo truyền.       O

*

- Sao gọi tưởng không duyên thế giới ?
Cái tâm nầy mong đợi, chấp nương,
Ái dục, với kiến thức thường,
Đoạn kiến cùng những não phiền thế gian.
- Cái tâm ấy thuộc hàng tâm ác,
Người tu hành trong pháp của ta,
Khi nào bỏ pháp ấy ra,
Không lòng cố chấp, vượt ra lưới trần.
- Pháp ấy gọi tưởng dừng, không tiến,
Hoặc là không tham luyến thế gian.
Lắng nghe này A-nan-đa,
Còn tưởng hành tác vô thường là sao ?  O
Này hành giả, vị nào chán nản,
Hoặc gớm ghê, chẳng quản hành vi,
- Lắng nghe này A-nan-đa,
Đó Như Lai gọi hành vi vô thường.        O
*
- Thế nào gọi niệm thường hơi thở ?
Vị hành giả hoặc ở trong rừng,
Trong nhà hoặc dưới cội cây,
Nên ngồi nhắm mắt, thân ngay im lìm.
- Ý chơn chánh nhập vào Thiền định.
Khi mọi bề yên tĩnh thản nhiên,
Chú tâm đề mục tham thiền,
Nhớ biết rõ rệt, thở vào thở ra.
- Thở ra dài cũng ra hơi vắn,
Thở vô mà có vắn hay dài,
Chú tâm cho rõ cả hai,
Hơi vô cũng nhớ, vắn dài phân minh.
- Vị hành giả chuyên tinh ròng rã,
Nhớ biết rằng: ta đã rõ ta,
Quán sát biết hơi thở ra,
Rõ rồi ta mới thở ra từ từ,
- Vị hành giả cũng như thế ấy,
Cứ chuyên cần nhớ thấy hơi vô,
Biết rằng: ta rõ hơi vô,
Niệm xong rồi mới thở vô lần lần.     O
- Vị hành giả chuyên cần ròng rã,
Nhớ biết rằng ta đã biết ta,
Quán sát diệt hơi thở ra,
Niệm xong rồi mới thở ra từ từ.
- Vị hành giả cũng như thế ấy,
Cứ chuyên cần nhớ thấy hơi vô.
Biết rằng: Ta diệt hơi vô,
Niệm xong rồi mới thở vô lần lần.        O
- Vị hành giả chuyên cần một mực
Ta biết rằng: ta thật biết rành,
Những điều thọ sướng vui mừng,
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
- Vị hành giả chú tâm một mực,
Tự biết rằng: Ta thật biết rành
Những điều thọ sướng vui mừng,
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô.     O
*
- Vị hành giả nhất tâm chuyên chú
Tự biết rằng: rõ thú yên vui,
Phân minh biết được rõ rồi,
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
- Vị hành giả nhiếp tâm một mực,
Nhớ biết rằng ta thật biết mùi
Của các thú vị yên vui
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô.        O
- Vị hành giả quán vào hơi thở,
Tự biết là rõ khắp tâm hành
Biết cho rõ rệt đành rành,
Niệm xong rồi mới thực hành thở ra.
- Vị hành giả nhất tâm tinh tấn,
Luôn chuyên cần đặng phấn chí lành,
Biết rằng: ta rõ tâm hành,
Niệm xong rồi mới thực hành thở vô.     O
- Vị hành giả quán vào hơi thở,
Tự biết rằng: diệt tắt tâm hành,
Biết cho rõ rệt đành rành,
Niệm xong rồi mới thực hành thở ra.
- Vị hành giả nhất tâm tinh tấn,
Luôn chuyên cần đặng phấn chí lành
Biết rằng ta diệt tâm hành
Niệm xong rồi mới thực hành thở vô.     O
*
- Hành giả không mơ hồ chán nản,
Vẫn tinh cần quán sát rõ ràng,
Biết rằng ta đã rõ tâm,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở ra.
- Hành giả tự biết ta thành thiệt,
Vốn là người đã biết rõ tâm,
Biết cho rõ rệt không lầm,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở vô.     O
- Vị hành giả trong mô phạm ấy,
Vẫn chuyên cần nhớ thấy rằng ta,
Làm tâm được thơ thới ra,
Niệm xong rồi mới khởi mà thở ra.
- Vị hành giả hành như thế ấy,
Luôn chuyên cần nhớ thấy rằng ta,
Làm tâm được thơ thới ra,
Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô.        O
- Vị hành giả nên hành nhẫn nại,
Chánh niệm rằng ta phải giữ tâm,
Quân bình trong các cảnh trần,
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
- Vị hành giả nên hành như trước,
Chánh niệm rằng ta giữ được tâm,
Quân bình trong các cảnh trần,
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô.        O
*
- Vị hành giả nhiệt tâm tinh tấn,
Chánh niệm rằng ta giải thoát tâm,
Khỏi năm pháp chướng ngại tâm,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở ra.
- Vị hành giả nhiệt tâm tinh tấn,
Chánh niệm rằng ta giải thoát tâm,
Khỏi năm pháp chướng ngại tâm,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở vô.   O
- Hành giả xét vô thường biến đổi,
Mọi vật đều sanh diệt không lường,
Năm uẩn đều là vô thường,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở ra.
- Vị hành giả hành trì như thế,
Rằng ta hằng thấy hiện tinh tường,
Năm uẩn đều là vô thường,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở vô.        O
- Hành giả để tâm vô đề mục,
Rằng pháp trừ tình dục mà ta,
Là người hằng được thấy qua,
Niệm xong rồi mới thở ra lần lần.
- Vị hành giả chuyên cần đề mục,
Rằng pháp trừ tình dục mà ta,
Là người hằng được thấy qua,
Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô.        O
*
- Vị hành giả tự cho hằng thấy,
Pháp tịch tịnh pháp ấy được yên,
Khỏi điều thống khổ triền miên,
Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra.
- Vị hành giả rằng ta thấy rõ,
Pháp tịch tịnh pháp ấy được yên,
Khỏi điều thống khổ triền miên,
Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô.       O
- Vị hành giả tự cho thấy rõ,
Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,
Chuyên cần niệm, chẳng hoãn duyên,
Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra.
- Vị hành giả rằng: ta thấy rõ,
Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,
Chuyên cần niệm, chẳng hoãn duyên,
Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô.       O
- Điều ấy gọi niệm vô hơi thở,
Nếu ông đi đến chỗ bệnh nhân,
Thầy Gi-ri-ma-nan-đa
Thì nên giảng giải pháp ta chỉ bày.                   O
*
- Mười pháp tưởng nhân hay diệt bệnh,
Làm cho thầy Gi-ri-ma-nan-đa
Chỉ trong giây phút thoáng qua,
Căn bệnh thuyên giảm chắc là không sai.
- Liền theo đó A-nan-đa học,
Pháp tưởng này của Đức Thế Tôn,
Rồi đem truyền đến Sa-môn,
Người đương bệnh hoạn dập dồn bấy lâu.    O
- Nhờ nghe được pháp mầu quán tưởng,
Bệnh của thầy Gi-ri-ma-nan-đa
Giảm thuyên rồi khỏi hẳn ra,
Chỉ trong giây phút thoáng qua không chầy.
- Diệt căn bệnh của thầy trầm  trọng,
Chính cho thầy Gi-ri-ma-nan-đa
Được nghe pháp tưởng sâu xa,
Phật truyền cho đức A-nan-đa giải bày.   O
 
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

(3 lần, xá 3 xá) OOO

~~oOo~~
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |  22 | 23 | 24 | 25
26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49

 


Vào mạng: 22-3-2002

Trở về mục "Nghi thức Phật giáo"

Đầu trang