Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KINH TỤNG HẰNG NGÀY
TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

KINH LỤC ĐỘ DUNG THÔNG
Thứ bốn mươi hai

 

Lúc bấy giờ, tại pháp hội Bát-nhã, tôn giả Tu-bồ-đề thưa Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật?  

Đức Phật dạy: “Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc bố thí, đại Bồ-tát đem sự bố thí đó hồi hướng về nhất thiết trí, phát khởi đức từ của thân, khẩu, ý đối với tất cả chúng sanh. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật.”  O

- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật ?

- Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc đại Bồ-tát bố thí, người nhận lãnh phẩm vật giận mắng, Bồ-tát nhẫn nhục, chẳng sanh lòng phiền giận. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật.   O

- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật ?

- Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc đại Bồ-tát bố thí, kẻ nhận lãnh phẩm vật giận mắng, Bồ-tát bố thí thêm và nghĩ rằng tôi phải bố thí, chẳng nên có lòng hối tiếc, liền lúc đó phát sanh hai tinh tấn: thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật.   O

- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật?

- Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc bố thí, Bồ-tát hồi hướng về nhứt thiết trí, chẳng mong các quả Thanh Văn, Bích-chi Phật, chỉ nhứt tâm nghĩ đến nhứt thiết trí. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu thiền định ba-la-mật.   O

- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu trí tuệ ba-la-mật?

- Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc bố thí, đại Bồ-tát biết bố thí là không như huyễn ảo, chẳng thấy vì chúng sanh bố thí, có ích hay vô ích. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật.    O

***

- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia.   O

- Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ trong trì giới ba-la-mật, ba nghiệp thân, khẩu, ý phát sanh phước đức bố thí giúp nên Vô Thượng Bồ-đề, giữ lấy công đức này, chẳng ham cầu các quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật, an trụ trong trì giới ba-la-mật, tôn trọng sự sống của kẻ khác, chẳng cướp trộm của cải tài vật kẻ khác, chẳng ngoại tình, chẳng nói láo, chẳng nói lời gây chia rẽ, chẳng nói lời độc ác, chẳng nói lời thêu dệt, chẳng tham lam, chẳng bỏn xẻn, chẳng giận dữ ganh ghét, chẳng tà kiến. Trái lại, thực hành bố thí: kẻ đói cho ăn, kẻ khát cho uống, cần xe cho xe, cần áo cho áo, cần chuỗi ngọc cho chuỗi ngọc, cần hương hoa cho hương hoa, cần giường nệm, phòng nhà, đèn đuốc, tất cả các phương tiện sinh sống đều cung cấp cho cả; đem sự bố thí đó hồi hướng về giác ngộ tột cùng, hồi hướng như vậy thì chẳng sa vào bực Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ trong trì giới ba-la-mật, nếu có ai đến làm rã rời thân thể, lúc đó Bồ-tát chẳng sanh một niệm giận thù mà nghĩ rằng: Tôi được sự lợi ích rất lớn, họ đến làm thân thể tôi rời rã, tôi không có một niệm giận thù. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát, thân tinh tấn và tâm tinh tấn thường chẳng lìa bỏ, nghĩ rằng: Tất cả chúng sanh trong biển sanh tử, tôi chẳng cứu vớt, đưa họ lên bờ an vui. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát vào thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, chẳng tham cầu quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật, mà chuyên tâm nghĩ rằng: Tôi phải an trụ trong thiền định ba-la-mật để độ tất cả chúng sanh thoát khỏi sanh tử. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật không có pháp nào thấy được: hoặc pháp tác, pháp vô tác, pháp số, pháp tướng, hoặc hữu, hoặc vô, chỉ thấy tất cả chẳng ngoài tướng như, do sức phương tiện của trí tuệ ba-la-mật nên chẳng sa vào bực Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật.  O

***

- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia ?   O

- Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian đó, nếu có chúng sanh nào đến giận mắng, hoặc chặt đứt thân thể, Bồ-tát an trụ nhẫn nhục nghĩ rằng: Tôi phải bố thí tất cả chúng sanh, không thể không ban cho, chúng sanh cần ăn uống cho ăn uống, nhẫn đến tất cả  các phương tiện sinh sống nếu cần tôi đều cho họ tất cả, đem công đức đó hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều đạt được giác ngộ cao tột. Lúc Bồ-tát hồi hướng chẳng sanh hai tâm niệm: ai hồi hướng và hồi hướng chỗ nào. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật.     O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian đó chẳng giết hại, trộm cướp, ngoại tình, nhẫn đến chẳng tà kiến, cũng chẳng tham cầu các quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đem công đức đó hồi hướng giác ngộ cùng tột. Lúc hồi hướng, Bồ-tát chẳng sanh ba tâm niệm: ai hồi hướng, dùng pháp gì để hồi hướng và hồi hướng chỗ nào. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật, phát sinh tinh tấn nghĩ rằng: tôi sẽ qua một do-tuần, hoặc mười trăm ngàn muôn ức do-tuần, tôi sẽ qua một thế giới nhẫn đến qua trăm ngàn muôn ức thế giới hoặc chỉ để khuyên dạy một người vâng giữ ngũ giới thôi, huống là làm cho họ được quả Tu-đà-hoàn nhẫn đến quả A-la-hán, Bích-chi Phật hay quả Phật. Đem công đức đó hồi hướng   cho quả vị giác ngộ cùng tột. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật, lìa dục, lìa ác, hướng tâm vào thiền thứ nhất, một trạng thái an lạc do ly dục mà có, nhưng vẫn còn tầm và tứ, trong thiền ấy tâm, tâm sở thanh tịnh và chỉ hồi hướng nhất thiết trí. Lúc hồi hướng, Bồ-tát hướng tâm bất khả đắc về thiền quán và thiền chỉ. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật.  O

Đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật, quán các pháp như tướng xa lìa, tướng tịch diệt, nhẫn đến ngồi đạo tràng được nhứt thiết chủng trí, rời đạo tràng để chuyển pháp luân. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật, vốn nhờ vào chẳng lấy chẳng bỏ vậy.    O

***

- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia?    O

- Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật, thân tâm tinh tấn chẳng lười, chẳng nghỉ, tự nghĩ rằng: tôi quyết chắc sẽ được giác ngộ cùng tột. Vì lợi ích cho chúng sanh mà Bồ-tát này vượt qua một do-tuần hoặc đến một trăm ngàn muôn ức do-tuần , hoặc qua một thế giới hoặc qua trăm ngàn muôn ức thế giới, hoặc chẳng dạy được một người vào trong Phật đạo hay vào trong Bích-chi Phật đạo, Thanh Văn đạo, hoặc chỉ dạy được một người hành mười nghiệp đạo lành, tinh tấn chẳng biếng trễ, làm pháp thí và tài thí cho họ được đầy đủ. Đem công đức này hồi hướng bực Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật.    O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian đó, hoặc có người hay không phải người đến chặt đứt rời rã thân thể, Bồ-tát suy nghĩ: Ai chém tôi, ai chặt tôi, ai cướp hại tôi. Bồ-tát lại nghĩ rằng: tôi được lợi ích lành rất lớn, tôi vì chúng sanh mà thọ lấy thân này, hôm nay chúng sanh đến lấy lại. Khi đó Bồ-tát quán sát về tướng thật của các pháp. Đem công đức này hồi hướng về giác ngộ tột cùng, chẳng cầu quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật.       O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật lìa dục ác, bất thiện, hướng tâm vào thiền thứ hai, một cảm giác an lạc do lìa dục, vẫn còn tầm tứ, rồi hướng tâm vào thiền thứ ba, thiền thứ tư, vào từ, bi, hỷ, xả, cho đến định phi tưởng phi phi tưởng, thọ trì bốn thiền, bốn vô lượng tâm và định vô sắc nầy, chẳng thọ quả báo mà thọ sanh nơi có thể làm lợi ích cho chúng sanh, đem sáu ba-la-mật thành tựu cho chúng sanh, từ một Phật độ này đến Phật độ khác, cúng dường thân cận chư Phật để trồng căn lành. Đây là Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật. O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật, chẳng thấy pháp bố thí ba-la-mật, chẳng thấy tướng bố thí ba-la-mật, chẳng thấy pháp tứ niệm xứ, cho đến pháp nhứt thiết chủng trí, chẳng thấy tướng nhứt thiết chủng trí. Đối với tất cả pháp: phi pháp, phi phi pháp, Bồ-tát không chấp trước. Bồ-tát nầy, chỗ làm đúng như chỗ nói. Đây là Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật.   O

***

- Bạch Đức Thế Tôn !  Thế nào là đại Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia?   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật lìa dục, lìa ác bất thiện, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc, hướng tâm vào thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, từ bi, hỷ, xả, cho đến nhập định phi hữu tưởng phi vô tưởng, an trụ trong thiền định ba-la-mật, tâm chẳng loạn động, thực hành tài thí và pháp thí để làm lợi ích chúng sanh. Bồ-tát này tự mình thực hành hai bố thí đó, dạy người hành bố thí, ca ngợi pháp bố thí và hoan hỉ tán dương người hành bố thí. Đem công đức này hồi hướng về giác ngộ tột cùng, chẳng cầu quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật, chẳng sanh tâm dâm dục, sân hận, ngu si, chẳng giết hại người, chỉ tu hành tâm tương ứng với nhứt thiết trí. Đem công đức này cùng hồi hướng cho tất cả chúng sanh cùng được giác ngộ tột cùng, chẳng cầu quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật.      O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật quán sắc như đống bọt, quán thọ như bong bóng nước, quán tưởng như ánh nắng chói, quán hành như cây chuối, quán thức như huyễn ảo. Lúc quán như vậy, thấy năm uẩn là tướng không bền chắc, nghĩ rằng: Chém tôi là ai? Chặt tôi là ai? Ai là thọ, là tưởng, là hành, là thức, ai là người mắng, ai là người bị mắng, ai sanh lòng giận. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ thiền ba-la-mật, thâm nhập các thiền định. Các thiền, các định và những tướng thiền chi đó sanh khởi những thứ thần thông: đi trên nước như đất, vào trong đất như nước, có thiên nhĩ, biết tâm niệm người khác là loạn hay định, biết những đời trước, có thiên nhãn. Nương năm thần thông đó, Bồ-tát du hành từ một Phật độ đến một Phật độ khác, thân cận cúng dường các Đức Phật để trồng căn lành; làm thanh tịnh các cõi Phật, thành tựu chúng sanh. Đem công đức này hồi hướng về giác ngộ cùng tột. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật.   O

Nầy Tu Bồ Đề! Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật chẳng thấy có sắc, chẳng thấy có thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thấy có sáu ba-la-mật, chẳng thấy có bốn niệm xứ, thậm chí ngay cả nhứt thiết chủng trí, chẳng thấy có tánh hữu vi, tánh vô vi, vì chẳng thấy nên chẳng tác, vì chẳng tác nên chẳng sanh nên chẳng diệt. Tại sao vậy? Vì dù có Phật hay không có Phật thì pháp tướng, pháp tánh vẫn như thế, chẳng sanh chẳng diệt. Bồ-tát nầy thường hướng tâm về nhứt thiết chủng trí. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật.      O

***

- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia?      O

- Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật: nội không, nội không bất khả đắc, ngoại không, ngoại không bất khả đắc, nội ngoại không, nội ngoại không bất khả đắc, không không, không không bất khả đắc, nhẫn đến tất cả pháp không, tất cả pháp không bất khả đắc. Bồ-tát an trụ trong mười bốn không đó, chẳng thấy có tướng sắc hoặc không hay chẳng không, chẳng thấy có tướng thọ, tưởng, hành, thức hoặc không hay chẳng không, chẳng thấy có bốn niệm xứ hoặc không hay chẳng không, nhẫn đến chẳng thấy có sự giác ngộ cùng tột hoặc không hay chẳng không, chẳng thấy có tánh hữu vi, tánh vô vi hoặc không hay chẳng không. Bồ-tát nầy an trụ trong trí tuệ ba-la-mật như vậy có bố thí đều quán bố thí không? Những gì là không? Người thí, kẻ thọ và tài vật đều không, chẳng có tâm niệm bỏn sẻn tham trước. Tại sao vậy? Đại Bồ-tát hành trí tuệ ba-la-mật từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng không có vọng tưởng phân biệt. Như chư Phật lúc chứng đắc giác ngộ cao tột không có tâm tham trước, đại Bồ-tát lúc hành trí tuệ ba-la-mật cũng không có tâm tham trước. Chỗ đáng tôn trọng nhứt của Bồ-tát nầy tức là trí tuệ ba-la-mật vậy. Đây là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật.   O

- Nầy Tu Bồ Đề! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật thì chẳng sanh tâm Thanh Văn và Bích-chi Phật. Hơn nữa tâm xu hướng Thanh Văn và Bích-chi Phật cũng bất khả đắc. Bồ-tát nầy từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian đó, tự mình chẳng sát sanh, chẳng bảo người sát sanh, nhẫn đến tự mình không tà kiến, chẳng bảo người tà kiến, ca ngợi pháp diệt trừ tà kiến, hoan hỷ khen ngợi người chẳng tà kiến. Do vì nhơn duyên trì giới này không có pháp vẫn gồm thâu được, hoặc bực Thanh Văn, Bích-chi Phật huống là những pháp khác. Đây là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật phát sanh tùy thuận pháp nhẫn, nghĩ rằng trong pháp này không có pháp gì hoặc sanh hoặc diệt, hoặc sanh hoặc tử, không có pháp gì hoặc chửi hoặc mắng, hoặc chém hoặc chặt, hoặc trói hoặc đánh, hoặc đập hoặc giết. Bồ-tát này từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, nếu hoặc có tất cả chúng sanh đến mắng chửi, dùng dao, búa, gậy, ngói, đá chém chặt tổn hại, Bồ-tát chẳng động tâm, Bồ-tát nghĩ rằng: Rất lạ thay, trong pháp này chẳng có ai bị mắng giết tổn hại cả mà chúng sanh lại nhận sự khổ não nầy. Đây là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật.   O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật vì chúng sanh mà thuyết pháp khiến họ hành sáu ba-la-mật, dạy họ tu bốn niệm xứ, bát thánh đạo, cho họ được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, cho họ được quả vị giác ngộ tột cùng, chẳng an trụ trong tánh hữu vi, chẳng an trụ trong tánh vô vi. Đây là  Bồ-tát an trụ  trí tuệ ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật.      O

Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật nhập tất cả các tam-muội của chư Phật, hoặc tam-muội của Thanh Văn, Bích-chi Phật, của Bồ-tát điều hành, đều nhập cả. Nơi các tam-muội đó, Bồ-tát nghịch thuận xuất nhập tám giải thoát: giải thoát thứ nhứt là trong có sắc tướng ngoài quán sắc; giải thoát thứ hai là trong không sắc tướng ngoài quán sắc; giải thoát thứ ba là tịnh giải thoát thân tác chứng; giải thoát thứ tư là vượt qua tất cả sắc tướng, dứt diệt tướng có đối đãi, vì chẳng nghĩ nhớ các thứ các tướng nên nhập hư không vô biên xứ; giải thoát thứ năm là vượt qua tất cả hư không xứ, nhập thức vô biên xứ; giải thoát thứ sáu là vượt qua tất cả thức xứ, nhập vô sở hữu xứ; giải thoát thứ bảy là vượt qua tất cả sở hữu xứ, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ; giải thoát thứ tám là vượt qua tất cả phi tưởng phi tưởng xứ, nhập diệt thọ tưởng định. Từ chánh định của tám thứ giải thoát, Bồ-tát này vào rồi ra chín thứ đệ định theo chiều thuận và chiều xuôi, vào bốn thiền, bốn định vô sắc và diệt thọ tưởng định.    O

Bồ-tát nầy nói tám giải thoát và chín thứ thiền định mà nhập tam-muội sư tử phấn tấn: nhậpxuất thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, cho đến phi phi tưởng xứ định, diệt tận định, và tam-muội siêu việt. . . Rồi xuất diệt tận định, nhập thức vô biên xứ; xuất thức vô biên xứ nhập diệt tận định; xuất diệt tận định, nhập vô sở hữu xứ; xuất vô sở hữu xứ, nhập diệt tận định; xuất diệt tận định, nhập phi phi tưởng xứ; xuất phi phi tưởng xứ, nhập diệt tận định nhập; xuất diệt tận định lại nhập tán tâm; xuất tán tâm nhập phi phi tưởng xứ; xuất phi phi tưởng xứ lại vào tán tâm; xuất tán tâm lại vào vô sở hữu xứ; xuất vô sở hữu xứ vào tán tâm; xuất tán tâm nhập thức xứ; xuất thức xứ vào tán tâm; xuất tán tâm nhập không xứ; xuất không xứ vào tán tâm; xuất tán tâm nhập tứ thiền; xuất tam thiền nhập tứ tâm, xuất tán tâm nhập nhị thiền; xuất nhị thiền vào tán tâm; xuất tán tâm nhập sơ thiền; xuất sơ thiền nhập tán tâm. Bồ-tát này nương vào tam-muội siêu việt, chứng được tướng bình đẳng của tất cả pháp.

Đây là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật.”  O

***

Sau khi nghe Đức Phật dạy cách tu sáu độ dung thông và tương nhiếp, các vị Bồ-tát và toàn thể chúng hội như được điều chưa từng có, hoan hỷ thọ trì và phát nguyện truyền bá kinh này, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.   O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

~~oOo~~
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |  22 | 23 | 24 | 25
26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49

 


Vào mạng: 22-3-2002

Trở về mục "Nghi thức Phật giáo"

Đầu trang