Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KINH TỤNG HẰNG NGÀY
TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

KINH TỪ TÂM

Thứ sáu

 

     Tôi nghe rằng có một thời,
 Tại thành Xá-vệ, ở nơi Kỳ Hoàn.
Thế Tôn cho gọi chúng tăng,
Các thầy cung kính thưa vâng đáp lời.
Thế Tôn thuyết giảng pháp lành
Khuyên người tu tập nên hành từ tâm. O
Là người nên tập ân cần
Thương yêu trải khắp kẻ gần người xa.
Tấm lòng nhân ái bao la,
Thật là thuần khiết, thật là cao thâm.
Hướng về tất cả chúng sanh,
Tâm từ tu tập quên mình mà thương. O  
Không vì ái luyến vấn vương,
Không vì mong đợi chút đường lợi danh,
Không vì ân nghĩa riêng tình,
Cũng đừng cân nhắc với mình lạ quen.
Thương người quen, lẽ tất nhiên,
Cũng thương những kẻ chưa quen bao giờ
 Xoá đi ngăn cách thờ ơ,
Xóa đi ngần ngại hững hờ bấy lâu. O
Tình thương lan tỏa đến đâu,
Giúp xây nơi ấy nhịp cầu cảm thông.
Người từ tâm đủ bao dung,
Đủ lòng độ lượng, đủ lòng thương yêu.
Với người mưu hại đủ điều,
Bất nhân ác cảm gây nhiều thương đau
Người từ tâm trước như sau: O  
Trải lòng ra mãi, thương nhau tình người.
Với người oán ghét bao đời,
Nguồn thương yêu ấy làm vơi tị hiềm.
Chuyện không hay, chẳng trách phiền,
Để cho vơi bớt nghiệp duyên với người.
Người từ tâm trước muôn loài,
Đem lòng thương xót cảnh đời không may.
Thương người sống kiếp đọa đày,
Làm thân cầm thú nghiệp gây chẳng lành.  O 
Hoặc loài ngạ quỷ vô hình,
Hoặc trong địa ngục tội tình vương mang.
Tâm từ  như ánh trăng ngàn,
Dịu dàng soi thấu mọi đàng trầm luân.
Ở đâu có chúng hữu tình
Thì ngay nơi ấy từ tâm hướng về. O 
Như tàng lá mát rộng che,
Chúng sanh vô lượng tâm từ vô biên.
Tâm từ như suối triền miên,
Thấm vào mạch sống mọi miền an vui.
Tâm từ làm gốc vun bồi,
Cho người cao thượng cho đời vinh hoa. O 
Thấy người khổ nạn khó qua,
Lòng mình đau xót như là khổ chung.
Thấy người hạnh phúc thành công,
Lòng mình sung sướng như cùng vui theo.
Thấy người lầm lỗi ít nhiều,
Lòng mình tha thứ mến trìu càng hơn.
Người từ tâm sống vẹn toàn,
Thương yêu bình đẳng, sắt son bền lòng.
Cho dù không ước không mong,
Phước lành tự đến do công đức thành: O 
Một là ngủ được an lành,
Bởi lòng mình đã chân thành thương yêu,
Bởi không lừa lọc dệt thêu,
Bởi không toan tính lắm điều chua ngoa.
Tâm tình không gợn xấu xa,
Tham lam, sân hận, cùng là si mê.
Đầu hôm đến lúc tinh mơ,
Khổ ưu tắt lịm, thới thơ giấc nồng. O 
Hai là rời bước khỏi giường,
Lòng mình một mực bình thường yên vui.
Khi đi đứng, lúc nằm ngồi
Không còn tiếc nhớ đua đòi ước ao.
Từ tâm hóa giải đẹp sao,
Muộn phiền sân hận tan vào hư không.
Lòng mình luôn giữ trắng trong,
Nguồn an lạc trải tựa đồng bao la.
Ba là từ ái lan xa,  O 
Làm cho cảm ứng chan hòa cùng nhau.
Ai ai cũng thấy mến yêu,
Đem lòng ngưỡng mộ người nêu tâm từ.
Bốn là loài chẳng phải người, O 
Một khi cảm nhận biết người từ tâm,
Cũng dành cho những tình thân,
Hộ trì người được những thành tựu vui.
Năm là thiên chúng cõi trời,  O 
Nhờ công tu tập nên người từ tâm.
Thấy người nào tính ai lân,
Nay theo gia hộ để cùng tiến tu.
Sáu là hiểm nạn đang chờ,  O 
Dầu sôi lửa bỏng mịt mờ kiếm cung,
Cùng bao nhiêu thứ độc trùng
Không sao xâm phạm đến vùng trú thân.
Bảy do huân tập từ tâm, O 
Thác sanh Phạm Chúng, làm dân cõi trời,
Được nhiều phước báo tuyệt vời,
Và tâm từ được trau dồi thêm lên.
Tám là đầy đủ thiện duyên, O 
Người từ tâm biết thường xuyên chuyên cần.
Làm cho đức hạnh được thuần,
Thành vườn ruộng tốt gieo trồng đại bi.
Đượm nhuần vô ngã, vô si,
Con đường giải thoát bước đi thêm gần.
Khéo an trú, khéo tác thành,
Thân tâm an ổn, vững vàng, lắng sâu. O  
Tâm từ khi được khéo tu,
Làm cho trói buộc được mau tháo dần.
Không còn dấu vết tham sân,
Niết-bàn hiển lộ thênh thang giữa đời.
Thế Tôn thuyết giảng mấy lời,
Mọi người vui nhận tin rồi làm theo. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

~~oOo~~
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |  22 | 23 | 24 | 25
26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49

 


Vào mạng: 22-3-2002

Trở về mục "Nghi thức Phật giáo"

Đầu trang