- Ngài từ thuở rất xa xưa
- Quyền cao, chức trọng lại dư bạc vàng
- Nhưng về già nhận ra rằng
- Càng thêm tuổi tác lại càng khổ đau
- Trước sau nghèo cũng như giàu
- Cái đau già lão như nhau khác gì
- Cho nên ngài quyết ra đi
- Vào khu rừng vắng chốn kia tu hành
- Bỏ tài sản, bỏ công danh
- Sống đời ẩn sĩ rừng xanh nghèo nàn.
- Ngài thiền định rất chuyên cần
- Gắng công để phát triển chân tâm mình
- Trừ đen tối, phá vô minh
- Trở nên mãn nguyện, an lành, sướng vui,
- Ngài thân thiện với mọi người
- An nhiên, tự tại, buông lơi não phiền
- Dần dần tạo đủ cơ duyên
- Năm trăm đệ tử theo liền về đây.
- *
- Các tu sĩ thời buổi này
- Đều luôn khắc khổ lại đầy nghiêm trang
- Tuy nhiên có chuyện bất thường
- Một người đệ tử cứ luôn mỉm cười
- Dù khi xáo trộn chuyện đời
- Sư luôn thoáng lộ nét tươi rỡ ràng
- Còn khi sảng khoái ngập tràn
- Thời sư cất tiếng cười vang vô ngần
- Dường như hạnh phúc dương trần
- Phát ra từ chốn nội tâm của thầy
- Mọi người bèn đặt tên ngay
- Là "sư sung sướng"! Đúng thay vô cùng!
- Các sư khác thấy lạ lùng
- Hỏi sư sao lại cứ luôn mỉm cười
- Thời "sư sung sướng" trả lời:
- "Dù tôi mà nói chẳng người nào tin
- Lỡ ai lại nghĩ quàng xiên
- Rằng tôi nói láo sẽ thêm muộn phiền
- Thêm phần bất kính bề trên
- Với sư phụ đã bao phen dạy mình!"
- Một người hay rõ ngọn ngành
- Chính là sư phụ tinh anh, hiểu người
- Hiểu sao trò lại hay cười
- Lại luôn lộ nét vui tươi ra ngoài
- Nên ngôi thừa kế tương lai
- Thời "sư sung sướng" được ngài chọn
ngay .
- *
- Mùa mưa vừa dứt năm nay
- Năm trăm đệ tử theo thầy về kinh
- Theo sư phụ về thị thành
- Nhà vua tiếp họ và dành đặc ân
- Mời đoàn suốt cả mùa xuân
- Vào vườn thượng uyển tĩnh tâm tu hành.
- Nhà vua rất mực hiền lành
- Trị vì vương quốc anh minh, vững bền
- Lo kinh tế, lo bạc tiền
- Lo cho vương quốc ngày thêm phú cường;
- Bề ngoài chống chọi đối phương
- Giúp cho đất nước xa đường hiểm nguy
- Trông chừng nước láng giềng kia
- Thường hay kiếm chuyện, đôi khi gây thù;
- Bề trong hòa giải tranh đua
- Giữa quan thuộc cấp tính ưa bất đồng;
- Ở ngay nội bộ hoàng cung
- Các bà hoàng hậu cũng thường đua tranh
- Muốn vua để mắt đến mình
- Và con trai được vua dành đặc ân;
- Ngoài ra còn lắm thần dân
- Đôi khi bất mãn gây mầm loạn ly
- Khiến vua có thể lâm nguy
- Âm mưu phản loạn dễ chi coi thường.
- Nói chung bao chuyện nhiễu nhương
- Nhà vua lo nghĩ chán chường ngày đêm
- Trong tâm náo động triền miên
- Xa niềm hạnh phúc, kề bên muộn sầu.
- *
- Xuân qua nhanh, hè tới mau
- Các sư sắp sửa cùng nhau đi rồi
- Quay về rừng thẳm xa vời
- Nhà vua lo lắng cho người già nua
- Ghé thăm sư phụ và thưa:
- "Giờ đây thầy đã quá ư già rồi
- Trở vào rừng thẳm núi đồi
- Hại cho sức khoẻ con người lắm thay
- Mời thầy ở lại nơi đây
- Chỉ riêng đệ tử thầy quay trở về!"
- Ý hay! Sư phụ lắng nghe
- Để rồi ưng thuận và thi hành liền
- Trao "sư sung sướng" toàn quyền
- Kế thừa lãnh đạo anh em về rừng.
- Năm trăm đệ tử lên đường
- Trở về rừng núi, đạo vàng tu thân
- "Sư sung sướng" lại chuyên tâm
- Hành thiền trong chốn sơn lâm đêm ngày
- Để rồi kết quả lành thay
- Càng thêm thông thái, càng đầy an nhiên
- Niềm sung sướng lại tăng thêm
- Suối nguồn hạnh phúc êm đềm thăng hoa.
- Nhớ nhung sư phụ ở xa
- Một hôm sư muốn tìm ra thăm ngài
- Để mong chia sẻ niềm vui
- Nên "sư sung sướng" về nơi kinh thành
- Thăm ngài cho thắm đạo tình
- Hương thơm chánh pháp thấm nhanh đôi lòng.
- Gặp ngài sư đảnh lễ xong
- Sư ngồi dưới thảm ung dung mỉm cười
- Cả hai chẳng nói nhiều lời
- Riêng "sư sung sướng" sắc tươi tràn đầy
- "Sung sướng thay! Hạnh phúc thay!"
- Miệng thầy luôn nói, lời thầy chẳng ngưng.
- Ghé thăm, vua bực vô cùng
- Nghĩ mình bận chuyện hoàng cung tối ngày
- Tuy nhiên vẫn tới chốn này
- Mà ông sư nọ hôm nay coi thường
- Chẳng hề biết đến quân vương
- Thật là đặc biệt lạ lùng lắm thay,
- Gặp sư phụ vua nói ngay:
- "Sư kia có lẽ vừa đây ăn nhiều
- Nên không sáng suốt bao nhiêu
- Cứ nằm cười mãi ra điều sướng vui
- Nhìn sư thật quả lạ đời
- Cứ nằm một cách biếng lười mãi sao?"
- Mỉm cười sư phụ lắc đầu
- Nói rằng: "Chẳng phải vậy đâu thưa ngài
- Tôi xin kể rõ đầu đuôi
- Tại sao sư ấy lại cười mãi thôi.
- Sư này từng có một thời
- Làm vua, giàu có ít người sánh ngang
- Lại thêm quyền thế vẻ vang
- Để rồi chợt bỏ ngai vàng đi tu
- Quyết tâm thọ giới làm sư
- Niềm vui vương giả coi như bọt bèo
- Giờ đây hạnh phúc hơn nhiều.
- Thời xưa sư có bao nhiêu quân hầu
- Tay cầm vũ khí đứng chầu
- Vây quanh bảo vệ dám đâu lơ là,
- Thời nay giữa chốn rừng già
- Sư ngồi đơn độc vậy mà bình yên
- Không nguy hiểm, chẳng não phiền
- Bình yên tột bực, an nhiên vô cùng
- Bao quyền hành chốn hoàng cung
- Và bao sản nghiệp cũng không sá gì
- Chẳng cần lo sợ làm chi
- Chẳng cần tiếc nuối nghĩ suy nhọc nhằn
- Sự bừng ngộ của chân tâm
- Sẽ là vũ khí vô ngần ích thay
- Để mà bảo vệ cho thầy
- Và bao kẻ khác thoát ngay não phiền
- Sư lo thiền định triền miên
- Thảnh thơi thân xác, lắng yên cõi lòng.
- Nên sư hoan hỉ vô cùng
- Thấy mình sung sướng, không ngưng thốt lời!"
- *
- Nhà vua nghe hiểu chuyện rồi
- Trong tâm cảm thấy tức thời bình an
- Hoa lòng nở đẹp vô vàn
- Cùng ngồi đàm đạo, nhẹ lan hương thiền
- Hai thầy tu góp lời hiền
- Rạng soi đạo lý, khơi thêm trí người
- Nhà vua đảnh lễ cáo lui
- Mây lành đưa lối về nơi lâu đài.
- Một thời gian lặng lẽ trôi
- Ông "sư sung sướng" có thời làm vua
- Lên đường trở lại chốn xưa
- Sau khi từ tạ vị sư phụ già.
- Thêm vài năm nữa trôi qua
- Thế là sư phụ cũng ra đi rồi
- Sinh, già, bệnh, tử dòng đời
- Ngài đầy ơn phước, cõi trời tái sinh.
- (phỏng dịch theo bản văn xuôi
- THE HAPPY MONK
- của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)