- Kinh Tương Ưng Bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
- Phần 16
- Chương V : Tương Ưng Kassapa
I. Tri Túc (S.ii,194)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) -- Tri túc, này các Tỷ-kheo, là
Kassapa này, với bất cứ loại y nào, và tán thán hạnh tri túc với bất cứ
loại y nào; không vì y làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được
y, vị này không có dao động. Và nếu được y, vị này dùng y không tham
lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí
tuệ.
3) Tri túc, này các Tỷ-kheo, là
Kasssapa này, với bất cứ đồ ăn khất thực nào, tán thán hạnh tri túc với
bất cứ đồ ăn khất thực nào; không vì đồ ăn khất thực, làm điều
bất chánh, bất xứng. Nếu không được đồ ăn khất thực, vị này
không có dao động. Và nếu được đồ ăn khất thực, vị này dùng đồ
ăn khất thực ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy
nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.
4) Tri túc, này các Tỷ-kheo, là
Kassapa này, với bất cứ loại sàng tọa nào, và tán thán hạnh tri túc với
bất cứ loại sàng tọa nào; và không vì sàng tọa, làm điều bất chánh,
bất xứng. Nếu không được sàng tọa, vị này không có dao động. Và nếu
được sàng tọa, vị này dùng sàng tọa ấy, không tham lam, không say đắm,
không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.
5) Tri túc, này các Tỷ-kheo, là
Kassapa này, với bất cứ thuốc men trị bệnh nào. Và vị này tán thán hạnh
tri túc với bất cứ loại thuốc men trị bệnh nào; và không vì duyên với
thuốc men trị bệnh, làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được
thuốc men trị bệnh, vị này không có dao động. Và nếu được thuốc men
trị bệnh, vị này dùng thuốc men trị bệnh ấy, không tham lam, không say
đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học
tập như sau: "Chúng tôi sẽ tri túc với bất cứ loại y nào, và chúng
tôi sẽ là người tán thán hạnh tri túc với bất cứ loại y nào. Và
không vì y, chúng tôi sẽ làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được
y, chúng tôi sẽ không dao động. Và nếu được y, chúng tôi sẽ dùng y ấy,
không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy sự nguy hại, quán xuất
ly với trí tuệ. Chúng tôi sẽ tri túc với bất cứ loại đồ ăn khất thực
nào... với bất cứ loại sàng tọa nào... với bất cứ loại thuốc men trị
bệnh nào, và chúng tôi sẽ là người tán thán sự tri túc với bất cứ
loại thuốc men trị bệnh nào. Và không vì thuốc men trị bệnh, chúng tôi
sẽ làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được thuốc men trị bệnh,
chúng tôi sẽ không dao động. Và nếu được thuốc men trị bệnh, chúng
tôi sẽ dùng thuốc men trị bệnh ấy, không tham lam, không say đắm, không
phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo,
các ông cần phải học tập".
7) Với Kassapa, này các Tỷ-kheo, Ta
sẽ giáo giới các Ông; hay với người như Kassapa. Và được giáo giới,
các Ông cần phải thực hành như vậy.
II. Không Biết Sợ (S.ii,195)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Mahà Kassapa (Đại-ca-diếp),
và Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) trú ở Barànasi (Ba-la-nại), chỗ
Isipatana (chư Tiên đọa xứ), tại Migadàya (Lộc Uyển).
2) Rồi Tôn giả Sàriputta vào buổi
chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà
Kassapa; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahà Kassapa những lời chào đón
hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền
ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả
Sàriputta nói với Tôn giả Mahà Kassapa:
4) -- Này Hiền giả Kassapa, được
nói rằng không có nhiệt tâm, không có biết sợ, không thể có giác ngộ,
không thể có Niết-bàn, không thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi
các khổ ách; và có nhiệt tâm, có biết sợ, có thể có giác ngộ, có thể
có Niết-bàn, có thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ
ách.
5) Như thế nào, này Hiền giả, là
không có nhiệt tâm, không có biết sợ, không thể có giác ngộ, không thể
có Niết-bàn, không thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ
ách? Và như thế nào là có nhiệt tâm, có biết sợ, có thể có giác ngộ,
có thể có Niết-bàn, có thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các
khổ ách?
I
6) -- Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo
suy nghĩ: "Các ác bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi
lên, chúng có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không khởi nhiệt
tâm. "Các ác bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn
diệt, chúng có đưa đến bất lợi", vị ấy không khởi nhiệt tâm.
"Các thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu không khởi lên, có thể
đưa đến bất lợi", vị ấy không khởi nhiệt tâm. "Các thiện
pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất
lợi", vị ấy không khởi nhiệt tâm.
Như vậy, này Hiền giả, là không
nhiệt tâm.
II
7) Và này Hiền giả, như thế nào
là không biết sợ?
Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo
suy nghĩ: "Các ác bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi
lên, chúng có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không có biết sợ.
"Các ác bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn
diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không biết sợ. "Các
thiện pháp không khởi lên ta. Nếu chúng không khởi lên, có thể đưa đến
bất lợi", vị ấy không biết sợ. "Các thiện pháp khởi lên nơi
ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy
không biết sợ.
Như vậy, này Hiền giả, là không
biết sợ.
8) Như vậy, này Hiền giả, không
có nhiệt tâm, không có biết sợ, không thể có giác ngộ, không thể có
Niết-bàn, không thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.
III
9) Và này Hiền giả, thế nào là
nhiệt tâm?
Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo
suy nghĩ: "Các ác bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi
lên, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy khởi nhiệt tâm. "Các
ác bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn diệt, có
thể đưa đến bất lợi", vị ấy khởi nhiệt tâm. "Các thiện
pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng không khởi lên, có thể đưa đến
bất lợi", vị ấy khởi nhiệt tâm. "Các thiện pháp khởi lên nơi
ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy
khởi nhiệt tâm. "Các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn
diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy khởi lên nhiệt tâm.
Như vậy, này Hiền giả, là có nhiệt
tâm.
IV
10) Và này Hiền giả, như thế nào
là có biết sợ?
Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo
suy nghĩ: "Các ác bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi
lên, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy có biết sợ. "Các ác
bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn diệt, có thể
đưa đến bất lợi", vị ấy có biết sợ. "Các thiện pháp không
khởi lên nơi ta. Nếu chúng không khởi lên, có thể đưa đến bất lợi",
vị ấy có biết sợ. "Các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị
đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy có biết sợ.
Như vậy, này Hiền giả, là có biết
sợ.
11) Như vậy, này Hiền giả, là có
nhiệt tâm, có biết sợ có thể có giác ngộ, có thể có Niết-bàn, có thể
đưa đến chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.
III. Ví Dụ Với Trăng (Tạp
41.18. Nguyệt Dụ, Đại 2, 199a. Nguyệt Dụ Kinh, Đại 2, 544b, Biệt Tạp
6.5, Đại 2, 444a), Candropamas (Hoernle, 1.40-44) (S.v,197)
1) Trú ở Sàvatthi...
2) -- Hãy giống như mặt trăng, này
các Tỷ-kheo, khi đi đến các gia đình, thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt,
luôn luôn là người mới giữa các gia đình, chớ có đường đột xông
xáo (appagabbha).
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người
nhìn một cái giếng cũ, hay sườn núi dốc, hay thác nước, thân phải dè
dặt, tâm phải dè dặt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, hãy giống như mặt
trăng khi đi đến các gia đình, thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt,
luôn luôn là người mới giữa các gia đình, không có đường đột xông
xáo.
Kassapa, này các Tỷ-kheo, giống như
mặt trăng, khi đi đến các gia đình, thân dè dặt và tâm dè dặt, luôn
luôn là người mới giữa các gia đình, không có đường đột xông xáo.
4) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo?
Như thế nào một Tỷ-kheo xứng đáng đi đến các gia đình?
5) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng
con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy
Thế Tôn làm chỗ sở y. Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên ý
nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
6) Rồi Thế Tôn vẫy bàn tay giữa
hư không:
-- Ví như, này các Tỷ-kheo, bàn tay
này giữa hư không, không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói
buộc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo đi đến các gia đình,
tâm không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc, nghĩ rằng:
"Những ai muốn được lợi, hãy được lợi! Những ai muốn công đức,
hãy làm các công đức!".
7) Như mình hoan hỷ, thỏa mãn khi
mình được lợi; hãy hoan hỷ, thỏa mãn khi người khác được lợi! Này
các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy xứng đáng đi đến các gia đình. Này
các Tỷ-kheo, Kassapa khi đi đến các gia đình, đối với các gia đình, tâm
không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc, nghĩ rằng:
"Những ai muốn được lợi hãy được lợi! Những ai muốn công đức
hãy làm các công đức!".
8) Như mình hoan hỷ, thỏa mãn khi
mình được lợi; hãy hoan hỷ, thỏa mãn, khi người khác được lợi!
9) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy
xứng đáng đi đến các gia đình.
10) Các Ông nghĩ như thế nào, này
các Tỷ-kheo? Tỷ-kheo như thế nào, thuyết pháp không thanh tịnh? Tỷ-kheo
như thế nào, thuyết pháp được thanh tịnh?
11) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng
con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy
Thế Tôn làm chỗ y chỉ. Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên ý
nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
12) -- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy
nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn nói như sau:
13) -- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào
với tâm như thế này thuyết pháp cho các người khác: "Ôi, mong họ
được nghe pháp ta giảng. Và sau khi nghe pháp, mong họ được hoan hỷ. Được
hoan hỷ, mong họ làm cho ta hoan hỷ", này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như
vậy thuyết pháp không thanh tịnh.
14) -- Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
nào với tâm như thế này thuyết pháp cho các người khác: "Pháp được
Thế Tôn khéo giảng, pháp ấy liên hệ đến hiện tại, có hiệu quả tức
thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có
trí tự mình giác hiểu. Ôi, mong họ được nghe pháp ta giảng. Và sau khi
nghe pháp, mong họ được hiểu rõ pháp. Và sau khi hiểu rõ pháp, mong họ
như vậy thực hành; duyên pháp thiện pháp tánh (dhammasudhammata) thuyết
pháp cho các người khác. Duyên lòng từ bi, duyên lòng từ mẫn, khởi lòng
lân mẫn thuyết pháp cho các người khác", này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như
vậy là Tỷ-kheo thanh tịnh thuyết pháp.
15) Này các Tỷ-kheo, Kassapa với
tâm như thế này thuyết pháp cho các người khác : "Pháp được Thế Tôn
khéo giảng, pháp ấy liên hệ đến hiện tại, có hiệu quả tức thời,
đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự
mình giác hiểu. Ôi, mong họ được nghe pháp ta giảng. Và sau khi nghe pháp,
mong họ được hiểu rõ pháp. Và sau khi được hiểu rõ pháp, mong họ như
vậy thực hành; duyên pháp thiện pháp tánh, duyên từ bi, duyên lòng từ mẫn,
khởi lòng lân mẫn thuyết pháp cho các người khác".
16) Với Kassapa, này các Tỷ-kheo, Ta
đã giáo giới các Ông, hay với ai giống như Kassapa! Được giáo giới,
các Ông phải như thật thực hành.
IV. Đi Đến Các Gia Đình (Tạp
41.19 Thí Dụ. Đại 2, 300a) ( Biệt Tạp 6.6, Đại 2, 414c). (S.ii,200)
1) Tại Sàvatthi.
2) -- Các Ông nghĩ thế nào, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thế nào xứng đáng là người đi đến các gia
đình? Tỷ-kheo như thế nào không xứng đáng là người đi đến các gia đình?
3) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng
con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo...
Thế Tôn nói như sau:
4) -- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với
tâm như thế này đi đến các gia đình: "Mong họ hãy cho ta, chớ có
không cho. Mong họ cho ta nhiều, chớ có cho ít. Mong họ cho ta đồ tốt, chớ
có cho đồ xấu. Mong họ cho ta mau, chớ có cho chậm. Mong họ kính trọng
cho ta, chớ có không kính trọng".
5) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào với
tâm như vậy đi đến các gia đình, nếu không được cho, Tỷ-kheo ấy bực
phiền. Do nhân duyên ấy, Tỷ-kheo ấy cảm thọ khổ ưu... cho ít, không cho
nhiều... cho đồ xấu không cho đồ tốt... cho chậm, không cho mau. Do vậy
Tỷ-kheo ấy bực phiền. Do nhân duyên ấy, Tỷ-kheo ấy cảm thọ khổ
ưu... cho bất kính, không có kính trọng. Do vậy, Tỷ-kheo ấy bực phiền.
Do nhân duyên ấy, Tỷ-kheo ấy cảm thọ khổ ưu. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
như vậy không xứng đáng là người đi đến các gia đình.
6) Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào
với tâm như thế này đi đến các gia đình (nghĩ rằng): "Đối với các
gia đình người khác, làm sao có thể mong: ‘Mong họ hãy cho ta, chớ có
không cho. Mong họ cho ta nhiều, chớ có cho ít. Mong họ cho ta đồ tốt, chớ
có cho đồ xấu. Mong họ cho ta mau, chớ có cho chậm. Mong họ kính trọng
ta, chớ có không kính trọng’?".
7) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo với
tâm như vậy, khi đi đến các gia đình không được cho, Tỷ-kheo không vì
vậy mà bị bực phiền, không do nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu. Họ
cho ít, không cho nhiều... họ cho đồ xấu, không cho đồ tốt, cho chậm,
không cho mau... cho bất kính, không phải kính trọng, Tỷ-kheo không vì vậy
mà bị bực phiền, không do nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy
xứng đáng đi đến các gia đình.
8) Này các Tỷ-kheo, Kassapa với tâm
như vậy đi đến các gia đình (nghĩ rằng): "Đối với các gia đình
người khác, làm sao có thể mong: "Mong họ hãy cho ta, chớ có không
cho. Mong họ cho ta nhiều, chớ có cho ít. Mong họ cho ta đồ tốt, chớ có
cho đồ xấu. Mong họ cho ta mau, chớ có cho chậm. Mong họ kính trọng cho
ta, chớ có bất kính"?"
9) Này các Tỷ-kheo, Kassapa với tâm
như vậy đi đến các gia đình, nếu không được cho, Kassapa không vì vậy
mà bị bực phiền, không vì nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu. Họ cho
ít, không cho nhiều, Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền, không vì nhân
duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu. Họ cho đồ xấu, không cho đồ tốt,
Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền, không vì nhân duyên ấy mà cảm thọ
khổ ưu. Họ cho chậm, không cho mau, Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền,
không do nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu. Họ cho bất kính, không cho
có kính trọng, Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền, không do nhân duyên
ấy mà cảm thọ khổ ưu.
10) Với Kassapa, này các Tỷ-kheo, Ta
sẽ giáo giới các Ông hay với ai giống như Kassapa. Và được giáo giới,
các Ông hãy như vậy thọ trì.
V. Trở Về Già (Tạp 41.23, Lực
Lão, Đại 2, 301c Tăng 41.5, Đại 2, 746a Biệt Tạp 6.10, Đại 2, 416b)
(S.ii,202)
1) Như vầy tôi nghe.
Tại Ràjagaha, Veluvana.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đi đến
Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà
Kassapa đang ngồi một bên:
-- Này Kassapa, Ông đã già rồi. Đã
cũ nát là những vải gai thô phấn tảo này của Ông đáng được quăng bỏ.
Vậy này Kassapa, hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các
món ăn được mời và ở gần bên Ta.
4) -- Bạch Thế Tôn, con là người
đã lâu ngày sống ở rừng, và tán thán hạnh ở rừng; con là người đi
khất thực và tán thán hạnh khất thực; con là người mang y phấn tảo và
tán thán hạnh mang y phấn tảo; con là người mang ba y và tán thán hạnh
mang ba y; con là người thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục; con là người
tri túc và tán thán hạnh tri túc; con là người sống viễn ly và tán thán
hạnh viễn ly; con là người sống không giao thiệp và tán thán hạnh không
giao thiệp; con là người tinh cần và tán thán hạnh tinh cần.
5) -- Này Kassapa, Ông thấy có lợi
ích gì mà ông đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng...
đi khất thực.. mang y phấn tảo... mang ba y... thiểu dục... tri túc... sống
viễn ly... sống không giao thiệp... tinh cần và tán thán hạnh tinh cần?
6) -- Bạch Thế Tôn, con thấy có
hai lợi ích nên đã lâu ngày con sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng...
con đi khất thực... con mang y phấn tảo... con mang ba y... con thiểu dục...
con tri túc... con sống viễn ly... con sống không giao thiệp... con sống tinh
cần và tán thán hạnh sống tinh cần.
7) Con thấy tự mình được hiện tại
an lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh sắp đến, mong rằng
các chúng sanh sắp đến sẽ bắt chước (ditthanugatim): "Đối với các
đệ tử Phật và tùy Phật (Buddhànubuddhasàvakà), mong họ trong một thời
gian dài trở thành những vị sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng...
những vị đi khất thực... những vị mang y phấn tảo... những vị mang ba
y... những vị thiểu dục... những vị tri túc... những vị viễn ly... những
vị không giao thiệp... những vị tinh cần và tán thán hạnh tinh cần... họ
sẽ thực hành như vậy, và như vậy trong một thời gian dài họ sống hạnh
phúc an lạc".
8) Bạch Thế Tôn, thấy được hai
lợi ích này, con sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng... con đi
khất thực và tán thán hạnh khất thực... mang y phấn tảo... mang ba y...
thiểu dục... tri túc... viễn ly... không giao thiệp... sống tinh cần và
tán thán hạnh tinh cần.
9) -- Lành thay, lành thay, Kassapa! Thật
vì hạnh phúc cho quần sanh, này Kassapa, Ông đã thực hành (như vậy), vì
an lạc cho quần sanh, vì lòng từ mẫn với đời, vì lợi ích, vì hạnh
phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
10) Do vậy, này Kassapa, hãy mang vải
gai thô, phấn tảo đáng được quăng bỏ. Hãy sống khất thực và trú ở
trong rừng!
VI. Gíao Giới (Tạp 41.30, Phụ
Thắng, Đại 2, 300b. Tăng 31.11 Vô Trách Tụng, Đại 2, 673b Biệt Tạp 6.7,
Đại 2, 415a). (S.ii,203).
1) Tại Ràajagaha, Veluvana.
2) Tôn giả Kassapa đi đến Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà
Kassapa đang ngồi một bên:
-- Này Kassapa, hãy giáo giới Tỷ-kheo!
Này Kassapa, hãy nói pháp thoại cho các Tỷ-kheo! Này Kassapa, Ta hoặc Ông phải
giáo giới các Tỷ-kheo! Ông hoặc Ta phải nói pháp thoại cho các Tỷ-kheo!
4) -- Bạch Thế Tôn, khó nói là
chúng Tỷ-kheo hiện tại. Họ ở trong tình trạng khó nói với họ. Họ
không kham nhẫn. Họ không kính trọng lời giáo giới. Bạch Thế Tôn, ở
đây, con thấy Tỷ-kheo Bhanda, đệ tử của Ananda, và Tỷ-kheo Abhinjika, đệ
tử của Anuruddha, hai vị ấy nói với nhau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai
sẽ nói nhiều hơn? Ai sẽ nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ nói dài hơn?".
5) Rồi Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo:
-- Hãy đến, này Tỷ-kheo! Hãy nhân
danh Ta nói với Tỷ-kheo Bhanda, đệ tử của Ananda, và Tỷ-kheo Abhinjika, đệ
tử của Anuruddha: "Bậc Đạo Sư gọi chư Tôn giả".
6) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi
đến các Tỷ-kheo kia; sau khi đến, nói với họ:
-- Bậc Đạo Sư gọi chư Tôn giả.
7) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo kia vâng đáp Tỷ-kheo
ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một
bên.
8) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo
ấy đang ngồi một bên:
-- Có thật chăng, này các Tỷ-kheo,
các Ông nói với nhau như sau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai là người sẽ
nói nhiều hơn?. Ai là người sẽ nói tốt đẹp hơn? Ai là người sẽ nói
dài hơn?"
-- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn.
9) -- Này các Tỷ-kheo, các Ông có
biết là Ta đã thuyết pháp như vầy: "Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy
cùng nhau nói như sau: ‘Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai là người sẽ nói nhiều
hơn?. Ai là người sẽ nói tốt đẹp hơn? Ai là người sẽ nói dài hơn?’
chăng?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10) -- Này các Tỷ-kheo, nếu các
Ông được biết là Ta không có giảng như vậy, thời vì sao, này các Người
ngu kia, do biết cái gì, thấy cái gì, các Ông đã xuất gia trong Pháp và Luật
khéo giảng này, các Ông lại nói với nhau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai
sẽ là người nói nhiều hơn? Ai sẽ là người nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ
là người nói dài hơn?" như vậy ?
11) Rồi các Tỷ-kheo ấy cúi đầu
đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, chúng con đã phạm
tội, ngu đần như vậy, si mê như vậy, bất thiện như vậy; vì rằng
chúng con đã xuất gia trong Pháp và Luật khéo nói như vậy, chúng con lại
nói với nhau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai sẽ là người nói nhiều hơn?
Ai sẽ là người nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ là người nói dài hơn?". Bạch
Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận tội lỗi ấy của chúng con là tội lỗi,
để chúng con ngăn ngừa trong tương lai.
12) -- Thật sự, này các Tỷ-kheo,
các Ông đã phạm tội, ngu đần như vậy, si mê như vậy, bất thiện như
vậy! Vì rằng các Ông đã xuất gia trong Pháp và Luật khéo nói này, các
Ông đã nói với nhau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai sẽ là người nói
nhiều hơn? Ai sẽ là người nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ là người nói dài
hơn?". Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, các Ông đã thấy tội lỗi là tội
lỗi, như pháp sám hối, chúng ta chấp nhận tội lỗi ấy cho các Ông!
13) Này các Tỷ-kheo, như vậy luật
của bậc Thánh được tăng trưởng, khi nào có người sau khi thấy tội lỗi
là tội lỗi, như pháp sám hối để ngăn ngừa trong tương lai!
VII. Gíao Giới (Tạp 41.21 Vô
Tín, Đại 2, 300c. Biệt Tạp 6.8, Đại 2, 415b) (S.ii,205)
1) Trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại
Veluvana (Trúc Lâm).
2) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đi đến
Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà
Kassapa đang ngồi một bên:
-- Này Kassapa hãy giáo giới các Tỷ-kheo!
Hãy thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo! Ta hay Ông hãy giáo giới các Tỷ-kheo!
Ông hay Ta hãy thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo!
4) -- Bạch Thế Tôn, khó nói là
chúng Tỷ-kheo hiện tại. Họ ở trong tình trạng khó nói với họ. Họ
không kham nhẫn, họ không kính trọng lời giáo giới!
5) Bạch Thế Tôn, với ai không có
lòng tin đối với thiện pháp, không có biết thẹn đối với thiện pháp,
không có biết sợ đối với thiện pháp, không có tinh tấn đối với thiện
pháp, không có trí tuệ đối với thiện pháp; đối với người ấy, dầu
là đêm hay là ngày, chờ đợi là sự tổn giảm đối với các thiện
pháp, không phải là sự tăng trưởng!
6) Ví như mặt trăng, bạch Thế Tôn,
trong thời kỳ tối trời, dầu là đêm hay là ngày, hình sắc tổn giảm dần,
hình tròn tổn giảm dần, ánh sáng tổn giảm dần, đường quỹ đạo nó
đi tổn giảm dần. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, đối với ai không có lòng
tin đối vói thiện pháp, không có biết thẹn đối với thiện pháp, không
biết sợ đối với thiện pháp, không có tinh tấn đối với thiện pháp,
không có trí tuệ đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay
là ngày, chờ đợi là sự tổn giảm đối với các thiện pháp, không phải
là sự tăng trưởng!
7) Người không có lòng tin, bạch
Thế Tôn, tức có nghĩa là tổn giảm. Người không biết thẹn, bạch Thế
Tôn, tức có nghĩa là tổn giảm. Người không biết sợ, bạch Thế Tôn, tức
có nghĩa là tổn giảm. Người lười biếng, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa
là tổn giảm. Người ác trí tuệ, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là tổn
giảm. Người phẫn nộ... Người sân hận, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là
tổn giảm. Nếu vị Tỷ-kheo không có giáo giới, bạch Thế Tôn, tức có
nghĩa là tổn giảm.
8) Với ai, bạch Thế Tôn, có lòng
tin đối với thiện pháp, có biết thẹn đối với thiện pháp, có biết sợ
đối với thiện pháp, có tinh tấn đối với thiện pháp, có trí tuệ đối
với thiện pháp; với vị ấy, dầu là đêm hay là ngày, chờ đợi sự
tăng trưởng đối với thiện pháp, không phải sự tổn giảm.
9) Ví như mặt trăng, bạch Thế Tôn,
trong thời kỳ sáng trời, dầu là đêm hay là ngày, hình sắc tăng trưởng
dần, hình tròn tăng trưởng dần, ánh sáng tăng trưởng dần, quỹ đạo nó
đi tăng trưởng dần. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, với ai có lòng tin đối với
thiện pháp, có biết thẹn...có biết sợ... có tinh tấn... có trí tuệ đối
với thiện pháp; với vị ấy, dầu là đêm hay là ngày, chờ đợi là sự
tăng trưởng đối với thiện pháp, không phải là tổn giảm.
10) Người có lòng tin, bạch Thế
Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm. Người có biết thẹn, bạch Thế
Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm. Người có biết sợ, bạch Thế
Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm. Người tinh cần, bạch Thế Tôn, tức
có nghĩa là không tổn giảm. Người không phẫn nộ, bạch Thế Tôn, tức
có nghĩa là không tổn giảm. Người không sân hận, bạch Thế Tôn, tức
có nghĩa là không tổn giảm. Có những Tỷ-kheo giáo giới, bạch Thế Tôn,
tức có nghĩa là không tổn giảm.
11) -- Lành thay, lành thay, này
Kassapa! Với ai, này Kassapa, không có lòng tin đối với thiện pháp... không
có biết thẹn... không có biết sợ... không có tinh tấn... không có trí tuệ
đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay là ngày, chờ đợi
là sự tổn giảm trong thiện pháp, không phải là tăng trưởng.
12) Ví như mặt trăng, này Kassapa,
trong thời kỳ tối trời, dầu là đêm hay là ngày, hình sắc tổn giảm dần,
hình tròn tổn giảm dần, ánh sáng tổn giảm dần, quỹ đạo nó đi tổn
giảm dần. Cũng vậy, này Kassapa, với ai không có lòng tin đối với thiện
pháp, không có biết thẹn... không có biết sợ... không có tinh tấn...
không có trí tuệ đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay
ngày, chờ đợi là sự tổn giảm đối với thiện pháp, không phải là sự
tăng trưởng.
13) Người không có lòng tin, này
Kassapa, tức có nghĩa là tổn giảm. Người không biết thẹn... Người không
biết sợ... Người biếng nhác... Người ác trí tuệ... Người phẫn nộ...
Người sân hận, này Kassapa, tức có nghĩa là tổn giảm. Không có Tỷ-kheo
giáo giới, này Kassapa, tức có nghĩa là tổn giảm.
14) Với ai, này Kassapa, có lòng tin
đối với thiện pháp... có biết thẹn... có biết sợ... có tinh tấn.. có
trí tuệ đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay ngày, chờ
đợi là sự tăng trưởng đối với thiện pháp, không phải là tổn giảm.
15) Ví như mặt trăng, này Kassapa,
trong thời kỳ sáng trời, dầu là đêm hay ngày, hình sắc tăng trưởng dần,
hình tròn tăng trưởng dần, ánh sáng tăng trưởng dần, quỹ đạo nó đi
tăng trưởng dần. Cũng vậy, này Kassapa, ai có lòng tin đối với thiện pháp,
có biết thẹn... có biết sợ... có tinh tấn... có trí tuệ là sự tăng
trưởng đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay ngày, chờ
đợi là sự tăng trưởng đối với thiện pháp, không phải là sự tổn
giảm.
16) Người có lòng tin, này Kassapa,
tức có nghĩa là không tổn giảm. Người biết thẹn... Người biết sợ...
Người tinh tấn... Người có trí tuệ... Người không phẫn nộ... Người
không sân hận, này Kassapa, tức có nghĩa là không tổn giảm. Có Tỷ-kheo
giáo giới này Kassapa, tức có nghĩa là không tổn giảm.
VIII. Gíao Giới (Tạp 41.22, Phật
Vi Căn Bổn, Đại 2, 301a. Biệt Tạp 6.9, Đại 2, 415c). (S.ii,208)
1) Ở Rajagaha (Vương Xá), tại chỗ
nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đi đến
Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà
Kassapa đang ngồi một bên:
-- Hãy giáo giới Tỷ-kheo, này
Kassapa! Hãy thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo, này Kassapa! Ta hay Ông, này
Kassapa, phải giáo giới các Tỷ-kheo! Ông hay Ta, này Kassapa, hãy thuyết
pháp thoại cho các Tỷ-kheo!
4) -- Bạch Thế Tôn, khó nói là
chúng Tỷ-kheo hiện tại. Họ ở trong tình trạng khó nói với họ. Họ
không kham nhẫn, họ không kính trọng lời giáo giới.
5) -- Này Kassapa, thuở xưa các Trưởng
lão Tỷ-kheo là những vị ở rừng như vậy và tán thán ở rừng, là những
vị đi khất thực và tán thán hạnh khất thực, là những vị mang y phấn
tảo và tán thán hạnh mang y phấn tảo, là những vị mang ba y và tán thán
hạnh mang ba y, là những vị thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục, là
những vị tri túc và tán thán hạnh tri túc, là những vị viễn ly và tán
thán hạnh viễn ly, là những vị không giao thiệp và tán thán hạnh không
giao thiệp là những vị tinh cần và tán thán hạnh tinh cần.
6) Ở đây, vị Tỷ-kheo nào sống
ở rừng và tán thán hạnh ở rừng, đi khất thực và tán thán hạnh khất
thực, mang y phấn tảo và tán thán hạnh mang y phấn tảo, mang ba y và tán
thán hạnh mang ba y, sống thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục, sống
tri túc và tán thánh hạnh tri túc, sống viễn ly và tán thán hạnh sống viễn
ly, sống không giao thiệp và tán thán hạnh không giao thiệp, sống tinh cần
và tán thán hạnh tinh cần; vị Tỷ-kheo ấy được các vị Trưởng lão Tỷ-kheo
mời ngồi và nói: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tên gì? Thật
là hiền thiện, vị Tỷ-kheo này! Thật là muốn học, vị Tỷ-kheo này!
Hãy đến Tỷ-kheo, hãy ngồi chỗ ngồi này!"
7) Ở đây, này Kassapa, các tân Tỷ-kheo
suy nghĩ như sau: "Tỷ-kheo nào sống ở rừng và tán thán hạnh sống
ở rừng, đi khất thực... mang y phấn tảo... mang ba y... thiểu dục... tri
túc... sống viễn ly... sống không giao thiệp... tinh cần và tán thán hạnh
tinh cần; Tỷ-kheo ấy được các Trưởng lão Tỷ-kheo mời ngồi và nói:
"Hãy đến, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tên gì? Thật là hiền thiện, Tỷ-kheo
này! Thật là muốn học, Tỷ-kheo này! Hãy đến Tỷ-kheo, hãy ngồi chỗ ngồi
này". Các vị ấy thực hành đúng như vậy và như vậy các vị ấy
được hạnh phúc, được an lạc trong một thời gian dài.
8) Nhưng này, này Kassapa, các Trưởng
lão Tỷ-kheo không sống ở rừng và không tán thán hạnh sống ở rừng,
không đi khất thực và không tán thán hạnh khất thực, không mang y phấn
tảo và không tán thán hạnh mang y phấn tảo, không mang ba y và không tán
thán hạnh mang ba y, không thiểu dục và không tán thán hạnh thiểu dục,
không tri túc và không tán thán hạnh tri túc, không sống viễn ly và không
tán thán hạnh viễn ly, không sống không giao thiệp và không tán thán hạnh
không giao thiệp, không tinh cần và không tán thán hạnh tinh cần.
9) Ở đây, Tỷ-kheo nào được nhiều
người biết, có danh tiếng, nhận được các loại y áo, ẩm thực, sàng tọa,
dược phẩm trị bệnh, Tỷ-kheo ấy được các vị Trưởng lão Tỷ-kheo mời
ngồi và nói: "Hãy đến Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này tên gì? Thật là hiền
thiện, Tỷ-kheo này! Thật là muốn sống Phạm hạnh, Tỷ-kheo này! Hãy đến,
này Tỷ-kheo, hãy ngồi chỗ ngồi này!"
10) Ở đây, này Kassapa, các tân Tỷ-kheo
suy nghĩ như sau: "Tỷ-kheo nào được nhiều người biết, có danh tiếng,
nhận được các loại y áo, ẩm thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh;
Tỷ-kheo ấy được các Trưởng lão Tỷ-kheo mời ngồi và nói: ‘Hãy đến
Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này tên gì? Thật là hiền thiện, Tỷ-kheo này! Thật là
muốn sống Phạm hạnh Tỷ-kheo này! Hãy đến, này Tỷ-kheo, hãy ngồi chỗ
ngồi này!’". Các vị ấy thực hành đúng như vậy và như vậy các vị
ấy không được hạnh phúc, bị khổ đau trong thời gian dài.
Này Kassapa, ai nói một cách chơn chánh
như sau: "Người sống Phạm hạnh phải chịu đựng những hiểm nạn của
Phạm hạnh. Người sống Phạm hạnh phải bị bức não bởi những áp bức
của Phạm hạnh" Nói như vậy, này Kassapa, là nói một cách chơn chánh.
Người sống Phạm hạnh phải chịu đựng những hiểm nạn của Phạm hạnh.
Người sống Phạm hạnh phải bị bức não bởi những áp bức của Phạm
hạnh.
IX. Thiền Và Thắng Trí (Tạp
41.21, Lực Lão, Đại 2, 302a) (Biệt Tạp 6.11, Đại 2, 416c) (S.ii,210)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) -- Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một
trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ...
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ
nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
3) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng
thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một
trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất
tâm.
4) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc
Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ
mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền
thứ ba.
5) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và
an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng
đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
6) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không
tác ý đối với dị tưởng. Ta nghĩ rằng: "Hư không là vô biên",
chứng đạt và an trú Không vô biên xứ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng...
chứng đạt và an trú Không vô biên xứ.
7) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô
biên", chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng vượt lên mọi Không vô biên xứ... chứng đạt và an trú Thức
vô biên xứ.
8) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật
gì", chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng vượt lên mọi Thức vô biên xứ... chứng đạt và an trú Vô sở
hữu xứ.
9) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi
tưởng xứ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng... chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
10) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt
thọ tưởng định.
Tùy theo mong muốn... Kassapa cũng...
chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định.
11) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta chứng đạt các loại thần thông. Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều
thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường,
qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên, đi ngang qua đất liền
như ở trong nước, đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết-già
đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt
trời, những vật có đại oai lực, oai thần như vậy; có thể tự thân
bay đến cõi Phạm thiên.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng chứng đạt được các loại thần thông... bay đến cõi Phạm
thiên.
12) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng: chư Thiên
và loài Người, xa và gần.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng với thiên nhĩ thanh tịnh... xa và gần.
13) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài Người với tâm của mình,
Ta có thể biết như sau: "Tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không
tham biết là tâm không tham, tâm có sân biết là tâm có sân, tâm không sân
biết là tâm không sân, tâm có si biết là tâm có si, tâm không si biết là
tâm không si, tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú, tâm không chuyên chú
biết là tâm không chuyên chú, đại hành tâm biết là đại hành tâm,
không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành tâm, tâm chưa vô
thượng biết là tâm chưa vô thượng, tâm vô thượng biết là tâm vô thượng,
tâm Thiền định biết là tâm Thiền định, tâm không Thiền định biết là
tâm không Thiền định, tâm giải thoát biết là tâm giải thoát, tâm không
giải thoát biết là tâm không giải thoát".
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài Người; với tâm của
mình, Kassapa cũng được biết như sau: "Tâm có tham biết là tâm có
tham... tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát".
14) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn
đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời,
năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm
ngàn đời; nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại thành kiếp.
Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế
này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức
như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại
chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, tuổi thọ đến mức
như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây". Như
vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại
cương và các chi tiết.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời...
và các chi tiết.
15) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Ta với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy các chúng sanh. Ta biết rõ rằng
chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu,
người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng
sanh ấy làm những ác hạnh về thân, lời, ý, phỉ báng các bậc Thánh,
theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân
hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn
những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ
báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những
người này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú,
cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu
nhân, Ta thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người
hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ
bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo,
Kassapa cũng với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết
các chúng sanh... đều do hạnh nghiệp của họ.
16) Và Ta, này các Tỷ-kheo, với sự
đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí,
Ta chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an
trú.
Này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng với sự
đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí,
chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an
trú.
X. Trú Xứ (Tạp 41.25, Thử Thời,
Đại 2. 302b. Biệt Tạp 6.12, Đại 2, 417a) (S.ii,214)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Kassapa trú ở
Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp
Cô Độc).
I
2) Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi
sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa.
3) Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả
Mahà Kassapa:
-- Thưa Tôn giả, chúng ta hãy đi đến
trú xứ của các Tỷ-kheo-ni.
-- Hãy đi, này Hiền giả Ananda. Hiền
giả là người có nhiều công việc, có nhiều trách nhiệm phải làm.
4) Lần thứ hai, Tôn giả Ananda thưa
với Tôn giả Mahà Kassapa:
-- Hãy đi, thưa Tôn giả, chúng ta
đi đến trú xứ của các Tỷ-kheo-ni.
-- Hãy đi, này Hiền giả Ananda. Hiền
giả là người có nhiều công việc, có nhiều trách nhiệm phải làm.
5) Lần thứ ba, Tôn giả Ananda thưa
với Tôn giả Mahà Kassapa:
-- Hãy đi, thưa Tôn giả, chúng ta
hãy đi đến trú xứ của các Tỷ-kheo-ni.
6) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa, vào buổi
sáng, đắp y, cầm y bát cùng với Tôn giả Ananda, là Sa-môn tùy tùng, đi
đến một trú xứ của Tỷ-kheo-ni, sau khi đi đến, ngồi trên chỗ đã soạn
sẵn.
II
7) Rồi nhiều Tỷ-kheo-ni đi đến Tôn
giả Mahà Kassapa; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahà Kassapa, rồi ngồi
xuống một bên.
8) Tôn giả Mahà Kassapa với pháp
thoại giảng cho các vị Tỷ-kheo-ni đang ngồi một bên ấy, khích lệ, làm
cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.
9) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa, sau khi
với pháp thoại giảng cho các Tỷ-kheo-ni ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi,
làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.
10) Rồi Tỷ-kheo-ni Thullatissà không
hoan hỷ, nói lên những lời không hoan hỷ: "Làm sao Tôn giả Mahà
Kassapa trước mặt Vedehamuni Ananda, lại nghĩ đến thuyết pháp; ví như một
người bán kim lại nghĩ, có thể bán kim cho người làm kim? Cũng vậy, Tôn
giả Mahà Kassapa, trước mặt Vedehamuni Ananda lại nghĩ đến thuyết pháp".
11) Tôn giả Mahà Kassapa nghe được
lời nói này của Tỷ-kheo-ni Thullatissà.
III
12) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa nói với
Tôn giả Ananda:
-- Thế nào, Hiền giả Ananda, ta là
người bán kim, Hiền giả là người làm kim, hay ta là người làm kim, Hiền
giả là người bán kim?
-- Hãy kham nhẫn, thưa Tôn giả
Kassapa, ngu si là đàn bà!
13) -- Hãy đến, Hiền giả Ananda,
chớ để cho chúng Tăng truy cứu thêm về Hiền giả. Hiền giả Ananda, Hiền
giả nghĩ thế nào?
14) Có phải trước mặt Thế Tôn,
và giữa chúng Tăng, Hiền giả được Thế Tôn đề cập như sau: "Tùy
theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt
và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm,
có tứ. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ànanda cũng ly dục, ly bất thiện
pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do
ly dục sanh, có tầm, có tứ"?
-- Thưa Tôn giả, không phải vậy.
15) -- Này Hiền giả, có phải trước
mặt Thế Tôn và giữa chúng Tỷ-kheo Tăng, ta được Thế Tôn đề cập
như sau: "Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta ly dục, ly bất thiện
pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do
ly dục sanh, có tầm, có tứ. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng
ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một
trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ"?
16-29) (Chín thứ đệ định và năm
trí giống như trên.)
30) Hiền giả nghĩ thế nào? Này Hiền
giả, có phải, này Ananda, trước mặt Thế Tôn và giữa chúng Tỷ-kheo Tăng,
Hiền giả được Thế Tôn đề cập như sau: "Và Ta, này các Tỷ-kheo,
với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng
trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát. Này các Tỷ-kheo, Ànanda cũng vậy, với sự đoạn tận các lậu hoặc,
ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và
an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát"?
-- Thưa Tôn giả, không phải vậy.
31) -- Chính ta, này Hiền giả, trước
mặt Thế Tôn và giữa chúng Tỷ-kheo, được Thế Tôn đề cập như sau:
"Này các Tỷ-kheo, với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại
tự mình với thắng trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm
giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng vậy, với sự
đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng
ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát".
32) Này Hiền giả, ai nghĩ rằng có
thể che đậy sáu thắng trí của ta được, thời không khác gì họ nghĩ rằng
có thể lấy một lá cây ta-la mà che đậy một con voi lớn đến bảy hay tám
khuỷu tay rưỡi bề cao.
IV
33) Nhưng Tỷ-kheo-ni Thullatissà đã
từ bỏ đời sống Phạm hạnh.
XI. Y Aó (Tạp 41.26, Chúng Giảm
Thiểu, Đại 2, 302c Biệt Tạp 6,13, Đại 2, 417c) (S.ii,217)
1) Một thời Tôn giả Mahà Kassapa
trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm) tại chỗ nuôi dưỡng các
con sóc.
I
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda
đang đi du hành ở Dakhinàgiri (Nam Sơn), cùng với đại chúng Tỷ-kheo.
3) Lúc bấy giờ có khoảng ba mươi
Tỷ-kheo đệ tử của Tôn giả Ananda, phần lớn còn trẻ tuổi, từ bỏ sự
tu học và hoàn tục.
II
4) Rồi Tôn giả Ananda, sau khi du
hành ở Nam Sơn, tùy theo ý muốn, rồi đi đến Vương Xá, Trúc Lâm, tại
chỗ nuôi dưỡng các con sóc, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa, sau khi đến,
đảnh lễ Tôn giả Mahà Kassapa rồi ngồi xuống một bên.
5) Tôn giả Mahà Kassapa nói với
Tôn giả Ananda đang ngồi xuống một bên:
-- Duyên bao nhiêu lợi ích, này Hiền
giả Ananda, Thế Tôn chế định điều luật "Chỉ ba người ăn" đối
với các gia chủ?
6) -- Duyên ba lợi ích, thưa Tôn giả
Kassapa, nên Thế Tôn chế định điều luật "Chỉ ba người ăn" đối
với các gia chủ, để ngăn chận các người ác giới, vì sự lạc trú của
các Tỷ-kheo chánh hạnh, chớ để cho ai dựa vào những ác đảng phá hoại
chúng Tăng, và vì lòng từ mẫn đối với các gia đình. Thưa Tôn giả
Kassapa, do duyên ba lợi ích này nên Thế Tôn chế định điều luật
"Chỉ ba người ăn" đối với các gia chủ.
7) -- Vậy thời vì sao, này Hiền giả
Ananda, Hiền giả lại cùng du hành với những tân Tỷ-kheo này, những người
không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh
giác? Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ dẫm đạp ngũ cốc! Ta
nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ phá hoại lương gia! Hội chúng của
Hiền giả, này Hiền giả Ananda, đang sụp đổ. Đồ chúng niên thiếu của
Hiền giả, này Hiền giả, đang tan rã! Đứa trẻ này không biết lượng sức
mình!
8) -- Thưa Tôn giả Kassapa, trên đầu
tôi, tóc bạc đã sanh, tuy vậy, hôm nay Tôn giả Mahà Kassapa gọi tôi là đứa
trẻ, tôi không có phật lòng.
9) -- Thật vậy, này Hiền giả
Ananda, Hiền giả du hành với những tân Tỷ-kheo này, những người không hộ
trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác. Ta
nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ dẫm đạp ngũ cốc! Ta nghĩ Hiền
giả hành động thật là kẻ phá hoại lương gia! Hội chúng của Hiền giả,
này Hiền giả Ananda, đang sụp đổ. Đồ chúng niên thiếu của Hiền giả,
này Hiền giả, đang tiêu diệt. Đứa trẻ này không biết lượng sức mình.
III
10) Tỷ-kheo-ni Thullatissà được
nghe Tôn giả Ananda, bậc Thánh Vedeha lại bị Tôn giả Mahà Kassapa không
hài lòng và gọi là "đứa trẻ".
11) Rồi Tỷ-kheo-ni Thullatissà không
hoan hỷ và thốt ra những lời không hoan hỷ: "Sao Tôn giả Mahà
Kassapa, trước kia là người theo ngoại đạo, lại nghĩ có thể không hài
lòng và gọi Tôn giả Ananda, bậc Thánh Vedeha là đứa trẻ?"
12) Tôn giả Mahà Kassapa được nghe
những lời của Tỷ-kheo-ni Thullatissà nói như vậy.
13) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa nói với
Tôn giả Ananda:
-- Này Hiền giả Ananda, lời nói của
Tỷ-kheo-ni Thullatissà thật là đường đột, không đắn đo suy nghĩ! Này
Hiền giả, vì rằng ta là người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất
gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, ta không chấp nhận một Đạo
Sư nào khác ngoài Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác.
14) Này Hiền giả, trong khi ta còn
là gia chủ, ý nghĩ sau đây được khởi lên: "Chật hẹp thay đời sống
tại gia, đầy những bụi đời! Còn xuất gia như đời sống ngoài trời.
Thật không dễ dàng ở trong gia đình có thể sống Phạm hạnh, hoàn toàn
viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ
râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình".
15) Rồi này Hiền giả, sau một thời
gian ta lấy vải cắt làm áo Tăng-già-lê, và theo thông lệ các vị Ứng
Cúng ở đời, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình.
16) Xuất gia như vậy, ta đang đi trên
đường, thấy Thế Tôn ngồi tại ngôi đền Bahaputta giữa Ràjagaha và
Nàlandà. Thấy vậy, ta suy nghĩ như sau: "Ôi thật thế chăng, ta có thể
thấy bậc Đạo Sư, tức là có thể thấy bậc Thế Tôn! Ôi thật thế chăng,
ta có thể thấy bậc Thiện Thệ, tức là có thể thấy bậc Thế Tôn! Ôi
thật thế chăng, ta có thể thấy bậc Chánh Đẳng Giác, tức là có thể
thấy bậc Thế Tôn?"
17) Và này Hiền giả, ngay tại chỗ
ấy, ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
"-- Bạch Thế Tôn, Đạo Sư của
con là Thế Tôn. Con là đệ tử".
18) Khi nghe nói vậy, này Hiền giả,
Thế Tôn nói với ta:
-- Này Kassapa, những ai với tâm trọn
vẹn đầy đủ, không biết một đệ tử mà nói rằng tôi biết, không thấy
mà nói rằng tôi thấy, đầu người ấy sẽ vỡ tan. Còn Ta, này Kassapa, Ta
biết thời Ta nói Ta biết, Ta thấy thời Ta nói Ta thấy.
19) Do vậy, này Kassapa, Ông phải học
tập như sau: ‘Một tâm quý thật sắc sảo sẽ phải được thiết lập
giữa các vị Trưởng lão, niên thiếu và trung niên’. Này Kassapa, Ông phải
học tập như vậy.
20) Do vậy, này Kassapa, Ông phải học
tập như sau: ‘Phàm pháp gì tôi nghe, liên hệ đến thiện, sau khi đặc biệt
chú ý, tác ý, tập trung tất cả tâm (lực), tất cả pháp ấy tôi đều lóng
tai nghe’. Này Kassapa, Ông phải học tập như vậy.
21) Do vậy, này Kassapa, Ông phải học
tập như sau: ‘Phàm niệm gì thuộc về thân hành, câu hữu với hỷ, ta sẽ
không bỏ niệm ấy’. Này Kassapa, Ông phải học tập như vậy".
22) Rồi này Hiền giả, Thế Tôn
sau khi giáo giới ta với lời giáo giới ấy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy
và ra đi.
23) Trong bảy ngày, này Hiền giả,
đang còn phiền não, ta ăn món ăn của quốc độ, đến ngày thứ tám,
chánh trí khởi lên.
24) Rồi này Hiền giả, Thế Tôn từ
trên đường bước xuống và đi đến một gốc cây.
25) Rồi này Hiền giả, ta xấp tư
tấm y Tăng-già-lê làm bằng vải cắt, rồi bạch Thế Tôn:
"-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn
hãy ngồi xuống ở đây, để con được hạnh phúc an lạc lâu dài".
26) Này Hiền giả, Thế Tôn ngồi
xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
27) Sau khi ngồi xuống, này Hiền giả,
Thế Tôn nói với ta:
"-- Thật là mềm dịu, này
Kassapa, là tấm y Tăng-già-lê này làm bằng vải cắt của Ông".
"-- Bạch Thế Tôn, mong rằng Thế
Tôn nhận lấy tấm y làm bằng vải cắt này từ nơi con, vì lòng từ mẫu
đối với con".
28) "-- Này Kassapa, Ông có dùng
tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Ta không?".
" -- Con sẽ dùng, bạch Thế
Tôn, tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của
Thế Tôn".
29) Như vậy, này Hiền giả, ta
cúng cho Thế Tôn tấm y Tăng-già-lê làm bằng vải cắt; còn ta thời dùng
tấm y phấn tảo của Thế Tôn, làm bằng vải gai thô đáng được quăng bỏ.
30) Và này Hiền giả, nếu ai có
nói về ta một cách chơn chánh, thời ta là con ruột Thế Tôn, sanh ra từ
miệng, do pháp sanh, do pháp hóa sanh, thừa tự Chánh pháp và đã nhận được
tấm y phấn tảo, làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ.
31) Này Hiền giả, tùy theo mong muốn,
ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một
trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
32-46) Và này Hiền giả, tùy theo
mong muốn, ta... (chín thứ đệ định và năm thắng trí)...
47) Và này Hiền giả, do đoạn tận
các lậu hoặc, ngay trong hiện tại ta tự mình với thắng trí chứng ngộ,
chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
48) Này Hiền giả, ai nghĩ rằng có
thể che đậy sáu thắng trí của ta được, thời không khác gì nghĩ rằng
có thể lấy một lá cây ta-la mà che đậy một con voi lớn đến bảy hay tám
khuỷu tay rưỡi bề cao.
49) Nhưng Tỷ-kheo-ni Thullatissàa đã
từ bỏ đời sống Phạm hạnh.
XII. Sau Khi Chết (Tạp 32.1, Ngoại
Đạo, Đại 2, 226a) (Biệt Tạp 6.14, Đại 2, 419a) (S.ii.222).
1) Một thời Tôn giả Mahà Kassapa
và Tôn giả Sàriputta trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isipatana (chư Tiên
đọa xứ), ở Migadaya (Lộc Uyển).
2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi
chiều từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà
Kassapa; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả
Sàriputta nói với Tôn giả Mahà Kassapa:
-- Này Hiền giả Kassapa, có phải
Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
-- Này Hiền giả, Thế Tôn không
có tuyên bố: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
4) -- Như vậy, này Hiền giả, có
phải Như Lai không tồn tại sau khi chết?
-- Cũng vậy, này Hiền giả, Thế
Tôn không có tuyên bố: "Như Lai không tồn tại sau khi chết".
5) -- Như vậy, này Hiền giả, có
phải Như Lai có tồn tại, và không tồn tại sau khi chết?
-- Này Hiền giả, Thế Tôn không
có tuyên bố: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết".
6) -- Vậy này Hiền giả, có phải
Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Cũng vậy, này Hiền giả, Thế
Tôn không có tuyên bố: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại
sau khi chết".
7) Này Hiền giả, vì sao Thế Tôn
không có tuyên bố như vậy? Vì đây, này Hiền giả, không đưa đến lợi
ích, không đưa đến cứu cánh Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly
tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Thế Tôn không có
tuyên bố như vậy.
8) Vậy này Hiền giả, Thế Tôn
tuyên bố cái gì?
"Đây là khổ", này Hiền
giả, Thế Tôn đã tuyên bố. "Đây là khổ tập", Thế Tôn đã
tuyên bố. "Đây là khổ diệt", Thế Tôn đã tuyên bố. "Đây
là con đường đưa đến khổ diệt", Thế Tôn đã tuyên bố.
9) Vì sao, này Hiền giả, Thế Tôn
đã tuyên bố như vậy?
Vì đây, này Hiền giả, đưa đến
lợi ích, đưa đến cứu cánh Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, an tịnh,
thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Thế Tôn đã tuyên bố như vậy.
XIII. Tượng Pháp (Tạp 32.2 Pháp
Giảm Diệt, Đại 2, 226b (Biệt Tạp 6.15, Đại 2, 419b) (S.ii,223)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở
Sàvatthi, Jetavana, vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đi đến
Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả
Mahà Kassapa bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do
duyên gì, thuở trước, học giới có ít hơn nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc
chánh trí nhiều hơn? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ngày nay học
giới có nhiều hơn, nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí ít hơn?.
4) -- Sự việc xảy ra như vậy, này
Kassapa, trong thời các chúng sanh suy giảm, trong thời diệu pháp biến mất,
thời nhiều hơn là các học giới, ít hơn là các Tỷ-kheo chứng đắc chánh
trí.
5) Này Kassapa, diệu pháp không biến
mất cho đến khi nào tượng pháp không hiện ra ở đời. Và Kassapa khi nào
tượng pháp hiện ra ở đời, thời diệu pháp biến mất.
6) Ví như, này Kassapa, vàng (thật)
không biến mất khi nào vàng giả chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi
nào vàng giả hiện ra ở đời, thời vàng (thật) biến mất.
7) Cũng vậy, này Kassapa, diệu pháp
không biến mất, khi nào tượng pháp chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa,
khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời diệu pháp biến mất.
8-11) Này Kassapa, địa giới không
làm diệu pháp biến mất, thủy giới... hỏa giới... phong giới không làm
diệu pháp biến mất.
12) Ở đây, khi nào các người ngu
có mặt, chính họ làm diệu pháp biến mất.
13) Ví như, này Kassapa, chiếc thuyền
bị chìm vì chở quá nặng. Không phải vì vậy, này Kassapa, diệu pháp bị
biến mất.
14) Này Kassapa, có năm thối pháp
khiến cho diệu pháp bị hỗn loạn và biến mất. Thế nào là năm?
15) Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc
Đạo Sư, sống không tôn kính, không tùy thuận Chánh pháp, sống không tôn
kính, không tùy thuận chúng Tăng, sống không tôn kính, không tùy thuận học
giới, sống không tôn kính, không tùy thuận đối với Thiền định.
Này Kassapa, chính những thối pháp
này đưa đến sự hỗn loạn, sự biến mất của diệu pháp.
16) Và có năm pháp, này Kassapa,
đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp. Thế
nào là năm?
17) Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống kính trọng, tùy thuận bậc Đạo
Sư, sống kính trọng, tùy thuận Chánh pháp, sống kính trọng, tùy thuận
chúng Tăng, sống kính trọng, tùy thuận học giới, sống kính trọng tùy
thuận Thiền định.
18) Chính năm pháp này, này Kassapa,
đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp.