Đức
Phật và Phật pháp
HT. Narada
Phạm Kim Khánh dịch
- [Phụ Bản 1]
- Hạnh Phúc Kinh (Mangala
Sutta)
Tôi có nghe như vầy:
Vào một thời nọ Đức Thế Tôn
ngự tại Jetavana (Kỳ Viên) của Trưởng Giả Anathapindika [2] (Cấp Cô Độc),
gần thành Savatthi (Xá Vệ) [3].
Lúc bấy giờ, đêm về khuya, có một
vị Trời hào quang chiếu diệu sáng tỏa toàn khu Kỳ Viên, đến hầu Phật,
lại gần nơi Phật ngự, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng sang một bên.
Khi đã đứng yên, vị Trời cung kính bạch với Đức Thế Tôn bằng lời
kệ [4]:
1. Chư Thiên và nhân loại đều cầu
mong được an lành, và ai cũng suy tìm hạnh phúc. Kính Bạch Đức Thế Tôn,
xin Ngài hoan hỷ chỉ dạy chúng con về Phúc Lành Cao Thượng Nhất. [5]
2. Không kết giao với người ác,
thân cận với bậc hiền trí, và tôn kính bậc đáng kính - là Phúc Lành
Cao Thượng Nhất.
3. Cư ngụ nơi thích nghi [6], đã
có tạo công đức trong quá khứ, và hướng tâm về chánh đạo [7] - là
Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
4. Học nhiều hiểu rộng [8], lão
luyện tinh thông thủ công nghiệp [9], giới hạnh thuần thục trang nghiêm
[10], có lời nói thanh nhã - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
5. Hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ,
thương yêu tiếp độ vợ con, và hành nghề an lạc - là Phúc Lành Cao Thượng
Nhất.
6. Rộng lượng bố thí, tâm tánh
trực giác, giúp đỡ họ hàng, và tạo nghiệp chân chánh - là Phúc Lành
Cao Thượng Nhất.
7. Loại trừ và ngăn ngừa nghiệp
ác [11], thận trọng kiêng cữ các chất say, vững vàng giữ gìn phẩm hạnh
- là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
8. Đức hạnh biết tôn kính [12],
khiêm tốn, biết đủ, biết ơn và đúng lúc, lắng nghe Giáo Pháp (Dhamma)
[13] - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
9. Nhẫn nhục, biết vâng lời, thường
gặp gỡ bậc Sa Môn (Samanas) [14] và tùy thời, luận đàm về Giáo Pháp -
là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
10. Tự kiểm soát, sống đời Thánh
Thiện, quán tri Tứ Đế, liễu ngộ Niết Bàn - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
11. Người mà tâm không giao động
khi tiếp xúc với thế gian pháp [15], Không Sầu Muộn, Vô Nhiễm và An Toàn
[16] - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
12. Đối với những ai đã viên
mãn hoàn thành các pháp trên [17], ở mọi nơi đều không thể bị thất bại,
đi khắp nơi đều được hạnh phúc - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất [18].
-oOo-
Chú Giải Hạnh Phúc Kinh
[1] So sánh với Túc Sanh Truyện
Mahamangala Jakata (số 453). Bài kinh này được ghi trong bộ Sutta Nipata và
Khuddaka Nikaya.
[2] Anathapindika, theo nghĩa trắng là
"Người cho ăn đến kẻ cô đơn không được giúp đỡ" hoặc
"Nuôi sống những người bị bỏ rơi", ta thường gọi là Cấp Cô
Độc. Tên thật của ông là Sudatta. Sau khi quy y trở thành Phật tử, ông
mua một khu rừng tươi tốt của Ông Hoàng Jeta (Kỳ Đà) và xây dựng một
ngôi đạo tràng có tên là Jetavanarama (Kỳ Viên Tịnh Xá). Nơi đây Đức
Phật cư ngụ phần lớn đời Ngài.
Muốn có nhiều chi tiết về
Sudatta, đọc Kindred Sayings, phần I, trang 27; và Vinaya Text, tập iii, trang
179.
[3] Savathi, tên ngày nay là
Sahet-Mahet.
[4] Bản Chú Giải ghi nhận rằng
ngày kia có một cuộc bàn thảo sôi nổi xảy ra trong "Hội Trường"
nhằm tìm hiểu thế nào là phúc lành cao thượng nhất.
Đông người, mỗi người có một
ý kiến riêng. Có người chủ trương rằng sáng sớm ra đường thấy một
điềm lành (như gặp một người mẹ bồng con, một em bé, một con bò trắng,
v.v...) là phúc lành.
Những người có ý kiến khác nhau
chia làm ba nhóm, mạnh mẽ bênh vực ý kiến của nhóm mình, và cuộc bàn
cãi sôi nổi lan tràn đến cảnh giới chư thiên. Các vị Trời cũng không
đồng ý với nhau, không thỏa mãn được với những cuộc tranh luận, đem
câu chuyện lên đến Vua Trời Sakka (Đế Thích).
Sau cùng, Vua Trời Sakka đề cử một
vị Trời đại diện đến hầu Phật và cung thỉnh tôn ý Ngài. Chính vị
Trời ấy đến gần Đức Thế Tôn và bạch hỏi bằng câu kệ.
[5] Phúc Lành Cao Thượng Nhất. Theo
Bản Chú Giải, Mangala có nghĩa là những gì dẫn đến hạnh phúc và thịnh
vượng. Theo các nhà ngữ nguyên học, danh từ này chia làm ba phần:
"Man" là trạng thái khốn khổ, "ga" là đưa đến và
"la" là cắt đứt. Các Ngài gộp chung ba phần lại và giải thích
"Mangala" là "cái gì chặn đứng con đường đưa đến trạng
thái khốn khổ".
[6] Cư ngụ nơi thích nghi. Tức là
nơi nào Tứ Chúng (chư vị Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Cận Nam và Tín Nữ) thường
cư trú, thường có những người tâm đạo nhiệt thành thực hành thập
thiện nghiệp, và nơi mà Giáo Pháp được xem là quy tắc của đời sống.
(Bản Chú Giải).
[7] Hướng tâm về chánh đạo. Tức
là hướng cái tâm đồi bại vô luân về đạo đức chân chánh, tâm mất
đức tin về niềm tin chân chánh và tâm ích kỷ vị ngã về lòng quảng đại
vị tha. (Bản Chú Giải).
[8] Học nhiều hiểu rộng.
Bahusutta, theo nghĩa trắng là "người có nghe nhiều", đa văn. Danh từ
này hàm ý là người có học vấn uyên bác thâm sâu. Vào thời xưa không
có sách vở, vì lẽ ấy, người nhớ nhiều giáo huấn của thầy được
xem là học rộng, hiểu sâu. Nơi đây học rộng, hay "nghe nhiều"
có nghĩa là người thông hiểu Giáo Pháp (Dhamma) một cách sâu xa.
[9] Bản Chú Giải đề cập đến
hai loại công ăn việc làm: nghề không làm tổn hại đến ai của người
sống tại gia, như thợ bạc, thợ rèn v.v... và nghề của người xuất gia
như vá y v.v...
[10] Vinaya, tức giới hạnh trang
nghiêm trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Bản Chú Giải đề cập đến hai
loại giới hạnh: giới của người tại gia, tức không vi phạm thập bất
thiện nghiệp và giới hạnh của hàng xuất gia như bảy loại vi phạm được
kể trong Giới Bổn (Patimokkha), hoặc nghiêm trì Tứ Thanh Tịnh Giới.
[11] Hoàn toàn lánh xa ác nghiệp,
không phải chỉ tiết chế chừng mực.
[12] Tức tôn kính Đức Phật và
các môn đệ của Ngài, tôn kính Thầy, cha, mẹ, bậc trưởng thượng
v.v... (Bản Chú Giải).
[13] Thí dụ như lúc ta bị những tư
tưởng ô nhiễm ám ảnh, khuấy động.
[14] Những người đã đè nén khát
vọng của mình.
[15] Thế gian pháp (lokadhamma), gồm
có tám là: được và thua, danh thơm và tiếng xấu, tán dương và khiển
trách, đau khổ và hạnh phúc (xem Chương 43).
[16] Asokam, Virajam và Khemam. Mỗi
danh từ trong ba Phạn ngữ này đều hàm xúc tâm của một vị A La Hán.
Asoka là không sầu não, phiền muộn. Virajam là không có những ô nhiễm
tham ái, sân hận và si mê. Khema là an toàn không bị trói buộc trong những
thằng thúc tham dục (Kama), trở thành, hữu (Bhava), tà kiến (Ditthi) và vô
minh (Avijja) -- (dục lậu, hữu lậu, tà kiến lậu và vô minh lậu).
[17] Tức ba mươi tám Phúc Lành kể
trên. (Bản Chú Giải).
[18] So bản dịch trong quyển "Buddhism"
trang 125 của Rhys David và "Some Sayings of the Buddha" của Woodward,
trang 56.