- Kinh Hiền Ngu
- Thích Trung Quán dịch
- Phẩm thứ mười tám
- XUẤT GIA CÔNG ĐỨC
CHÍNH tôi được nghe: Một
thuở nọ đức Phật ở nước Ma Già Đà, tại thành Vương Xá trong vườn
Trúc Ca Lan Đà.
Buổi thuyết pháp này đức Phật nói
về công đức xuất gia. Ngài nói rằng:
- Nếu người nào cho con trai con
gái, đứa ở trai đứa ở gái, hoặc người dân hay chính mình đi xuất
gia, công đức ấy thực là vô biên nếu đem tỷ với phước báu của bố
thí, dầu có được hưởng phúc đến mười đời trên cõi nhân, cõi
thiên cũng không bằng công đức cho một người đi xuất gia hay tự mình
đi xuất gia.
Tại sao thế? Vì phúc báo bố thí
chỉ có hạn định, còn phúc xuất gia không có hạn định, nên không thể
bì kịp, hoặc phúc báu trì giới, hoặc phúc của các vị thần tiên có đủ
năm phép thần thông, cho đến phúc báu cùng tột của cõi trời Phạm
Thiên, đem ví với phước báu xuất gia trong Phật – Pháp cũng không sánh
nổi, hơn nữa người xuất gia còn được đạo Niết bàn, nên phước ấy
không thể nói bàn cho xiết được.
Giả như có người nào, xây tháp bằng
Thất Bảo, cao tới cõi trời Đao Lợi, công đức ấy cũng chưa bằng cho
người đi xuất gia, vì tháp Thất Bảo kia có ngày bị kẻ gian ác ngu si
phá hủy.
Muốn cầu một pháp lành, ngoài Phật
Pháp ra không còn pháp gì có thể cao hơn. Cũng tỷ như một trăm người, bị
lòa đôi mắt, gặp thầy thuốc chữa lành sáng tỏ, hoặc trăm người bị
tội móc mắt gặp được người có sức hùng mạnh cứu thoát, phước cứu
hai người nói trên, tuy lớn nhưng không bằng cho một người đi xuất gia.
Đức xuất gia cao cả, phước cứu
hai người lành đôi mắt chỉ được một đời, rồi đây nó cũng bị hoại.
Cho người đi xuất gia, hay tự mình
đi xuất gia, sau khi được thành tựu quả Bồ Đề họ sẽ đem giáo lý đạo
Phật giáo hóa chúng sinh, được con mắt trí tuệ muôn ngàn kiếp bất diệt,
vì con mắt trí tuệ không bao giờ bị hoại.
Những người được hưởng phúc
trong cõi nhân cõi thiên, chỉ phóng túng say mê về dục vọng, họ không
có con mắt trí tuệ nhận xét: Nó là giả dối, không sự thật, nó là hố
lửa sâu, thui đốt con người ngu si tham vọng, nó làm hầm cạm bẫy đưa
dắt người vào nơi ác thú luân hồi.
Pháp xuất gia tiêu diệt họ hàng
nhà ma, làm lợi ích cho dòng xuất thế của Phật Pháp, nuôi thiện pháp,
trừ tội cấu, thêm phúc lành, được thành Phật.
Đức Phật nói: - Công đức xuất
gia cao như núi Tu Di, sâu như biển cả, rộng như hư không.
Những ai làm cản trở người phát
tâm đi xuất gia, kẻ đó sẻ bị tội đọa vào địa ngục hắc ám, và
không có mắt, cũng ví như tất cả các nước sông lớn sông nhỏ, ngòi, lạch,
suối, ao, đều chảy về biển, tội báo của kẻ đó cũng thế, những tội
ác chất ở thân kẻ đó cũng ví như núi Tu Di bị thời tai kiếp đốt cháy
tiêu tan, kẻ đó vào địa ngục hỏa thiêu vô thời hạn, cũng như vị thuốc
độc Ca Lưu Lâu Hê Ni đem tỉ với vị thạch, một sự báo ứng của thiện
ác cũng thế.
Cho người đi xuất gia, hay chính
mình đi xuất gia, công đức như trời xanh, như biển thẳm. Người xuất
gia lấy kinh điển làm nước, để rửa những cấu nhơ của nghiệp kết sử,
trừ bỏ được khổ, sinh, già, bệnh, chết, và làm cái nhân của đạo Niết
bàn, lấy giới làm chân bước lên đất thanh tịnh trang nghiêm, lấy luật
làm mắt để coi xem những thiện ác của thế gian, đi trên đường Bát
Chánh tới thành Niết Bàn, vì những lợi ích ấy nên cho người đi xuất
gia, hay tự mình đi xuất gia.
Thời đó có một Trưởng giả tên
là Thi Lợi Bí Đề (Tàu dịch là Phúc Tăng) tuổi đã một trăm, nghe biết
người ta thuật lại công đức xuất gia cao cả như vậy, ông thầm nghĩ
như vầy:
- Ta nay tuổi đã già yếu đối với
việc xuất gia tu đạo trong Phật Pháp, phúc đức lớn lao, sao lại không
xuất gia chả uổng lắm ư?
Nghĩ xong gọi vợ con lên bảo:
- Bà và các con ở nhà làm ăn, tôi
muốn đi xuất gia tu đạo, có vui lòng không?
Ông lão này vợ con đều ghét bỏ,
vì ông chỉ ăn hại, không làm được việc gì, lại hay bẳn gắt, nên họ
đều mừng và trả lời:
- Dạ! Phải, nguyện ông đi cho rồi,
đi sớm được giờ phút nào, là hay cho lũ tôi giờ phút đó!
Ông lên đường đi hỏi thăm đến
vườn Trúc nơi đức Thế Tôn ngự. Tới nơi không may ngày đó Phật đi vắng,
ông vào hỏi các vị Tỷ Khưu rằng:
- Bạch Đại Đức, Phật Ngài ngự
phòng nào, xin chỉ giùm tôi?
- Đức Thế Tôn, Ngài đi giáo hóa
nơi khác không có ở nhà!
- Bạch Đại Đức, Phật đi vắng
thì vị thượng túc của Ngài là ai?
Các vị đều chỉ tay đến chỗ ngài
Xá Lợi Phất, ông lão lọm khọm chống gậy tới, bỏ gậy xuống đất chắp
tay làm lễ thưa rằng:
- Bạch lạy Đại Đức Thế Tôn Giả
con một lòng thành kính tới đây xin xuất gia học đạo, cúi xin Ngài từ
bi thâu nạp, được đội ơn vạn bội!
Ngài Xá Lợi Phất đưa mắt nhìn
xong tự nghĩ rằng:
Người này già yếu, học hỏi, tọa
thiền, trợ việc chúng, trong ba việc, không làm được một, có tu cũng vô
ích.
Nghĩ rồi đáp rằng: - Ông già yếu
lắm rồi, không thể xuất gia được.
Sau ông đi thưa với Ngài Ca Diếp,
Ngài Ưu Ba Ly, Ngài A Nâu Lâu Đà, cuối cùng đến năm trăm vị La Hán, các
vị đều hỏi:
- Ông đã thưa với vị nào chưa?
Ông đều thưa với các vị rằng:
- Trước hết con hướng đức Thế
Tôn, nhưng Ngài không có ở Tịnh xá, con có thưa với Ngài Tôn Giả Xá Lợi
Phất, Ngài nói rằng ông già yếu lắm rồi, không thể xuất gia được.
Thì các vị đều trả lời rằng:
- Ngài Xá Lợi Phất là một vị
trí tuệ thứ nhất, còn không dám thâu nạp vào hàng xuất gia, ta cũng thế,
cũng tỷ như một ông thầy thuốc giỏi, biết bệnh nhân không thể chữa
được, ngoài ra các thầy lang khác cũng phải khoanh tay, còn chữa sao nổi,
độ sao được!
Có lẻ ông lão này tử tướng đã
xuất hiện, nên Ngài Xá Lợi Phất không độ, cho đế⮠các vị Tỷ Khưu
cũng từ chối.
Ông Thi Lợi Bí Đề xin xuất gia không
được, trở ra ngoài ngõ Trúc viên than khóc một mình rồi lẩm bẩm nói:
- Ta từ thuở sinh làm người đến
nay, chưa làm một lỗi gì lớn, thế mà tại sao chỉ riêng một mình ta
không được xuất gia? Ông Ưu Ba Ly là người bần tiện, ông Ni Đề là người
hốt phân thuê, ông Ương Quật Ma La là kẻ giết người rất nhiều, ông
Đà Tắc Ky là kẻ ác nhân làm giặc, mà còn được xuất gia? Vậy mình
có tội gì không được xuất gia?
Đương phàn nàn một mình, hốt
nhiên thấy Phật đứng ở trước mặt, ông nhìn thấy quang minh chói sáng,
tướng mạo đoan nghiêm, tựa như vua Thiên Đế Thích trên cung trời Đao Lợi.
Phật hỏi: - Thi Lợi Bí Đề làm
sao khóc?
Ông vui mừng quá! Vội vàng cúi đầu
lễ dưới chân khóc mà bạch rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Có những
chúng sinh: Kẻ giết người, kẻ làm giặc, kẻ nói dối, kẻ phỉ báng, kẻ
hạ tiện, những kẻ đó đều xuất gia, con xét thân con từ thuở sinh làm
người đến nay đã một trăm tuổi chưa từng làm điều gì ác, mà các vị
Tỷ Khưu không thâu nhập cho con được xuất gia! Bạch lạy đức Thế Tôn!
Ở nhà thì vợ con ghét bỏ, đến đây nương bóng từ bi Ngài không có ở
Tịnh Xá, các vị Tỷ Khưu cho con già quá không nhận, bây giờ về cũng khốn
nên con muốn bỏ mạng ở nơi đây.
Phật hỏi: - Ai nói người này được
xuất gia kẻ kia già không được xuất gia?
- Kính lạy đức Thế Tôn, Ngài Thượng
Túc Xá Lợi Phất!
Ngài an ủi ông rằng:
- Thôi chớ buồn nữa, ta sẽ cho xuất
gia tu học, ông Xá Lợi Phất không phải là một người đã chăm làm những
hạnh khổ trong ba đại kiếp A Tăng Kỳ và đã tu phúc trong trăm kiếp,
ông không phải đời ấy đời khác đã chăm làm những việc rất khó, như:
Chặt đầu móc mắt, chẻ xương lấy tủy, óc, cắt thịt chọc tiết, lột
da, chẻ xương chân tay, cắt cái mũi bố thí; ông không phải là người đã
đem mình cứu hổ đói nhảy xuống hố lửa sâu, đóng trên mình một ngàn
cái đinh để cầu nghe đạo, khoét mình ra một ngàn lỗ để đốt đèn;
ông không phải là người đã đem quốc, thành thê, tử, nô tỳ, voi, ngựa,
thất bảo ra bố thí, ông không phải là người kiếp sơ A Tăng Kỳ cúng
dàng tám vạn tám ngàn đức Phật, kiếp hậu A Tăng Kỳ cúng dàng mười vạn
ức đức Phật, xuất gia giữ giới đầy đủ đối với pháp tự tại
ông Xá Lợi Phất không có thể nói: Người này được xuất gia, hay kẻ
kia không được xuất gia, Ta một người đối với pháp tự tại cỡi xe Lục
Độ, mặc áo giáp Nhẫn Nhục, ngồi tòa Kim Cương, dưới cội cây Bồ Đề
hàng phục Ma Vương thành ngôi Vô Thượng Pháp Vương, không ai bằng ta, người
an tâm theo ta về Tinh Xá, ta sẽ cho xuất gia.
Đức Thế Tôn an ủi xong làm cho nỗi
phiền não của ông được tiêu tan, trong lòng vui vẻ sạch lâng! Theo sau Phật
về.
Khi về tới Tinh Xá đức Phật, gọi
ông đại Mục Kiền Liên giao cho phải chịu trách nghiệm dạy bảo và thế
phát làm lễ xuất gia.
Vì Đức Phật, Ngài có con mắt
trí tuệ nhận thấy những chúng sinh có duyên với người nào thì người
ấy mới độ được. Tỷ như người có duyên với Phật thì Phật độ
cho họ, người khác không độ được, người có duyên với người khác
thì người khác độ, Phật không độ được, người có duyên với Ngài
Xá Lợi Phất thì Ngài Xá Lợi Phát độ cho họ, chứ Ngài Mục Liên, Ngài
Ca Diếp, Ngài A Na Luật, Ngài Kim Tỳ La và tất cả vị Thanh Văn sao độ
cho họ được, vì họ không có duyên với các vị. Nói tóm lại những người
có duyên với mình, thì mình độ, không có duyên thì không thể độ được.
Ngài Mục Liên vâng lời Phật lãnh
trách nhiệm, rồi thầm nghĩ như vậy:
- Ông lão này niên cao già yếu, tụng
kinh, tọa thiền, trợ việc chúng ba việc không được một. Song Phật đã
giao cho, ta lẽ nào dám trái mạng.
Sau ít bữa thế phát đăng đàn thọ
giới cụ túc.
Tuy thế nhưng ông lão đã có trồng
nhân lành với Phật Pháp từ đời quá khứ, đã từng tu tập các công đức,
các pháp môn của Phật giáo, nên kiếp này tuy xuất gia muộn, nhưng sự
tinh anh học hiểu rất mau chóng.
Từ khi ông được thế phát xuất
gia làm Sa môn ngày đêm cố gắng tu tập nghe rành hiểu rõ, nên chẳng bao
lâu đã khai ngộ.
Hiềm vì tuổi già sức yếu nên
oai nghi lễ kính đối với các Thượng Tọa không đủ bổn phận, các vị
niên thiếu Tỷ Khưu, thấy ông có những hành vi thô tháo, không có lễ độ
nhà thiền, cũng có khi răn bảo hoặc quở trách, thì ông lại kiêu căng tự
đại, cậy mình niên cao học rộng, không chịu cung kính thừa sự. Thấy
các vị có cử chỉ đối với mình như vậy, ông thầm nghĩ vầy:
- Ta ở tại gia vợ con ghét bỏ
xúc não, nay đi xuất gia, mong được chỗ an vui, qua con mắt trái ngược
nơi tục lụy, ai ngờ lại bị các Tỷ Khưu niên thiếu khinh miệt, không
biết ta phải tội gì đến thế, lại thêm nghiệp phiền não cho ta, thà bỏ
mạng cho qua đời là hết chuyện.
Ông liền đi sang khu rừng, bên đó
có một con sông, vừa sâu vừa chảy mạnh, cởi áo Cà Sa vắt trên cành
cây, quỳ thẳng chắp tay hướng lên tấm áo khóc mà thề rằng:
- Con xin bỏ mạng nơi đây, nhưng
không bỏ Phật, Pháp, Tăng, cái áo của con đây, xin dâng cúng các vị Tỷ
Khưu trì giới thanh tịnh tinh tiến tu hành, nguyện xả thân này, được
sinh vào nhà phú quý vui vẻ! Họ hòa thuận không làm ngăn cản những thiện
pháp con muốn làm, và được gặp ngôi Tam Bảo xuất gia tu đạo, đắc ngộ
minh sư thiện hữu, chỉ bảo cho những ý nghĩa lý sâu huyền tu chứng
thành công trên đường giải thoát an lạc.
Thế rồi, ông nhảy xuống sông.
Khi đó Ngài Mục Kiền Liên ở trong rừng Trúc, dùng thiên nhãn nhìn xem
ông đệ tử già mình làm gì, chợt thấy ông nhảy xuống sông, Ngài dùng
lực thần túc vớt ông lên bờ, rồi bay tới tận nơi hỏi:
- Pháp Tử làm gì thế?
Thi Lợi Bí Đề ngửa mặt nhìn thấy
thầy, thẹn hổ quá! Và cũng không biết dùng lời lẽ gì để thưa cùng
thầy, ông thầm nghĩ:
- Ta không nên nói dối thầy, đời
đời bị tội không lưỡi. Song thầy ta có thần thông biết trước, nếu
ta nói dối thầy ta cũng biết. Trên đời những người có trí tuệ thông
mình tính chất thật thà ngay thẳng, các ông trời còn phải kính trọng, nếu
người có trí tuệ mà tâm siểm dối, cũng làm nhân sư và được người
ta cúng dàng, người không có trí tuệ mà tâm ngay thẳng, tuy không giúp
được người, nhưng đã tự cứu được mình, nếu kẻ vừa ngu si vừa siểm
nịnh lừa dối thì bị người ta khinh rẻ chê bai, là đồ hèn hạ, dẫu
có nói gì người ta đều cho là kẻ lừa bịp không tin dùng, ấy thế nếu
nói dối thầy dĩ nhiên không hay cho bản thân ta.
Thưa rằng: - Bạch thầy con đã
chán cái cảnh tục lụy, đi xuất gia để cầu an lạc, trái lại không thấy
an lạc, mà chỉ thấy phiền não nhiều! Vì thế con muốn bỏ mạng ở đây,
xin thầy xá tội!
Ngài Mục Liên thầm nghĩ:
- Ông lão này nếu ta không dùng một
phương pháp sợ hãi thì đối với việc xuất gia của ông không kết quả.
Nghĩ xong nói: Pháp Tử hãy nắm chặt
lấy góc áo Cà Sa của ta, khi bay lên hư không phải chính niệm chớ có loạn
tưởng.
- Dạ! Thầy dạy con xin tuân mạng.
Ông nắm áo cẩn thận, Ngài bay
vút lên hư không như cơn gió thổi mạnh, ông đệ tử nắm áo Ngài, cũng
như luồng gió cuốn bụi, như chiếc bông bay trên không gian. Chỉ một chớp
loáng đã tới biển cả. Ngài hạ chân xuống bãi, hai thầy trò đi trên
bãi biển, gặp một người con gái mới chết nằm phơi thây dưới ánh mặt
trời, ruồi nhặng ào ào bâu kín, nhìn thấy một con trùng bò ra rồi chui
vào lỗ mũi, sau lại luồn ra hai mắt, qua mắt rút vào lỗ tai, coi rất
ghê sợ. Ngài đứng lại lập phép quán tưởng, quán xong lại đi.
- Bạch Hòa Thượng! Người con gái
này vì lý do gì chết tại đây? Lại có con trùng bò ra, rúc vào như vậy?
- Một lát ta sẽ nói cho hay!
Hai thầy trò đi được vài dặm, gặp
một nguời con gái, đội cái vạc bằng đồng đến mé biển đổ nước
đầy lửa đun sôi sùng sục, cởi áo nhảy vào trong vạc nước sôi ấy,
tóc lông rụng hết, chân tay rã rời, xương thịt tả tơi, nhừ nát thân
thể, nước sôi mạnh quá làm cho xương thịt tung hết ra ngoài, gặp một
cơn gió làm cho da thịt chắp liền với nhau, thành lại hình người như
cũ, người con gái ấy cứ xé thịt mình ra, rồi bỏ vào mồm ăn như ngon
lành lắm. Ông đệ tử già sợ quá hỏi:
- Bạch Hòa Thượng, cô này tội
gì như vậy, xin thầy nói cho con được rõ?
- Hãy khoan! Lát nữa ta nói cho hay!
Hai thầy trò đi khoảng vài dặm,
thấy một thân cây to lớn, có rất nhiều sâu bám kín, cho đến cành lá
chỗ nào cũng có sâu ăn rúc, lại nghe thấy tiếng kêu khóc! Làm cho chấn
động, như tiếng kêu trong địa ngục, sợ quá! Hỏi:
- Bạch Hòa Thượng tiếng kêu đó
là những người nào, tại nguyên nhân gì?
- Hãy khoan! Rồi ta sẽ렮ói.
Thầy trò lại bắt đầu đi, vừa
được một lát, thấy một quả núi lớn có rất nhiều dao kiếm nhọn sắc,
cắm ngược mũi lên trời, tua tủa như các hàng cây mọc, lại thấy một
người nằm lăn mình từ trên đỉnh núi xuống đến chân, thân thể người
ấy bị dao kiếm đâm nát tươm, máu chảy lênh lánh coi rất rùng rợn, hoặc
có cái dao, cái kiếm nào bị đổ, người ấy lại dựng đứng lên như
cũ, rồi bắt đầu trèo lên đỉnh núi lăn như trước, cứ như thế mãi
không thôi.
Sợ quá! Hỏi: - Bạch Hòa Thượng
người này tại sao khổ như thế?
- Hãy khoan, tới thời ta sẽ nói!
Qua quả núi này thấy một người
con trai to lớn, chung quanh mình mọc hình những đầu các con thú rất ghê gớm,
lại thấy các quỷ thần ác, tay cầm cung hoặc nỏ, mỗi cái tên có ba ngạnh,
đầu bịt sắt nhọn có thuốc độc, và cháy đỏ, họ thi nhau, tranh nhau bắn
người con trai ấy, thân thể cháy xám đen, kêu la thảm thiết!
Sợ quá hỏi: - Bạch Hòa Thượng!
Người này phải tội gì như vậy?
- Hãy khoan, rồi ta sẽ nói.
Thầy trò đi được vài dặm thấy
một quả núi lớn, núi này thuần xương không có đất đá, cao tới bảy
trăm do tuần, che khí sáng mặt trời, làm cho khoảnh bể ấy vị tối om,
thầy trò trèo lên đi trên sường núi một cách dạo chơi ung dung, thong thả.
Thi Lợi Bí Đề tự nghĩ, giờ đây ta hỏi những việc vừa qua có lẽ thầy
ta nói, nghĩ xong hỏi:
- Bạch Hòa Thượng! Xin thuật lại
những chuyện việc vừa qua cho con rõ ư.
- Pháp Tử để ý nghe cho kỹ, ta sẽ
nói cho rõ nguyên nhân các câu chuyện vừa qua cho biết.
- Dạ con xin chú ý nghe.
Đầu tiên người con gái chết nằm
trên bãi biển: Cô đó vợ của anh Tát Bạc người nước Xá Vệ có nhan sắc
đẹp, nên anh chồng cô yêu mến lắm. Tát Bạc đi buôn, vì quá yêu vợ,
nên anh đưa vợ đi buôn, cùng với năm trăm người khách buôn ra biển. Cô
này hay điểm tô má phấn môi son trâm gài, lược giắt ra ngắm vào vuốt,
soi gương nhìn thấy mặt đẹp khởi lòng kiêu mạn lại thêm ham mến cái
đẹp của mình. Thuyền đương đi gặp phải con rùa lớn, nó đạp thuyền
bị thủng đắm chìm dưới đáy biển, mọi người đều bị chết cả, biển
không chứa tử thi. Vì thế các quỷ Dạ Xoa, quỷ La Sát làm sóng gió đánh
giạt những thây ấy lên bờ, chúng sinh tùy theo tâm ái luyến và lòng tưởng
niệm khi chết sẽ bị đọa vào nơi ước muốn ấy. Cô này vì yêu sắc
đẹp của mặt mình, tiếc sắc đẹp nên bị đọa làm con trùng để coi cái
bộ mặt, thế cho nên con trùng cứ vơ vẩn từ mồm rúc ra, lại luồn qua
mũi sang tai, vào mắt, mà không được giải thoát.
Nếu ai hỏi: Cứ theo tâm ái luyến
tham trược đâu, thì sinh nơi đó, vậy ai yêu địa ngục làm chi, mà vào
địa ngục cho khổ, thì trả lời họ rằng:
- Kẻ nào lúc bình sinh ăn trộm tiền
của Tam Bảo hoặc của cha mẹ, hoặc sát nhân, tội ấy rất lớn phải đọa
vào địa ngực hỏa thiêu. Kẻ đó trước hết mắc phải bệnh phong hàn
lãnh, làm cho bức não thân tâm, trong lúc óc bệnh luôn luôn nghĩ đến nóng
vì trong người lạnh, nên muốn tìm đến chỗ có lửa, đương khi trưởng
niệm thì chết, hồn trút khỏi xác, tất nhiên nó sẽ theo lòng tưởng niệm
mà đọa vào hỏa ngục.
Nếu kẻ nào ăn trộm đèn thờ Phật
cùng các đồ vật khác, hoặc của chư Tăng đèn đuốc, củi cỏ, hoặc phá
phòng Tăng, giảng đường, hoặc mùa đông rét mướt lột áo của người,
hoặc cậy thế lực, trời rét lấy nước hành phạt người bằng cách dội
nước lên đầu, khiến người ta chết rét, hoặc cướp trộm lột áo người
ta. Tội báo ấy sẽ bị đọa vào địa ngực hàn băng.
Trước hết kẻ đó bị chứng bệnh
nhiệt, làm nóng sốt thân thể cường nhiệt luôn luôn nghĩ đến giá lạnh,
trong khi tưởng niệm ấy thì chết, hồn trút khỏi xác liền đọa vào địa
ngục lạnh, như địa ngục: Ưu Bát La, Bát Đâu Ma, Câu Vật Đà, Phan Đà
Lợi v.v…trong những ngục hàn lãnh này, kẻ tội nhẩn lạnh buốt, thân
thể khô khan như hạt đậu rang, óc tủy như gạo rang, xương đầu tan vụn
ra trăm ngàn muôn phần, xương mình gãy nát như tên vót nhọn.
Nếu kẻ nào mang lòng ham sẻn giựt
của người, làm cho người ta chết đói, đói hoặc ăn uống không có thời
tiết, kẻ ấy sẽ đọa vào loài quỉ đói, trước hết mắc phải bệnh
khí, bụng đầy, ăn uống không tiêu, thầy thuốc xem bệnh lấnhững thức
ăn dỗ dành: Thứ này ngon, thứ này ngọt, thứ này chua, để dễ tiêu, ngươi
cố gắng ăn đi thì bệnh sẽ khỏi. Kẻ bệnh nhân ấy tự phát lòng nóng
giận nói: - Tôi ghê lắm! Tôi sợ lắm! Bao giờ cho con mắt tôi không
trông thấy các món ăn này, trong lúc đương tưởng niệm ấy thì chết, hồn
trút khỏi xác cứ theo tâm tư tưởng, ấy đọa vào quỉ đói (ngạ quỷ).
Cũng có kẻ ngu si không tin ngôi Tam
Bảo, hoặc phỉ báng hoặc khinh hủy, không theo đú鮧 đạo làm người: Cha con hoặc mẹ con, anh em, tông thân
dâm dục hỗn độn không phân biệt, hoặc bất hiếu không tin tội phúc
vân vân…
Khi ốm nằm tựa như con chó, co quắp
không thẳng, đó là do nghiệp sử nhiên, không muốn nghe lời nói lành. Cha
mẹ anh em họ biết rằng: Bệnh nhân phải chết, họ khuyên rằng:
- Tụng kinh cho ngươi nhé! Quy y Phật
cho ngươi nhé! Ngươi nên ngắm kính hình tượng Phật và mời chư Tăng về
thuyết pháp cho ngươi nghe nhé, ngươi chịu khó niệm Phật cho khỏi tội lỗi
được nhiều phúc đức, những của vật này đem bố thí cầu phước cho
ngươi nhé!
Khuyên thế, nhưng tâm kẻ đó vẫn
không vui vẻ! Lại sân nộ ác ý nói: Tôi nguyện rằng "không bao giờ
nghe thấy những lời nói như vậy, đối với tôi, là không có gì hết,
không phúc đức chi hết, chết là hết".
Kẻ đó chết, hồn trút khỏi xác
đọa vào loài súc sinh, vì súc sinh không có văn hóa, đạo đức, không
tôn thân cha mẹ, anh em, cũng do tâm niệm của họ gây nên cả.
Nếu ai ham tu điều lành, trồng
nhân cõi người, giữ năm giới, người ấy sẽ không bị bệnh hoạn làm
bức bách thân tâm tới khi chết tâm ý không rối loạn, biết rằng sắp
chết, nên anh em họ khuyên rằng:
Người muốn nghe Kinh Pháp không? Muốn
ngắm hình tượng Phật không? Muốn gặp chư Tăng nghe thuyết pháp không?
Muốn thọ trai thọ giới không? Muốn cúng dàng Tam Bảo không?
Bệnh nhân đáp: - Hay lắm! Tôi muốn
như thế lắm!
Họ lại nói tiếp cho nghe:
- Tụng kinh ngắm hình Phật, sẽ
được thành Phật đạo; cúng dàng in kinh Pháp, sinh nơi nào cũng có trí tuệ
cao sáng hiểu thấu các pháp tướng; cúng dàng Tăng, sinh nơi nào cũng được
giàu sang sung sướng, ý muốn dùng gì cũng đầy đủ.
Bệnh nhân nghe xong sung sướng phát
nguyện rằng:
- Nguyện cho con sinh nơi nào cũng
được gặp ngôi Tam Bảo nghe Pháp ngộ đạo.
Người đó khi chết được sinh làm
người, nếu người nào trồng nhân thập thiện để cầu sinh thiên hoặc
trì giới thanh tịnh làm hạnh bố thí ham nghe kinh Pháp, chăm tu mười điều:
Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lưỡi
đôi chiều, không nói ác, không giận tức, không ngu si, người ấy lúc mệnh
chung được an vui và nằm ngửa, được nhìn thấy hình tướng Phật, và
nghe nhạc trời, nhan sắc hòa vui, cất tay hướng lên, phút cuối cùng tắt
thở hồn bay lên Trời.
Đây vợ Tát Bác vì ham luyến cái
sắc đẹp của mình, cho nên lúc chết, phải sinh làm con trùng, ở ngay xác
chết của mình, sau khi bỏ thân trùng phải đọa vào địa ngục chịu khổ
vô cùng.
- Bạch Hòa Thượng! Kẻ thiếu phụ
tự ăn thịt của mình căn nguyên tại sao xin nói cho con được rõ?
- Người này ở nước Xá Vệ là
đứa ở gái của một người Ưu Bà Di. Người Ưu Bà Di này, nguyện cúng
dàng một vị Tỷ Khưu trì giới thanh tịnh trong một khóa an cư là chín mươi
ngày, làm riêng một căn nhà, cho vị đó ở, hàng ngày sửa soạn các món
ăn ngon lành thơm sạch, tới bữa ăn sai đứa ở gái dâng Ngài, xong các
món ăn ngon nó đều sơi hết, chỉ dâng Ngài các món thừa không ngon.
Qua một thời gian, Ưu Bà Di thấy
nhan sắc nó béo tốt đẹp đẽ, hỏi:
- Mi ăn vụng các món ăn của thầy
ta hay sao độ nầy mập mạp vậy?
- Thưa bà đâu có, con cũng tin tội
phúc chứ, con đây không phải là kẻ tà kiến đâu, có lẽ nào con dám ăn
trước, thầy ăn xong có còn thừa cho con, con mới dám ăn! Con thề rằng: Nếu
con ăn trước thầy thì đời đời con phải tự ăn thịt của con.
- Pháp Tử nên biết! Chính đứa
ở gái ăn vụng thức ăn của vị Tỷ Khưu, sau chối và thề nguyện nên
phải thụ quả báo tự ăn thịt mình. Như nay tức là Hoa báo, sau phải đọa
vào địa ngục, lúc bấy giờ mới chính là quả báo, khổ đau vô cùng tận,
nói không xiết.
- Bạch Hòa Thượng còn cây to lớn
có những con trùng ăn rúc, tiếng kêu dữ dội như thế là do nhân duyên
gì?
- Đó là một vị Tỷ Khưu giữ của
thường trụ, tên là Lại Lợi Cha, lấy của thường trụ và những hoa quả,
thức ăn uống cho anh em họ hàng và người bạch y, những người ấy sau
khi chết, phải đọa vào địa ngục lớn làm những con trùng con sâu này
để ăn rúc thân cây, còn thân cây này, là vị Tỷ Khưu nói trên (Lại Lợi
Cha).
- Bạch Hòa Thượng! Cái người bị
bắn kêu khóc lửa cháy cả toàn thân đó là vì tội gì như vậy?
- Người này lúc sinh thời, là một
gã đi săn, sát hại các loại cầm thú, bởi tội ấy chết phải đọa xuống
địa ngực, chịu khổ báo như vậy, chưa biết ngày nào được thoát!
Bạch Hòa Thượng, cái người lăn
từ trên đỉnh núi xuống, máu me đẫm mình, họ tạo tác tội gì, xin nói
cho con được rõ?
Người này ở thành Vương Xá, là
một ông Đại Tướng đi tiên phong sát hại nhân dân, giết người không
nhởn, vì thế phải tội báo này, sau phải đọa vào đại địa ngục chịu
lấy sự thốn khổ vô thời hạn.
- Bạch Hòa Thượng, còn cái núi xương
đây là gì?
- Núi xương này là con cá Ma Kiệt,
chính nó là tiền thân của ông, vì ngươi còn là phàm phu, cách ấm bị
mê, nên không biết đấy thôi!
Thi Lợi Bí Đề nghe xong tâmhồn thổn
thức, sợ hãi thưa rằng:
- Bạch Hòa Thượng tâm hồn con
còn mê tối không hiểu biết, cúi xin Hòa Thượng nói cá nguyên nhân tội
gì con phải làm thân cá?
- Pháp Tử nên biết, sinh tử luân
chuyển không có bờ bến, nhưng đối với nghiệp báo của thiện ác thì
không sai lạc, không tài nào trốn thoát được, tạo nghiệp gì phải báo
nghiệp đó. Đây từ đời quá khứ, có một ông vua ở Châu Diêm Phù Đề,
tên là Đàm Ma La Bí Đề (Tàu dịch là Pháp Tăng). Ông chăm làm việc bố
thí, giữ giới, nghe kinh, có tâm từ bi, tính không bạo ác, không bao giờ
làm tổn thương đến tính mạng của một loài nào. Xứng đáng một ông
vua có đạo đức. Ông dùng chánh pháp để trị dân, làm vua đã được
hai mươi năm, đương buổi thừa nhàn đánh bạc chơi vui, lúc ấy có người
phạm tội sát nhân, quan tòa vào tâu rằng:
- Tâu Bệ Hạ! Ngoài thành có kẻ
phạm tội ghét người, trị tội thế nào xin cho hạ thần được rõ?
Nhà vua mãi chơi không suy xét rõ,
đáp rằng:
- Cứ theo quốc pháp mà trị tội.
Theo quốc pháp, nếu kẻ nào mà giết
người thì bị tử hình, chiếu luật đem người đó ra xử trảm.
Xong cuộc vui chơi nhà vua hỏi các
quan rằng:
- Kẻ tội nhân ấy nay ở đâu, để
ta đoán quyết?
- Theo quốc pháp, phạm nhân đã
đem ra xử tử rồi.
Nhà vua nghe nói giựt mình! Lo sợ
ngã xuống đất, tả hữu đỡ dậy hồi lâu tỉnh lại, thân phiền nói:
- Các cung tần mỹ nữ, voi ngựa
ở lại đây, riêng ta phải vào địa ngục chịu đau khổ một mình. Khi ta
chưa làm vua thì cung điện này cũng có người cai trị, chẳng bao lâu ta chết,
cung này tiếp tục cũng có người thống ngự, ta làm vua giết hại mạng
người, đó là làm vua đồ tể. Chẳng biết đời đời kiếp kiếp nó sẽ
đưa ta đến chốn nào? Ta quyết định không làm vua nữa, từ nay quyền
chính giao cho các ông ở lại trông coi việc nước, tôi vào núi để tu đạo,
cầu giải thoát từ đây.
Sau một thời gian, ông vua này chết
phải đọa sinh làm loài cá Ma Kiệt ở trên bể lớn thân dài bảy trăm do
tuần. Các ông vua kế vị và các ông quan đại thần nước ấy, cậy có
quyền thế ức hiếp nhân dân làm những điều tàn nhẫn, vợ bỏ chồng,
con lìa cha, bóc lột dân đen, sau khi chết bị đọa làm cá Ma Kiệt hết thảy,
có những con vi trùng ở trong vẩy rỉa rúc ăn thịt, đau như lưỡi câu sắt
móc mình. Lúc bị cắn đau sát mình vào núi pha lê làm cho những con trùng
bị giập chết, máu chảy đỏ ngầu trong trăm dặm bể, vì tội ấy chết
phải đọa vào địa ngục. Những con cá này, cứ mỗi giấc ngủ là một
trăm năm lúc tỉnh dậy đói quá không có thức ăn phải há mồm cho nước
biển thuyền bè tôm, cá chảy vào. Giữa lúc há miệng thì có năm trăm
người lái buôn trong thuyền vì nước chảy mạnh quá nên chiếc thuyền
này theo dòng trôi thẳng vào mồm cá. Mọi người đều khủng khiếp lo sợ!
Gào khóc la, kẻ niệm Phật, người cầu kinh, kẻ kêu trời! Người khấn
đất! Kẻ cầu thần! Cũng có người kêu gọi cha mẹ vợ con! Rồi kể lể
rằng: Hôm nay là phút cuối cùng từ biệt cõi nhân gian thôi! Thôi! Không
bao giờ ta được thấy gia đình lần thứ hai nữa. Thuyền sắp tới mồm
cá, sự sợ hãi dồn dập vì thế nên nhiều người lớn tiếng niệm
"Nam Mô Phật".
Cá Ma Kiệt nghe tiếng niệm Phật,
động lòng từ bi ngậm mồm lại, nước hết chảy, thuyền được yên, mọi
người thoát chết trong mồm cá.
Cũng vì thế nên cá bị chết đói,
thần hồn được sinh vào thành Vương Xá. Sau khi cá chết, quỷ Dạ Xoa, La
Sát vứt con cá ấy lên bãi biển, trải qua những ngày tháng mưa gió dãi dầu
da thịt tiêu tan còn đống xương tại đây. Lắng nghe, ông vua Pháp Tăng
thuở đó nay chính là Thi Lợi Bí Đề, bởi tội sát nhân phải đọa làm
con cá Ma Kiệt ở dưới bể này, nay đã được làm thân người sao không
chán ghét sinh tử để an tâm tu đạo giải thoát hay sao? Lại còn muốn chết
ở nơi đây làm chi? Nếu chết sẽ bị đọa vào địa ngục, bấy giờ muốn
ra cũng khó.
Thi Lợi Bí Đề nghe Hòa Thượng giảng
thuyết xong biết rõ thân cũ của mình tự xét biết sợ sinh tử, nhớ nghĩ
phép tu, để lòng chú ý quan sát đống xương cá là tiền thân của mình,
thấu hiểu pháp vô thường, chán lìa sinh tử, giữa giờ phút ấy được
trút hết lậu, đắc quả La Hán. Ngài Mục Kiền Liên hoan hỷ nói:
- Pháp Tử, công việc của người
làm đã được thành tựu hãy theo đây nhân lực của ta, người tự dùng
lấy thần túc mà đi.
Nói xong, Ngài rướn mình lên hư không
như chim phượng hoàng vô cánh, ông Thi Lợi Bí Đề cũng bay theo sau, như
chim mẹ bay trước chim con bay sau, một lát đã tới rừng Trúc từ từ hạ
xuống Tinh Xá.
Các vị niên thiếu Tỷ Khưu chưa
biết ông đã đắc đạo, nên các Ngài vẫn coi thường và có khi còn la mắng.
Vì ông đắc đạo, tâm đã điều thuận, nên vẫn êm đềm vui vẻ, không
nói sao hết.
Đức Phật thấy thế, muốn ngăn
đón tâm ngã mạn của các niên thiếu Tỷ Khưu và muốn hiển dương cái
đức của vị lão thành nên giữa trong đại chúng Phật nói:
- Thi Lợi Bí Đề hôm nay ra biển về
phải không?
- Dạ! Lạy đức Thế Tôn có đấy
ạ!
- Ra bê thấy những gì nói cho ta
nghe?
Thi Lợi Bí Đề cung kính trình bày
những việc nói trên cho Phật nghe.
Phật nói: - Quí hóa! Hộmnay thấy
sự thật như vậy có lẽ từ nay ngươi được thoát cái khổ sinh tử, chứng
đạo Niết Bàn, và có thể nạp thụ sự cúng dàng của người cõi nhân,
cõi thiên, công việc làm của Tỷ Khưu ngươi đã được đầy đủ.
Nghe Phật nói xong các niên thiếu Tỷ
Khưu vừa lo vừa sợ, hối hận thầm nghĩ:
- Chính ông lão này là người hiền
nhân trí tuệ, lũ ta thực không hiểu biết gì, từ trước đến nay tự
cao tự đại, phải tội phạm đến hiền giả, tội ấy không phải nhẹ,
ta nên xin sám hối trước là hơn!
Các niên thiếu Tỷ Khưu đều đứng
dậy, tới trước ông Thi Lợi Bí Đề năm thể chạm xuống đất bạch rằng:
- Bạch Đại Đức các thiện nhân
sinh, lòng từ bi cũng sinh theo! Trước đây chúng tôi đối với Đại Đức
lầm lỗi, cúi xin từ bi xá bỏ, được ân triêm công đức.
- Tôi đối với tất cả mọi người
đều có thiện tâm, hối quá có thể được lắm! Hay lắm!
Ông Thi Lợi Bí Đề thấy các niên
thiếu Tỷ Khưu còn có ý sợ sệt, nên ông thuyết pháp xuất ly sinh tử
cho các vị nghe, từ đó các Tỷ Khưu gắng tiến tu hành, không lâu đã ngắt
bỏ được lậu nghiệp thành ngôi La Hán. Cũng do nhân duyên nay mà tiếng
khen đồn khắp thành Vương Xá.
Thật lạ quá! Ông lão một trăm tuổi
mới xuất gia còn thành công đắc quả, thuyết pháp cao siêu thực là chưa
từng có!
Từ đó trong thành nhiều người
cho con trai, con gái, đứa ở trai, đứa ở gái đi xuất gia hoặc tự họ
đi xuất gia.
Công đức xuất gia vô lượng vô
biên như thế! Ông Thi Lợi Bí Đề đã một trăm tuổi mới xuất gia tu hành
còn đắc đạo quả, thành tựu công đức lớn lao, những ai đã luống tuổi
tại sao không xuất gia tu đạo, chăm chỉ tinh tiến tu hành để cầu một
phúc báo vô biên ấy?