- Kinh Hiền Ngu
- Thích Trung Quán dịch
- Phẩm thứ ba mươi ba
- LÊ KỲ DI
CHÍNH tôi được nghe: Một
thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc
và Thấi Tử Kỳ Đà. Tại bản triều vua Ba Tư Nặc có ông quan đại thần
tên là Lê Kỳ Di, nhà giàu, sinh được bảy người con trai; sáu cậu đã lập
gia đình xong xuôi, còn cậu thứ bảy chưa có vợ, ông tự nghĩ:
Tuổi đã già yếu, còn đứa con
trai út, nếu lập gia đình cho nó thì phải tìm nơi xứng đáng, và con người
xinh đẹp.
Một hôm có người bạn thân dòng
Phạm Chí đến chơi, trong lúc chuyện trò vui vẻ! Ông nói:
- Thưa bác! Tôi còn thằng cháu trai
út, muốn lấy vợ cho nó, nhưng chưa tìm được nơi đâu xứng đáng. Bác
từ trước đến nay đi du lịch các nước đã nhiều, vậy phiền bác nơi
đâu con nhà tử tế, có nết tinh khiết, hiền hậu hòa nhã, để bác giới
thiệu cho cháu một người!
- Dạ! Việc chi chứ việc ấy, tôi
có thể giúp được.
Qua thời gian sau, ông bạn thân này
sang nước Đặc Xoa Thị Lợi, gặp năm trăm đồng nữ đi hái hoa. Ông theo
sau để quan sát, tới một suối nước chảy cô nào cô ấy đều tụt giày
dẹp lội qua, duy có một cô để cả giày lội theo, đi một lát tới con
sông nhỏ, các cô kia đều vén quần lội qua, nhưng cô nói trên, không vén
để cả quần lội theo, khi đi tới rừng cây, các cô kia đều trèo lên
cây hái hoa, bắt trái, cô này không trèo, đợi các cô kia xuống, xin được
rất nhiều, ông tới trước hỏi cô kia rằng:
- Thưa cô, tôi xin hỏi cô một vài
điều có được không?
- Dạ, xin ông cứ hỏi, không sao!
- Vừa đây qua suối, các cô kia đều
tụt giày dép lội qua riêng cô không tụt là có ý gì?
- Thưa ông, sở dĩ giày dép, chính
là để giữ cho cái chân, khỏi dẫm phải gai góc mảnh sành, và các vật
có thể làm hại chân; trên mặt đất, còn có thể trong thấy mà tránh, dưới
nước làm sao trông thấy, những gai góc độc trùng mà tránh, vì thế nên
tôi không tụt!
Ông hỏi tiếp: - Qua sông, các cô
kia đều vén quần lội, riêng cô để cả quần là ý nghĩa chi?
- Thưa ông người con gái, phải có
sự kín đáo nhiệm nhặt, lõa lồ thân thể, thô con mắt bàng quang, và tự
thẹn cho mình nên tôi không vén!
Ông hỏi tiếp: - Các cô kia đều
trèo cây, tại sao cô không trèo?
- Thưa ông leo cây sợ càng gãy,
làm nguy hai cho mình, vì thế nên tôi không trèo?
Xin lỗi cô tên chi, cha mẹ cô thế
nào!
- Thưa ông tên tôi là Tỳ Xá Ly, mẹ
tôi là em vua Ba Tư Nặc tên là Đàm Ma La Tiện. Phạm tội trốn sang nước
này, làm bạn với ba tôi sinh ra tôi.
- Cha mẹ cô bình sinh cả chứ?
- Dạ, thưa ông, cha mẹ cháu hãy
còn bình sinh cả!
- Tôi muốn theo cô về thăm ông bà
có được không?
- Dạ, thưa ông được!
- Cô đưa ông về tới nhà, rồi
vào thưa với cha rằng:
- Thưa cha, có người Bà La Môn muốn
vào thăm cha!
Ba cô bước ra nhà khách, hai người
gặp nhau, chuyện trò vui vẻ! Ông Bà La Môn thưa rằng:
- Thưa ông, cô gái này là con ông
phải không?
- Dạ, thưa phải cháu ngoan lắm!
- Ông đã lập gia đình cho cháu chưa?
- Dạ, chưa có, cháu còn đi học!
- Thưa ông, nước Xá Vệ có quan Đại
thần là Lê Kỳ Di ông có quen không à?
- Dạ, chính tôi quen ông ấy đã
lâu.
- Thưa ông, cậu con trai út của
ông Lê Kỳ Di, người thông minh lắm muốn để xin cô gái của ông cho cậu
ấy, có được không ạ?
- Dạ, được lắm, tôi rất bằng
lòng, là vì ông ấy với tôi là bạn thân, hơn nữa nhà ông ấy là dòng
quý phái, đôi bên đều xứng đôi cả.
- Dạ, xin ông tôi cáo lui.
Ông định về báo tin cho ông Lê Kỳ
Di nhưng lại gặp một người bạn thân về nước Xá Vệ, ông biên thơ gửi
cho ông Lê Kỳ Di.
Được thơ rồi, ông Lê Kỳ Di sắm
sửa lễ vật, và tiền bạc lên xe sang nước Đặc Xoa Thị Lợi, đến
nơi ông sai người vào hỏi han các công việc trước.
Ông Đàm Ma La Tiện tiếp đãi rất
trịnh trọng. Lê Kỳ Di tới sau, chủ khách tương kiến hai họ vui vẻ! Hỏi
han trao đổi ý kiến, thỏa thuận cuộc hôn thú của hai nhà, công việc đã
xong, họ trai đưa cô dâu về nước Xá Vệ. Khi bước ra đi bà mẹ dặn
cô rằng:
- Con về nhà chồng luôn phải mặc
áo mới đẹp, ăn uống cho ngon lành, ngày nào cũng phải soi gương, chớ quên
lời mẹ dặn!
- Dạ, lạy mẹ con xin vâng lời mẹ
dăn không dám trái.
Ông Lê Kỳ Di nghe thấy bà dâu gia
dặn con gái như vậy, tự hậu để tâm và thầm nghĩ rằng:
- Nhân sinh nhất thế, khổ, vui, áo
mặc, miếng ăn ngon đâu có nhất định, ngày nào cũng soi gương, thực là
cả một sự vô lý.
Sau khi hai họ từ biệt bước lên
đường, cô dâu cùng chàng rể, ngựa võng nghênh ngang, người đông như hội,
pháo nổ vang trời, cũng hình như một đám rước thần. Nửa đường tới
một nhà hàng có hiên mát mẻ, những người đi trước đều vào nhà này
nghĩ, cô dâu tới sau thưa với bố chồng rằng:
- Thưa cha! Nhà này không nghỉ được,
mau mau phải ra ngoài nghỉ!
Ông cũng phải theo ý cô ra nghỉ một
nơi khác, cũng có số người không chịu đi, một lát có đàn voi tới, cọ
vào cột làm đổ nhà đè chết mấy người. Ông Lê Kỳ Di thầm nghĩ rằng:
- Mình thoát chết là nhờ con dâu!
Rồi lại bắt đầu đi, tới một
bờ khe suối, mọi người dừng chân đứng nghỉ. Cô đến sau nói rằng:
- Nghỉ ở đây không hay, phải lên
ngàn cao kia mới được!
Khi đó mọi người đều phải theo
lời cô, lên tới ngàn cao, chỉ trong chốc lát mây kéo đen, sấm sét vang dội,
mưa như trút nước xuống, chảy tràn ngập cả bờ khe suối ấy, ông Lê Kỳ
Di tự niệm rằng:
- Ta thoát chết hai lần là do con
dâu cứu sống!
Lại bắt đầu đi, lúc về tới
nhà, họ hàng thân quen kẻ xa người gần, tấp nập đến chào mừng.
Hôm đó ông Lê Kỳ Di thiết đãi họ
hàng ăn uống rất linh đình vui vẻ! Cuộc nghinh hôn tới đây đã xong.
Một hôm ông Lê Kỳ Di họp gia đình
lại nói rằng:
- Các con, bây giờ cha đã già yếu,
việc gia đình cha không thể kham nổi, tất cả cơ nghiệp tài sản này,
kho tàng chìa khóa, con nào đảm đang nổi, cha sẽ giao phó cho?
Sáu cô dâu đều từ chối không
dám nhận, cô Tỳ Xá Ly thứ bảy, đứng lên thưa rằng:
- Thưa cha các chị con không ai dám
nhận, vậy con xin nhận để đỡ cha!
Ông Lê Kỳ Di vui vẻ giao phó cho
cô tất cả công việc trong gia đình. Từ đó cô chăm chỉ thức khuya dậy
sớm, bảo ban thầy tớ các công việc rất chu đáo, tới bữa dâng cơm cha
mẹ ăn trước, sau đến các anh các chị cháu trai cháu gái, rồi đến các
gia nhân, phân phó công việc được ổn thỏa, rồi cô mới đi ăn cơm,
thường thường cứ như thế.
Ông thấy cô là một người trung
kiên cẩn thận, khác hẳn những người thường, và quái sao? Không thấy
cô theo lời mẹ dặn lúc bước ra đi.
Ông hỏi: - Trước khi con về làm
dâu, mẹ con có dặn: Phải mặc áo mới đẹp, ăn thức ăn ngon lành, và
ngày nào cũng soi gương, thế sao con không theo lời của mẹ con đã dặn?
Cô quỳ xuống thưa rằng:
- Thưa cha! Mẹ con dặn mặc áo mới
đẹp nghĩa là: Áo mặc bao giờ cũng phải cho sạch sẽ, lúc khách tới
nhà quan chiêm cho khỏi thô con mắt. Dặn con ăn thức ăn ngon lành: Không phải
ăn những thứ thịt ngon béo, ý mẹ con dặn bao giờ cũng phải ăn sau, lúc
đói gặp thứ ngon cũng tốt cả. Còn soi gương, là không phải gương bằng
đồng bằng kính, ý nói phải dậy sớm bao phất trong nhà những giường
ghế cho sạch sẽ cẩn thận, chăn chiếu mền mùng cho gọn gàng. Mẹ con dặn
là ý như vậy!
- Ừ, hay lắm! Mẹ con là người có
đức lớn, cha cũng phải kính phục.
Ông mừng thầm con dâu có tài, có
đức, tinh thần minh mẫn, biệt đãi hơn trước, từ đó công việc trong
gia đình ông cứ thản nhiên, không phải nghĩ tới.
Một hôm nhà vua cùng triều thần văn
võ bá quan, đương ngồi trên bảo điện để bàn việc nước, tự nhiên
thấy những chùm lúa tám cánh rơi xuống sân rồng, họ nhìn lên trời thấy
một đàn chim nhạn bay qua, thấy thứ lúa quý, nhà vua giao cho mỗi ông quan
một ít về trồng.
Ông Lê Kỳ Di đem về giao cho cô Tỳ
Xá Ly là con dâu thứ bảy, đặn rằng: - Lúa này nhà vua giao cho đem về trồng,
con hộ cha việc đó.
Sau một thời gian Vương Phu Nhân mắc
bệnh, các thầy lang chẩn mạch xong tâu với vua rằng:
- Tâu Bệ Hạ, bệnh của phu nhân,
phải dùng thứ lúa tám cánh ở bãi biển thì khỏi!
Nhà vua triệu các quan vào nói rằng:
- Trước đây tôi có giao cho các
ông thứ lúa tám cánh, đem về trồng, nay lúa đã chín chưa?
Các ông kia tâu rằng: - Tâu Bệ Hạ!
Vì không hợp thủy thổ, lúa có lên, nhưng không kết quả. Ông Lê Kỳ Di
về nhà hỏi con dâu rằng:
- Con trồng lúa tám cánh có tốt
không? Nhiều hột không? Nhà vua đương cần làm thuốc cho Hoàng Hậu!
- Thưa cha mùa này con trồng được
nhiều lúa, tốt lắm, nếu dùng làm thuốc thì cấp cho toàn quốc cũng đủ!
- Con đem cho cha một ít vào dâng
vua?
- Dạ, để con cho người xay giã cẩn
thận đã.
Hôm sau ông đem gạo tám cánh vào
dâng vua rồi tâu rằng:
- Tâu Bệ Hạ, tuân theo thánh chỉ,
hạ thần trồng được rất nhiều, nay xin dâng Hoàng Thượng một mớ gạo
tám cánh đã làm cẩn thận!
- Tốt lắm, Khanh khéo tay trồng cấy!
Vua sai người đem gạo ấy nấu
cơm.
Hoàng Hậu ăn xong thì khỏi bệnh.
Thời đó nước Đặc Xoa Thị Lợi
với nước Xá Vệ có sự xích mích về việc thương mãi, nên thường hay
xảy ra cuộc xung đột giữa hai nước.
Tuy thế nhưng vua nước Đặc Xoa Thị
Lợi vẫn còn e dè, sợ nước Xá Vệ có nhiều nhân tài, nên nhà vua lập
thế để thử xem có hay không thì biết.
Lần đầu sai người mang sang nước
Xá Vệ hai con ngựa cái, để xem có thể phân biệt được con nào là mẹ:
con nào là con? Vì hai con đều lớn bằng nhau.
Khi đó tất cả vua quan triều thần
văn võ bá quan đều không thể phân biệt nổi, đâu là mẹ, đâu là con.
Ông Lê Kỳ Di về nhà có vẻ buồn!
Cô dâu hỏi: - Thưa cha, hôm nay cha
vào triều có chuyện chi? Thấy cha không vui!
- Con ơi! Nước Đặc Xoa Thị Lợi,
cử người mang sang hai con ngựa cái, để xem con nào là mẹ, con nào là
con, tất cả triều thần văn võ bá quan đều không ai biết, nếu không giảng
nổi, họ sẽ đem quân sang đánh, vì thế nên cha buồn!
- Thưa cha việc ấy không khó! Chỉ
lấy một bó cỏ ngon, cho ăn, nếu thấy con nào ăn thong thả và nhường, là
mẹ, con nào ăn dành và hốp tốp là con.
Cha nghe có lý, vào tâu vua như lời
cô nói. Nhà vua sai người lấy cỏ cho ngựa ăn thử, quả thấy như lời cô
nói là đúng. Nhà vua kêu sứ thần đến chỉ vào con ngựa ăn chậm là mẹ,
con ăn bốp là con, Sứ thần chịu nhận là phải. Sau khi sứ ra về, nhà
vua rất mừng! Phong thưởng tước lộc cho ông Lê Kỳ Di rất nhiều.
Sứ thần về tới nước nhà tâu
vua đúng sự thật như trên. Nhà vua lại mang sang hai con rắn, dài bằng
nhau, lớn bằng nhau, đố biết con nào đực, con nào cái.
Tuân lệnh lần thứ hai, Sứ thần
mang rắn sang hỏi vua Ba Tư Nặc, lần này từ vua đến quan tịt mít, không
ai giải đáp nổi.
Ông Lê Kỳ Di về nhà nói với con
dâu rằng:
- Con ơi: Hôm nay nước Đạc Xoa Thị
Lợi, mang sang hai con rắn hỏi con nào đực, con nào cái, tất cả vua quan
trong triều không ai đoán quyết nổi, vậy con có cách gì biết, nói cho cha
rõ?
- Thưa cha, việc ấy cũng không
khó! Chỉ lấy một thước lụa rất nhẵn, mềm, nhũn trải trên một cái
nong, bỏ nó vào rồi nhìn xem: con nào nằm im, con hay chạy thì biết: vì
con cái thuộc âm tính, thấy mát êm bụng, lòng dục phát động, nên nó nằm
im; con đực thuộc dương tính (nóng động tính) thấy người thì sợ muốn
tìm lối tẩu thoát nên chạy lung tung.
Ông nghe có lý, vào tâu vua như lời
nói trên. Vua sai người lấy lụa làm đúng, quả nhiên thấy rõ sự thực.
Một diệu kế này biết đúng, nên
nhà vua sai người gọi Sứ đến bảo cho biết. Sứ thần phải phục cái
tài của nhà vua nhận xét đúng sự thật.
Sau khi Sứ thần ra về, nhà vua rất
hài lòng và thưởng cho ông Lê Kỳ Di rất nhiều vàng bạc.
Sứ thần về tâu vua Đặc Xoa Thị
Lợi sự nhận xét đúng của vua Ba Tư Nặc, nhà vua vẫn còn chưa tin hẳn,
nên lại bắt sứ thần mang sang cây gỗ dài một trượng, gốc ngọn bằng
nhau nhẵn trơn không óc dấu, vết, đố biết gốc ngọn?
Sứ thần tuân mạng mang sang nước
Xá Vệ, lần này cũng không ai biết. Ông Lê Kỳ Di lại về hỏi con dâu:
- Con ơi! Lần này nước Đặc Xoa
Thị Lợi mang sang một cây gỗ nhẵn trơn không có mấu vết, đố biết gốc
ngọn, trong triều không ai quyết đoán nổi, vậy con có cách gì nói cho cha
hay?
- Thưa cha, việc ấy càng không
khó, chỉ đem bỏ xuống sông thì biết: đầu nào chìm là gốc; đầu nào
nổi là ngọn; vì gốc bao giờ cũng nặng, nên chìm; ngọn bao giờ cũng nhẹ,
nên nổi.
Ông Lê Kỳ Di tâu vua như lời nói
trên, vua sai đem ra sông bỏ, quả nhiên một đầu chìm, và một đầu nổi,
vua gọi Sứ ra nói rằng:
- Sứ thần ông nên biết: đầu chìm
kia là gốc, đầu nổi là ngon.
Sứ thần nói: - Dạ Tâu Bệ Hạ,
đúng như lời Ngài nói, hạ thần xin chịu!
Sứ thần về bản quốc tâu vua rằng:
- Tâu Bệ Hạ! Lần này vâng lệnh
Bệ Hạ đưa gỗ sang, họ đều nói đúng cả, như vậy biết rằng nước
Xá Vệ có rất nhiều nhân tài, theo như hạ thần nhận thấy.
Nhà vua nghe nói cũng phải cảm phục,
và thôi việc gây chiến với nước Xá Vệ. Muốn để hai nước có tình
thân mật, nên nhà vua nước Đặc Xoa Thị Lợi sai người mang vàng bạc
và các của quý sang biếu vua Ba Tư Nặc rồi gởi lời nói:
- Chúng tôi đáng khen ngợi trong nước
của nhà vua, lắm hiền tài vậy từ nay nên gắng công tu nghĩa hiếu, và dạy
dân theo chánh giáo.
Khi đó vua Ba Tư Nặc triệu ông Lê
Kỳ Di bào cung hỏi rằng:
- Các việc giải đáp vừa qua, tại
sao Khanh biết?
- Tâu Bệ Hạ! Đó là con dâu của
hạ thần, chứ tiểu thần đâu có trí tuệ siêu nhân, hơn các hàng nam tử
văn khoa nhà vua nghe nói rất quý kính, rồi tặng cho có chức "Đệ tam
muội".
Qua một thời gian nữa, cô Tỳ Xá
Ly đẻ được ba mươi quả trứng, bửa ra được ba mươi hai cậu con trai,
cậu thứ nhất, đoan nghiêm đặc sắc, sau lớn tuổi, sức lực hùng mạnh
vô song, có thể đánh nổi ngàn người, cha mẹ rất yêu quý! Trong nước
ai cũng kính nể. Sau cưới vợ cho các cậu, nguyên những con gái các nhà
hào hiền trong nước.
Bà Tỳ Xá Ly vốn là người tín
sùng ngôi Tam Bảo, thường hay đi nghe Phật thuyết pháp. Hôm ấy bà thỉnh
Phật và chư Sư về cúng trai. Khi Phật dùng cơm xong thăng tòa thuyết
pháp, cả nhà người lớn người nhỏ đều đắc quả Tu Đà Hoàn, duy có
cậu con út của bà, sự hiểu biết kém, nên không đắc đạo quả gì. Cậu
hãy còn có tính hung hăng, ngày ngày cỡi voi trắng đi chơi, hôm đó đi qua
một cái cầu gỗ lớn, giữa cầu con trai quan Phụ Tướng ngồi trên xe,
hai cậu tranh nhau: cậu nào cũng cậy ta là con nhà quan lớn, không chịu
tránh. Cậu con bà Tỳ Xá Ly nổi giận, trên mình voi nhảy xuống, đẩy đổ
xe và con quan con Phụ Tướng xuống hào lầy, thấy trược cả thân thể,
máu me chảy đầm đìa trở dậy vừa đi vừa khóc, về nhà thưa với cha rằng:
- Thưa cha, con ứt của bà Tỳ Xá
Ly vô cớ đẩy xe và con xuống hào; làm con bị đau đớn như thế này!
Quan Phụ Tướng thấy con đau quá nổi
giận nói:
- Nó sức lực khỏe mạnh, hơn nũa
lại thân với nhà vua, thôi con đừng khóc nữa, để cha trả thù cho!
Ông quan Phụ Tướng này mượn người
làm ba mươi hai cái roi ngựa bằng thất bảo, trong ruột roi, cắm một con
dao nhọn, rồi ông mang đi tặng cho con trai bà Tỳ Xá Ly mỗi cậu một
cái.
Các cậu này còn ít tuổi, tính
khí nông nổi, được roi vui mừng thường mang roi đi chơi, vô tâm, không
hiểu cái thâm ý của quan Phụ Tướng.
Luật nước cấm ngặt khi vào nhà
vua không được đeo dao, nếu ai trái lệnh sẽ bị tội tử hình.
Những con bà Tỳ Xá Ly ra vào nhà
vua, là chuyện thường, không ai được cấm đoán, vì nhà vua rất yêu đãi
đối với bà Tỳ Xá Ly.
Hôm đó quan Phụ Tướng vào tâu
vua rằng:
- Tâu Bệ Hạ, ba mươi con bà Tỳ
Xá Ly, khỏe mạnh lắm, một người có thể địch được ngàn người, chúng
đương mưu kế để hại nhà vua!
Nhà vua nghe ông nói, nhưng cũng
chưa lấy gì làm tin; ông lại thưa rằng:
- Tâu Bệ Hạ, việc này hạ thần
quan sát có sự thật, và có bằng chứng lắm! Vì hạ thần thấy mỗi cậu
có một cái roi; trong roi đều có một con dao nhọn ở trong ruột!
Nhà vua liền sai người lấy roi
xem, quả nhiên thấy con dao ở trong roi thực, chứng tỏ như thế, nhà vua
sai các lực sĩ, gọi ba mươi hai cậu vào trong cung, thu hết roi, rồi xử tử
ngầm không cho ai biết, chặt đầu ba mươi hai cậu bỏ vào hòm gỗ niêm
phong cẩn thận, mang lại cho bà Tỳ Xá Ly.
Giữa ngày hôm ấy, bà Tỳ Xá Ly mời
Phật và chư Sư về nhà cúng trai, trong nhà đương nhộn nhịp; kẻ bưng
cơm người rót nước tấp nập, bà thấy người nhà vua khiêng một cái
hòm đến, tự mừng thầm và nói rằng:
- Hôm nay có lẽ nhà vua cho người
mang các món ăn tốt đến giúp ta cúng dàng hẳn!
Bà sai người mở xem.
Phật nói: - Hãy khoan! Để ta dùng
cơm xong rồi sẽ mở!
Khi thụ trai xong, đức Phật gọi bà
lên ngồi một bên Ngài nói rằng:
- Thân này vô thường, nó chịu đựng
những sự đau khổ! Rồi lại thành không, chính là không có ta; kiếp sống
rất nhiều nguy hiểm tai nạn, sợ hãi mà nó không tồn lập được bao lâu;
nó trói buộc bằng mọi sự phiền não, chua xót khó tả xiết, ân ái có
ngày biệt ly! Thương luyến lẫn nhau, làm thân mình và thức tâm mệt nhọc,
không ích gì cho đạo, ta nói đây, chỉ riêng những người có trí tuệ, mới
nhận thức được pháp thiết yếu này.
Nghe Phật nói xong bà tín ngộ, liền
chứng được quả A Na Hàm, vui mừng chắp tay bạch Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn, con xin bốn
đều như sau:
- Con xin cúng dàng các vị Tỷ Khưu bệnh, và các
món ăn tùy theo bệnh.
- Con xin cúng dàng các vị khán bệnh.
- Các vị Tỷ Khưu ở xa tới con xin cúng dàng trước.
- Các vị Tỷ Khưu đi xa con xin cúng dàng lương thực.
Lạy Đức Thế Tôn! Các vị bệnh
hoạn vì không có thuốc tốt và món ăn ngon lành nên bệnh lâu khỏi, hoặc
khó chữa, hoặc nhân thế mà bị mạng chung. Các vị khám bệnh phải
trông nom bệnh nhân, nên không đi khất thực được, vì thế nên con xin
cúng. Các vị ở nơi xa mới tới, chưa quen biết ai, đi khất thực gặp chó
dữ hoặc gặp kẻ bất nhân làm thương tổn đến thân thể, hoặc sỉ nhục,
vì thế nên con xin cúng dàng trước. Các vị đi xa phải có bè bạn, nếu
không có lương thực đem theo hoặc đi không kịp, đường sá nguy hiểm,
nhiều độc thú, đi một mình, sợ mắc tai nạn, vì thế nên con xin cung cấp
lương thực.
Đức Thế Tôn thấy bà xin bốn việc
ấy nên Ngài khen rằng:
- Quý hóa có tâm như thế công đức
rất lớn, như thế cũng khác chi cúng Phật!
Nói xong đức Phật và chư sư trở
về rừng Kỳ Hoàn.
Sau khi đức Phật đã về, bà sai
người mở hòm xem nhà vua cho cái gì, trái lại thấy ba mươi hai cái đầu
lâu người, chính là con trai của bà. Vì bà đã hiểu biết đời là vô thường,
và đắc quả A Na Hàm, tâm ái luyến thế gian đã đoạn hết, nên không
có ảo não khóc than gì mà chỉ nghĩ thoáng câu:
- Đau khổ thay! Thương xót thay có
sinh tất có tử; nổi chìm trong năm thú; khổ gì đến như thế!
Bấy giờ ba mươi hai nhà vợ, nghe
biết con rể chết về tay nhà vua, họ nói rằng:
- Nhà vua vô cớ giết oan người
lương thiện!
Lòng thương con rể phẫn uất nổi
lên cực độ! Họ đem quân đến vây kinh thành nhà vua để báo thù.
Vua Ba Tư Nặc chạy sang với Phật,
họ đuổi theo, sang vây rừng Kỳ Hoàn. Khi đó tôi (A Nan) ra mời họ vào
để hỏi nguyên ủy là câu chuyện gì.
Ba mươi hai ông bố vợ của con bà
Tỳ Xá Ly vào lễ Phật xong lui về một bên, tôi quỳ thẳng bạch Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Ba mươi
hai người con của bà Tỳ Xá Ly, đời quá khứ có tạo ác gì với nhà vua
không? Mà nay bị ông giết, cúi xin Ngài chỉ giáo cho chúng con được rõ?
Phật dạy: - Truyện oan trái tiền
khiên này, về đời quá khứ, cách đây đã lâu lắm. Thuở bấy giờ có
ba mươi hai người chơi thân với nhau, một hôm đi bắt trộm được một
trâu, để ăn uống cùng nhau cho thỏa chí. Gần đấy có một bà lão nhà
nghèo, lại không có con, nên các anh này đưa trâu để giết nhờ. Bà cũng
vui vẻ cho giết, trong nhà bà có đủ củi đóm, nồi nấu, dao, quạt, cho mượn.
Lúc sắp giết, con trâu quỳ xuống nói rằng:
- Xin các anh tha tôi! Nếu các anh giết
tôi đời sau tôi cũng không tha các anh đâu, dầu cho các anh tới ngày được
đạo giải thoát, tôi quyết định trả thù bằng được.
Mấy anh thấy trâu nói, nhưng lòng
bất nhân không nghe, xúm nhau lại vật trâu ra giết, mổ, sả, xào xáo, chưng
kho, ăn uống no say. Bà lão hôm đó cũng được bữa no, rồi nói rằng:
Nhờ các anh được bữa thịt nên
thân, hết thèm thuồng.
A Nan ông nên biết: Con trâu thuở
đó, nay là vua Ba Tư Nặc, các anh ăn trộm trâu, ngày đó, nay là ba mươi
hai người con của bà Tỳ Xá Ly. Bởi quả báo ấy nên trong năm trăm đời
thường bị ông giết lại, cho đến ngày nay không thôi. Bà lão là người
giúp đỡ và vui mừng trong cuộc giết trâu, nên trong năm trăm đời phải
làm mẹ những người này, mà chịu lấy sự thống khổ chua xót ấy!
Nghe xong biết rõ câu chuyện oán
báo của đôi bên, tôi lại hỏi Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Những
người này có phúc gì được sinh vào nhà giàu sang và thân thể khỏe mạnh,
cúi xin Ngài chỉ bảo cho?
Phật dạy: - A Nan ông nên biết: Đây
cũng là một đời quá khứ, thời đức Phật Ca Diếp, có một bà lão biết
tin kính ngôi Tam Bảo, nhà rất giàu một hôm bà lấy các thứ hương hoa với
dầu để sơn tháp, đi nữa đường gặp ba mươi hai cậu con trai, nhân dịp
bà khuyên các cậu ấy rằng:
- Các cậu đi đâu? Đây có một việc
phúc đức lắm, hôm nay tôi đi sơn tháp Phật, nếu các cậu sơn giúp tôi,
thì đời được sức lực khỏe mạnh và đẹp đẽ!
- Thế ư cụ? Vâng cụ đã dạy,
các cháu xin đi. Sơn xong các cậu ấy đều thưa rằng:
- Thưa cụ! Do cụ khuyên các cháu
trồng phúc lành, xin đem công đức này, nguyện cho cháu sinh nơi nào cũng
được tôn vinh phú quý, và đời đời chúng cháu được làm con cụ; cụ
là mẹ chúng cháu, và được gặp Phật nghe pháp chóng đắc đạo quả!
Bà lão nói: - Quý hóa! Các cậu
phát nguyện như thế! Nhờ công đức Tam Bảo gia hộ, sau này thế nào chả
được như nguyện!
A Nan ông nên biết: Bà lão thuở đó
nay là bà Tỳ Xá Ly, ba mươi cậu con trai này đó, nay làm con trai bà.
Khi đó những quan quân vây rừng Kỳ
Hoàn, nghe Phật nói xong họ biết rằng đó là do sự oan báo trả nợ của
đôi bên, nên lòng căm giận của họ tự nhiên tiêu mất, rồi tự đến
trước vua Ba Tư Nặc tạ lỗi.
Tới đây đức Thế Tôn, nhân vì bốn
chúng đệ tử, nói rộng các thiện nghiệp nên tu, ác nghiệp nên bỏ, và
giảng giải rõ ràng pháp Tứ Diệu Đế.
Đức Phật thuyết xong, tất cả mọi
người ai nấy đều vui mừng, tạ lễ lui ra.