- Kinh Hiền Ngu
- Thích Trung Quán dịch
- Phẩm thứ hai mươi
lăm
- TÁN ĐÀN NINH
CHÍNH tôi được nghe: Một
thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc
và Thái Tử Kỳ Đà, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỷ
Khưu ơ đó.
Khi bấy giờ có năm trăm người
ăn mày, bằng ngày cứ theo Phật và chư Tăng xin ăn, ngoài ra không xin ai hết,
đã lâu năm vẫn không thôi. Khi đó tự bảo nhau rằng:
- Lũ ta sống nhờ dưới bóng Phật
và chư Tăng, đã lâu ngày, xét rằng: Cứ như thế này mãi cũng vô ích,
ngày qua tháng lại, không lại hoàn không, một mai quỷ Vô Thường tới bắt,
chúng ta nhờ thế lực gì cứu thoát, chi bằng chúng ta xin Phật xuất gia
tu đạo, cầu giải thoát là tối diệu.
Bàn xong họ đến lễ Phật bạch rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn, chúng
con bạc phúc sinh nơi hạ tiện, mong ơn cao cả hàng ngày được sống dưới
bóng Từ Quang, hôm nay bọn chúng con tất cả năm trăm người một lòng
thành kính cầu xin xuất gia tu đạo, cúi mong từ bi tế độ! Sợ rằng chúng
con là kẻ ăn xin, vào chúng tu hành làm nhơ tiếng của ngôi Pháp Vương, việc
đó có được xin Ngài chỉ giáo?
Phật dạy! Pháp của ta thanh tịnh,
không phân biệt giàu, nghèo, sang , hèn, cũng ví như nước trong sạch, đem
rửa những đồ nhơ bẩn thì các vật quý vật hèn, của tốt của xấu,
trai hay gái đều trong sạch cả. Pháp của ta ví như lửa cháy, tất cả
núi, sông, đá, đất, hoặc trên trời dưới biển muôn vật bất luận lớn
nhỏ, nếu đốt đều cháy tiêu tan. Pháp của ta cũng như hư không, con
trai, con gái, giàu nghèo, sang hèn, ai cũng có thể vào được.
Nghe Phật nói xong, tất cả bọn đều
vui mừng! Cúi đầu lạy sát đất đồng thành xin nhập đạo tu hành.
Phật nói: - Thiện Lai Tỷ Khưu!
Tất cả năm trăm người đều rụng
hết tóc, áo Cà Sa thấy mặc tại mình, biến thành những Vị Sa Môn tu
hành không bao lâu đã dứt hết lậu nghiệp, thành ngôi A La Hán.
Khi đó trong nước các nhà hào trưởng
và nhân dân hay tin Phật cho những người ăn mày xuất gia nhập đạo, họ
rất không bằng lòng và nói:
- Những kẻ ăn mày hèn hạ, Phật
cũng cho họ xuất gia đứng vào hàng Tăng chúng. Chúng ta có tác phúc mời
Phật và chư Tăng, quyết không cúng dàng bọn họ, và cũng không thể cho họ
ngồi giường chiếu của nhà mình được.
Thái Tử Kỳ Đà biết thế, sửa
soạn cơm chay chu đáo, sai người đi mời Phật, dặn rằng:
- Anh đi mời Phật và chư Tăng, chứ
không mời bọn ăn mày.
Người đó đến lễ Phật và bạch
rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Thái Tử
Kỳ Đà ngày mai xin mời Thế Tôn và chư Tăng đến vương cung thụ trai,
cho Hoàng gia được ân triêm công đức, song Thái Tử có dặn con, không mời
những ông ăn mày, xin Ngài từ bi hỷ xả cho?
Phật mỉm cười nhận lời!
Sáng mai lúc sắp đi phó trai, Phật
bảo năm trăm Khất Sĩ rằng:
- Hôm nay ta và các Thánh Tăng đi phó
trai tại nhà Thái Tử Kỳ Đà, các ngươi đi sang xứ Uất Đan Việt ở bắc
phương, lấy thứ lúa tám cánh, mang về nhà Thái Tử, nơi ta phó trai, rồi
cứ theo thứ tự mà ngồi!
- Dạ lạy Đức Thế Tôn, chúng con
xin thụ giáo.
Khi Phật đi khỏi các vị La Hán
dùng thần túc bay đi lấy lúa, trở về như đàn chim nhạn trên hư không,
tới vương cung từ từ hạ xuống, oai nghi đĩnh đạc, bước vào thứ tự
ngồi nghiêm chỉnh.
Thái Tử thấy các vị này có thần
túc tướng mạo oai nghiêm, phúc đức đầy đử, khen thầm trong bụng! Tự
nghĩ: Hôm nay nhà ta có phước lắm! Mừng lắm!
Tới trước Phật quỳ thẳng chắp
tay bạch rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Các vị
Hiền Thánh Đại Đức từ đâu lại, cúi xin Ngài chỉ giáo?
- Phật nói: Kỳ Đà! Chắc ông
không biết! Các vị Tỷ Khưu này trước đây là người ăn mày, mới theo
ta tu học đã chứng thánh quả, bữa qua Thái Tử không mời, hôm nay sang xứ
Uất Đan Việc lấy lúa tám cánh về ăn đấy!
- Thế Tôn công đức vô lượng vô
biên khó tả xiết, những người ăn xin đứng vào hàng hèn hạ nhất còn
được đặc ân cao quý, đời hiện tại an lạc, lai sinh nhàn cư đạo Vô
Vi. Lòng đại bi vô cùng cực không bỏ sót một chúng sinh nào.
Bạch rằng: Kính lạy đức Thế Tôn!
Các vị Tỷ Khưu quá khứ trồng nhân lành gì? Tu công đức gì? Nay được
gặp Thế Tôn! Và không rõ tại tội gì sinh nơi nghèo khổ phải đi ăn mày,
kính xin Ngài chỉ giáo cho!
Phật dạy: Kỳ Đà ông nên biết:
Đời quá khứ không biết lượng nào kiếp số, cũng Châu Diêm Phù Đề này,
có một nước lớn tên là Lợi Ba La Nại, nước ấy có một quả núi rất
lớn tên là Sự Bạt Ta (Tàu dịch là Tiên Sơn). Trước những thời cổ
xưa, có các thứ Đức Phật tu trong núi này, thời nào không có Phật lại
có các vị Bích Chi Phật, hoặc có các vị Tiên Sĩ, chứ không bao giờ vắng
các vị Hiền Thánh.
Thời đó, núi này có hai ngàn vị
Bích Chi Phật, gặp lúc hỏa tinh xuất hiện kéo dài mười năm, đồng ruộng
khô khan, không cày cấy gì được, nhân dân bị đói khát đau khổ. Lúc
ấy có ông Trưởng giả tên là Tán Đàn Ninh, nhà giàu thóc gạo nhiều,
ông thường cung cấp cho các đạo sĩ. Hôm ấy có một ngàn vị Bích Chi Phật
đến nói với ông rằng:
- Thưa Trưởng giả! Chúng tôi ở
trong núi, gặp lúc hạn, nhân dân đói thiếu, đi xin không được, Trưởng
Giả có thể cung cấp cho chúng tôi ở tại đây tu hành được không? Bằng
không chúng tôi sẽ đi nơi khác!
Đáp: - Kính xin quý vị ngồi chơi
để chúng tôi trả lời sau!
Ông gọi người coi kho hỏi:
- Thủ kho! Gạo còn nhiều không?
Có thể cúng dàng được một ngàn tu sĩ ở tại đây được không?
- Dạ! Thưa Trưởng giả! Số thóc
gạo còn rất nhiều, có thể cúng dàng được.
Ông ra đáp lời rằng:
- Dạ! Thưa quý vị, chúng tôi xin
thành tâm cúng dàng, quý vị hoan hỷ và xin ở luôn tại nhà tôi cho tiện.
Hôm sau lại có một ngàn vị nữa
đến thưa với ông rằng:
- Thưa Trưởng giả! Chúng tôi có một
ngàn vị tu tại núi này, Ngài có thể cúng dàng được, thì quý hóa lắm,
bằng không phải đi nơi khác.
- Dạ! Xin quý Ngài ngồi chơi!
Trưởng giả gọi thủ kho hỏi:
- Anh xem có thể cúng dàng được một
ngàn vị nữa không?
- Dạ! Thưa Trưởng giả đủ.
Ông ra đáp lời quý vị rằng:
- Dạ! Thưa quý Ngài chúng tôi xin
thành tâm chúng dàng!
Ông cúng dàng hai ngàn vị Bích Chi
Phật, thuê năm trăm người hàng ngày để thổi cơm gánh nước giặt giũ
quần áo, hầu hạ các vị đầy đủ, và một người coi đúng giờ đi mời
các vị ăn cơm.
Bọn năm trăm người thấy sự hầu
hạ mỏi mệt, phát giận nói với nhau rằng:
- Chúng ta chịu sự cực khổ buổi
sớm ban hôm không được lúc nào nhàn rỗi cũng chỉ vì bọn ăn mày này.
Người mời này nuôi một con chó,
mỗi khi đi mời cũng cho nó đi theo, một hôm mải chơi quên không đi mời,
con chó có linh giác, biết rằng chủ quên mời nó tự đi đến chỗ các vị
Bích Chi, cắn lớn mấy tiếng. Các vị hiểu nó đến mời, chú nguyện cho
nó thoát khỏi thân súc sinh, sớm được gặp gỡ ngôi Tam Bảo.
Hôm đó thụ trai ngọ xong, các vị
nói với ông Trưởng giả rằng:
- Thưa Trưởng giả, trời sắp mưa
ông nên cấy lúa là được.
- Dạ! Các Ngài dạy bảo chúng tôi
xin thọ giáo.
Ông sai canh điền bắt trâu cày ruộng,
quả nhiên trời mưa, trồng các thứ lúa đều được tốt tươi. Nhưng lạ
thay, những cây lúa ấy sinh ra những quả bầu, ông Trưởng giả cho làm lạ,
đến hỏi các vị, các vị nói rằng:
- Trưởng giả không lo! Cứ tưới
bón vun sới cho nó, một mai nó sẽ kết thành thóc gạo.
Sau ngày bầu chín, người ta mang về
bổ xem, quả nhiên thấy lúa ở trong đầy ăm ắp.
Ông Trưởng giả vui mừng, nhân
dân cho là điềm lạ! Vụ lúa này ông Trưởng giả được rất nhiều thóc,
chứa đầy kho đụn, còn thừa phân cấp cho nhân dân, từ đó mỗi người
được no nê sung sướng, mưa thuận gió hòa, được mùa lúa tốt.
Khi đó bọn năm trăm người nói với
nhau rằng:
Năm nay được mùa lúa tốt no nê
sung sướng là do nơi các vị Đại Sĩ. Trước đây chúng ta nói xấu các vị,
phải đối trước quý Ngài tạ lỗi, kẻo lại sinh chịu quả báo đau khổ.
Mọi người ai nấy đều sợ nghiệp
báo, nên cùng nhau đến trước các vị Bích Chi Phật, thụp lạy thiết tha
sám hối.
- Các vị thấy họ đã phát thiện
tâm, cũng vui lòng! Hỷ xả cứu tế.
Họ thấy các vị đã hoan hỷ rồi,
mọi người đồng thanh phát nguyện rằng:
- Nguyện cho chúng con được thoát
ba đường ác, lại sinh tri ngộ Hiền Thánh đắc quả giải thoát!
Tới đây Phật nhắc lại rằng:
Thái tử ông nên biết: Năm trăm
người nói xấu các vị Bích Chi Phật thuở đó nay là năm trăm vị ăn mày,
vì một lời nói ác nên trong năm trăm đời, phải đi ăn mày, cũng do có
lòng sám hối phát nguyện, ông Trưởng giả Tán Đàn Ninh, chính là tiền
thân của ta, người coi kho này là ông Tu Đạt, người đi mời hằng ngày,
nay là vua Ưu Điền, con chó lúc ấy vì cắn mấy tiếng, nên đời đời
được âm thanh tốt, nay là ông Mỹ Âm Trưởng giả.
Thái Tử Kỳ Đà và tất cả trong
Hoàng cung dân chúng nghe Phật nói xong, ai nấy đều cảm mến lòng từ bi
thương đời của Ngài một cách bình đẳng tuyệt đối, nên nhiều người
phát khởi lòng hướng theo tâm cao cả, tiêu trừ tâm ngã mạn kiêu căng.
Lúc đó có người đắc sơ quả
cho đến tứ quả. Tất cả đều tạ lễ lui ra.