Phần XIII
(59) Kinh Nhiều cảm thọ
(60) Kinh Không gì chuyển hướng
(61) Kinh Giáo giới La-hầu-la ởam-bà-la
(62) Đại kinh Giáo giới La-hầu-la
(63) Tiểu kinh Malunkyaputta
- 59.
KINH NHIỀU CẢM THỌ [^]
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở tại
Savatthi (Xá vệ), Jetavana (Rừng Kỳ đà), tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô
Độc). Rồi người thợ mộc Pancakanga (Ngũ Phần) đến Tôn giả Udayi (Ưu
đà di), sau khi đến, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi
xuống một bên, người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udayi:
– Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn
thuyết có bao nhiêu thọ ?
– Này Gia chủ, Thế Tôn thuyết
có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba
thọ này được Thế Tôn nói đến.
– Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn
không thuyết ba thọ. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ.
Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng
lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.
Lần thứ hai, Tôn giả Udayi nói với
người thợ mộc Pancakanga:
– Này Gia chủ, Thế Tôn không thuyết
hai thọ. Thế Tôn thuyết ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc
thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.
Lần thứ hai người thợ mộc
Pancakanga thưa Tôn giả Udayi.
– Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn
không thuyết ba thọ, Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ.
Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng
lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.
Lần thứ ba, Tôn giả Udayi nói với
người thợ mộc Pancakanga:
– Này Gia chủ, Thế Tôn không thuyết
hai thọ. Thế Tôn thuyết ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc
thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.
Lần thứ ba, người thợ mộc
Pancakanga thưa Tôn giả Udayi:
– Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn
không thuyết ba tho. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa
Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc
đối vị đã chứng được tịch tịnh.
Như vậy, Tôn giả Udayi không thể
thuyết phục được thọ mộc Pancakanga. Và thợ mộc Pancakanga cũng không
thể thuyết phục được Tôn giả Udayi.
Tôn giả Ananda nghe được cuộc đàm
thoại này giữa Tôn giả Udayi với thợ mộc Panacakanga. Rồi Tôn giả
Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống
một bên, sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thuật lại Thế Tôn
rõ toàn diện cuộc đàm thoại giữa Tôn giả Udayi và thợ mộc Pancakanga.
Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, dầu cho pháp môn của
Udayi là đúng, nhưng thợ mộc Pancakanga không chấp nhận. Dầu cho pháp môn
của người thợ mộc Pancakanga là đúng, nhưng Udayi không chấp nhận. Này
Ananda, hai thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; ba thọ được Ta
nói đến tùy theo một pháp môn; năm thọ được Ta nói đến tùy theo một
pháp môn; sáu thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; mười tám thọ
được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; ba mươi sáu thọ được Ta nói
đến tùy theo một pháp môn; một trăm lẻ tám thọ được Ta nói đến tùy
theo một pháp môn. Như vậy, này Ananda, pháp được Ta thuyết giảng tùy
theo pháp môn. Này Ananda, vì pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn
như vậy, nên đối với những ai không chấp nhận, không tán đồng, không
tùy hỷ những điều được khéo nói, khéo thuyết, khéo trình bày cùng
nhau, thời sự kiện này sẽ xẩy ra: họ sẽ sống đấu tranh, khẩu tranh,
luận tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi. Như vậy, này
Ananda pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn. Này Ananda, vì pháp
được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn như vậy, nên đối với những ai
chấp nhận, tán đồng, tùy hỷ những điều được khéo nói, khéo thuyết,
khéo trình bày cùng nhau, thời sự kiện này sẽ xẩy ra: họ sẽ sống hòa
hợp, tán đồng, tùy hỷ với nhau, như nước với sữa, và nhìn nhau với
cặp mắt tương ái.
Này Ananda, có năm dục trưởng dưỡng
này. Thế nào là năm ? Các sắc pháp do nhãn căn nhận thức, khả ái, khả
lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn, các tiếng do tai
nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức...
các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng
với dục, hấp dẫn. Này Ananda, như vậy là năm dục trưởng dưỡng. Này
Ananda, duyên năm dục tưởng dưỡng này khởi lên lạc và hỷ, như vậy gọi
là dục lạc.
Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc
và hỷ này là tối thượng mà các chúng sanh có thể cảm thọ", Ta
không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy ? Vì có một lạc khác với lạc
kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ananda, lạc ấy khác với lạc
kia vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo
ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng
thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Ananda, lạc này khác với
lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.
Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc
và hỷ này là tối thượng mà chúng sanh có thể cảm thọ", Ta không
thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy ? Vì có một lạc thọ khác với lạc
kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ananda, lạc ấy khác với lạc
kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỳ-kheo
diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc
do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Này Ananda, lạc
này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.
Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc
và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn. Ở
đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm
sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an
trú Thiền thứ ba. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và
thù thắng hơn.
Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc
và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là
gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã
cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ không lạc, xả
niệm thanh tịnh. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và
thù thắng hơn.
Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc
và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là
gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện sắc tưởng, diệt
trừ hữu đối tưởng, không tư niệm sai biệt tưởng, nghĩ rằng:
"Hư không là vô biên", chứng và trú Hư không vô biên xứ. Này
Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.
Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc
và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là
gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Hư không vô biên
xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên," chứng và trú Thức vô biên xứ.
Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.
Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc
và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là
gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Thức vô biên xứ,
nghĩ rằng không có vật gì, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này Ananda, lạc
này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.
Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc
và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là
gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Vô sở hữu xứ,
chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc
kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.
Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc
và hỷ này là tối thượng mà chúng sanh có thể cảm thọ", Ta không
thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy ? Vì có một lạc thọ khác với lạc
thọ kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ananda, lạc ấy khác với lạc
kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo
vượt qua toàn diện Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ
tưởng định. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù
thắng hơn.
Sự kiện này xẩy ra, này Ananda, những
du sĩ ngoại đạo có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama nói đến Diệt thọ
tưởng định, và chủ trương định ấy thuộc về lạc thọ. Như vậy là
gì, như vậy là thế nào ? Này Ananda, được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo
cần phải được trả lời như sau: "Này chư Hiền, Thế Tôn không chủ
trương rằng chỉ có những gì tùy thuộc lạc thọ là thuộc về lạc; vì
rằng, chư Hiền, Thế Tôn chủ trương rằng chỗ nào, chỗ nào có được
lạc thọ, như vậy chỗ ấy, chỗ ấy thuộc về lạc".
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn
giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn du hành giữa
dân chúng Kosala với Đại chúng Tỷ-kheo và đến tại Sala, một làng
Bà-la-môn của dân chúng Kosala. Các Bà-la-môn gia chủ ở Sala được nghe tiếng
đồn như sau: "Sa-môn Gotama, giòng họ Thích-ca, xuất gia từ gia tộc
Thích-ca, đang du hành giữa dân chúng Kosala với Đại chúng Tỷ-kheo, đã đến
Sala". Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn
Gotama: "Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,
Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ
thế giới này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với
chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời, loài Người. Khi đã chứng ngộ.
Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp, sơ thiện,
trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ. Ngài truyền dạy Phạm hạnh
hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Tốt đẹp thay, sự chiêm ngưỡng một vị
A-la-hán như vậy". Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Sala đi đến chỗ Thế
Tôn, sau khi đến, một số người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một
bên; có người nói lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên
những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên; có người
chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên
và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; có người yên lặng ngồi xuống một
bên. Thế Tôn nói với các Bà-la-môn gia chủ ở tại Sala đang ngồi xuống
một bên:
– Này các Gia chủ, các Ông có vị
Đạo sư khả ý nào mà các Ông có lý do đặt được lòng tin không ?
– Bạch Thế Tôn, chúng con không
có vị Đạo sư khả ý nào để chúng con có lý do đặt được lòng tin.
– Này các Gia chủ, nếu các Ông
không có một vị Đạo sư khả ý nào, thời hãy lấy pháp không gì chuyển
hướng này mà thực hành. Này các Gia chủ, pháp không gì chuyển hướng này
được khéo thọ trì, khéo thành tựu, sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc
lâu dài cho các Ông. Và này các Gia chủ, thế nào là pháp "không gì
chuyển hướng" ?
Này các Gia chủ, có một số
Sa-môn, Bà-la-môn có những lập thuyết như sau, có những quan điểm như
sau: "Không có (kết quả của) bố thí, không có (kết quả của) lễ
hy sinh, không có (kết quả của) tế tự, không có kết quả, quả báo của
các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ,
không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị
Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thực hành, và những vị
này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã tự chứng ngộ với
thắng trí". Nhưng này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn
nói đối nghịch với các vị Sa-môn, Bà-la-môn kia, những vị này nói như
sau: "Có (kết quả của) bố thí, có (kết quả của) lễ hy sinh, có (kết
quả của) tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, có
đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trên đời có
những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thực hành, và
những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng
ngộ với thắng trí". Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào, có phải
những vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy nói những lời đối nghịch với nhau ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Ở đây, này các Gia chủ, những
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không
có (kết quả của) bố thí, không có (kết quả của) lễ hy sinh, không có
(kết quả của) tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện
ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha,
không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn,
Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này
tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng
trí". Đối với những vị này sự kiện này sẽ chờ đợi xảy ra:
Sau khi từ bỏ ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện
hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý
ác hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy ? Vì những vị Tôn giả
Sa-môn, Bà-la-môn ấy không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế
của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của
các thiện pháp. Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng
không có đời sau, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có đời sau, nếu
có ai suy tư rằng không có đời sau, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có
đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời đó là tà ngữ. Vì
rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời tự mâu
thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì
rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là không có đời
sau, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục
ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước
khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp
trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc
Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người,
như vậy các ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có
trí suy nghĩ như sau: Nếu không có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại
mạng chung, tự ngã cảm thấy an toàn. Nếu có đời sau, thời vị này sau
khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Nếu muốn đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn,
Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này, ngay trong hiện tại bị những
người có trí quở trách: "Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ
trương hư vô luận". Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt
đều gặp bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở
trách; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạn xứ,
địa ngục. Như vậy pháp "không gì chuyển hướng" này bị chấp
trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía,
và bỏ phía thiện pháp.
Ở đây, này các Gia chủ, những
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có
(kết quả của) bố thí, có (kết quả của) lễ hy sinh, có (kết quả của)
tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, có đời này,
có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trên đời có những vị
Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị
này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng
trí". Đối với những vị này, sự kiện này sẽ chờ xẩy ra: Sau khi
từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi
chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện
hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy ? Vì những vị Sa-môn,
Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất
thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện
pháp. Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng có đời sau,
thời đó là một chánh kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng
có đời sau, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai
nói rằng có đời sau thời đó là chánh ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu
có ai nói rằng có đời sau, thời không tự mâu thuẫn đối nghịch với các
vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có
ai thuyết phục người khác là có đời sau, thời sự thuyết phục ấy thuận
với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy
không khen mình chê người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được
từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư
duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục
thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện
pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có
trí suy nghĩ như sau: Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng
chung sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn
cho đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn
ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại được những
người có trí tán thán: "Người này theo thiện giới, có chánh kiến,
chủ trương hữu luận". Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt
đều gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán
thán; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi
đời này. Như vậy, "pháp không gì chuyển hướng" này được chấp
trì, được thực hành đúng đắn bởi vị này chấp nhận cả hai phía, bỏ
qua hai phía bất thiện pháp.
Này các Gia chủ, có một số
Sa-môn, Bà-la-môn, có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tự làm
hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu
hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền
muộn, gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây ra sợ hãi,
hay khiến người gây ra sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà
mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt,
tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì. Nếu
lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành
một đống thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy có tội ác,
có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam
sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt
nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy có tội ác, có gây ra sự
tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố
thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì
vậy có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo".
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói những lời đối nghịch
với các Sa-môn, Bà-la-môn kia. Các vị này nói như sau: "Tự làm hay khiến
người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến
người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây
ác não hay khiến người gây ác não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người
gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc,
đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người,
nói láo, hành động như vậy của tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén
giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành
một chồng thịt, thì do nhân duyên này có tội ác, có gây ra sự tiếp tục
của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại,
tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu khiến người đốt
nấu, thì do nhân duyên này có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội
ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng, bố thí, khiến người
bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, thì do nhân duyên này, có phước
báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo. Bố thí, điều phục, tự
chế, nói thật, đều có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước
báo".
Vì sao vậy ? này các Gia chủ, có
phải những Sa-môn, Bà-la-môn này nói lời đối nghịch với nhau ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Ở đây, này các Gia chủ, có những
Sa-môn, Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tự làm
hay khiến người làm,... (như trên)... không đưa đến phước báo". Đối
với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba
thiện pháp thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp
nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này
thực hành theo. Vì sao vậy ? Những Sa-môn, Bà-la-môn này không thấy sự
nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát
ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì rằng có tác dụng,
nếu có quan điểm nào nói rằng không có tác dụng, thời đó là một tà
kiến. Vì rằng có tác dụng, nếu ai có suy tư rằng không có tác dụng, thời
đó là tà tư duy. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng không có tác
dụng, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng
không có tác dụng, thời tự mẫu thuẫn đối nghịch với các vị
A-la-hán đã biết được có tác dụng. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai
thuyết phục người khác là không có tác dụng, thời sự thuyết phục ấy
chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp,
người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người
ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư
duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống
lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy những ác bất thiện
pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, người có
trí suy nghĩ như sau: Nếu không có tác dụng, thời vị này, sau khi thân hoại
mạng chung, tự ngã cảm thấy an toàn. Nếu có tác dụng, thời vị này sau
khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Nếu muốn không có tác dụng đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn,
Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này, ngay trong hiện tại, bị
những người có trí quở trách: "Người này theo ác giới, có tà kiến,
chủ trương không tác dụng". Còn nếu có tác dụng, thời vị này cả
hai mặt đều gặp sự bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có
trí quở trách; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú,
đọa xứ, địa ngục. Như vậy pháp "không gì chuyển hướng" này
bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một
phía, và bỏ qua phía thiện pháp.
Ở đây, này các Gia chủ, những
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tự
làm hay khiến người làm... (như trên)... có đưa đến phước báo". Đối
với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba
ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận
ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị
này thật hành theo. Vì sao vậy ? Vì những Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự
nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát
ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì rằng có tác dụng,
nếu có quan điểm nào nói rằng có tác dụng, thời đó là chánh kiến.
Vì rằng có tác dụng, nếu có ai suy tư rằng có tác dụng, thời đó là
chánh tư duy. Vì rằng có tác dụng,, nếu có ai nói rằng có tác dụng, thời
đó là chánh ngữ, vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng có tác dụng
thời không tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được
có tác dụng. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai thuyết phục người khác
là có tác dụng, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì
sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người.
Như vậy trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới
đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối
nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự
không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này khởi
lên, do duyên chánh kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có
trí suy nghĩ như sau: Nếu có tác dụng, thời vị này, sau khi thân hoại mạng
chung, sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn
tác dụng không có đi nữa, nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy
là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại được những người
có trí tán thán: "Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương
có tác dụng". Còn nếu có tác dụng, thời vị này cả hai mặt đều
gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán thán;
sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời
này. Như vậy, pháp "không gì chuyển hướng" này được chấp trì,
được thực hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía, và bỏ
qua phía bất thiện pháp.
Này các Gia chủ, có một số
Sa-môn, Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không
có nhơn, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; vô nhân vô
duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô. Không có nhân, không có duyên, các
loài hữu tình được thanh tịnh, vô nhân vô duyên, các loài hữu tình được
thanh tịnh. Không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có
sự cố gắng của người. Tất cả loài chúng sanh, tất cả loài hữu
tình, tất cả sanh loại, tất cả sanh mạng đều không tự tại, không lực,
không tinh tấn. Các chúng sanh ấy bị dắt dẫn, chi phối bởi định mệnh,
bởi sự tình cờ, bởi bản tánh của họ. Các chúng sanh ấy hưởng thọ
khổ lạc, y theo sáu loại thác sanh của họ". Này các Gia chủ, lại
có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn đối nghịch với những
Sa-môn, Bà-la-môn ấy. Những vị này đã nói như sau: "Có nhân có
duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô ; không có nhân, không có duyên các
loài hữu tình bị nhiễm ô. Có nhân, có duyên, các loài hữu tình được
thanh tịnh. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh.
Có lực, có tinh tấn, có nhân lực, có sự cố gắng của người. Tất cả
loài chúng sanh, tất cả loài hữu tình, tất cả sanh loại, tất cả sanh mạng
đều không phải không tự tại, không có lực, không có tinh tấn. (Không
phải) các chúng sanh ấy bị dẫn dắt, chi phối bởi định mệnh bởi sự
tình cờ, bởi bản tánh của họ. (Không phải) họ hưởng thọ khổ lạc
y theo sáu loại thác sanh của họ".
Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế
nào ? Có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn này nói lên những lời mâu thuẫn,
đối nghịch nhau ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Ở đây này các Gia chủ, những
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không
có nhân, không có duyên... (như trên)... họ cảm thọ khổ lạc..". Đối
với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba
thiện pháp thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp
nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này
sẽ thực hành theo. Vì sao vậy ? Những Sa-môn, Bà-la-môn này không thấy sự
nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát
ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì rằng có nhân,
nếu có quan điểm nào nói rằng không có nhân, thời đó là một tà kiến.
Vì rằng có nhân, nếu có ai suy tư rằng không có nhân thời đó là tư
duy. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng không có nhân, thời đó là tà
ngữ. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng không có nhân, thời tự mâu
thuẫn, đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có nhân. Vì rằng
có nhân, nếu có ai thuyết phục người khác là không có nhân, thời sự
thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống
lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện
giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và
tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự
thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy những
ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, người có
trí suy nghĩ như sau: Nếu không có nhân, thời vị này, sau khi thân hoại mạng
chung, tự cảm thấy an toàn. Nếu có nhân thời vị này, sau khi thân hoại
mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu muốn
không có nhân đi nữa, nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng
sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở
trách. "Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương không
nhân". Còn nếu có nhân, thời vị này, cả hai mặt đều gặp sự bất
hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau khi
thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Như vậy, pháp "không có chuyển hướng" này bị chấp trì, bị thực
hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ qua phía
thiện pháp.
Ở đây, này các Gia chủ, những
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có
nhân, có duyên... (như trên)... họ cảm thọ hưởng lạc". Đối với
những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba ác
pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba
thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị
này thực hành theo. Vì sao vậy ? Vì những Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự
nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát
ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp. Vì rằng có nhân,
nếu có quan điểm nào nói rằng có nhân, thời đó là chánh kiến. Vì rằng
có nhân, nếu có ai suy tư rằng có nhân, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng
có nhân, nếu có ai nói rằng có nhân, thời đó là chánh ngữ. Vì rằng
có nhân, nếu có ai nói rằng có nhân, thời không tự mẫu thuẫn, đối
nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có nhân. Vì rằng có nhân, nếu
có ai thuyết phục người khác là có nhân, thời sự thuyết phục ấy thuận
với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy
không khen mình chê người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được
từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư
duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục
thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện
pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có
trí suy nghĩ như sau: Nếu có nhân, thời vị này sau khi thân hoại mạng
chung, sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn
không có nhân đi nữa, nếu lời nói của các Sa-môn; Bà-la-môn ấy là đúng
sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại, được những người có trí
tán thán: "Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương có
nhân". Còn nếu có nhân thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn:
ngay trong hiện tại, được những người có trí tán thán, sau khi thân hoại
mạng chung, sẽ sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Như vậy,
pháp "không gì chuyển hướng" này được chấp trì, được thực
hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía và bỏ qua phía bất
thiện pháp.
Này các Gia chủ, có một số
Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không
thể có một vô sắc toàn diện". Lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn
nói lời mâu thuẫn, đối nghịch với các Sa-môn, Ba la môn ấy. Các vị
này đã nói như sau: "Có thể có một vô sắc toàn diện". Này các
Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào ? Có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn này
nói những lời mâu thuẫn, đối nghịch nhau ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Ở đây, này các Gia chủ, một
người có trí suy nghĩ như sau: "Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập
thuyết như sau, có quan niệm như sau: "Không thể có một không sắc
toàn diện", ta không có thấy như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có
lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có thể có một không sắc
toàn diện", ta không có biết như vậy. Và nếu ta không biết, không thấy
mà chỉ chấp nhận một bên và tuyên bố: "Đây là sự thật, ngoài ra
đều là mê lầm," thời như vậy không xứng đáng với ta. Những
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không
thể có một không sắc toàn diện", nếu lời nói của những Sa-môn,
Ba la môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ
tái sanh tại chỗ các chư Thiên có sắc do ý sở thành. Còn nếu những
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có
thể có một không sắc toàn diện", nếu lời nói của những Sa-môn,
Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ
tái sanh tại chỗ các chư Thiên không sắc, do tưởng sở thành. Do duyên với
cái gì có sắc, chấp gậy, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh,
kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ đều được thấy. Những sẽ không có
những sự việc này trong một không sắc toàn diện". Do suy tư như vậy,
vị ấy thành tựu sự yểm ly, sự ly tham, sự diệt tận các sắc pháp.
Này các Gia chủ, có một số
Sa-môn. Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không
thể có một sự hữu diệt (Bhavanirodha) toàn diện". Này các Gia chủ,
lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn đối nghịch với các
Sa-môn, Bà-la-môn. Các vị này đã nói như sau: "Có thể có một sự hữu
diệt toàn diện". Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào ? Có phải những
Sa-môn, Bà-la-môn này nói những lời mâu thuẫn đối nghịch nhau ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Ở đây, này các Gia chủ, một
người có trí suy nghĩ như sau: "Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập
thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không thể có sự hữu diệt
toàn diện", ta không có thấy như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có
lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có thể có một sự hữu
diệt toàn diện", ta không có biết như vậy. Và nếu ta không biết,
không thấy mà chỉ chấp nhận một bên và tuyên bố: "Đây là sự thật,
ngoài ra đều là mê lầm", thời như vậy không xứng đáng với ta. Những
Sa-môn, Bà-la-môn nào, có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau:
"Không thể có một sự hữu diệt toàn diện", nếu lời nói của
những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta
chắc chắn sẽ tái sanh chỗ các chư Thiên không sắc do tưởng sở thành.
Còn nếu những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm
như sau: "Có thể có một sự hữu diệt toàn diện", nếu lời nói
của những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy
ra: Ta chắc chắn sẽ nhập Niết-bàn ngay trong hiện tại. Những Tôn giả
Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không
thể có một sự hữu diệt toàn diện", thời quan điểm này của các
vị ấy gần với tham ái, gần với kiết sử, gần với ái lạc, gần với
chấp trước, gần với chấp thủ. Còn những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập
thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có thể có sự hữu diệt toàn
diện", thời quan điểm này của những vị ấy là gần với ly tham, gần
với không kiết phược, gần với không ái lạc, gần với không chấp trước,
gần với không chấp thủ". Do suy tư như vậy, vị ấy thành tựu sự
yểm ly, sự vô tham, sự diệt tận đối với các hữu.
Này các Gia chủ, có bốn hạng người
này có mặt ở trong đời. Thế nào là bốn ? Ở đây, này các Gia chủ,
có người tự hành khổ mình chuyên tâm tự hành khổ mình. Ở đây, này
các Gia chủ, có người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Ở
đây, này các Gia chủ, có người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm tự
hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Ở đây,
này các Gia chủ, có người vừa tự không tự hành khổ mình, không chuyên
tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành
khổ người. Vị này không hành khổ mình, không hành khổ người, ngay
trong hiện tại, không có tham dục, không có khao khát, cảm thấy mát lạnh,
cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể. Và này các Gia chủ, thế
nào là người tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình ? Ở đây, này
các Gia chủ, có người sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi,
liếm tay cho sạch... (như kinh Kandarakasuttam số 51)... Như vạy người ấy
dưới nhiều hình thức, sống chuyên tâm hành khổ thân mình. Như vậy, này
các Gia chủ, được gọi là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự
hành khổ mình. Và này các Gia chủ, thế nào là hạng người hành khổ người,
chuyên tâm hành khổ người ? Ở đây, này các Gia chủ, có người là người
đồ tể giết trâu bò, là người đồ tể giết heo... (như trên)... và những
người làm các nghề ác độc khác. Như vậy, này các Gia chủ, được gọi
là người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Và này các Gia chủ,
thế nào là người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình, vừa
hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người ? Ở đây, này các Gia chủ,
có người làm vua, thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ, đã làm lễ quán đảnh...
(như trên)... vì sợ đòn gậy, vì sợ nguy hiểm, với mặt tràn đầy nước
mắt, khóc lóc làm các công việc. Như vậy, này các Gia chủ, được gọi
là hạng người vừa tự hạnh khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa
hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Và này các Gia chủ, thế
nào là hạng người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ
mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người; ngay
trong hiện tại không có tham dục, không có khao khát, tịch tịnh, cảm thấy
mát lạnh, cảm giác lạc thọ, thân trú vào Phạm thể ? Ở đây, này các
Gia chủ, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri... (như
trên)... sau khi từ bỏ năm triền cái này, các pháp làm tâm cấu uế, làm
trí tuệ trở thành yếu ớt, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng
và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm
với tứ... Thiền thứ hai.... Thiền thứ ba... chứng và trú Thiền thứ tư,
không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh,
không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc,
định tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm hướng tâm đến túc mạng minh. Vị
ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời... (như trên)...
như vậy vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, cùng với các nét
đại cương và các chi tiết. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu
nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, định tĩnh
như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của
chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống
và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ
liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất
hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không
cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc định
tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết
như thật: Đây là khổ,... (như trên)... biết như thật: Đây là con đường
đưa đến sự đoạn trừ các lậu hoặc. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận
thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu,
thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân giải thoát như vậy, khởi lên
sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã
diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm, đã làm sau đời hiện tại không
có đời sống nào khác nữa". Như vậy, này các Gia chủ, được gọi
là hạng người không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ
mình, không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người; ngay trong
hiện tại, không có tham dục, không có khao khát, cảm thấy mát lạnh, cảm
giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể.
Khi được nói vậy, các Bà-la-môn,
gia chủ trú ở Sala bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, Tôn giả
Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thưa Tôn giả Gotama, như người
dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị
che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối
để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được
Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Chúng con xin
quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả
Gotama chấp nhận cho chúng con làm những người cư sĩ. Từ nay cho đến mạng
chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Rajagaha
(Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc).
Lúc bấy giờ, Tôn giả Rahula (La-hầu-la) ở tại Ambalatthika. Rồi Thế
Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Ambalatthika, chỗ
Tôn giả Rahula ở. Tôn giả Rahula thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy,
liền sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân. Thế Tôn ngồi xuống trên
chỗ đã soạn sẵn, và sau khi ngồi, Ngài rửa chân. Tôn giả Rahula đảnh
lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
Rồi Thế Tôn, sau khi để một ít
nước còn lại trong chậu nước, bảo Tôn giả Rahula:
– Này Rahula, Ông có thấy một ít
nước còn lại này trong chậu nước không ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Cũng ít vậy, này Rahula, là
Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn, sau khi đổ đi chút
ít nước còn lại ấy rồi bảo Rahula:
– Này Rahula, Ông có thấy chút ít
nước còn lại ấy bị đổ đi không ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Cũng đổ đi vậy, này Rahula,
là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước
ấy và bảo Tôn giả Rahula.
– Này Rahula, Ông có thấy chậu nước
bị lật úp ấy không ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Cũng lật úp vậy, này Rahula,
là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại
chậu nước ấy và bảo Tôn giả Rahula:
– Này Rahula, Ông có thấy chậu nước
này trống không không ?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Cũng trống không vậy, này
Rahula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo.
Này Rahula, ví như một con voi của
vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường có mặt ở
chiến trường. Khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân
sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng
ngà, dùng đuôi, nhưng bảo vệ cái vòi. Ở đây, người nài nghĩ rằng:
"Con voi của vua này có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện,
thường hay có mặt ở chiến trường. Khi lâm trận con voi này thường dùng
hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân
sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, nhưng bảo vệ cái vòi. Con
voi của vua (như vậy) không quăng bỏ mạng sống (của mình)". Này
Rahula, nhưng khi con voi của vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo
luyện, thường hay có mặt ở chiến trường, khi lâm trận, con voi này
dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần
thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, dùng vòi. Ở đây, người
nài nghĩ rằng: "Con voi của vua này, có ngà dài như một cán cày, to lớn,
khéo luyện, thường hay có mặt ở chiến trường... (như trên)... dùng đuôi,
dùng vòi. Con voi của vua (như vậy) đã quăng bỏ mạng sống (của mình),
và nay con voi của vua không có việc gì mà không làm". Cũng vậy, này
Rahula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng
người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rahula, "Ta
quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi", này Rahula, Ông phải học
tập như vậy.
Này Rahula, Ông nghĩ thế nào ? Mục
đích của cái gương là gì ?
– Bạch Thế Tôn, mục đích là để
phản tỉnh.
– Cũng vậy, này Rahula, sau khi phản
tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy
hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp.
Này Rahula, khi Ông muốn làm một
thân nghiệp gì, hãy phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp
này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có
thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến
đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh,
Ông biết: "Thân nghiệp này, ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta có
thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến
hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ,
đem đến quả báo đau khổ". Một thân nghiệp như vậy, này Rahula,
Ông nhất định chớ có làm. Này Rahula, nếu sau khi phản tỉnh, ông biết:
"Thân nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta không có thể
đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể
đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc,
đem đến quả báo an lạc". Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông
nên làm. Này Rahula, khi Ông đang làm một thân nghiệp, Ông cần phải phản
tỉnh thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp
này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả
hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ; đem đến quả
báo đau khổ. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh, Ông biết: "Thân nghiệp
này ta đang làm. Thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại
người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa
đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ". Này Rahula, ông hãy từ bỏ
một thân nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này Rahula, trong khi phản tỉnh ông
biết như sau: "Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp này của ta
không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại
cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả
báo an lạc". Thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông cần phải tiếp tục
làm. Sau khi Ông làm xong một thân nghiệp, này Rahula, Ông cần phải phản tỉnh
thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp này
của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả
hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả
báo đau khổ". Nếu trong khi phản tỉnh, này Rahula, Ông biết như sau:
"Thân nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp này đưa đến tự hại, đưa
đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất
thiện đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Một thân nghiệp
như vậy, này Rahula, Ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải
trình bày trước các vị Đạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có
trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương
lai. Nếu trong khi phản tỉnh, này Rahula Ông biết như sau: "Thân nghiệp
này ta đã làm. Thân nghiệp này không đưa đến tự hại, không đưa đến
hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này thiện,
đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc". Do vậy, này Rahula, Ông
phải an trú trong niềm hoan hỷ tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong
các thiện pháp.
Này Rahula, khi Ông muốn làm một khẩu
nghiệp gì, hãy phản tỉnh khẩu nghiệp ấy như sau: "Khẩu nghiệp này
của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể
đưa đến hại cả hai, khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ,
đem đến quả báo đau khổ". Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh, Ông
biết: "Khẩu nghiệp này ta muốn làm. Khẩu nghiệp này của ta có thể
đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại
cả hai; thời khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến
quả báo đau khổ". Một khẩu nghiệp như vậy này Rahula, nhất định
chớ có làm. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh, Ông biết: "Khẩu nghiệp
này ta muốn làm. Khẩu nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại,
không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả
hai; thời khẩu nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo
an lạc". Một khẩu nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nên làm. Này
Rahula, khi Ông đang làm một khẩu nghiệp, Ông cần phải phản tỉnh khẩu
nghiệp ấy như sau: "Khẩu nghiệp này ta đang làm. Khẩu nghiệp này của
ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, thời
khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo
đau khổ". Này Rahula nếu trong khi phản tỉnh, Ông biết: "Khẩu
nghiệp này ta đang làm. Khẩu nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa
đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là bất
thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ". Này Rahula,
Ông hãy từ bỏ một khẩu nghiệp như vậy. Nhưng nếu này Rahula, khi phản
tỉnh, Ông biết như sau: "Khẩu nghiệp này ta đang làm. Khẩu nghiệp
này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không
đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc,
đem đến quả báo an lạc". Khẩu nghiệp như vậy này Rahula, Ông cần
phải tiếp tục làm. Sau khi Ông làm xong một khẩu nghiệp, này Rahula, Ông
cần phải phản tỉnh khẩu nghiệp ấy như sau: "Khẩu nghiệp này ta đã
làm. Khẩu nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người,
đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến
đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Nếu trong khi phản tỉnh, này
Rahula, Ông biết như sau: "Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp
này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, khẩu
nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ".
Một khẩu nghiệp như vậy, này Rahula, Ông cần phải thưa lên, cần phải
tỏ lộ, cần phải trình bày trước vị Đạo sư, hay trước các vị đồng
Phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải
phòng hộ trong tương lai, nếu trong khi phản tỉnh, này Rahula, Ông biết như
sau: "Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này không đưa đến tự
hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời khẩu
nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đưa đến quả báo an lạc".
Do vậy, này Rahula, Ông phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục
tu học ngày đêm trong các thiện pháp.
Này Rahula, như Ông muốn làm một
ý nghiệp gì, hãy phản tỉnh ý nghiệp ấy như sau: "Ý nghiệp này của
ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể
đưa đến hại cả hai, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ,
đem đến quả báo đau khổ". Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh, Ông
biết: "Ý nghiệp này ta muốn làm. Ý nghiệp này của ta có thể đưa
đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả
hai; thời ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả
báo đau khổ". Một ý nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nhất định chớ
có làm. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh, ông biết: "Ý nghiệp này
ta muốn làm. Ý nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không
có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai; thời
ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc".
Ý nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nên làm. Này Rahula, khi Ông đang làm một
ý nghiệp, Ông cần phải phản tỉnh ý nghiệp ấy như sau: "Ý nghiệp
này ta đang làm. Ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại
người, đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến
đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ". Này Rahula, nếu trong khi phản
tỉnh, Ông biết: "Ý nghiệp này ta đang làm. Ý nghiệp này của ta đưa
đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời ý
nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem lại quả báo đau khổ".
Này Rahula, Ông hãy từ bỏ một ý nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này Rahula,
khi phản tỉnh Ông biết như sau: "Ý nghiệp này ta đang làm. Ý nghiệp
này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không
đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc,
đem đến quả báo an lạc". Ý nghiệp như vậy, này Rahula, Ông phải tiếp
tục làm. Sau khi Ông làm xong một ý nghiệp, này Rahula, Ông cần phải phản
tỉnh ý nghiệp â鹠như sau: "Ý nghiệp
này ta đã làm. Ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại
người, đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến
đau khổ, đem lại quả báo đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Nếu
trong khi phản tỉnh, này Rahula, Ông biết như sau: "Ý nghiệp này ta đã
làm. Ý nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến
hại cả hai; ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến
quả báo đau khổ". Một ý nghiệp như vậy, này Rahula, Ông cần phải
lo âu, cần phải tàm quý, cần phải nhàm chán. Sau khi lo âu, tàm quý, nhàm
chán, cần phải phòng hộ trong tương lai. Còn nếu trong khi phản tỉnh,
này Rahula, Ông biết: "Ý nghiệp này ta đã làm. Ý nghiệp này không
đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả
hai, ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc".
Do vậy, này Rahula, Ông phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục
tu học ngày đêm trong các thiện pháp.
Này Rahula, trong thời quá khứ, những
Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã tịnh hóa thân nghiệp, đã tịnh hóa khẩu nghiệp,
đã tịnh hóa ý nghiệp, tất cả những vị ấy, sau khi phản tỉnh như vậy
nhiều lần đã tịnh hóa thân nghiệp, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần,
đã tịnh hóa khẩu nghiệp, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, đã tịnh
hóa ý nghiệp. Này Rahula, trong thời vị lai, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào
sẽ tịnh hóa thân nghiệp, sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp, sẽ tịnh hóa ý
nghiệp, tất cả những vị ấy; sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, sẽ
tịnh hóa thân nghiệp, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, sẽ tịnh hóa
khẩu nghiệp, sau khi phản tỉnh nhiều lần, sẽ tịnh hóa ý nghiệp. Này
Rahula, trong thời hiện tại, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào tịnh hóa thân
nghiệp, tịnh hóa khẩu nghiệp, tịnh hóa ý nghiệp, tất cả những vị
ấy, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, tịnh hóa khẩu nghiệp; sau khi
phản tỉnh như vậy nhiều lần, tịnh hóa ý nghiệp. Do vậy, này Rahula:
"Sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa thân nghiệp; sau khi
phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp, sau khi phản tỉnh
nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa ý nghiệp". Như vậy, này Rahula, Ông cần
phải tu học.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn
giả Rahula, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn giảng...
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Savatthi,
Jetavana, tại tịnh xá Ànathapindika. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm
y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Tôn giả Rahula vào buổi sáng cũng
đắp y, cầm y bát, đi sau lưng Thế Tôn. Rồi Thế Tôn, sau khi đưa mắt ngó
xung quanh, bảo Tôn giả Rahula:
– Này Rahula, bất cứ sắc pháp
nào, quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng,
xa hay gần, tất cả sắc pháp phải được quán sát như thật với chánh
trí tuệ: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái
này không phải tự ngã của ta.
– Bạch Thế Tôn, có phải chỉ sắc
mà thôi. Bạch Thiện Thệ, có phải chỉ sắc mà thôi ?
– Cả sắc, này Rahula; cả thọ,
này Rahula; cả tưởng, này Rahula, cả hành, này Rahula; và cả thức, này
Rahula.
Rồi Tôn giả Rahula tự nghĩ:
"Ai có thể hôm nay được Thế Tôn trực tiếp giảng dạy với bài
giáo giới, còn có thể đi vào làng để khất thực ? Rồi Tôn giả từ chỗ
ấy đi trở lui về, ngồi xuống một gốc cây, kiết già, lưng thẳng, an
trú niệm trước mặt. Tôn giả Sariputta thấy Tôn giả Rahula đang ngồi dưới
một gốc cây, kiết- già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt. Sau khi thấy
vậy, Ngài nói với Tôn giả Rahula:
– Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập
nhập tức xuất tức niệm (niệm hơi thở vô, hơi thở ra). Này Rahula, tu tập
niệm hơi thở vô hơi thở ra, làm cho sung mãn, được quả lớn, được lợi
ích lớn.
Rồi Tôn giả Rahula, vào buổi chiều,
sau khi từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến,
đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một
bên, Tôn giả Rahula bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, niệm hơi thở vô
hơi thở ra được tu tập như thế nào ? Làm cho sung mãn, (pháp môn này) như
thế nào là để được quả lớn, được lợi ích lớn ?
– Này Rahula, cái gì thuộc nội
nhân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ, như tóc, lông,
móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá
lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân và bất cứ vật gì khác, thuộc
nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ; như vậy, này
Rahula, được gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và
những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Địa giới
ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái
này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự
là ngã của ta". Sau khi như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ
như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới.
Và này Rahula, thế nào là thủy giới
? Có nội thủy giới, có ngoại thủy giới. Và này Rahula, thế nào là nội
thủy giới ? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc
chất lỏng, bị chấp thủ, như mật, đàm, niêm dịch, mủ, máu, mồ hôi,
mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương,
nước tiểu, và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân,
thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ, như vậy, này Rahula, được
gọi là thủy giới. Những gì thuộc nội thủy giới và những gì thuộc
ngoại thủy giới đều thuộc về thủy giới. Thủy giới ấy phải được
quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của
ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta". Sau
khi như thật quán sát thủy giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy
sanh yểm ly đối với thủy giới, tâm từ bỏ thủy giới.
Và này Rahula, thế nào là hỏa giới
? Có nội hỏa giới, có ngoại hỏa giới. Và này Rahula, thế nào là nội
hỏa giới ? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc về cá nhân, thuộc lửa,
thuộc chất nóng, bị chấp thủ; như cái gì khiến cho hâm nóng, khiến cho
hủy hoại, khiến cho thiêu cháy, cái gì khiến cho những vật được ăn, uống,
nhai, nếm, có thể khéo tiêu hóa, hay tất cả những vật gì khác, thuộc nội
thân, thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ; này
Rahula, như vậy được gọi là nội hỏa giới. Những gì thuộc nội hỏa
giới, và những gì thuộc ngoại hỏa giới đều thuộc về hỏa giới. Hỏa
giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau:
"Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không
phải tự ngã của ta". Sau khi như thật quán sát hỏa giới với chánh
trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với hỏa giới, tâm từ bỏ hỏa
giới.
Và này Rahula, thế nào là phong giới.
Có nội phong giới, có ngoại phong giới. Và này Rahula, thế nào là nội
phong giới ? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc
tánh động, bị chấp thủ, như gió thổi lên, gió thổi xuống, gió trong
ruột, gió trong bụng dưới, gió thổi ngang các đốt, các khớp, hơi thở
vô, hơi thở ra, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân,
thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ; này Rahula, như vậy được gọi
là nội phong giới. Những gì thuộc nội phong giới và những gì thuộc ngoại
phong giới đều thuộc về phong giới. Phong giới ấy phải được quán
sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của ta,
cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta". Sau khi
như thật quán sát phong giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm
ly đối với phong giới, tâm từ bỏ phong giới.
Và này Rahula, thế nào là hư không
giới ? Có nội hư không giới, có ngoại hư không giới. Và này Rahula, thế
nào là nội hư không giới ? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân,
thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ, như lỗ tai, lỗ mũi,
cửa miệng, do cái gì người ta nuốt, những gì được nhai, được uống,
được ăn và được nếm, và tại chỗ mà những gì được nhai, được uống,
được ăn và được uống được giữ lại, và ngang qua chỗ mà những gì
được nhai, được uống, được ăn và được tống xuất xuống phần dưới
để ra ngoài, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân,
thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ; này Rahula, như vậy
được gọi là nội hư không giới. Những gì thuộc nội hư không giới
và những gì thuộc ngoại hư không giới đều thuộc về hư không giới. Hư
không giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như
sau: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này
không phải tự ngã của ta," Sau khi như thật quán sát hư không giới với
chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với hư không giới, tâm
từ bỏ hư không giới.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập
như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái,
không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh,
quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu;
tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này
Rahula, hãy tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các
xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không
có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập
như nước. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như nước, các xúc khả ái,
không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, ví như trong nước người ta rửa đồ tịnh, rửa đồ không tịnh,
rửa sạch phân uế, rửa sạch nước tiểu,, rửa sạch nước miếng, rửa
sạch mủ, rửa sạch máu; tuy vậy nước không lo âu, không dao động, không
nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tụ tập như nước... (như
trên)... không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập
như lửa. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không
khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này
Rahula, ví như lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ không tịnh, đốt
phân uế, đốt nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy
lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula,
hãy tu tập sự tu tập như lửa... (như trên)... không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập
như gió. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không
khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này
Rahula, như gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ không tịnh, thổi phân
uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu, tuy vậy
gió không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy
tu tập sự tu tập như gió... (như trên).... không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập
như hư không. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả
ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn
tại. Này Rahula, ví như hư không không bị trú tại một chỗ nào; cũng vậy,
này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rahula, do tu tập sự tu
tập như hư không, các xúc khả ái không khả ái được khởi lên, không
có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về
lòng từ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân
tâm sẽ được trừ diệt . Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi.
Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ
được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về hỷ. Này Rahula, do
tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về xả. Này Rahula, do tu tập sự tu tập
về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập
sự tu tập về bất tịnh. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về bất tịnh,
cái gì thuộc tham ái được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập
về vô thường. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về vô thường, cái gì
thuộc ngã mạn được trừ diệt.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về
niệm hơi thở vô hơi thở ra. Này Rahula, do tu tập niệm hơi thở vô hơi
thở ra, làm cho sung mãn, nên được quả lớn, được lợi ích lớn. Và
này Rahula, thế nào là tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra, làm cho sung
mãn nên được quả lớn, được lợi ích lớn ? Ở đây, này Rahula, vị Tỷ-kheo
đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi
kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị
ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết:
"Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, vị ấy biết "Tôi thở ra
dài"; hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn"; hay
thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác
toàn thân, tôi sẽ thở vô," vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân,
tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở
vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị
ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập.
"Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác
lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành
(Cittasankhara), tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành,
tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở
vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy
tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm
giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan,
tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở
ra, vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô", vị ấy
tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. "Với
tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải
thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở
vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy
tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán ly
tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở
vô", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra", vị ấy
tập "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ
bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Tu tập niệm hơi thở vô hơi thở
ra như vậy, này Rahula, làm cho sung mãn như vậy, có quả lớn, có lợi ích
lớn. Này Rahula, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra như vậy, làm cho sung
mãn như vậy, thời khi những hơi thở vô, hơi thở ra tối hậu chấm dứt,
chứng được giác tri, không phải không được giác tri.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn
giả Rahula hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở
Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika. Rồi Tôn giả Malunkyaputta,
trong khi độc trú tịnh cư, khởi lên sự suy tư như sau: "Có một số
vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: "Thế
giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên,
thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này
và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn
tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết.
Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". Thế
Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời
cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa
mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn
trả lời cho ta: "Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường,
thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này
là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết,
Như Lai không có tồn tại sau khi chết; Như Lai có tồn tại và không có tồn
tại sau khi chết, hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại
sau khi chết", thời ta sẽ sống Phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn của)
Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta: "Thế giới là thường
còn, thế giới là vô thường... (như trên)... Như Lai không có tồn tại
và không không tồn tại sau khi chết", thời ta sẽ bỏ học pháp và
hoàn tục".
Rồi Tôn giả Malunkyaputta vào buổi
chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh
lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn
giả Malunkyaputta bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong
khi độc trú tịnh cư, con khởi lên ý nghĩ như sau: "Có một số vấn
đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên loại bỏ ra: "Thế giới
là thường còn, thế giới là vô thường... (như trên)... Như Lai không có
tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". Thế Tôn không trả lời
cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề
ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi
đến Thế Tôn và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta:
"Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường... (như trên)...
Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", thời
ta sẽ sống Phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn của) Thế Tôn. Còn nếu Thế
Tôn không trả lời cho ta: "Thế giới là thường còn, thế giới là
vô thường... (như trên)... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại
sau khi chết", thời ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục". Nếu Thế
Tôn biết: "Thế giới là thường còn", Thế Tôn hãy trả lời cho
con: "Thế giới là thường còn". Nếu Thế Tôn biết: "Thế giới
là vô thường". Thế Tôn hãy trả lời cho con: "Thế giới là vô
thường". Nếu Thế Tôn không biết: "Thế giới là thường còn"
hay "Thế giới là vô thường", thời không biết, không thấy, hãy
thẳng thắn trả lời: "Ta không biết, Ta không thấy". Nếu Thế
Tôn biết: "Thế giới là hữu biên", Thế Tôn hãy trả lời cho
con: "Thế giới là hữu biên". Nếu Thế Tôn biết: "Thế giới
là vô biên", Thế Tôn hãy trả lời cho con: "Thế giới là vô
biên". Nếu Thế Tôn không biết: "Thế giới là hữu biên" hay
"Thế giới là vô biên," thời không biết, không thấy, hãy thẳng
thắn trả lời: "Ta không biết, Ta không thấy". Nếu Thế Tôn biết:
"Sinh mạng này và thân này là một", Thế Tôn hãy trả lời cho
con: "Sinh mạng này và thân này là một". Nếu Thế Tôn biết:
"Sinh mạng này và thân này là khác," Thế Tôn hãy trả lời cho
con: "Sinh mạng này và thân này là khác". Nếu Thế Tôn không biết:
"Sinh mạng này và thân này là một" hay "Sinh mạng này và thân
này là khác," thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời:
"Ta không biết, Ta không thấy". Nếu Thế Tôn biết: "Như Lai có
tồn tại sau khi chết", Thế Tôn hãy trả lời cho con: "Như Lai có
tồn tại sau khi chết". Nếu Thế Tôn biết: "Như Lai không có tồn
tại sau khi chết", Thế Tôn hãy trả lời cho con: "Như Lai không có
tồn tại sau khi chết". Nếu Thế Tôn không biết: "Như Lai có tồn
tại sau khi chết," hay "Như Lai không có tồn tại sau khi chết",
thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: "Ta không biết,
Ta không thấy". Nếu Thế Tôn biết: "Như Lai có tồn tại và không
tồn tại sau khi chết", Thế Tôn hãy trả lời cho con: "Như Lai có
tồn tại và không tồn tại sau khi chết", Thế Tôn hãy trả lời cho
con: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
Nếu Thế Tôn không biết: "Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi
chết," hay "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi
chết", thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời:
"Ta không biết, Ta không thấy".
– Này Malunkyaputta, Ta nào có nói với
Ông: "Này Malunkyaputta, hãy đến và sống Phạm hạnh theo Ta, Ta sẽ trả
lời cho Ông: "Thế giới là thường còn," hay "Thế giới là
vô thường... (như trên)... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại
sau khi chết" ?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Hay Ông có nói với Ta như sau:
"Bạch Thế Tôn, con sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn sẽ
trả lời cho con: "Thế giới là thường còn" hay "Thế giới
là vô thường... (như trên)... Như Lai không có tồn tại và không không tồn
tại sau khi chết" ?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Như vậy, này Malunkyaputta, Ta
không nói với Ông: "Này Malunkyaputta, hãy đến và sống Phạm hạnh
theo Ta và Ta sẽ trả lời cho Ông: "Thế giới là thường còn" hay
"Thế giới là vô thường... (như trên)... Như Lai không có tồn tại
và không không tồn tại sau khi chết", và Ông cũng không nói với Ta:
"Bạch Thế Tôn, con sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn nếu Thế Tôn sẽ
trả lời cho con: "Thế giới là thường còn" hay "Thế giới
là vô thường... (như trên)... Như Lai không có tồn tại và không không tồn
tại sau khi chết". Sự tình là như vậy, thời này kẻ ngu kia, Ông là
ai, và Ông phủ nhận cái gì ?
Này Malunkyaputta, nếu có ai nói như
sau: "Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn sẽ trả lời
cho ta: "Thế giới là thường còn" hay "Thế giới là vô thường...
(như trên)... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết",
thời này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết (và) vẫn không được Như Lai
trả lời. Này Malunkyaputta, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên
được tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống của người
ấy mời một vị y sĩ khoa mổ xẻ đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói:
"Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người
đã bắn tôi thuộc giòng hoàng tộc, hay Bà-la-môn, hay buôn bán, hay người
làm công". Người ấy có thể nói như sau: "Tôi sẽ không rút mũi
tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi tên là gì, tộc
tánh là gì?" Người ấy có thể nói như sau: "Tôi sẽ không rút mũi
tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là cao hay thấp,
hay người bậc trung". Người ấy có thể nói như sau: "Tôi sẽ
không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi
là da đen, da sẫm hay da vàng". Người ấy có thể nói như sau: "Tôi
sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn
tôi thuộc làng nào, thuộc thị trấn nào, thuộc thành phố nào". Người
ấy có thể nói như sau: "Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi
chưa biết cái cung mà tôi bị bắn, cái cung ấy thuộc loại cung thông thường
hay loại cung nỏ". Người ấy có thể nói như sau: "Tôi sẽ không
rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được dây cung mà tôi bị bắn,
dây cung ấy làm bằng cây leo, hay cây lau, hay một thứ gân, hay một thứ
dây gai, hay một thứ cây có nhựa". Người ấy có thể nói như sau:
"Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà
tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc một loại cây lau này hay cây lau
khác". Người ấy có thể nói như sau: "Tôi sẽ không rút mũi tên
này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, mũi tên ấy có kết
lông gì, hoặc lông con kên, hoặc lông con cò, hoặc lông con ó, hoặc lông
con công, hoặc lông một loại két". Người ấy có thể nói như sau:
"Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà
tôi bị bắn, cái tên ấy được cuốn (parikkhittam) bởi loại gân nào, hoặc
là gân bò cái, hoặc là gân trâu, hoặc là gân nai, hoặc là gân lừa".
Người ấy có thể nói như sau: "Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi
nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc loại tên
nhọn, hay thuộc loại tên móc, hay thuộc loại tên như đầu sào, hay thuộc
loại tên như răng bò, hay thuộc loại tên như kẽm gai". Này
Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được biết gì. Cũng vậy,
này Malunkyaputta, ai nói như sau: "Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn
khi nào Thế Tôn trả lời cho ta: "Thế giới là thường còn hay thế giới
là vô thường... (như trên)... Như Lai không có tồn tại và không không tồn
tại sau khi chết", thời này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết (và) vẫn
không được Như Lai trả lời.
Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh
không thể nói là tùy thuộc với quan điểm "Thế giới là thường còn".
Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với
quan điểm "Thế giới là vô thường". Này Malunkyaputta, dầu cho có
quan điểm "Thế giới là thường còn", hay dầu cho có quan điểm
"Thế giới là vô thường", thời vẫn có sanh, có già, có chết,
có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện
tại. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc
với quan điểm "Thế giới là hữu biên". Này Malunkyaputta, đời sống
Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm "Thế giới là
vô biên". Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm "Thế giới là hữu
biên", hay dầu cho có quan điểm "Thế giới là vô biên" thời
vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà Ta giảng dạy
sự đoạn trừ ngay trong hiện tại. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh
không thể nói là tùy thuộc quan điểm "Sinh mạng này và thân này là
một". Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy
thuộc quan điểm "Sinh mạng này và thân này là khác". Này
Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm "Sinh mạng này và thân này là một",
hay dầu cho có quan điểm "Sinh mạng này và thân này là khác", thời
vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy
sự đoạn trừ ngay trong hiện tại. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh
không thể nói là tùy thuộc quan điểm "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan
điểm "Như Lai không có tồn tại sau khi chết". Này Malunkyaputta, dầu
cho có quan điểm "Như Lai có tồn tại sau khi chết" hay dầu cho có
quan điểm "Như Lai không có tồn tại sau khi chết," thời vẫn có
sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn
trừ ngay trong hiện tại. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể
nói là tùy thuộc vào quan điểm "Như Lai có tồn tại và không tồn tại
sau khi chết". Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói
là tùy thuộc với quan điểm "Như Lai không có tồn tại và không
không tồn tại sau khi chết". Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm
"Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết", hay dầu
cho có quan điểm: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại
sau khi chết", thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ,
ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại".
Do vậy, này Malunkyaputta, hãy thọ
trì là không trả lời những gì Ta không trả lời. Hãy thọ trì là có trả
lời những gì Ta có trả lời. Và này Malunkyaputta, điều gì Ta không trả
lời ? "Thế giới là thường còn", này Malunkyaputta là điều Ta không
trả lời. "Thế giới là vô thường" là điều Ta không trả lời.
"Thế giới là hữu biên" là điều Ta không trả lời. "Thế giới
là vô biên" là điều Ta không trả lời. "Sinh mạng này và thân
này là một" là điều Ta không trả lời. "Sinh mạng này và thân
này khác" là điều Ta không trả lời. "Như Lai có tồn tại sau khi
chết" là điều Ta không trả lời. "Như Lai không có tồn tại sau
khi chết" là điều Ta không trả lời. "Như Lai có tồn tại và
không tồn tại sau khi chết" là điều Ta không trả lời. "Như Lai
không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là điều Ta
không trả lời. Và này Malunkyaputta, vì sao điều ấy Ta không trả lời ?
Này Malunkyaputta, vì điều ấy không liên hệ đến mục đích, điều ấy
không phải là căn bản Phạm hạnh, điều ấy không đưa đến yểm ly, ly
tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, cho nên điều
ấy Ta không trả lời. Và này Malunkyaputta, điều gì Ta trả lời. "Đây
là khổ", này Malunkyaputta là điều Ta trả lời". "Đây là khổ
tập" là điều Ta trả lời. "Đây là khổ diệt" là điều Ta
trả lời. "Đây là con đường đưa đến khổ diệt" là điều Ta
trả lời. Và này Malunkyaputta,vì sao điều ấy Ta trả lời? Này
Malunkyaputta, vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn
bản Phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh,
thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, vì vậy điều ấy Ta trả lời. Do vậy, này
Malunkyaputta, hãy thọ trì là không trả lời những điều Ta không trả lời.
Hãy thọ trì là trả lời những điều Ta có trả lời.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn
giả Malunkyaputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.