Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Kinh Trung bộ
HT. Thích Minh Châu dịch

Phần XXI

(96) Kinh Esukari
(97) Kinh Dhananjani
(98) Kinh Vasettha
(99) Kinh Subha
(100) Kinh Sangarava


96. KINH ESUKARI [^]

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá Vệ), rừng Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Rồi Bà-la-môn Esukari đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên, ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Esukari bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương bốn loại phụng sự: chủ trương phụng sự cho Bà-la-môn , chủ trương cho Sát-đế-lỵ (Khattiya), chủ trương phụng sự cho Phệ-xá (Vessa: người buôn bán), chủ trương phụng sự cho Thủ-đà (Sudda: lao công). Ở đây, thưa Tổn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Bà-la-môn như sau: Bà-la-môn phụng sự cho Bà-la-môn; hay Khattiya phụng sự cho Bà-la-môn; hay Vessa phụng sự cho Bà-la-môn, hay Sudda phụng sự cho Bà-la-môn. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Bà-la-môn. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Khattiya như sau: Khattiya phụng sự cho Khattiya; hay Vessa phụng sự cho Khattiya; hay Sudda phụng sự cho Khattiya. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Khattiya. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Vessa như sau: Vessa phụng sự cho Vessa; hay Sudda phụng sự cho Vesasa. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Vessa. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Sudda như sau: Sudda phụng sự cho Sudda. Vì rằng không còn ai khác có thể phụng sự cho Sudda. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Sudda. Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương bốn loại phụng sự này. Ở đây, Tôn giả Gotama có nói gì về vấn đề này ?

– Nhưng này các Bà-la-môn, có phải tất cả mọi người ở đời đồng ý với các Bà-la-môn khi họ chủ trương bốn loại phụng sự này ?

– Không có vậy, thưa Tôn giả Gotama.

– Này Bà-la-môn, ví như một người nghèo nàn, không có sở hữu, khốn khổ, dầu cho người không muốn, bị bắt nuốt miếng thịt: "Này người kia, Ông phải ăn miếng thịt này và Ông phải trả một số tiền". Cũng vậy, này Bà-la-môn, dầu không được các Sa-môn, Bà-la-môn ấy chấp nhận, các Bà-la-môn chủ trương bốn loại phụng sự này. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng, tất cả cần phải phụng sự. Nhưng này Bà-la-môn, Ta cũng không nói rằng, tất cả không cần phải phụng sự. Vì rằng, này Bà-la-môn, nếu có ai trong khi phụng sự, trở thành xấu hơn, không trở thành tốt hơn, Ta không nói rằng, người đó cần phải phụng sự. Nhưng này Bà-la-môn , nếu có ai trong khi phụng sự, trở thành tốt hơn, không trở thành xấu hơn. Ta nói rằng, người đó cần phải phụng sự. Và nếu này Bà-la-môn, có người hỏi vị Khattiya như sau: "Người phụng sự cho Ông, do nguyên nhân phụng sự này trở thành xấu hơn, không trở thành tốt hơn; hay người phụng sự cho Ông, do nguyên nhân phụng sự này trở thành tốt hơn, không trở thành xấu hơn ? Và như vậy ông ở đây cần phải được phụng sự bởi người nào ?" Vị Khattiya, này Bà-la-môn, nếu trả lời chân chánh cần phải đáp như sau: "Người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này trở thành xấu hơn, không tốt hơn, thì tôi không cần người ấy phụng sự tôi. Nhưng nếu người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này trở thành tốt hơn, không xấu hơn, thì tôi cần người ấy phụng sự tôi". Và này Bà-la-môn , nếu có người hỏi Bà-la-môn ... (như trên) ... Này Bà-la-môn , nếu có người hỏi Vessa... và này Bà-la-môn, nếu có người hỏi Sudda như sau: "Người phụng sự cho ông, do nguyên nhân phụng sự này trở thành xấu hơn, không trở thành tốt hơn; hay người phụng sự cho ông, do nguyên nhân phụng sự này trở thành tốt hơn, không trở thành xấu hơn ? Và như vậy, ông ở đây cần phải được phụng sự bởi người nào?" Người Sudda, này Bà-la-môn, nếu trả lời chơn chánh cần phải đáp như sau: "Người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này trở thành xấu hơn, không tốt hơn, thì tôi không cần người ấy phụng sự tôi. Nhưng nếu người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này trở thành tốt hơn, không xấu hơn, thì tôi cần người ấy phụng sự tôi". Này Bà-la-môn, Ta không nói tốt hơn vì sanh trong một gia đình cao quý. Này Bà-la-môn, Ta không nói xấu hơn vì sanh trong một gia đình cao quý. Này Bà-la-môn, Ta không nói tốt hơn vì nhan sắc thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không nói xấu hơn vì nhan sắc thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không nói tốt hơn vì tài sản thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không nói xấu hơn vì tài sản thù thắng. Ở đây, này Bà-la-môn, có người sanh trong một gia đình cao quý, sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến. Do vậy, Ta không nói tốt hơn vì sanh trong một gia đình cao quý. Ở đây, này Bà-la-môn có người sanh trong một gia đình cao quý từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến. Do vậy, Ta không nói trở thành xấu hơn vì sanh trong gia đình cao quý. Ở đây, này Bà-la-môn, có người với nhan sắc thù thắng... (như trên)... Ở đây, này Bà-la-môn, có người với tài sản thù thắng, sát sanh, lấy của không cho... (như trên)... có tà kiến. Do vậy, Ta không nói trở thành tốt hơn vì có tài sản thù thắng. Ở đây, này Bà-la-môn, có người với tài sản thù thắng từ bỏ sát sanh... (như trên)... có chánh kiến. Do vậy, Ta không nói trở thành xấu hơn vì có tài sản thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không nói tất cả cần phải phụng sự. Nhưng này Bà-la-môn, Ta cũng không nói tất cả không cần phải phụng sự. Này Bà-la-môn, người nào phụng sự, do nguyên nhân phụng sự này, lòng tin được tăng trưởng, giới được tăng trưởng, sự nghe được tăng trưởng, bố thí được tăng trưởng, trí tuệ được tăng trưởng, Ta nói người ấy cần phải phụng sự.

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Esukari bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương bốn loại tài sản, chủ trương tài sản của người Bà-la-môn, chủ trương tài sản của người Khattiya, chủ trương tài sản của người Vessa, chủ trương tài sản của người Sudda. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của Bà-la-môn là khất thực. Nhưng khi người Bà-la-môn khinh thường tài sản khất thực, người ấy không làm bổn phận của mình và giống như người chăn bò lấy của không cho. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của Bà-la-môn. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của Khattiya là cung và tên. Nhưng khi người Khattiya khinh thường tài sản cung và tên, người ấy không làm bổn phận của mình, và giống như người chăn bò lấy của không cho. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của Khattiya. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của Vessa là canh nông và nuôi bò. Nhưng khi người Vessa khinh thường tài sản canh nông và nuôi bò, người ấy không làm bổn phận của mình, và giống như người chăn bò lấy của không cho. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của Vessa. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của Sudda là lưỡi liềm và đòn gánh. Nhưng khi người Sudda khinh thường tài sản lưỡi liềm và đòn gánh, người ấy không làm bổn phận của mình và giống như người chăn bò lấy của không cho. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn, chủ trương tài sản của người Sudda. Các Bà-la-môn, thưa Tôn giả Gotama, chủ trương bốn loại tài sản này. Ở đây, Tôn giả Gotama nói gì về vấn đề này ?

– Này Bà-la-môn, có phải tất cả mọi người ở đây đông ý với các Bà-la-môn khi họ chủ trương bốn loại tài sản này ?

– Không có vậy, thưa Tôn giả Gotama.

– Này Bà-la-môn, ví như một người nghèo nàn, không có sở hữu, khốn khổ, dầu cho người đó không muốn, bị bắt nuốt miếng thịt: "Này người kia, Ông phải ăn miếng thịt này và Ông phải trả một số tiền". Cũng vậy, này Bà-la-môn, dầu không được các Bà-la-môn, Sa-môn ấy chấp nhận, các Bà-la-môn vẫn chủ trương bốn loại tài sản này. Này Bà-la-môn, Ta chủ trương tài sản cho con người là Thánh pháp vô thượng. Trong khi nhớ đến gia hệ thuở xưa của mình về phía cha và mẹ, chỗ nào một tự thể sanh ra, thời sẽ được chấp nhận tùy thuộc chỗ ấy. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Khattiya, thời được chấp nhận là Khattiya. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn , thời được chấp nhận là Bà-la-môn. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Vessa, thời được chấp nhận là Vessa. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Sudda, thời được chấp nhận là Sudda. Này Bà-la-môn, như tùy thuộc duyên gì một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa được chấp nhận theo duyên ấy. Nếu do duyên củi, một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là lửa củi. Nếu do duyên dăm bào, một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là lửa dăm bào. Nếu do duyên cỏ, một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là lửa cỏ. Nếu do duyên phân bò, một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là lửa phân bò. Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta chủ trương tài sản cho con người là Thánh pháp vô thượng. Trong khi nhớ đến gia hệ thuở xưa của mình về phía cha và mẹ, chỗ nào một tự thể sanh ra, thời sẽ được chấp nhận tùy thuộc chỗ ấy. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Khattiya, thời được chấp nhận là Khattiya. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn... trong một gia đình Vessa... trong một gia đình Sudda, thời được chấp nhận là Sudda. Nhưng này Bà-la-môn, nếu một người từ một gia đình Khattiya xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình nhờ pháp và luật được Như Lai tuyên thuyết, (người ấy) từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, người ấy thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn, nếu một người từ một gia đình Bà-la-môn... từ một gia đình Vessa... từ một gia đình Sudda xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhờ pháp và luật được Như Lai tuyên thuyết (người ấy) từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, người ấy thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn. Ông nghĩ thế nào ? Trong lập trường này, chỉ có người Bà-la-môn mới có thể tu tập từ tâm, không hận, không sân; người Khattiya không có thể được, người Vessa không có thể được, người Sudda không có thể được ?

– Thưa không phải vậy, Tôn giả Gotama. Người Khattiya, thưa Tôn giả Gotama, cũng có thể trong lập trường này, tu tập từ tâm, không hận, không sân. Người Bà-la-môn cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người Vessa cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người Sudda cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, thưa Tôn giả Gotama, trong lập trường này đều có thể tu tập từ tâm, không hận, không sân.

– Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu một người từ gia đình Khattiya, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy nhờ pháp và luật do Như Lai tuyên thuyết, từ bỏ sát sanh... (như trên)... có chánh kiến, người ấy thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Chỉ có người Bà-la-môn mới có thể lấy cào lưng và bột tắm, đi đến sông, và tắm rửa cho sạch đất và bụi; người Khattiya không thể được; người Vessa không thể được; người Sudda không thể được?

– Thưa không phải vậy, Tôn giả Gotama. Người Khattiya, thưa Tôn giả Gotama, cũng có thể lấy cào lưng và bột tắm, đi đến sông và tắꭠrửa cho sạch đất và bụi, người Bà-la-môn cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người Vessa cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người Sudda cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, thưa Tôn giả Gotama, đều có thể lấy cào lưng và bột tắm đi đến sông và tắm rửa cho sạch đất và bụi.

– Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu từ một gia đình Khattiya, có người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người này nhờ pháp và luật do Như Lai tuyên thuyết, từ bỏ sát sanh... có chánh kiến, người ấy được xem là thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn, nếu một người từ gia đình Bà-la-môn; này Bà-la-môn, nếu một người từ gia đình Vessa; này Bà-la-môn, nếu một người từ gia đình Sudda, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy nhờ pháp và luật do Như Lai tuyên thuyết, từ bỏ sát sanh... có chánh kiến, người ấy được xem là thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, nếu có vị vua Khattiya đã làm lễ quán đảnh, cho hội họp một trăm người thuộc nhiều chủng tánh khác nhau và nói: "Quý vị hãy đến đây, quý vị nào thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh ra từ hoàng tộc, hãy đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, bằng cây saka, hay cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, quay cho bật lửa và sức nóng hiện ra. Còn những người thuộc gia đình Chiên-đà-la (hạ tiện), thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, hãy đến đây, đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-la (elanda: cây thu đủ thầu dầu), và quay cho bật lửa và sức nóng hiện ra". Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Có phải chỉ có ngọn lửa được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ phận của đồ quay lửa, làm bằng cây saka, hay cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, chỉ có lửa ấy mới có ngọn, mới có màu sắc, mới có ánh sáng, và chỉ có ngọn lửa ấy mới dùng được vào các công việc do lửa đem lại; còn ngọn lửa được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy không có ngọn, không có màu sắc, không có ánh sáng, và ngọn lửa ấy không có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại ?

– Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Ngọn lửa được nhen lên, sức nóng được tạo ra, thưa Tôn giả Gotama, từ người thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng cây saka hay cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, ngọn lửa ấy có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, ngọn lửa ấy dùng được vào các công việc do lửa đem lại; còn ngọn lửa được nhen lên, và sức nóng tạo ra từ người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy cũng có ngọn, cũng có màu sắc, cũng có ánh sáng, và ngọn lửa ấy có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Thưa Tôn giả Gotama, tất cả ngọn lửa đều có ngọn, đều có màu sắc, đều có ánh sáng, tất cả loại lửa đều có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại.

– Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu có người từ gia đình Khattiya xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhờ pháp và luật do Như Lai tuyên thuyết, người ấy từ bỏ sát sanh... có chánh kiến, người ấy được xem là thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Nếu có người từ gia đình Bà-la-môn... Nếu có người từ gia đình Vessa... Nếu có người từ gia đình Sudda, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhờ pháp và luật do Như Lai tuyên thuyết, người ấy từ bỏ sát sanh... có chánh kiến, người ấy được xem là thành tựu chánh đạo, thiện pháp.

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Esukari bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama ! ... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Sariputta đang du hành tại Dakkhinagiri (Nam Sơn) cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Một vị Tỷ-kheo sau khi an cư mùa mưa ở Rajagaha (Vương Xá) đi đến Dakkhinagiri đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến nói lên với Tôn giả Sariputta, những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Rồi Tôn giả Sariputta nói với vị Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:

– Này Hiền giả, Thế Tôn có được không bệnh, mạnh khỏe không ?

– Thưa Hiền giả, Thế Tôn không bệnh và được mạnh khỏe.

– Thưa Hiền giả, còn chúng Tỷ-kheo có được không bệnh và mạnh khỏe không ?

– Thưa Hiền giả, chúng Tỷ-kheo cũng không bệnh và được mạnh khỏe.

– Ở đây, này Hiền giả, có Bà-la-môn tên là Dhananjani ở tại Tandulapala. Này Hiền giả, Bà-la-môn Dhananjani có được không bệnh và mạnh khỏe không ?

– Thưa Hiền giả, Bà-la-môn Dhananjani cũng không bệnh và được mạnh khỏe.

– Này Hiền giả, Bà-la-môn Dhanajani có được không phóng dật không ?

– Thưa Hiền giả, làm sao Bà-la-môn Dhannajani có thể không phóng dật được ! Thưa Hiền giả, Bà-la-môn Dhananjani ỷ thế vua, bóc lột các Bà-la-môn gia chủ, ỷ thế các Bà-la-môn gia chủ, bóc lột vua. Người vợ trước của Bà-la-môn có thành tín, cưới từ một gia đình có thành tín đã từ trần. Người vợ sau không có thành tín và cưới từ một gia đình không có thành tín.

– Này Hiền giả, thật là một tin không tốt lành ! Này Hiền giả, thật là một tin không tốt lành khi chúng ta được nghe Bà-la-môn Dhananjani phóng dật. Rất có thể chúng ta có dịp gặp Bà-la-môn Dhananjani, rất có thể sẽ có một cuộc đàm thoại.

Rồi Tôn giả Sariputta sau khi ở tại Dakkhinagiri cho đến khi vừa ý, liền khởi hành đi Rajagaha (Vương Xá), tuần tự du hành và đến tại Vương Xá. Ở đây, Tôn giả Sariputta trú ở Rajagaha, Veluvana, tại Kalandakanivapa. Rồi Tôn giả Sariputta đắp y vào buổi sáng, cầm y bát, đi vào Vương Xá để khất thực. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Dhananjani đang cho vắt sữa bò ở ngoài thành. Tôn giả Sariputta sau khi khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Bà-la-môn Dhananjani. Bà-la-môn Dhananjani thấy Tôn giả Sariputta từ xa đi tới, sau khi thấy, liền đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến liền thưa với Tôn giả Sariputta:

– Hãy uống sữa này và chờ cho đến giờ ăn cơm.

– Thôi vừa rồi, Bà-la-môn. Hôm nay ta đã ăn xong. Ta sẽ ngồi nghĩ trưa ở một góc cây. Ông có thể đến đó.

– Thưa vâng, Tôn giả.

Bà-la-môn Dhananjani vâng đáp Tôn giả Sariputta. Rồi Bà-la-môn Dhananjani sau khi ăn sáng xong, liền đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến nói lên với Tôn giả Sariputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Tôn giả Sariputta nói với Bà-la-môn Dhananjani đang ngồi một bên:

– Này Dhananjani, ông có không phóng dật không ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, làm sao chúng tôi có thể không phóng dật được, khi chúng tôi còn cha mẹ phải phụng dưỡng, còn vợ con phải nuôi dưỡng, còn đầy tớ, lao công phải nuôi dưỡng, còn có những trách nhiệm bạn bè thân hữu phải làm đối với bạn bè thân hữu, còn có những trách nhiệm bà con huyết thống phải làm đối với bà con huyết thống, còn có những trách nhiệm tân khách phải làm đối với tân khách, còn có những trách nhiệm tổ tiên phải làm đối với tổ tiên, còn có những trách nhiệm Thiên thần phải làm đối với Thiên thần, còn có những trách nhiệm vua chúa phải làm đối với vua chúa, lại còn thân này cần phải làm cho thỏa mãn và trưởng dưỡng !

– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khi nói".Tôi vì cha mẹ đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục". ? Hay cha mẹ của người ấy làm được gì khi nói: "Con chúng tôi vì cha mẹ đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo nó đến địa ngục". ?

– Thưa không được, Tôn giả Sariputta. Các địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than.

– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có người vì vợ con làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khi nói: "Tôi vì vợ con đã làm các điều phi pháp, đã làm điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục". ? Hay vợ con người ấy có làm được gì khi nói: " (Chồng, cha tôi) vì chúng tôi đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo (chồng, cha tôi) đến địa ngục". ?

– Thưa không được, Tôn giả Sariputta. Các địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than.

– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có người vì đầy tớ lao công làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khó nói: "Tôi vì các đầy tớ lao công đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục". ? Hay các đầy tớ lao công có làm được gì khi nói: " (Chủ chúng tôi) vì chúng tôi đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo (chủ chúng tôi) đến địa ngục". ?

– Thưa không được, Tôn giả Sariputta. Các địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than.

– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có người vì bạn bè thân hữu... (như trên với những thay đôi cần thiết...) dầu người ấy có khóc than.

Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có người vì các tân khách... (như trên với những thay đổi cần thiết)... dầu người ấy có khóc than.

Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có người vi tổ tiên... (như trên với những thay đổi cần thiết)... dầu người ấy có khóc than.

Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì chư Thiên ... (như trên với những thay đổi cần thiết) ... dầu người ấy có khóc than.

Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có người vì vua chúa... (như trên với những thay đổi cần thiết)... dầu người ấy có khóc than.

Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có người vì làm cho thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh này, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khi người ấy nói: "Vì làm cho thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân, tôi đã làm các điều phi pháp, đã làm ra các điều bất chánh này. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục". ? Hay các người khác có làm được gì khi họ nói: "Vì làm cho thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân, người này làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh này. Chớ có để các địa ngục quân kéo nó đến địa ngục". ?

– Thưa không được, Tôn giả Sariputta. Các địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than.

– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Một người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể phụng dưỡng cha mẹ, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Một người vì vợ con làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì vợ con, làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, một người vì vợ con làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, một người vì vợ con làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể nuôi dưỡng vợ con, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Một người vì đầy tớ lao công làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì đầy tớ lao công làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì đầy tớ lao công làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì đầy tớ lao công làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể nuôi dưỡng đầy tớ lao công, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Một người vì bạn bè thân hữu làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay là người vì bạn bè thân hữu làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, người vị bạn bè thân hữu làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì bạn bè thân hữu làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể nuôi dưỡng bạn bè thân hữu, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Một người vì bà con huyết thống làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì bà con huyết thống làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì bà con huyết thống làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì bà con huyết thống làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác, có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể nuôi dưỡng bà con huyết thống, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Một người vì tân khách làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì tân khách làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?

– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì tân khách làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì tân khách làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể làm các bổn phận tân khách đối với tân khách, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Một người vì tổ tiên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay người vì tổ tiên làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì tổ tiên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì tổ tiên làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể làm được những trách nhiệm tổ tiên phải làm đối với các tổ tiên, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Một người vì chư Thiên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay người vì chư Thiên làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì chư Thiên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì chư Thiên làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể làm được các trách nhiệm chư Thiên, phải làm đối với chư Thiên, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào ? Người vì vua chúa làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay người vì vua chúa làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì vua chúa làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì vua chúa làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, có thể làm các trách nhiệm vua chúa phải làm đối với vua chúa, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Người vì làm thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân làm điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay là người vì làm thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân, làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì làm thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì làm thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.

– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể làm thỏa mãn, trưởng dưỡng cái thân, không làm các điều ác, làm được các thiện hành.

Bà-la-môn Dhananjani hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Sariputta dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Bà-la-môn Dhananjani sau một thời gian bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi Bà-la-môn Dhananjani cho gọi một người khác:

– Ông hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân thế Tôn và thưa: "Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị bạo bệnh, xin cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn". Rồi Ông đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến, hãy nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Sariputta, và thưa: "Thưa Tôn giả Sariputta, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Sariputta và thưa: "Tôn giả, lành thay nếu Tôn giả Sariputta đi đến trú xá của Bà-la-môn Dhananjani".

– Thưa vâng, Tôn giả.

Người ấy vâng theo lời Bà-la-môn Dhananjani, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ chân Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.

Rồi đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả Sariputta rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy thưa với Tôn giả Sariputta:

– Thưa Tôn giả, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Sariputta và thưa: "Thưa tôn giả, lành thay nếu Tôn giả Sariputta vì lòng từ bi thương xót, đi đến trú xá của Bà-la-môn Dhananjani".

Tôn giả Sariputta im lặng nhận lời. Rồi Tôn giả Sariputta đắp y, cầm y bát đi đến trú xá Bà-la-môn Dhananjani, sau khi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Tôn giả Sariputta hỏi Bà-la-môn Dhananjani:

– Ta mong, này Dhananjani, Ông có thể kham nhẫn; ta mong Ông có thể chịu đựng; ta mong khổ thọ được giảm thiểu, không có gia tăng, và sự giảm thiểu được rõ rệt, không có gia tăng !

– Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Sự khổ thống của tôi gia tăng, không có giảm thiểu. Và sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, những ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu tôi. Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Những khổ thống của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi siết chặt; cung vậy, thưa Tôn giả Sariputta, tôi bị cảm đau đầu một cách kinh khủng. Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Những khổ thống của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với con dao cắt thịt bò sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của tôi. Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Những thống khổ của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, ví như hai người lực sĩ, sau khi nắm cánh tay của một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng; cũng vậy, thưa Tổn giả Sariputta, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân tôi. Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Những khổ thống của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu.

– Này Dhananjani, địa ngục hay bàng sanh, chỗ nào tốt hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, bàng sanh tốt hơn địa ngục.

– Này Dhananjani, bàng sanh hay cảnh ngạ quỷ, chỗ nào tốt hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, cảnh ngạ quỷ tốt hơn bàng sanh.

– Này Dhananjani, cảnh giới ngạ quỷ hay loài Người, chỗ nào tốt hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, loài Người tốt hơn cảnh giới ngạ quỷ.

– Này Dhananjani, loài Người hay Tứ thiên vương thiên, chỗ nào tốt hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, Tứ thiên vương thiên tốt hơn loài Người.

– Này Dhananjani, Tứ thiên vương thiên hay Tam thập tam thiên, chỗ nào tốt hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, Tam thập tam thiên tốt hơn Tứ thiên vương thiên.

– Này Dhananjani, Tam thập tam thiên hay Dạ-ma Thiên, chỗ nào tốt hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, Dạ-ma thiên tốt hơn Tam thập tam thiên.

– Này Dhananjani, Dạ-ma thiên hay Đâu-suất-đà thiên (Tusita), chỗ nào tốt hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, Đâu-Suất-đà thiên tốt hơn Dạ-ma thiên.

– Này Dhananjani, Đâu-suất-đà thiên hay Hóa lạc thiên (Nimmanarati), chỗ nào tốt hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, Hóa lạc thiên tốt hơn Đâu-suất-đà thiên.

– Này Dhananjani, Hóa lạc thiên hay Tha hóa tự tại thiên, chỗ nào tốt hơn ?

– Thưa Tôn giả Sariputta, Tha hóa tự tại thiên tốt hơn Hóa lạc thiên.

– Này Dhananjani, Tha hóa tự tại thiên hay Phạm thiên giới, chỗ nào tốt hơn ?

– Tôn giả Sariputta đã nói: "Phạm thiên giới". Tôn giả Sariputta đã nói: "Phạm thiên giới".

Rồi Tôn giả Sariputta suy nghĩ: "Các vị Bà-la-môn này rất ái luyến Phạm thiên giới. Vậy ta hãy thuyết giảng con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên".

– Này Dhananjani, ta sẽ thuyết giảng cho Ông con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên. Hãy nghe khéo tác ý, ta sẽ giảng.

– Thưa vâng.

Bà-la-môn Dhananjani vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta thuyết như sau:

– Này Dhananjani, thế nào là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên ? Ở đây, này Dhananjani, vị Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Này Dhananjani, như vậy là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên. Lại nữa, này Dhananjani, vị Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi... an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với hỷ... an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận không sân. Này Dhananjani, như vậy là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên.

– Vậy thưa Tôn giả Sariputta, hãy nhân danh tôi cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn và thưa: "Bạch Thế Tôn Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn".

Rồi Tôn giả Sariputta, dầu cho có những cảnh giới cao thượng hơn cần phải chứng, sau khi an trú Bà-la-môn vào Phạm thiên giới thấp kém, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Và Bà-la-môn Dhananjani, sau khi Tôn giả Sariputta ra đi không bao lâu, liền mệnh chung và được sanh lên Phạm thiên giới.

Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, dầu cho có những cảnh giới cao thượng hơn cần phải chứng, Sariputta sau khi an trú Bà-la-môn Dhananjani vào Phạm thiên giới thấp kém, đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Rồi Tôn giả Sariputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sariputta bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.

– Này Sariputta, vì sao, dầu cho có những cảnh giới cao thượng hơn cần phải chứng, Ông sau khi an trú Bà-la-môn Dhananjani vào Phạm thiên giới thấp kém, đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi ?

– Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: "Những vì Bà-la-môn này rất luyến ái Phạm thiên giới". Do vậy con mới thuyết giảng con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên.

– Và này Sariputta, Bà-la-môn Dhananjani đã mệnh chung và sanh lên Phạm thiên giới.


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Icchanankala (Y-xa-năng -gia-la), tại khu rừng Icchanankala. Lúc bấy giờ có rất nhiều Bà-la-môn danh tiếng và giàu có trú tại Icchanankala như Bà-la-môn Canki, Bà-la-môn Tarukkha, Bà-la-môn Pokkharasati, Bà-la-môn Janussoni, Bà-la-môn Todeyya cùng rất nhiều Bà-la-môn danh tiếng và giàu có khác. Rồi trong khi các thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja đang tản bộ du hành, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Thế nào là một vị Bà-la-môn ?"

Thanh niên Bharadvaja nói như sau:

– Nếu ai thiện sanh từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, như vậy là làm một vị Bà-la-môn.

Thanh niên Vasettha nói như sau:

– Nếu ai có giới hạnh và thành tựu các cấm giới, như vậy là một vị Bà-la-môn.

Thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja không thể thuyết phục thanh niên Bà-la-môn Vasettha, và thanh niên Bà-la-môn Vasettha không thể thuyết phục thanh niên Bharadvaja. Rồi thanh niên Bà-la-môn Vasettha nói với thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja:

– Này Bharadvaja, Sa-môn Gotama này là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đang trú ở Icchanankala, tại khu rừng Icchanankala. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Đây là Thế Tôn... Phật, Thế Tôn". Này Tôn giả Bharadvaja, chúng ta hãy đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy hỏi Tôn giả Gotama về nghĩa lý này, và Sa-môn Gotama trả lời như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.

– Thưa vâng.

Thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja vâng đáp thanh niên Vasettha. Rồi thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja cùng đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn Vasettha dùng những bài kệ bạch Thế Tôn:

Chúng con cả hai người,
Được tôn xưng, tự nhận,
Là những bậc thông thái
Cả ba tập Vệ-đà.
Con là đệ tử Ngài,
Pokkharasati,
Còn vị thanh niên này,
Đệ tử Tarukkha.
Ba Vệ-đà nói gì,
Chúng con đều thông đạt,
Văn cú và văn phạm,
Chúng con đều thấu hiểu,
Thuyết giảng và giải thích,
Thật giống bậc Đạo sư.
Tôn giả Gotama,
Giữa hai người chúng con
Có sự tranh luận này,
Về huyết thống thọ sanh.

Bharadvaja nói:

"Chính do sự thọ sanh".
Con nói: "Do hành động,
Mới thành Bà-la-môn".
Mong bậc có Pháp nhãn,
Hiểu cho là như vậy.
Cả hai người chúng con,
Không thể thuyết phục nhau.
Chúng con đến hỏi Ngài,
Bậc Chánh Giác tôn xưng.
Như trăng được tròn đầy,
Quần chúng đến chấp tay,
Đảnh lễ và chiêm ngưỡng.
Cũng vậy, ở trong đời,
Quần chúng đến đảnh lễ,
Gotama Tôn giả.
Chúng con đến hỏi Ngài,
Bậc Pháp nhãn thế gian,
Bà-la-môn do sanh,
Hay chính do hành động ?
Chúng con không được biết,
Hãy nói chúng con biết.

Đức Thế Tôn bèn nói:

Này Ông Vasettha,
Ta trả lời cho Ông,
Thuận thứ và như thật,
Sự phân loại do sanh,
Của các loại hữu tình,
Chính do sự sanh đẻ,
Do sanh, có dị loại.
Hãy xem cỏ và cây,
Dầu chúng không nhận thức,
Chúng có tướng thọ sanh,
Do sanh, có dị loại.
Hãy xem loại côn trùng,
Bướm đêm, các loại kiến,
Chúng có tướng thọ sanh,
Do sanh, có dị loại.
Hãy xem loại bốn chân,
Loại nhỏ và loại lớn,
Chúng có tướng thọ sanh,
Do sanh, có dị loại.
Hãy xem loài bò sát,
Loại rắn, loại lưng dài,
Chúng có tướng thọ sanh,
Do sanh, có dị loại.
Hãy xem các loại cá,
Loại sinh sống trong nước,
Chúng có tướng thọ sanh,
Da sanh, có dị loại.
Hãy xem các loại chim,
Loại có cánh trên trời,
Chúng có tướng thọ sanh,
Do sanh, có dị loại.
Tùy theo sự thọ sanh,
Chúng có tướng tùy sanh.
Trong thế giới loài Người,
Tướng sanh không có nhiều,
Không ở đầu mái tóc,
Không ở tai, ở mắt,
Không ở miệng, ở mũi,
Không ở môi, ở mày,
Không ở cổ, ở nách,
Không ở bụng, ở lưng,
Không ở ngực, ở vú,
Không âm hộ, hành dâm.
Không ở tay, ở chân,
Không ở ngón, ở móng,
Không ở cổ chân, vế,
Không ở sắc, ở tiếng.
Không tướng, do tùy sanh,
Tùy sanh, loại sai khác.
Trên tự thân con người,
Không có gì đặc biệt.
Chỉ tùy theo danh xưng,
Loài Người được kêu gọi,
Đối người tự sinh sống.
Chăn bò, lo ruộng đất,
Vasettha hãy biết,
Kẻ ấy là nông phu,
Không phải Bà-la-môn.
Ai sống theo nghề nghiệp,
Vasettha hãy biết,
Kẻ ấy là công thợ,
Không phải Bà-la-môn.
Ai sống nghề buôn bán,
Vasettha hãy biết,
Kẻ ấy là thương nhân,
Không phải Bà-la-môn.
Ai sống hầu hạ người,
Vasettha hãy biết,
Kẻ ấy là nô bộc,
Không phải Bà-la-môn.
Ai sống lấy của người,
Vasettha hãy biết,
Kẻ ấy là kẻ trộm,
Không phải Bà-la-môn.
Ai sống nghề cung tên,
Vasettha hãy biết,
Kẻ ấy là nhà binh,
Không phải Bà-la-môn.
Ai sống nghề tế tự,
Vasettha hãy biết,
Kẻ ấy là tế quan,
Không phải Bà-la-môn.
Ai sống giữa loài Người,
Thọ hưởng làng, quốc độ,
Vasettha hãy biết,
Kẻ ấy là vua chúa,
Không phải Bà-la-môn.
Và Ta không có gọi,
Kẻ ấy Bà-la-môn.
Chỉ vì do thọ sanh,
Dầu vị ấy cao sang,
Dầu vị ấy giàu có,
Nhưng còn ham thế lợi.
Không tham lam thế lợi,
Không chấp thủ sở hữu,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Vị đoạn tận kiết sử,
Không ai không sợ hãi,
Siêu việt mọi chấp trước,
Thoát ly các hệ phược,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Cắt dây thừng, dây ách,
Dây cương, cùng dây trói,
Quăng đi cây chắn ngang,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Bậc sáng suốt, giác ngộ,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai không lỗi, chịu đựng,
Nhiếc mắng cùng đánh trói,
Trang bị với nhẫn lực,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Không phẫn nộ, giữ luật,
Có giới hạnh không kiêu,
Nhiếp phục, thân tối hậu,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Như nước trên lá sen,
Hột cải trên đỉnh nhọn,
Không tham luyến dục vọng,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai biết ngay đời này
Khổ vì ngã đoạn tận,
Gánh nặng được đặt xuống,
Xa lìa các hệ phược,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Tuệ thâm sâu, có trí
Thiện xảo đạo phi đạo,
Đích tối thượng đạt được,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai không còn liên hệ,
Cả tại gia, xuất gia,
Không nhà trú, thiểu dục,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Bỏ gậy đối chúng sanh,
Kẻ yếu cùng kẻ mạnh,
Không giết, không hại ai,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Giữa kẻ thù, không thù,
Giữa hung bạo, an tịnh,
Giữa chấp thủ, không chấp,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Dối, tham, sân, mạn, phú,
Ai bỏ rơi được chúng,
Như hột cải rơi khỏi.
Đầu nhọn của mũi kim,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai dạy thật nhỏ nhẹ,
Nói lên lời chơn thực,
Không xúc chạm một ai,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Dài ngắn hay lớn nhỏ,
Thanh tịnh hay bất tịnh,
Ở đời vật dài ngắn,
Lớn, nhỏ, tịnh, bất tịnh,
Không lấy vật không cho,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Với ai không tham cầu,
Đời này và đời sau,
Từ bỏ mọi tham cầu,
Đoạn rời mọi hệ phược,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai không có chấp tàng,
Với trí đoạn nghi hoặc,
Đạt nhập đáy bất tử.
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ở đời ai vượt khỏi,
Mọi buộc ràng thiện ác,
Không sầu, không bụi uế,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai không uế, thanh tịnh,
Không gợn, sáng như trăng,
Hỷ, hữu được đoạn trừ,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai vượt qua hiểm lộ,
Ác lộ, luân hồi, si,
Vượt khỏi, đến bờ kia,
Thiền tư, không dao động,
Đoạn trừ mọi nghi hoặc,
An tịnh, không chấp trước,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ở đời, bỏ dục vọng,
Không nhà, sống xuất gia,
Đoạn trừ dục và hữu,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chanh danh Bà-la-môn.
Ở đời, bỏ tham ác,
Không nhà, sống xuất gia,
Đoạn trừ ác và hữu,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai từ bỏ nhân ách,
Vượt qua cả thiên ách,
Đoạn trừ mọi ách nạn,
Thoát ly mọi hệ phược,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Từ bỏ lạc, bất lạc,
Thanh lương, không y trú,
Chiến thắng mọi thế giới,
Bậc anh hùng dũng mãnh,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai biết thật hoàn toàn,
Sự sanh diệt chúng sanh,
Không tham trước, Thiện Thệ,
Giác ngộ, đạt chánh giác,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Không biết chỗ sở thủ,
Thiên, Nhân, Càn-thát-bà,
Lậu hoặc được đoạn trừ,
Bậc Ứng Cúng, La-Hán,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai không có chấp trước,
Đời trước, sau, đời này,
Không chấp, không sở hữu,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ngưu vương, bậc Tối thắng,
Anh hùng, bậc Đại sĩ,
Bậc Chinh phục, Bất động,
Tắm sạch, bậc Giác Ngộ,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Ai biết được đời trước,
Thấy được thiện, ác thú,
Đạt được sanh diệt đoạn,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
Điều thế giới cho gọi,
Là "tên" và "gia tộc",
Chỉ tục danh, thông danh,
Danh từ khởi nhiều chỗ.
Đã lâu đời chấp trước,
Tà kiến của kẻ ngu,
Kẻ ngu tự tuyên bố,
Bà-la-môn do sanh.
Không phải do sanh đẻ,
Được gọi Bà-la-môn,
Không phải do sanh đẻ,
Gọi phi Bà-la-môn.
Chính do sự hành động
Được gọi Bà-la-môn,
Chính do sự hành động
Gọi phi Bà-la-môn.
Hành động làm nông phu,
Hành động làm công thợ,
Hành động làm lái buôn,
Hành động làm nô bộc.
Hành động làm ăn trộm,
Hành động làm nhà binh.
Hành động làm tế quan,
Hành động làm vua chúa,
Kẻ trí thấy hành động,
Như thật là như vậy.
Thấy rõ lý duyên khởi,
Biết rõ nghiệp dị thục,
Do nghiệp, đời luân chuyển
Do nghiệp, người luân hồi.
Nghiệp trói buộc chúng sanh,
Như trục xe quay bánh.
Do khổ hạnh, Phạm hạnh,
Tiết chế và chế ngự,
Tác thành Bà-la-môn.
Bà-la-môn như vậy,
Mới thật là tối thượng,
Ba Vệ-đà thành tựu,
An tịnh, tái sanh đoạn,
Vesettha nên biết,
Kẻ ấy được Phạm thiên,
Được Thiên chủ Sakka,
Biết đến thật tường tận.

Khi được nghe nói vậy, hai thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! ... chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika. Lúc bấy giờ, thanh niên Bà-la-môn Subha todeyyaputta trú ở Savatthi, tại nhà một gia chủ vì một vài công vụ. Thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta trú tại nhà gia chủ, nói với vị gia chủ ấy:

– Này Gia chủ, tôi nghe như sau: "Savatthi không phải không có các bậc A-la-hán lui tới". Hôm nay chúng ta nên đến chiêm ngưỡng vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào?

– Thưa Tôn giả, Thế Tôn hiện trú tại Savatthi, Jetavana, tịnh xá ông Anathapindika. Thưa Tôn giả, hãy đi đến chiêm ngưỡng Thế Tôn ấy.

Rồi thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta vâng theo lời gia chủ ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn đã nói như sau: "Người tại gia thành tựu chánh đạo thiện pháp. Người xuất gia không thành tựu chánh đạo thiện pháp". Ở đây, Tôn giả Gotama có nói gì ?

– Này thanh niên Bà-la-môn, ở đây, Ta chủ trương phân tích; ở đây, Ta không chủ trương nói một chiều. Này Thanh niên Bà-la-môn, Ta không tán thán tà đạo của kẻ tại gia hay kẻ xuất gia. Này Thanh niên Bà-la-môn, kẻ tại gia hay kẻ xuất gia hành tà đạo, do nhân duyên hành tà đạo, không thành tựu được chánh đạo thiện pháp. Này Thanh niên Bà-la-môn, Ta tán thán chánh đạo của kẻ tại gia hay kẻ xuất gia. Này Thanh niên Bà-la-môn, kẻ tại gia hay kẻ xuất gia hành chánh đạo, do nhân duyên hành chánh đạo, thành tựu được chánh đạo thiện pháp.

– Thưa Tôn giả Gotama, do dịch vụ nhiều, công tác nhiều, tổ chức nhiều, lao lực nhiều, nên nghiệp sự của kẻ tại gia có quả báo lớn; do dịch vụ ít, công tác ít, tổ chức ít, lao lực ít nên nghiệp sự của kẻ xuất gia không có quả lớn. Ở đây, Tôn giả Gotama, có nói gì ?

– Này Thanh niên Bà-la-môn, ở đây, Ta chủ trương pháp phân tích; ở đây, Ta không chủ trương nói một chiều. Này Thanh niên Bà-la-môn, có nghiệp sự (Kammatthanam) với dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ. Này Thanh niên Bà-la-môn có nghiệp sự với dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn, nếu làm thành tựu, làm đúng, sẽ có kết quả lớn. Này Thanh niên Bà-la-môn, có nghiệp sự với dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ. Này Thanh niên Bà-la-môn, có nghiệp sự với dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm thành tựu, làm đúng, sẽ có kết quả lớn. Này Thanh niên Bà-la-môn, thế nào là nghiệp sự với dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ ? Này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự nông nghiệp với dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ. Và này Thanh niên Bà-la-môn, thế nào là nghiệp sự với dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn, nếu làm thành tựu, làm đúng sẽ có kết quả lớn ? Này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự nông nghiệp với dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn, nếu làm thành tựu, làm đúng sẽ có kết quả lớn. Này Thanh niên Bà-la-môn, thế nào là nghiệp sự với dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ ? Này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự buôn bán với dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ. Này Thanh niên Bà-la-môn, thế nào là nghiệp sự với dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm thành tựu, làm đúng sẽ có kết quả lớn ? Này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự buôn bán với dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm thành tựu, làm đúng sẽ có kết quả lớn. Ví như, này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự buôn bán với dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn lao lực lớn, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ; cũng vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự của một cư sĩ, dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ. Ví như, này thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự nông nghiệp, dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn, nếu làm thành tựu, làm đúng sẽ có kết quả lớn; cũng vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự của một cư sĩ, dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn nếu làm thành tựu, làm đúng sẽ có kết quả lớn. Ví như, này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự buôn bán, dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ; cũng vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự của người xuất gia, dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm hỏng, làm sai sẽ có kết quả nhỏ. Ví như, này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự buôn bán, dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm thành tựu, làm đúng sẽ có kết quả lớn; cũng vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, nghiệp sự của người xuất gia, dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nếu làm thành tựu, làm đúng sẽ có kết quả lớn.

– Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương năm pháp tác phước, đắc thiện.

– Này Thanh niên Bà-la-môn, năm pháp được các Bà-la-môn chủ trương tác phước, đắc thiện, nếu Ông không thấy nặng nhọc, lành thay. Ông hãy nói về năm pháp ấy trong hội chúng này.

– Thưa Tôn giả Gotama, không có nặng nhọc gì cho con, khi ở đây có vị như Tôn giả, đang ngồi hay các vị giống như Tôn giả.

– Vậy này Thanh niên Bà-la-môn, hãy nói đi.

– Chân thực, thưa Tôn giả Gotama, là pháp thứ nhất, các Bà-la-môn chủ trương pháp này tác phước, đắc thiện. Khổ hạnh, thưa Tôn giả Gotama, là pháp thứ hai, các Bà-la-môn chủ trương pháp này tác phước, đắc thiện. Phạm hạnh, thưa Tôn giả Gotama là pháp thứ ba, các Bà-la-môn chủ trương pháp này tác phước, đắc thiện. Tụng đọc, thưa Tôn giả Gotama, là pháp thứ tư, các Bà-la-môn chủ trương pháp này tác phước, đắc thiện. Thí xả, thưa Tôn giả Gotama, là pháp thứ năm, các Bà-la-môn chủ trương pháp này tác phước, đắc thiện. Thưa Tôn giả Gotama, các vị Bà-la-môn chủ trương năm pháp này tác phước, đắc thiện. Ở đây, Tôn giả Gotama có nói gì ?

– Thế nào, này Thanh niên Bà-la-môn ? Có một Bà-la-môn nào trong những Bà-la-môn đã nói như sau: "Sau khi chứng tri với thượng trí, tôi tuyên thuyết quả dị thục của năm pháp này ?"

– Thưa không, Tôn giả Gotama.

– Thế nào, này Thanh niên Bà-la-môn ? Có một Đạo sư nào trong những Bà-la-môn, một Đại tôn sư, cho đến bảy đời Tôn sư, Đại tôn sư, vị ấy đã nói: "Sau khi tự mình chứng tri với thượng trí, tôi tuyên thuyết quả dị thục của năm pháp này". ?

– Thưa không, Tôn giả Gotama.

– Thế nào, này Thanh niên Bà-la-môn ? Những vị tu sĩ thời cổ trong các Bà-la-môn, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia những thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh, và ngày nay những vị Ba La Môn cũng hát lên, trì tụng và giảng dạy như các vị Atthaka, Vamaka, Vamadeva, Vessamita, Yamataggi, Angirasa, Bharadvaja, Vesettha, Kassapa, Bhagu, những vị ấy đã nói như sau: "Sau khi tự chứng tri với thượng trí, chúng tôi tuyên thuyết kết quả dị thục của năm pháp này". ?

– Thưa không, Tôn giả Gotama.

– Như vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, không có một vị Bà-la-môn nào trong các vị Bà-la-môn đã nói như sau: "Sau khi tự chứng tri với thượng trí, tôi tuyên thuyết kết quả dị thục của năm pháp này". Không có một Đạo sư nào trong các Bà-la-môn, một Đại tôn sư, cho đến bảy đời Tôn sư, Đại tôn sư nào nói như sau: "Sau khi tự chứng tri với thượng trí, chúng tôi tuyên thuyết kết quả dị thục của năm pháp này". Những vị tu sĩ thời cổ trong các vị Bà-la-môn, những vị sáng tác các thần chú... không có một vị nào đã nói như sau: "Sau khi tự chứng tri với thượng trí, chúng tôi tuyên thuyết kết quả dị thục của năm pháp này". Ví như, này Thanh niên Bà-la-môn, một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy; cũng vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, chúng tôi nghĩ lời nói của những Bà-la-môn trở thành giống như một chuỗi người mù, người đầu không thấy, người giữa không thấy, người cuối cùng cũng không thấy.

Khi nghe nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta phẫn nộ, không hoan hỷ vì bị Thế Tôn dùng ví dụ một chuỗi người mù, liền mạ lỵ Thế Tôn, hủy báng Thế Tôn và nói về Thế Tôn:

– Sa-môn Gotama sẽ bị quả ác độc (papika).

Rồi nói với Thế Tôn như sau:

– Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Pokkharasati thuộc dòng họ Upamanna trú ở rừng Subhaga đã nói: "Cũng vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn tự cho đã chứng được các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh này". Lời nói này của vị ấy thật sự đáng chê cười, thật sự chỉ là lời nói suông, thật sự chỉ là trống không, thật sự chỉ là trống rỗng. Làm sao còn là người còn lại có thể biết được, hay thấy được, hay chứng được các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh ? Sự kiện như vậy không thể xảy ra.

– Thế nào, này Thanh niên Bà-la-môn ? Bà-la- môn Pokkharasati thuộc dòng họ Upamanna, trú tại rừng Subhaga có thể biết tâm tư cả Sa-môn, Bà-la-môn với tâm tư của mình ?

– Thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Pokkharasati thuộc dòng họ Upamanna, trú ở rừng Subhaga, với tâm tư của mình không thể biết được tâm tư của Punnika, người đầy tớ gái của mình, làm sao lại có thể biết được tâm tư tất cả Sa-môn, Bà-la-môn với tâm tư của mình ?

– Ví như, này Thanh niên Bà-la-môn một người sanh ra đã mù không thể thấy các sắc màu đen, màu trắng, không thể thấy các sắc màu xanh, không thể thấy các sắc màu vàng, không thể thấy các sắc màu đỏ, không thể thấy các sắc màu đỏ tía, không thể thấy những gì bằng phẳng, không bằng phẳng, không thể thấy các vì sao, không thể thấy mặt trăng, mặt trời, người ấy nói như sau: "Không có các sắc màu đen, màu trắng, không có người thấy các sắc màu đen, màu trắng; không có các sắc màu xanh, không có người thấy các sắc màu xanh; không có các sắc màu vàng, không có người thấy các sắc màu vàng; không có các sắc màu đỏ, không có người thấy các sắc màu đỏ; không có các sắc màu đỏ tía, không có người thấy các sắc màu đỏ tía; không có những gì bằng phẳng, không bằng phẳng, không có người thấy cái gì bằng phẳng, không bằng phẳng; không có các vì sao, không có người thấy các vì sao; không có mặt trăng, mặt trời, không có người thấy mặt trăng, mặt trời. Tôi không biết như vậy; tôi không thấy như vậy, do vậy nên không có". Này Thanh niên Bà-la-môn, người ấy nói một cách chân chánh có nói như vậy không?

– Thưa không vậy, Tôn giả Gotama. Có các sắc màu đen trắng, có người thấy các sắc màu đen trắng; có các sắc màu xanh, có người thấy các sắc màu xanh;... (như trên)... có mặt trăng, mặt trời, có người thấy mặt trăng, mặt trời".Tôi không biết như vậy; tôi không thấy như vậy. Do vậy, không có". Thưa Tôn giả Gotama, nếu người ấy nói một cách chân chánh thì sẽ không nói như vậy.

– Cũng vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, Bà-la-môn Pokkharasati thuộc dòng họ Upamanna, trú ở rừng Subhaga là người mù, không có mắt. Vị ấy có thể biết được, hay thấy được, hay chứng được các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện như vậy không xảy ra. Này Thanh niên Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Những vị Bà-la-môn giàu sang ở Kosala, như Bà-la-môn Canki, Bà-la-môn Tarukkha, Bà-la-môn Pokkharasati, Bà-la-môn Janussoni, và thân phụ của Ông Todeyya, cái gì tốt hơn cho những vị ấy, lời nói của các vị ấy được thế tục chấp nhận (sammusa) hay không được thế tục chấp nhận ?

– Được thế tục chấp nhận, thưa Tôn giả Gotama.

– Cái gì tốt hơn cho họ, lời họ nói lên cần phải được suy tư hay không suy tư ?

– Cần phải được suy tư, thưa Tôn giả Gotama.

– Cái gì tốt hơn cho họ, lời họ nói lên cần phải được phân tích, cân nhắc hay không cần phải phân tích, cân nhắc ?

– Cần phải phân tích, cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama.

– Cái gì tốt hơn cho họ, lời họ nói lên cần phải liên hệ đến mục đích, hay không cần phải liên hệ đến mục đích ?

– Cần phải liên hệ đến mục đích, thưa Tôn giả Gotama.

– Này Thanh niên Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Nếu là như vậy thời lời nói của Bà-la-môn Pokkharasati thuộc dòng họ Upamanna, trú tại rừng Subhaga được thế tục chấp nhận hay không được thế tục chấp nhận ?

– Không được thế tục chấp nhận, thưa Tôn giả Gotama.

– Lời nói được nói lên là có suy tư, hay không suy tư ?

– Không suy tư, thưa Tôn giả Gotama.

– Lời nói được nói lên có phân tích, cân nhắc, hay không phân tích cân nhắc ?

– Không phân tích, cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama.

– Lời nói được nói lên liên hệ đến mục đích, hay không liên hệ đến mục đích ?

– Không liên hệ đến mục đích, thưa Tôn giả Gotama.

– Này Thanh niên Bà-la-môn, có năm triền cái này. Thế nào là năm ? Tham dục triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Này Thanh niên Bà-la-môn, như vậy là năm triền cái. Này Thanh niên Bà-la-môn, Bà-la-môn Pokkharasati thuộc dòng họ Upamanna, trú ở rừng Subhaga đã bị trùm che, ngăn chận, bao phủ, và bao trùm bởi năm triền cái này. Vị ấy biết được, thấy được, hay chứng tri được các pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện như vậy không xảy ra. Này Thanh niên Bà-la-môn, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm ? Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn; tiếng do tai nhận thức... hương do mũi nhận thức... vị do lưỡi nhận thức... xúc do thân nhận thức khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Này Thanh niên Bà-la-môn, như vậy là năm dục trưởng dưỡng. Này Thanh niên Bà-la-môn, Bà-la-môn Pokkharasati thuộc dòng họ Upamanna, trú ở rừng Subhaga bị trói buộc, bị đam mê, bị tham trước bởi năm dục trưởng dưỡng này, thụ hưởng chúng mà không thấy sự nguy hiểm, không soi thấu sự thoát ly khỏi chúng. Vị ấy thật sự biết được, hay thấy được, hay chứng được các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện như vậy không xảy ra. Này Thanh niên Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Trong những loại lửa này, loại lửa nào có ngọn, có màu sắc hay có ánh sáng ? Ngọn lửa được đốt lên nhờ cỏ và củi khô, hay ngọn lửa được đốt lên, không nhờ cỏ và củi khô ?

– Thưa Tôn giả Gotama, nếu có sự kiện có thể đốt lửa mà không nhờ cỏ và củi khô, thì ngọn lửa ấy có ngọn, có sắc và có ánh sáng.

– Này Thanh niên Bà-la-môn, không có sự kiện, không có trường hợp có thể đốt lửa mà không nhờ cỏ và củi khô, trừ phi dùng thần thông. Này Thanh niên Bà-la-môn, Ta nói hỷ này, hỷ do năm dục trưởng dưỡng đem lại, hỷ này ví như ngọn lửa đốt lên nhờ cỏ và củi khô. Này Thanh niên Bà-la-môn, Ta nói hỷ này, hỷ do ly dục, ly các bất thiện pháp đem lại, hỷ này ví như ngọn lửa đốt lên, không nhờ cỏ và củi khô. Và này Thanh niên Bà-la-môn, thế nào là hỷ do ly dục, ly các bất thiện pháp đem lại ? Ở đây, nay thanh niên Bà-la-môn, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất. Hỷ này, này Thanh niên Bà-la-môn, là hỷ ly dục, ly bất thiện pháp đem lại. Lại nữa, này Thanh niên Bà-la-môn, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ,... chứng và trú Thiền thứ hai. Hỷ này, này Thanh niên Bà-la-môn, là hỷ ly dục, ly bất thiện pháp đem lại. Này thanh niên Bà-la-môn, các vị Bà-la-môn ấy chủ trương năm pháp tác phước, đắc thiện. Ở đây, các Bà-la-môn chủ trương pháp tác phước, đắc thiện nào có kết quả lớn hơn ?

– Thưa Tôn giả Gotama, những vị Bà-la-môn chủ trương năm pháp tác phước, đắc thiện này. Ở đây, các Bà-la-môn chủ trương pháp thí xả (caga) tác phước, đắc thiện có quả báo lớn.

– Này Thanh niên Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, một tế đàn lớn được một vị Bà-la-môn lập lên và có hai vị Bà-la-môn đi đến và nghĩ như sau: "Chúng ta sẽ thọ hưởng đại tế đàn của vị Bà-la-môn với danh tánh thế này". Ở đây, một vị Bà-la-môn suy nghĩ như sau: "Mong rằng trong phòng ăn, ta sẽ được chỗ ngồi tốt nhất, nước tốt nhất, món ăn khất thực tốt nhất; còn vị Bà-la-môn kia, trong phòng ăn, không được chỗ ngồi tốt nhất, nước tốt nhất, món ăn khất thực tốt nhất". Này Thanh niên Bà-la-môn, sự kiện này xảy ra. Người Bà-la-môn ấy trong phòng ăn có thể được chỗ ngồi tốt nhất, nước tốt nhất, món ăn khất thực tốt nhất. Còn người Bà-la-môn kia, trong phòng ăn, không được chỗ ngồi tốt nhất, nước tốt nhất, món ăn khất thực tốt nhất. Vị Bà-la-môn kia nghĩ như sau: "Vị Bà-la-môn ấy, trong phòng ăn, được chỗ ngồi tốt nhất, nước tốt nhất, món ăn khất thực tốt nhất. Còn ta, trong phòng ăn không được chỗ ngồi tốt nhất, nước tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất". Vị ấy phẫn nộ, không hoan hỷ. Này Thanh niên Bà-la-môn, các Bà-la-môn chủ trương quả dị thục gì cho người Bà-la-môn này ?

– Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn không bố thí với ý nghĩ: "Do bố thí này, người kia phẫn nộ, không hoan hỷ. Các Bà-la-môn bố thí chỉ vì lòng ái mẫn".

– Sự kiện là như vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, thời đây có phải là tác phước sự thứ sáu, nghĩa là lòng ái mẫn ?

– Sự kiện là như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thời đây là tác phước sự thứ sáu, nghĩa là lòng ái mẫn.

– Này Thanh niên Bà-la-môn, các vị Bà-la-môn ấy chủ trương năm pháp tác phước, đắc thiện này. Ông thấy năm pháp này nhiều nhất ở đâu, ở những người tại gia, hay ở những người xuất gia ?

– Thưa Tôn giả Gotama, những vị Bà-la-môn chủ trương năm pháp tác phước, đắc thiện này, tôi nhận thấy năm pháp này có nhiều ở những người xuất gia, có ít ở những người tại gia. Người tại gia, thưa Tôn giả Gotama, dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn không có thường hằng, liên tục, không nói lời chân thật. Người xuất gia, thưa Tôn giả Gotama , dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nhưng thường hằng liên tục, nói lời chân thật. Người tại gia, thưa Tôn giả Gotama, dịch vụ lớn, công tác lớn, tổ chức lớn, lao lực lớn không có thường hằng liên tục sống khổ hạnh, sống Phạm hạnh, đọc tụng nhiều, thí xả nhiều. Người xuất gia, thưa Tôn giả Gotama, dịch vụ nhỏ, công tác nhỏ, tổ chức nhỏ, lao lực nhỏ, nhưng thường hằng liên tục sống khổ hạnh, sống Phạm hạnh, đọc tụng nhiều, thí xả nhiều. Thưa Tôn giả Gotama, năm pháp tác phước, đắc thiện này được các vị Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương, tôi nhận thấy năm pháp này có nhiều ở những vị xuất gia, có ít ở những vị tại gia.

– Này Thanh niên Bà-la-môn, năm pháp tác phước, đắc thiện này được các vị Bà-la-môn chủ trương, Ta nói những pháp này là những tư cụ của tâm, nghĩa là để tâm tu tập không hận, không sân. Ở đây, này Thanh niên Bà-la-môn, vị Tỷ-kheo nói lời chân thật, vị ấy nghĩ: "Ta nói lời chân thật", chứng được nghĩa tín thọ (atthavedam), chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp. Ta nói sự hân hoan liên hệ đến thiện này là tư cụ của tâm, nghĩa là để tâm của vị ấy tu tập không hận, không sân. Ở đây, này Thanh niên Bà-la-môn vị Tỷ-kheo sống khổ hạnh, sống Phạm hạnh, đọc tụng nhiều, thí xả nhiều vị ấy nghĩ rằng: "Ta thí xả nhiều", chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp, Ta nói rằng sự hân hoan liên hệ đến thiện này là tư cụ của tâm, nghĩa là để tâm của vị ấy tu tập không hận, không sân. Này Thanh niên Bà-la-môn những vị Bà-la-môn chủ trương năm pháp tác phước, đắc thiện này, Ta nói các pháp ấy là tư cụ của tâm, nghĩa là để tâm của vị ấy tu tập không hận, không sân.

Khi nghe nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta thưa với Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, tôi nghe như sau: "Sa-môn Gotama biết con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên".

– Này Thanh niên Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Làng Nalakara có gần đây không ? Có phải làng Nalakara không xa ở đây ?

– Thưa vâng, Tôn giả, làng Nalakara ở gần đây. Làng Nalakara không xa ở đây.

– Này Thanh niên Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có người sanh trưởng tại làng Nalakara, chưa rời khỏi làng Nalakara, và có người tới hỏi người ấy con đường đưa đến làng Nalakara. Này Thanh niên Bà-la-môn, người sanh trưởng tại làng Nalakara ấy phân vân hay ngập ngừng khi được hỏi về con đường đến làng Nalakara ?

– Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy ? Thưa Tôn giả Gotama, vì người ấy sanh trưởng tại làng Nalakara. Người ấy biết rõ tất cả con đường đưa đến làng Nalakara.

– Tuy vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, rất có thể người sanh trưởng tại làng Nalakara này khi được hỏi con đường đưa đến làng Nalakara còn có thể phân vân hay ngập ngừng. Nhưng Như Lai thì không vậy, khi được hỏi về Phạm thiên giới, hay về con đường đưa đến Phạm thiên giới, Như Lai không phân vân hay ngập ngừng. Và này Thanh niên Bà-la-môn, Ta biết Phạm thiên giới và con đường đưa đến Phạm thiên giới, và Ta cũng biết phải thành tựu như thế nào để được sanh vào Phạm thiên giới.

– Thưa Tôn giả Gotama, con có nghe như sau: "Sa-môn Gotama thuyết dạy con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên". Tốt lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng cho con, con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên.

– Vậy này Thanh niên Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, Tôn giả.

Thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

– Và này Thanh niên Bà-la-môn, thế nào là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên ? Ở đây, này Thanh niên Bà-la-môn, Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Này Thanh niên Bà-la-môn, khi từ tâm giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động được làm có tánh cách hạn lượng như vậy, không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây. Ví như, này Thanh niên Bà-la-môn, một người lực sĩ thổi tù và làm cho bốn phương nghe được, không gì khó khăn; cũng vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, khi từ tâm giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động được làm có tánh cách hạn lượng, không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây. Này Thanh niên Bà-la-môn, đây là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên. Lại nữa, này Thanh niên Bà-la-môn, vị Tỷ-kheo biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi... (như trên)... với tâm câu hữu với hỷ... (như trên)... với tâm câu hữu với xã, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Này Thanh niên Bà-la-môn, khi xả tâm giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động được làm có tánh cách hạn lượng như vậy, không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây. Ví như, này Thanh niên Bà-la-môn, một người lực sĩ thổi tù và làm cho bốn phương nghe được, không gì khó khăn; cũng vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, khi xả tâm giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động được làm có tánh cách hạn lượng như vậy, không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây. Này Thanh niên Bà-la-môn, đây là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên.

Khi nghe nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Thưa Tôn giả Gotama, nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm cư sĩ, từ này cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. Thưa Tôn giả Gotama, nay chúng con xin đi, chúng con có nhiều công việc phải làm.

– Này Thanh niên Bà-la-môn, nay Ông hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.

Rồi thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với cỗ xe do toàn ngựa cái trắng kéo, đi ra khỏi Savatthi để nghỉ trưa. Bà-la-môn Janussoni thấy thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta từ xa đi lại, sau khi thấy, liền nói với thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta:

– Tôn giả Bharadvaja đi từ đâu lại, quá sớm như vậy ?

– Thưa Tôn giả, tôi vừa từ Sa-môn Gotama lại.

– Này Tôn giả Bharadvaja, Tôn giả nghĩ thế nào ? Tôn giả có nghĩ Sa-môn Gotama là bậc có trí, có trí tuệ sáng suốt (pannaveyyattiyam) không ?

– Thưa Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama ? Chỉ có vị nào như Ngài mới có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama.

– Tôn giả Bharadvaja thật đã tán thán Sa-môn Gotama với sự tán thán tối thượng.

– Nhưng tôi là ai mà tôi lại tán thán Sa-môn Gotama ? Tán thán bởi những người được tán thán là Sa-môn Gotama, là bậc tối thượng giữa các hàng Thiên Nhân. Thưa Tôn giả, các vị Bà-la-môn chủ trương năm pháp tác phước, đắc thiện này, Sa-môn Gotama nói rằng năm pháp ấy là tư cụ cho tâm, nghĩa là để tu tập, trở thành không hận, không sân.

Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn, Janussoni bước xuống cỗ xe do toàn ngựa cái trắng kéo, đắp áo vào một phía bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và thốt ra lời cảm hứng như sau: "Lợi ích thay cho vua Pasenadi nước Kosala ! Tốt đẹp, lợi ích thay cho vua Pasenadi nước Kosala được Như Lai bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác trú ở trong nước !


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn du hành trong nước Kosala với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, một nữ Bà-la-môn tên Dhananjani (Đa-na-xa-ni) trú ở Candalakappa (Đan-đạt-la-kiếp-ba) có lòng tín thành Phật, Pháp và Tăng. Rồi nữ Bà-la-môn Dhananjani sau khi bị trợt chân, thốt lên ba lần cảm hứng ngữ: "Đảnh lễ đức Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! Đảnh lễ đức Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ! Đảnh lễ đức Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! " Lúc bấy giờ một thanh niên Bà-la-môn tên Sangarava trú ở Candalakappa, tinh thông ba tập Veda, với tự vững, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Đại nhân tướng. Thanh niên Bà-la-môn Sangarava nghe nữ Bà-la-môn Dhananjani nói như vậy, sau khi nghe, liền nói với nữ Bà-la-môn Dhanajani:

– Nữ Bà-la-môn Dhananjani này thật là hạ liệt ! Nữ Bà-la-môn Dhananjani này thật là suy đồi, vì rằng trong khi các Bà-la-môn đang còn sống lại nói lời ta thán Sa-môn trọc đầu ấy.

– Này Hiền giả thân mến, có phải Hiền giả chưa biết đến giới đức và tuệ đức của Như Lai ? Này Hiền giả thân mến, nếu Hiền giả biết đến giới đức và tuệ đức của Như Lai, tôi nghĩ rằng, này Hiền giả thân mến, Hiền giả sẽ không nghĩ rằng Thế Tôn đáng bị mạ lỵ, đáng bị mắng nhiếc.

– Vậy thưa Bà, khi nào Sa-môn Gotama đến tại Candalakappa, Bà hãy báo tin cho tôi biết.

– Thưa vâng, Hiền giả.

Nữ Bà-la-môn Dhananjani vâng đáp thanh niên Bà-la-môn Sangarava.

Rồi Thế Tôn tiếp tục du hành trong nước Kosala và đến Candalakappa. Tại đây, Thế Tôn trú tại Candalakappa trong rừng xoài của các Bà-la-môn sống ở Tudi. Nữ Bà-la-môn Dhananjani được nghe: "Thế Tôn đã đến Candalakappa, trú tại Candalakappa trong rừng xoài của các Bà-la-môn sống ở Tudi". Rồi nữ Bà-la-môn Dhananjani đi đến thanh niên Bà-la-môn Sangarava, sau khi đến, nói với thanh niên Bà-la-môn Sangarava:

– Này Hiền giả thân mến, bậc Thế Tôn ấy đã đến Candalakappa trú tại Candalakappa trong rừng xoài của các vị Bà-la-môn sống ở Tudi. Này Hiền giả thân mến, nay Hiền giả làm những gì mà Hiền giả nghĩ là hợp thời.

– Thưa Bà, vâng.

Thanh niên Bà-la-môn Sangarava, vâng đáp nữ Bà-la-môn Dhananjani, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn Sangarava bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt được ngay hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí (abinnavesanaparamipatta). Tôn giả Gotama là thế nào đối với các vị ấy ?

– Này Bharadvaja, Ta nói rằng, có sự sai khác giữa những vị tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt được ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí. Này Bharadvaja, có một số Sa-môn, Bà-la-môn theo tin đồn (hay truyền thống), do tin đồn (hay truyền thống), họ tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt được ngay hiện tại thông trí với cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, như các Bà-la-môn thông hiểu ba tập Veda. Nhưng này Bharadvaja, có một số Sa-môn Bà-la-môn hoàn toàn chỉ do lòng tin, tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, như các nhà lý luận (các nhà suy tư). Này Bharadvaja, có một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn pháp ấy, tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, do đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí. Ở đây, này Bharadvaja, các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn pháp ấy, tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí. Ta là một trong những vị ấy. Này Bharadvaja, Ông cần phải hiểu theo nghĩa như vậy. Các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn pháp ấy, tự nhận rằng, về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, Ta là một trong những vị ấy. Ở đây, này Bharadvaja, thuở xưa, khi Ta chưa thành bậc Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: "Đời sống tại gia chật hẹp, nhiễm đầy bụi đời; đời sống xuất gia phóng khoáng như ngoài trời. Thật không dễ gì sống tại gia, có thể sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Này Bharadvaja, và Ta, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh (... xem Kinh Trung Bộ tập I, Kinh Thánh Cầu từ trang 367, đến trang 373 thay chữ Bharadvaja vào chữ các Tỷ-kheo)... Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: "Thật là vừa đủ để tinh tấn".

Rồi này Bharadvaja, ba ví dụ khởi lên nơi Ta (... xem Kinh Trung Bộ Tập I, Đại Kinh Saccaka, từ trang 528 đến trang 540..., nhưng bỏ câu: "Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta – trang 533 – từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc").

Rồi này Bharadvaja, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, Ta chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm... ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú vào Thiền thứ ba.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc bình tĩnh như vậy... (Kinh Trung Bộ Tập I, trang 541 đến trang 544 bỏ câu: "Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta" – trang 544 – Ta sống không phóng dật, nhất tâm tinh cần.

Khi nghe nói vậy, thanh niên Bà-la-môn San-garava bạch thế tôn:

– Thật sự, sự tinh cần của tôn giả Gotama là trung kiên (atthita). Thật sự, sự tinh cần của tôn giả Gotama là sự tinh cần của các bậc Chân nhân (Sappurisa), một bậc như là A-la-han, Chánh Đẳng Giác. Thưa Tôn giả Gotama, có các chư Thiên không ?

– Này Bharadvaja, Ta được biết một cách chắc chắn có chư Thiên.

– Nhưng vì sao, thưa Tôn giả Gotama, khi được hỏi có các chư Thiên không, lại hỏi: "Này Bharadvaja, Ta được biết một cách chắc chắn có chư Thiên". Sự việc là như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thì có phải là hư ngôn, vọng ngữ không ?

– Này Bharavaja, nếu khi được hỏi: "Có chư Thiên không?"; cần phải đáp: "Có chư Thiên".; nhưng lại đáp: "Chắc chắn Ta được biết có chư Thiên". Như vậy, một người có trí đi đến kết luận không có gì nghi ngờ nữa, là có chư Thiên.

– Nhưng vì sao Tôn giả Gotama không giải thích như vậy cho con từ khi bắt đầu ?

– Này Bharadvaja, như vậy đã được lớn tiếng chấp nhận ở đời tức là có chư Thiên.

Khi nghe nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Sangarava bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương diện trình bày. Và nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.


| Giới thiệu & Mục lục | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 |
| 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 |

 


Cập nhật: 25-8-2000

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang