- Kinh Trung bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
Phần
XXVII
(127) Kinh A-na-luật
(128) Kinh Tùy phiền não
(129) Kinh Hiền ngu
(130) Kinh Thiên sứ
- (Anuruddhasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi,
tại Jetavana, chỗ tinh xá của ông Anathapindika. Rồi thợ mộc Pancakanga bảo
một người.
– Hãy đến, này Người kia, hãy
đi đến Tôn giả Anuruddha, nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả
Anuruddha và thưa như sau : "Thưa Tôn giả, thợ mộc Pancakanga cúi đầu
đảnh lễ Tôn giả Anuruddha, và thưa: Mong rằng Tôn giả Anuruddha cùng ba vị
nữa, ngày mai nhận lời dùng bữa ăn với thợ mộc Pancakanga. Mong rằng Tôn
giả Anuruddha đến thật sớm, vì thợ mộc Pancakanga có nhiều công việc,
có nhiều bổn phận phải làm đối với vua".
– Thưa vâng, Tôn giả.
Người ấy vâng đáp thợ mộc
Pancakanga, đi đến Tôn giả Anuruddha, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả
Anuruddha, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy thưa
Tôn giả Anuruddha :
– Thợ mộc Pancakanga cúi đầu đảnh
lễ Tôn giả Anuruddha và thưa như sau : "Thưa Tôn giả, mong rằng Tôn giả
Anuruddha với ba vị nữa ngày mai đến dùng bữa ăn với thợ mộc
Pancakanga. Thưa Tôn giả, mong rằng Tôn giả Anuruddha đến cho thật sớm, vì
thợ mộc Pancakanga có nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm đối
với vua".
Tôn giả Anuruddha im lặng nhận lời.
Rồi Tôn giả Anuruddha, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm
y bát, đi đến trú xứ thợ mộc Pancakanga, sau khi đến liền ngồi trên chỗ
đã soạn sẵn. Rồi thợ mộc Pancakanga tự tay mời mọc và làm cho thỏa
mãn Tôn giả Anuruddha với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mền.
Và sau khi Tôn giả Anuruddha đã ăn xong, đã cất tay khỏi bình bát, thợ mộc
Pancakanga lấy một ghế thấp rồi ngồi xuống một bên, Ngồi xuống một
bên, thợ mộc Pancakanga thưa cùng Tôn giả Anuruddha :
Ở đây, thưa Tôn giả, các Trưởng
lão Tỷ-kheo đến và nói như sau : "Này Gia chủ, hãy tu tập vô lượng
tâm giải thoát". Có một số vị Trưởng lão lại nói như sau : "Này
Gia chủ, hãy tu tập đại hành tâm giải thoát". Thưa Tôn giả, vô lượng
tâm giải thoát và đại hành tâm giải thoát, các pháp này vừa khác nghĩa
vừa khác văn, hay đồng nghĩa, chỉ khác biệt về văn ?
– Này Gia chủ, hãy nói lên những
điều gì Ông nghĩ về vấn đề này; nhờ vậy, vấn đề này sẽ trở
thành xác thật cho Ông.
– Thưa Tôn giả, con nghĩ như sau :
"Vô lượng tâm giải thoát và đại hành tâm giải thoát, các pháp này
đồng nghĩa nhưng khác văn".
– Này Gia chủ, vô lượng tâm giải
thoát và đại hành tâm giải thoát, những pháp này vừa khác nghĩa vừa khác
văn. Do vậy, này "Cư sĩ, đây cần phải hiểu đúng với pháp môn, nghĩa
là các pháp này vừa khác nghĩa vừa khác văn.
Và này Cư sĩ, thế nào là vô lượng
tâm giải thoát ? Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương
với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ
ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới,
bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú
biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận,
không sân. Với tâm câu hữu với bi, với tâm câu hữu với hỷ, an trú biến
mãn, một phương với tâm câu hữu với xả, ... quảng đại, vô biên,
không hận, không sân. Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là vô lượng tâm
giải thoát.
Này Cư sĩ, thế nào là đại hành
tâm giải thoát ? Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo, cho đến một gốc cây, an
trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền).
Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây,
này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm
nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được
gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến một
ruộng làng an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong
khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải
thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba ruộng làng, an trú biến
mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vây,
này Cư sĩ được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ,
Tỷ-kheo cho đến một đại vương quốc, an trú biến mãn và thấm nhuần lớn
cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là
đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba
đại vương quốc an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy
(trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải
thoát. Do vậy, này Cư sĩ, đây cần phải hiểu đúng với pháp môn này,
nghĩa là các pháp này vừa khác nghĩa, vừa khác văn.
Này Cư sĩ, có bốn hữu sanh này
(bhavuppattiyo: bốn sự sanh khởi cho một đời sống mới). Thế nào là bốn
? Ở đây, này Cư sĩ, có người, với hào quang hạn lượng (parittabha) an
trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được
sanh cọng trú với chư Thiểu Quang thiên. Ở đây, này Cư sĩ, có người với
hào quang vô lượng, an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân
hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Vô Lượng Quang thiên. Ở đây,
này Cư sĩ có người với hào quang tạp nhiễm, an trú biến mãn và thấm
nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư
Tạp Nhiễm Quang thiên. Ở đây, này Cư sĩ, có người với hào quang thanh tịnh
an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được
sanh cộng trú với chư Biến Tịnh Quang thiên. Này Cư sĩ, có bốn loại hữu
sanh này.
– Có thời, này Cư sĩ, chư Thiên
kia tập họp tại một chỗ. Khi các vị này tập họp tại một chỗ, có
thấy sự sai khác về màu sắc, không có thấy sự sai khác về hào quang.
Ví như, này Cư sĩ, có người cầm nhiều cây đèn dầu đi vào trong một
nhà. Khi các cây đèn dầu ấy được đem vào trong nhà, có thấy sự sai
khác về ngọn lửa, nhưng không có thấy sự sai khác về ánh sáng. Cũng vậy,
này Cư sĩ, có thời chư Thiên kia tập họp tại một chỗ. Khi các vị này
tập họp tại một chỗ, có thấy sự sai khác về màu sắc, không có thấy
sự sai khác về hào quang. Có thời, này Cư sĩ, chư Thiên ấy, đi ra khỏi
từ chỗ kia. Khi chư Thiên ấy đi ra khỏi từ chỗ kia, có thấy sự sai
khác về màu sắc và cũng có thấy sự sai khác về hào quang. Ví như, này
Cư sĩ, có người đem nhiều cây đèn dầu ra khỏi ngôi nhà ấy, khi các
cây đèn dầu ấy được đem ra khỏi ngôi nhà kia, có thấy sự sai khác về
màu sắc và cũng có thấy sự sai khác về ánh sáng. Cũng vậy, này Cư sĩ,
có thời chư Thiên ấy đi ra khỏi từ chỗ kia. Khi chư Thiên ấy đi ra khỏi
từ chỗ kia, có thấy sự sai khác về màu sắc và cũng có thấy sự sai
khác về hào quang.
Này Cư sĩ, chư Thiên ấy không có
nghĩ : "Đây là thường còn, thường trú, thường hằng cho chúng
tôi". Nhưng chỗ nào chư Thiên ấy an trú, tại chỗ ấy, chư Thiên kia
sống trong thoải mái. Ví như, này Cư sĩ, khi các con ruồi bị mang đi trong
đòn gánh hay trong cái giỏ, chúng nó không có nghĩ : "Đây là sự thường
còn, thường trú hay thường hằng cho chúng tôi". Nhưng chỗ nào, chỗ
nào các con ruồi kia an trú, tại chỗ ấy các con ruồi ấy sống trong thoải
mãi. Cũng vậy, này Cư sĩ, chư Thiên ấy không có nghĩ : "Đây là thường
còn, thường trú hay thường hằng cho chúng tôi". Nhưng chỗ nào, chỗ
nào chư Thiên ấy an trú, tại chỗ ấy, chư Thiên kia sống trong thoải
mái.
Khi được nghe nói vậy, Tôn giả
Abhiya Kaccana thưa với Tôn giả Anuruddha !
– Tốt lành thay, Tôn giả Anuruddha
! Ở đây, tôi có câu này cần phải hỏi thêm. Thưa Tôn giả, chư Thiên
có hào quang, tất cả đều có hào quang có hạn lượng ? Hay là ở đây
có một số chư Thiên có hào quang vô lượng ?
– Này Hiền giả Kaccana, tùy theo
trường hợp, ở đây một số chư Thiên có hào quang có hạn lượng,
nhưng ở đây cũng có một số chư Thiên có hào quang vô lượng.
– Thưa Tôn giả Anuruddha, do nhân
gì, do duyên gì, dầu cho chư Thiên ấy được sanh khởi trong một Thiên
chúng, lại có một số chư Thiên có hào quang hạn lượng và có một số
chư Thiên khác có hào quang vô lượng ?
– Này Hiền giả Kaccana, ở đây
Ta sẽ hỏi Hiền giả. Nếu Hiền giả kham nhẫn, Hiền giả sẽ trả lời.
Này Hiền giả Kaccana, Hiền giả nghĩ thế nào ? Tỷ-kheo cho đến một gốc
cây, an trú biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền),
và Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú biến mãn và thấm nhuần lớn
cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm này, sự tu tập
tâm nào rộng lớn hơn ?
– Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo cho đến
hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy
(trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng
lớn hơn.
– Này Hiền giả Kaccana, Hiền giả
nghĩ thế nào ? Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú biến mãn và thấm
nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo, cho đến một
ruộng làng, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong
khi tu Thiền) trong hai sự tu tập tâm này, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn
?
– Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo cho đến
một ruộng làng, an trú, biến mãn, và thấm nhuần lớn cho đến như vậy
(trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng
lớn hơn.
– Này Hiền giả Kaccana, Tỷ-kheo
cho đến hai hay ba ruộng làng, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến
như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến một đại vương quốc,
an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền)
trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn ?
– Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo, cho đến
một đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như
vậy (Trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm ấy,
sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.
– Này Hiền giả Kaccana, Tỷ-kheo
cho đến một đại vương, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến
như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến hai hay ba một đại
vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong
khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn
?
Thưa Tôn giả Anuruddha, Tỷ-kheo cho
đến hai hay ba đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần rộng lớn
cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập
tâm này rộng lớn hơn.
Này Hiền giả Kaccana, Hiền giả
nghĩ thế nào ? Tỷ-kheo cho đến hai hay ba đại vương quốc, an trú, biến
mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo
cho đến giải đất tận hải biên, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn
cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập
tâm nào rộng lớn hơn ?
– Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo cho đến
giải đất tận hải biên, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn như vậy
(trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng
lớn hơn.
– Này Hiền giả Kaccana, do nhân
này, do duyên này, giữa các chư Thiên ấy được sanh khởi trong một Thiên
chúng, có một số chư Thiên có hào quang có hạn lượng nhưng có một số
chư Thiên có hào quang vô lượng.
– Lành thay, Tôn giả Anuruddha !
Tôi có một câu cần phải hỏi thêm nữa. Thưa Tôn giả, về hào quang chư
Thiên, có phải tất cả hào quang là tạp nhiễm hay có một số chư Thiên
có hào quang thanh tịnh ?
– Tùy theo trường hợp, này Hiền
giả Kaccana, ở đây có một số chư Thiên có hào quang tạp nhiễm, nhưng
ở đây cũng có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh.
– Thưa Tôn giả Anuruddha, do nhân
gì, do duyên gì, trong chư Thiên ấy được sanh khởi trong một Thiên chúng,
có một số hào quang tạp nhiễm, nhưng có một số chư Thiên có hào quang
thanh tịnh ?
- Này Hiền giả Kaccana, Ta sẽ cho Hiền giả một
ví dụ. Nhờ ví dụ ở đây, người có trí hiểu được ý nghĩa của lời
nói. Ví như, này Hiền giả Kaccana, một cây đèn đang cháy với dầu không
được sạch sẽ, với tim đèn cũng không được sạch sẽ. Vì dầu không
được sạch sẽ, và cũng vì tim đèn không được sạch sẽ, nên cây đèn
cháy rất lu mờ. Cũng vậy, này Hiền giả Kaccana, ở đây Tỷ-kheo an trú
biến mãn và thấm nhuần với hào quang tạp nhiễm. Thân dâm hạnh của vị
ấy không được khéo chấm dứt, hôn trầm thụy miên không được khéo
đoạn trừ, trạo cử hối quá không được khéo nhiếp phục. Vì không
được khéo chấm dứt thân dâm hạnh, vì không khéo đoạn trừ hôn trầm
thụy miên, vì không khéo nhiếp phục trạo cử hối quá, nên vị ấy được
cháy lên một cách lu mờ. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh
cọng trú với chư Thiên có hào quang tạp nhiễm. Ví như, này Hiền giả
Kaccana, một ngọn đèn dầu được dốt cháy, với dầu sạch sẽ và với
tim đèn cũng được sạch sẽ. Do dầu được sạch sẽ và cũng do tim đèn
được sạch sẽ, nên cây đèn ấy được cháy không có mù mờ. Cũng vậy,
này Hiền giả Kaccana, ở đây Tỷ-kheo an trú biến mãn và thấm nhuần với
hào quang thanh tịnh, thân dâm hạnh của vị này được khéo chấm dứt,
hôn trầm thụy miên được khéo đoạn trừ, trạo cử hối quá được khéo
nhiếp phục. Do thân dâm hạnh được khéo chấm dứt, do hôn trầm thụy
miên được khéo đoạn trừ, do trạo cử hối quá được khéo nhiếp phục,
vị ấy được cháy lên không có mù mờ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị
ấy được sanh cọng trú với chư Thiên có hào quang thanh tịnh. Này Hiền
giả Kaccana, do nhân này, do duyên này, giữa chư Thiên ấy sanh khởi cùng
trong một Thiên chúng, có một số chư Thiên có hào quang tạp nhiễm, nhưng
có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh.
Khi được nghe nói vậy, Tôn giả
Abhiya Kaccana thưa với Tôn giả Anuruddha :
– Thật lành thay, Tôn giả
Anuruddha ! Thưa Tôn giả, Tôn giả Anuruddha không có nói như sau : "Như vậy
tôi nghe". hay "sự việc đúng như vậy". Trái lại, thưa Tôn giả,
Tôn giả Anuruddha chỉ nói : "Chư Thiên này là như vậy và chư Thiên
kia là như vậy". Thưa Tôn giả, tôi nghĩ như sau : "Tôn giả
Anuruddha chắc chắn đã sống từ trước, đã đàm thoại từ trước, đã
đàm luận từ trước với chư Thiên ấy".
Này Hiền giả Kaccana, lời nói này
của Hiền giả đến gần như thử thách Ta phải tuyên bố, nhưng Ta sẽ trả
lời cho Hiền giả. Này Hiền giả Kaccana, đã từ lâu, Ta đã sống từ trước,
đã đàm thoại từ trước, đã đàm luận từ trước với chư Thiên ấy.
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Abhiya
Kaccana nói với thợ mộc Pancakanga:
– Thật lợi ích thay cho Ông, này
Cư sĩ, rằng Ông đã đoạn trừ được điều nghi ngờ từ trước, và cũng
được dịp nghe pháp môn này.
- 128. KINH
TÙY PHIỀN NÃO [^]
- (Upakkilesasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Kosambi (Kiều-thưởng-di),
tại tịnh xá Ghosita (Cu-sư-la). Lúc bấy giờ các Tỷ-kheo ở Kosambi sống cạnh
tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng
lưỡi. Rồi một Tỷ-kheo đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến đảnh lễ Thế
Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo
ở Kosambi, sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng
những binh khí miệng lưỡi. Tốt lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn
vì lòng từ mẫn, đến các Tỷ-kheo ấy.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi
Thế Tôn đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến liền nói với họ :
– Thôi vừa rồi, các Tỷ-kheo ! Chớ
có cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh nhau !
Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch
Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn bậc
Pháp Chủ, hãy dừng lại ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có nhọc lòng ! Thế
Tôn hãy an trú, chú tâm và hiện tại lạc trú ! Vì rằng chúng con chịu
trách nhiệm về sự cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh này.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với
các Tỷ-kheo ấy :
– Thôi vừa rồi, này các Tỷ-kheo
! Chớ có cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh nhau.
Lần thứ hai Tỷ-kheo ấy bạch Thế
Tôn :
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn bậc
Pháp Chủ hãy dừng lại ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có nhọc lòng ! Thế
Tôn hãy an trú, chú tâm và hiện tại lạc trú ! Vì rằng chúng con chịu
trách nhiệm về sự cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh này.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với các
Tỷ-kheo ấy :
– Thôi vừa rồi, này các Tỷ-kheo
! Chớ có cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh nhau !
Lần thứ ba, Tỷ-kheo ấy bạch Thế
Tôn :
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn bậc
Pháp Chủ hãy dừng lại ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có nhọc lòng ! Thế
Tôn hãy an trú, chú tâm vào hiện tại lạc trú ! Vì rằng chúng con chịu
trách nhiệm về sự cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh này.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp
y, cầm y bát và đi vào Kosambi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở
Kosambi, ăn xong, trên con đường khi khất thực trở về, sau khi dọn dẹp
chỗ nằm, lấy y bát, Ngài đứng và nói bài kệ:
- Giữa quần chúng la ó,
- Không ai nghĩ mình ngu,
- Giữa Tăng chúng phân ly
- Có ai nghĩ hướng thượng ?
- Thất niệm kẻ trí nói,
- Ba hoa trăm thứ chuyện,
- Miệng há, nói thả dàn,
- Dẫn đi đâu, ai biết ?
- "Nó mắng tôi, đánh tôi !
- Nó hại tôi, cướp tôi !"
- Ai ôm oán niệm ấy,
- Hận thù không thể nguôi.
- "Nó mắng tôi, đánh tôi !
- Nó hại tôi, cướp tôi !"
- Không ôm oán niệm ấy,
- Hận thù sẽ tự nguôi.
- Hận thù diệt hận thù,
- Không đời nào diệt được,
- Từ bi diệt hận thù,
- Là định luật ngàn thu.
- "Người khác không hiểu biết,
- Ở đây ta bị diệt",
- Những ai hiểu điều này,
- Nhờ vậy, tranh luận tiêu.
- Kẻ chủ xướng hại mạng,
- Cướp bò, ngựa tài sản,
- Kẻ cướp đoạt quốc độ,
- Họ còn biết đoàn kết,
- Sao các Ông không vậy ?
- Nếu được bạn hiền trí,
- Đồng hành, khéo an trú,
- Đả thắng mọi hiểm nạn,
- Sống hoan hỷ chánh niệm.
- Nếu không bạn hiền trí,
- Như vua bỏ quốc độ,
- Cô độc như voi rừng.
- Tốt hơn, sống một mình,
- Không bè bạn kẻ ngu,
- Cô độc không làm ác,
- Nhàn hạ, như voi rừng.
Rồi Thế Tôn đứng nói lên những
câu kệ này, rồi đi đến làng Balakalonakara. Khi ấy, Tôn giả Bhagu sống
ở trong làng Balakalonakara. Tôn giả Bhagu thấy Thế Tôn từ xa đi đến, liền
sắp đặt chỗ ngồi và nước rửa chân. Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã
soạn sẵn; sau khi ngồi, Ngài rửa chân. Tôn giả Bhagu đảnh lễ Thế Tôn,
rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Bhagu đang ngồi một
bên:
– Này Tỷ-kheo, có được an lành
không ? Có được sống yên vui không ? Đi khất thực, có khỏi mệt nhọc
không ?
– Bạch Thế Tôn, con được an lành.
Bạch Thế Tôn, con sống yên vui. Bạch Thế Tôn, con đi khất thực khỏi có
mệt nhọc.
Rồi Thế Tôn sau khi với thời thuyết
pháp khích lệ Tôn giả Bhagu, làm cho hân hoan, làm cho phấn khởi, làm cho
hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Pacinavamsadaya. Lúc bấy giờ,
Tôn giả Anurudha (A-na-luật), Tôn giả Nandiya (Nan-đề) và Tôn giả Kimbila
(Kim-ty- la) trú ở Pacinavamasadaya. Người giữ vườn thấy Thế Tôn từ xa
đi đến, khi thấy vậy liền bạch Thế Tôn:
Này Sa-môn, chớ có vào khu vườn này.
Có ba Thiện gia nam tử, rất ái luyến tự ngã (attakamanipa) trú tại đây.
Chớ có phiền nhiễu các vị ấy.
Tôn giả Anuruddha nghe người giữ
khu vườn nói chuyện với Thế Tôn, liền nói với người giữ vườn:
– Này người Giữ vườn, chớ có
ngăn chặn Thế Tôn ! Thế Tôn bậc Đạo sư của chúng tôi đã đến.
Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn
giả Nandiya và Tôn giả Kimbila và nói:
– Chư Tôn giả hãy đến ! Chư Tôn
giả hãy đến ! Thế Tôn, bậc Đạo sư của chúng ta đã đến.
Rồi Tôn giả Anuruddha, Tôn giả
Nandiya và Tôn giả Kimbila ra đón Thế Tôn, một người cầm y bát Thế
Tôn, một người sửa soạn chỗ ngồi, một người đặt sẵn nước rửa
chân. Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn; sau khi ngồi, Thế Tôn
rửa chân. Rồi các Tôn giả ấy đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một
bên. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Anuruddha đang ngồi xuống một bên :
Này các Anuruddha, các Ông có được
an lành không ? Có được sống yên vui không ? Đi khất thực có khỏi mệt
nhọc không ?
– Bạch Thế Tôn, chúng con được
an lành. Bạch Thế Tôn, chúng con sống yên vui. Bạch Thế Tôn, chúng con đi
khất thực khỏi có mệt nhọc.
– Này các Anuruddha, các Ông có sống
hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau. Như nước với sữa, sống
nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm không ?
– Bạch Thế Tôn, thật sự chúng
con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa,
sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm.
Này các Anuruddha, như thế nào các
Ông sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau
với cặp mắt thiện cảm ?
– Bạch Thế Tôn, ở đây chúng
con nghe như sau : "Thật lợi ích thay cho ta ! Thật khéo lợi ích thay cho
ta, khi ta được sống với các đồng Phạm hạnh như vậy ! Bạch Thế Tôn,
do vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh này, con khởi lên từ thân
nghiệp, trước mặt và sau lưng; con khởi lên từ khẩu nghiệp, trước mặt
và sau lưng, con khởi lên từ ý nghiệp, trước mặt và sau lưng. Bạch Thế
Tôn do vậy chúng con nghĩ như sau : "Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống
thuận theo tâm của những Tôn giả này". Và bạch Thế Tôn, con từ bỏ
tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế
Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm.
Rồi Tôn giả Nandiya... (như trên)...
Rồi Tôn giả Kimbila bạch Thế Tôn :
– Bạch Thế Tôn, ở đây chúng
con nghĩ như sau : "Thật lợi ích thay cho ta ! Thật khéo lợi ích thay
cho ta, khi ta được sống với các vị đồng Phạm hạnh như vậy !" Bạch
Thế Tôn, do vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh này, con khởi lên từ
thân nghiệp, trước mặt và sau lưng; con khởi lên từ khẩu nghiệp, trước
mặt và sau lưng, con khởi lên từ ý nghiệp, trước mặt và sau lưng. Bạch
Thế Tôn, do vậy chúng con nghĩ như sau : "Ta hãy từ bỏ tâm của ta và
sống thuận theo tâm của những Tôn giả này". Và bạch Thế Tôn, con từ
bỏ tâm của con và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế
Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm. Bạch Thế
Tôn, như vậy chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa,
sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm.
Lành thay, lành thay, này các
Anuruddha ! và này các Anuruddha, các Ông có sống không phóng dật, nhiệt
tâm, tinh cần không ?
– Bạch Thế Tôn, thật sự chúng
con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần ?
– Này các Anuruddha, như thế nào,
các Ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần ?
– Ở đây, bạch Thế Tôn chúng
con ai đi vào làng khất thực về trước, người ấy sắp đặt các chỗ
ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bát để bỏ
đồ dư. Ai đi vào làng khất thực về sau, người ấy, còn đồ ăn để lại,
nếu muốn thì ăn, nếu không muốn thời bỏ vào chỗ không có cỏ xanh hay
đổ vào nước không có loài côn trùng. Người ấy xếp dọn lại các chỗ
ngồi, cất đi nước uống, nước rửa chân, cất đi cái bát để bỏ đồ
dư và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân,
hay ghè nước trong nhà cầu hết nước trống không, người ấy sẽ lo liệu
(nước). Nếu làm không nỗi với sức bàn tay của mình, người ấy dùng
tay ra hiệu gọi người thứ hai: "Chúng ta hãy lo liệu (nước)". Dầu
vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không vì vậy gây ra tiếng động. Và đến
ngày thứ năm, bạch Thế Tôn, suốt cả một đêm chúng con ngồi đàm luận
về đạo pháp. Như vậy, bạch Thế Tôn, chúng con sống không phóng dật,
nhiệt tâm, tinh cần.
– Lành thay, lành thay, này các
Anurudda ! Này Anuruddha, các Ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần
như vậy, các Ông có chứng được pháp thượng nhân tri kiến thù thắng,
xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái an lạc không ?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng
con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, chúng con nhận thấy
được hào quang, cũng như sự hiện khởi các sắc pháp. Nhưng hào quang ấy
không bao lâu biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Chúng con
không được hiểu rõ tướng ấy là gì .
– Này các Anuruddha, tướng ấy các
Ông cần phải hiểu rõ. Ta cũng vậy, này các Anuruddha, trước khi giác ngộ,
chưa chứng Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta nhận thấy hào quang và sự
hiện khởi các sắc pháp. Nhưng hào quang ấy không bao lâu biến mất nơi
Ta cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như
sau : "Do nhân gì, do duyên gì hào quang biến mất đối với Ta, cùng với
sự hiện khởi các sắc pháp". Này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau :
"Nghi hoặc khởi lên nơi Ta. Vì có nghi hoặc nên định của Ta bị biến
diệt; khi định biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi
các sắc pháp. Vậy Ta sẽ phải làm thế nào để nghi hoặc không khởi
lên nơi Ta nữa". Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật, nhiệt
tâm, tinh cần, nhận thấy được hào quang cùng với sự hiện khởi các sắc
pháp. Nhưng hào quang ấy không bao lâu biến mất nơi Ta, cùng với sự hiện
khởi các sắc pháp. Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Do nhân
gì, do duyên gì, hào quang biến mất nơi Ta, cùng với sự hiện khởi của
các sắc pháp ?" Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Không
tác ý khởi lên nơi Ta Vì không có tác ý, nên định bị biến diệt nơi
Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi
các sắc pháp. Vậy Ta phải làm như thế nào để nghi hoặc và không tác
ý không khởi lên nơi Ta nữa". Rồi này các Anuruddha, Ta sống không
phóng dật.. (như trên)... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Hôn
trầm, thụy miên, khởi lên nơi Ta. Vì có hôn trầm, thụy miên nên định
của Ta bị biến diệt; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng
với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm như thế nào để nghi
hoặc, không tác ý và hôn trầm, thụy miên không khởi lên nơi Ta nữa".
Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật... (như trên)... Rồi này
các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Sự sợ hãi khởi lên nơi Ta. Vì có
sợ hãi, nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào
quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp". Ví như, này
các Anuruddha, một người đang đi trên con đường, có kẻ giết người nhảy
đến (công kích) từ hai phía. Do nhân duyên từ hai phía, người ấy khởi
lên sợ hãi. Cũng vậy, này các Anuruddha, sợ hãi khởi lên nơi Ta. Vì có sợ
hãi, nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang
biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm thế
nào để nghi hoặc, không tác ý hôn trầm, thụy miên và sự sợ hãi không
khởi lên nơi Ta nữa".
Rồi này các Anuruddha, Ta sống
không phóng dật.. (như trên)... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau :
"Sự phấn chấn (ubbilla) khởi lên nơi Ta. Vì có sự phấn chấn, nên
định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất
cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. (Ví như, này các Anuruddha, một người
đi tìm cửa miệng một kho tàng, và trong một lần tìm được năm cửa miệng
kho tàng, do nhân duyên này phấn chấn khởi lên. Cũng vậy, này các
Anuruddha, phấn chấn khởi lên nơi Ta). Vì có phấn chấn nên định bị biến
diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt mất cùng với sự hiện khởi các sắc
pháp. Vậy Ta phải làm thế nào, để nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, thụy
miên, sợ hãi và sự phấn chấn không khởi lên nơi Ta nữa". Rồi này
các Anuruddha, Ta sống không phóng dật... (như trên)... Rồi này các
Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Dâm ý (dutthullam) khởi lên nơi Ta. Vì có
dâm ý, nên định bị biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào
quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm
thế nào để nghi hoặc không tác ý, hôn trầm, thụy miên, sợ hãi, phấn
chấn, dâm ý không khởi lên nơi Ta nữa". Rồi này các Anuruddha, Ta sống
không phóng dật.... (như trên)... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau :
"Sự tinh cần quá độ khởi lên nơi Ta, và vì có tinh cần quá độ, nên
định lực biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất
cùng với sự hiện khởi các sắc pháp (Ví như này các Anuruddha, một người
với hai tay bắt nắm quá chặt một con chim cáy khiến con chim chết liền tại
chỗ. Cũng vậy, này các Anuruddha, tinh cần quá độ khởi lên nơi Ta. Vì
có tinh cần quá độ... cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. ) Vậy Ta
phải làm thế nào để nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, thụy miên, sợ
hãi, phấn chấn, dâm ý, và tinh cần quá độ không khởi lên nơi Ta nữa".
Rồi này các Anuruddha, Ta sống không phóng dật... (như trên)... Rồi này
các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Tinh cần quá yếu đuối khởi lên nơi
Ta. Vì có tinh cần quá yếu đuối, nên định biến diệt nơi Ta; khi định
biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp.
(Ví như này các Anuruddha, một người bắt một con chim cáy quá lỏng lẻo,
con chim ấy bay khỏi hai tay của người ấy. Cũng vậy, này các Anuruddha,
... (như trên)... cùng với sự hiện khởi các sắc pháp). Vậy Ta phải làm
thế nào để nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, thụy miên, sợ hãi, phấn
chấn, dâm ý, tinh cần quá độ và tinh cần quá yếu đuối không khởi
lên nơi Ta nữa". Rồi này các Anuruddha, Ta sống phóng dật ... (như trên)
... Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Ái dục khởi lên nơi
Ta. Vì có ái dục.. với sự hiện khởi các sắc pháp... (như trên)... Vậy
Ta phải làm thế nào để nghi hoặc, không tác ý... (như trên)... tinh cần
quá yếu đuối và ái dục không khởi lên nơi Ta nữa". Rồi này các
Anuruddha, Ta sống... Rồi này các Anuruddha, Ta nghĩ như sau : "Sai biệt
tưởng khởi lên nơi Ta... cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta
phải làm thế nào để nghi hoặc... (như trên)... ái dục và sai biệt tưởng
không khởi lên nơi Ta nữa".
Rồi này các Anuruddha, Ta sống
không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, và Ta nhận thấy được hào quang
cùng với sự hiện khởi sắc pháp. Những hào quang ấy không bao lâu biến
mất nơi Ta cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Rồi này các Anuruddha,
Ta suy nghĩ như sau : "Do nhân gì, do duyên gì, hào quang biến mất nơi Ta
cùng với sự hiện khởi các sắc pháp ?" Rồi này các Anuruddha, Ta suy
nghĩ như sau : "Một trạng thái quá chú tâm vào các sắc pháp khởi
lên nơi Ta... cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm như
thế nào để nghi hoặc.. (như trên)... các tưởng sai biệt và trạng thái
quá chú tâm vào các sắc pháp không khởi lên nơi Ta nữa". Rồi này
các Anuruddha, sau khi biết được nghi hoặc là một phiền não của tâm, Ta
đoạn trừ nghi hoặc, phiền não của tâm; sau khi biết được không tác ý
là một phiền não của tâm, Ta đoạn trừ không tác ý, phiền não của
tâm; sau khi biết được hôn trầm, thụy miên... sau khi biết được sợ hãi...
sau khi biết được phấn chấn.... sau khi biết được dâm ý... sau khi biết
được sự tinh cần quá độ... sau khi biết được sự tinh cần quá yếu
đuối... sau khi biết được dục ái... sau khi biết được tưởng sai biệt;
sau khi biết được trạng thái quá chú tâm đến sắc pháp là một phiền
não của tâm, Ta đoạn trừ trạng thái quá chú trọng vào các sắc pháp, một
phiền não của tâm.
Rồi này các Anuruddha, Ta sống
không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, nhận thấy được hào quang nhưng Ta
không thấy các sắc pháp cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày. Ta thấy
các sắc pháp nhưng không nhận thấy hào quang. Về vấn đề này, này các
Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Do nhân gì, do duyên gì, Ta chỉ nhận thấy
hào quang, nhưng không thấy sắc pháp : cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả
ngày ?" Ta chỉ thấy các sắc pháp nhưng không nhận thấy hào quang. Về
vấn đề này, này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Trong khi Ta không
tác ý sắc tướng, nhưng có tác ý hào quang tướng, trong khi ấy ta nhận
thấy hào quang, (nhưng) không thấy sắc pháp. Còn trong khi Ta không tác ý
hào quang tướng (nhưng) tác ý sắc tướng; trong khi ấy Ta thấy các sắc
pháp, (nhưng) không nhận thấy hào quang, cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả
ngày".
Rồi này các Anuruddha, Ta sống
không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, nhận thấy hào quang có hạn lượng
và thấy được các sắc pháp có hạn lượng; nhận thấy hào quang vô lượng
và nhận thấy được các sắc pháp vô lượng, cả đêm, cả ngày, cả đêm
và cả ngày. Về vấn đề này, này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau :
"Do nhân gì, do duyên gì, Ta nhận thấy hào quang có hạn lượng và thấy
các sắc pháp có hạn lượng; nhận thấy hào quang vô lượng và thấy được
các sắc pháp vô lượng, cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày ?" Về
vấn đề này, này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau : "Khi nào định có
hạn lượng, khi ấy mắt của Ta có hạn lượng; với con mắt có hạn lượng.
Ta nhận thấy hào quang có hạn lượng và thấy sắc pháp có hạn lượng.
Nhưng khi nào định của Ta không hạn lượng, trong khi ấy mắt của Ta thành
vô lượng, và với con mắt vô lượng ấy, Ta nhận thấy hào quang vô lượng
và thấy các sắc pháp vô lượng cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả
ngày".
Này các Anuruddha, khi nào biết được
nghi hoặc là một phiền não của tâm, thời nghi hoặc phiền não của tâm
được đoạn trừ; khi nào biết được không tác ý là một phiền não của
tâm, thời không tác ý phiền não của tâm được đoạn trừ; khi nào biết
được hôn trầm, thụy miên... ; khi nào biết được sợ hãi... ; khi nào
biết được phấn chấn... ; khi nào biết được dâm ý... ; khi nào biết
được tinh cần quá độ... ; khi nào biết được sự tinh cần quá yếu
đuối... ; khi nào biết được dục ái... ; khi nào biết được tưởng sai
biệt... ; khi nào biết được trạng thái quá chú tâm đến các sắc pháp
là một phiền não của tâm, thời trạng thái quá chú tâm đến các sắc
pháp một phiền não của tâm được đoạn trừ. Rồi này các Anuruddha, Ta
suy nghĩ như sau : "Những phiền não tâm của Ta đã được đoạn trừ.
Nay Ta tu tập ba loại định". Rồi này các Anuruddha, Ta tu tập định có
tầm, có tứ; Ta tu tập định không có tầm, chỉ có tứ; Ta tu tập định
không tầm không tứ; Ta tu tập định có hỷ; Ta tu tập định không có hỷ;
Ta tu tập định câu hữu với lạc; Ta tu tập định câu hữu với xả.
Này các Anuruddha, khi nào Ta tu tập định có tầm, có tứ; khi nào Ta tu tập
định không tầm chỉ có tứ; khi nào Ta tu tập định không có tầm, không
có tứ; khi nào Ta tu tập định có hỷ; khi nào Ta tu tập định không có hỷ;
khi nào Ta tu tập định câu hữu với xả, thời tri kiến khởi lên nơi Ta:
"Giải thoát của Ta là bất động, đây là đời sống cuối cùng của
Ta, nay không còn hiện hữu".
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn
giả Anuruddha hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
- (Balapanditasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi
(Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika. Tại đấy,
Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo : "Này các Tỷ-kheo". – "Thưa vâng,
bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như
sau :
Này các Tỷ-kheo, có ba đặc điểm,
đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba ? Ở đây,
này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các
ác hạnh. Này các Tỷ-kheo, nếu người ngu không tư duy ác tư duy, không
nói lời ác ngữ, không hành ác hạnh, thời làm sao kẻ trí biết được
người ấy : "Người này là người ngu, không phải là Chân nhân
?" Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời
ác ngữ, hành ác hạnh, do vậy, người trí biết người ấy: "Người
này là người ngu, không phải là Chân nhân". Người ngu ấy, này các Tỷ-kheo,
ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại khổ ưu. Này các Tỷ-kheo, nếu người
ngu ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại
ngã (ba, ngã tư) đường, tại đấy (nếu) có người nghĩ đến câu chuyện
thích hợp về người ấy. Nếu người ngu, này các Tỷ-kheo, sát sanh, lấy
của không cho, theo tà hạnh trong dâm dục, nói láo, say rượu men, rượu nấu,
thường ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu ấy suy nghĩ như sau : "Các
người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật
có nơi ta và ta có những pháp ấy". Này các Tỷ-kheo, đây là loại khổ
ưu thứ nhất, người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người
ngu thấy các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội liền áp dụng
nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh
bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ
cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi; họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng
hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò) họ dùng
hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa),
chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt)
bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi),
câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình
đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới bằng
dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy
gươm chặt đầu. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu nghĩ như sau :
"Do nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp
có phạm tội, liền áp dụng những hình phạt sai khác. Họ đánh bằng
roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt
chân, họ chặt tay chân.. họ lấy gươm chặt đầu. Những pháp ấy có thật
nơi ta và ta có những pháp ấy. Nếu các vua chúa biết về ta, các vua chúa
ấy sau khi bắt ta liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng
roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn... họ lấy gươm chặt đầu.
"Này các Tỷ-kheo, đây là loại khổ ưu thứ hai, người ngu cảm thọ
ngay trong hiện tại.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi người
ngu leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc bấy giờ,
những ác nghiệp người ấy làm từ trước, như thân ác hành, khẩu ác
hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp, treo đè lên người ấy. Ví như, này
các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp,
treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người ngu ngồi trên ghế,
hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi ấy các nghiệp quá khứ
của người ấy, tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm,
treo áp, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu suy
nghĩ như sau: "Thật sự ta không làm điều phước, không làm điều thiện,
không làm điều chống lại sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm
điều tội lỗi. Do không làm điều phước, không làm điều thiện, không
làm điều chống lại sợ hãi, do làm điều ác, làm điều hung bạo, làm
điều tội lỗi nên phải đi đến ác thú; ác thú ấy sau khi chết ta phải
đi". Người ấy sầu muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rên la và rơi
vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự khổ ưu thứ ba, ngay trong hiện
tại, người ngu (phải) cảm thọ.
Này các Tỷ-kheo, kẻ ngu kia sau khi
làm thân ác hành, sau khi làm khẩu ác hành, sau khi làm ý ác hành, khi thân
hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các
Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách đúng đắn về người ấy, phải nói rằng
người ấy hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn
không thích ý. Cũng như muốn nói một cách đúng đắn về Địa ngục, phải
nói rằng Địa ngục, hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái,
hoàn toàn không thích ý. Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, cho đến một
ví dụ cũng không dễ gì, vì rất nhiều là sự đau khổ của Địa ngục.
Khi được nói vậy, một Tỷ-kheo
khác bạch Thế Tôn :
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể
cho con một ví dụ được không ?
Thế Tôn đáp :
– Có thể được, này Tỷ-kheo.
Ví như, này Tỷ-kheo, có người bắt được một tên trộm cắp, dẫn đến
trước mặt vua và thưa : "Tâu Đại vương, đây là một tên trộm cướp
phạm tội cho Ngài ! Hãy hình phạt nó như Đại vương muốn". Và vị
vua ấy nói như sau về tên trộm cướp ấy : "Này các Ông hãy đi và
vào buổi sáng hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào
buổi sáng, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo. Rồi đến trưa,
vua nói như sau : "Này các Ông, người ấy ra sao ?" – "Tâu Đại
vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua lại nói như sau về tên trộm cướp
ấy : "Này các Ông, hãy đi và vào buổi trưa, hãy đâm người này với
một trăm ngọn giáo". Và vào buổi trưa, họ đâm người ấy với một
trăm ngọn giáo. Rồi đến chiều, vua nói như sau : "Này các Ông, người
ấy ra sao ?" – "Tâu Đại vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua
lại nói như sau về người kia : "Này các Ông, vào buổi chiều, họ đâm
người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi chiều, họ đâm người
ấy với một trăm ngọn giáo.
Này các Tỷ-kheo, Ông nghĩ thế nào
? Người ấy bị đâm ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy, có cảm thọ khổ
ưu không ?
– Bạch Thế Tôn, chỉ bị ngọn
giáo đâm một lần, người kia do nhân duyên ấy cũng cảm thấy khổ ưu, còn
nói gì đến ba trăm ngọn giáo !
Rồi Thế Tôn lượm lên một hòn
đá nhỏ, lớn bằng bàn tay và nói với các Tỷ-kheo :
– Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ
thế nào ? Cái gì lớn hơn, hòn đá này, to bằng bàn tay do ta lượm lên,
hay núi Tuyết Sơn (Himava) vua các loại núi ?
– Thật là quá nhỏ, bạch Thế
Tôn, hòn đá này lớn bằng bàn tay do Thế Tôn lượm lên. So sánh với Tuyết
Sơn vua các loại núi, nó không đáng kể gì, nó không bằng một phần
ngàn vạn lần (của núi Tuyết) nó không thể so sánh được !
– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người
ấy bị đâm bởi ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy cảm thọ khổ ưu.
Khổ ưu ấy so sánh với khổ ưu ở Địa ngục không đáng kể gì, không bằng
một phần ngàn vạn lần, không thể so sánh được. Này các Tỷ-kheo, các
người giữ địa ngục bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc
(pancavidhabandhanam). Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ
lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung
đỏ đóng vào bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ
hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực. Người ấy ở đây
thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người
ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa
được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người giữa Địa ngục bắt người
ấy nằm xuống và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ
lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không
thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Này các Tỷ-kheo, các người giữ Địa ngục dựng ngược người ấy chân
phía trên, đầu phía dưới và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở
đây cảm thọ... (như trên)... chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các
người giữ Địa ngục cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy
chạy tới chạy lui trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn,
cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ. Rồi
này các Tỷ-kheo, các người giữ Địa ngục đẩy người ấy lên kéo người
ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn,
cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... (như trên)... chưa được
tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người giữ Địa ngục dựng ngược
người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một
vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực.
Người ấy ở đây bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, ở đây bị nấu
với vạc nước sôi sùng sục; khi thì nổi lên trên, khi thì chìm xuống đáy,
khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây tho lãnh các cảm giác đau đớn,
thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến
khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo,
những người giữ Địa ngục quăng người ấy vào Đại địa ngục. Này
các Tỷ-kheo, Đại địa ngục ấy, có bốn góc, bốn cửa, chia thành phần
bằng nhau; xung quanh có tường sắt; mái sắt lợp lên trên. Nền Địa ngục
bằng sắt nung đỏ, cháy đỏ rực; đứng thẳng, luôn có mặt, rộng một
trăm do tuần.
Này các Tỷ-kheo, với rất nhiều
pháp môn, Ta nói về Địa ngục, nhưng thật khó nói cho được đầy đủ,
này các Tỷ-kheo, vì đau khổ ở Địa ngục quá nhiều.
Này các Tỷ-kheo, có những loại
sanh vật thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ. Chúng ăn những cỏ ướt
và khô, với răng nhai nghiền, cỏ ấy. Này các Tỷ-kheo, những sanh vật
ấy thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ là gì ? Các loại ngựa,
trâu, bò, lừa, dê, nai hay các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi
thở, ăn cỏ. Này các Tỷ-kheo, người ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở
đây, do trước kia làm các ác nghiệp, ở đây, sau khi thân hoại mạng
chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy, những loại hữu tình
ăn cỏ.
Này các Tỷ-kheo, có các sanh vật
thuộc loại bàng sanh, có hơi thở và ăn phân. Chúng ngửi được mùi phân
từ đường xa, liền chạy tới, nghĩ rằng : "Chúng ta sẽ ăn ở đây,
chúng ta sẽ ăn ở đây". Ví như các Bà-la-môn chạy đến, ngửi được
mùi lễ tế sanh, nghĩ rằng : "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ ăn
ở đây". Cũng vậy này các Tỷ-kheo, có các loại sanh vật, thuộc loại
bàng sanh, có hơi thở, và ăn phân. Chúng ngửi được mùi phân từ đường
xa, liền chạy tới, nghĩ rằng : "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ
ăn ở đây". Và này các Tỷ-kheo, các sanh vật ấy, thuộc loại bàng
sanh, có hơi thở và ăn phân là gì ? Các loại gà, heo, chó, chó rừng (giả
can), hay tất cả các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn
phân. Này các Tỷ-kheo, người ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do
trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung sanh ra cọng
trú với các loại hữu tình ấy, những loại hữu tình ăn phân.
Này các Tỷ-kheo, có các loại sanh
vật thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bóng tối, già trong
bóng tối và chết trong bóng tối. Này các Tỷ-kheo, những sanh vật ấy,
thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bóng tối, già trong bóng tối
và chết trong bóng tối là gì ? Các loại côn trùng, con sùng, con dòi, con
sâu đôm đốm và các loại sanh vật khác thuộc loại bàng sanh, có hơi thở,
sống trong bóng tối. Này các Tỷ-kheo, người ngu ấy do trước kia hưởng
thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng
chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy tức là các loại hữu
tình sinh ra trong bóng tối, già trong bóng tối, chết trong bóng tối.
Này các Tỷ-kheo, có những sanh vật,
thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sinh ra trong nước, già trong nước, chết
trong nước. Và này các Tỷ-kheo, các sanh vật ấy thuộc loại bàng sanh,
có hơi thở, sanh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước là gì ?
Các loại cá, rùa, cá sấu, hay các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh,
có hơi thở, sanh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước. Này các
Tỷ-kheo, người ngu ấy, do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm
các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung sanh ra cọng trú với
các loài hữu tình ấy, tức là các loài hữu tình sanh ra trong nước, già
trong nước, chết trong nước.
Này các Tỷ-kheo, có các sanh vật
thuộc loài bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh,
chết trong bất tịnh. Và này các Tỷ-kheo, các sanh vật ấy, các loại thuộc
bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết
trong bất tịnh là gì ? Này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình nào sanh ra
trong cá thúi hay già trong cá thúi, hay chết trong cá thúi, hay trong tử thi
thúi, hay trong đồ ăn thúi, hay trong vũng nước, hay sinh ra trong đầm nước
(nhớp)... già... hay chết trong đầm nước (nhớp). Này các Tỷ-kheo, người
ngu ấy, do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp
ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu
tình ấy, tức là các loài hữu tình sanh ra trong bất tịnh, già trong bất
tịnh, chết trong bất tịnh.
Này các Tỷ-kheo, với rất nhiều
pháp môn, Ta nói về các loại bàng sanh, nhưng thật khó nói cho được đầy
đủ, này các Tỷ-kheo, vì đau khổ ở loài bàng sanh quá nhiều.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một người
quăng một khúc cây có một cái lỗ trên biển, một ngọn gió từ phương
Đông thổi nó trôi qua phía tây; một ngọn gió từ phương Tây thổi nó
trôi qua phía đông; một ngọn gió từ phương Bắc thổi nó trôi qua phía
nam; một ngọn gió từ phương Nam thổi nó trôi qua phía bắc. Rồi có một
con rùa mù, cứ một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Này các Tỷ-kheo,
các Ông nghĩ thế nào ? Con rùa mù ấy có thể đút cổ nó vào trong lỗ
cây này được không ?
– Nếu có được chăng nữa, bạch
Thế Tôn, thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài.
– Còn mau hơn, này các Tỷ-kheo,
con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này
các Tỷ-kheo, ta tuyên bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một
khi người ngu bị rơi vào đọa xứ. Vì sao vây ? Vì ở đấy, này các Tỷ-kheo,
không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ-kheo,
ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu. Và này các Tỷ-kheo, nếu
người ngu ấy sau một thời gian rất lâu dài, có được làm người trở
lại, thời người ấy sẽ sanh trong gia đình thấp hèn, trong gia đình hạ
cấp, trong gia đình kẻ đi săn, trong gia đình kẻ đan tre, trong gia đình người
làm xe, hay trong gia đình người đổ phân, trong những gia đình nghèo khốn,
không đủ để uống hay để ăn, cho đến miếng vải che lưng cũng khó
tìm được. Lại nữa, người ấy thô xấu, khó nhìn, lùn thấp, hay bệnh,
mù hay có tật, què hay bị bại, người ấy không có thể được các đồ
ăn, đồ uống, vải xa, vòng hoa, hương liệu, giường nằm, chỗ trú xứ
và ánh sáng. Người ấy hành thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành; vì
hành thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành; sau khi thân hoại mạng chung,
sinh ra trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một người
đánh bạc, trong canh đổ bạc đầu tiên, mất con, mất vợ, mất tất cả
tài sản, lại cuối cùng phải tù tội. Nhưng này các Tỷ-kheo, còn nhỏ
bé canh đổ bạc ấy, do canh đổ bạc đầu tiên này, người ấy mất con,
mất vợ, mất tất cả tài sản, lại cuối cùng phải tù tội. Và canh bạc
này to lớn hơn, với canh bạc ấy người ngu, do thân ác hành, khẩu ác
hành, ý ác hành, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác
thú, đọa xứ, Địa ngục. Này các Tỷ-kheo, đây là địa xứ hoàn toàn
viên mãn của kẻ ngu.
Này các Tỷ-kheo, có ba đặc điểm,
đặc tướng, và đặc ấn này của người trí. Thế nào là ba ? Ở đây,
này các Tỷ-kheo, người trí tư duy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ, và
hành các thiện hành. Này các Tỷ-kheo, nếu người trí không tư duy thiện
tư duy, không nói lời thiện ngữ, không hành các thiện hành, thời làm sao
kẻ trí biết được người ấy : "Vị này là người trí, là bậc
Chân nhân". ? Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người trí tư duy thiện
tư duy, nói lời thiện ngữ, hành thiện hành, do vậy người trí biết người
ấy : "Vị này là người có trí, là bậc Chân nhân". Người trí
ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại lạc hỷ. Này
các Tỷ-kheo, nếu người trí ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường
có xe cộ qua lại, hay tại ngã (ba, ngã tư) đường, tại đấy (nếu) có
người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy; nếu người trí,
này các Tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà
hành trong dâm dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ say rượu men rượu nấu, thời
ở đây này các Tỷ-kheo, người trí ấy suy nghĩ như sau : "Các người
ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi
ta và ta có những pháp ấy". Này các Tỷ-kheo, đây là loại lạc hỷ
thứ nhất, người trí cảm thọ ngay trong hiện tại.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, người
trí thấy các vua chúa, sau khi bắt tên trộm cướp phạm tội, liền áp dụng
nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh
bằng côn... (như trên)... họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây, này các Tỷ-kheo
người trí suy nghĩ như sau : "Do nhân các ác hành như vậy, các vua
chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng những hình
phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy... (như trên)... họ
lấy gươm chặt đầu, những pháp ấy thật không có nơi ta, và ta không
có những pháp ấy". Này các Tỷ-kheo, đây là loại lạc hỷ thứ hai,
người trí cảm thọ ngay trong hiện tại. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi
người trí leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc bấy
giờ những thiện nghiệp người ấy làm từ trước, như thân thiện hành,
khẩu thiện hành, ý thiện hành treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy.
Ví như, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm,
treo áp, treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người trí ngồi
trên ghế hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi các nghiệp
quá khứ của người ấy tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành
treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người
trí suy nghĩ như sau : "Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều
hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều phước, làm điều thiện,
làm điều chống sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo,
không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều
chống sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau khi chết,
ta được đi". Vị ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc,
không đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự
lạc hỷ thứ ba, ngay trong hiện tại người trí được cảm thọ. Này các
Tỷ-kheo, kẻ trí kia sau khi làm thân thiện hành, sau khi làm khẩu thiện
hành, sau khi làm ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra trong thiện
thú, Thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách
đú鮧 đắn về vị ấy phải nói rằng vị
ấy hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn thích ý. Cũng như muốn
nói một cách đúng đắn về Thiên giới phải nói rằng Thiên giới hoàn
toàn tốt đẹp, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn thích ý. Về vấn đề này,
này các Tỷ-kheo, cho đến một ví dụ cũng không dễ gì, vì rất nhiều
là sự (an) lạc của Thiên giới,
Khi được nói vậy, một Tỷ-kheo
khác bạch Thế Tôn :
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể
làm cho con một ví dụ được không ?
– Có thể được, này Tỷ-kheo.
Ví như, này các Tỷ-kheo, vị vua Chuyển luân có đầy đủ bảy món báu
và bốn như ý đức, do nhân duyên ấy cảm thọ lạc hỷ. Thế nào là bảy
? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vua Sát đế lỵ, đã làm lễ quán đảnh, vào
ngày Bố-tát trăng rằm sau khi gội đầu, lên cao điện để trai giới, thời
Thiên luân báu hiện ra, đủ một ngàn cọng xa, với vành xe, trục xe, đầy
đủ mọi bộ phận. Thấy vậy, vua Sát đế lỵ đã làm lễ quán đảnh
suy nghĩ: "Ta nghe như vầy : Khi một vị vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ
quán đảnh vào ngày Bố-tát trăng rằm, sau khi gội đầu, lên cao điện để
trai giới, nếu có Thiên luân báu hiện ra, đủ một ngàn cọng xe, với
vành xe và trục xe, đầy đủ mọi bộ phận, thời vị vua ấy là Chuyển
luân vương. Như vậy ta có thể là Chuyển luân vương".
Này các Tỷ-kheo, rồi vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y trên một
vai, tay trái cầm bình nước và với tay phải rưới nước trên xe báu và
nói : "Này xe báu hãy lăn khắp. Này xe báu hãy chinh phục !" Và
này các Tỷ-kheo, xe báu lăn về hướng Đông và vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ
quán đảnh cùng với bốn loại binh chủng đi theo sau. Và này các Tỷ-kheo,
chỗ nào xe báu dừng lại, chỗ ấy vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh,
an trú cùng với bốn loại binh chủng.
Này các Tỷ-kheo, các địch vương
ở phương Đông đến yết kiến vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh,
và nói : "Hãy đến đây, Đại vương !" Hoan nghênh, đón mừng Đại
vương ! Tâu Đại vương, tất cả đều thuộc của Ngài. Đại vương hãy
giáo huấn cho chúng tôi !"
Vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán
đảnh, nói rằng: "Không được sát sanh. Không được lấy của không
cho. Không được tà dâm. Không được nói láo. Không được uống rượu.
Hãy ăn uống cho thích nghi".
Này các Tỷ-kheo, tất cả địch
vương ở phương Đông đều trở thành chư hầu vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ
quán đảnh.
Này các Tỷ-kheo, rồi xe báu ấy lặn
xuống biển lớn ở phương Đông rồi nổi lên và lặn về phương Nam... lặn
xuống biển lớn ở phương Nam, rồi nổi lên và lặn về phương Tây... lặn
xuống biển lớn ở phương Tây.. , rồi nổi lên và lặn về phương Bắc
và vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cùng với bốn loại binh chủng
đi theo sau. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào xe báu dừng lại, chỗ ấy vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh an trú cùng với bốn loại binh chủng.
Này các Tỷ-kheo, các địch vương
ở phương Bắc đến yết kiến vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh và
nói : "Hãy đến đây, Đại vương ! Hoan nghênh, đón mừng Đại vương
! Tâu Đại vương; tất cả đều thuộc của Ngài, tất cả đều thuộc của
Ngài. Đại vương hãy giáo huấn cho chúng tôi !"
Này các Tỷ-kheo, tất cả địch
vương ở phương Bắc đều trở thành chư hầu vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ
quán đảnh.
Này các Tỷ-kheo, xe báu ấy sau khi
chinh phục trái đất cho đến hải biên, liền trở về kinh đô Ku-savati,
và đứng trước pháp đình, trên cửa nội cung như một trang bảo cho nội
cung của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy
là sự xuất hiện của xe báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, voi báu
xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, thuần trắng, bảy
xứ kiên cường, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là Uposatha (Bố-tát).
Thấy (voi báu), vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, sanh tâm hoan hỷ
và nghĩ: "Lành thay được cỡi con voi này, nếu nó chịu sự điều ngự"
Và này các Tỷ-kheo, như một con hiền tượng quý phái chịu sự điều ngự
lâu ngày, con voi báu ấy tự đến để chịu điều ngự. Này các Tỷ-kheo,
thuở xưa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, để thử voi báu này,
sáng sớm cỡi voi đi khắp quả đất cho đến hải biên rồi về lại kinh
đô Kusavati kịp giờ ăn sáng. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện
voi báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ngựa
báu xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, thuần trắng,
đầu đen như quạ, bờm ngựa màu đen, có thần lực, phi hành trên hư không
và tên là Valahaka. Thấy (ngựa báu), vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh,
sanh tâm hoan hỷ và nghĩ : "Tốt đẹp thay được cỡi con ngựa này nếu
nó chịu sự điều ngự". Và này các Tỷ-kheo, như một con hiền mã
quý phái, chịu sự điều ngự lâu ngày, con ngựa báu ấy tự đến để
chịu sự điều ngự. Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, vua Sát-đế-lỵ đã làm
lễ quán đảnh để thử con ngựa báu này, sáng sớm liền cỡi ngựa, đi
khắp quả đất cho đến hải biên, rồi về lại kinh đô Kusavati kịp giờ
ăn sáng. Này các Tỷ-kheo, như vậy là xuất hiện ngựa báu của vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, châu
báu lại xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh. Châu báu
ấy là lưu ly châu, sáng suốt, thuần chất, có tám mặt, khó dũa, khó
mài, thanh tịnh, trong suốt, hoàn hảo mọi phương diện. Này các Tỷ-kheo,
hào quang châu báu này chiếu sáng cùng khắp một do tuần. Này các Tỷ-kheo,
thuở xưa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh để thử châu báu này
đã cho dàn bày bốn binh chủng, đặt bảo châu cao trên quân kỳ và có thể
tiến quân trong đêm tối âm u. Này các Tỷ-kheo, mọi người trong làng ở
xung quanh đều bắt đầu làm việc, tưởng rằng trời đã sáng rồi. Này
các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện châu báu của vua Sát-đế-lỵ đã
làm lễ quán đảnh.
Này các Tỷ-kheo, nữ báu lại xuất
hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, mỹ miều, khả ái, cử
chỉ đoan trang, màu da tuyệt mỹ, không quá cao, không quá thấp, không béo,
không gầy, không quá đen, không quá trắng, vượt trên dung sắc loài Người,
ánh sáng bằng dung sắc chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, thân xác nữ báu này
là (êm mịn) như bông, như nhung. Này các Tỷ-kheo, khi trời lạnh, chân tay
nữ báu này trở thanh ấm áp; khi trời nóng, trở thành lạnh mát. Này các
Tỷ-kheo, thân nữ báu tỏa mùi thơm chiên đàn, miệng tỏa mùi thơm hoa
sen. Này các Tỷ-kheo, nữ báu này dậy trước và đi ngủ sau vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh, mọi hành động làm vua thỏa thích, yên lành khả
ái. Này các Tỷ-kheo, nữ báu này không có môt tư tưởng nào bất tín đối
với vua Sát đế lỵ đã làm lễ quán đảnh, huống nữa là về thân thể.
Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện nữ báu của vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, cư sĩ
báu xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, chứng được
thiên nhãn, do nghiệp dị thục sanh và nhờ thiên nhãn này có thể thấy
châu báu chôn cất có chủ hay không có chủ. Cư sĩ báu này đến vua Sát-đế-lỵ
đã làm quán đảnh và nói :
– "Tâu Đại vương, Đại
vương chớ có lo âu, thần sẽ xử lý thích nghi tài sản Đại
vương".
Này các Tỷ-kheo, thuở xưa vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh, muốn thử cư sĩ báu này, liền cỡi thuyền, chèo
ra giữa sông Hằng và bảo cư sĩ báu :
"- Này cư sĩ, ta cần vàng.
"- Tâu Đại vương, hãy cho
chèo thuyền gần bờ nào cũng được.
"- Này cư sĩ, ta cần vàng ngay
tại đây.
Này các Tỷ-kheo, khi ấy cư sĩ báu
thọc hai tay xuống nước nhắc lên một ghè đầy cả vàng ròng rồi tâu với
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh :
"- Tâu Đại vương, như vậy đã
đủ chưa ? Tâu Đại vương, làm như vậy đã được chưa ?"
Vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán
đảnh trả lời :
"- Này Cư sĩ, như vậy là đủ.
Này Cư sĩ, làm như vậy là được rồi. Này Cư sĩ, cúng dường như vậy
là được rồi".
Này các Tỷ-kheo, như vâ﹠là sự xuất hiện cư sĩ báu của vua Sát-đế-lỵ đã
làm lễ quán đảnh.
Lai nữa, này các Tỷ-kheo, tướng
quân báu xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, có học
thức, thông minh, sáng suốt, có khả năng khuyến cáo vua Sát-đế-lỵ đã
làm lễ quán đảnh, khi đáng tiến thì tiến, khi đáng lùi thì lùi, khi đáng
dừng thì dừng :
Vị này đến tâu vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh :
"- Tâu Đại vương, Đại
vương chớ có lo âu, thần sẽ cố vấn Đại vương".
Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự
xuất hiện tướng quân báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh có đầy đủ bảy báu như vậy.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vua
Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh có đầy đủ bốn như ý đức. Thế
nào là bốn ?
Này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh đẹp trai, khả ái, cử chỉ thanh lịch, sắc diện
tuyệt luân, thấy xa hơn mọi người. Này các Tỷ-kheo, đó là như ý đức
thứ nhất của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Này các Tỷ-kheo, lại nữa, vua
Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sống lâu, tuổi thọ thắng xa các người
khác. Này các Tỷ-kheo, đó là như ý đức thứ hai của vua Sát-đế-lỵ đã
làm lễ quán đảnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vua
Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh ít bệnh tật, ít tai ương thể nhiệt
không quá lạnh, không quá nóng, được quân phân để điều hòa sự tiêu
hóa, thắng xa các người khác. N覣224;y các Tỷ-kheo,
đó là như ý đức thứ ba của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ,
đã làm lễ quán đảnh được các Bà-la-môn và Gia chủ ái kính và yêu mến.
Này các Tỷ-kheo, như người cha được các người con ái kính và yêu mến;
cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh được
các Bà-la-môn và Gia chủ ái kính và yêu mến. Này các Tỷ-kheo, các vị
Bà-la-môn và Gia chủ được vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh ái
kính và yêu mến. Này các Tỷ-kheo, như những người con được người cha
ái kính và yêu mến; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn và Gia chủ
được vua Sát-đế-lỵ, đã làm lễ quán đảnh ái kính và yêu mến. Thuở
xưa, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh đi đến hoa
viên cùng với bốn loại binh chủng. Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn và Gia
chủ đến vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh và tâu rằng:
"- Tâu Đại vương, hãy cho đi
chậm chậm để chúng tôi có thể chiêm ngưỡng lâu dài hơn. ".
Này các Tỷ-kheo nhưng vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh lại ra lệnh cho người đánh xe:
"- Này anh Đánh xe, hãy đánh xe
chậm chậm đủ để ta có thể thấy các vị Bà-la-môn và Gia chủ lâu
dài hơn".
Này các Tỷ-kheo, như vậy là như
ý đức thứ tư của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Và này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh suy nghĩ : "Nay ta hãy cho xây những hồ sen giữa
các hàng cây tala, cứ cách khoảng một trăm cung tầm !"
Này các Tỷ-kheo, vua Chuyển luân
có đầy đủ bốn như ý đức này.
Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế
nào ? Vua Chuyển luân, đầy đủ bảy món báu và bốn như ý đức; do nhân
duyên ấy, có cảm thọ lạc hỷ không ?
– Bạch Thế Tôn, vua Chuyển luân
chỉ đầy đủ một món báu, do nhân duyên ấy, có cảm thọ lạc hỷ; còn
nói gì đầy đủ bảy món báu và bốn như ý đức.
Rồi Thế Tôn lượm lên một hòn
đá nhỏ, lớn bằng bàn tay và nói với các Tỷ-kheo :
– Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ
thế nào ? Cái gì lớn hơn ? Hòn đá này, to bằng bàn tay do Ta lượm lên
hay núi Tuyết Sơn, vua các loại núi ?
– Thật là quá nhỏ, bạch Thế
Tôn là hòn đá này, lớn bằng bàn tay, do Thế Tôn lượm lên, so sánh với
Tuyết Sơn vua các loại núi, nó không đáng kể gì, nó không bằng một phần
ngàn vạn lần (của núi Tuyết), nó không thể so sánh được.
– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vua
Chuyển luân với bảy món báu và bốn như ý đức, do nhân duyên ấy cảm
thọ lạc hỷ, lạc hỷ ấy so sánh với Thiên lạc không đáng kể gì,
không bằng một phần ngàn vạn lần, không thể so sánh được. Này các Tỷ-kheo,
người có trí ấy, nếu sau một thời gian rất lâu dài, được sinh làm người,
người ấy sẽ sinh ra trong một gia đình cao quí Sát-đế-lỵ đại gia, hay
Bà-la-môn đại gia, hay Cư sĩ đại gia giàu có, tài sản nhiều, tài nguyên
nhiều, vàng và bạc phong phú, tài vật phong phú, lúa thóc phong phú. Hơn nữa,
vị ấy đẹp trai, khả ái, dễ thương, đầy đủ dung sắc tối thượng.
Vị ấy nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương
liệu, giường, trú xứ và ánh sáng. Vị ấy sống với thân thiện hành,
khẩu thiện hành, ý thiện hành. Sống với thân thiện hành, khẩu thiện
hành, ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh lên
thiện thú, Thiên giới. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đánh bạc,
chính trong canh bạc thứ nhất (đổ xúc sắc) được tiền bạc rất nhiều.
Thật là quá nhỏ, này các Tỷ-kheo, là canh bạc ấy, nhờ canh bạc đầu
tiên này người đánh bạc ấy được tiền bạc rất nhiều. Lớn hơn canh
bạc ấy là canh bạc nhờ đó người trí sau khi hành thân thiện hành, khẩu
thiện hành, ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên thiện
thú, Thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, đây là địa vức hoàn
toàn viên mãn của bậc có trí.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
- (Devadutasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi
(Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đa-lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc).
Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo : "Này các Tỷ-kheo". – "Thưa
vâng, bạch Thế Tôn". Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế
Tôn nói như sau :
– Ví như, này các Tỷ-kheo, có hai
nhà có cửa; ở đây, một người có mắt đứng chính giữa có thể thấy
những người đi vào nhà, đi ra khỏi nhà, đi qua, đi lại. Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, Ta với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy các chúng hữu
tình chết đi sanh lại, hạ liệt, cao sang, đẹp trai, xấu hình, thiện
thú, ác thú, tùy theo hạnh nghiệp của họ, (và Ta nghĩ) : "Các bậc hữu
tình này do thành tựu thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành,
không công kích các bậc Thánh, có chánh kiến, thọ trì nghiệp phù hợp
chánh kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện
thú, Thiên giới, ở đời này. Hay các vị hữu tình này, do thành tựu
thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, không công kích các bậc
Thánh, có chánh kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với chánh kiến, các vị
ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh ra giữa loài Người. Còn các
hữu tình, do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, công kích
các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với tà kiến, các vị
ấy sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi ngạ quỹ (pettivisaya). Hay
các hữu tình này, do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành,
công kích các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp tà kiến,
các hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào các loại bàng sanh.
Hay các hữu tình này, do thành tựu thân ác hành... (như trên)... Sau khi
thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục".
Này các Tỷ-kheo, các người coi giữ
Địa ngục, sau khi bắt giữ người ấy với nhiều cánh tay, dẫn người
ấy đến trước vua Yama (và thưa):
"- Tâu Đại vương, người này
không có từ tâm, không xứng là Sa-môn, không xứng là Bà-la-môn, không
kính trọng các vị lớn tuổi trong gia đình. Đại vương hãy trừng phạt
nó !
Này các Tỷ-kheo, vua Yama, chất vấn
người ấy, cật vấn, thẩm vấn người ấy về Thiên sứ thứ nhất :
"Này người kia, Ngươi có thấy Thiên sứ thứ nhất đã hiện ra giữa
loài Người không ?"
Người ấy nói : "Thưa Ngài,
không thấy". Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy: "Này
Người kia, Ngươi có thấy giữa loài Người có đứa con nít nhỏ, yếu
ớt, nằm ngửa, nằm rơi vào giữa phân và nước tiểu của nó hay không
?" Người ấy đáp : "Thưa Ngài, có thấy". Rồi này các Tỷ-kheo,
vua Yama nói với người ấy : "Này người kia, tuy Ngươi là người có
ý thức và lớn tuổi, nhưng Ngươi không có nghĩ : "Ta bị sanh chi phối,
ta không thoát khỏi sanh; ta hãy làm điều thiện về thân, khẩu và ý"
Người ấy đáp : "Thưa Ngài, tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật".
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy : "Này người kia, nếu
vì phóng dật nên Ngươi không làm điều thiện về thân, khẩu, ý; chắc
chắn chúng sẽ làm cho Ngươi, này Người kia, tùy theo sự phóng dật ấy của
Ngươi. Vì rằng đây là một ác nghiệp của Ngươi, không phải do mẹ
làm, không phải do cha làm, không phải do anh làm, không phải do chị làm,
không phải do bạn và thân hữu làm, không phải do bà con huyết thống
làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm, không phải do chư Thiên làm. Ác
nghiệp ấy chính do Ngươi làm, chính Người phải cảm thọ quả báo việc
làm ấy".
Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn,
cật vấn và thẩm vấn người kia về Thiên sứ thứ nhất, vua Yama mới chất
vấn, cật vấn, thẩm vấn về Thiên sứ thứ hai: "Này người kia,
Ngươi có thấy giữa loài Người, Thiên sứ thứ hai hiện ra không ?"
Người ấy đáp : "Thưa Ngài, không thấy". Rồi này các Tỷ-kheo,
vua Yama nói với người kia : "Này Người kia, Ngươi có thấy người đàn
bà hay người đàn ông tám mươi tuổi, hay chín mươi tuổi, hay một trăm
tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, chống gậy, vừa đi vừa run, bệnh
hoạn, tuổi trẻ đã qua mất, răng rụng, tóc sói, da nhăn, run rẩy, với
tay chân bạc màu ?" Người ấy đáp : "Thưa Ngài, có thấy". Rồi
này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy : "Này Người kia, tuy
Ngươi là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng Ngươi không có nghĩ :
"Ta bị già chi phối, ta không thoát khỏi già; ta hãy làm điều thiện
về thân, khẩu và ý" Người ấy đáp : "Thưa Ngài, tôi không có
thể làm, vì tôi phóng dật, thưa Ngài". Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama
nói với người ấy : "Này Người kia, nếu vì phóng dật nên Ngươi không
làm điều thiện về thân, khẩu, ý; chắc chắn chúng sẽ làm cho Ngươi, này
Người kia, tùy theo sự phóng dật của Ngươi. Vì rằng đây là một ác
nghiệp của Ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải
do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn và thân hữu làm,
không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm,
không phải do chư Thiên làm. Ác nghiệp ấy chính do Ngươi làm, chính Ngươi
phải cảm thọ quả báo sự làm ấy".
Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn,
cật vấn, thẩm vấn người kia về Thiên sứ thứ hai, vua Yama mới chất vấn,
cật vấn, thẩm vấn về Thiên sứ thứ ba : "Này Người kia, Ngươi có
thấy giữa loài Người, Thiên sứ thứ ba hiện ra không ?" Người ấy
đáp : "Thưa Ngài không thấy". Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với
người kia: "Này Người kia, Người có thấy người đàn bà hay người
đàn ông bị bệnh hoạn, khổ não, bị bệnh trầm trọng rơi nằm vào
trong nước tiểu và phần của mình, cần người khác nâng dậy, cần người
khác dìu nằm xuống ?" Người ấy đáp : "Thưa Ngài, có thấy".
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với nó : "Này Người kia, tuy Ngươi
là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng Ngươi không có nghĩ : "Ta bị
bệnh chi phối, ta không thoát khỏi bệnh; ta hãy làm điều thiện về thân,
khẩu và ý". " Người ấy đáp : "Thưa Ngài, tôi không có thể
làm, vì tôi phóng dật, thưa Ngài". Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với
người ấy : "Này Người kia, nếu vì phóng dật nên Ngươi không làm
điều thiện, về thân, khẩu, ý; chắc chắn chúng sẽ làm cho Ngươi, này
Người kia, tùy theo sự phóng dật của Ngươi. Vì rằng đây là một ác
nghiệp của Ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải
do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn bè thân hữu làm,
không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm,
không phải do chư Thiên làm. Ác nghiệp ấy chính do Ngươi làm, chính Ngươi
phải cảm thọ quả báo việc làm ấy".
Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn,
cật vấn thẩm vấn người kia về Thiên giới thứ ba, vua Yama mới chất vấn,
cật vấn, thẩm vấn về chư Thiên thứ tư : "Này người kia, Ngươi có
thấy giữa loài Người Thiên sứ thứ tư hiện ra không ?" Người ấy
đáp: "Thưa Ngài, không thấy". Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với
người kia : "Này người kia, Ngươi có thấy giữa loài Người, các vua
chúa sau khi bắt được tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng nhiều
hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy... (như trên)...
họ lấy gươm chặt đầu". Người ấy nói : "Thưa Ngài, có thấy".
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy : "Này Người kia,
tuy Ngươi là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng Ngươi không có nghĩ :
"Thật sự những ai làm các ác nghiệp, họ phải chịu những hình phạt
sai khác, ngay trong hiện tại như vậy, huống nữa là về đời sau ! Ta hãy
làm điều thiện về thân, khẩu, ý". Người ấy đáp : "Thưa Ngài,
tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật, thưa Ngài". Rồi này các Tỷ-kheo,
vua Yama nói với nó : "Này Người kia, nếu vì phóng dật nên Ngươi không
làm điều thiện về thân, khẩu, ý; chắc chắn họ sẽ làm cho Ngươi, này
người kia, tùy theo sự phóng dật của Ngươi. Vì rằng đây là một ác
nghiệp của Ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải
do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn bè thân hữu làm,
không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm,
không phải do chư Thiên làm. Ác nghiệp ấy chính do Ngươi làm, chính Ngươi
phải cảm thọ quả báo việc làm ấy".
Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn,
cật vấn, thẩm vấn người kia về Thiên giới thứ tư, vua Yama mới chất
vấn, cật vấn, thẩm vấn về Thiên giới thứ năm : "Này Người kia,
Ngươi có thấy giữa loài Người Thiên sư thứ năm hiện ra không ? "Người
ấy đáp : "Thưa Ngài, không thấy". Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama
nói với người ấy : "Này Người kia, Ngươi có thấy giữa loài Người,
người đàn bà hay người đàn ông chết đã được một ngày, hai ngày hay
ba ngày, sưng phồng lên, xanh xám lại, rữa nát ra ?" Người ấy nói :
"Thưa Ngài, có thấy". Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người
ấy : "Này Người kia, tuy Ngươi là người có ý thức và lớn tuổi,
nhưng Ngươi không có nghĩ : "Ta bị chết chi phối, ta không thoát khỏi
chết; ta hãy làm điều thiện về thân, khẩu và ý". Người ấy đáp
: "Thưa Ngài, tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật, thưa Ngài".
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy : "Này Người kia, nếu
vì phóng dật nên Ngươi không làm điều thiện, về thân, khẩu ý; chắc
chắn chúng sẽ làm cho Ngươi, này Người kia, tùy theo phóng dật của Ngươi.
Vì rằng đây là một ác nghiệp của Ngươi, không phải do mẹ làm, không
phải do cha làm, không phải do anh làm, không phải do chị làm, không phải
do bạn bè thân hữu làm, không phải do bà con huyết thống làm, không phải
do Sa-môn, Bà-la-môn làm, không phải do chư Thiên làm. Ác nghiệp ấy chính
là Ngươi làm, chính Ngươi phải cảm thọ quả báo việc làm ấy".
Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi chất
vấn, cật vấn, thẩm vấn, người ấy về Thiên sứ thứ năm, vua Yama giữ
im lặng.
Rồi này các Tỷ-kheo, các người
coi giữ Địa ngục bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc
(Pancavidhabandhanam), họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ
lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung
đỏ đóng vào bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ
hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực, Người ấy ở đây
thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người
ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa
được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người coi giữ Địa ngục bắt
người ấy nằm xuống và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây
thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người
ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa
được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người giữ Địa ngục dựng ngược
người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và lấy búa chặt người ấy.
Người ấy ở đây cảm thọ.. chưa tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người
giữa Địa ngục cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy chạy
tới chạy lui trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ
rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ. Rồi này các
Tỷ-kheo các người giữ Địa ngục đẩy người ấy lên, kéo người ấy
xuống một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ
rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ. Rồi này các
Tỷ-kheo các người giữ Địa ngục dựng ngược người ấy chân phía
trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng
nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây bị
nấu với bọt nước sôi sùng sục, ở đây bị nấu với bọt nước sôi
sùng sục, khi thì trôi nổi lên trên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi
dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đơn, thống khổ,
khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp
của người ấy chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, những người
giữ Địa ngục quăng vào Đại địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Đại địa
ngục ấy có bốn góc, bốn cửa, chia thành phần bằng nhau, xung quanh có tường
sắt mái sắt lợp lên trên. Nền Địa ngục bằng sắt nung đỏ, chảy đỏ
rực, đứng thẳng, luôn có mặt, rộng một trăm do tuần.
Này các Tỷ-kheo, từ tường phía
Đông của Đại địa ngục ấy, những ngọn lửa bừng cháy lên được thổi
tạt đến tường phía Tây. Những ngọn lửa bừng cháy lên từ tường phía
Tây được thổi tạt đến tường phía Đông. Những ngọn lửa bừng cháy
lên từ tường phía Bắc được thổi tạt đến tường phía Nam. Những ngọn
lửa bừng cháy lên từ tường phía Nam được thổi tạt đến tường phía
Bắc. Những ngọn lửa bừng cháy lên từ phía Dưới, được thổi tạt lên
phía Trên. Những ngọn lửa bừng cháy lên từ phía Trên, được thổi tạt
xuống phía Dưới. Người ấy ở đây cảm thọ những cảm giác đau đớn,
thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến
khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời
rất lâu dài, khi cửa phía Đông của Đại địa ngục được mở ra. Người
ấy chạy vào đấy rất nhanh và mau lẹ. Khi người ấy chạy rất nhanh và
mau lẹ, da ngoài bị cháy, da trong bị cháy, thịt bị cháy, dây gân bị
cháy, xương bị khói xông đen. Sự trốn thoát của người ấy là như vậy.
Này các Tỷ-kheo, dù cho người ấy có cố gắng rất nhiều, cửa vẫn đóng
chống lại người ấy. Tại đây người ấy cảm thọ những cảm giác
đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh
chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, có một thời
rất lâu dài, khi cửa phía Tây được mở... (như trên)... cửa phía Bắc
được mở... (như trên)... cửa phía Nam được mở. Người ấy liền chạy
vào đấy rất nhanh và mau lẹ. Khi người ấy chạy rất nhanh và mau lẹ,
da ngoài bị cháy, da trong bị cháy, thịt bị cháy, dây gân bị cháy, xương
bị khói xông đen. Sự trốn thoát của người ấy là như vậy. Này các Tỷ-kheo,
dầu cho người ấy có cố gắng rất nhiều, cửa vẫn đóng chống lại người
ấy. Tại đây người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ,
khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi các ác
nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, có một
thời rất lâu dài, khi cửa phía Đông được mở ra, người ấy liền chạy
vào đấy rất nhanh và mau lẹ... (như trên)... sự trốn thoát của người
ấy là như vậy.
Người ấy đi ra khỏi cửa Địa
ngục ấy.
Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát Đại
địa ngục là Đại Phấn nị Địa ngục (Guthaniraya). Người ấy rơi vào
Địa ngục này. Này các Tỷ-kheo, tại Phấn nị Địa ngục ấy, các chúng
sanh với miệng như mũi kim cắt đứt da ngoài; sau khi cắt đứt da ngoài,
chúng cắt đứt da trong; sau khi cắt dứt da trong, chúng cắt đứt thịt;
sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt dây gân; sau khi cắt đứt dây
gân, chúng cắt đứt xương; sau khi cắt đứt xương, chúng cắt đứt
xương tủy. Ở đây, người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống
khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi
ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát Đại
địa ngục Phấn nị ấy là Đại địa ngục Nhiệt khôi (Than hừng-Kukkulaniraya).
Người ấy rơi vào ở đấy. Ở đấy, người ấy cảm thọ những cảm giác
đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung
cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát Đại
địa ngục Nhiệt khôi là Đại Châm thọ lâm (Sambalivanam) cao một do tuần,
với những gai nhọn dài mười sáu ngón tay, cháy đỏ, cháy thành ngọn,
cháy đỏ rực. Họ bắt người ấy leo lên, leo xuống. Ở đấy người ấy
cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người
ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa
được tiêu trừ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát
Châm thọ lâm là Đại Kiếm diệp lâm (Rừng lá gươm-Asipattavanta). Người
ấy vào trong ấy. Ở đấy, các lá cây, do gió lay động, cắt đứt tay của
người ấy, cắt đứt chân, cắt đứt tay chân, cắt đứt tai, cắt đứt
mũi, cắt đứt tai mũi. Ở đây, người ấy cảm thọ những cảm giác đau
đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mạng chung
cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát Kiếm
diệp lâm là Đại Khôi hà (Sông vôi-Kharodakanadi). Người ấy rơi vào trong
ấy. Tại đấy người ấy bị trôi thuận theo dòng nước, người ấy bị
trôi ngược lại dòng nước người ấy trôi thuận theo, ngược lại dòng
nước. Tại đấy người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống
khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung, cho đến khi
ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, những người
coi giữ Địa ngục, câu người ấy lên với móc câu, đặt người ấy trên
đất và nói với người ấy : "Này Người kia, Ngươi muốn gì ?"
Người ấy nói : "Thưa các Ngài, tôi đói bụng". Rồi này các Tỷ-kheo,
các người coi giữ Địa ngục lấy cọc sắt nung đỏ cạy miệng người
ấy và nhét vào miệng người ấy những cục đồng nung đỏ, cháy đỏ,
cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Môi người ấy bị cháy, miệng bị cháy,
cổ họng bị cháy, ngực bị cháy. Và kéo theo một ruột lớn, ruột nhỏ,
các cục đồng ấy rơi ra ngoài từ phía dưới. Ở đấy, người ấy cảm
thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy
không có thể mạng chung, cho đến khi ác nghiệp của nó chưa được tiêu
trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, các người
coi giữ Địa ngục nói với người ấy : "Này Người kia, Ngươi muốn
gì ?" Người ấy nói : "Thưa các Ngài, tôi khát nước". Rồi này
các Tỷ-kheo, các người coi giữ Địa ngục lấy cọc sắt nung đỏ cạy
miệng người ấy ra, và đổ vào miệng người ấy nước đồng nấu sôi,
cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Môi ngươi ấy bị cháy, miệng
bị cháy, cổ họng bị cháy, ngực bị cháy. Và kéo theo ruột lớn, ruột
nhỏ (nước đồng sôi ấy) chảy ra ngoài từ phía dưới. Người ấy ở
đấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng
người ấy không có thể mạng chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy
chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, các người
coi giữ Địa ngục lại quăng người ấy vào Đại địa ngục.
Một thời xưa lắm, này các Tỷ-kheo,
vua Yama suy nghĩ như sau : "Những ai làm ác nghiệp ở đời, phải thọ
lãnh những hình phạt sai khác như vậy. Mong rằng ta được làm người, và
Như lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời, và ta có thể
hầu hạ Thế Tôn, và Thế Tôn thuyết pháp cho ta, và ta có thể thông hiểu
pháp Thế Tôn thuyết giảng".
Này các Tỷ-kheo, điều Ta đang nói
không phải Ta nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác; nhưng điều Ta
đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ
được Ta hiểu mà thôi.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
Sau khi Thiện thệ nói như vậy, bậc Đạo Sư lại nói thêm như sau :
- Dầu Thiên sứ báo động,
- Thanh niên vẫn phóng dật,
- Họ ưu buồn lâu dài,
- Sanh làm người hạ liệt.
- Ở đây bậc Chân nhân,
- Được Thiên sứ báo động,
- Không bao giờ phóng dật,
- Trong diệu pháp bậc Thánh.
- Thấy sợ trong chấp thủ,
- Trong hiện hữu sanh tử.
- Được giải thoát chấp thủ,
- Sanh tử được đoạn trừ,
- Được yên ổn an lạc,
- Ngay hiện tại tịch tịnh,
- Mọi oán hận sợ hãi,
- Các vị ấy vượt qua;
- Mọi đau đớn sầu khổ,
- Họ đều được siêu thoát
-