- Kinh Trung bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
Phần XVII
(78) Kinh
Samanamandika
(79) Tiểu kinh Sakuludayi
(80) Kinh Vekhanassa
(81) Kinh Ghatikara
(82) Kinh Ratthapala
78. KINH SAMANAMANDIKA [^]
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi
(Xá-vệ), Jetavana (Kỳ Viên), tại tinh xá Anathapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy
giờ du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika, trú ở tinh xá của Mallika tại
Ekasalaka, có hàng cây tinduka bao quanh, được xây dựng để tranh luận cùng
với đại chúng du sĩ khoảng ba trăm vị. Rồi thợ mộc Pancakanga vào buổi
sáng sớm, đi ra khỏi Savatthi để yết kiến Thế Tôn. Thợ mộc Pancakanga
suy nghĩ: "Nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn, Thế Tôn đang
an tịnh Thiền tọa; cũng không phải thời để yết kiến các vị Tỷ-kheo
đang tu dưỡng tâm ý, các vị Tỷ-kheo đang an tịnh Thiền tọa. Ta hãy đi
đến tinh xá của Mallika, tại Ekasalaka, có hàng cây tinduka bao quanh, được
xây dựng để tranh luận, đi đến du sĩ Uggahamana con của
Samanamandika". Rồi thợ mộc Pancakanga đi đến tinh xá của Mallika, tại
Ekasalaka, có hàng cây tinduka bao quanh, được xây dựng để tranh luận. Lúc
bấy giờ du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika đang ngồi với đại chúng du
sĩ, đang lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng, bàn luận nhiều vấn đề phù
phiếm như vương luận, tặc luận, đại thần luận, binh luận, bố uý luận,
chiến đấu luận, thực luận, ẩm luận, y luận, sàng luận, hoa man luận,
hương liệu luận, thân tộc luận, xa thừa luận, thôn luận, trấn luận,
thị luận, quốc độ luận, phụ nữ luận, anh hùng luận, câu chuyện bên
lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã
chết, tạp thoại luận, thế giới luận, hải dương luận, hiện hữu vô
biện hữu luận. Du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika thấy thợ mộc
Pancakanga từ xa đi đến, thấy vậy liền khuyến cáo chúng của mình:
– Các Tôn giả hãy nhỏ tiếng !
Các Tôn giả hãy lặng tiếng ! Nay thợ mộc Pancakanga, đệ tử của Sa-môn
Gotama đang đến. Khi nào các đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Sa-môn
Gotama trú ở Savatthi, thời thợ mộc Pancakanga là một trong những vị ấy.
Các vị Tôn giả ấy ưa mến an tịnh, được tu tập về an tịnh, tán
thán an tịnh, nếu biết chúng này an tịnh, có thể ghé tại đây.
Rồi các du sĩ ấy đều im lặng.
Thợ mộc Pancakanga đi đến du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika; sau khi đến,
nói lên những lời chào đón hỏi thăm với du sĩ Uggahamana, con của
Samanamandika; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền
ngồi xuống một bên. Du sĩ Uggahamana nói với thợ mộc Pancakanga đang ngồi
một bên:
– Này Thợ mộc, ta chủ trương rằng
một người thành tựu bốn pháp, người ấy sẽ được thiện cụ túc,
thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng.
Thế nào là bốn ? Ở đây, này Thợ mộc, không làm ác nghiệp về thân,
không nói lời ác, không tư duy ác tư duy, không sinh sống (bằng) nếp sống
ác. Này Thợ mộc, ta chủ trương rằng một người nào thành tựu bốn
pháp này, người ấy sẽ được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là
Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng.
Rồi thợ mộc Pancakanga không hoan hỷ,
không kích bác lời nói của du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika; không hoan
hỷ, không kích bác, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi, với ý nghĩ: "Từ
Thế Tôn, ta sẽ biết ý nghĩa lời nói này". Rồi thợ mộc Pancakanga
đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một
bên. Ngồi xuống một bên, thợ mộc Pancakanga thưa lại với Thế Tôn tất
cả câu chuyện giữa mình với du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika. Khi nghe
nói vậy, Thế Tôn nói với thợ mộc Pancakanga:
– Nếu sự tình là như vậy thời
một đứa con nít còn bé nhỏ, vô trí, nằm ngửa sẽ được thiện cụ túc,
thiện tối thắng, là bậc Sa-môn, thành đạt tối thượng, là bậc vô năng
thắng đúng như lời du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika. Này Thợ mộc, đối
với đứa con nít nhỏ bé, vô trí, nằm ngửa, không có nghĩ: "Đây là
thân", từ đâu nó có thể làm ác nghiệp về thân, trừ ra chỉ biết
quơ tay quơ chân ? Này Thợ mộc, đối với đứa con nít, nhỏ bé, vô trí,
nằm ngửa, không có nghĩ: "Đây là lời nói", từ đâu nó có thể
làm ác nghiệp về lời nói, trừ ra chỉ biết khóc ? Này Thợ mộc, đối
với đứa con nít, nhỏ bé, vô trí, nằm ngửa, không có nghĩ: "Đây
là tư duy", từ đâu nó có thể tư duy ác tư duy, trừ ra chỉ biết bập
bẹ ? Này Thợ mộc, đối với đứa con nít, nhỏ bé, vô trí, nằm ngửa,
không có nghĩ: "Đây là nghề sinh sống", từ đâu nó có thể sinh
sống bằng nếp sống ác, trừ ra chỉ biết bú sữa mẹ ? Nếu sự tình
là vậy này Thợ mộc, thời một đứa con nít còn bé nhỏ, vô trí, nằm
ngửa, sẽ được thiện cụ thúc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành
đạt tối thượng, vô năng thắng, đúng như lời du sĩ Uggahamana, con của
Samanamandika.
Này Thợ mộc, Ta chủ trương rằng
một người thành tựu bốn pháp, người ấy sẽ không được thiện cụ túc,
thiện tối thắng, không là bậc Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng
thắng, và như vậy để xác chứng đứa con nít bé nhỏ, vô trí, nằm ngửa
này. Thế nào là bốn ? Ở đây, này Thợ mộc, không làm ác nghiệp về
thân, không nói lời ác ngữ, không tư duy ác tư duy, không sinh sống (bằng)
nếp sống ác. Này Thợ mộc, Ta chủ trương rằng một người thành tựu bốn
pháp này, người ấy sẽ không được thiện cụ túc, thiện tối thắng,
không là bậc Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng.
Này thợ mộc, Ta chủ trương rằng
một người thành tựu mười pháp, người ấy sẽ được thiện cụ túc,
thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng.
Ta nói rằng, những pháp này, này Thợ mộc, cần phải được người ấy
hiểu là những bất thiện giới, Ta nói rằng, này Thợ mộc, những bất
thiện giới cần phải được người ấy hiểu là từ đây sanh
(Itosamutthana). Ta nói rằng, này Thợ mộc, ở đây cần phải được người
ấy hiểu là những bất thiện giới được diệt trừ không có dư tàn. Ta
nói rằng, này Thợ mộc, cần phải được người ấy hiểu là thực hành
như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện giới. Ta
nói rằng, này Thợ mộc, những pháp này cần phải được người ấy hiểu
là những thiện giới. Ta nói rằng, này Thợ mộc, những thiện giới cần
phải được người ấy hiểu là từ đây sanh. Ta nói rằng, này Thợ mộc,
ở đây, cần phải được người ấy hiểu là những thiện giới được
diệt trừ không có dư tàn. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần phải được
người ấy hiểu là thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt
trừ các thiện giới. Ta nói rằng, này Thợ mộc, những (pháp) này cần phải
được người ấy hiểu là những bất thiện tư duy. Ta nói rằng, này Thợ
mộc, cần phải được người ấy hiểu là những bất thiện tư duy từ
nơi đây sanh. Ta nói rằng, này Thợ mộc, ở đây, cần phải được người
ấy hiểu các bất thiện tư duy được diệt trừ không có dư tàn. Ta nói
rằng, này Thợ mộc, cần phải được người ấy hiểu là thực hành như
vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện tư duy. Ta nói
rằng, này Thợ mộc, những pháp này cần phải được người ấy hiểu là
những thiện tư duy. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần phải được người
ấy hiểu là những thiện tư duy từ nơi đây sanh. Ta nói rằng, này Thợ mộc,
ở đây, cần phải được người ấy hiểu là các thiện tư duy được trừ
diệt không có dư tàn. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần phải được người
ấy hiểu là thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các
thiện tư duy.
Và này Thợ mộc, thế nào là bất
thiện giới ? Thân nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp bất thiện, nếp sống
ác. Những pháp này, này Thợ mộc, được gọi là bất thiện giới. Và
này Thợ mộc, những bất thiện giới này sanh khởi như thế nào ? Sự
sanh khởi của chúng cũng được nói đến, cần phải trả lời từ tâm
sanh khởi. Thế nào là tâm ? Tâm có nhiều loại, đa chủng, sai biệt. Tâm
có tham, có sân, có si, từ đây những bất thiện giới sanh khởi. Và này
Thợ mộc, những bất thiện giới này từ đâu được trừ diệt, không
có dư tàn ? Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này
Thợ mộc, một Tỷ-kheo, sau khi đoạn trừ thân ác hạnh, tu tập thân thiện
hạnh; sau khi đoạn trừ khẩu ác hạnh, tu tập khẩu thiện hạnh; sau khi
đoạn trừ ý ác hạnh, tu tập ý thiện hạnh; sau khi đoạn trừ nếp sống
ác sinh sống với nếp sống chánh. Ở đây, những bất thiện giới ấy
được trừ diệt không có tàn dư. Thực hành như thế nào, này Thợ mộc,
là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện giới ? Ở đây,
này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo khởi lên ý muốn, nỗ lực, tinh tấn, quyết
tâm, sách tấn tâm; khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh
không được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm,
sách tấn tâm khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt;
khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho
các thiện pháp chưa sanh nay được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực,
tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể
duy trì, không có mơ hồ, được tăng trưởng, được quảng đại, được
tu tập, được viên mãn. Sự thực hành như vậy, này Thợ mộc, là sự thực
hành đưa đến diệt trừ các bất thiện giới.
Và này Thợ mộc, thế nào là thiện
giới ? Thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, nếp sống thanh tịnh mạng;
những pháp này, này Thợ mộc, được gọi là thiện giới. Và này Thợ mộc,
những thiện giới này sanh khởi như thế nào ? Sự sanh khởi của chúng cũng
được nói đến, cần phải trả lời là tự tâm sinh khởi. Thế nào là
tâm ? Tâm có nhiều loại, đa chủng, sai biệt. Tâm không tham, không sân,
không si, từ đây những thiện giới sanh khởi. Và này Thợ mộc, những
thiện giới này từ đâu được trừ diệt, không có dư tàn,. Sự trừ diệt
của chúng cũng được nói đến. Ở đây, vị Tỷ-kheo có giới hạnh, và
không chấp trước giới (silamayo), và vị này như thật tuệ tri tâm giải
thoát, tuệ giải thoát. Ở đây, những thiện giới ấy được trừ diệt,
không có dư tàn. Thực hành như thế nào, này Thợ mộc, là sự thực hành
đưa đến trừ diệt các thiện giới ? Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo
khởi lên ý muốn, nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm, khiến cho
các ác, bất thiện pháp, chưa sanh không được sanh khởi; khiến cho các
ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt; khiến cho các thiện pháp
chưa sanh nay được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết
tâm, sách tấn tâm, khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể duy trì,
không có mơ hồ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập,
được viên mãn. Sự thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt
trừ các thiện giới.
Và này Thợ mộc, thế nào là bất
thiện tư duy ? Dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy. Pháp này, này Thợ mộc,
được gọi là bất thiện tư duy. Và này Thợ mộc, những bất thiện tư
duy này sanh khởi như thế nào ? Sự sanh khởi của chúng cũng được nói
đến. Cần phải trả lời là từ tưởng sanh khởi. Thế nào là tưởng ?
Tưởng có nhiều loại, đa chủng, sai biệt: dục tưởng, sân tưởng, hại
tưởng, từ đấy những bất thiện tư duy sanh khởi. Và này Thợ mộc, những
bất thiện tư duy này từ đâu được trừ diệt, không có dư tàn ? Sự trừ
diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo
ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng
thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Ở đây, những bất thiện
tư duy được trừ diệt, không có dư tàn. Và sự thực hành như thế nào,
này Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện tư
duy ? Ở đây, vị Tỷ-kheo khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết
tâm, sách tấn tâm khiến cho các ác, bất thiện pháp chưa sanh không được
sanh khởi... khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt;
khiến cho các thiện pháp chưa sanh nay được sanh khởi; khởi lên ý muốn
nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm; khiến cho các thiện pháp đã
sanh có thể duy trì, không có mơ hồ, được tăng trưởng, được quảng
đại, được tu tập, được viên mãn. Sự thực hành như vậy là sự thực
hành đưa đến diệt trừ các bất thiện tư duy. Này Thợ mộc, thế nào
là thiện tư duy ? Ly dục tư duy, vô sân tư duy, bất hại tư duy; những pháp
này, này Thợ mộc, được gọi là thiện tư duy. Và này Thợ mộc, những
thiện tư duy này sanh khởi như thế nào ? Sự sanh khởi của chúng cũng
được nói đến. Cần phải trả lời là từ tưởng sanh khởi. Thế nào
là tưởng ? Tưởng có nhiều loại, đa chủng, sai biệt: ly dục tưởng, vô
sân tưởng, bất hại tưởng, từ đấy sanh khởi là những thiện tư duy.
Và này Thợ mộc, những thiện tư duy này từ đâu được diệt, không có
dư tàn ? Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ
mộc, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng
thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ở
đây, những thiện tư duy ấy được trừ diệt không có dư tàn. Và sự thực
hành như thế nào, này Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến diệt trừ các
thiện tư duy ? Ở đây, Tỷ-kheo khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết
tâm, sách tấn tâm khiến cho các ác, bất thiện pháp chưa sanh không có
sanh khởi... (như trên)...; khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được
trừ diệt... (như trên)...; khiến cho các thiện pháp chưa sanh nay được
sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm,
khiến cho các thiện pháp đã sanh, có thể duy trì, không có mơ hồ, được
tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn. Sự thực
hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các thiện tư duy. Và
này Thợ mộc, Ta chủ trương rằng một người thành tựu mười pháp này,
người ấy được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành
đạt tối thượng, vô năng thắng. Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo
thành tựu vô học chánh tri kiến, thành tựu vô học chánh tư duy, thành tựu
vô học chánh ngữ, thành tựu vô học chánh mạng, thành tựu vô học
chánh tinh tấn, thành tựu vô học chánh niệm, thành tựu vô học chánh định,
thành tựu vô học chánh trí, thành tựu vô học chánh giải thoát. Này Thợ
mộc, Ta chủ trương rằng một người thành tựu mười pháp này sẽ được
thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối thượng,
vô năng thắng.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Thợ
mộc Pancakanga hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha
(Vương Xá). Veluvana (Trúc Lâm), ở Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc).
Lúc bấy giờ, du sĩ Sakuludayi ở tại Moranivapa (Khổng Tước Lâm), một
tinh xá du sĩ, cùng với đại chúng du sĩ. Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y,
cầm bát vào Vương Xá để khất thực. Thế Tôn khởi lên ý nghĩ:
"Nay còn quá sớm để đi khất thực ở Vương Xá, Ta hãy đi đến tinh
xá du sĩ Khổng Tước Lâm, đến du sĩ Sakuludayi". Rồi Thế Tôn đi đến
tinh xá du sĩ Khổng Tước Lâm. Lúc bấy giờ, du sĩ Sakuludayi đang ngồi với
đại chúng du sĩ, đang lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng bàn luận nhiều vấn
đề phù phiếm, như bàn về vua, bàn về ăn trộm, bàn về Đại thần, bàn
về binh, bàn về sợ hãi, bàn về chiến đấu, bàn về đồ ăn, bàn về
đồ uống, bàn về y phục, bàn về giường nằm, bàn về vòng hoa, bàn về
hương liệu, bàn về bà con, bàn về xe cộ, bàn về làng, bàn về thị trấn,
bàn về quốc độ, bàn về phụ nữ, bàn về anh hùng, câu chuyện bên lề
đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết,
bàn việc tạp nhạp, bàn về thế giới, bàn về biển cả, bàn về hiện
hữu và không hiện hữu. Du sĩ Sakuludayi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy
vậy liền khuyến cáo chúng của mình:
– Các Tôn giả hãy nhỏ tiếng !
Các Tôn giả hãy lặng tiếng ! Nay Sa-môn Gotama này đang đến. Sa-môn Gotama
ưa mến an tịnh, tán thán an tịnh. Nếu biết chúng này an tịnh, có thể
ghé tại đây.
Rồi các du sĩ ấy đều im lặng.
Thế Tôn đến chỗ du sĩ Sakuludayi. Du sĩ Sakuludayi bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đến
! Bạch Thế Tôn, thiện lai Thế Tôn ! Đã lâu Thế Tôn mới tạo cơ hội này,
nghĩa là đến đây. Thế Tôn hãy ngồi ! Đây là chỗ đã soạn sẵn.
Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn
sẵn. Du sĩ Sakuludayi lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với du sĩ Sakuludayi đang ngồi một bên:
– Này Udayi, nay các vị hội họp
nhau ở đây, đang bàn vấn đề gì ? Và câu chuyện gì giữa các vị gián
đoạn ?
– Bạch Thế Tôn, hãy gác một
bên vấn đề chúng con đang hội họp bàn luận. Về sau Thế Tôn nghe lại
cũng không khó khăn gì. Bạch Thế Tôn, khi con không ở gần chúng này, thời
chúng này ngồi nói nhiều câu chuyện phù phiếm. Và bạch Thế Tôn, khi con
ở gần chúng này, thời chúng này ngồi nhìn thẳng mặt con và nghĩ:
"Sa-môn Udayi thuyết pháp gì, chúng ta sẽ nghe". Bạch Thế Tôn, khi
nào Thế Tôn đến với chúng này thời con và chúng này ngồi nhìn thẳng mặt
Thế Tôn và nghĩ: "Thế Tôn thuyết pháp gì, chúng ta sẽ nghe".
– Vậy này Udayi, hãy nói lên ở
đây vấn đề gì, để Ta có thể nói chuyện.
– Thuở xưa, bạch Thế Tôn, rất
xa xưa, bậc biết tất cả, thấy tất cả tự nhận mình có tri kiến
không dư thừa: "Khi ta đi, khi ta đứng, khi ta ngủ và khi ta thức, tri
kiến được tồn tại liên tục thường hằng". Vị ấy khi được con
hỏi câu hỏi về quá khứ, liền tránh né với một câu hỏi khác, trả lời
ra ngoài đề, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, và bất mãn. Do vậy, bạch
Thế Tôn, con khởi lên niệm hoan hỷ đối với Thế Tôn: "Thật sự Thế
Tôn, thật sự bậc Thiện Thệ là bậc thiện xảo về những pháp
này".
– Này Udayi, vị nào là bậc biết
tất cả, thấy tất cả và tự nhận mình có tri kiến không dư thừa:
"Khi ta đi, khi ta đứng, khi ta ngủ, khi ta thức, tri kiến được tồn tại,
liên tục thường hằng"? Vị ấy là ai mà khi được Ông hỏi câu hỏi
về quá khứ liền tránh né với một câu hỏi khác, trả lời ra ngoài đề,
và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn ?
– Bạch Thế Tôn, vị ấy là
Nigantha Nataputta.
– Này Udayi, vị nào nhớ đến các
đời sống quá khứ sai biệt như một đời, hai đời... nhớ đến nhiều
đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Hoặc
là vị ấy hỏi Ta câu hỏi về quá khứ, hay là Ta hỏi vị ấy câu hỏi về
quá khứ. Hoặc là vị ấy làm tâm Ta thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi
về quá khứ; hay là Ta làm tâm vị ấy thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi
về quá khứ. Này Udayi, vị nào với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân thấy
sự sống và chết của chúng sanh, vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người
hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ
bất hạnh... đều do hạnh nghiệp của họ. Hoặc là vị ấy hỏi Ta câu hỏi
về tương lai, hay là Ta hỏi vị ấy câu hỏi về tương lai. Hoặc là vị
ấy làm tâm Ta thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi về tương lai, hay là
Ta làm tâm vị ấy thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi về tương lai. Và
thôi, này Udayi, hãy dừng lại ở quá khứ, hãy dừng lại ở tương lai !
Ta sẽ thuyết pháp cho Ông: Cái này có mặt thì cái đây có mặt; do cái
này sanh, cái đây sanh. Cái này không có mặt thì cái đây không có mặt;
do cái này diệt, cái đây diệt".
– Bạch Thế Tôn, cho đến trong phạm
vi kinh nghiệm với tự ngã này (Attabhava), con còn không có thể nhớ đến
các nét đại cương và các chi tiết, từ đâu con có thể nhớ đến nhiều
đời sống quá khứ, như một đời, hai đời... con có thể nhớ đến nhiều
đời sống quá khứ, với các nét đại cương và các chi tiết như Thế Tôn
? Bạch Thế Tôn, nay con còn không thấy được con phiêu phong quỷ
(pamsapisacaka), từ đâu với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân con có thể tuệ
tri rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô
xấu, người may mắn kẻ bất hạnh... con có thể biết rõ các chúng sanh
đều do hạnh nghiệp của họ, như Thế Tôn ? Do vậy, bạch Thế Tôn, khi
Thế Tôn nói với con như sau: "Này Udayi, hãy dừng lại ở quá khứ,
hãy dừng lại ở tương lai. Ta sẽ thuyết pháp cho Ông: "Cái này có mặt
thì cái đây có mặt; do cái này sanh, cái đây sanh. Cái này không có mặt
thì cái đây không có mặt; do cái này diệt, cái đây diệt", thời con
lại càng không nhận rõ bội phần. Tuy vậy, bạch Thế Tôn, con có thể
làm tâm Thế Tôn thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi về bạc Đạo sư của
mình.
– Này Udayi, bậc Đạo sư của
Ông dạy những gì ?
– Bạch Thế Tôn, bậc Đạo sư của
chúng con dạy chúng con rằng: "Sắc này là tối thượng, sắc này là tối
thượng".
– Này Udayi, khi bậc Đạo sư của
Ông dạy Ông rằng: "Sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng",
thời sắc tối thượng ấy là sắc gì ?
– Bạch Thế Tôn, khi một sắc
nào không có một sắc khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn, thời sắc
ấy là sắc tối thượng.
– Này Udayi, sắc ấy là sắc gì,
khi sắc ấy không có một sắc nào khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn
?
– Bạch Thế Tôn, khi một sắc
nào không có một sắc khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn, thời sắc
ấy là sắc tối thượng.
– Này Udayi, lời giải thích của
Ông chỉ dài như vậy, Ông phải giải thích rộng rãi thêm. Nếu Ông nói:
"Bạch Thế Tôn, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng
hơn hay thù thắng hơn, sắc ấy là sắc tối thượng thời Ông không chỉ
rõ sắc ấy. Này Udayi, như có người nói: "Tôi yêu và luyến ái một
cô gái đẹp trong nước này". Có người hỏi: "Này Bạn, cô gái
đẹp mà Bạn yêu và luyến ái ấy, Bạn có biết là người giai cấp nào,
là Sát-đế-ly, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà ?" Khi được hỏi,
người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này Bạn, cô gái đẹp
Bạn yêu và luyến ái ấy, Bạn có biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp
người, hay người bậc trung ? Da đen sẫm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào?
Ở tại làng nào, thị trấn nào, hay thành phố nào ?" Khi được hỏi
vậy người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này Bạn, như
vậy có phải Bạn đã yêu và đã luyến ái một người bạn, Bạn không
biết, không thấy ?" Được hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. – Này
Udayi, Ông nghĩ thế nào ? Sự tình là như vậy thời lời nói của người
ấy có phải là không hiệu năng không ?
– Bạch Thế Tôn, sự tình là như
vậy thời lời nói của người ấy thật sự là không hiệu năng.
– Cũng vậy, này Udayi, khi Ông
nói: "Bạch Thế Tôn khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng
hơn hay thù thắng hơn, thời sắc ấy là sắc tối thượng", thời Ông
không chỉ rõ sắc ấy.
– Bạch Thế Tôn, ví như một hòn
lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài,
được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên, bừng
sáng lên; với sắc như vậy, tự ngã là không bệnh, sau khi chết.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ? Một
hòn lưu ly bảo châu nào, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo
mài, được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên,
bừng sáng lên; hay con sâu đôm đốm trong đêm đen tối mù, giữa hai quang
sắc này, sắc nào vi diệu hơn, và thù thắng hơn ?
– Bạch Thế Tôn, con sâu đôm đốm
trong đêm đen tối mù, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa
hai quang sắc.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ?
Con sâu đôm đốm trong đêm đen tối mù hay là ngọn đèn dầu trong đêm
đen tối mù, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng
hơn ?
– Bạch Thế Tôn, ngọn đèn dầu
trong đêm đen tối mù, quang sắc (ngọn đèn dầu) này vi diệu hơn và thù
thắng hơn giữa hai quang sắc.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ? Ngọn
đèn dầu trong đêm đen tối mù, hay là một đống lửa lớn trong đêm đen
tối mù, giữa hai quang sắc này quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn
?
– Bạch Thế Tôn, đống lửa lớn
trong đêm đen tối mù, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa
hai quang sắc.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ? Đống
lửa lớn trong đêm đen tối mù, hay ngôi sao mai trong một bầu trời trong
sáng không mây vào lúc bình minh, giữa hai quang sắc này, (quang) sắc nào vi
diệu hơn và thù thắng hơn ?
– Bạch Thế Tôn, ngôi sao mai trong
một bầu trời trong sáng không mây vào lúc bình minh, quang sắc này vi diệu
hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ?
Ngôi (sao Thái Bạch) sao mai trong bầu trời trong sáng không mây, trong lúc
bình minh, hay là mặt trăng trong khi đứng bóng, trong một bầu trời trong
sáng không mây vào lúc nửa đêm, trong ngày Uposatha (Bố-tát) vào ngày Rằm,
giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn ?
– Bạch Thế Tôn, mặt trăng trong
khi đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc nửa đêm,
trong ngày Uposatha (Bố tát) vào ngày Rằm, quang sắc này vi diệu hơn và
thù thắng hơn giữa hai quang sắc.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ? Mặt
trăng trong khi đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng không mây, vào
lúc nửa đêm, trong ngày Uposatha (Bố-tát) vào ngày Rằm, hay là mặt trời
trong lúc đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng, không mây, vào lúc giữa
trưa, trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, giữa hai quang sắc này, quang sắc
nào vi diệu hơn và thù thắng hơn ?
– Bạch Thế Tôn, mặt trời trong
lúc đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc giữa trưa,
trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng
hơn.
– Này Udayi, hơn tất cả những
quang sắc ấy có nhiều, rất nhiều chư Thiên, mà ánh sáng của những mặt
trăng mặt trời này không thể chiếu sáng. Ta biết những chư Thiên ấy.
Và Ta không nói: "Không có một quang sắc nào khác vi diệu hơn và thù
thắng hơn quang sắc ấy. Còn Ông, này Udayi, Ông lại nói: "Quang sắc
này, thấp kém hơn, yếu đuối hơn quang sắc con sâu đôm đốm, quang sắc
ấy là tối thắng". Và Ông không chỉ rõ quang sắc ấy.
– Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện.
Thiện Thệ đã cắt đứt câu chuyện.
– Này Udayi, sao Ông lại nói:
"Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện. Thiện thệ đã cắt đứt câu
chuyện ?"
– Bạch Thế Tôn, các vị Đạo
sư của chúng con dạy như sau: "Quang sắc này là tối thượng, quang sắc
này là tối thượng". Nhưng bạch Thế Tôn, các bậc Đạo sư của chúng
con khi bị Thế Tôn đối nạn, cật nạn, vấn nạn, (tự tỏ là) trống
không, hư vọng, thất bại.
– Nhưng này Udayi, có một thế giới
nhứt hướng lạc không ? Có đạo lộ hợp lý nào đưa đến chứng đắc
thế giới nhứt hướng lạc ?
– Bạch Thế Tôn, các bậc Đạo
sư của chúng con có dạy như sau: "Có một thế giới nhứt hướng lạc.
Có đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc".
– Này Udayi, đạo lộ hợp lý
đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc là gì ?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, có người
đoạn trừ sát sanh, từ bỏ sát sanh, đoạn trừ lấy của không cho, từ bỏ
lấy của không cho, đoạn trừ tà dâm, từ bỏ tà dâm, đoạn trừ nói
láo, từ bỏ nói láo, hay sống sau khi thọ trì một loại khổ hạnh. Bạch
Thế Tôn, đó là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt
hướng lạc.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ?
Trong khi đoạn trừ sát sanh, từ bỏ sát sanh, trong khi ấy tự ngã là nhứt
hướng lạc hay cả lạc cả khổ ?
– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào?
Trong khi đoạn trừ lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, trong
khi ấy, tự ngã là nhứt hướng lạc hay cả lạc cả khổ?
– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ?
Trong khi đoạn trừ tà dâm, từ bỏ tà dâm, trong khi ấy tự ngã là nhứt
hướng lạc, hay cả lạc cả khổ ?
– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ?
Trong khi đoạn trừ nói láo, từ bỏ nói láo, trong khi ấy tự ngã là nhứt
hướng lạc, hay cả lạc cả khổ ?
– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ?
Trong khi sống thọ trì một loại khổ hạnh, trong khi ấy tự ngã là nhứt
hướng lạc, hay cả lạc cả khổ ?
– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.
– Này Udayi, Ông nghĩ thế nào ? Như
vậy đạo lộ để chứng đắc một thế giới nhứt hướng lạc, đạo lộ
ấy cả lạc cả khổ xen lẫn ?
– Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện,
Thiện Thệ đã cắt đứt câu chuyện.
– Này Udayi, sao Ông lại nói như vầy:
"Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện, Thiện Thệ đã cắt đứt câu
chuyện ?"
– Bạch Thế Tôn, các bậc Đạo
sư của chúng con có dạy như sau: "Có một thế giới nhứt hướng lạc,
có một đạo lộ hợp lý để chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc".
Nhưng các bậc Đạo sư của chúng con khi bị Thế Tôn đối nạn, cật nạn,
vấn nạn, (tự tỏ là) trống không, hư vọng, thất bại. Nhưng bạch Thế
Tôn, có một thế giới nhứt hướng lạc không ? Có một đạo lộ hợp lý
đưa đến chứng đắc một thế giới nhứt hướng lạc không ?
– Này Udayi, có một thế giới nhứt
hướng lạc; có một đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới
nhứt hướng lạc.
– Bạch Thế Tôn, thế nào là đạo
lộ hợp lý ấy đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc ?
– Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo
ly dục... chứng đắc và trú Thiền thứ nhất; sau khi diệt tầm và tứ...
Thiền thứ hai... chứng đắc và trú Thiền thứ ba. Như vậy, này Udayi là
đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.
– Bạch Thế Tôn, đạo lộ ấy không
phải là đạo lộ đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc. Chứng
đắc như vậy, bạch Thế Tôn (phải chăng) là thế giới nhứt hướng lạc
?
– Này Udayi, chứng đắc như vậy
chưa phải là thế giới nhứt hướng lạc. Đạo lộ ấy chỉ là đạo lộ
hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.
Khi được nói vậy, hội chúng của
du sĩ Sakuludayi lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng như sau:
– Ở đây, chúng tôi đã được
nghe từ các vị Đạo sư. Ở đây, chúng tôi đã được nghe từ các vị
Đạo sư. Chúng tôi không được biết gì hơn như vậy nữa.
Rồi du sĩ Sakuludayi sau khi làm cho
các vị du sĩ ấy lặng tiếng xuống, liền bạch Thế Tôn:
– Phải đến mức như thế nào, mới
là chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc ?
– Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo đoạn
trừ lạc... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư; có bao nhiêu chư Thiên
được sanh vào thế giới nhứt hướng lạc, Tỷ-kheo cùng đứng với các
chư Thiên ấy, cùng nói chuyện, cùng đàm luận. Cho đến mức độ như vậy,
này Udayi, mới là chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.
– Bạch Thế Tôn, có phải chỉ
vì nhân duyên chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc mà các Tỷ-kheo sống
Phạm hạnh dưới sự (chỉ dẫn) của Thế Tôn ?
– Này Udayi, không phải chỉ vì
nhân duyên chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc mà các Tỷ-kheo sống
Phạm hạnh dưới sự (chỉ dẫn) của Ta. Này Udayi, có những pháp khác cao
thượng hơn, thù thắng hơn. Vì nhơn duyên chứng đắc các pháp ấy, các Tỷ-kheo
sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.
– Bạch Thế Tôn, thế nào là những
pháp cao thượng hơn, thù thắng hơn, vì nhơn duyên chứng đắc các pháp
ấy, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn ?
– Ở đây, này Udayi, Như Lai xuất
hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ,
Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật,
Thế Tôn... sau khi đoạn trừ năm triền cái này, những pháp làm ô uế
tâm, làm muội lược trí tuệ, ly dục, ly bất thiện pháp... chứng và trú
Thiền thứ nhất. Đây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn,
do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự
chỉ dẫn của Ta. Lại nữa này Udayi, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ... đệ nhị
Thiền... đệ tam Thiền... chứng và an trú đệ tứ Thiền. Đây là pháp,
này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp
này các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta. Với tâm định
tĩnh, thanh tịnh, trong sáng không cấu uế, với các phiền não được đoạn
trừ, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy
hướng tâm đến túc mạng trí. Vị ấy nhớ nhiều đời ở quá khứ, như
một đời, hai đời... nhớ đến nhiều đời sống ở quá khứ, với các
nét đại cương và các chi tiết. Đây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và
thù thắng hơn, do nhơn duyên chứng đắc pháp ấy, Tỷ-kheo sống Phạm hạnh
dưới sự chỉ dẫn của Ta. Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng,
không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, dễ sử dụng, nhu
nhuyến bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến sanh tử trí của
chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy rõ sự sống
và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt
kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh...
đều do hạnh nghiệp của họ. Đây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và
thù thắng hơn, do nhơn duyên chứng đắc pháp này, vị Tỷ-kheo sống Phạm
hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta. Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng,
không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, dễ sử dụng, nhu
nhuyến, vững chắc, bất động như vậy vị Tỷ-kheo hướng tâm đến lậu
tận trí. Vị ấy như thật biết: "Đây là Khổ"... "Đây là
Khổ tập"... "Đây là Khổ diệt"... "Đây là con Đường
đưa đến khổ diệt". Vị ấy như thật biết: "Đâu là những lậu
hoặc"... "Đây là nguyên nhân của lậu hoặc"... "Đây là
sự diệt trừ các lậu hoặc". Vị ấy như thật biết: "Đây là
con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc. Nhờ hiểu biết như vậy,
thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu,
thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân được giải thoát như vậy, vị
ấy khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết:
"Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời
hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Đây là pháp, này Udayi,
cao thượng hơn, thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này, các Tỷ-kheo
sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta. Đây là những pháp, này
Udayi, cao thượng hơn, thù thắng hơn, do nhơn duyên chứng đắc những pháp
này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.
Khi nghe nói vậy du sĩ Sakuludayi bạch
Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế
Tôn ! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Như người dựng đứng lại những
gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho
những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những
ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn
dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y
Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con xuất gia, dưới
sự chỉ dẫn Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con thọ đại giới.
Khi được nghe nói vậy, chúng du sĩ
của Sakuludayi nói với du sĩ Sakuludayi:
– Tôn giả Udayi, chớ có sống Phạm
hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama. Tôn giả Udayi, đã là bậc Đạo
sư, nay chớ có sống làm đệ tử. Như một ghè nước tốt, nay bị thủng
lỗ bị chảy nước; hành động của Tôn giả Udayi cũng sẽ như vậy. Tôn
giả Udayi, chớ có sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama
! Tôn giả Udayi đã là bậc Đạo sư, nay chớ có sống làm đệ tử.
Như vậy, chính chúng du sĩ của
Sakuludayi đã làm một chướng ngại pháp cho du sĩ Sakuludayi sống Phạm hạnh
dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn.
80. KINH VEKHANASSA [^]
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Savatthi
(Xá-vệ) , Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tịnh xá ông Anathapinka (Cấp Cô Độc). Rồi
du sĩ Vekhanassa đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, nói lên những lời
chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi
thăm thân hữu, liền đứng một bên. Đứng một bên, du sĩ Vekhanassa thốt
lên lời cảm hứng sau đây trước mặt Thế Tôn:
– Sắc này là tối thượng, sắc
này là tối thượng.
– Nhưng này Kaccana, sao Ông lại
nói như sau: "Sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng"
?
– Tôn giả Gotama, sắc nào không
có một sắc khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn, sắc này là tối thượng.
– Nhưng này Kaccana, sắc ấy là sắc
gì mà không có sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn ?
– Tôn giả Gotama, sắc nào không
có sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, sắc ấy là tối thượng.
– Này Kaccana, lời giải thích của
Ông chỉ dài như vậy, Ông phải giải thích rộng rãi thêm. Nếu Ông nói:
"Tôn giả Gotama, sắc nào không có sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng
hơn, sắc ấy là tối thượng", thời Ông không chỉ rõ sắc ấy. Này
Kaccana, ví như có người nói: "Tôi yêu và luyến ái một cô gái đẹp
trong nước này". Có người hỏi: "Này Bạn, cô gái đẹp mà Bạn
yêu và luyến ái ấy, Bạn có biết là người giai cấp nào; là Sát-đế-lỵ,
hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà ?" Khi được hỏi, người ấy
trả lời không biết. Có người hỏi: "Này Bạn, cô gái đẹp Bạn yêu
và luyến ái ấy, Bạn có biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp người
hay bậc trung ? Da đen sẫm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào ? Ở tại làng
nào, thị trấn nào hay thành phố nào ?" Khi được hỏi vậy, người
ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này Bạn, như vậy có phải
Bạn yêu và luyến ái một người Bạn không biết, không thấy ?" Được
hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào ? Sự
tình là như vậy, thời lời nói của người có phải là không có hiệu năng
không ?
– Bạch Tôn giả Gotama, sự tình
là như vậy thời lời nói của người ấy thật sự là không có hiệu năng.
– Cũng vậy, này Kaccana, khi Ông
nói: "Tôn giả Gotama khi sắc nào không có một sắc khác cao thượng
hơn, hay thù thắng hơn, sắc ấy là tối thượng", thời Ông không chỉ
rõ sắc ấy.
– Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một
hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo
mài được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên,
bừng sáng lên. Với sắc như vây, tự ngã là không có bệnh, sau khi chết.
– Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào ?
Một hòn lưu ly bảo châu đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa khéo
mài, được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên,
bừng sáng lên, hay con sâu đôm đốm trong đêm tối mịt mù, giữa hai quang
sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn ?
– Thưa Tôn giả Gotama, con sâu đôm
đốm trong đêm đen tối mịt mù này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa
hai quang sắc.
– Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào ?
Con sâu đôm đốm trong đêm đen tối mù hay ngọn đèn dầu trong đêm đen tối
mù, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn ?
– Thưa Tôn giả Gotama, ngọn đèn
dầu trong đêm đen tối mù, (quang sắc ngọn đèn dầu) này vi diệu hơn và
thù thắng hơn giữa hai quang sắc.
– Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào ?
Ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, hay là một đống lửa lớn trong đêm
đen tối mù, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng
hơn ?
– Thưa Tôn giả Gotama, đống lửa
lớn trong đêm đen tối mù, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa
hai quang sắc.
– Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào ?
Đống lửa lớn trong đêm đen tối mù hay ngôi sao mai trong sáng không mây
vào lúc bình minh, giữa hai quang sắc này quang sắc nào vi diệu hơn và thù
thắng hơn ?
– Thưa Tôn giả Gotama, ngôi sao
trong sáng không mây vào lúc bình minh, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng
hơn giữa hai quang sắc.
– Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào ?
Ngôi (sao Thái Bạch) sao mai trong bầu trời trong sáng không mây, trong lúc
bình minh hay là mặt trăng trong khi đứng bóng, trong một bầu trời trong
sáng không mây vào lúc nửa đêm, trong ngày Uposatha (Bố-tát) vào ngày Rằm.
Giữa hai quang sắc này, (quang) sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn ?
– Thưa Tôn giả Gotama, mặt trăng
trong khi đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng, không mây, vào lúc nửa
đêm trong ngày Uposatha (Bố-tát) vào ngày Rằm, quang sắc này vi diệu hơn và
thù thắng hơn giữa hai quang sắc.
– Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào ?
Mặt trăng trong khi đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng không mây,
vào lúc nửa đêm trong ngày Uposatha (Bố- tát) vào ngày Rằm, hay là mặt trời
trong lúc đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc giữa
trưa, trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, giữa hai quang sắc này, quang sắc
nào vi diệu hơn và thù thắng hơn ?
– Thưa Tôn giả Gotama, mặt trời
trong lúc đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc giữa
trưa, trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, quang sắc này vi diệu hơn và
thù thắng hơn.
– Này Kaccana, hơn tất cả quang sắc
ấy có rất nhiều, rất nhiều chư Thiên, mà ánh sáng của những mặt trăng,
mặt trời này không thể chiếu sáng. Ta biết những chư Thiên ấy và Ta
không nói: "Không có một quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn
quang sắc ấy. Còn Ông, này Kaccana, Ông lại nói: "Quang sắc này thấp
kém hơn, yếu đuối hơn quang sắc con sâu đôm đốm, quang sắc ấy là tối
thắng", và Ông không chỉ rõ quang sắc ấy.
Này Kaccana, có năm dục trưởng dưỡng
này. Thế nào là năm ? Các sắc có mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả
ý, khả hỷ, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức...
các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do
thân nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ đến dục,
hấp dẫn. Này Kaccana, những pháp này là năm dục trưởng dưỡng. Này
Kaccana, lạc và hỷ nào khởi lên, duyên với năm dục trưởng dưỡng này,
được gọi là dục lạc. Như vậy, bởi vì có dục, nên có dục lạc; từ
nơi dục lạc, dục tối thượng lạc được gọi ở đây là tối thượng.
Được nghe nói vậy, du sĩ
Vekhanassa bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế
Tôn ! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn ! Tôn giả Gotama đã khéo nói như
sau: "Bởi vì có dục, nên có dục lạc; từ nơi dục lạc, dục tối
thượng lạc được gọi ở đây là tối thượng".
– Cái này thật khó cho Ông có thể
hiểu được, này Kaccana, về dục, hay dục lạc, hay dục tối thượng lạc.
Ông là người thuộc chấp kiến khác, thuộc kham nhẫn khác, thuộc mục đích
khác, thuộc tu tập khác, thuộc Đạo sư khác. Này Kaccana, nhưng đối với
Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, đã
làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục
đích, đã đoạn trừ hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí, những
vị ấy biết: "Dục, dục lạc, hay dục tối thượng lạc".
Khi được nghe nói vậy, du sĩ
Vekhanassa, phẫn nộ và bất mãn, mắng nhiếc cả Thế Tôn, miệt thị cả
Thế Tôn và nói:
– Sa-môn Gotama sẽ bị đọa lạc.
Và du sĩ Vekhanassa thưa Thế Tôn:
– Nhưng như vậy, ở đây, có một
số Sa-môn, Bà-la-môn không biết về quá khứ, không thấy về tương lai,
nhưng các vị ấy tự cho: "Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, những
việc nên làm đã làm, từ nay không trở lại đời sống này nữa". Lời
nói như vậy của họ tự chứng tỏ là đáng cười, tự chứng tỏ là
nói suông, tự chứng tỏ là trống không, tự chứng tỏ là hư vọng.
– Này Kaccana, những Sa-môn,
Bà-la-môn nào không biết về quá khứ, không thấy được tương lai, nhưng
tự cho là ta biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên
làm đã làm, không còn trở lui đời này nữa", lời phủ nhận chỉ
trích như vậy về họ là hợp pháp. Nhưng này Kaccana, hãy bỏ qua quá khứ,
hãy bỏ qua tương lai. Hãy đến, người có trí không gian trá, không xảo
quyệt, chơn trực và nói như sau: "Ta giảng dạy, ta thuyết pháp".
Nếu thực hành theo điều đã dạy, thời không bao lâu người ấy tự biết
mình, tự thấy mình: "Như vậy thật sự là đã giải thoát khỏi sự
ràng buộc chánh tức là sự ràng buộc của vô minh". Ví như, này
Kaccana, một đứa trẻ, bé nhỏ, yếu ớt, nằm ngửa, bị trói buộc nơi cổ
với năm trói buộc, rất có thể làm bằng dây. Sau khi nó lớn lên, sau khi
các căn nó thuần thục, nó được giải thoát khỏi các trói buộc ấy,
khi không còn trói buộc nữa, nó biết: "Ta được giải thoát". Cũng
vậy, này Kaccana, hãy đến người có trí không gian trá, không xảo quyệt,
chơn trực và nói như sau: "Ta giảng dạy, ta thuyết pháp". Nếu thực
hành theo điều đã dạy, thời không bao lâu người ấy tự biết mình, tự
thấy mình: "Như vậy thật sự là đã giải thoát khỏi sự ràng buộc
chánh, tức là sự ràng buộc của vô minh".
Khi được nghe nói vậy, du sĩ
Vekhanassa bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, Tôn giả
Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! ... Xin Tôn giả Gotama nhận con
làm đệ tử. Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
81. KINH GHATIKARA [^]
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn đi du hành giữa
dân chúng Kosala với đại chúng Tỷ-kheo. Rồi Thế Tôn bước xuống bên lề
đường, đến tại một địa điểm rồi mỉm cười. Tôn giả Ananda suy
nghĩ: "Do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại mỉm cười. Không phải
không lý do, Như Lai lại mỉm cười". Rồi Tôn giả Ananda đắp y về
phía một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do
duyên gì. Thế Tôn lại mỉm cười. Không phải không lý do, Như Lai lại mỉm
cười.
– Thuở xưa này Ananda, tại địa
điểm này là một thị trấn tên là Vebhalinga, phồn thịnh, giàu có và
dân cư đông đúc. Này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác
sống ở đây, dựa vào thị trấn Vebhalinga. Ở đây, này Ananda, là tu viện
của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính tại đây, này
Ananda. Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ngồi giảng dạy cho
chúng Tỷ-kheo.
Rồi Tôn giả Ananda gấp tư y
sanghati (tăng-già-lê), trải ra rồi bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, thỉnh Thế Tôn
ngồi xuống. Chính tại địa điểm này, hai bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác
sẽ sử dụng.
Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã
soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Thuở xưa, này Ananda, tại địa
điểm này là thị trấn tên Vebhalinga, phồn thịnh, giàu có và dân cư đông
đúc. Này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã sống
dựa vào thị trấn Vebhalinga. Chính tại đây, này Ananda, là tu viện của
Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính tại đây, này
Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ngồi giảng dạy cho
chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, chính tại thị trấn Vebhalinga, có người thợ làm
đồ gốm tên là Ghatikara, người này là người đàn tín của Thế Tôn
Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vị đàn tín đệ nhất. Thanh niên
Jotipala là người bạn chí thân của thợ gốm Ghatikara. Rồi này Ananda, thợ
gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:
"– Này bạn Jotipala, chúng ta
hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán
Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được đến yết kiến Thế Tôn,
bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy".
Khi nghe nói vậy, này Ananda, thanh
niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
"– Thôi vừa rồi, bạn
Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì ?"
Lần thứ hai, này Ananda... (như trên)...
Lần thứ ba, này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:
"– Này bạn Jotipala, chúng ta
hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được đến yết kiến Thế Tôn,
bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy".
Lần thứ ba này Ananda, thanh niên
Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
"– Thôi vừa rồi bạn
Ghatikara yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì ?"
"– Vậy này bạn Jotipala, hãy
cầm đồ gãi lưng và bột tắm, chúng ta hãy đi đến sông để tắm".
"– Thưa bạn, vâng".
Này Ananda, thanh niên Jotipala vâng đáp
thợ gốm Ghatikara như vậy.
Thợ gốm Ghatikara và thanh niên
Jotipala lấy đồ gãi lưng và bột tắm, đi đến sông để tắm. Rồi này
Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:
"– Này bạn Jotipala, chỗ này
cách tu viện Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không bao xa.
Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn
Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được
đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy".
Khi nghe nói vậy, này Ananda, thanh
niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
"– Thôi vừa rồi, bạn
Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì ?"
Lần thứ hai, này Ananda, ... (như trên)...
lần thứ ba này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:
"– Này bạn Jotipala, chỗ này
cách tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không bao
xa. Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế
Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được
yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy".
Lần thứ ba, này Ananda, thanh niên
Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
"– Thôi vừa rồi, bạn
Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì ?"
Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara nắm
lấy thanh niên Jotipala ở nơi cổ tay áo và nói:
"– Này bạn Jotipala, chỗ này
cách tu viện Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không bao xa.
Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn
Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được yết
kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy".
Rồi này Ananda, sau khi gỡ thoát cổ
áo, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
"– Thôi vừa rồi, bạn
Ghatikara, yết kiến vị Sa-môn đầu trọc ấy để làm gì ?
Rồi thợ gốm Ghatikara nắm lấy
tóc vừa mới tắm xong của thanh niên Jotipala và nói:
"– Này bạn Jotipala, chỗ này
cách tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không bao
xa. Này bạn Jotipala chúng ta hãy đi, chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn
Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được yết
kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác".
Rồi này Ananda, thanh niên Jotipala
suy nghĩ như sau: "Thật là vi diệu ! Thật là hy hữu ! Thợ gốm
Ghatikara tuy sanh thuộc hạ cấp, lại dám nghĩ có thể nắm lấy tóc của
ta, dầu ta vừa mới gội đầu, chắc việc này không phải là tầm thường",
rồi nói với thợ gốm Ghatikara:
"– Này bạn Ghatikara, có thật
sự là cần thiết không ?"
"– Này bạn Jotipala, thật sự
là cần thiết. Thật là tốt lành cho tôi được yết kiến Thế Tôn
Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác".
"– Vậy bạn Ghatikara, hãy thả
(tay) ra. Chúng ta sẽ đi".
Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara
và thanh niên Jotipala cùng đi đến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng
Giác. Sau khi đến, thợ gốm Ghatikara đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác rồi ngồi xuống một bên. Còn thanh niên Jotipala
thời nói lên những lời cháo đón hỏi thăm với Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm
thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, này Ananda, thợ gốm
Ghatikara bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:
"– Bạch Thế Tôn, đây là
thanh niên Jotipala, bạn của con, bạn thân tình của con. Mong Thế Tôn thuyết
pháp cho bạn con".
Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, với pháp thoại khích lệ làm cho thích thú,
làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala.
Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala, sau khi được Thế
Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác với pháp thoại, khích lệ, làm
cho thích thú, phấn khởi, hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế
Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh
lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, thân bên hữu hướng
về Ngài rồi ra đi.
Rồi này Ananda, thanh niên Jotipala
nói với thợ gốm Ghatikara:
"– Này bạn Ghatikara, khi nghe
pháp này, vì sao bạn không xuất gia" ?
"– Này bạn Jotipala, bạn
không biết tôi sao ? Tôi phải nuôi dưỡng cha mẹ già và mù lòa".
"– Vậy này bạn Ghatikara, tôi
sẽ xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình".
Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara
và thanh niên Jotipala đi đến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác,
sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, rồi
ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, này Ananda, thợ gốm Ghatikara bạch
Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:
"– Bạch Thế Tôn, đây là
thanh niên Jotipala, bạn của con, bạn thân tình của con. Mong Thế Tôn xuất
gia cho bạn con".
Và này Ananda, thanh niên Jotipala được
Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác cho xuất gia, cho thọ đại
giới. Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau
khi thanh niên Jotipala xuất gia chưa bao lâu, sau nửa tháng, sau khi ở tại
Vebhalinga lâu cho đến khi thấy tự thỏa mãn, liền du hành đi đến
Baranasi. Ngài tuần tự du hành và đến tại Baranasi (Ba-la-nại).
Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chành Đẳng Giác trú tại Baranasi, ở Isipatana, vườn Lộc Uyển.
Này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi được nghe như sau: "Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã đến Baranasi, trú tại Baranasi, Isipatana, vườn
Lộc Uyển. Rồi này Ananda, Kiki, vua nước Kasi cho thắng các cổ xe tối
thù thắng, sau khi tự mình leo lên một cổ xe thù thắng với các cổ xe
thù thắng đi ra khỏi thành Baranasi với đại uy vệ của nhà vua để yết
kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Vua đi xe cho đến chỗ
nào còn đi được xe, rồi xuống xe đi bộ, đi đến chỗ Thế Tôn Kassapa,
bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vua ngồi xuống một bên. Này Ananda, Thế Tôn
Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác với pháp thoại, khích lệ, làm cho
thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Kiki, vua xứ Kasi đang ngồi một
bên. Rồi Kiki, vua xứ Kasi, sau khi được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác với pháp thoại khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn
khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng
Giác:
"– Bạch Thế Tôn, mong Thế
Tôn nhận lời con mời ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo".
Và này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác im lặng nhận lời. Rồi này Ananda, sau khi được
biết Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nhận lời, từ
chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng
Giác, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Và này Ananda, Kiki, vua xứ
Kasi, sau khi đêm ấy đã mãn, tại trú xứ của mình, cho bày biện các món
ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, cơm vàng khô, các loại cari các
hột đen được gạn bỏ, và các món ăn gia vị, rồi báo thời giờ cho Thế
Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được biết:
"– Bạch Thế Tôn giờ đã đến,
cơm đã sẵn sàng".
Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú
xứ của Kiki, vua xứ Kasi, sau khi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn
cùng với chúng Tỷ-kheo. Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi tự tay thân hầu
và làm cho thỏa mãn chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, các
món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ
Kasi, khi Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã ăn xong, tay đã
rời khỏi bát, lấy một ghế thấp rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống
một bên, này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác:
"– Bạch Thế Tôn, mong Thế
Tôn nhận lời mời của con an cư mùa mưa tại Baranasi; sẽ có sự cúng dường
như vậy cho chúng Tỷ-kheo".
"– Thôi vừa rồi, Đại
vương, Ta đã nhận lời an cư mùa mưa rồi"
Lần thứ hai, này Ananda,... (như trên)...
Lần thứ ba, này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:
"– Bạch Thế Tôn, mong Thế
Tôn nhận lời mời của con, an cư mùa mưa tại Baranasi; sẽ có sự cúng dường
như vậy cho chúng Tỷ-kheo".
"– Thôi vừa rồi Đại
vương, Ta đã nhận lời an cư trong mùa mưa rồi".
Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi,
suy nghĩ như sau: "Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không
nhận lời mời của ta an cư mùa mưa ở Baranasi", vì vậy cảm thấy thất
vọng, ưu phiền. Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.
"– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn
có người đàn tín hộ trì hơn con ?"
"– Đại vương, có một thị
trấn tên là Vebhalinga. Tại đấy có thợ gốm tên là Ghatikara. Người ấy
là đàn tín hộ trì của Ta, một đàn tín hộ trì tối thượng. Đại
vương, Đại vương có nghĩ như sau: "Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác không nhận lời mời của ta an cư mùa mưa ở
Baranasi", do vậy, Đại vương cảm thấy thất vọng, ưu phiền. Nhưng
thợ gốm Ghatikara không có như vậy, và không sợ như vậy. Này Đại
vương, thợ gốm Ghatikara đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Này Đại
vương, thợ gốm Ghatikara từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ
bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này Đại
vương, thợ gốm Ghatikara thành tựu lòng tin bất thối chuyển đối với
Phật, đối với Pháp... đối với Tăng, thành tựu các giới được bậc
Thánh ái lạc. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara không có nghi ngờ đối
với Khổ, không có nghi ngờ đối với Khổ tập, không có nghi ngờ đối
với Khổ diệt, không có nghi ngờ đối với con Đường đưa đến khổ diệt.
Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara, ăn một ngày một bữa, sống Phạm hạnh,
có giới hạnh, theo thiện pháp. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara từ bỏ
ngọc và vàng, không có vàng và bạc. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara
không có tự tay đào đất hay đào với cái cuốc. Vị này vui lòng làm
thành ghè bát với đất lấy từ bờ đê bị sập xuống hay do chuột và
chó đào lên, và nói như sau: "Ở đây, nếu ai muốn, hãy bỏ vào từng
nhúm các loại gạo có vỏ, từng nhúm các loại đậu que (mugga ?), từng nhúm
các loại đậu hột (kalaya), và có thể lấy cái gì mình muốn". Này
Đại vương, thợ gốm Ghatikara nuôi dưỡng cha mẹ già và mù lòa. Này Đại
vương, thợ gốm Ghatikara sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được
hóa sanh, nhập Niết-bàn từ chỗ ấy, không phải trở lui đời này nữa.
"Một thời, này Đại vương,
Ta ở tại thị trấn Vabhalinga. Rồi này Đại vương, Ta vào buổi sáng đắp
y, cầm y bát, đi đến cha mẹ của thợ gốm Ghatikara, sau khi đến nói với
cha mẹ thợ gốm Ghatikara như sau:
"– Người thợ làm đồ gốm
đi đâu ?"
"– Bạch Thế Tôn, người đàn
tín hộ trì cho Thế Tôn đã đi khỏi và có dặn như sau: Hãy lấy cháo từ
nơi nồi, hãy lấy đồ ăn từ nơi chảo mà dùng".
"Rồi ta, này Đại vương, sau
khi lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong từ chỗ ngồi
đứng dậy rồi đi. Rồi này Đại vương, thợ gốm Ghatikara đi đến cha mẹ
sau khi đến, nói với cha mẹ như sau:
"– Ai đã lấy cháo từ nơi nồi,
lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi
?"
"– Này con, Thế Tôn Kassapa, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ
nơi chảo, ăn xong, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi".
"Rồi này Đại vương, thợ gốm
Ghatikara suy nghĩ như sau: "Thật là lợi ích cho ta, thật là khéo lợi
ích cho ta, đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tin tưởng
ta như vậy". Rồi này Đại vương, cho đến nửa tháng, hỷ lạc không
rời khỏi thợ gốm Ghatikara, hay cho đến một tuần (không rời khỏi) cha
mẹ (người thợ gốm).
"Một thời, này Đại Vương.
Ta trú ở thị trấn Vebhalinga, lúc bấy giờ, các cốc bị mưa dột, rồi
Ta, này Đại vương, gọi các Tỷ-kheo:
"– Hãy đi, này các Tỷ-kheo,
và xem tại nhà của thợ gốm Ghatikara có cỏ hay không ?
"Khi được nghe nói vậy, này
Đại vương, các Tỷ-kheo bạch với Ta:
"– Bạch Thế Tôn, tại nhà của
thợ gốm Ghatikara không có cỏ, nhưng nhà người ấy có mái cỏ".
"– Này các Tỷ-kheo, hãy đi và
rút cỏ từ ngôi nhà thợ gốm Ghatikara.
"Rồi này Đại vương, các Tỷ-kheo
ấy rút cỏ từ ngôi nhà thợ gốm Ghatikara. Này Đại vương, cha mẹ thợ
gốm Ghatikara nói với các Tỷ-kheo ấy:
"– Quý vị là ai lại rút cỏ
ngôi nhà ?"
"– Này Đại tỷ, ngôi nhà của
Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bị mưa dột".
"– Hãy lấy đi, chư Hiền giả
! Hãy lấy đi chư Hiền giả ! "
"Rồi này Đại vương, thợ gốm
Ghatikara đi đến cha mẹ, sau khi đến thưa với cha mẹ như sau:
"– Những ai đã rút cỏ khỏi
ngôi nhà ?"
"– Này Con, các Tỷ-kheo có
nói: Ngôi nhà của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bị mưa
dột".
"Rồi này Đại vương, thợ gốm
Ghatikara suy nghĩ như sau: "Thật là lợi ích cho ta, thật là khéo lợi
ích cho ta đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tin tưởng
ta như vậy".
"Rồi này Đại vương, cho đến
nửa tháng hỷ lạc không rời khỏi thợ gốm Ghatikara, hay cho đến một tuần,
(không rời khỏi) cha mẹ thợ gốm. Rồi suốt cả ba tháng trời, ngôi nhà
đứng lấy bầu trời làm mái, nhưng không có mưa rơi vào. Và như vậy, này
Đại vương, là người thợ gốm, Ghatikara.
"– Lợi ích thay, bạch Thế
Tôn, cho thợ gốm Ghatikara; thật khéo lợi ích thay, bạch Thế Tôn cho thợ
gốm Ghatikara, đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác
tin tưởng ! "
Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi,
cho người đưa đến thợ gốm Ghatikara, khoảng năm trăm xe gạo có vỏ, gạo
vàng khô và các món đồ ăn. Rồi này Ananda, những người nhà vua đi đến
thợ gốm Ghatikara và nói:
"– Này Tôn giả, năm trăm xe gạo
có vỏ, gạo vàng khô và các món đồ ăn này, do Kiki, vua xứ Kasi, gởi đến
cho Tôn giả, mong Tôn giả hãy nhận lấy".
"– Nhà vua rất nhiều phận sự,
rất nhiều việc cần phải làm. Thật là vừa đủ cho tôi, được nhà vua
nghĩ đến như thế này".
– Này Ananda, rất có thể Ông suy
nghĩ như sau: "Lúc bây giờ, thanh niên Jotipala có thể là một người
khác". Nhưng này Ananda, chớ có nghĩ như vậy. Lúc bấy giờ, Ta chính
là thanh niên Jotipala.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn
giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
82. KINH RATTHAPALA [^]
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn du hành ở giữa
dân chúng Kuru, cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đi đến một thị trấn của
dân chúng Kuru tên là Thullakotthita. Các Bà-la-môn, gia chủ ở Thullakotthita
được nghe như sau: "Sa-môn Gotama là Thích tử, Tôn giả xuất gia từ
dòng họ Sakya, du hành giữa dân chúng Kuru nay đã đến Thullakotthita với đại
chúng Tỷ-kheo. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được nói lên về Tôn giả
Gotama: "Đây là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,
Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài với thắng trí tự thân chứng ngộ thế
giới này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng
Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn
tuyên bố sự chứng ngộ ấy cho người khác. Ngài thuyết pháp, sơ thiện,
trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ, và giới thiệu đời sống
Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch". Tốt đẹp thay, sự chiêm
ngưỡng một vị A-la-hán như vậy".
Rồi các Bà-la-môn, gia chủ ở
Thullakotthita đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, một số người đảnh
lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Một số người nói lên những lời
chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, và sau khi nói lên những lời chào đón
hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Một số người chấp tay vái
chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Một số người xưng tên và dòng
họ rồi ngồi xuống một bên. Một số người yên lặng ngồi xuống một
bên.
Rồi Thế Tôn với pháp thoại
khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị
Bà-la-môn, gia chủ ở Thullakotthita đang ngồi một bên.
Lúc bấy giờ, một Thiện nam tử
tên là Ratthapala, con trai một gia đình thượng tộc ở chính tại
Thullakotthita ấy, đang ngồi trong hội chúng này. Rồi Thiện nam tử
Ratthapala suy nghĩ như sau: "Như ta được hiểu lời Thế Tôn thuyết
pháp, thời sống tại gia đình thật không dễ gì thực hành Phạm hạnh
hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn trong sạch, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta
hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa xuất gia từ bỏ gia đình, sống
không gia đình". Rồi các Bà-la-môn, gia chủ ở Thullakotthita, sau khi
được Thế Tôn với pháp thoại khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn
khởi, làm cho hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ
ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi
ra đi. Thiện nam tử Ratthapala sau khi các Bà-la-môn, gia chủ ra đi không bao
lâu, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi
xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Thiện nam tử Ratthapala bạch
Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, như con được
hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia đình thật không dễ
gì thực hành Phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn trong sạch, trắng
bạch như vỏ ốc. Con muốn, bạch Thế Tôn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo
cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Bạch Thế Tôn, mong
Thế Tôn cho con xuất gia dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn, cho con thọ đại
giới.
– Nhưng này Ratthapala, Ông có được
cha mẹ bằng lòng cho Ông xuất gia chưa ?
– Bạch Thế Tôn, con chưa được
cha mẹ bằng lòng cho con xuất gia.
– Này Ratthapala, Như Lai không có
cho ai xuất gia nếu không được cha mẹ người ấy bằng lòng.
– Như vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ
làm những gì cần thiết để cha mẹ bằng lòng cho con được xuất gia, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình.
Rồi Thiện nam tử Ratthapala từ chỗ
ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi
ra đi, đi đến cha mẹ, sau khi đến liền thưa với cha mẹ:
– Thưa Mẹ và Cha, như con được
hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia đình thật không dễ
gì thực hành Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn trong sạch, trắng bạch
như vỏ ốc. Con muốn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ
gia đình, sống không gia đình. Hãy bằng lòng cho con được xuất gia, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình.
Khi được nghe nói vậy, cha mẹ
Thiên nam tử Ratthapala nói với Thiện nam tử Ratthapala:
– Này con thân yêu Ratthapala, Con
là đứa con độc nhất của mẹ cha, khả ái, dễ thương, được sống
trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này con thân yêu Ratthapala,
Con không biết gì về đau khổ. Này con thân yêu Ratthapala hãy đến ăn, hãy
uống và hãy ăn chơi. Ăn, uống, ăn chơi, Con có thể thụ hưởng các ái dục
và sung sướng làm các phước đức. Chúng ta không bằng lòng cho Con được
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Con có chết, chúng
ta còn không muốn không có mặt Con, huống nay Con còn sống, chúng ta lại bằng
lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !
Lần thứ hai... (như trên)... Lần
thứ ba, Thiện nam tử Ratthapala thưa với mẹ cha:
– Thưa Mẹ và Cha, như con được
hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia thật không dễ gì thực
hành Phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như
vỏ ốc. Con muốn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình,
sống không gia đình. Hãy bằng lòng cho con được xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình.
Lần thứ ba, cha mẹ Thiện nam tử
Ratthapala nói với Thiện nam tử Ratthapala:
– Này con thân yêu Ratthapala, Con
là đứa con độc nhất của mẹ cha, khả ái, dễ thương, được sống
trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này con thân yêu Ratthapala,
Con không biết gì về đau khổ. Này con thân yêu Ratthapala, hãy đến ăn, hãy
sống và hãy vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Con có thể thụ hưởng các ái dục
và sung sướng làm các phước đức. Chúng ta không bằng lòng cho Con được
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Con có chết, chúng
ta còn không muốn không có mặt Con, huống nay Con còn sống, chúng ta lại bằng
lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !
Rồi Thiện nam tử Ratthapala không
được cha mẹ cho xuất gia, liền ngay tại chỗ ấy nằm xuống trên đất
trần và nói:
– Ta sẽ chết ở đây, hay được
xuất gia.
Rồi cha mẹ Thiện nam tử Ratthapala
nói với Thiện nam tử Ratthapala:
– Này con thân yêu Ratthapala, Con
là đứa con độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, được sống
trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc. Này con thân yêu Ratthapala,
Con không biết gì về đau khổ. Hãy đứng dậy, này con thân yêu Ratthapala,
hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Con có thể thụ hưởng
các ái dục và sung sướng làm các phước đức. Chúng ta không bằng lòng
cho Con được xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Con có
chết, chúng ta còn không muốn không có mặt Con, huống nay Con còn sống,
chúng ta lại bằng lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình !
Khi được nghe nói vậy, Thiện nam
tử Ratthapala giữ im lặng. Lần thứ hai... (như trên)... Lần thứ ba, cha mẹ
Thiện nam tử Ratthapala nói với Thiện nam tử Ratthapala:
– Này con thân yêu Ratthapala, Con
là đứa con độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, sống trong an lạc,
được nuôi dưỡng trong an lạc. Này con thân yêu Ratthapala, Con không biết
gì về đau khổ. Hãy đứng dậy, này con thân yêu Ratthapala, hãy ăn, hãy uống,
hãy vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Con có thể thụ hưởng cái ái dục và
sung sướng làm các phước đức. Chúng ta không bằng lòng cho Con được xuất
gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Con có chết, chúng ta còn
không muốn không có mặt Con, huống nay Con còn sống, chúng Ta lại bằng
lòng cho Con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !
Lần thứ ba, Thiện nam tử
Ratthapala giữ im lặng.
Rồi cha mẹ Thiện nam tử Ratthapala
liền đi đến các thân hữu của Thiện nam tử Ratthapala, và nói:
– Này các Thân hữu, Thiện nam tử
Ratthapala nằm trên đất trần và nói: "Ở đây, ta sẽ chết, hay được
xuất gia". Này các Con thân mến, hãy đi đến Thiện nam tử Ratthapala,
sau khi đến hãy nói với Thiện nam tử Ratthapala: "Này bạn Ratthapala, Bạn
là con độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, được sống trong an lạc,
được nuôi dưỡng trong an lạc. Này bạn Ratthapala, Bạn không biết gì về
đau khổ. Hãy đứng dậy bạn Ratthapala, hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi.
Ăn, uống, vui chơi, Bạn có thể thụ hưởng các ái dục và sung sướng làm
phước đức, cha mẹ không bằng lòng cho Bạn được xuất gia, từ bỏ gia
đình, sống không gia đình. Nếu Bạn có chết đi, cha mẹ còn không muốn
không có mặt Bạn, huống nay Bạn còn sống, cha mẹ Bạn lại bằng lòng
cho Bạn được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình ! "
Rồi những người bạn của Thiện
nam tử Ratthapala vâng theo lời cha mẹ của Thiện nam tử Ratthapala, đi đến
chỗ Thiện nam tử Ratthapala, sau khi đến liền nói:
– Này bạn Ratthapala, Bạn là con
độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, được sống trong an lạc,
được nuôi dưỡng trong an lạc. Này bạn Ratthapala, Bạn không biết gì về
đau khổ. Hãy đứng dậy, bạn Ratthapala, hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi.
Ăn, uống, vui chơi, Bạn có thể thụ hưởng các ái dục và sung sướng làm
các phước đức. Cha mẹ không bằng lòng cho phép Bạn được xuất gia, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Bạn có chết đi, cha mẹ còn
không muốn không có mặt Bạn, huống nay Bạn còn sống, cha mẹ Bạn lại
bằng lòng cho Bạn được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình
!
Khi được nghe nói vậy, Thiện nam
tử Ratthapala giữ im lặng. Lần thứ hai... (như trên)... Lần thứ ba, những
người bạn của Thiện nam tử Ratthapala, nói với Thiện nam tử Ratthapala:
– Này bạn Ratthapala, Bạn là con
độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, được sống trong an lạc,
được nuôi dưỡng trong an lạc. Này bạn Ratthapala, Bạn không biết gì về
đau khổ. Hãy đứng dậy, bạn Ratthapala, hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi.
Ăn uống, vui chơi, Bạn có thể thụ hưởng các ái dục, và sung sướng làm
các phước đức. Cha mẹ không bằng lòng cho phép Bạn được xuất gia, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình. Nếu Bạn chết đi, cha mẹ còn không muốn
không có mặt Bạn, huống nay Bạn còn sống, cha mẹ Bạn lại bằng lòng
cho phép Bạn được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình !
Lần thứ ba, Thiện nam tử
Ratthapala giữ im lặng.
Rồi các thân hữu của Thiện nam tử
Ratthapala đi đến cha mẹ Thiện nam tử Ratthapala, sau khi đến liền thưa:
– Thưa Mẹ và Cha, Thiện nam tử
Ratthapala đang nằm xuống trên đất trần kia và nói: "Ở đây, ta sẽ
chết, hay được xuất gia". Nếu Cha Mẹ không bằng lòng cho Thiện nam
tử Ratthapala xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, thời
Ratthapala sẽ chết ở tại chỗ ấy. Còn nếu Cha Mẹ bằng lòng cho Thiện
nam tử Ratthapala xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, thời Cha
Mẹ có thể thấy Ratthapala sau khi xuất gia. Nếu Thiện nam tử Ratthapala
không cảm thấy hoan hỷ trong khi xuất gia tử bỏ gia đình, sống không gia
đình, thời Ratthapala không còn con đường nào đi khác hơn. Ratthapala sẽ
trở lại ở đây. Hãy bằng lòng cho phép Thiện nam tử Ratthapala xuất gia,
từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
– Này các con thân mến, chúng ta bằng
lòng cho phép Thiện nam tử Ratthapala xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình, nhưng sau khi xuất gia, cần phải về thăm cha mẹ.
Rồi những thân hữu của Thiện
nam tử Ratthapala, đi đến Thiện nam tử Ratthapala, sau khi đến, liền nói:
– Này bạn Ratthapala, Bạn là con
độc nhất của cha mẹ, khả ái, dễ thương, sống trong an lạc, được nuôi
dưỡng trong an lạc. Này bạn Ratthapala, Bạn không biết gì về đau khổ. Hãy
đứng dậy, ăn, uống, và vui chơi. Ăn, uống, vui chơi, Bạn có thể thụ hưởng
các ái dục, và sung sướng làm các phước đức. Cha mẹ Bạn đã bằng
lòng cho phép được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, và
sau khi xuất gia, cần phải về thăm cha mẹ.
Rồi thiện nam tử Ratthapala, sau khi
đứng dậy, sau khi lấy lại sức lực, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến
đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Thiện
nam tử Ratthapala bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con đã được mẹ
cha bằng lòng cho phép con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình. Thế Tôn hãy xuất gia cho con.
Và Thiện nam tử Ratthapala được
xuất gia dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn và được thọ đại giới.
Rồi Thế Tôn, sau khi Tôn giả
Ratthapala thọ đại giới không bao lâu, nửa tháng sau khi thọ đại giới,
sau khi ở tại Thullakotthita cho đến khi thỏa mãn, liền khởi hành đi đến
Savatthi, tuần tự du hành và đến Savatthi. Ở đấy, Thế Tôn trú tại
Savatthi, Jetavana, tu viện của Anathapindika. Rồi Tôn giả Ratthapala sống một
mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh tấn, không bao lâu đạt
được mục đích mà các Thiện nam tử chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình,
sống không gia đình hướng đến, tức là tự chứng ngộ với thắng trí,
chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh.
Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên
làm đã làm, không còn phải trở lui ở đời này nữa". Tôn giả
Ratthapala trở thành một vị A-la-hán nữa.
Rồi Tôn giả Ratthapala đi đến Thế
Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống
một bên, Tôn giả Ratthapala bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con muốn đi
thăm cha mẹ, nếu Thế Tôn cho phép con.
Thế Tôn với tâm của mình tìm hiểu
tâm tư Tôn giả Ratthapala. Khi Thế Tôn được biết Thiện nam tử Ratthapala
không thể từ bỏ tu học, trở lại hoàn tục, liền nói với Tôn giả
Ratthapala:
– Này Ratthapala, nay Ông hãy làm những
gì Ông nghĩ là hợp thời.
Rồi Tôn giả Ratthapala từ chỗ ngồi
đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về Thế Tôn, sau khi
thâu xếp chỗ ở, cầm y bát và khởi hành đi đến Thullakotthita, tuần tự
du hành và đến Thullakotthita. Ở đấy, Tôn giả Ratthapala trú tại vườn Lộc
Uyển của vua Koravya. Rồi tôn giả Ratthapala vào buổi sáng đắp y, cầm bát,
đi vào Thullakotthita để khất thực. Tôn giả đi khất thực từng nhà một
ở Thullakotthita và đến tại nhà người cha mình. Lúc bấy giờ người cha
của Tôn giả Ratthapala đang chải tóc ở giữa gian phòng có cửa. Người
cha của Tôn giả Ratthapala thấy Tôn giả Ratthapala từ xa đi đến, và nói.
– Chính vì những Sa-môn đầu trọc
này mà đứa con độc nhất của chúng ta, khả ái, dễ thương đã xuất
gia.
Và Tôn giả Ratthapala từ ngôi nhà
của cha mình, không được bố thí, không nhận được lời từ chối chỉ
nhận được lời sĩ nhục.
Lúc bấy giờ, người nữ tỳ thân
gia của Tôn giả Ratthapala muốn quăng đổ cháo ngày hôm qua. Tôn giả
Ratthapala nói với người nữ tỳ ấy:
– Này Chị, nếu cần phải quăng
đổ cháo này, hãy đổ vào bát của tôi ở đây.
Rồi người nữ tỳ, trong khi đổ
cháo ngày hôm qua ấy vào bát của Tôn giả Ratthapala, nhận diện được
tướng tay, chân và giọng nói của Tôn giả. Người nữ tỳ liền đi đến
người mẹ của Tôn giả Ratthapala, sau khi đến nói với người mẹ của Tôn
giả Ratthapala:
– Thưa tôn mẫu, tôn mẫu có biết
chăng, cậu ấm (ayyaputta) Ratthapala đã trở về.
– Nếu Ngươi nói đúng sự thật,
Ngươi sẽ được thoát khỏi phận nô tỳ.
Rồi mẹ Tôn giả Ratthapala đi đến
cha Tôn giả Ratthapala và nói:
– Thưa Gia chủ, Gia chủ có biết
chăng, Thiện nam tử Ratthapala đã trở về.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Ratthapala
đang ăn cháo ngày hôm qua ấy, ngồi dựa vào một bức tường. Rồi người
cha đến tại chỗ của Tôn giả Ratthapala, sau khi đến liền nói với Tôn
giả Ratthapala:
– Này con thân yêu Ratthapala, có phải
Con đang ăn cháo ngày hôm qua ? Này con thân yêu Ratthapala, Con phải vào nhà
của Con.
– Thưa Gia chủ, chỗ nào là nhà của
chúng tôi, những người xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình ?
Chúng tôi là những người không gia đình, thưa Gia chủ ! Chúng tôi có đến
nhà của Gia chủ, thưa Gia chủ, nhưng tại đấy, chúng tôi không nhận được
bố thí, không nhận được lời từ chối, chỉ nhận được lời sỉ nhục.
– Hãy đi vào nhà, này con thân
yêu Ratthapala.
– Thưa Gia chủ, thôi vừa rồi !
Hôm nay tôi đã ăn xong.
– Vậy này con thân yêu Ratthapala,
hãy nhận lời mời ngày mai đến dùng cơm.
Tôn giả Ratthapala im lặng nhận lời.
Rồi người cha của Tôn giả Ratthapala, sau khi được biết Tôn giả
Ratthapala đã nhận lời liền về đến nhà của mình, cho chất vàng nén
và tiền vàng thành một đống lớn, lấy màn che lại, và cho gọi các người
vợ cũ của Tôn giả Ratthapala:
– Này các Con dâu, hãy tự trang
điểm với những trang điểm mà xưa kia các Con được Thiện nam tử
Ratthapala ái lạc và ưa thích.
Rồi người cha của Tôn giả
Ratthapala, sau khi đêm ấy đã mãn, sau khi cho sửa soạn trong nhà của mình,
các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, liền báo giờ cho Tôn giả
Ratthapala:
– Đã đến giờ, này con thân yêu
Ratthapala, cơm đã sẵn sàng.
Rồi Tôn giả Ratthapala vào buổi
sáng đắp y, cầm bát đi đến ngồi nhà của người cha mình, sau khi đến
ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi người cha của Tôn giả
Ratthapala cho trình bày ra đống vàng nén và tiền vàng và nói với Tôn giả
Ratthapala:
– Này con thân yêu Ratthapala, đây
là tiền tài của mẹ, kia là tiền tài của cha, kia là tiền tài của tổ
tiên. Này con thân yêu Ratthapala, Con có thể thụ hưởng tài vật và làm
các phước đức. Này con thân yêu Ratthapala, hãy từ bỏ tu học, hoàn tục
thụ hưởng các tài vật và làm các phước đức.
– Thưa Gia chủ, nếu Gia chủ làm
theo lời nói của tôi, sau khi chồng chất đống vàng nén và tiền vàng
này vào trong các xe, sau khi cho chở và hạ xuống giữa sông Hằng, hãy đổ
đống vàng này vào giữa dòng sông. Vì sao vậy ? Này Gia chủ, vì do nhân
duyên này, mà sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ khởi lên cho Gia chủ.
Rồi những người vợ cũ của Tôn
giả Ratthapala ôm mỗi chân (Tôn Giả) và nói:
– Thưa Phu quân (ayyaputtaka) vì
Thiên nữ nào mà Phu quân sống Phạm hạnh ?
– Các Bà chị, không phải vì
Thiên nữ nào mà chúng tôi sống Phạm hạnh.
– Phu quân Ratthapala đối với chúng
ta gọi chúng ta là bà chị.
Nói lên như vậy, (các người vợ
cũ) liền ngã xuống đất, bất tỉnh.
Rồi Tôn giả Ratthapala nói với phụ
thân:
– Thưa Gia chủ, nếu Gia chủ muốn
bố thí đồ ăn thời hãy bố thí đi, chớ có phiền nhiễu chúng tôi.
– Hãy ăn, này con thân yêu
Ratthapala, cơm đã sẵn sàng.
Rồi người cha của Tôn giả
Ratthapala tự tay thân mời và làm cho thỏa mãn Tôn giả Ratthapala với các
món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm.
Rồi Tôn giả Ratthapala sau khi ăn
xong, tay đã rời khỏi bát, đứng dậy và nói bài kệ sau đây:
- Hãy nhìn hình bóng trang sức này,
- Một nhóm vết thương được tích tụ,
- Bệnh nhiều, tham tưởng cũng khá nhiều,
- Nhưng không gì kiên cố, thường trú.
- Hãy nhìn dung mạo trang sức này,
- Với các châu báu, với vòng tai,
- Một bộ xương được da bao phủ,
- Được y phục làm cho sáng chói.
- Chân được sơn với son với sáp,
- Mặt được thoa với phấn, với bột,
- Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
- Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
- Tóc được uốn bảy vòng, bảy lớp,
- Mắt được xoa với thuốc, với son,
- Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
- Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
- Như hộp thuốc trang hoàng mới mẻ,
- Là uế thân được điểm thời trang,
- Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
- Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
- Người thợ săn đặt bày lưới sập,
- Loài nai (khôn) chẳng chạm bén chân,
- Ăn lúa xong, chúng ta lên đường,
- Mặc cho kẻ bắt nai than khóc.
Tôn giả Ratthapala đọc bài kệ
xong đứng dậy, liền đi đến vườn Lộc Uyển của vua Koravya, sau khi đến
liền ngồi xuống nghỉ trưa dưới một gốc cây.
Rồi vua Koravya nói với người thợ
săn:
– Này Thợ Săn, hãy dọn dẹp đất
vườn ở Lộc Uyển, ta muốn đi thăm viếng cảnh đẹp.
– Thưa vâng, Đại vương.
Người thợ săn vâng đáp vua
Koravya, trong khi dọn dẹp vườn Nai, thấy Tôn giả Ratthapala đang ngồi dưới
gốc cây để nghỉ trưa. Sau khi thấy vậy, người ấy liền đến vua
Koravya, sau khi đến liền tâu vua Koravya:
– Tâu Đại vương, vườn Nai đã
được dọn dẹp. Và ở đấy có Thiện nam tử tên là Ratthapala là con một
thế gia ở Thullakotthita mà Đại vương thường hay tán thán, vị ấy đang
ngồi dưới một gốc cây để nghỉ trưa.
– Này Thợ săn, hôm nay thế là vừa
đủ về vườn cảnh. Nay chúng ta muốn cung kính cúng dường Tôn giả
Ratthapala.
Rồi vua Koravya, sau khi nói: "Ở
đây, hãy đem bố thí tất cả món ăn đã soạn sẵn, loại cứng và loại
mềm", ra lệnh cho thắng nhiều cỗ xe thù thắng, leo lên một cỗ xe
thù thắng, liền cùng với các cỗ xe đi ra khỏi Thullakotthita để yết kiến
Tôn giả Ratthapala với đại uy phong của bậc đế vương. Sau khi cỡi xe
cho đến chỗ đất còn có thể cỡi xe được, Ngài xuống xe, đi bộ, cùng
với hàng tùy tùng vương hầu, đến chỗ của Tôn giả Ratthapala, sau khi đến,
nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả Ratthapala, sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền đứng một bên. Đứng
một bên, vua Koravya bạch Tôn giả Ratthapala:
– Ở đây xin mời Tôn giả
Ratthapala ngồi xuống trên nệm voi.
– Thôi vừa rồi, Đại vương ! Đại
vương hãy ngồi. Tôi đã ngồi trên chỗ ngồi của tôi.
Rồi vua Koravya ngồi trên chỗ ngồi
đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, vua Koravya bạch Tôn giả Ratthapala:
– Bạch Tôn giả Ratthapala, có bốn
sự suy vong này. Chính do thành tựu bốn sự suy vong này mà ở đây, có người
cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không
gia đình. Thế nào là bốn ? Lão suy vong, bệnh suy vong, tài sản suy vong,
thân tộc suy vong. Này Tôn giả Ratthapala, thế nào là lão suy vong ? Ở đây,
thưa Tôn giả Ratthapala có người niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng
thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Vị ấy suy tư như sau:
"Nay ta đã già, niên cao lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã
sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Thật không dễ gì cho ta thâu được các
tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã
thâu hoạch. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ
gia đình, sống không gia đình". Vị này, do thành tựu lão suy vong nên
cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không
gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala được gọi là lão suy vong. Nhưng
Tôn giả Ratthapala nay còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh,
trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời; Tôn giả Ratthapala đâu có
lão suy vong ? Vậy Tôn giả Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì, hay đã
nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình ?
Và thưa Tôn giả Ratthapala, thế
nào là bệnh suy vong ? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala, có người bị bệnh,
khổ đau, mang trọng bệnh. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị bệnh, khổ
đau, mang trọng bệnh, thật không dễ gì cho ta thâu được các tài vật chưa
thâu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã thâu hoạch được.
Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống
không gia đình". Vị này do thành tựu bệnh suy vong nên cạo bỏ râu
tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy,
thưa Tôn giả Ratthapala, được gọi là bệnh suy vong. Nhưng Tôn giả
Ratthapala nay ít bệnh, ít não, tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh,
không quá nóng; Tôn giả Ratthapala đâu có bệnh suy vong ? Tôn giả Ratthapala
đã biết gì, đã thấy gì hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống
không gia đình ?
Và thưa Tôn giả Ratthapala, thế
nào là tài sản suy vong ? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala có người giàu
sang, tiền của nhiều, tài vật nhiều, và những tài vật của vị ấy dần
dần đi đến chỗ suy vong. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta trước đây
giàu sang, tiền của nhiều, tài sản nhiều. Những tài vật ấy của ta dần
dần đã đi đến suy vong. Thật không dễ gì cho ta thâu được những tài
vật chưa thâu hoạch được, hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã
thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia
từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Vị này do thành tựu tài suy
vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống
không gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala được gọi là tài suy
vong. Nhưng Tôn giả Ratthapala chính tại Thullakotthita này, là con của một lương
gia đệ nhất; Tôn giả Ratthapala đâu có tài sản suy vong ? Tôn giả
Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ
gia đình, sống không gia đình ?
Và này Tôn giả Ratthapala, thế nào
là thân tộc suy vong ? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala có người có nhiều
thân hữu quen biết, bà con huyết thống, những thân hữu quyến thuộc của
người ấy dần dần đi đến chỗ suy vong. Người ấy suy tư như sau:
"Trước kia, ta có nhiều người thân hữu quen biết, bà con huyết thống.
Những thân hữu quyến thuộc ấy của ta dần dần đi đến chỗ suy vong.
Thật không dễ gì cho ta thâu được những tài vật chưa thâu hoạch được,
hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy
cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không
gia đình". Vị này do thành tựu thân tộc suy vong nên cạo bỏ râu
tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy,
thưa Tôn giả Ratthapala, được gọi là thân tộc suy vong. Nhưng Tôn giả
Ratthapala ở chính tại Thullakotthita này, có nhiều thân hữu quen biết, bà
con huyết thống, Tôn giả Ratthapala đâu có thân tộc suy vong ? Vậy Tôn giả
Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia
đình, sống không gia đình ?
– Thưa Tôn giả Ratthapala, đây là
bốn loại suy vong, do thành tựu bốn loại suy vong này mà ở đây, có người
cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không
gia đình; Tôn giả Ratthapala đâu có những loại ấy ? Vậy Tôn giả đã biết
gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống không
gia đình ?
– Thưa Đại vương, có bốn sự
thuyết giáo Chánh pháp, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến giả, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe
thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Thế nào là bốn ?
"Thế giới là vô thường, đi
đến hủy diệt", thưa Đại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ
nhất, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác,
thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. "Thế giới là vô hộ,
vô chủ", thưa Đại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ hai, do
Thế Tôn, bậc Tri Giả. Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết
giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất
gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. "Thế giới là vô sở hữu,
ra đi cần phải từ bỏ tất cả", thưa Đại vương đó là thuyết
giáo Chánh pháp thứ ba, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy, tôi nghe
thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
"Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái", thưa Đại
vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ tư, do Thế Tôn, bậc Tri Giả,
Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi
thấy, tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống
không gia đình. Thưa Đại vương, đây là bốn sự thuyết giáo Chánh pháp,
được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác
giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất
gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
– Tôn giả Ratthapala đã nói:
"Thế giới là vô thường đi đến hủy diệt, " ý nghĩa của lời
nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala ?
– Thưa Đại vương, Đại vương
nghĩ thế nào ? Khi Ngài 20 tuổi, hay 25 tuổi, Ngài có thiện nghệ về voi,
thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ
về kiếm, bắp vế mạnh và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ
trong nghề đánh giặc?
– Thưa Tôn giả Ratthapala, khi tôi
được 20 hay 25 tuổi, tôi thiện nghệ về voi, tôi thiện nghệ về ngựa,
thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh,
và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc. Có
đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapala, tôi cảm thấy có thần lực và xem không
ai có thể bằng tôi về sức mạnh.
– Thưa Đại vương, Đại vương
nghĩ thế nào ? Nay Đại vương vẫn còn bắp vế mạnh, cánh tay mạnh, có
khả năng và thiện nghệ đánh giặc như vậy không ?
– Không như vậy, thưa Tôn giả
Ratthapala, nay tôi đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng,
đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung, gần 80 tuổi thọ. Có đôi lúc, thưa
Tôn giả Ratthapala, tôi nghĩ: "Ở đây, ta sẽ bước chân", nhưng tôi
lại bước chân tại chỗ khác.
– Chính liên hệ với nghĩa này,
này Đại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh
Đẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt",
và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy đã xuất gia từ bỏ
gia đình, sống không gia đình.
– Thật vi diệu thay, Tôn Giả
Ratthapala ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala ! Ý nghĩa này được Thế Tôn,
bậc Tri Giả, Kiến Giả, Bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói:
"Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt". Thật vậy, thưa Tôn
giả Ratthapala, thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt. Nhưng thưa Tôn
giả Ratthapala, ở vương quốc này, có đội quân voi, cũng có đội quân ngựa,
cũng có đội quân xa, cũng có đội quân bộ, nếu chúng tôi gặp nguy khốn
thời các đội quân bảo vệ chúng tôi. Tôn giả Ratthapala đã nói: "Thế
giới là vô hộ, vô chủ", ý nghĩa của lời nói này, cần phải được
hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala ?
– Thưa Đại vương, Đại vương
nghĩ thế nào ? Đại vương có mắc chứng bệnh kinh niên nào không ?
– Thưa Tôn giả Ratthapala, tôi có
bệnh phong kinh niên. Nhiều khi, thân hữu quen biết, bà con huyết thống đứng
xung quanh tôi và nói: "Nay vua Koravya sẽ mệnh chung, nay vua Koravya sẽ mệnh
chung".
– Thưa Đại vương, Đại vương
nghĩ thế nào ? Đại vương có thể nói chăng, với các thân hữu quen biết,
bà con huyết thống của Đại vương: "Mong rằng Tôn giả thân hữu
quen biết, bà con huyết thống làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi ! Mong tất
cả hãy san sẻ cảm thọ này, để tôi có thể có một cảm thọ nhẹ
nhàng hơn"; hay là Đại vương chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một
mình ?
– Thưa Tôn giả Ratthapala, tôi
không có thể nói với các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của
tôi: "Mong rằng các Tôn giả thân hữu quen biết, bà con huyết thống
làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi. Mong tất cả hãy san sẻ cảm thọ này
để có thể có một cảm thọ nhẹ nhàng hơn"; và tôi chỉ có thể thọ
lãnh cảm thọ ấy một mình".
– Chính liên hệ với nghĩa này,
này Đại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh
Đẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô hộ, vô chủ", và tôi sau
khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy đã xuất gia từ bỏ gia đình,
sống không gia đình.
– Thật vi diệu thay, Tôn giả
Ratthapala ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala ! Ý nghĩa này được Thế Tôn
bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói:
"Thế giới là vô hộ, vô chủ". Thật vậy, thưa Tôn giả
Ratthapala, thế giới là vô hộ, vô chủ. Nhưng thưa Tôn giả Ratthapala, ở
vương quốc này có rất nhiều vàng nén và tiền vàng dưới đất và trên
mặt đất". Tôn giả Ratthapala đã nói: "Thế giới là vô sở hữu,
ra đi cần phải từ bỏ tất cả". Ý nghĩa của lời nói này cần phải
được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala ?
– Thưa Đại vương, Đại vương
nghĩ thế nào ? Dầu cho nay Đại vương sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc
năm món dục trưởng dưỡng, Đại vương có thể nói được như sau:
"Chính như vậy, tôi thọ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng
dưỡng này"; hay là người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn Đại
vương sẽ phải đi theo nghiệp của mình ?
– Thưa Tôn giả Ratthapala, dầu cho
nay tôi sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng. Tôi
không có thể nói được như sau: "Chính như vậy tôi thọ hưởng mãn
túc, cụ túc năm món dục trưởng này". Chính người khác sẽ thọ hưởng
tài sản này, còn tôi phải đi theo nghiệp của tôi.
– Chính liên hệ với nghĩa này,
này Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra
đi, từ bỏ tất cả". Và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe
như vậy, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
– Thật vi diệu thay, Tôn giả
Ratthapala ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala ! Ý nghĩa này được Thế Tôn
bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói:
"Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả". Thật
vậy thưa Tôn giả Ratthapala thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ
bỏ tất cả. Tôn giả Ratthapala đã nói: "Thế giới là thiếu thốn,
khao khát, nô lệ cho tham ái". Ý nghĩa của lời nói này cần phải được
hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala ?
– Thưa Đại vương, Đại vương
nghĩ thế nào ? Có phải Đại vương trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh
?
– Thưa vâng, Tôn giả Ratthapala.
Tôi trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh.
– Thưa Đại vương, Đại vương
nghĩ thế nào ? Nếu có người đáng tin cậy, chánh trực đến với Đại
vương từ phương Đông, và sau khi đến tâu với Đại Vương: "Tâu Đại
vương, Đại vương có biết chăng ? Tôi từ phương Đông lại. Ở đấy, tôi
có thấy một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư trù mật. Tại
đấy có nhiều đội voi, đội ngựa, đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều
ngà voi, tại đấy có nhiều vàng nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có
nhiều phụ nữ. Và có thể chinh phục quốc độ ấy với vũ lực như thế
ấy. Tâu Đại vương, hãy đi chinh phục !" Đại vương sẽ hành động
như thế nào ?
– Thưa Tôn giả Ratthapala, sau khi
chinh phục, quốc độ ấy tôi sẽ trị vì.
– Thưa Đại vương, Đại vương
nghĩ thế nào? Ở đây có người đến với Đại vương từ phương Tây
... (như trên) ... từ phương Bắc ... (như trên) ... từ phương Nam ... (như
trên) ... từ bờ biển bên kia, người ấy đáng tin cậy, chánh trực, tâu
với Đại vương: "Tâu Đại vương, Đại vương có biết chăng? Tôi từ
bờ biển bên kia lại. Ở đây, tôi thấy có một quốc độ lớn, phú cường,
phồn thịnh, dân cư trù mật. Tại đấy có nhiều đội voi, đội ngựa,
đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều ngà voi. Tại đấy có nhiều vàng
nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có nhiều phụ nữ. Và có thể chinh
phục quốc độ ấy với vũ lực như thế ấy. Tâu Đại vương , hãy đi
chinh phục". Đại vương sẽ hành động như thế nào?
– Thưa Tôn giả Ratthapala, sau khi
chinh phục, tôi sẽ trị vì.
– Chính liên hệ với nghĩa này,
này Đại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh
Đẳng Giác đã nói: "Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho
tham ái, " và tôi sau khi biết, sau khi thấy, sau khi nghe như vậy, đã xuất
gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
– Thật vi diệu thay, Tôn giả
Ratthapala ! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala ! Ý nghĩa này được Thế Tôn,
bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói:
"Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái". Thật vậy,
thưa Tôn giả Ratthapala, thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho
tham ái.
Tôn giả Ratthapala đã giảng như vậy,
sau khi giảng như vậy xong, lại nói thêm như sau:
- Ta thấy người giàu sang ở đời,
- Có của vì si không bố thí.
- Vì tham, họ tích tụ tài vật,
- Và chạy theo dục vọng càng nhiều.
- Dùng bạo lực, chinh phục quả đất,
- Vua trị vì cho đến hải biên,
- Không thỏa mãn bờ biển bên này,
- Và chạy theo bờ biển bên kia.
- Vua cùng rất nhiều loại người khác,
- Ái chưa ly, mạng chung đã đến,
- Bị thiếu thốn, không bỏ thân họ,
- Không thỏa mãn lòng dục ở đời.
- Quyến thuộc tán loạn, khóc người ấy:
- "Than ôi, người ấy không bất tử ! ".
- Mạng thân người ấy vải bao phủ,
- Họ đốt lửa làm lễ hỏa thiêu.
- Bị thọc với cây, người ấy cháy,
- Độc mảnh vải, bỏ tiền của lại.
- Ở đây, quyến thuộc cùng thân hữu,
- Không nơi nương tựa cho kẻ chết.
- Kẻ thừa tự, nhận mang tài sản,
- Riêng con người, theo nghiệp phải đi,
- Tiền của đâu có theo người chết,
- Cả vợ con, tài sản, quốc độ.
- Tài sản không mua được trường thọ,
- Phú quý không tránh được già suy,
- Kẻ trí nói đời này thật ngắn,
- Thật vô thường, biến đổi luôn luôn.
- Kẻ giàu, kẻ nghèo đều cảm xúc,
- Người ngu, kẻ trí đồng cảm thọ,
- Kẻ ngu bị ngu đánh nằm ngã,
- Bậc trí cảm xúc, không run sợ.
- Do vậy, trí tuệ thắng tài vật,
- Nhờ trí, ở đây được viên thành.
- Không thành mãn trong hữu, phi hữu,
- Kẻ ngu tạo tác các ác nghiệp.
- Nhập thai thác sanh thế giới khác,
- Người ấy luân hồi, tiếp tục sanh,
- Kẻ thiểu trí chắc hẳn phải là
- Nhập thai và sanh thế giới khác.
- Như kẻ trộm bị bắt khi trộm,
- Ác tánh hại mình do tự nghiệp,
- Chúng sanh cũng vậy chết đời khác,
- Ác tánh hại mình, do tự lực.
- Dục vọng nhiều loại, ngọt, khả ái,
- Nhiễu loạn tâm dưới nhiều hình thức,
- Thấy hoạn nạn trong dục trưởng dưỡng,
- Nên tôi xuất gia, tâu Đại vương !
- Như quả từ đây, người bị rụng,
- Cả già lẫn trẻ, khi thân hoại,
- Do thấy chính vậy, tôi xuất gia,
- Hạnh Sa-môn phải là tối thắng,
- Thưa Đại vương !