...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Kinh Trung bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
Phần XV
(68) Kinh Nalakapana
(69) Kinh Gulissani
(70) Kinh Kitagiri
(71) Kinh Vacchagotta về tam minh
(72) Kinh Vacchagotta về lửa
(73) Đại kinh Vacchagotta
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kosala
(Câu-tát-la) tại Nalakapana, rừng cây Palasa. Lúc bấy giờ nhiều
Thiện gia nam tử có danh tiếng, vì lòng tin Thế Tôn, đã xuất gia,
từ bỏ gia đình, sống không gia đình, như Tôn giả Anuruddha
(A-na-luật-đà) Tôn giả Nandiya, Tôn giả Kimbila, Tôn giả Bhagu, Tôn
giả Kundadhana, Tôn giả Revata, Tôn giả Ananda và một số Thiện gia nam
tử danh tiếng khác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn ngồi ở giữa trời,
có chúng Tỷ-kheo vây quanh. Rồi Thế Tôn nhân vì các Thiện gia nam
tử ấy, bảo các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, các Thiện gia nam tử ấy vì
lòng tin Ta đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này
các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy có hoan hỷ trong Phạm hạnh không ?
Khi được nói vậy, các Tỷ-kheo ấy giữ im lặng. Lần
thứ hai... (như trên)... lần thứ ba, Thế Tôn, nhân vì các Thiện gia
nam tử ấy, bảo các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, các Thiện gia nam tử ấy vì
lòng tin Ta đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này
các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy có hoan hỷ trong Phạm hạnh không ?
Cho đến lần thứ ba, các Tỷ-kheo ấy giữ im lặng.
Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: "Nay Ta hãy hỏi các
Thiện gia nam tử ấy". Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Anuruddha:
Này các Anuruddha, các Ông có hoan hỷ trong phạm
hạnh không ?
Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con hoan hỷ trong Phạm
hạnh.
Lành thay, lành thay, các Anuruddha. Này các
Anuruddha, thật xứng đáng cho các Ông, những Thiện gia nam tử, vì
lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông có
hoan hỷ trong Phạm hạnh. Này các Anuruddha, trong khi các Ông với tuổi
trẻ tốt đẹp, trong tuổi thanh xuân, với tóc đen nhánh, có thể
hưởng thụ các dục lạc, thời các Ông, này các Anuruddha, với
tuổi trẻ tốt đẹp, trong tuổi thanh xuân, với tóc đen nhánh, lại
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này các Anuruddha, các
Ông không vì mệnh lệnh của vua mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình. Các Ông không vì mệnh lệnh của kẻ ăn trộm mà
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Ông không vì
nợ nần... không vì sợ hãi... Các Ông không vì mất nghề sinh sống
mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng có phải
với tư tưởng như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, não
áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể
thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này" mà các Ông,
này các Anuruddha, vì lòng tin, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không
gia đình ?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Và xuất gia như vậy, này các Anuruddha, người
Thiện gia nam tử cần phải làm gì ? Này các Anuruddha, ly dục, ly bất
thiện pháp. Nếu không chứng được hỷ lạc hay một trạng thái
khác an tịnh hơn, thời dục tham xâm chiếm tâm và an trú, sân xâm
chiếm tâm và an trú, hôn trầm, thụy miên... trạo cử, hối quá...
nghi hoặc... bất lạc... giải đãi xâm chiếm tâm và an trú. Này các
Anuruddha, ly dục, ly bất thiện pháp, vị ấy chứng được hỷ lạc hay
một trạng thái khác an tịnh hơn. Này các Anuruddha, ly dục, ly bất
thiện pháp, vị ấy chứng được hỷ lạc hay một trạng thái khác an
tịnh hơn, thời dục tham không xâm chiếm tâm và an trú, sân không
xâm chiếm tâm và an trú, hôn trầm thụy miên... trạo cử hối
quá... nghi hoặc... bất lạc... giải đãi không xâm chiếm tâm và an
trú. Này các Anuruddha, ly dục, ly bất thiện pháp, vị ấy chứng
được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn.
Này các Anuruddha, các Ông nghĩ về Ta như thế nào ?
Các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não sanh khởi hậu hữu,
đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ di thục, hướng đến sanh, già,
chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy chưa được Như Lai đoạn trừ.
Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư
phân tích, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một
pháp, sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp ?
Bạch Thế Tôn, chúng con không có nghĩ như vậy
về Thế Tôn: "Các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não, sanh
khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng
đến sanh, già, chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy chưa được Như
Lai đoạn trừ. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một
pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân
tích từ bỏ một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một
pháp". Bạch Thế Tôn, chúng con nghĩ về Thế Tôn như sau: "Các
lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng
sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết
trong tương lai, các lậu hoặc ấy đã được Như Lai đoạn trừ. Do
vậy, Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư
phân tích, nhẫn thọ một pháp, sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một
pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp.
Lành thay, lành thay, này các Anuruddha ! Các lậu
hoặc liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi,
đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương
lai đã được Như Lai đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân
cây tala không thể sanh lại, không thể sanh khởi trong tương lai. Ví
như, này các Anuruddha, cây tala đầu cây đã bị chặt đứt, không
thể lớn lên nữa, cũng vậy này các Anuruddha, các lậu hoặc liên
hệ đến phiền não... (như trên)... không thể sanh khởi trong tương
lai. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi
suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân tích, từ bỏ
một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp.
Này các Anuruddha, các Ông nghĩ thế nào ? Do thấy mục
đích đặc biệt nào, Như Lai giải thích sự tái sanh của các đệ
tử đã từ trần, đã mệnh chung, nói rằng. "Vị này tái sanh
ở chỗ này, vị này tái sanh ở chỗ này".
Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp
dựa Thế Tôn làm căn bản, hướng Thế Tôn làm lãnh đạo, nương
tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn
thuyết giảng cho ý nghĩa này.
Sau khi được nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
Này các Anuruddha, Như Lai không vì mục đích
lường gạt quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng,
không vì mục đích lợi lộc, trọng vọng, danh xưng, quyền lợi vật
chất, không vì với ý nghĩ: Như vậy quần chúng sẽ biết Ta"; mà
Như Lai giải thích sự tái sanh các vị đệ tử đã từ trần đã
mệnh chung, nói rằng: "Vị này tái sanh ở chỗ này, vị này tái
sanh ở chỗ này". Và này các Anuruddha, có những Thiện gia nam
tử có tin tưởng với tín thọ cao thượng, với hoan hỷ cao
thượng, sau khi được nghe như vậy, sẽ chú tâm trên như thật
(Tathata). Như vậy, này các Anuruddha, là hạnh phúc, là an lạc lâu
đời cho các vị ấy.
Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo có nghe:
"Tỷ-kheo với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên
bố về vị này: "Vị ấy an trú chánh trí". Vị Tôn giả ấy
đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới
hạnh như vậy, Tôn giả này có pháp như vậy, Tôn giả này có trí
tuệ như vậy, Tôn giả này có an trú như vậy, Tôn giả này có
giải thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin, giới hạnh,
đa văn, bố thí và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật.
Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú. Ở đây,
này các Anuruddha, Tỷ-kheo có nghe: "Tỷ-kheo với tên như thế này,
đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn
trừ năm hạ phần kiết sử vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn
tại chỗ ấy, không còn phải trở lui ở đời này nữa". Tôn
giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có
giới hạnh như vậy, Tôn giả này có pháp như vậy... (như trên)...
có trí tuệ như vậy,... có an trú như vậy, Tôn giả này có giải
thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin... (như trên)... và
trí tuệ của vị kia bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các
Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú. Ở đây, này các Anuruddha,
Tỷ-kheo có nghe: "Tỷ-kheo với tâm như thế này đã mệnh chung.
Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử,
sau khi làm cho nhẹ bớt tham , sân, si, vị ấy chứng Nhất Lai, chỉ phải
trở lui đời này một lần nữa rồi sẽ diệt tận khổ đau".
Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này
có giới hạnh như vậy... Tôn giả này có giải thoát như vậy".
Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin... (như trên)... và trí tuệ của vị kia
bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo
được sống lạc trú. Ở đây, này các Anurudha, Tỷ-kheo có nghe:
"Tỷ-kheo với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên
bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự
lưu, không còn bị đọa lạc, chắc chắn chứng được chánh
giác". Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe:
"Tôn giả này có giới hạnh như vậy... Tôn giả này có giải
thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin... (như trên)... và
trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các
Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú.
Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni có nghe:
"Tỷ-kheo-ni với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có
tuyên bố về vị này: "Vị ấy an trú chánh trí". Tôn ni ấy
đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này có giới hạnh
như vậy, Tôn ni này có pháp như vậy, Tôn ni này có an trú như
vậy, Tôn ni này có giải thoát như vậy. Tỷ-kheo-ni khi nhớ đến
lòng tin... (như trên)... khi nhớ đến trí tuệ của vị kia, bèn chú
tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống
lạc trú. Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni có nghe:
"Tỷ-kheo-ni với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có
tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử,
vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không còn phải
trở lui ở đời này nữa". Tôn ni ấy đã được thấy hay đã
được nghe: "Tôn ni này có giới hạnh như vậy... Tôn ni này có
giải thoát như vậy". Tỷ-kheo-ni nhớ đến lòng tin... (như trên)...
và trí tuệ của vị kia liền chú tâm trên như thật. Như vậy, này
các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống lạc trú. Ở đây, này các
Anuruddha, vị Tỷ-kheo-ni có nghe: "Tỷ-kheo-ni với tên như thế này
đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt
trừ ba kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, vị ấy chứng
Nhứt lai, chỉ phải trở lui đời này một lần nữa rồi sẽ diệt
tận khổ đau". Tôn ni ấy đã được thấy hay đã được nghe:
"Tôn ni này có giới hạnh như vậy... (như trên)... Tôn ni này
có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo-ni khi nhớ đến lòng tin... (như
trên)... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như
vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống lạc trú. Ở đây,
này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni có nghe: "Tỷ-kheo-ni với tên như thế
này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi
diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn bị đọa lạc,
chắc chắn chứng được chánh giác". Tôn ni ấy đã được
thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này có giới hạnh như vậy ...
(như trên) ... Tôn ni này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo-ni khi
nhớ đến lòng tin... (như trên)... và trí tuệ của vị kia, bèn chú
tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống
lạc trú.
Ở đây, này các Anuruddha, nam cư sĩ có nghe: "Nam
cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố
về vị này: "Sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, vị ấy
được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không còn phải trở
lui đời này nữa". Tôn giả ấy đã được thấy hay được
nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy... có pháp như vậy...
có trí tuệ như vậy... có an trú như vậy... Tôn giả này có giải
thoát như vậy". Nam cư sĩ khi nhớ đến lòng tin... (như trên)...
và trí tuệ của vị kia, liền chú tâm trên như thật. Như vậy, này
các Anuruddha nam cư sĩ được sống lạc trú. Ở đây, này các
Anuruddha, nam cư sĩ có nghe: "Nam cư sĩ với tên như thế này đã
mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba
kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, vị ấy chứng Nhất lai
chỉ phải trở lui đời này một lần nữa rồi sẽ diệt tận khổ
đau". Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn
giả này có giới hạnh như vậy... (như trên)... Tôn giả này có
giải thoát như vậy". Nam cư sĩ, khi nhớ đến lòng tin... (như
trên)... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như
vậy, này các Anuruddha, nam cư sĩ được sống lạc trú. Ở đây, này
các Anuruddha, nam cư sĩ có nghe: "Nam cư sĩ với tên như thế này
đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt
trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu không còn bị đọa lạc, chắc
chắn chứng được chánh giác". Tôn giả ấy đã được thấy
hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy... (như
trên)... có giải thoát như vậy. Tôn giả ấy khi nhớ đến lòng
tin... (như trên)... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như
thật. Như vậy, này các Anuruddha, nam cư sĩ được sống lạc trú.
Ở đây, này các Anuruddha, nữ cư sĩ có nghe:
"Nữ cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có
tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử,
vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không còn phải
trở lui ở đời này nữa". Nữ nhân ấy đã được thấy hay
đã được nghe: "Nữ nhân này có giới hạnh như vậy... có
pháp như vậy... có trí tuệ như vậy... có an trú như vậy... nữ
nhân này có giải thoát như vậy". Nữ cư sĩ, khi nhớ đến lòng
tin... (như trên)... và trí tuệ của vị kia, liền chú tâm trên sự
thật. Như vậy, này các Anuruddha, nữ cư sĩ được sống lạc trú.
Ở đây, này các Anurudha nữ cư sĩ có nghe: "Nữ cư sĩ với
tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này:
"Sau khi diệt trừ ba kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham, sân,
si, vị ấy chứng Nhất lai, chỉ phải trở lui đời này một lần nữa,
rồi sẽ diệt tận khổ đau". Nữ nhân ấy đã được thấy hay
đã được nghe: "Nữ nhân này có giới hạnh như vậy ... (như
trên) ... nữ nhân này có giải thoát như vậy". Nữ cư sĩ, khi
nhớ đến lòng tin... (như trên)... và trí tuệ của vị kia, bèn chú
tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, nữ cư sĩ được
sống lạc trú. Ở đây, này các Anuruddha, nữ cư sĩ có nghe:
"Nữ cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có
tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả
Dự lưu không còn bị đọa lạc, chắc chắn được chánh giác".
Nữ nhân ấy đã được thấy hay đã được nghe. "Nữ nhân
này có giới hạnh như vậy, nữ nhân này có pháp như vậy, nữ
nhân này có trí tuệ như vậy, nữ nhân này có an trú như vậy,
nữ nhân này có giải thoát như vậy". Nữ nhân ấy khi nhớ
đến lòng tin, giới hạnh, sự đa văn, bố thí và trí tuệ của vị
kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, nữ cư
sĩ được sống lạc trú.
Như vậy, này các Anuruddha, Như Lại không vì mục đích
lường gạt quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng,
không vì mục đích được lợi lộc, trọng vọng, danh xưng, quyền
lợi vật chất, không vì với ý nghĩ: "Như vậy quần chúng sẽ
biết Ta", mà Như Lai giải thích sự tái sanh của các đệ tử
đã từ trần, đã mệnh chung, nói rằng: "Vị này tái sanh ở
chỗ này, vị này tái sanh ở chỗ này". Và này các Anuruddha, có
những Thiện gia nam tử có tin tưởng, với tín thọ cao thượng,
với hoan hỷ cao thượng, sau khi được nghe như vậy, sẽ chú tâm
trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, là hạnh phúc, là an lạc
lâu đời cho các vị ấy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Anurudda hoan hỷ
tín thọ lời Thế Tôn dạy.
69.
KINH GULISSANI [^]
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana
(Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ,
Tỷ-kheo Gulissani là vị sống tại rừng núi, hành động thô tháo đã
đến giữa Tăng chúng do một vài công vụ. Ở đây, Tôn giả
Sariputta (Xá-lợi-phất) nhân vì Tỷ-kheo Gulissani, bảo các Tỷ-kheo:
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến
trú giữa chúng Tăng phải biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm
hạnh. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa
chúng Tăng không biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh,
thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: "Nào có tốt gì,
nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong
rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả ấy lại không tôn
trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh ! " Sẽ có người nói về
vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa
chúng Tăng, phải biết tôn trọng cung kính các đồng Phạm hạnh.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú
giữa chúng Tăng, phải biết khéo léo về chỗ ngồi, nghĩ rằng:
"Ta sẽ ngồi, không có chiếm lấy (chỗ ngồi) các Thượng tọa
Tỷ-kheo, không có trục xuất chỗ ngồi của các niên thiếu Tỷ-kheo.
Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng
Tăng, không biết khéo xử về chỗ ngồi, thời có người sẽ nói
về vị ấy như sau: "Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị
sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở
thích; nay Tôn giả này lại không biết hành động như pháp ! "
Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở
rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng phải biết khéo xử về chỗ
ngồi.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo, sống ở rừng núi, đến trú
giữa chúng Tăng, không nên vào làng quá sớm và trở về ban
ngày. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa
chư Tăng, nếu vào làng quá sớm và trở về ban ngày, thời có
người sẽ nói về vị ấy như sau: "Nào có tốt gì, nếu Tôn giả
này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động
theo sở thích; nay Tôn giả này lại vào làng quá sớm và trở về
ban ngày". Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo
sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng không nên vào làng
quá sớm, và trở về ban ngày.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo, sống ở rừng núi, đến trú
giữa chúng Tăng, không nên đi đến các gia đình trước buổi ăn
hay sau buổi ăn. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến
trú giữa chúng Tăng, đi đến các gia đình trước buổi ăn hay sau
buổi ăn, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: "Có phải
Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng,
hành động theo sở thích, lại đi phí thời giờ quá nhiều, và xử
sự như vậy đối với chúng Tăng ?" Sẽ có người nói về vị
ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa
chúng Tăng, không nên đi đến các gia đình trước buổi ăn hay sau
buổi ăn.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú
giữa chúng Tăng không nên trạo cử, dao động. Này chư Hiền, nếu
Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng mà trạo
cử, dao động, thời sẽ có người nói về vị ấy như sau: "Có
phải Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong
rừng, hành động theo sở thích, lại trạo cử, dao động quá nhiều
và xử sự như vậy đối với chúng Tăng ?" Sẽ có người nói
về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú
giữa chúng Tăng, không nên trạo cử, dao động.
Này Chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú
giữa chúng Tăng, không nên nói nhiều lời và nói tạp nhạp. Này
chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng
Tăng, nói nhiều lời và nói tạp nhạp thời có người sẽ nói
về vị ấy như sau: "Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị
sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở
thích; nay Tôn giả này lại nói nhiều lời và nói tạp nhạp ! "
Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở
rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng không nên nói nhiều lời và
nói tạp nhạp.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú
giữa chúng Tăng, phải là người dễ nói và là người thiện
hữu. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa
chúng Tăng là người khó nói và là người ác hữu, thời có
người sẽ nói về vị ấy như sau: "Nào có tốt gì nếu Tôn giả
này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động
theo sở thích; nay Tôn giả này lại khó nói và là người ác hữu
! " Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy Tỷ-kheo sống
ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, phải là người dễ nói
và là người thiện hữu.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
thủ hộ các căn. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi
không thủ hộ các căn, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau:
"Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi,
sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này
lại không thủ hộ các căn ! " Sẽ có người nói về vị ấy như
vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thủ hộ các căn.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
tiết độ trong sự ăn uống. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở
rừng núi không có tiết độ trong sự ăn uống, thời có người
sẽ nói về vị ấy như sau: "Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là
vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở
thích; nay Tôn giả này lại không có tiết độ trong sự ăn uống !
" Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở
rừng núi cần phải có tiết độ trong sự ăn uống.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
chú tâm cảnh giác. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi
không chú tâm cảnh giác thời có người sẽ nói về vị ấy như
sau: "Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng
núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả
này lại không chú tâm cảnh giác ! " Sẽ có người nói về vị
ấy như vậy. Do vậy Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chú tâm
cảnh giác.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
tinh cần tinh tấn. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi mà
biếng nhác, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: "Nào có
tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình
trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại biếng
nhác ! " Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo
sống ở rừng núi cần phải tinh cần tinh tấn.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
chánh niệm tỉnh giác. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi
mà thất niệm, thời sẽ có người nói về vị ấy như sau: "Nào
có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một
mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại thất
niệm ! ". Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo
sống ở rừng núi, cần phải chánh niệm tỉnh giác.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
có Thiền định. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi không
có Thiền định, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: "Nào
có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một
mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại không
có Thiền định ! " Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy,
Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có Thiền định.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
có trí tuệ. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi chỉ có
liệt tuệ, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: "Nào có
tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình
trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này lại chỉ có
liệt tuệ ! " Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy,
Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có trí tuệ.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
thực tập thắng pháp (abhidhamma), thắng luật (abhivinaya). Này chư Hiền,
sẽ có người hỏi Tỷ-kheo sống ở rừng núi về thắng pháp, thắng
luật. Nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi được hỏi về thắng pháp,
thắng luật mà không thể trả lời được, thời có người sẽ
nói về vị ấy như sau: "Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị
sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở
thích; nay Tôn giả này, được hỏi về thắng pháp thắng luật lại
không có thể trả lời được ! " Sẽ có người nói về vị ấy
như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có thực tập
thắng pháp, thắng luật.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
thực tập các pháp tịch tịnh giải thoát (santavimokha), vượt khỏi
các sắc pháp, và các vô sắc pháp. Này chư Hiền, sẽ có người
hỏi Tỷ-kheo sống ở rừng núi về các pháp tịch tịnh giải thoát,
vượt khỏi các sắc pháp, các vô sắc pháp. Này chư Hiền, nếu
Tỷ-kheo sống ở rừng núi được hỏi về các pháp tịch tịnh giải
thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp mà không thể
trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau:
"Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi,
sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này
được hỏi về các pháp tịch tịnh giải thoát lại không có thể
trả lời được ! " Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do
vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp tịch
tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp.
Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải
thực tập các pháp thượng nhân. Này chư Hiền, sẽ có người hỏi
Tỷ-kheo về những pháp thượng nhân. Này chư Hiền, sẽ có người
hỏi Tỷ-kheo về những pháp thượng nhân. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo
sống ở rừng núi được hỏi về các pháp thượng nhân mà không
thể trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau:
"Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi,
sống một mình trong rừng; hành động theo sở thích; nay Tôn giả này
được hỏi về những pháp thượng nhân lại không có thể trả
lời được". Như vậy sẽ có người nói về vị ấy. Do vậy
Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp thượng
nhân.
Khi được nói vậy, Tôn giả Mahamoggallana nói với
Tôn giả Sariputta như sau:
Hiền giả Sariputta, các pháp này cần phải
được chấp trì và thực tập chỉ bởi Tỷ-kheo sống ở rừng núi
hay bởi Tỷ-kheo sống ở gần thôn làng ?
Hiền giả Moggallana, các pháp này cần được
phải chấp trì và thực tập bởi Tỷ-kheo sống ở rừng núi, huống
chi Tỷ-kheo sống gần thôn làng !
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn du hành ở Kasi cùng với đại
chúng Tỷ-kheo. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, Ta ăn, từ bỏ ăn ban đêm.
Này các Tỷ-kheo, do ăn, từ bỏ ăn ban đêm. Ta cảm thấy ít bệnh,
ít não, khinh an, có sức lực và an trú. Này các Tỷ-kheo, hãy đến
và ăn, từ bỏ ăn ban đêm. Này các Tỷ-kheo, do ăn, từ bỏ ăn ban
đêm, các Ông sẽ cảm thấy ít bệnh, ít não, khinh an, có sức lực
và an trú.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn
tiếp tục du hành ở Kasi và đến một thị trấn xứ Kasi tên là
Kitagiri. Rồi Thế Tôn ở tại Kitagiri, một thị trấn xứ Kasi. Lúc bấy
giờ Tỷ-kheo Assaji và Punabbasuka đang ở Kitagiri. Rồi một số đông
Tỷ-kheo đi đến chỗ Tỷ-kheo Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka, sau khi đến,
nói với Tỷ-kheo Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka như sau:
Chư Hiền, Thế Tôn ăn, từ bỏ ăn ban đêm. Cả
chúng Tỷ-kheo cũng vậy. Do ăn, từ bỏ ăn ban đêm, các vị ấy cảm
thấy ít bệnh, ít não, khinh an, có sức lực và an trú. Chư Hiền,
hãy đến và ăn, từ bỏ ăn ban đêm. Chư Hiền, do ăn, từ bỏ ăn
ban đêm, chư Hiền sẽ cảm thấy ít bệnh, ít não, khinh an, có sức
lực và an trú.
Được nói vậy, Tỷ-kheo Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka,
nói với các Tỷ-kheo ấy:
Chư Hiền, chúng tôi ăn chiều, ăn sáng, ăn ban
ngày và ăn phi thời. Do chúng tôi ăn chiều, ăn sáng, ăn ban ngày
và ăn phi thời, chúng tôi cảm thấy ít bệnh, ít não, khinh an, có
sức lực và an trú. Sao chúng tôi lại bỏ hiện tại, chạy theo
tương lai ? Chúng tôi sẽ ăn chiều, ăn sáng, ăn ban ngày và ăn phi
thời.
Vì các Tỷ-kheo ấy không thể làm cho Tỷ-kheo Assaji và
Tỷ-kheo Punabbasuka chấp thuận, nên các vị ấy đi đến chỗ Thế Tôn,
sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi
xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con đi đến chỗ
các Tỷ-kheo Assaji và Punabbasuka, sau khi đến chúng con nói với Tỷ-kheo
Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka như sau: "Chư hiền, Thế Tôn ăn, từ
bỏ ăn ban đêm... (như trên)... có sức lực và an trú". Bạch
Thế Tôn, được nói vậy. Tỷ-kheo Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka nói
với chúng con như sau: "Chư Hiền, chúng tôi ăn chiều, ăn sáng,
ăn ban ngày và ăn phi thời... (như trên)... chúng tôi sẽ ăn chiều,
ăn sáng, ăn ban ngày và ăn phi thời". Bạch Thế Tôn, vì chúng
con không thể làm cho Tỷ-kheo `Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka chấp thuận,
nên chúng con trình sự việc này lên Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta, bảo Tỷ-kheo
Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka: "Bậc Đạo Sư cho gọi các Tôn
giả".
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đến chỗ Tỷ-kheo Assaji
và Tỷ-kheo Punabbasuka, sau khi đến, nói với Tỷ-kheo Assaji và Tỷ-kheo
Punabbasuka:
Bậc Đạo Sư cho gọi các Tôn giả.
Thưa vâng, Hiền giả.
Tỷ-kheo Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka vâng đáp Tỷ-kheo
ấy, đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi
xuống một bên. Thế Tôn nói với Tỷ-kheo Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka
đang ngồi một bên:
Có thật chăng, này các Tỷ-kheo, một số đông
Tỷ-kheo đến các Ông và nói như sau: "Chư Hiền, Thế Tôn ăn,
từ bỏ ăn ban đêm, cả chúng Tỷ-kheo cũng vậy. Do ăn, từ bỏ ăn
ban đêm, các vị ấy cảm thấy ít bệnh, ít não, khinh an, có sức
lực và an trú. Chư Hiền, hãy đến và ăn, từ bỏ ăn ban đêm.
Chư Hiền, do ăn, từ bỏ ăn ban đêm, chư Hiền sẽ cảm thấy ít
bệnh, ít não, khinh an, có sức lực và an trú". Được nói
vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông nói với các Tỷ-kheo ấy như sau:
"Chư Hiền, chúng tôi ăn chiều, ăn sáng, ăn ban ngày và ăn phi
thời. Do ăn chiều, ăn sáng, ăn ban ngày và ăn phi thời, chúng
tôi cảm thấy ít bệnh, ít não, khinh an, có sức lực và an trú. Sao
chúng tôi lại bỏ hiện tại, chạy theo tương lai ? Chúng tôi sẽ ăn
chiều, ăn sáng, ăn ban ngày và ăn phi thời"?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Này các Tỷ-kheo , các Ông có hiểu pháp Ta dạy
như sau: "Một cá nhân cảm thọ bất cứ cảm giác nào, lạc,
khổ, hay bất khổ bất lạc; đối với người ấy, các pháp bất
thiện được đoạn diệt, các thiện pháp được tăng trưởng"?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Này các Tỷ-kheo, các Ông có hiểu pháp Ta dạy
như sau: "Ở đây đối với một người, khi cảm thọ lạc thọ
như vậy, các bất thiện pháp bị đoạn diệt, ở đây, đối với
một người, khi cảm thọ lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp bị
đoạn diệt, các thiện pháp được tăng trưởng, ở đây, đối
với một người khi cảm thọ khổ thọ như vậy, các bất thiện pháp
được tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn diệt; ở đây, đối
với một người, khi cảm thọ khổ thọ như vậy, các bất thiện pháp
bị đoạn trừ, các thiện pháp được tăng trưởng, ở đây, đối
với một người, khi cảm thọ bất khổ bất lạc thọ như vậy, các
bất thiện pháp được tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn diệt;
ở đây, đối với một người, khi cảm thọ bất khổ bất lạc thọ
như vậy, các bất thiện pháp bị đoạn diệt, các thiện pháp được
tăng trưởng"?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Lành thay, này các Tỷ-kheo ! Này các Tỷ-kheo,
nếu sự việc này Ta không biết, không thấy, không giác, không
chứng, không liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở đây, đối với
một người, khi cảm thọ lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp
được tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn diệt", có thể
chăng, này các Tỷ-kheo, không biết như vậy, Ta lại nói: "Hãy
từ bỏ lạc thọ như vậy"? Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là
xứng đáng đối với Ta chăng ?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Nhưng này các Tỷ-kheo, vì rằng sự việc này Ta
biết, Ta thấy, Ta giác, Ta chứng, Ta liễu giải với trí tuệ rằng:
"Ở đây, đối với một người, khi cảm thọ lạc thọ như vậy,
các bất thiện pháp được tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn
diệt", do vậy Ta nói: "Hãy từ bỏ lạc thọ như vậy".
Này các Tỷ-kheo, nếu sự việc này Ta không biết, không thấy, không
giác, không chứng, không liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở
đây, đối với một người, khi cảm thọ lạc thọ như vậy, các bất
thiện pháp bị đoạn diệt, các thiện pháp được tăng trưởng",
có thể chăng, này các Tỷ-kheo, không biết như vậy, Ta lại nói:
"Hãy chứng và trú lạc thọ như vậy"? Và như vậy, này các
Tỷ-kheo, là xứng đáng đối với Ta chăng ?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Nhưng này các Tỷ-kheo, vì sự việc này Ta biết,
Ta thấy, Ta giác, Ta chứng, Ta liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở
đây, đối với một người, khi cảm thọ lạc thọ như vậy, các
thiệân pháp được tăng trưởng, các bất thiện pháp bị đoạn
diệt", do vậy Ta nói: "Hãy chứng và trú lạc thọ như vậy.
Này các Tỷ-kheo, nếu sự việc này Ta không biết,
không thấy, không giác, không chứng, không liễu giải với trí tuệ
rằng: "Ở đây, đối với một người khi cảm giác khổ thọ...
(như trên)... khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ như vậy, các bất
thiện pháp được tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn diệt",
có thể chăng, này các Tỷ-kheo, không biết như vậy, Ta lại nói:
"Hãy từ bỏ bất khổ bất lạc thọ như vậy" ? Và như vậy,
này các Tỷ-kheo, là xứng đáng đối với Ta chăng ?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Nhưng này các Tỷ-kheo, vì rằng sự việc này Ta
biết, Ta thấy, Ta giác, Ta chứng, Ta liễu giải với trí tuệ rằng:
"Ở đây, đối với một người, khi cảm thọ bất khổ bất lạc
thọ như vậy, các bất thiện pháp được tăng trưởng, các thiện
pháp bị đoạn diệt", do vậy Ta nói: "Hãy từ bỏ bất khổ
bất lạc thọ như vậy". Này các Tỷ-kheo, nếu sự việc này Ta
không biết, không thấy, không giác, không chứng, không liễu giải
với trí tuệ rằng: "Ở đây, đối với một người, khi cảm
thọ bất khổ bất lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp bị đoạn
diệt, các thiện pháp được tăng trưởng", có thể chăng, này
các Tỷ-kheo, không biết như vậy, Ta lại nói: "Hãy chứng và
trú bất khổ bất lạc thọ như vậy"? Và như vậy, này các
Tỷ-kheo là xứng đáng đối với Ta chăng ?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Nhưng này các Tỷ-kheo, vì rằng sự việc này Ta
biết, Ta thấy, Ta giác, Ta chứng, Ta liễu giải với trí tuệ rằng:
"Ở đây, đối với một người, khi cảm thọ bất khổ bất lạc
thọ như vậy, các thiện pháp được tăng trưởng, các bất thiện
pháp bị đoạn diệt", do vậy Ta nói: "Hãy chứng và trú bất
khổ bất lạc thọ như vậy".
Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng đối với tất cả
Tỷ-kheo, có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Này các
Tỷ-kheo, Ta không nói rằng đối với tất cả Tỷ-kheo không có sự
việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Này các Tỷ-kheo, đối
với những Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận,
tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh
nặêng xuống, đã thành đạt được lý tưởng, đã tận trừ hữu
kiết sử, chánh trí giải thoát; này các Tỷ-kheo, đối với những
Tỷ-kheo như vậy, Ta nói rằng không có sự việc cần phải làm, nhờ
không phóng dật. Vì sao vậy ? Vì sự việc ấy đã được các vị
này làm, nhờ không phóng dật. Các vị này không thể trở thành
phóng dật. Và này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo còn là các
bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu sự vô
thượng an ổn khỏi các triền ách; này các Tỷ-kheo, đối với
những Tỷ-kheo như vậy, Ta nói rằng có sự việc cần phải làm,
nhờ không phóng dật. Vì sao vậy ? Dầu cho trong khi các bậc Tôn giả
này thọ dụng các sàng tọa đúng pháp, thân cận các thiện hữu,
chế ngự các căn, các vị ấy (cần phải) tự mình nhờ thượng trí
chứng ngộ chứng đạt, và an trú ngay trong hiện tại mục đích vô
thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này, các Thiện gia nam tử chân
chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Do vậy, này
các Tỷ-kheo, đối với những Tỷ-kheo này, vì thấy quả này của
không phóng dật nên Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không
phóng dật.
Này các Tỷ-kheo có bảy hạng người sống trong đời
này. Thế nào là bảy ? Bậc câu phần giải thoát, bậc tuệ giải
thoát, bậc thân chứng, bậc kiến đáo, bậc tín giải thoát, bậc
tùy pháp hành, bậc tùy tín hành.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc câu phần giải
thoát ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân đã
chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và
vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của
vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này, này các Tỷ-kheo,
được gọi là hạng người câu phần giải thoát. Này các Tỷ-kheo,
đối với Tỷ-kheo này, Ta không có sự việc cần phải làm, nhờ
không phóng dật. Vì sao vậy ? Vì sự việc ấy đã được vị này
làm, nhờ không phóng dật, vị ấy không có thể trở thành phóng
dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc tuệ giải thoát
? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân không chứng
đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô
sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị
này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này như vậy được gọi là
bậc tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói
không có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy
? Vì sự việc ấy đã được vị này làm, nhờ không phóng dật; vị
ấy không có thể trở thành phóng dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc thân chứng ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sau khi thân chứng đắc các
tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp,
và sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc của vị này
được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này như vậy được gọi là bậc
thân chứng. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự
việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy ? Dầu cho trong
khi Tôn giả này thọ dụng các sàng tọa đúng pháp, thân cận các
thiện hữu, chế ngự các căn, vị này (cần phải) tự mình với
thượng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại
mục đích vô thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này các Thiện gia
nam tử đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình. Do vậy, này các Tỷ-kheo, vì thấy quả này của không phóng
dật, nên đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm,
nhờ không phóng dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc kiến đáo ? Ở
đây, này các Tỷ-kheo, có người sau khi tự thân không chứng đắc
các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc
pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc của vị
này được đoạn trừ hoàn toàn; và các pháp do Như Lai tuyên
thuyết được vị này thấy một cách hoàn toàn với trí tuệ và
thực hành một cách hoàn toàn. Này các Tỷ-kheo, vị này được
gọi là kiến đáo. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói
có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy ? Dầu
cho trong khi Tôn giả này thọ dụng các sàng tọa đúng pháp ... ...
sống không gia đình. Do vậy này các Tỷ-kheo, vì thấy quả này của
không phóng dật, nên đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc
cần phải làm, nhờ không phóng dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người tín
giải thoát ? Ở đây, này các Tỷ-kheo có người, sau khi tự thân
chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp và
vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc
của vị này được đoạn trừ một cách hoàn toàn; và lòng tin của
vị này đối với Như Lai đã được xác định, phát sanh từ căn
để, an trú. Này các Tỷ kheo, vị này được gọi là bậc tín giải
thoát. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc
cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy ? Dầu cho trong khi
Tôn giả này thọ dụng các sàng tọa đúng pháp... ...sống không gia
đình. Do vậy, này các Tỷ-kheo, vì thấy quả này của không phóng
dật, nên đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm,
nhờ không phóng dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người tùy
pháp hành ? Ở đây, này các Tỷ-kheo có người sau khi tự thân
không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc
pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, nhưng các
lậu hoặc không được đoạn trừ một cách hoàn toàn; và các
pháp do Như Lai tuyên thuyết (chỉ) được vị này chấp nhận một cách
vừa phải với trí tuệ, dầu cho vị này có những pháp như là tín
căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, vị
này được gọi là người tùy pháp hành. Này các Tỷ-kheo, đối
với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không
phóng dật. Vì sao vậy ? Dầu cho trong khi Tôn giả này thọ dụng các
sàng tọa đúng pháp... ... sống không gia đình. Do vậy, này các
Tỷ-kheo, vì thấy quả này của không phóng dật, nên đối với
Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng
dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người tùy tín
hành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sau khi tự thân không
chứng đắc có tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và
vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, nhưng các lậu hoặc
không được đoạn trừ. Nhưng nếu vị này có đủ lòng tin và lòng
thương Như Lai, thời vị này sẽ có những pháp như là tín căn, tấn
căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, vị này được
gọi là người tùy tín hành. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo
này, Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì
sao vậy ? Dầu cho trong khi Tôn giả này thọ dụng các sàng tọa đúng
pháp, thân cận các thiện hữu, chế ngự các căn, nhưng vị này
(cần phải) tự mình với thượng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an
trú ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh, vì mục
đích này các Thiện gia nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình. Do vậy, này các Tỷ-kheo, vì thấy quả này của
phóng dật, nên đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần
phải làm, nhờ không phóng dật.
Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được
hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn
thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ. Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là trí tuệ được hoàn thành nhờ học
từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ ? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, một vị có lòng tin đi đến gần; sau khi đến gần, vị ấy tỏ
sự kính lễ; sau khi tỏ sự kính lễ, vị ấy lóng tai; sau khi lóng tai,
vị ấy nghe pháp; sau khi nghe pháp, vị ấy thọ trì pháp, vị ấy suy tư
ý nghĩa các pháp được thọ trì; sau khi suy tư ý nghĩa các pháp
được chấp thuận; sau khi các pháp được chấp thuận, ước muốn
sanh khởi; sau khi ước muốn sanh khởi, vị ấy nỗ lực; sau khi nỗ
lực vị ấy cân nhắc; sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần. Do tinh cần,
vị ấy tự thân chứng được sự thật tối thượng, và với trí
tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy. Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu
không có lòng tin ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự đến
gần ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có tỏ sự kính lễ ấy,
thời này các Tỷ-kheo, không có sự lóng tai ấy, thời này các
Tỷ-kheo, không có sự nghe pháp ấy, thời này Tỷ-kheo, không có
sự thọ trì pháp ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự suy tư
ý nghĩa ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự chấp thuận pháp
ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự ước muốn ấy, thời này
các Tỷ-kheo, không có sự nỗ lực ấy, thời này các Tỷ-kheo,
không có sự cân nhắc ấy, thời này các Tỷ-kheo không có sự
tinh cần ấy. Này các Tỷ kheo, ở đây, các Ông đã đi vào phi
đạo. Này các Tỷ-kheo, ở đây, các Ông đã đi vào tà đạo.
Thật là quá xa, này các Tỷ-kheo, các kẻ ngu này đã đi ra ngoài
pháp luật này.
Này các Tỷ-kheo, có sự thuyết trình gồm có bốn
phần (Catuppadam = Bốn cú) chính nhờ thuyết trình này người có trí,
không bao lâu, nhờ tuệ biết được ý nghĩa. Ta sẽ đọc sự thuyết
trình ấy lên cho các Ông, này các Tỷ-kheo, các Ông nhờ Ta mà sẽ
hiểu thuyết trình ấy.
Bạch Thế Tôn, chúng con là ai có thể biết
được pháp ?
Này các Tỷ-kheo, cho đến một bậc Đạo sư sống
quá trọng vọng tài vật, là vị thừa tự tài vật, và sống liên
hệ với tài vật, thời sự mua may bán đắt này không xảy ra:
"Chúng tôi sẽ làm việc này như vậy, và như vậy chúng tôi sẽ
không làm việc này như vậy", huống nữa là Như Lai, này các
Tỷ-kheo, là vị sống hoàn toàn không liên hệ với các tài vật.
Này các Tỷ-kheo, đối với một đệ tử, có lòng tin giáo pháp
bậc Đạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, thời tùy pháp
(anudhamma) được khởi lên: "Bậc Đạo sư là Thế Tôn, đệ tử
là tôi. Thế Tôn biết, tôi không biết". Này các Tỷ-kheo, đến
với một đệ tử, có lòng tin giáo pháp bậc Đạo sư và sống thể
nhập giáo pháp ấy, thời giáo pháp bậc Đạo sư được hưng thịnh
được nhiều sinh lực. Này các Tỷ-kheo, đối với đệ tử có
lòng tin giáo pháp bậc Đạo Sư và sống thể nhập giáo pháp ấy,
thời tùy pháp này được khởi lên: "Dầu chỉ còn da, gân và
xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô héo, mong rằng sẽ có tinh
tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng
phu nhẫn nại, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần
dõng". Này các Tỷ-kheo, đối với một đệ tử có lòng tin
giáo pháp bậc Đạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, vị ấy sẽ
chứng được một trong hai quả như sau: Chánh trí ngay trong hiện tại,
và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín
thọ lời Thế Tôn dạy.
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vesali (Tỳ-xá-ly) rừng Đại
Lâm, tại Kutagarasala (Trùng Các Giảng đường). Lúc bấy giờ, du sĩ
ngoại đạo Vacchagotta ở tại Ekapundarika, vườn du sĩ ngoại đạo. Thế
Tôn buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Vesali để khất thực. Rồi
Thế Tôn suy nghĩ như sau: "Nay còn quá sớm để đi vào Vesali khất
thực. Ta hãy đi đến Ekapundarika vườn các du sĩ ngoại đạo, đi đến
du sĩ ngoại đạo Vacchagotta". Rồi Thế Tôn đi đến Ekapundarika,
vườn du sĩ ngoại đạo, đi đến du sĩ ngoại đạo Vacchagotta. Du sĩ
ngoại đạo Vacchagotta thấy Thế Tôn từ đằng xa đi đến, khi thấy
vậy, liền nói với Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đến; bạch Thế
Tôn, thiện lai, Thế Tôn ! Bạch Thế Tôn, đã từ lâu, Thế Tôn
mới có dịp này, tức là đến tại đây, bạch Thế Tôn, mời Thế
Tôn ngồi. Đây là chỗ đã soạn sẵn.
Thế Tôn ngồi trên ghế đã soạn sẵn. Du sĩ ngoại
đạo Vacchagotta lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống một bên. Sau
khi ngồi xuống một bên, du sĩ Vacchagotta bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: "Sa-môn Gotama
là bậc nhứt thiết trí, là bậc nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là
có tri kiến hoàn toàn: "Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta
thức, tri kiến luôn luôn tồn tại, liên tục". Bạch Thế Tôn,
những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama là bậc nhứt thiết trí, là
bậc nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn:
"Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn
luôn tồn tại liên tục". Bạch Thế Tôn, những vị ấy nói về
Thế Tôn có đúng với điều đã được nói, những vị ấy không
vu khống Thế Tôn với điều không thực, nhưng đã giải thích về
Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp, và không một đồng pháp hành
nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách ?
Này Vaccha, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama
là bậc nhứt thiết trí, là bậc nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là
có tri kiến hoàn toàn: "Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta
thức, tri kiến luôn luôn tồn tại, liên tục". Thì đấy là họ
nói về Ta không đúng với điều đã được nói, họ đã vu khống
Ta với điều không thực, hư ngụy.
Phải giải thích như thế nào, bạch Thế Tôn,
chúng con mới nói về Thế Tôn đúng với điều đã được nói,
chúng con không vu khống Thế Tôn với điều không thực, chúng con
mới giải thích về Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp; và không một
đồng pháp hành nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để
quở trách ?
Ông phải giải thích: "Sa-môn Gotama là bậc
có ba minh (tevijja)", thì này Vaccha, Ông mới là người nói về
Thế Tôn đúng với điều đã được nói, mới không vu khống Thế
Tôn với điều không thực, mới giải thích về Thế Tôn đúng pháp
và tùy pháp, và mới không có một đồng pháp hành nào nói lời
đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách. Này Vaccha, khi nào Ta
muốn, Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai
đời... ... Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với
các nét đại cương và các chi tiết. Này Vaccha, nếu Ta muốn, với
thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, Ta thấy sự sống chết của chúng
sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu,
người may mắn kẻ bất hạnh... ... đều do hạnh nghiệp của họ. Này
Vaccha, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, Ta ngay trong hiện tại, tự
mình với thượng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú, vô lậu
tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Và với sự giải thích:
"Sa-môn Gotama là bậc có ba minh," này Vaccha, người ấy mới
là người nói về Thế Tôn đúng với điều đã được nói, mới
không vu khống Thế Tôn với điều không thực, mới giải thích về
Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp, và mới không có một vị đồng
hành pháp nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để quở
trách.
Khi được nói vậy, du sĩ Vacchagotta bạch Thế Tôn:
Tôn giả Gotama, có thể có vị tại gia nào không
đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể
đoạn tận khổ đau ?
Này Vaccha, không có người tại gia nào không
đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể
đoạn tận khổ đau.
Tôn giả Gotama, có thể có người tại gia nào
không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại
có thể sanh Thiên ?
Không phải chỉ một trăm, này Vaccha, không phải
hai trăm, không phải ba trăm, không phải bốn trăm, không phải năm
trăm, nhưng nhiều hơn như vậy là những người tại gia không đoạn
trừ tại gia kiết sử mà khi thân hoại lại có thể sanh Thiên.
Tôn giả Gotama, có hạng tà mạng ngoại đạo
nào, sau khi thân hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau ?
Này Vaccha, không có một tà mạng ngoại đạo
nào, sau khi thân hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau.
Tôn giả Gotama, có hạng tà mạng ngoại đạo nào, sau
khi thân hoại mạng chung có thể sanh Thiên ?
Này Vaccha, dầu cho ta có nhớ đến 91 kiếp, Ta
không biết một tà mạng ngoại đạo nào đã sanh Thiên, trừ một
vị, và vị này thuyết về nghiệp và thuyết về tác dụng của nghiệp.
Sự việc là như vậy, Tôn giả Gotama, thời
ngoại đạo giới này (titthayatanan) là trống không cho đến vấn đề
sanh Thiên.
Sự việc là như vậy, này Vaccha, thời ngoại
đạo giới này là trống không cho đến vấn đề sanh Thiên.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Du sĩ ngoại đạo
Vacchagotta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) Jetavana
(Kỳ-đà-Lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Rồi du sĩ
ngoại đạo Vacchagotta đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên
những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên
những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
Sau khi ngồi xuống một bên, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta bạch Thế Tôn:
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Thế giới là thường trú, chỉ như vậy là chơn,
ngoài ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Thế
giới là thường trú, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư
vọng".
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Thế giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn,
ngoài ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Thế
giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư
vọng".
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Thế giới là hữu biên, chỉ như vậy là chơn,
ngoài ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Thế
giới là hữu biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng".
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Thế giới là vô biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài
ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Thế
giới là vô biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng".
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Sinh mạng và thân thể là một, chỉ như vậy là
chơn, ngoài ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Sinh
mạng và thân thể là một, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư
vọng".
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Sinh mạng và thân thể là khác, chỉ như vậy là
chơn, ngoài ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Sinh
mạng và thân thể là khác, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư
vọng".
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là
chơn, ngoài ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Như
Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư
vọng".
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy
là chơn, ngoài ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Như
Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là
hư vọng".
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết,
chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Như
Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là
chơn, ngoài ra là hư vọng".
Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri
kiến như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại
sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng ?"
Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Như
Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ như
vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng".
Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama ? Khi được hỏi:
"Phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: "Thế giới là
thường trú, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng ?", Tôn
giả Gotama đã trả lời: "Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau:
"Thế giới là thường trú, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư
vọng ?" Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama ? Khi được hỏi: "Phải
chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: "Thế giới là vô
thường, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng ?" Tôn giả
Gotama đã trả lời: "Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau:
"Thế giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư
vọng ?" Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama ? Khi được hỏi: "Phải
chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: "Thế giới là hữu
biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng ?" Tôn giả Gotama
đã trả lời: "Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Thế
giới là hữu biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng ?"
Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama ? Khi được hỏi: "Phải chăng Tôn
giả Gotama có tri kiến như sau: "Thế giới là vô biên, chỉ như
vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng ?", Tôn giả Gotama đã trả
lời: "Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: "Thế giới là
vô biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng ?"... (như
trên)... Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama ? Khi được hỏi: "Phải chăng
Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: "Như Lai không có tồn tại và
không không tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là
hư vọng ?", Tôn giả Gotama đã trả lời: "Này Vaccha, Ta không
có tri kiến như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không
tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng ?"
Tôn giả Gotama thấy có sự nguy hại gì mà Ngài không chấp nhận
hoàn toàn những tri kiến này như vậy ?
Này Vaccha, nghĩ rằng: "Thế giới là thường
trú", như vậy là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý
luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với
tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yểm ly,
ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết- bàn. Này
Vaccha, nghĩ rằng: "Thế giới là vô thường"... (như trên)...
"Thế giới là hữu biên"... "Thế giới là vô
biên"... "Sinh mạng và thân thể là một"... "Sinh mạng
và thân thể là khác"... "Như Lai có tồn tại sau khi
chết"... "Như Lai không có tồn tại sau khi chết"... "Như
Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết"... Này Vaccha,
nghĩ rằng: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau
khi chết", như vậy là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến
hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với
tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yểm ly,
ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này Vaccha,
Ta thấy có sự nguy hại này mà Ta không chấp nhận hoàn toàn những
tri kiến như vậy.
Nhưng Tôn giả Gotama có tà kiến nào không ?
Này Vaccha, tà kiến đã được Như Lai đoạn
trừ. Nhưng này Vaccha, đây là điều Như Lai đã thấy: "Đây là
sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt; đây là thọ, đây là
thọ tập, đây là thọ diệt; đây là tưởng, đây là tưởng tập,
đây là tưởng diệt; đây là hành, đây là hành tập, đây là
hành diệt; đây là thức, đây là thức tập, đây là thức
diệt". Do vậy ta nói rằng, với sự đoạn trừ, ly tham, đoạn
diệt, xả bỏ, vứt bỏ tất cả ảo tưởng tất cả hôn mê, của
tất cả ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên, mà Như Lai được
giải thoát, không còn chấp thủ.
Thưa Tôn giả Gotama, một Tỷ-kheo được tâm giải
thoát như vậy sanh khởi chỗ nào ?
Sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng.
Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy không sanh khởi?
Không sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng.
Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy sanh khởi và
không sanh khởi ?
Sanh khởi và không sanh khởi, này Vaccha, không
có áp dụng.
Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy không sanh khởi
và không không sanh khởi ?
Không sanh khởi và không không sanh khởi, này
Vaccha, không có áp dụng.
Khi được hỏi: "Tôn giả Gotama, vị Tỷ-kheo
được tâm giải thoát như vậy sanh khởi tại chỗ nào ?", Tôn
giả đáp: "Sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng". Khi
được hỏi: "Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy không sanh khởi
?" Tôn giả đáp: "Không sanh khởi, này Vaccha, không có áp
dụng". Khi được hỏi: "Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy sanh
khởi và không sanh khởi?", Tôn giả đáp: "Sanh khởi và
không sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng". Khi được hỏi:
"Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy không sanh khởi và không không
sanh khởi ?", Tôn giả đáp: "Không sanh khởi và không không
sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng". Thưa Tôn giả Gotama,
tôi trở thành vô tri về điểm này, tôi trở thành mê mờ về
điểm này, và một số tin tưởng tôi đã có đối với Tôn giả
Gotama do các cuộc đàm thoại lúc trước đem lại, nay đã biến mất
nơi tôi.
Này Vaccha, thôi vừa rồi, vô tri của Ông ! Thôi
vừa rồi, mê mờ (của Ông) ! Này Vaccha, sâu kín là pháp này, khó
thấy, khó giác ngộ, an tịnh, thù thắng, không thể luận bàn, tế
nhị, chỉ bậc trí mới hiểu. Thật rất khó cho Ông có thể hiểu
được, khi Ông thuộc tri kiến khác, kham nhẫn khác, lý tưởng khác,
hành trì khác, Đạo sư khác. Và này Vaccha, nay Ta trở lại hỏi Ông.
Hãy trả lời nếu Ông kham nhẫn. Này Vaccha, Ông nghĩ thế nào? Nếu
một ngọn lửa cháy đỏ trước mặt Ông, Ông có biết: "Ngọn
lửa này cháy đỏ trước mặt tôi ?"
Tôn giả Gotama, nếu một ngọn lửa cháy đỏ
trước mặt tôi, tôi có biết: "Ngọn lửa này cháy đỏ trước
mặt tôi".
Nhưng nếu, này Vaccha, có người hỏi Ông như sau:
"Ngọn lửa này cháy đỏ trước mặt Ông, ngọn lửa này do
duyên gì mà cháy đỏ ?", nếu được hỏi vậy, này Vaccha, Ông
trả lời như thế nào ?
Thưa Tôn giả Gotama, nếu có người hỏi tôi như
sau: "Ngọn lửa này cháy đỏ trước mặt Ông, ngọn lửa này do
duyên gì mà cháy đỏ ?", nếu được hỏi vậy, thưa Tôn giả
Gotama, tôi sẽ trả lời như sau: "Ngọn lửa cháy đỏ trước mặt
tôi, ngọn lửa này cháy đỏ do duyên nhiên liệu cỏ và củi".
Này Vaccha, nếu ngọn lửa ấy bị tắt trước mặt
Ông, Ông có biết: "Ngọn lửa này đã tắt trước mặt tôi
?"
Tôn giả Gotama, nếu ngọn lửa ấy được tắt
trước mặt tôi, tôi sẽ biết: "Ngọn lửa này đã tắt trước
mặt tôi".
Này Vaccha, nếu có người hỏi Ông như sau:
"Ngọn lửa này đã tắt trước mặt Ông, ngọn lửa ấy từ
đây đã đi về phương hướng nào, phương Đông, phương Tây, phương
Bắc, hay phương Nam ?", được hỏi vậy, này Vaccha, Ông trả lời
thế nào ?
Không có thể áp dụng ở đây, Tôn giả Gotama.
Vì rằng, này Tôn giả Gotama, ngọn lửa ấy đã cháy vì duyên nhiên
liệu cỏ và củi. Khi cỏ và củi ấy hết và vì không có nhiên
liệu khác, nên được xem là không có nhiên liệu, đã bị tắt.
Cũng vậy, này Vaccha, do sắc pháp này, nhờ đó
mà một người nhận biết Như Lai có thể nhận biết được, sắc
pháp ấy đã được Như Lai đoạn diệt, cắt tận gốc rễ, làm cho
như thân cây tala không được tái sanh, không thể sanh khởi trong
tương lai. Giải thoát khỏi cái gọi là sắc, này Vaccha, là Như Lai,
thâm sâu, vô lượng, khó dò đến đáy như đại dương. Khởi lên
không có áp dụng, không khởi lên không có áp dụng, khởi lên
và không khởi lên không có áp dụng, không khởi lên và không
không khởi lên không có áp dụng. Do thọ này, nhờ đó mà một
người nhận biết Như Lai có thể nhận biết được, thọ ấy đã
được Như Lai đoạn diệt, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân
cây tala không được tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.
Giải thoát cái gọi là thọ, này Vaccha, là Như Lai, thâm sâu, vô
lượng khó dò đến đáy đại dương, khởi lên không có áp dụng,
không khởi lên không có áp dụng, khởi lên và không khởi lên
không có áp dụng, không khởi lên và không không khởi lên không
có áp dụng. Do tưởng này, nhờ đó mà một người nhận biết Như
Lai có thể nhận biết được, tưởng ấy đã được Như Lai đoạn
diệt, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không được
tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Giải thoát cái gọi là
tưởng, này Vaccha, là Như Lai, thâm sâu, vô lượng... (như trên)...
không khởi lên và không không khởi lên không có áp dụng. Do
những hành này nhờ đó mà một người nhận biết Như Lai có thể
nhận biết được, các hành ấy đã được Như Lai đoạn diệt, cắt
đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không được tái sanh,
không thể sanh khởi trong tương lai. Giải thoát những cái gọi là
hành, này Vaccha, là Như Lai, thâm sâu, vô lượng... (như trên)...
không khởi lên và không không khởi lên, không có áp dụng. Do
thức này, nhờ đó mà một người nhận thức Như Lai có thể nhận
thức được, cái thức ấy đã được Như Lai đoạn diệt, cắt
đứt được tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không được
tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Giải thoát cái gọi là
thức, này Vaccha, là Như Lai, thâm sâu, vô lượng, khó dò đến
đáy như đại dương, khởi lên không có áp dụng, không khởi lên
không có áp dụng, khởi lên và không khởi lên không có áp
dụng, không khởi lên và không không khởi lên không có áp dụng.
Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta bạch
Thế Tôn:
Thưa Tôn giả Gotama, như một cây tala lớn, không
xa làng hay thị trấn, vì vô thường nên cành lá rơi rụng, vỏ và
đọt non rơi rụng, giác cây rơi rụng và sau một thời gian, với
cành lá rơi rụng, với vỏ và đọt non rơi rụng, với giác cây rơi
rụng, cây ấy thuần tịnh chỉ còn lại lõi cây. Cũng vậy, lời nói
này của Tôn giả Gotama, với cành lá rơi rụng, với vỏ và đọt
non rụng, với giác cây rơi rụng, lời nói ấy thuần tịnh, chỉ còn
lại lõi cây. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay,
Tôn giả Gotama ! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã
xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc
hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có
thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng
nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy
Pháp và quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay
trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá),
Veluvàna (Trúc Lâm), nơi Kalandakanivape (chỗ nuôi dưỡng sóc). Rồi du
sĩ ngoại đạo Vacchagotta đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên
những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên
những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi xuống một
bên. Sau khi ngồi xuống một bên, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta thưa với
Thế Tôn:
Đã lâu rồi tôi mới được hầu chuyện với
Tôn giả Gotama. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama giảng cho tôi một cách
vắn tắt các thiện và bất thiện pháp.
Này Vaccha, Ta có thể giảng cho Ông một cách vắn
tắt các thiện và bất thiện pháp. Này Vaccha, Ta có thể giảng cho
Ông, một cách rộng rãi các thiện và bất thiện pháp. Nhưng này
Vaccha, Ta sẽ giảng cho Ông một cách vắn tắt, các thiện và bất
thiện pháp. Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.
Thưa vâng, Tôn giả.
Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta vâng đáp Thế Tôn. Thế
Tôn giảng như sau:
Tham, này Vaccha, là bất thiện, vô tham là thiện.
Sân, này Vaccha, là bất thiện, vô sân là thiện. Si, này Vaccha, là
bất thiện, vô si là thiện. Như vậy, này Vaccha, ba pháp là bất
thiện, ba pháp là thiện. Sát sanh, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ
sát sanh là thiện. Lấy của không cho, này Vaccha, là bất thiện, từ
bỏ lấy của không cho là thiện. Tà hạnh trong các dục, này Vaccha
là bất thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện. Vọng ngữ,
này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ vọng ngữ là thiện. Nói hai
lưỡi, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện.
Nói ác khẩu, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói ác khẩu là
thiện. Nói lời phù phiếm, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói
lời phù phiếm là thiện. Xan tham, này Vaccha, là bất thiện, không xan
tham là thiện. Sân, này Vaccha, là bất thiện, không sân là thiện.
Tà kiến, này Vaccha, là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như vậy,
này Vaccha, mười pháp là bất thiện, mười pháp là thiện. Này
Vaccha, khi ái được một Tỷ-kheo đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, làm
cho như thân cây tala, không được tái sanh, không thể sanh khởi trong
tương lai, Tỷ-kheo ấy là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành
thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống,
đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí
giải thoát.
Mong sự việc là vậy về Tôn giả Gotama. Nhưng
không biết Tôn giả Gotama có một Tỷ-kheo là đệ tử đã đoạn
trừ các lậu hoặc, với thượng trí, tự mình chứng ngộ, chứng
đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát, tuệ
giải thoát ?
Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba
trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những
Tỷ-kheo đệ tử của Ta đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng
trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại
vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả
Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Nhưng không
biết Tôn giả Gotama có một Tỷ-kheo-ni là đệ tử đã đoạn trừ
các lậu hoặc, với thượng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt
và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải
thoát ?
Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba
trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những
Tỷ-kheo-ni, đệ tử của Ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với
thượng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong
hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Mong sự việc là như vậy đối với tôn giả
Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc
là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Nhưng không biết Tôn giả Gotama
có một Nam cư sĩ là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm
hạnh, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phân kiết sử, được hóa sanh,
nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không phải trở lại đời này nữa ?
Này Vaccha, không phải chỉ một trăm... không phải
năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nam cư sĩ, là đệ
tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đã đoạn
trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại
chỗ ấy, không phải trở lại đời này nữa.
Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả
Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc
là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Mong sự việc là như vậy đối
với Nam cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Nhưng
không biết Tôn giả Gotama có một Nam cư sĩ, là đệ tử sống tại
gia, mặc áo trắng (tuy), hưởng thụ vật dục nhưng xây dựng Thánh
giáo (Sasanakaro), chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc,
chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong
Thánh giáo của bậc Đạo sư ?
Này Vaccha, không phải chỉ một trăm... không phải
năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nam cư sĩ, là đệ
tử sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục, nhưng xây
dựng Thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc,
chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong
Thánh giáo của bậc Đạo sư.
Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả
Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc
là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Mong sự việc là như vậy đối
với Nam cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Mong sự
việc là như vậy đối với Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng,
hưởng thụ dục lạc. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có một Nữ cư
sĩ, là bậc đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau
khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập
Niết-bàn tại chỗ ấy, không trở lại đời này nữa ?
Này Vaccha, không phải chỉ một trăm... không phải
năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nữ cư sĩ, là đệ
tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đoạn trừ
năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ
ấy, không trở lại đời này nữa.
Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả
Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc
là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Mong sự việc là như vậy đối
với các Nam cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Mong
sự việc là như vậy đối với các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo
trắng, hưởng thụ các dục lạc. Mong sự việc là như vậy đối
với các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh.
Nhưng không biết Tôn giả Gotama có Nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại
gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục, nhưng xây dựng Thánh giáo,
chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở
úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc
Đạo sư ?
Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, không phải
hai trăm, không phải ba trăm, không phải bốn trăm, không phải năm
trăm mà nhiều hơn thế nữa là những Nữ cư sĩ, là đệ tử sống
tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục, nhưng xây dựng Thánh
giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô
sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc
Đạo sư.
Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành
mãn pháp này, nhưng các Tỷ-kheo không được thành mãn, như vậy
Phạm hạnh này đã không được đầy đủ về phương diện này. Thưa
Tôn giả Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này và
các Tỷ-kheo cũng được thành mãn; như vậy Phạm hạnh này đã
được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn
giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn,
và các Tỷ-kheo-ni không thành mãn; như vậy Phạm hành này không
được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng
Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành
mãn, và các Tỷ-kheo-ni đã thành mãn; như vậy Phạm hạnh này
được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn
giả Gotama đã thành mãn pháp này và các Tỷ-kheo đã thành mãn,
và các Tỷ-kheo ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia,
mặc áo trắng, theo Phạm hạnh không thành mãn; như vậy Phạm hạnh
này đã không được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả
Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, các Tỷ-kheo
cũng đã thành mãn, các Tỷ-kheo-ni cũng đã thành mãn, các Nam cư
sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh cũng đã thành mãn;
như vậy Phạm hạnh này đã được đầy đủ về phương diện này.
Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và
các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Tỷ-kheo ni đã thành mãn, các
Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo phạm hạnh đã thành mãn
nhưng các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục
không thành mãn; như vậy phạm hạnh này không được đầy đủ về
phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama vì rằng Tôn giả Gotama đã
thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các
Tỷ-kheo-ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo
trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia,
mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục đã thành mãn; như vậy Phạm
hạnh này được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama,
nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này và các Tỷ-kheo đã
thành mãn, và các Tỷ-kheo-ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống
tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục đã thành mãn; nhưng
các Nữ cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, sống theo Phạm hạnh
không thành mãn; như vậy Phạm hạnh này không được đầy đủ về
phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã
thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các
Tỷ-kheo-ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo
trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia,
mặc áo trắng, hưởng thụ các vật dục đã thành mãn, và các
Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành
mãn; như vậy Phạm hạnh này được đầy đủ về phương diện này.
Này Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và
các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Ty kheo ni đã thành mãn, và các
Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn,
và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục
đã thành mãn, và các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo
Phạm hạnh đã thành mãn; nhưng các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo
trắng, hưởng thụ vật dục không thành mãn; như vậy Phạm hạnh này
đã không đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì
rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã
thành mãn, và các Tỷ-kheo-ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống
tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn, và các Nam cư
sĩ sống tại gia, mặc áo trắng hưởng thụ vật dục đã thành mãn,
và các nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã
thành mãn, và các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng
thụ các vật dục đã thành mãn; như vậy Phạm hạnh này được
đầy đủ về phương diện này.
Thưa Tôn giả Gotama, ví như con sông Hằng (Ganga) hướng
về biển cả, chảy về biển cả, xuôi dòng về biển cả, liền đứng
lại khi xúc chạm với biển cả; cũng vậy hội chúng này của Tôn
giả Gotama, gồm có cư sĩ và xuất gia, hướng về Niết-bàn, chảy về
Niết-bàn, xuôi dòng về Niết-bàn, đứng lại khi xúc chạm với
Niết-bàn. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn
giả Gotama ! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị
quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị
lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt
có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama
dùng nhiều phương tiện trình bày. Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y
Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia với Tôn
giả Gotama, được thọ đại giới.
Này Vaccha, ai trước kia thuộc ngoại đạo muốn
xuất gia trong pháp luật này, muốn thọ đại giới, người ấy phải
sống bốn tháng biệt trú. Sau bốn tháng, (nếu) các Tỷ-kheo hoan hỷ,
có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để trở thành
Tỷ-kheo. Nhưng ở đây, Ta biết sự sai biệt về tâm tánh chúng sanh.
Bạch Thế Tôn, nếu những ai trước kia thuộc
ngoại đạo, muốn xuất gia trong pháp luật này, muốn thọ đại giới
phải sống bốn tháng biệt trú. Sau bốn tháng, (nếu) các Tỷ-kheo hoan
hỷ, có thể cho (những vị ấy) xuất gia, cho thọ đại giới để trở
thành Tỷ-kheo, con sẽ sống biệt trú bốn năm. Sau bốn năm, nếu các
Tỷ-kheo hoan hỷ, hãy cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để thành
Tỷ-kheo.
Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta được xuất gia với Thế
Tôn, được thọ đại giới, không lâu sau khi thọ đại giới, nửa
tháng sau khi thọ đại giới, Tôn giả Vacchagotta đi đến Thế Tôn, sau
khi đến đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống
một bên, Tôn giả Vacchagotta bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, cho đến mức độ trí hữu học,
minh hữu học có thể chứng đạt, con đã chứng đạt. Mong Thế Tôn
dạy cho con pháp (khác) cao hơn.
Vậy này Vaccha, hãy tu tập hai pháp cao hơn này, chỉ và
quán. Này Vaccha, hai pháp này được tu tập cao hơn, chỉ và quán, sẽ
đưa đến sự thể nhập vào một số giới sai biệt.
Này Vaccha, nếu Ông muốn như sau: "Ta muốn chứng
được các loại thần thông: ta có thể một thân hiện ra nhiều
thân, nhiều thân hiện ra một thân; ta có thể hiện hình biến hình đi
ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; Ta có thể
độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; ta có thể
đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ta có thể ngồi
kiết già đi trên hư không như con chim, với bàn tay ta có thể chạm
và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, oai
thần như vậy; ta có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên" thì
Ông sẽ đạt được cái gì có thể chứng ngộ ở tại đây, nếu
Ông còn giữ được đối tượng.
Này Vaccha, nếu Ông muốn như sau: "Với thiên nhĩ
thuần tịnh siêu nhân, ta có thể nghe được hai loại tiếng, loài
Trời và loài Người, xa hay gần", thì Ông sẽ đạt được
những gì có thể chứng ngộ ở tại đây, nếu Ông còn giữ
được đối tượng.
Này Vaccha, nếu Ông Muốn như sau: "Mong rằng ta có
thể biết được tâm của các chúng sanh khác, của các người khác
với tâm của ta; tâm có tham, ta có thể biết được là tâm có
tham, hay tâm vô tham, ta có thể biết được là tâm vô tham; hay tâm
có sân, ta có thể biết được là tâm có sân; hay tâm vô sân, ta
có thể biết được là tâm vô sân; hay tâm có si, ta có thể biết
được là tâm có si; hay tâm vô si, ta có thể biết được là tâm
vô si; hay tâm chuyên chú, ta có thể biết được là tâm chuyên
chú; hay tâm tán loạn, ta có thể biết được là tâm tán loạn; hay
tâm đại hành, ta có thể biết được là tâm đại hành; hay tâm
không phải đại hành; ta có thể biết được là tâm không phải
đại hành; hay tâm chưa vô thượng, ta có thể biết là tâm chưa vô
thượng; hay tâm vô thượng, ta có thể biết là tâm vô thượng;
hay định tâm, ta có thể biết là định tâm; hay không phải định tâm,
ta có thể biết là không phải định tâm; hay giải thoát tâm, ta có
thể biết là giải thoát tâm; hay không phải giải thoát tâm, ta có
thể biết là không phải giải thoát tâm"., thì Ông sẽ đạt
được những gì có thể chứng ngộ tại đây, nếu Ông còn giữ
được đối tượng.
Này Vaccha, Ông có thể muốn như sau: "Ta có thể
nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba
đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi
đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, hai trăm đời,
ngàn đời, trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp,
nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên
như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ
lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại
chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như
thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc
như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ
nọ, ta được sanh ra ở đây. Như vậy, ta có thể nhớ đến nhiều
đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi
tiết", Ông sẽ đạt được những gì có thể chứng ngộ tại
đây, nếu Ông còn giữ được đối tượng.
Này Vaccha, Ông có thể muốn như sau: "Với thiên
nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống và chết của
chúng sanh. Ta có thể biết rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao
sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh
đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh này làm những ác
hạnh về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến,
tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này sau khi thân hoại
mạng chung phải sanh vào cõi dữ ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn
những chúng sanh nào làm các thiện hạnh về thân, ngữ và ý,
không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo
chánh kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được
sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này. Như vậy, với
thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống và chết
của chúng sanh. Ta có thể biết chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao
sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh
đều do hạnh nghiệp của họ", Ông sẽ đạt được những gì có
thể chứng ngộ tại đây, nếu người còn giữ được đối
tượng.
Này Vaccha, Ông có thể muốn như sau: "Với sự
đoạn trừ các lậu hoặc, mong rằng ta có thể với thượng trí tự
mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu
tâm giải thoát, tuệ giải thoát", Ông sẽ chứng đạt những gì
có thể chứng ngộ tại đây, nếu Ông còn giữ được đối
tượng.
Rồi Tôn giả Vaccha hoan hỷ, tùy hỷ lời Thế Tôn
dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu
hướng về Ngài rồi từ biệt. Rồi Tôn giả Vacchagotta độc trú
viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu với
thắng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện
tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vì mục đích này Thiện gia nam
tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình,
hướng đến Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã
làm, sau đời hiện tại không có đời khác nữa; Tôn giả
Vacchagotta đã trở thành một vị La hán khác nữa.
Sau một thời gian, một số đông Tỷ-kheo đi đến yết
kiến Thế Tôn. Tôn giả Vacchagotta thấy các Tỷ-kheo từ đàng xa đi
đến, sau khi thấy liền đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến nói với
các Tỷ-kheo ấy như sau:
Chư Tôn giả đang đi đâu ?
Thưa Hiền giả, chúng tôi đi đến yết kiến Thế
Tôn.
Vậy chư Tôn giả hãy nhân danh tôi, cúi đầu
đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: "Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo
Vacchagotta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và nói như sau: "Thế
Tôn đã được con hầu hạ, Thiện Thệ đã được con hầu hạ".
Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vacchagotta. Rồi các
Tỷ-kheo ấy đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi
ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy
bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, Tôn giả Vacchagotta cúi đầu đảnh
lễ chân Thế Tôn và bạch như sau: "Thế Tôn đã được con hầu
hạ, Thiện Thệ đã được con hầu hạ".
Này các Tỷ-kheo, Ta đã được biết tâm của
Tỷ-kheo Vacchagotta với tâm của Ta như sau: "Tỷ-kheo Vacchagotta là
bậc tam minh, có đại thần lực, có đại uy lực". Các chư Thiên
cũng báo với Ta ý nghĩa ấy: "Tỷ-kheo Vacchagotta là bậc tam minh,
có đại thần lực, có đại uy lực".
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ
tín thọ lời Thế Tôn dạy.
|
|