- Kinh Trung bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
Phần XXXI
(148) Kinh Sáu sáu
(149) Đại kinh Sáu xứ
(150) Kinh Nói cho dân chúng Nagaravinda
(151) Kinh Khất thực thanh tịnh
(152) Kinh Căn tu tập
- (Chadhakkasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi
(Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm) tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc).
Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo : "Này các Tỷ-kheo". –
"Thưa vâng, Bạch Thế Tôn".
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn nói như sau :
– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng
pháp cho các Ông, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta sẽ
nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh, tức là sáu sáu. Hãy
nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn nói như sau :
– Sáu nội xứ cần phải được
biết. Sáu ngoại xứ cần phải được biết. Sáu thức thân cần phải
được biết. Sáu xúc thân cần phải được biết. Sáu thọ thân cần phải
được biết. Sáu ái thân cần phải được biết.
Khi được nói đến "Sáu nội
xứ cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy ?
Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Khi được nói đến
"Sáu nội xứ cần phải được biết ", chính do duyên này được
nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ nhất.
Khi được nói đến "Sáu ngoại
xứ cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy ? Sắc
xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ. Khi được nói đến
"Sáu ngoại xứ cần phải được biết", chính do duyên này được
nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ hai.
Khi được nói đến "Sáu thức
thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy ?
Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Do duyên tai và do
duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Do duyên mũi và do duyên các hương,
khởi lên tỷ thức. Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức.
Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức. Do duyên ý và do
duyên các pháp, khởi lên ý thức. Khi được nói đến "Sáu thức thân
cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy.
Đây là sáu sáu thứ ba.
Khi được nói đến "Sáu xúc
thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy ?
Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của
ba (pháp này) là xúc. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức.
Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên mũi và do duyên các hương
khởi lên tỷ thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên lưỡi
và do duyên các vị khởi lên thiệt thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này)
là xúc. Do duyên thân và do duyên các xúc khởi lên thân thức. Sự gặp gỡ
của ba (pháp này) là xúc. Do duyên ý và do duyên các pháp khởi lên ý thức.
Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Khi được nói đến "Sáu xúc
thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như
vậy. Đây là sáu sáu thứ tư.
Khi được nói đến "Sáu thọ
thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy ?
Do duyên mắt và do duyên các sắc khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của
ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên tai và do duyên các tiếng
khởi lên nhĩ thức. Do duyên mũi và do duyên các hương khởi lên tỷ thức.
Do duyên lưỡi và do duyên các vị khởi lên thiệt thức. Do duyên thân và
do duyên các xúc khởi lên thân thức. Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi
lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc là thọ.
Khi được nói đến "Sáu thọ thân cần phải được biết", chính
do duyên này được nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ năm.
Khi được nói đến "Sáu ái
thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy ?
Do duyên mắt và duyên các sắc khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba
(pháp này) là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Do duyên tai
và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Do duyên mũi và do duyên các hương
khởi lên tỷ thức. Do duyên lưỡi và do duyên các vị khởi lên thiệt thức.
Do duyên thân và do duyên các xúc khởi lên thân thức. Do duyên ý và do
duyên các pháp khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc.
Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Khi được nói đến "Sáu ái
thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như
vậy. Đây là sáu sáu thứ sáu.
Nếu ai nói rằng : "Mắt là tự
ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của mắt đã
được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải
đưa đến kết luận : "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy,
nếu ai nói rằng : "Mắt là tự ngã", như vậy không hợp lý. Như
vậy, con mắt là vô ngã. Nếu ai nói rằng : "Các sắc là tự
ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các sắc đã
được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy,
nên phải đưa đến kết luận : "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi".
Do vậy, nếu ai nói rằng : "Các sắc là tự ngã", như vậy là
không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã. Nếu ai
nói rằng : "Nhãn thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự
sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự
diệt của nhãn thức đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận:
"Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng :
"Nhãn thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy con mắt
là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã. Nếu có ai nói rằng
: "Nhãn xúc là tự ngã, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt
của nhãn xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được
thấy, nên phải đưa đến kết luận : "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi".
Do vậy, nếu ai nói rằng : "Nhãn xúc là tự ngã", như vậy, là
không hợp lý. Như vậy con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức
là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã. Nếu có ai nói rằng : "Thọ là tự
ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã
được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy, nên
phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do
vậy, nếu ai nói rằng : "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp
lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô
ngã, nhãn xúc là vô ngã, thọ là vô ngã. Nếu có ai nói rằng : "Ái
là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ái
đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải
đưa đến kết luận : "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy
nếu ai nói rằng : "Ái là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như
vậy con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn
xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là vô ngã. Nếu có ai nói rằng :
"Tai là tự ngã"; nếu có ai nói rằng : ""Mũi là tự
ngã"; nếu có ai nói rằng : "Lưỡi là tự ngã"; nếu có ai
nói rằng : "Thân là tự ngã"; nếu có ai nói rằng : "ý là tự
ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý đã được
thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến
kết luận : "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy nếu ai nói
rằng : "Ý là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy ý là
vô ngã. Nếu có ai nói rằng : "Các pháp là tự ngã", như vậy, là
không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các pháp đã được thấy. Vì rằng
sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận :
"Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng :
"Các pháp là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là
vô ngã, các pháp là vô ngã. Nếu có ai nói rằng : "Ý thức là tự
ngã", như vậy, là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý thức đã
được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải
đưa đến kết luận : "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy,
nếu ai nói rằng : "Ý thức là tự ngã", như vậy là không hợp
lý. Như vậy ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã. Nếu
có nói rằng : "Ý xúc là tự ngã ", như vậy là không hợp lý. Sự
sanh và sự diệt của ý xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt
đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận : "Tự ngã sanh và diệt
ở nơi tôi". Do vậy, nếu có ai nói rằng : "Ý xúc là tự
ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy ý là vô ngã, các pháp là
vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã. Nếu có ai nói : "Thọ
là tự ngã", như vậy không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã
dược thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên đưa đến
kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu có ai
nói rằng : "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy
ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ
là vô ngã. Nếu có ai nói rằng : "Ái là tự ngã", như vậy là
không hợp lý. Vì rằng sự sanh.. Do vậy nếu có ai nói rằng : "Ái là
tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy ý là vô ngã, các pháp
là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là
vô ngã.
Này các Tỷ-kheo, nhưng đây là con
đường đưa đến sự tập khởi của thân kiến. Ai quán mắt là :
"Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của
tôi" Ai quán các sắc là : "Cái này là của tôi, cái này là tôi,
cái này là tự ngã của tôi". Ai quán nhãn thức : "Cái này là của
tôi.. là tự ngã của tôi". Ai quán nhãn xúc: "Cái này là của tôi
... là tự ngã của tôi". Ai quán thọ : "Cái này là của tôi... là
tự ngã của tôi". Ai quán ái: "Cái này là của tôi ... là tự ngã
của tôi". Ai quán tai : "Cái này là của tôi.. là tự ngã của
tôi". Ai quán mũi : "Cái này là của tôi.. là tự ngã của
tôi". Ai quán lưỡi : "Cái này là của tôi.. là tự ngã của
tôi". Ai quán thân : "Cái này là của tôi.. là tự ngã của
tôi". Ai quán ý : "Cái này là của tôi.. là tự ngã của tôi".
Ai quán các pháp : "Cái này là của tôi.. là tự ngã của tôi". Ai
quán ý thức : "Cái này là của tôi.. là tự ngã của tôi". Ai
quán ý xúc : "Cái này là của tôi.. là tự ngã của tôi". Ai quán
ái : "Cái này là của tôi.. là tự ngã của tôi".
Nhưng này các Tỷ-kheo, đây là con
đường đưa đến sự đoạn diệt của thân kiến. Ai quán mắt :
""Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái
này không phải là tự ngã của tôi". Ai quán sắc : "Cái này không
phải là của tôi.. không phải là tự ngã của tôi". Ai quán nhãn thức
: "Cái này không phải của tôi.. không phải là tự ngã của tôi".
Ai quán nhãn xúc : "Cái này không phải của tôi.. không phải tự ngã của
tôi". Ai quán thọ : "Cái này không phải là của tôi... không phải
tự ngã của tôi". Ai quán ái : "Cái này không phải của tôi..
không phải tự ngã của tôi". Ai quán tai : "Cái này không phải của
tôi.. không phải tự ngã của tôi". Ai quán mũi : "Cái này không phải
của tôi.. không phải tự ngã của tôi". Ai quán lưỡi: "Cái này
không phải của tôi.. không phải tự ngã của tôi". Ai quán thân :
"Cái này không phải của tôi.. không phải tự ngã của tôi". Ai
quán ý: "Cái này không phải của tôi.. không phải tự ngã của
tôi". Ai quán các pháp: "Cái này không phải của tôi.. không phải
tự ngã của tôi". Ai quán ý thức: "Cái này không phải của tôi..
không phải tự ngã của tôi". Ai quán ý xúc: "Cái này không phải
của tôi.. không phải tự ngã của tôi". Ai quán thọ: "Cái này
không phải của tôi.. không phải tự ngã của tôi". Ai quán ái :
"Cái này không phải của tôi.. không phải tự ngã của tôi".
Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và
do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là
xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ.
Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước.
Tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ, mà sầu
muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Sân tùy miên của
vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như
thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự
xuất ly khỏi cảm thọ ấy, vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này
các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc
thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ
lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận
vô minh, không làm cho mình khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người
chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra. Này các Tỷ-kheo, do
duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Này các Tỷ-kheo, do
duyên mũi và do duyên các hương khởi lên tỷ thức. Này các Tỷ-kheo, do
duyên lưỡi và do duyên các vị khởi lên thiệt thức. Này các Tỷ-kheo, do
duyên thân và do duyên các xúc khởi lên thân thức. Này các Tỷ-kheo, do
duyên ý và do duyên các pháp khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp
này) là xúc. Do duyên xúc khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất
lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái
trước, tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ
mà sầu muốn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy
miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ,
mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự
nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy
tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên
đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ,
do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không
đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại
là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.
Này các Tỷ-kheo do duyên mắt và do
duyên các sắc khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là
xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ.
Vị ấy cảm xúc lạc thọ, mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước;
tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ, mà
không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân
tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc
thọ, mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự
nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy
không tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên
đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ
lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô
minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt
đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra. Này các Tỷ-kheo, do duyên tai và do
duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Này các Tỷ-kheo, do duyên mũi và do
duyên các hương khởi lên tỷ thức. Này các Tỷ-kheo, do duyên lưỡi và do
duyên các vị khởi lên thiệt thức. Này các Tỷ-kheo, do duyên thân và do
duyên các xúc khởi lên thân thức. Này các Tỷ-kheo, do duyên ý và do duyên
các pháp khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do
duyên cảm xúc khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ.
Vị ấy cảm xúc lạc thọ mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước;
tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ mà
không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân
tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc
thọ mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự
nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy
không tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên
đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ
lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô
minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt
đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra.
Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, vị
Đa văn Thánh đệ tử yếm ly mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức; yếm
ly nhãn xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái. Vị ấy yếm ly tai, yếm ly các tiếng,
yếm ly mũi, yếm ly các hương; yếm ly lưỡi, yếm ly các vị; yếm ly
thân, yếm ly các xúc; yếm ly ý, yếm ly các pháp; yếm ly ý thức, yếm ly
ý xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham vị ấy
giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: "Ta đã được giải
thoát". Và vị ấy tuệ tri : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành,
các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng
này được nói lên, tâm của sáu mươi Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi
các lậu hoặc không có chấp thủ.
- (Muhasalayatanikasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi
(Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc).
Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo : "Này các Tỷ-kheo", –
"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế
Tôn nói như sau :
Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng Đại
Kinh Sáu Xứ. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn giảng như sau :
– Này các Tỷ-kheo, không biết,
không thấy như chơn mắt, không biết không thấy như chơn các sắc, không
biết không thấy như chơn nhãn thức, không biết không thấy như chơn nhãn
xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất
lạc thọ, không biết không thấy như chơn cảm thọ ấy, vị ấy ái trước
đối với mắt, ái trước đối với các sắc, ái trước đối với nhãn
thức, ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc
thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy ái trước đối với
cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, bị ái trước, hệ lụy
và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tích trữ trong tương lai. Và ái của
vị ấy đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ
này, chỗ kia; ái ấy được tăng trưởng; những thân ưu não tăng trưởng;
những tâm ưu não tăng trưởng; những thân nhiệt não tăng trưởng; những
tâm khổ não tăng trưởng. Vị ấy cảm thọ thân khổ và tâm khổ.
Này các Tỷ-kheo, không thấy và
không biết như chơn tai; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như
chơn mũi; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn lưỡi; này
các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn thân; này các Tỷ-kheo,
không thấy và không biết như chơn ý; này các Tỷ-kheo, không thấy và
không biết như chơn các pháp; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết
như chơn ý thức; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn ý
xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc
thọ; không thấy và không biết như chơn cảm thọ ấy, vị ấy ái trước
đối với ý, ái trước đối với pháp, ái trước đối với ý thức, ái
trước đối với ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ,
hay bất khổ bất lạc thọ, ... (như trên)... vị ấy cảm thọ thân khổ
và tâm khổ.
Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như
chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn
thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc
thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm
thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối
với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối
với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất
khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi
vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm,
nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy,
đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ
kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn
tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được
đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não
được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ
thân lạc và tâm lạc.
Kiến gì như chơn của vị ấy, kiến
ấy là chánh kiến. Tư duy gì như chơn của vị ấy, tư duy ấy là chánh tư
duy. Tinh tấn gì như chơn của vị ấy, tinh tấn ấy là chánh tinh tấn. Niệm
gì như chơn của vị ấy, niệm ấy là chánh niệm. Định gì như chơn của
vị ấy, định ấy là chánh định. Thân nghiệp, ngữ nghiệp, sinh mạng của
vị ấy được thanh tịnh tốt đẹp. Và Thánh đạo Tám ngành này đi đến
tu tập và phát triển sung mãn cho vị ấy. Do sự tu tập Thánh đạo Tám
ngành này như vậy, bốn niệm xứ đi đến tu tập và phát triển sung mãn;
bốn chánh tinh tấn cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; bốn như
ý túc cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; năm căn cũng đi đến
tu tập và phát triển sung mãn; năm lực cũng đi đến tu tập và phát triển
sung mãn; bảy giác chi cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn. Và nơi
vị ấy, hai pháp này được chuyển vận song hành: chỉ và quán. Với thượng
trí, vị ấy liễu tri những pháp cần phải liễu tri với thượng trí. Với
thượng trí, vị ấy đoạn tận những pháp cần phải đoạn tận với
thượng trí. Với thượng trí vị ấy, tu tập những pháp cần phải tu tập
với thượng trí. Với thượng trí, vị ấy chứng ngộ những pháp cần phải
chứng ngộ với thượng trí. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp
cần phải liễu tri với thượng trí ? Cần phải trả lời là năm thủ uẩn,
tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn,
thức thủ uẩn. Những pháp này là những pháp cần phải liễu tri với thượng
trí. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải đoạn tận với
thượng trí ? Vô minh và hữu ái, những pháp này cần phải đoạn tận với
thượng trí. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tu tập với
thượng trí ? Chỉ và quán, những pháp này cần phải tu tập với thượng
trí. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải chứng ngộ với
thượng trí ? Minh và giải thoát, những pháp này cầu phải chứng ngộ với
thượng trí.
Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như
chơn tai; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn mũi; này các Tỷ-kheo, thấy
và biết như chơn lưỡi; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn thân;
này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn ý; này các Tỷ-kheo, thấy và biết
như chơn các pháp; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn ý thức; này
các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc
thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; thấy và biết như chơn cảm thọ
ấy, nên vị ấy không ái trước đối với ý, không ái trước đối với
các pháp, không ái trước đối với ý thức, không ái trước đối với
ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất
lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy... (như trên)...
tâm khổ não được đoạn tận. Vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc.
Kiến gì như chơn của vị ấy, kiến ấy là chánh kiến. Tư duy gì như
chơn của vị ấy... (như trên)... hoạt mạng của vị ấy đi đến thanh tịnh
tốt đẹp. Và Thánh đạo Tám ngành này đi đến tu tập và phát triển
sung mãn cho vị ấy. Do sự tu tập Thánh đạo Tám ngành này như vậy...
(như trên)... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải chứng
ngộ với thượng trí ? Minh và giải thoát, những pháp này cần phải chứng
ngộ với thượng trí.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
- 150. KINH
NÓI CHO DÂN NAGARAVINDA [^]
- (Nagaravindeyyasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Môt thời Thế Tôn du hành giữa
dân chúng Kosala, cùng với Đại chúng Tỷ-kheo và đi đến một làng
Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Nagaravinda. Các Bà-la-môn gia chủ ở
Nagaravinda được nghe như sau : "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ
gia tộc Sakka (Thích-ca), đang du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với Đại
chúng Tỷ-kheo và đã đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là
Nagaravinda. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả
Gotama : "Ngài là Đấng Thế Tôn, bậc A-la-hán... được yết kiến một
A-la-hán như vậy". Rồi các vị Bà-la-môn gia chủ ở Nagaravinda đi đến
Thế Tôn. Sau khi đến, một số người nói lên với Thế Tôn những lời
chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu
liền ngồi xuống một bên; một số người chấp tay vái chào Thế Tôn rồi
ngồi xuống một bên; một số người nói lên tên họ trước Thế Tôn rồi
ngồi xuống một bên; một số người im lặng ngồi xuống một bên. Thế
Tôn nói với những Bà-la-môn gia chủ ở Nagaravinda đang ngồi một bên:
– Này Gia chủ, nếu những du sĩ
ngoại đạo hỏi các Ông như sau : "Này Gia chủ, hạng Sa-môn,
Bà-la-môn nào không đáng tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường ?
Được hỏi vậy này các Gia chủ, các du sĩ ngoại đạo ấy cần được
trả lời như sau : "Những Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với các sắc do
mắt nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si, nội tâm không tịch
tĩnh, sở hành thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp khi thăng bằng, khi không
thăng bằng. Những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy không đáng cung kính, tôn trọng,
đảnh lễ, cúng dường. Vì sao vậy ? Chúng tôi đối với các sắc do mắt
nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si, nội tâm không tịch tĩnh,
sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp khi thăng bằng, khi không thăng
bằng, nhưng chúng tôi không thấy các vị ấy hơn sở hành thăng bằng của
chúng tôi. Do vậy các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không đáng được tôn
trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường. Những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối
với các tiếng do tai nhận thức, đối với các hương do mũi nhận thức,
đối với các vị do lưỡi nhận thức, đối với các xúc do thân nhận thức,
đối với các pháp do ý nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si,
nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp
khi thăng bằng, khi không thăng bằng, các Sa-môn, Bà-la-môn ấy không đáng
được tôn trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường. Vì cớ sao ? Chúng tôi
đối với các pháp do ý nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si,
nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp
khi thăng bằng, khi không thăng bằng; nhưng chúng tôi không thấy các vị
ấy hơn sở hành thăng bằng của chúng tôi. Do vậy, các vị Sa-môn,
Bà-la-môn ấy không đáng được tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường".
Được hỏi như vậy, này các Gia chủ, các Ông cần phải trả lời như vậy
cho các du sĩ ngoại đạo ấy.
Nhưng này các Gia chủ, nếu các du
sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau : "Này các Gia chủ, hạng Sa-môn,
Bà-la-môn nào đáng tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường ?" Khi
được hỏi vậy, này các Gia chủ, các Ông cần phải trả lời cho các du
sĩ ngoại đạo ấy như sau : "Những Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với các
sắc do mắt nhận thức, ly tham, ly sân, ly si, nội tâm tịch tĩnh, sở hành
thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp được thăng bằng. Các Sa-môn,
Bà-la-môn như vậy đáng được tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường.
Vì sao vậy ? Chúng tôi đối với các sắc do mắt nhận thức, không ly
tham, không ly sân, không ly si, nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp,
khẩu nghiệp, ý nghiệp khi thì thăng bằng, khi không thăng bằng; nhưng chúng
tôi có thấy các vị ấy hơn sở hành thăng bằng của chúng tôi. Do vậy,
các Sa-môn, Bà-la-môn ấy đáng được tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng
dường. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với các tiếng do tai nhận thức,
đối với các hương do mũi nhận thức, đối với các vị do lưỡi nhận
thức, đối với các xúc do thân nhận thức, đối với các pháp do ý nhận
thức, ly tham, ly sân, ly si, nội tâm tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu
nghiệp, ý nghiệp được thăng bằng, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đáng
được tôn trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường. Vì sao vậy ? chúng tôi
đối với các pháp do ý nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si,
nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp,
khi thăng bằng, khi không thăng bằng, nhưng chúng tôi có thấy các vị ấy
hơn sở hành thăng bằng của chúng tôi. Do vậy, những Sa-môn, Bà-la-môn
ấy đáng được tôn trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường. " Khi được
hỏi vậy, này các Gia chủ, các Ông hãy trả lời như vậy cho các vị du sĩ
ngoại đạo ấy.
Này các Gia chủ, nhưng nếu du sĩ
ngoại đạo ấy hỏi các Ông như sau : "Do căn cứ gì về các Tôn giả
(ấy), do truyền thống gì, các vị nói về các Tôn giả ấy như sau : Chắc
chắn các Tôn giả ấy là ly tham, hay đang đi trên con đường điều phục
tham, hay ly sân, hay đang đi trên con đường điều phục sân, hay ly si, hay
đang đi trên con đường điều phục si ?" Khi được hỏi vậy, này
các Gia chủ, các Ông hãy trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau :
"Các Tôn giả ấy sống tại các trú xứ xa vắng trong các khu rừng
nhàn tịnh. Nhưng tại các chỗ như vậy, không có các sắc do mắt nhận thức
để họ có thể thấy, và sau khi thấy có lòng thích thú; nhưng tại các
chỗ như vậy, không có các tiếng do tai nhận thức để họ có thể nghe,
và sau khi nghe, có lòng thích thú; nhưng tại các chỗ như vậy, không có hương
do mũi nhận thức, để họ có thể ngửi và sau khi ngửi, có lòng thích
thú; nhưng tại các chỗ ấy như vậy không có các vị do lưỡi nhận thức,
để họ có thể nếm, và sau khi nếm, có lòng thích thú; nhưng tại các chỗ
như vậy, không có các xúc do thân nhận thức, để họ có thể cảm giác,
và sau khi cảm giác, có lòng thích thú. Chư Hiền giả, do căn cứ này, do
những truyền thống này, mà chúng tôi nói về các Tôn giả (ấy) như sau :
"Thật vậy, chư Tôn giả ấy ly tham hay đang đi trên con đường nhiếp
phục tham, hay ly sân, hay đang đi trên con đường nhiếp phục sân, hay ly
si, hay đang đi trên con đường nhiếp phục si". Khi được hỏi vậy, này
các Gia chủ, các Ông hãy trả lời các du sĩ ngoại đạo như vậy.
Khi nghe nói vậy, các Bà-la-môn gia
chủ ở Nagaravinda nói với Thế Tôn :
– Thật vi diệu thay, Tôn giả
Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Ví như, Tôn giả Gotama... mong
Tôn giả Gotama hãy nhận chúng con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung,
chúng con sẽ trọn đời quy ngưỡng.
- 151. KINH
KHẤT THỰC THANH TỊNH [^]
- (Pindapataparisuddhisuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Rajagaha (Vương
Xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivapa). Rồi Tôn
giả Sariputta vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến
Thế Tôn, sau khi dến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế
Tôn nói với Tôn giả Sariputta đang ngồi một bên:
– Này Sariputta, các căn của Ông rất
sáng suốt, sắc da của Ông thanh tịnh trong sáng. Này Sariputta, Ông nay đang
phần lớn an trú với loại an trú nào ?
– Bạch Thế Tôn, con nay đang phần
lớn an trú với không trú.
– Lành thay, lành thay ! Này
Sariputta, Ông nay đang phần lớn an trú với sự an trú của bậc Đại nhân.
Này Sariputta, sự an trú của bậc Đại nhân tức là không tánh. Do vậy,
này Sariputta, nếu Tỷ-kheo ước mong rằng: : "Mong rằng tôi nay phần lớn
an trú với sự an trú không tánh", thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy
cần phải suy tư như sau : "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất
thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta
đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các sắc do mắt nhận thức,
có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không ?"
Này Sariputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư
duy biết rằng : "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực,
tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất
thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên nơi ta
dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải
tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sariputta, nếu Tỷ-kheo
trong khi suy tư được biết như sau : "Trên con đường ta đã đi.. ta
đi khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, không có
khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sariputta, Tỷ-kheo
ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện
pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư như sau : "Trên con đường ta đã đi... , ta đi khất thực
trở về đối với các tiếng do tai nhận thức, ... đối với các hương
do mũi nhận thức, ... đối với các vị do lưỡi nhận thức, ... đối với
các xúc do thân nhận thức, ... đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi
lên dục, tham, sân, si hay hận tâm không ?"
Này Sariputta, nếu Tỷ-kheo trong khi
suy tư biết được như sau : "Trên con đường ta đã đi... , ta đi khất
thực trở về, đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên nơi ta dục,
tham, sân, si, hay hận tâm", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn
đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sariputta, nếu Tỷ-kheo
trong khi suy tư được biết như sau : "Trên con đường ta đã đi... ta
đi khất thực trở về, đối với các pháp do ý nhận thức, không có khởi
lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sariputta, Tỷ-kheo
ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện
pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư như sau : "Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng chưa
? Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo, trong khi suy tư được biết như sau :
"Ta chưa đoạn tận năm dục trưởng dưỡng", thời này Sariputta, Tỷ-kheo
ấy phải tinh tấn đoạn tận năm dục trưởng dưỡng. Nhưng nếu, này
Sariputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã đoạn tận
năm dục trưởng dưỡng", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú
với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư như sau: "Ta đã đoạn tận năm triền cái chưa ?" Nếu,
này Sariputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa đoạn
tận năm triền cái", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn
tận năm triền cái. Nhưng nếu, này Sariputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được
biết như sau : "Ta đã đoạn tận năm triền cái ", thời này
Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học
trong các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư : "Ta có liễu tri năm thủ uẩn chưa ?" Này Sariputta, nếu
trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau : "Ta chưa có liễu tri năm
thủ uẩn", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tán liễu tri
năm thủ uẩn. Nhưng nếu, này Sariputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo ấy được
biết như sau : "Ta đã liễu tri năm thủ uẩn", thời này Sariputta,
vị Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong
các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư như sau : "Ta đã tu tập bốn niệm xứ chưa ?" Này
Sariputta, nếu trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết : "Ta chưa tu tập bốn
niệm xứ", thời này Sariputta, vị Tỷ-kheo cần phải tinh tấn tu tập
bốn niệm xứ. Nhưng nếu, này Sariputta, trong khi suy tư Tỷ-kheo được biết
như sau : "Ta đã tu tập bốn niệm xứ ", thời này Sariputta, Tỷ-kheo
ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện
pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư : "Ta đã tu tập bốn chánh cần chưa ? " Nếu... cần
phải tinh tấn tu tập bốn chánh cần. Nhưng nếu... trong các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư : "Ta đã tu tập bốn như ý túc chưa ?" Nếu... cần phải
tinh tấn tu tập bốn như ý túc. Nhưng nếu... trong các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư : "Ta đã tu tập năm căn chưa ?" Nếu... cần phải tinh
tấn tu tập năm căn. Nhưng nếu... trong các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư : "Ta đã tu tập năm lực chưa ?" Nếu... phải tinh tấn
tu tập năm lực . Nhưng nếu... trong các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư : "Ta đã tu tập bảy giác chi chưa ?" Nếu... cần phải
tinh tấn tu tập bảy giác chi. Nhưng nếu... trong các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư như sau : "Ta đã tu tập Thánh đạo Tám ngành chưa ?" Nếu
Tỷ-kheo, này Sariputta, trong khi suy tư được biết như sau : "Ta chưa tu
tập Thánh đạo Tám ngành, " thời này Sariputta Tỷ-kheo ấy cần phải
tinh tấn tu tập Thánh đạo Tám ngành. Nhưng nếu, này Sariputta, Tỷ-kheo
trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập Thánh đạo Tám
ngành, " thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú trong hỷ và
hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư : "Ta đã tu tập chỉ và quán chưa ? " Nếu Tỷ-kheo, này
Sariputta, trong khi suy tư được biết như sau : "Ta chưa tu tập chỉ và
quán ", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập chỉ
và quán. Nhưng nếu, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết
như sau : "Ta đã tu tập chỉ và quán ", thời này Sariputta, Tỷ-kheo
ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện
pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần
phải suy tư như sau : "Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát chưa ?
" Nếu Tỷ-kheo, này Sariputta, trong khi suy tư được biết như sau :
"Ta chưa chứng ngộ minh và giải thoát", thời này Sariputta, Tỷ-kheo
ấy cần phải tinh tấn tu tập minh và giải thoát. Nhưng nếu, này
Sariputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã chứng ngộ
minh và giải thoát ", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú
với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
Này Sariputta, những Sa-môn hay
Bà-la-môn nào trong thời quá khứ đã làm cho khất thực được thanh tịnh,
tất cả những vị ấy đã làm cho khất thực được thanh tịnh bằng cách
suy tư, suy tư như vậy. Này Sariputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời
gian tương lai sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị
ấy sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, suy tư như
vậy. Và này Sariputta, những Sa-môn, Bà-la-môn nào trong thơi hiện tại, làm
cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy đã làm cho khất
thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, suy tư như vậy. Vậy này
Sariputta, các Ông cần phải học tập như sau : "Sau khi suy tư, suy tư,
chúng ta sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh". Này Sariputta, các
Ông phải tu tập như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn
giả Sariputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
- (Indriyabhavannasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Kajangala, tại
Mukheluvana. Rồi thanh niên Bà-la-môn Uttara, đệ tử của Pasariya đi đến Thế
Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm;
sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống
một bên. Thế Tôn nói với thanh niên Bà-la-môn Uttara, đệ tử của
Pasariya đang ngồi một bên:
– Này Uttara, Bà-la-môn Pasariya có
thuyết về căn tu tập cho các đệ tử không ?
– Thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn
Pasariya có thuyết về căn tu tập cho các đệ tử.
– Nhưng này Uttara, Bà-la-môn
Pasariya thuyết về căn tu tập cho các đệ tử như thế nào ?
– Ở đây, thưa Tôn giả Gotama,
không nên thấy sắc với mắt, không nên nghe tiếng với tai. Như vậy,
thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Pasariya thuyết căn tu tập cho các đệ tử.
– Nếu là như vậy, này Uttara,
theo như lời nói của Bà-la-môn Pasariya, người mù sẽ là người có căn
tu tập, người điếc sẽ là người có căn tu tập. Này Uttara, người mù
không thấy sắc với mắt, người điếc không nghe tiếng với tai.
Khi được nói vậy, thanh niên
Bà-la-môn Uttara đệ tử của Pasariya ngồi im lặng, hổ thẹn, thụt vai, mặt
cúi gầm xuống, trầm ngâm, không nói năng gì.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết được
Uttara, đệ tử của Pasariya im lặng, hổ thẹn, thụt vai, mặt cúi gầm xuống,
trầm ngâm, không nói năng gì, liền gọi Tôn giả Ananda và nói :
– Này Ananda, Bà-la-môn Pasariya thuyết
cho các đệ tử căn tu tập một cách khác; nhưng trong giới luật các bậc
Thánh, vô thượng căn tu tập khác như vậy.
– Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời
! Bạch Thiện Thệ nay đã đến thời để Thế Tôn thuyết vô thượng căn
tu tập trong giới luật bậc Thánh. Sau khi nghe Thế Tôn, các vị Tỷ-kheo sẽ
thọ trì.
– Vậy này Ananda, hãy nghe và suy
nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
– Này Ananda, thế nào là vô thượng
căn tu tập trong giới luật bậc Thánh ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo, mắt
thấy sắc, khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất
khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau : "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả
ý này khởi lên, khả ý bất khả ý này khởi lên. Cái này khởi lên, vì
là hữu vị nên thô. (Nhưng) cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức
là xả". Cho nên, dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay
khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả
tồn tại. Này Ananda, như một người có mắt, sau khi mở mắt, lại nhắm
mắt lại, hay sau khi nhắm mắt, lại mở mắt ra; cũng vậy, như vậy là tốc
độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái
gì đã khởi lên, khả ý bất khả ý hay khả ý bất khả ý, (tất cả) đều
đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh,
này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các sắc do mắt
nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo tai
nghe tiếng khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất
khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau : "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả
ý này khởi lên, khả ý bất khả ý này khởi lên. Cái này khởi lên, vì
là hữu vi nên thô. (Nhưng) cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức
là xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý, hay
khả ý bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn
tại. Này Ananda, như một người lực sĩ có thể búng tay một cách dễ
dàng; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy
là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay
khả ý bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn
tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng
căn tu tập đối với các tiếng do tai nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo do mũi
ngửi hương khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất
khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau : "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả
ý này khởi lên, khả ý bất khả này khởi lên. Cái này khởi lên, vì là
hữu vi nên thô. (Nhưng) cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là
xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả
ý bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại.
Này Ananda, như những giọt nước mưa chảy trượt đi, không có đọng lại
trên một lá sen hơi chúc xuống; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy
là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi
lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt
(trong vị ấy), và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như
vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các hương do mũi nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo lưỡi
nếm vị khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất khả
ý. Vị ấy tuệ tri như sau : "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý
này khởi lên, khả ý bất khả ý này khởi lên. Cái này khởi lên, vì là
hữu vi nên thô. (Nhưng) cái này là an tinh, cái này là thù diệu, tức là xả".
Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý, hay khả ý bất
khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Này
Ananda, như một người lực sĩ có thể nhổ ra một cách dễ dàng cục đờm
đọng lại trên đầu lưỡi; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là
sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả
ý, bất khả ý hay khả ý bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong
vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy
gọi là vô thượng căn tu tập đối với các vị do lưỡi nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo thân
cảm xúc khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất khả
ý. Vị ấy tuệ tri như sau : "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý
này khởi lên, khả ý bất khả ý này khởi lên. Cái này khởi lên, vì là
hữu vi nên thô. (Nhưng) cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là
xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả
ý bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại.
Này Ananda, ví như một người có thể co duỗi cánh tay được co lại của
mình, hay co lại cánh tay duỗi ra của mình; cũng vậy, như vậy là tốc độ,
như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã
khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý bất khả ý, (tất cả) đều đoạn
diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này
Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các xúc do thân
nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo, ý nhận
thức các pháp khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý. Khởi lên khả ý bất
khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau : "khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả
ý này khởi lên, khả ý bất khả ý này khởi lên. Cái này khởi lên, vì
là hữu vi nên thô. (Nhưng)cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức
là xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay
khả ý bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn
tại. Này Ananda, như một người cho nhỏ hai ba giọt nước trong một cái
chậu bằng sắt đun nóng mỗi ngày, này Ananda, các giọt nước rơi rất chậm
nhưng chúng bị tiêu diệt, biến đi rất mau, cũng vậy, như vậy là tốc
độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái
gì đã khởi lên khả ý, bất khả ý hay khả ý bất khả ý, (tất cả) đều
đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh,
này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các pháp do
ý nhận thức.
Như vậy, này Ananda, là vô thượng
căn tu tập trong giới luật bậc Thánh.
Và này Ananda, thế nào là đạo lộ
của vị hữu học ? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo mắt thấy sắc khởi lên
khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất khả ý. Vì rằng có
khả ý khởi lên, có bất khả ý khởi lên, có khả ý bất khả ý khởi
lên, vị ấy ưu não, tàm quý, ghét bỏ. Sau khi tai nghe tiếng, mũi ngửi
hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức pháp, vị ấy khởi
lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất khả ý . Vì rằng
có khả ý khởi lên, có bất khả ý khởi lên, có khả ý bất khả ý khởi
lên, vị ấy ưu não, tàm quý, ghét bỏ. Như vậy, này Ananda là đạo lộ của
vị hữu học.
Và này Ananda, thế nào là bậc
Thánh, các căn được tu tập ? Ở đây, này Ananda, sau khi mắt thấy sắc,
vị Tỷ-kheo khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất
khả ý. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn : "Mong rằng tôi an trú với
tưởng không yếm ly đối với (sự vật) yếm ly", thời ở đây, vị
ấy an trú với tưởng không yếm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn :
"Mong rằng tôi an trú với tưởng yếm ly đối với (sự vật) không yếm
ly", thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yếm ly. Nếu vị ấy khởi
lên ước muốn; "Mong rằng tôi an trú với tưởng không yếm ly đối với
(sự vật) yếm ly và (sự vật) không yếm ly", thời ở đây, vị ấy
an trú với tưởng không yếm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn :
"Mong rằng tôi an trú với tưởng yếm ly", đối với (sự vật) không
yếm ly và (sự vật) yếm ly", thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng
yếm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn : "Mong rằng tôi sau khi từ
bỏ cả hai yếm ly và không yếm ly, an trú xả, chánh niệm, tỉnh giác
", thời ở đây, vị ấy an trú xả chánh niệm, tỉnh giác.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo sau
khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận
thức pháp, vị Tỷ-kheo khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên
khả ý bất khả ý. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn : "Mong rằng tôi
an trú với tưởng không yếm ly đối với (sự vật) yếm ly", thời
ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yếm ly. Nếu vị ấy khởi lên
ước muốn : "Mong rằng ta an trú với tưởng yếm ly (đối với sự vật)
không yếm ly", thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yếm ly. Nếu
vị ấy khởi lên ước muốn : "Mong rằng tôi an trú với tưởng không
yếm ly (đối với sự vật) yếm ly và (sự vật) không yếm ly", thời
ở đây, vị ấy sống an trú với tưởng không yếm ly. Nếu vị ấy khởi
lên ước muốn : "Mong rằng tôi an trú với tưởng yếm ly (đối với
sự vật) không yếm ly và sự vật yếm ly", thời ở đây, vị ấy an
trú với tưởng yếm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn : "Mong rằng
tôi, sau khi từ bỏ cả hai yếm ly và không yếm ly, an trú xả, chánh niệm,
tỉnh giác", thời ở đây, vị ấy an trú xả, chánh niệm, tỉnh giác.
Như vậy, này Ananda, là bậc Thánh,
các căn được tu tập.
Như vậy, này Ananda, Ta đã giảng
vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh, đã giảng đạo lộ của
bậc hữu học, đã giảng bậc Thánh, các căn được tu tập. Này Ananda, những
gì một bậc Đạo sư phải làm, vì lòng từ mẫn, mưu cầu hạnh phúc cho
các đệ tử, những điều ấy Ta đã làm cho các Ông. Này Ananda, đây là
những gốc cây, đây là những chỗ trống. Này Ananda, hãy Thiền tư, chớ
có phóng dật, chớ có hối hận về sau. Đây là những lời giáo giới của
Ta cho các Ông.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn
giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.