Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

1
Nhìn qua đạo giải thoát

Thiên kỷ mới, đón mừng một kỷ nguyên khoa học tuyệt vời do con người xây dựng. Kỹ thuật vi tính, điện năng tin học đạt đến mức gần toàn hão - giúp con người ngồi lại gần nhau mà hai bên cách xa hàng ngàn dặm (miles), giúp con người tiết kiệm biết bao công sức, và công cụ để giải quyết gần theo ý muốn. Nền văn minh đầu thế kỷ 21 thật đáng hãnh diện cho nhân loại đang cư trú ở hành tinh xanh (trái đất), và có lẽ trong quỹ đạo thái dương hệ (solar system) này hành tinh xanh của chúng ta đang đợi sự thử thách lớn để tìm một nền văn minh khác!

Kỷ nguyên văn minh tinh xảo gần như chu toàn, thì tư tưởng và quan niệm sống con người cũng phải phù hợp theo. Nếu sản phẩm nào không hài hòa tương ứng với nền văn minh khoa học, tức thì sẽ bị đào thải. Do đó kỷ nguyên mới đánh đổ tất cả những gì là mờ ám mê muội, mê tín trá hình mang tính chất phản khoa học, phản thực tế.

Vậy thì vấn đề siêu khoa học, tâm linh con người phải chỉnh đốn lại, phải nhìn lại bằng cặp mắt khoa học hơn mà không dị đoan mê tín. Từ đây các tổ chức tâm linh, tín ngưỡng thuộc về huyền ảo mê tín, tự động sẽ đẩy mình rời xa cuộc sống hiện tại, mà kết quả là không còn gì để nói ở kỷ nguyên này. Điều đó thấy rõ ở các nước văn minh giàu có. Hiện tượng ở giới trẻ, họ không còn như ngày xưa nữa. Họ bây giờ không thể tin càn, tin mù quáng, tin không căn cứ bình phẩm, nhận định, suy tưởng, lý giải, thiết định v.v...

Viễn ảnh sự thật đã và đang xảy ra hiện nay như thế, vậy với đạo Phật thì sao? Câu trả lời chỉ là nhắc lại, vì từ lúc giáo chủ của đạo Phật, đức Thích Ca Mâu Ni, được xem như một con người, có kiểm chứng bởi lịch sử qua kinh điển và chứng tích cổ vật còn lại, đã tuyên bố ngay khi đem giáo lý phổ cập vào quần chúng. Ngài dạy rằng, con người hãy nên tin những gì, sau khi đã tư duy rõ biết điều đó, điều mà có thể thực hành mang lại lợi ích cho người và mình...Do như vậy mà đừng vội tin bất cứ ai, dù đó là những người nỗi tiếng, những người tu sĩ được ca tụng chứng đạo, hay những kinh sách được truyền tụng từ xưa... cho đến Thầy của các người...Thậm chí đến lời Ngài đang nói, cũng phải được cân nhắc, xét nghiệm tư duy trước khi thực hành.

Đó là con đường thực hành theo đạo giác ngộ. Gọi rằng đạo giác ngộ giải thoát ở đây thật đúng, như vậy không có thành kiến phân biệt đến các đạo khác. Cũng như khoa học là định luật tự nhiên mà ai cũng có thể xử dụng trong đời sống. Và vậy đạo giác ngộ đâu khác gì các môn khoa học thế gian. Cho nên hiện nay, đạo giác ngộ đang đi vào một số quốc gia có tiếng văn minh khoa học chẳng thấy trở ngại gì. Chẳng hạn Mỹ quốc là quốc gia có tiếng văn minh khoa học, nay lại thật chiếu cố đến đạo giải thoát. Tuy nhiên xem ra cũng là bình thường, vì đạo giải thoát là đạo khoa học tự nhiên, nên không có gì để ngạc nhiên cả. Thế thì khoa học càng tiến bộ đến mức nào đi nữa thì đạo giải thoát vẫn là đạo của khoa học, và dù năm mươi năm nữa con người có di dân lên được hỏa tinh (Mars) để sống, thì đạo giải thoát vẫn là đạo của khoa học. Hay nói một cách khẳng định không sợ lầm, là dù một trăm năm, ngàn năm tới, bấy giờ con người có thể bỏ vào túi áo cái máy điện tử nhỏ bằng hộp quẹt đốt lửa, rồi có thể bay đi đây đó, thì đạo giải thoát vẫn là chân lý không gì đánh đổ, và con người trong thời đại này trước sau cũng phải quay về tìm hiểu tu học hơn.

Cho rằng sao lại chủ quan đưa đạo Phật lên cao như thế! Vì đạo giải thoát soi thấu bản chất con người, và lột tả hết cả những bí ẩn về con người; do thế con người có thế nào đi nữa, có là cha đẻ ra khoa học đến đâu thì vẫn là con người trong cái bản chất mà đạo Phật đã vạch trần ra sự thật của nó. Cho nên thời gian, không gian không thành vấn đề với đạo giải thoát, và vậy đạo giải thoát xuất hiện ở đâu con người sớm muộn sẽ đạt đến chân hạnh phúc ở đó. Nhưng nếu có vấn đề trái ngược thế nào thì đó là luật nhân quả, và rồi cuối cùng sẽ đạt được chân hạnh phúc. Vấn đề trái ngược là hiểu đạo giải thoát mà không thực hành nên kết quả không đạt được như ý.

Nhìn nhận mà thấy ở các nước văn minh cường thịnh vật chất, con người vẫn sống bất an về tinh thần, và bệnh thần kinh căng thẳng vẫn đang cần nhiều bác sĩ tâm lý. Nhưng kết quả do không trị liệu tận gốc, nên từ trong gia đình cá nhân ra ngoài xã hội, đau khổ vẫn lan tràn. Cảnh vợ chồng ly dị, bất hòa, con cái tự do hành động, ảnh hưởng hầu như đến tất cả gia đình ở những xứ văn minh giàu có. Và người ta vì vô phương cứu chữa nên cố tìm quên vào thú vui vật chất, nhưng càng cố quên lại càng căng thẳng hơn, vì có thú vui nào mà không có giờ chung kết! Do đó tìm hiểu lại, thấy rằng đạo giải thoát giúp con người giải quyết được vấn đề bất an này, và giải quyết vấn đề theo Phật học tâm lý, để thích ứng với nền luân lý đạo đức mà khoa tâm lý học bên ngoài không thể cứu chữa được. Đó là những vấn đề thực tế chớ không phải bi quan. Bi quan là bất lực ngồi đó mà nhìn con bệnh chết, hay nhìn sự thật đau buồn vì là tất cả hoài công cứu chữa, để rồi ôm vào đầu toàn là hình ảnh mịt mờ đen tối.

Thế thì cần nên tìm hiểu đạo giải thoát để khỏi ngộ nhận, và trong đời sống làm người cần nên tìm học pháp giải thoát để đời sống thực tại hôm nay sáng sủa hơn, tươi mát hơn và có ý nghĩa hơn. Cho nên trong kinh có nói được làm người là khó, nhưng được biết Phật pháp (pháp giải thoát) còn khó hơn gấp trăm ngàn lần. Tại sao vậy? -Vì nếu hiểu được pháp giải thoát tất nhiên không còn luân hồi đau khổ nữa.

 

Đưa ra vài dữ kiện về đạo giải thoát, để thấy rằng mình thật may mắn chọn đúng đường đi, trong một thân xác vật chất tồn tại ngắn ngủi, và một tư duy (tư tưởng) hạn hẹp này. Thiết nghĩ chúng ta vô cùng may mắn tập tành từng bước, bước vào siêu xa lộ giải thoát hoàn chỉnh nhứt của một kiếp người, đó là tin hành theo pháp giải thoát.

 

 

Nếu hiểu nghĩa tu, theo đạo giải thoát hợp với khoa học tự nhiên, thiết nghĩ như sau:

Tu Phật có thể tu tại nhà, có thể tại công xưởng làm việc hay tại siêu thị chợ búa. Tu Phật không ép buộc phải đọc kinh, lễ lạy, không phải thắp nhang khấn vái, không phải mặc cho được áo vàng...Tất cả những hình ảnh này chỉ là phương tiện, hay phương cách giúp người đi đến chỗ toàn thiện, chớ không phải là cứu cánh ngay hình ảnh đó. Vì hình ảnh chỉ là bên ngoài, mà tu Phật lại từ bên trong. Khi bên trong đã thấm hiểu thì bấy giờ bên ngoài (tụng kinh, lễ Phật...) mới hoàn toàn là một hình ảnh đẹp - nó sẽ hiện ra ánh sáng chiêu cảm với ánh sáng Phật (giác ngộ) làm người chung quanh hấp thụ được, khiến họ thích đến gần ta hơn. Ngược lại chỉ là hình ảnh giấu đi phiền não, và càng tu làm người chung quanh càng nghi ngờ ra. Điều này nói chung cả tu sĩ và cư sĩ.

Một điều căn bản nhất, phải xem Phật là bậc giác ngộ, bậc Thầy dạy ta học đạo giải thoát, chớ Phật không phải ông trời, hay thần linh có uy quyền sai khiến hay giúp đỡ đưa ta về thế giới an lành. Phật chỉ giúp đỡ được khi ta giúp ta trước nhất, bằng không Phật chẳng giúp được gì. Nên hiểu rằng Phật là danh từ chung, nghĩa là ai cũng có thể thành Phật, chớ không phải Phật chỉ ở trong Chùa, Tịnh Xá hay chỉ có ở xứ Ấn Độ. Thời nay chúng ta đang sống thời kỳ của Phật Thích Ca, nên hình ảnh Ngài là Phật duy nhất ở cõi Ta Bà này, nhưng ở những mười phương thế giới xa xăm kia lại có vô số Phật. Riêng chúng ta nếu tu cũng sẽ thành Phật, sẽ vào một thế giới nào đó để độ chúng sanh, vì Phật có nghĩa là giác ngộ, tỉnh thức không còn tham, sân, si, ra khỏi ba cõi, Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới*. Hiểu được như vậy sẽ không còn mê tín và hợp cách với khoa học. Tuy nhiên vì ta đã say ngủ trong vô lượng kiếp, nên cần phải có giáo pháp của bậc giác ngộ (Phật) đánh thức ta dậy nên gọi là TU đó thôi! Cho nên nói cao hơn, theo chư vị Bồ Tát lớn, khi đã lãnh hội lời Phật dạy thì không còn tu gì nữa, vì tự nhiên mỗi hành động ý nghĩ tự nó đã tu rồi, còn gì nói đến chuyện TU! Các bậc tổ xưa thường hành theo lối này. Chẳng hạn nghe chuyện Tế Điên Hòa Thượng tưởng là huyền thoại, nhưng thật ra có vô số Bồ Tát lớn đang hành hoạt gần giống như vậy. Và thực tế nhất là Lục Tổ Huệ Năng qua việc tu hành của Ngài thật bình thường chẳng có gì lạ.

Tuy nói vậy nhưng cũng không phải đơn giản, do vì phải tu từ bên trong mà ra, nên phải nhìn thẳng vào mình rồi hài hòa đến mọi người, lấy cái đau của người mà học, nhìn phúc lạc của người mà tư duy. Nhưng mấy ai đã nhìn thẳng được mình, nghĩa là chinh phục chính mình! Việc này không phải là dễ, nên Phật đã dạy người thắng được mình mới là chiến thắng tối cao nhất.

Kết lại thì đạo giải thoát thật là một đường hướng an lành vui đẹp có thể hài hòa mọi hoàn cảnh và mang lại cho nhân loại sự thương yêu chân thật nhất. Xin trích lời của nhà Phật học người Mỹ, Tiến sĩ Peter D. Santina, đã

‘‘Nhiều người có địa vị đáng kể trong xã hội Tây Phương là Phật tử hoặc có người không phải là Phật tử, nhưng rất có cảm tình với Phật Giáo. Thí dụ cụ thể là nhà bác học Albert Einstein đã nhận xét trong bài tự thuật rằng ⮧ là người không tôn giáo, nhưng nếu ông là một người có tôn giáo thì ông phải là một Phật tử ’’*

Nguyên văn, ‘‘There are many persons of considerable standing in western societies who are either Buddhists or who are sympathetic towards Buddhism. This is most clearly exemplified by the remark made by Albert Einstein in his autobiography, the remark That he was not a religious man, but if he were one, he would be Buddhist.’’

______________

*Gọi là Tam giới: Dục giới: chúng sanh còn nhiều tham dục. Sắc giới: các vị ở đây hình sắc vi tế hơn và không còn muốn tham dục. Vô Sắc giới: Các vị trụ vào cảnh hỷ lạc của thiền định không còn hình sắc, chỉ có tâm thức. Tuy nhiên dù vậy Phật vẫn dạy phải vượt qua ba cõi này mới đạt đến giải thoát. (xem thêm phần Tam giới trong Phật Học Tự Điển của Đoàn Trung Còn) khách quan nhìn đạo giải thoát như sau:

 ________________

*Nền Tảng Của Đạo Phật. (Fundamentals of Buddhism - By Dr. Peter D. Santina) Thích Tâm Quang dịch, 1996.


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang