- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 21
- Niệm Phật
Phương pháp niệm Phật cũng chỉ là
cách đọc tụng kinh mà ra, hay nhiếp tâm Thiền quán vậy. Người Phật tử
niệm Phật là việc tự nhiên và đáng làm. Bao giờ tâm chúng ta có thể
luôn luôn sống trong chánh niệm, thì chừng ấy chúng ta mới dám buông bỏ
tâm niệm Phật ra, nhưng xét lại đời nay vô vàn khó khăn để luôn sống
được trong chánh niệm. Dễ hiểu, vì ta đang sống trong thế giới động,
ví như con bọ chuột leo vào lòng quay; hễ bước chân tới trước là vòng
bắt đầu lăn trục, càng bước càng quay nhanh. Thế mà bọ chuột chẳng
chịu nằm yên thành ra vòng quay chẳng được ngừng. Chúng ta chẳng khác
gì, đã lỡ nằm ì trên trục quay, nên ít muốn dừng chân; vì hấp lực
cuộc đời mãi nhởn nhơ trước mặt khó mà giằn được. Người hiểu việc
này đâu phải ít, tuy thế hiểu là hiểu và quay vẫn là quay; lắm lúc ta
cũng ngưng quay được một thời gian khá dài, nhưng thân ngưng quay mà tâm
lại móng quay, thế là ta vẫn bị quay ngay khi nằm ì ra đó. Cho nên cả
khi giờ tụng kinh, thiền tọa ta cũng bị quay luôn! Nghĩa là miệng tụng
kinh mà tâm không tụng, thân ngồi thiền mà tâm ở đâu đâu. Vậy chắc
chắn hễ còn nằm trong vòng quay, sớm muộn gì cũng bị quay, chỉ trừ các
vị Bồ Tát lớn, các vị mới sanh ra đã sống trong an định rồi, khi xuất
gia tu đạo thì an định còn mạnh hơn nữa. Tuy nhiên quá khứ ban đầu,
sơ cơ vào đạo các vị cũng như chúng ta, chỉ vì từ nhiều đời tu niệm
nên rõ hiểu được vòng quay mà vững tâm vậy. Nói thế nghĩa là đời
nay bên cạnh ta vẫn có các vị xuất hiện, giả hình là bị quay nhưng bên
trong thật an định. Chúng ta nên cẩn thận dè dặt chớ phán đoán ai, mà
chỉ nhìn lại mình, nếu cảm thấy mình vẫn an lạc trong vòng quay thì
mình có thể tự tin đã có lực tu trong quá khứ, còn không thì nên tìm phương
cách để an tâm dẫn thân ra vòng quay sanh tử.
Niệm Phật có lợi điểm dễ dàng
hơn tụng kinh, vì niệm Phật không cần phải tìm nơi để niệm, không cần
phải có hình tượng trước mặt, không cần phải nhang đèn, chuông mõ...
những việc mà tụng kinh cần có. Do không cần hình thức như thế, niệm
Phật ở đâu cũng được và cả đến thân thể bệnh hoạn, thì niệm Phật
vẫn được, lúc này là niệm ở tâm. Tuy ban đầu niệm Phật rất dễ quên,
do không có giờ giấc chuẩn bị tươm tất sẵn sàng như tụng kinh ngồi
thiền, nên tư tưởng ta hay phan duyên theo trần cảnh. Tuy nhiên thực tập
hoài rồi cũng thành thói quen; khi thành thói quen, lợi ích sẽ không lường
được, nó sẽ ngăn chặn được những tư tưởng xấu móng phát lên. Mà
tư tưởng phức tạp của con người chúng ta, phải nói là đầy ắp trong
tạng thức, không biết lúc nào bộc phát ra. Niệm Phật lại là cách luyện
tâm. Tâm ta vô thường khó kiềm hãm, ta cố niệm Phật luôn luôn khiến
nó phải đứng lại không lăn xăn thay đổi, hóa cái tâm thường thành
cái chân tâm. Ta cũng không phải gắng công niệm Phật với tâm niệm đạt
được cái gì, mà chỉ niệm cho được thành thói quen. Thói quen đó là chủng
tử huân tập vào A Lại Da Thức làm nên một nền tảng giác ngộ chắc chắn
trong tương lai.
Trở lại việc tụng kinh, ta thấy
công đức rất lớn, nhưng sau công đức đó ta hay dễ lơ đãng để xuôi
tâm về dục lạc hiện tại, hay chìm trong phiền não vi tế được giấu kín
đằng sau cái lạc phúc thế gian. Do đó ta thường chỉ tìm được an lạc
ngay giờ kinh, hoặc chỉ được vài tiếng sau khi công phu trì tụng; rồi dễ
dàng trở lại với trạng thái bình thường trước đó. Có thể là công
phu trì tụng chưa đủ, có thể vì trở lại công việc ít liên quan gắn
bó đến việc tu niệm nên dễ tiêu công đức là vậy. Niệm Phật tuy
không thể lắng lòng nghe được pháp ngữ của Phật như tụng kinh, nhưng
quy về tự tánh giác ngộ thì không khác, vì tụng kinh chỉ để tu cho được
pháp thiện và phát được tâm Bồ Đề thì niệm Phật cũng là việc căn
nhắc đạt được thiện tâm.