Khi chưa hiểu đạo giác ngộ chúng ta đã sống thế nào?
Nay hiểu đạo rồi phải sống ra sao? Trước kia bước vào cổng Tam Quan
vô Chánh Điện lễ Phật, thái độ tinh thần của ta có gì lạ không, và
khi rời khỏi chùa ta có lưu luyến hay nghi vấn gì? ...Rất nhiều sự việc,
giờ đây ta có thể nhớ lại để thấy sự thay đổi hiện thời.
Thường như bao nhiêu người, nếu không phải là Phật tử
thuần thành, việc vào chùa chỉ là để khuây khỏa dạo chơi, tìm cảm
giác an ổn hầu quân bình lại cuộc sống xô bồ rầm rộ bên ngoài. Hay
khi có biến cố đại sự trong gia đình cần phải tìm đến chùa gặp quý
vị tu sĩ cố vấn chỉ bày an ủi...
Ngoài ra, phần lớn đến chùa là để xem lễ hội, văn nghệ
trong hai ngày lễ lớn: Phật Đản, Vu Lan. Riêng ba ngày Tết hẳn cũng thường
có mặt, cốt để hái lộc đầu xuân cầu cho may mắn. Lộc xuân ở nước
ngoài này thường là những câu chúc lành bỏ trong bao lì xì, hay một vài
quả trái cây. Quả trái tượng trưng quả báo tốt đầu năm.
Hình thức này là cách chúc an lành cho người viếng chùa
đầu năm mới.
Đó là việc viếng đất Già lam trong tâm niệm và hoàn cảnh
như vậy. Nhưng đó lại là việc quan trọng nuôi dưỡng tinh thần trên xứ
thuần đầy vật chất, cho dù việc được nuôi dưỡng tinh thần này chưa
có giọt nước cam lồ Phật pháp nào thấm đến. Điều này thực tế
chúng ta đã thấy, những ngày lễ hội rằm lớn, hương trên bàn Phật quyện
tỏa nghi ngút, dưới Phật đài người người sụp lạy nguyện cầu. Nói
rằng chưa được giọt nước cam lồ Phật pháp thấm vào, nghĩa là hình
ảnh khấn nguyện chí thành tha thiết ấy, chỉ xảy ra trong ngày lễ hội
mà thôi! Và khi xong lễ phải chờ lại một chu kỳ, mới có cơ hội! Mà cơ
hội này cũng do chính ta tạo ra. Tuy nhiên hoàn cảnh đã khiến ta phải thuận
theo như vậy, vì có lẽ ai chẳng muốn nhàn hạ để luôn được chiêm ngưỡng
Phật đài, để tha thiết bộc bạch lời khẩn nguyện, cho tâm hồn được
tự tại an nhiên, cho mọi người được vui vẻ, cho thế giới được hòa
bình, cho hoa Ưu Đàm nở rộ tỏa khắp trên hành tinh xanh này!
Quả thật như thế, và nếu nguyện được như vậy thì
dù có viếng chùa lễ Phật đợi đến chu kỳ, nhưng chắc chắn đã tạo
được giọt nước cam lồ Phật pháp. Vì cầu nguyện với tâm vị tha vô
ngã (vì người mà không thấy có mình) nên khế hợp với tâm nguyện chư
Phật mười phương. Và theo nhân quả, dù không nguyện được như vậy,
duyên lành Tam Bảo cũng được tích thành trong tương lai; do đã dắt được
ba nghiệp thân, khẩu, ý vào được đất Già Lam, nhất là lúc ba nghiệp sụp
xuống đê đầu lễ Phật, dù là lúc đó chỉ cầu cho riêng mình đi nữa.
Do đó chỉ cần đối trước Phật đài chiêm ngưỡng là đã tạo duyên Phật
rồi. Thử nhìn lại còn biết bao người chưa bao giờ đặt chân tới
chùa, dù để dạo chơi xem hội.
Riêng tâm trạng người mới vừa nhận được viên ngọc
quý, tức vừa nhận ra mình diễm phúc gặp đạo vàng, bây giờ đã có
khác. Cái khác này chỉ tự mình thấy. Người ngoài chỉ là thấy qua hình
ảnh múa máy mà thôi. Tuy nhiên chúng ta cũng đã thay đổi bên ngoài, bằng
những động tác có ý thức mà thường nghe là sống trong chánh niệm.
Chúng ta bắt đầu gặp nhau, chào hỏi qua cung cách chấp
tay xá chào, và lời đầu tiên thốt ra khỏi miệng là đọc lên danh hiệu
‘‘A Di Đà Phật’’, rồi mới tiếp hỏi sức khỏe, gia đình v.v...Thật
ra đọc lên danh hiệu đức Phật A Di Đà, đã đầy đủ lời chúc tụng.
Vì đức Phật A Di Đà còn có danh hiệu là Vô Lượng Thọ; mà loài người
chúng ta ai mà chẳng cầu được thọ, hẳn nhiên sống thọ ở đây phải
khỏe mạnh, sung sướng. Đức Phật Vô Lượng Thọ lại là giáo chủ cõi
Cực Lạc, một cõi nước đầy an lạc đến cùng cực, thì tất nhiên cầu
chúc qua danh hiệu Ngài phải mỹ mãn vui sướng là trước tiên. Vậy không
có câu chúc nào bằng đọc lên danh hiệu Ngài. Còn nếu nói về lý giải
thoát mà người học Phật đang tầm kiếm, thì danh hiệu Phật A Di Đà là
câu chúc thiết thực. Chúc cho người quay về soi rọi chính mình, qua ánh
sáng thanh tịnh để thanh tịnh thân tâm tiêu diệt phiền não; vì danh hiệu
Ngài còn gọi là Phật Thanh Tịnh Quang. Đây lại thấy hai chữ Thanh Tịnh
vô cùng quan trọng trên hành trình tu học. Bởi pháp tu nào cũng trở thành
vô ích nếu hành giả không thanh tịnh được thân tâm.
Vào trong chánh điện, chiêm ngưỡng đấng Thế Tôn, lúc
này tâm hồn đã khác nhiều lắm. Bấy giờ người ngoài càng khó thấy
được bên trong chúng ta.
Nhìn lên hình ảnh đấng Điều Ngự, chúng ta nghĩ gì? Ta
vui hay buồn, khi chợt nhận ra mình quá vô minh đã thất lạc từ bấy lâu
nay! Và cuối cùng phải làm gì để đền bù lại những tháng năm lạc lõng,
tác nghiệp chất chồng; để cho thân tâm nhẹ nhàng khi phủ phục năm vóc
kính lạy đấng Thiên Nhân Sư. Bâng khuâng lo lắng, thao thức, bồn chồn
trong lúc này, có khi cảm thấy mâu thuẫn nữa. Mâu thuẫn qua hai hình ảnh,
hiện tại ở ngay Phật điện và về lại gia đình...Nhưng không, chúng ta
đã có câu trả lời giải đáp, đã thấy được ánh sáng chánh kiến dắt
ta về thực tại, thực tại của hiện tại nhiệm mầu...Ta hiểu rằng những
xao xuyến kia chỉ là tất cả nghĩ ngợi bâng quơ do từ vọng tưởng tình
cảm vui mừng khi nhận ra mình hiểu đạo (chỉ là căn bản). Chính vì hiểu
đạo nên nhận thấy rõ mọi ràng buộc chung quanh mình; và khi thấy ràng
buộc như thế, nên sợ hãi, cảm thương tưởng chừng thất trí không sao
cứu vãn.
Vọng tưởng tình cảm đó ai cũng trải qua, nhưng người học
Phật phải vượt qua trước hết. Học Phật lấy trí huệ làm gốc, lấy
trí huệ làm hành trang đi trọn con đường. Không có trí huệ, người học
Phật sẽ dễ mơ màng theo vọng tưởng điên đảo, dễ lạc đường và cuối
cùng vất vả phí sức chẳng đi đến đâu.
Trí huệ của đạo giác ngộ chỉ đến từ căn bản của
sự trì giới, tu định (thiền); khác rất nhiều danh từ trí thức hiểu
biết ở thế gian. Hiểu biết ở thế gian là hiểu theo giác quan đối đãi,
so sánh phạm trù, chớ không phải do từ tu trì giới định: thấy rõ năm
uẩn* là không, nên đạt được cái thấy tất cả; và trong cái thấy đó
không có vọng tưởng xen vào. Chúng ta hiện thời tuy chưa đạt được trí
huệ giác ngộ, nhưng dầu sao cũng đang trên con đường đạt đến cái thấy
đó.
Bây giờ nhìn kỹ dung nhan đấng Điều Ngự; hai tay chúng
ta chấp lại nhất tâm chiêm ngưỡng vài giây phút; để tâm hồn lắng xuống,
lắng xuống thật sâu như ly nước đục từ từ trong suốt vì những bợn
nhơ dần dần chìm xuống.
Chúng ta đã cảm được niềm an lạc trong tâm; niềm an lạc
này khó tả lắm, và chắc chắn ta cố muốn duy trì mãi niềm an lạc hạnh
phúc này. Tuy nhiên niềm hạnh phúc an lạc ngay trước điện Phật không phải
hoàn toàn do cảnh điện Phật tạo nên! Điều này ta phải hiểu như vậy,
bởi khi quay về cuộc sống thật, trở lại với gia đình, xã hội thì
tâm ta không còn an lạc hay sao? Nếu không có an lạc hạnh phúc, thì làm
gì chúng ta tồn tại được, ít ra ngay bây giờ! Hẳn nhiên theo lý tưởng
quan niệm, truyền thống đạo giáo, mỗi dân tộc mỗi ý thức mà dệt cảm
những hạnh phúc an lạc khác nhau. Ở đây chỉ xin thưa niềm an lạc giác
ngộ theo chân lý giải thoát. Tất nhiên chúng ta vẫn tìm được niềm an lạc
giải thoát ngay tại gia đình, tại hãng xưởng, tại khắp mọi nơi trên
cõi Ta Bà này. Niềm an lạc trong đạo giải thoát, là sự bừng tỉnh giác
ngộ tìm được tâm cảnh của chính mình; tìm lại được nên tâm tư không
còn vọng động xôn xao chạy theo giả cảnh, và lúc không động niệm,
ngay đó niềm an lạc tức thời hiện hữu. Do thế có thể tìm được an lạc
khắp nơi, mà không phải nhứt thiết là nơi đất già lam ở ngay chánh điện.
Nếu nhứt thiết vậy thì các vị tu sĩ chỉ cần một đời tu là giải
thoát, vì sống trọn đời trên đất Già Lam, và chúng ta cũng vô cùng ngạc
nhiên tại sao mọi người không thành tu sĩ hết để chắc chắn được giải
thoát; hay mỗi nhà buộc phải có một chổ thờ Phật để được an lạc
hoài...Chúng ta dư biết, ngay cả thời đấng Thế Tôn còn tại thế, mọi
người cũng thường thấy hảo tướng của Ngài vậy mà đâu phải ai cũng
giác ngộ. Kể cả các vị đã là đệ tử của Phật rồi, vẫn còn bị
phiền não lung lạc, nên Phật mới chế ra giới, cũng như dùng biết bao phương
tiện pháp môn hầu đánh thức giác tánh nơi các vị.
Họa chăng có thể nói, ở ngay Phật đài tìm an lạc rất
mau. Vì do tâm chúng ta hay thường phan duyên* với cảnh bên ngoài, nên tự
đấu tranh tìm lại giác tâm khó được, do đó cần mượn cảnh để nhiếp
tâm. Hiểu vậy rồi lại càng tăng thêm niềm tín tâm an lạc, và hiểu
được mức độ tâm thức mình ra sao, thế nào.
Ngước nhìn lên đấng Điều Ngự lần nữa, chúng ta thấy
mình thật hạnh phúc, thấy được Phật pháp lan rộng khắp nơi và tâm
chúng ta hiện thời cũng là tâm Phật. Hình ảnh đấng Điều Ngự biểu hiện
cho sự toàn giác, thị hiện cho mọi người noi theo.
-Con xin đảnh lễ tỏ lòng tôn kính, tri ân Ngài đã cho con
thấy con đường giải thoát; đó là sự bừng tỉnh giác ngộ cuộc đời
là huyễn là mộng, thân tứ đại* không thường còn, chỉ có tâm thức
giác ngộ mới là miên viễn.
Con xin noi gương Ngài và nguyện sẽ đi trọn con đường giải
thoát. Nếu như có thể cầu xin được Ngài hộ trì gia bị, thì con xin
ngài gia hộ cho tất cả chúng sinh trên cõi Ta Bà này sớm phá vỡ màn vô
minh, mà quay về với đạo giải thoát để biến cõi Ta Bà uế độ thành
Tịnh độ trang nghiêm như cõi Phật A Di Đà vậy.
Chiêm ngưỡng tán thán, nguyện cầu xong tâm tư chúng ta hẳn
đã vơi nhẹ lắm, và mong sao niềm an lạc hoan hỷ nầy sẽ theo mãi với
chúng ta đi vào cuộc sống.
Ra về, trở lại gia đình, tiếp xúc bạn bè, lao đầu vào
công việc tất cả hoạt động bây giờ đã thay đổi. Thay đổi ý thức
và thay đổi hành động...
_______________
* Ngũ uẩn: Là năm món hòa hợp tạo ra thân tâm con người,
gọi là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc: vật thể hữu hình. Thọ: cảm
thọ vui mừng buồn khổ. Tưởng: tưởng tượng, nghĩ về đối tượng các
sự
vật. Hành: tác động của sự động tâm sinh ra hành động...Thức:
hiểu biết phân biệt.
_______________
*Phan duyên: nương theo, vịn theo sự vật trần cảnh bên
ngoài (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
___________________
*Tứ đại: đất, nước, gió, lửa. (xem Phật Học Từ Điển,
ĐTC)