Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

12
Thành kính tri ân...

Càng hiểu Phật pháp ta càng thấy mình nặng gánh thọ ân mọi người. Thọ ân cha mẹ sanh ra thân này, thọ ân quý thầy cô dạy ta kiến thức, thọ ân xã hội dung dưỡng ta, thọ ân đất nước quốc gia che chở ta, thọ ân tất cả mọi người hoặc gián tiếp hay trực tiếp tạo ra những phương tiện cho ta sống, thọ ân luôn cả những chất liệu trên hành tinh này cho ta môi trường sống. Và cuối cùng là sự vô cùng của sự thọ ân mà không thể nào đền đáp được, đó là ân của Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).

Là người học đạo giải thoát, chắc chắn thấy được ân nghĩa lớn lao của Tam Bảo. Tam Bảo chỉ dạy cho ta cách sống yên hòa, chỉ dạy cho ta trở thành con người chân thiện, chỉ dạy tất cả những tinh túy toàn thiện ý nghĩa của nhân sinh. Và khi chấm dứt đời sống hiện tại này, Tam Bảo lại đưa ta về sự sống tuyệt đối của chân thiện. Sự sống mà ngoài Tam Bảo ra không thể nào ta hiểu biết được. Điều này chúng ta đã biết qua sự lìa bỏ cuộc đời một cách tự tại hỷ lạc của các vị chân tu. Ra đi tự tại như vậy, đó nhờ đáp đền sự thọ ân của Tam Bảo.

Vậy thử hỏi nếu không có Tam Bảo ta sẽ về đâu? Nếu không nương Tam Bảo, còn có nơi nào nương tựa không? Chúng ta hãy nghe qua, một thời Phật dạy hai nhà tu khổ hạnh:

 

Phật gặp hai nhà khổ hạnh, một người bắt chước lối sống của chó, một người bắt chước lối sống của bò. Ngài cho họ biết sự vô ích của lối tu ấy, và giảng cho họ nghe về nghiệp và quả báo.

Khổ hạnh chó và khổ hạnh bò đến gặp Phật, hỏi về chỗ tái sinh tương lai của các hạnh như thế. Phật cho biết có hai hậu quả chờ đợi: Một là được sinh vào loài chó, bò, nếu bắt chước giống hệt; hai là sinh vào địa ngục nếu bắt chước không giống, mà lại có tà kiến cho rằng làm vậy sẽ được lên trời. Họ xin Phật giảng pháp để từ bỏ được khổ hạnh sai lạc.

Phật giảng về bốn loại nghiệp và quả báo:

1. Nghiệp đen có quả báo đen, như sau khi làm những thân ngữ ý hành có tổn hại, sẽ sinh vào thế giới có tổn hại, và do xúc những tổn hại nên cảm thọ khổ.

2. Nghiệp trắng có quả báo trắng, như sau khi làm các thân ngữ ý hành không tổn hại, sẽ sinh vào thế giới không tổn hại; do xúc những xúc không tổn hại mà cảm thọ lạc.

3. Nghiệp nữa đen nữa trắng, là một phần tốt một phần xấu, sinh vào cõi dữ có lành có, như cõi người. Do vậy Phật dạy, sự sinh ra của một hữu tình tùy thuộc vào chính nó; hữu tình là kẻ thừa tự hạnh nghiệp mình

4. Nghiệp không đen không trắng, đưa đến quả báo không đen trắng, tức sự đoạn tận các loại nghiệp, đó là tư tâm sở hay ý chí đoạn tận các loại nghiệp đen, trắng và hỗn hợp đã nói trên.

Hai nhà khổ hạnh nghe xong tán thán Phật, Khổ hạnh Bò xin quy y, khổ hạnh Chó xin xuất gia thọ giới cụ túc. Phật dạy ngoại đạo cần trải qua bốn tháng thử thách trước khi xuất gia, nhưng Ngài biết rõ căn tính các hạng người. Khổ hạnh Chó chấp nhận dù có phải trải qua bốn năm thử thách để được xuất gia. Sau khi thọ giới cụ túc không bao lâu, Khổ hạnh Chó Seniya chứng quả A La Hán.*

 

Qua câu chuyện và bài pháp, Phật dạy hai nhà khổ hạnh cho thấy hành động theo chánh đạo chỉ là chỉnh lại những gì sai trái, để phù hợp với chân lý mà người hành pháp sai trái đó không thấy hiểu. Phật đưa ra nghiệp đen trắng nói lên hành vi tạo tác thế nào thì hưởng quả như thế đó. Phật không nói phải tin theo giáo lý giải thoát như là Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên...để được như Ngài, mà Phật chỉ nói đơn giản, là luật nhân quả qua hành nghiệp của tự mỗi chúng sanh tác tạo.

Theo giáo lý giải thoát qua cái nhìn tương đối, thì thế giới tạo thành do tâm chúng sinh mà ra. Và khi tâm còn kẹt vào các pháp sinh diệt thì tạo ra thế giới hữu vi có sinh có diệt; chẳng hạn tâm thô thiển phiền não, thì thế giới chao động mờ nhòa, tâm thanh tịnh an lạc, thì thế giới trong sáng, an lành. Do vậy kinh thường nói chánh báo (sắc thân) thế nào y báo (môi trường, hoàn cảnh) thế đó. Nhưng khi tâm không kẹt vào đâu cả thì thế giới mà tâm duyên khởi là thế giới vô vi. Thế giới vô vi là thế giới của giải thoát tuyệt đối. Thật ra nói danh từ vô vi chỉ là tạm dùng để so sánh, chớ thế giới đó lìa khỏi ý niệm và chỉ thật chứng mới thấy được. Từ đây mới thấy thế giới mà chúng sanh chiêu cảm lên, để tự mình đưa mình vào khổ và cũng tự mình đạt đến cảnh tịch nhiên của Niết Bàn giải thoát.

Để có một khái niệm về sự phân chia hình thành thế giới, xin trích ra đoạn văn phân loại thế giới.

 

 

‘Y vào giá trị đạo đức để phân loại, thì thế giới hữu tình chia ra ngũ thú, hay là lục thú, nếu lại tế phân thì có 25 cõi Hữu, gọi là NHI THÂP NGŨ H"U.

 

 

Ngũ thú.- (1)-Địa ngục, (2) -Ngạ quỷ, (3)- Súc sanh, (4)- Nhân gian,(5)-Thiên giới, về thiên giới thêm A Tu La giới thành Lục thú.

 

Nhị thập ngũ hữu: - (1) Tứ châu tức là bốn đại châu của nhân gian ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc núi Tu Di, Châu Nam Diêm phù đề ở phương Nam, châu Phất Bà Đề ở phương Đông, Châu Cù Đà Ni ở phương Tây, châu Uất Đan Việt ở phương Bắc. (2) 4 ác thú tức là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh và A tu la. (3) Cõi trời Lục dục, sáu cõi trời thuộc về Dục giới: Trời Tứ Thiên Vương (Trì Quốc, Quảng Mục, Đa Văn, Tăng Trưởng), cõi trời Đao Lợi, cõi trời Dạ Ma, cõi trời Đâu Xuất, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha Hóa Tự Tại. (4) Cõi trời Phạm Thiên. (5) Cõi trời Vô Tưởng. (6) Cõi trời Tịnh Cư. (7) Cõi trời Tứ Thiền, tức là Sơ Thiền Thiên, Nhị Thiền Thiên, Tam Thiền Thiên, Tứ Thiền Thiên. (8)Cõi trời Tứ Không Xứ tức là Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, và Phi Tưỏng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, gồm tất cả là 25 cõi Hữu (25 cõi có chúng sanh sinh sống).

 

Bốn châu , 4 Ác thú, 6 cõi trời Dục, là 14 cõi Hữu thuộc Dục giới. Từ cõi trời Phạm Thiên đến cõi trời Tứ Thiền, gồm 7 cõi, thuộc Sắc giới. Cõi trời Tứ Không Xứ thuộc Vô sắc giới. Bản đồ tóm tắt như sau:

 

4 Châu - cõi Hữu thuộc nhân gian

Dục giới 4 Ác thú - 4cõi Hữu thuộc Ác thú

6 cõi trời Dục (6 cõi Hữu)

Phạm Thiên (1 cõi Hữu)

Vô Tưởng Thiên (cõi Hữu)

Tam Sắc giới Tịnh Cư Thiên (1 cõi Hữu ) 17 cõi Hữu 25

Giới Tứ Thiền Thiên (4 cõiHữu) thuộc Thiên Giới cõi

hữu

Vô Sắc Tứ Không Xứ Thiên(4 cõiHữu)

Giới

 

Vì 25 cõi Hữu là nơi y báo của loài hữu tình, căn cứ vào nghiệp thiện hay ác mà phải chịu quả báo luân hồi sinh tử trong 25 cõi đó, nên gọi là Hữu, thuộc thế gian hữu vi. Từ Địa ngục đến A Tu La là thế giới đại khổ; nhân gian là thế giới nữa khổ nữa vui, các cõi trời là thế giới vui, nhưng ở trong vòng tương đối, không phải là vui cứu cánh, vì chưa thoát khỏi luân hồi. Vậy nên, Tam giới và Lục thú đều là thế giới khổ não. Muốn tới chốn tuyệt đối khoái lạc, cứu cánh giải thoát thì phải siêu việt Tam giới và Lục thú, tiến tới cảnh giới Tịch Tĩnh Vô vi Niết Bàn. *

 

Thế giới tương đối trong sự chiêu cảm của một tác nghiệp để dẫn chúng sanh vào nơi khổ vui. Sự nhận ra như thế, không thể có được nếu không có đấng toàn giác (Phật Thích Ca) xuất hiện. Vậy rõ ràng ta đã mang ơn Tam Bảo, để hiểu rõ và thoát ra ngoài vòng sanh tử, vượt lên cả mấy từng trời trong tam giới để chứng nhập Niết Bàn. Không như tự mãn cho rằng con đường tu của mình hiện thời viên mãn, như hai nhà tu khổ hạnh mang nghiệp vô minh sâu dầy, đến nỗi tin rằng hành động như súc sanh lại được sanh lên cõi trời ở kiếp sau.

Nếu cho rằng hai vị khổ hạnh đó vô minh, nhưng nhìn lại chính ta thì sao! Chúng ta cũng không khác, vì không vô minh chúng ta đã không ở mãi trong lục đạo đến bây giờ.

Do đó thấy rằng, nếu không biết Tam Bảo chúng ta vẫn có vô số nẻo đi trong lục đạo, vì một thế giới của địa ngục có vô số cảnh giới thọ hình tương ứng với nghiệp ác mà mỗi chúng sanh tạo ra. Cũng vậy, thế giới người có vô số trường hợp hoàn cảnh vui buồn mà con người thọ nhận. Cho đến cảnh ngạ quỷ cũng có vô số hình tướng đói khổ mà quả báo phải lãnh thọ. Đó là tại sao ơn ích Tam Bảo không thể trả được nếu ta thoát khỏi tam giới. Ngày nay tuy Phật không còn hiện hữu, nhưng lời Phật (Pháp) vẫn còn đủ cho chúng ta y theo tu học. Ngày nay Thánh Tăng đệ tử đắc đạo của Phật khó tìm, nhưng hình ảnh Tăng đoàn vẫn còn duy trì đó, để ta chiêm nghiệm quy y phương tiện nương về mà tu học. Vậy chúng ta hãy tri ân tất cả những gì hiện hữu trong cuộc đời này và niềm tri ân sâu xa nhất là tri ân Tam Bảo.

_____________

* Kinh Trung Bộ, bài kinh số 57 ‘Hạnh con chó’ bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu. Tóm tắt & chú giải: Thích Nữ Trí Hải, Hội Tương Tế Phật Giáo - Great Britain tái bản.

* Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ của HT Thích Thanh Kiểm- Phú Lâu Na tái bản tại Hoa Kỳ 1991.


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang