- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 32
- Thận trọng và chuẩn bị cho
vô thường!
Từ khi hiểu được đạo giải
thoát, chúng ta hình như chứng kiến nhiều biến cố vô thường qua
mạng sống ngắn ngủi của đời người. Trong đó nào là người quen
biết, người thân và nhiều nhất là sự kiện chết chóc của nhân
loại xảy ra trên thế giới này. Thật sự thì việc vô thường
luôn luôn diễn tiến tuần tự không ngừng, nhưng vì ta mới ý
thức, tưởng lầm diễn tiến càng ngày càng bộc phát hơn. Nhận
thức về vô thường cho việc học Phật, chúng ta nên nhìn vô
thường qua ảnh tượng sinh tử của đời người, điều này dễ
khơi tâm giác ngộ.
Sự kiện có thể thấy như là: khi ta
vừa sinh ra, cùng lúc có người từ giả cuộc đời, khi ta được
mọi người cười vui chào đón là một thành viên mới trong gia
đình, thì không xa nơi ta là tiếng khóc vĩnh biệt người đi. Cứ như
vậy bao người sinh ra thì đâu đó bao nhiêu âm thanh rền vang của chia
ly vĩnh biệt. Nhưng định luật sinh tử như vậy, không phải là một
công thức cố định để biết trước mà tiên liệu. Chẳng hạn có
nhiều tiếng khóc ngất lên chào đời, rồi liền vụt tắt, hóa cuộc
đón mừng bằng nước mắt chia ly!
Vô thường hơn nữa là những cuộc
ra đi tập thể do hiểm họa thiên tai, lại có khi do con người (nhân
tai) gây ra. Chỉ nói vô thường về tử ly, chúng ta đã thật thấm
thía rồi! Nhưng thật tình nhìn nhận, ta chỉ thấy vô thường đến
với người khác chứ với mình thì ít khi nào nghĩ đến! Hay chỉ
nghĩ đến, khi mạng sống suýt chết, chừng ấy ta mới hồi tỉnh mà
tin là vô thường có đến với ta thật đấy!
Nhưng ta vẫn chưa ý thức nhiều lắm,
vì không nghĩ rằng vô thường đến với ta từng sát na! Quả thật
vậy, vô thường là sự chuyển đổi, biến dạng liên tục trong dòng
sinh diệt sống chết. Như là quá trình của Thành Trụ Hoại Không, hay
nói đúng hơn pháp giới mênh mông tương sanh tương diệt trong vòng
duyên khởi, thì vô thường chỉ là ảnh tượng của lý nhân duyên,
tức có sinh thì có diệt.
Trong con người chúng ta, là một bộ
máy cực kỳ tinh vi phức tạp, từng mỗi giây mỗi phút các tế
bào máu sinh diệt không ngừng, chúng thay đổi vô thường vậy,
cũng chỉ là nuôi dưỡng duy trì và phát triển những bộ phận cơ
năng. Bộ phận cứng mềm thô, như xương gân thịt, và bộ phận mềm
tế như hệ thần kinh não bộ và sự ấm dịu luân lưu của dòng máu
liên tục dẫn về tim, là trung tâm sự sống. Nếu không có sự
biến dịch lưu thông tuần hoàn như thế, thì ta sẽ chết trong tích tắc;
bởi các hoạt động nằm ì ra đó.
Nếu sự vật không sinh diệt vô
thường, thì tất cả mọi vật sẽ chết lờ đi, và không còn gì
để nói! Hay nói khác hơn ta không thể tưởng tượng được thế
giới sự vật lại hiện hữu, khi không có sự sống sinh diệt tương
hợp với nhau.
Sự chết sống của mọi vật là sự
nẩy nở, hài hòa để tồn tại tạo nên tiến trình tiến hóa thay
đổi v.v...Do đó ta biết vô thường là một định luật tự nhiên
và chính việc sinh tử cũng là tự nhiên của một dòng sống, tuy
nhiên trừ khi ta đi vào thế giới bất sinh bất diệt, từ đó ta sẽ
có tư tưởng (tâm thức) và thực tại khác hơn. Thế giới đó
có thể ý thức khái niệm, qua sự không tham cầu, không sân giận,
không si mê, nên không bị bó buộc của sự tham sân si, và vậy
phát được tâm vô uý vô ngại, không sợ sinh không sợ tử - vì
có tham sân si đâu mà chấp vào đó. Đến đây mới là thế giới
tuyệt đối vượt lên ý thức đối đãi lìa xa mọi ý niệm sống
chết, sinh diệt cho đến cả ý niệm được khơi lên. Nói cách khác
đây là thế giới phi thế giới, là thế giới Phật.
Hiểu được vô thường như vậy ta
nên mừng hơn là sợ! Mừng để thận trọng chuẩn bị dọn đường
cho mình sắp tới, để rõ biết đường nào phải đi và nơi nào
phải đến. Như vừa nói, cơ thể chúng ta bên trong phức tạp như
thế, và bộ phận tinh vi rắc rối vậy, do cũng từ đây, mà ta khó
biết bộ máy tuần hoàn đó, đột xuất ngưng đọng khi nào. Vì thật
tình chúng vẫn là những phần tử vật chất mềm cứng kết hợp
gắn liền với nhau có gì là bền chắc. Nếu ta có thể nhìn thấy
được bên trong thân thể rõ ràng, như nhìn vào tủ kiếng đựng
đồ, thì thật khủng khiếp không gì hơn. Và vậy mạng sống con
người không còn gì để nói là bảo đảm lâu mau ra sao! Xem thực
vật cây cỏ vậy mà chắc chắn sống vững hơn ta. Các giống cây
sống bằng tuổi thọ loài người như bảy tám chục năm thì nhiều
lắm, và cũng không thiếu những cây tùng, bá sống đến ngàn năm.
Nhưng thường thì chúng sống một cách vững chắc chớ ít khi bệnh
hoạn hay yếu ớt dễ bị thiên tai như người.
Nói thêm về sự bất tịnh, thân
thể ta có lẽ ghê tởm không thua bất cứ cái gì trên đời này!
Hy vọng rằng không nói quá! Nhìn xem bông hoa là cây cỏ chẳng có
chi, vậy mà bình cắm hoa tươi đẹp, nếu để tuần lễ không thay
nước chúng sẽ bốc mùi hôi không chịu nổi! Xem lại con người thì
sao! Bên ngoài trông đẹp xinh xắn nhưng bên trong sẽ là ghê tởm
cả gấp trăm lần bó hoa thúi kia.
Căn bản mà thấy sự vô thường
ngay bản thân chúng ta, và từ đây thấy được cơ hội tu sửa.
Trước hết thực tế để học là không vì lo cho thân quá mà phải
nô lệ nhiều cái sống, như là ăn, mặc, nơi ở, vì sự thật chúng
chỉ là một khối thịt máu mủ, tồn tại chỉ bảy tám chục năm.
Chúng ta đã chẳng thường nghe Phật dạy là tam thường bất
túc. Đó là ba việc ăn, mặc, ngủ nghỉ không nên quá đầy
đủ, dù ý này nhắm vào hàng tu sĩ, nhưng theo sự lý giải thoát,
hàng cư sĩ cũng phải nhắm đây mà tiến lên những bước cao hơn.
Do vì căn bản tu từ thân và tâm, và ba việc này dễ làm cho thân
say đắm khiến tâm chẳng còn sáng suốt. Không lo cho thân quá lại
có cái lợi là không còn vọng động nhiều với những ràng buộc
đến người khác, đến nổi phải hơn thua tranh đấu. Vì mọi sự tranh
dành hơn thua, phần lớn từ nguyên nhân lo cho thân mà ra. Ở thân
đó sanh ra những tư tưởng quan niệm triết sống, nếu vì lo cho thân
để hướng về sự chân thiện chung cho nhân loại thì đây thật
đáng lo, nhưng vì cá nhân vị kỷ nuôi dưỡng bản ngã do lòng tham
ái, thì sự lo thân này chỉ mang đến kết quả khổ. Và như đã dọn
mình đi theo con đường giải thoát, thì dù việc nuôi thân hướng
đến chân thiện cũng phải dè dặt kiềm thúc để tư tưởng tâm
thức liễu triệt vấn đề hơn.
Để chuẩn bị vô thường, chúng ta
nên lo cho phần tâm thức. Chuẩn bị tư tưởng quán xét vào sự
tự tại của giải thoát vượt lên tấm thân bất tịnh này. Đó là
cách thanh lọc tư tưởng qua những phương pháp tu học mà người
học đạo giải thoát được dạy như thiền quán, niệm Phật, tụng
kinh, trì chú, hoặc bằng các hành động Phật sự thầm dưỡng nuôi
tâm Bồ Đề. Hành động dù là hình tướng bên ngoài, nhưng đây
chắc chắn là thận trọng chuẩn bị nhận rõ vô thường, hầu nuôi
dưỡng tâm thức một cách mãnh liệt.
Lý vô thường đến đây bằng sự
liễu nghĩa đúng theo chánh pháp, chúng ta càng tích cực hành động
hướng đến giải thoát. Và điều duy nhất lãnh hội qua lý vô
thường cho cuộc hành trình đi về giải thoát không gì sáng tỏ hơn,
là nhìn vô thường ngay sự sống chết tự thân của mình.