- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 26
- Bám víu
Trong dòng sống duyên khởi, con người
đã liên đới ràng buộc với nhau để tồn tại, để thanh toán giải quyết,
để thực thi nguyện ước hiện tại cũng như khơi nguồn từ quá khứ hướng
đến tương lai. Ước nguyện và tâm nguyện như thế kết nối càng lúc
càng dài ra, dài đến mức phải hứa hẹn không bao giờ buông bỏ! Thế
là mặc nhiên ta quên mất chính mình, để biến mình thành sợi dây tự
nó cột vào nó, mà đáng lý ra ta phải đứng ngoài sợi dây đó. Đứng
ngoài nó, không có nghĩa tách ra ngoài sự sống, điều này không thể làm
được, nhưng ta có thể làm được là sống mà không bám víu vào để bị
nó cột. Ít ra chúng ta cũng đang tập tành từng bước đi ra khỏi nó, vì
chúng ta đang học Phật đấy mà! Thử nhìn cái gì mà chúng ta phải bám
víu! Có thể nói, những gì ta đủ năng lực đoạt được thì ta bám víu
vào! Với vật chất ta đã có ý niệm làm chủ riêng mình ngay từ khi còn
nhỏ, đến lớn lên đạt được khá tài sản, ta bây giờ tìm cách làm chủ
tước vị; danh vọng; những thứ vô hình nhưng cường độ tác động rất
lớn. Sự bám víu như vậy không phải chỉ có ở một số người mà hầu
như tất cả chúng ta, từ nghèo hèn, sang trọng cho đến kẻ gọi là không
bon chen, hay an phận cũng đều vướng cả. Chỉ vì mức độ bám víu thể
hiện tương ứng với họ mà người không nằm trong hoàn cảnh đó sẽ
khó thấy. Nhưng điều đó sẽ là tự nhiên, vì bản chất của một con người
sanh ra trong thế giới dục ái này. Tuy nhiên, là người đang bước vào
làm quen con đường giải thoát, thì vấn đề cũng đáng cho ta suy luận.
Lúc còn nhỏ ta bám vào cha mẹ để được nuông chiều, lớn lên một tí
vẫn còn bám vào cha mẹ, anh chị để được ăn học thành người. Rời
khỏi nhà trường ta bám vào xã hội để được sống còn - xây dựng gia
đình cho bản thân, ta bây giờ nương nhau với người phối ngẫu, cũng có
thể nói bám vào yêu thương để đủ nghị lực bám vào xã hội sống
còn. Già đi ta nhờ vào con cái - cũng chẳng ngại gì mà không nói, ta cũng
bám vào con cái mà sống, ít ra là tình thương! Tất cả tất cả là sự
bám vào để mà sống, nhưng nếu người biết san sẻ sự bám vào của
mình, để tạo luật bù trừ tương phản thì cũng còn đẹp; có nghĩa ta
trả lại những thành quả gì mà ta bám víu đó cho gia đình và xã hội;
chỉ sợ ta suốt đời dựa vào đối tượng để mà bám vào. Theo luật
nhân quả thì dễ thông cảm hơn, và những người tự nhiên được hưỡng
điều gì đó, cũng là nghiệp nhân tốt đẹp mà họ đã tạo ở đời
trước, tuy vậy nhân lành cũng có giới hạn nào thôi, nếu ta không chuẩn
bị cho quả lành về sau.
Cái nhìn của người học Phật thì
sự bám víu nào cũng là đáng ngại, cả đến bám vào con đường học Phật!
Nói ra điều này có vẻ hơi quá, nếu không bám vào đó lấy gì để mà học?
Phật dạy chúng ta hãy nên xem giáo pháp của Ngài như là ngọn đuốc soi
đường trong tối, như chiếc thuyền chở tạm qua sông, như ngón tay chỉ hướng
mặt trăng và như tất cả phương tiện đưa người đến giải thoát. Lời
dạy này, người học Phật nào cũng đã nghe, nhưng việc lại hóa thành
bám víu, và đã bám víu tức bị kẹt cứng vào đó, để chuyển từ việc
học giải thoát lại đi ngược với giải thoát là trói buộc.
Thận trọng việc bám víu, giúp
chúng ta hành xử bất cứ điều gì cũng chỉ là nhân duyên và phương tiện,
nhất là sự việc không mang đến cho ta niềm an lạc của chánh pháp, thì
ta càng xem nhẹ chúng đi. Thử nghĩ khi đã hiểu Phật pháp là con đường
đưa ta đến an lạc, không một con đường nào có thể so sánh được, mà
khi đã hiểu rồi ta còn không bám víu vào, huống gì các việc khác ư! Thành
thật mà nói, dù ta hiện đang cố gắng tập không bám víu, nhưng có dễ
không? Xin thưa quá khó, bởi ta đã bám víu từ vô thỉ kiếp đến nay, đột
xuất bây giờ bảo ta buông bỏ có dễ chăng? Cho dù ta có thể tập không
còn bám vào những vật chất hào nhoáng bên ngoài, nhưng đó là thân không
bám, chứ tâm thì mâu thuẫn dằn co bám víu đủ chuyện.
Chấp vào sự việc thương ghét gì
đó cũng cùng nghĩa với bám víu thôi. Trong Tạng Thư Sống Chết, tác giả
Sogyal Rinpoche có trình bày ý này như sau: ...-Càng ngày tôi càng nhận rõ
rằng chính ý tưởng và khái niệm đã ngăn cách không để cho chúng ta
luôn an trú trong tuyệt đối. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao thầy tôi thường
dạy: ‘Hãy cố gắng đừng tạo ra quá nhiều hy vọng hay lo sợ.
Vì chúng chỉ tổ gây thêm sự bám víu trong tâm' .
Quả thật là vậy, đời sống thật
an lạc hạnh phúc cho những con người sống tự tại không bị lôi kéo do
trần duyên ngoại cảnh. Ngày mới làm quen với đạo giải thoát, trong
chúng ta ai cũng lý tưởng cho mình sẽ sống đời giác ngộ bằng cái nhìn
vô chấp; nào đâu chỉ được vài năm, tư tưởng tâm tư, kết chặt đủ
pháp sai biệt. Chấp sai biệt về tục đế: ta nhìn đời có người tu, có
người không, có người thiện, có người ác, có những việc đáng khinh,
có việc đáng khen và hình ảnh thế sự đó ta cho là việc thường. Sai biệt
về Chân đế: ta chỉ thấy duy có Phật thừa là cái nhìn nhất quán ngoài
ra phải buông bỏ tất cả vì là phương tiện; nào ngờ sự thấy đó cũng
là chấp chặt dù đó là Chân đế.*
Nhưng tất cả sự sai biệt chấp nê
đó lại quay ngược vào ta, mà ta chẳng thấy nổi, lại còn cho mình là đúng,
và dù là đúng đi nữa thì cái Ngã, Pháp trong người của ta còn quá dầy
nên mới nhận xét phân biệt như vậy; thế là phí công phí sức tu hành;
đeo mang mãi trên người lớp vỏ dầy đặc của vô minh sinh tử.
___________
*Tục đế: Lý luận thế gian, theo
suy luận của phàm phu (thế gian pháp). Chân đế: pháp xuất thế gian, là
pháp thật của sự thật (chân lý).