- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 7
- Một ít vui
Lang thang trong mê lộ bấy lâu, nay
mới tìm được đường về, hỏi ai mà không vui. Nếu đem nỗi vui nầy đánh
giá, trao đổi thì không phẩm vật nào tương xứng so sánh được. Ví như
một người sắp chết đuối được cứu sống, thì không có phẩm vật
gì bù được sự cứu vớt này.
Trong cuộc sống xưa nay vì không nhận
ra mọi việc là vô thường, là nhân duyên sanh diệt, nên con người sanh tâm
đối đãi phân biệt; và do sanh tâm như vậy bao phiền não phát sinh. Khi
phiền não phát sinh, tâm tư đau khổ, tâm đau khổ thân thể ảnh hưởng
theo sinh ra bệnh tật. Bản thân lâm bệnh tác động đến người thân
trong gia đình gây ra hoàn cảnh khổ lo. Nhưng ảnh hưởng đau buồn đây,
không dừng nghỉ ở không gian phạm vi gia đình đó; nó còn có thể lan tỏa
qua cuộc sống của gia đình láng giềng bên cạnh. Và một thị trấn có
nhiều gia đình bất an như vậy, làm sao không ảnh hưởng đến thành phố.
Thế là chẳng có quốc gia nào lại muốn khu vực nào trong nước mình mất
an ninh vậy.
Thế giới càng sung mãn vật chất,
con bệnh hiểm nghèo như vậy dễ bộc phát hơn, đơn giản vì tinh thần
(tâm linh) khó thể phát triển song song với vật chất được.
Chỉ có một điều không hiểu vô
thường, không tin nhân quả mà tác động như vậy! Nhưng thật ra có bao
nhiêu người hiểu vô thường, nhân quả mà sao chẳng thấy thế giới hư
hoại? Chúng ta hãy khoan nhìn xa, mà nên nhìn ngay vào hư hoại thật gần
ở chính ta. Chính bản thân ta đã trả lời câu hỏi này. Lòng tham, sân,
si là ba độc là phiền não, là yếu tố chính làm hư hoại thế giới. Ta
ngầm hiểu rằng mỗi người có một thế giới sống, và nếu chính bản
thân ta hư hoại, thì gia đình, xã hội, quốc gia cũng lần lượt hư hoại
theo, bấy giờ thế giới toàn cầu cũng phải tiêu hủy. Điển hình dễ thấy,
tác động của một cá nhân trong địa vị nắm quyền đất nước, nếu
không phải là người lãnh đạo sáng suốt thương dân, thì sự hư hoại
thật rõ ràng.
Tuy nhiên chúng ta chớ nghĩ bi quan,
mà nên lạc quan! Sự bừng tỉnh hiểu được lý vô thường, nhân quả đã
đặt cho ta một lối sống hạnh phúc ngay trong cuộc đời này, dù cuộc đời
luôn phản ảnh cái nhân quả bất an, đau khổ.
Chúng ta cũng không bi quan, khi một
số người quá ít nhận hiểu nguyên lý này. Hay nói cách khác, sự hoài
công quân bình (vật chất, tinh thần) tiến đến việc hài hòa xả hội để
tránh việc hư hoại, do nhiều người chẳng để ý đến.
Ít ra, trước hết ta có được niềm
an lạc ngay bản thân khi nhận ra việc giác ngộ đạo nhiệm mầu, và niềm
an lạc này là cụ thể gián tiếp hoặc trực tiếp cải thiện hoàn cảnh
chung quanh. Lại căn cứ vào pháp nhân duyên sinh diệt, nghiệp nhân, quả
báo ta thêm vững vàng niềm lạc quan hơn. Vì sự có mặt của ta đây là
do nghiệp lực, cũng như sự chung đụng trong môi trường như vậy là do cộng
nghiệp đã gieo, thì giờ đây sự thức tỉnh tạo thành tác nghiệp mới,
sẽ có thể chuyển hóa mọi hoàn cảnh. Và không những hoàn cảnh cho
riêng ta mà chắc chắn cho mọi người sống gần ta nữa. Vậy đó là định
hướng mà ta tự tạo ra một nghiệp dẫn sáng sủa không lạc vào mê lộ,
dù ở bất cứ tình huống nào trong tương lai.
Không lạc vào mê lộ là một niềm
vui, niềm vui này dạt dào bất tận khó tả, khó kể được. Niềm vui đó
cụ thể cảm giác ra sao, và so sánh với cái thường tình của thế gian
khác nhau thế nào? Tất nhiên có khác và khác nhiều lắm, nhưng khi cá
nhân nào đạt được viên mãn nguồn vui này, thì họ không còn thấy khác
nữa, bởi vì còn thấy khác là chưa phải nguồn vui viên mãn. Trình độ
được nguồn vui nầy là một trình độ cao; và chúng ta đang nhận ra mê lộ
để dần dần đi đến nguồn vui này. Thật sự, hiện cũng khó tìm thấy
được người đạt được nguồn vui viên mãn.
Xin đưa ra ví dụ tạm hiểu nguồn
vui viên mãn. Các em bé khi dành giựt quà cáp hay vật gì ưa muốn, mà được
như ý chúng sẽ rất vui, cho dù đứa bé đối phương không đạt như ý,
khóc sướt mướt trước mặt chúng, chúng chẳng quan tâm. Đây là niềm
vui thô kệch, hơn thua không bình đẳng. Niềm vui người lớn thì cố làm
sao cho hai bên được chia đều phần quà phẩm, để mình vừa vui mà đối
phương cũng hoan hỷ. Ở đây cũng khá cao rồi; nhưng vẫn chưa viên mãn,
vì cũng còn chia nhau, giữa mình và người. Niềm vui viên mãn là tặng
luôn món quà kia cho người, và khi tặng như vậy tất nhiên người tặng sẽ
có cái vui, vì làm người khác vui trọn vẹn đây chính là vui viên mãn.
Nhưng thực tế chúng ta có áp dụng
được vậy không? Vì nếu dâng hết cho người chúng ta còn gì để sống;
còn gì để làm phương tiện phát triển và cải thiện những gì cần làm
cho nhu cầu sinh hoạt. Thật vậy, đây là việc khó làm, chỉ có những Bồ
Tát lớn mới dễ dàng thực hiện. Chúng ta ở mức độ chia bình đẳng với
nhau cũng là quý lắm rồi. Tuy nhiên, trên lộ trình giải thoát ra khỏi mê
lộ, ta buộc phải đi đến niềm vui viên mãn đó.
Điều mà chúng ta tán thán ca tụng,
công hạnh việc làm của Bồ Tát, là ta đã âm thầm bắt đầu ký thác
cho chính mình sẽ thực hiện như Bồ Tát trong tương lai. Vậy thì sơ cấp
của nguồn vui mà người vào Phật đạo có được, là tạo nên cái nhìn
và lối sống tình thương bình đẳng. Thật ra hiểu và hành theo cách sống
bình đẳng không phải dễ. Vì thật tình nhìn lại chính ta, hiện đã sống
bình đẳng chưa? Khoan nói đến bình đẳng tánh đại thừa. Nghĩa thường
của bình đẳng là sống phải đồng chung cộng hưởng với nhau. Phải tôn
trọng và kính nể mọi người, không vì chức vị sang hèn mà có thái độ
phân biệt kỳ thị. Chỉ nghĩa đơn giản này thôi kết quả cũng mỹ mãn
hạnh phúc, và thế giới đã tránh được biết bao đau thương vì chiến
tranh thù hận.
Nhìn xem thế giới hiện nay, nền
hòa bình toàn diện vẫn chưa thực hiện được, điều này cho thấy thực
hành theo nghĩa thường của bình đẳng cũng đã khó. Tuy nhiên không phải
tuyệt đối chẳng thể làm được, chúng ta phải lạc quan và điều lạc
quan này là sự thật. Chắc chắn mọi người đều hiểu, muốn có hoà
bình an lạc trên hành tinh này, việc đầu tiên mỗi cá nhân trong gia đình
phải tạo lối sống hòa bình theo cái nhìn tương kính bình đẳng. Nhiều
gia đình được như vậy xã hội sẽ an hòa, rồi quốc gia đất nước mới
lan tỏa chia xẻ sự bình đẳng đến khắp nơi trên thế giới. Người học
Phật chắc chắn lấy bình đẳng tâm làm nền tảng tu học, và lấy bình
đẳng pháp mà thực hành. Bình đẳng tâm là nhìn chúng sanh không có sự
phân biệt. Từ sự không phân biệt nên không có ai là thân ai là thù. Tâm
bình đẳng như vậy mới tạo được sự sống trong thương yêu hài hòa.
Bình đẳng pháp là con đường
trung đạo không rơi vào chấp có chấp không, không hành xử theo tiểu thừa
hay đại thừa mà chỉ có Phật thừa là con đường đạt đến quả an vui
tuyệt đối.
Bình đẳng để tu học mà người
Phật tử chúng ta dễ thấy nhất là pháp Lục Hòa. Áp dụng pháp Lục hòa
là mặc nhiên ta đã thực hành bình đẳng quan rốt ráo.
Lục hòa là sáu phép hòa hợp:
Thân hòa đồng trụ, Khẩu hòa vô tranh, Ý hòa đồng duyệt, Giới hòa đồng
tu, Kiến hòa đồng giải, Lợi hòa đồng quân.
Sáu phép căn bản này không chỉ
dành riêng cho tu sĩ, mà hàng cư sĩ tại gia cũng cần nương vào để tạo
được cho mình lối sống an lạc.
Thân hòa đồng trụ là xây dựng
một nơi chốn yên vui mà sự chia xẻ thực tế nhất trong cuộc sống cộng
đồng, người người phải hòa hợp trên một trụ xứ, đất nước. Khẩu
hòa vô tranh, là bước kế tiếp để củng cố tình đoàn kết thương
yêu, qua lời nói xây dựng tình đồng loại, có nghĩa đã ở chung trụ xứ
sống với nhau tất phải thăm hỏi thương kính. ٠hòa đồng duyệt, sự
tương kính chào hỏi phải thành thật phát xuất từ tâm tư của mình,
nên ý tưởng phải chân thành vui vẽ. Giới hòa đồng tu, phải biểu
hiện qua việc làm, cùng nhau tuân thủ những gì cần phải giữ và những
gì cần phải tránh, để tạo cuộc sống an ninh và an lạc. Kiến hoà đồng
giải, Sự phát triển hài hòa gắn bó nhau hơn khi kiến thức hiểu biết
được bàn giải mở rộng. Và cuối cùng là cụ thể tình thương một cách
sâu đậm qua Lợi hòa đồng quân tức trong khả năng có thể chia sẻ
những lợi ích cho nhau.