- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 29
- Lập nguyện đi vào giải
thoát
Không nhất thiết phải theo pháp
môn nào, trên đường đào luyện thân tâm đi vào giải thoát chúng ta phải
phát nguyện. Buổi lễ quy y vào cửa Phật, căn bản đầu tiên là đọc lên
lời nguyện: Quy y Phật không quy y Thiên thần quỷ vật. Quy y Pháp không
quy y ngoại đạo tà giáo. Quy y Tăng không quy y tổn hữu ác đãng. Lời
phát nguyện này trước Tam bảo không thể nào thiếu được, và điều
quan trọng là nhắc nhở rằng ta đang may mắn thấy được lộ trình chánh
pháp. Tuy thế khi thời gian trôi qua vì đời sống mưu sinh, vì bất cứ
công việc gì kể cả công việc gọi là liên quan đến việc thiện lành...ta
bấy giờ đã quên mất lời phát nguyện. Rồi như đinh ninh rằng, buổi lễ
quy y thọ giới đó, có thể cứu ta trọn đời không lạc vào tà ma ngoại
đạo. Điều này có thể chắc chắn không lạc đường tà, nhưng không chắc
chắn là ta không bị đọa, vì còn có luật nhân quả. Bằng chứng cho thấy
là đoạn đường tiến đến giải thoát của chúng ta càng ngày càng dài
ra, chẳng thấy ngắn lại; biết trước như thế mà Học giới giải
thoát, Phật đã dạy cần lãnh thọ thêm. Ngày Phật vừa chuyển pháp luân
độ nhóm Ông Kiều Trần Như, bấy giờ giới luật chỉ đơn giản trong mấy
giới trọng, nhưng rồi sau đó vì tu sĩ càng đông ra, sinh hoạt tăng đoàn
càng tiếp cận đời sống bên ngoài nhiều hơn trong việc hoằng hóa, thì
giới luật đã phải kịp tăng, để ngăn chặn những phiền não có thể
phá hại đến giới thanh tịnh giải thoát. Đây là Phật từ bi để đưa
giáo pháp ngày càng tiến theo thời gian, và học giới ấy ai tu được sẽ
tự chứng ngộ mà không cần phải có sự hiện hữu của Ngài. Mãi đến
nay đã hơn hai ngàn năm trăm năm, bao lớp thế hệ đệ tử xuất gia, tại
gia của Ngài vẫn tuân theo học giới là điều tối quan trọng, nhưng rõ
ràng để thấy, việc chứng ngộ giải thoát ngày nay càng lúc càng hiếm
đi!
Chúng ta thành thực cụ thể thấy
rõ như vậy, điều này cũng là luật duyên khởi nhân quả của một chu kỳ
sanh diệt. Giáo pháp giải thoát của Đấng Thiên Nhơn Sư hiện hữu ở cõi
Ta Bà này cũng không ra ngoài luật sinh diệt; nhưng tự pháp vốn không có
sanh có diệt, và sự thanh tịnh, Niết bàn, giải thoát là cách nói tạm để
chỉ cho bậc hành giả khi dứt trừ được phiền não nhiễm ô. Hiểu được
như vậy, thì không còn bị phiền não (tham sân si) lung lạc sai khiến, bây
giờ tâm thức hóa thành an tịnh, êm dịu và sẽ đi vào cảnh sáng suốt
không còn kẹt vào sự đối đãi khổ vui, tức không lo nghĩ đến cảnh Niết
Bàn, Địa ngục! Sự thực hành đạt được như vậy còn tùy theo đạo lực
của mỗi người, nhưng chung cuộc cũng sẽ tới điểm chính là giải
thoát.
Lược qua vấn đề tu học căn bản
như vậy chúng ta thấy cần nên nhìn lại học giới của mình, nghĩa muốn
nói ở đây là điều mà ta đã phát nguyện tu theo, khi bắt đầu đi vào
con đường giải thoát. Chúng ta chỉ cần ôn lại lời nguyện trước lúc
quy y, hoặc tự lập ra cho mình một lời nguyện phù hợp và tương xứng với
điều gì mình có thể làm hướng về mục đích giải thoát. Tất nhiên cầu
giải thoát là để cứu giúp mọi người được giải thoát như mình. Khi
lời nguyện đã phát được trong người rồi, ta nên nuôi dưỡng ấp ủ nó
mãi trên hành trình sống. Các vị Tổ Sư thời xưa và cận đại đều lập
nguyện riêng cho mình để tu. Điều này cho thấy, hành trình vào đạo nếu
không dứt khoát khẳng định lập nguyện cho mình, hẳn khó làm ngắn lại
đoạn đường mà ta mong đi tới.
Lập nguyện thế nào là tùy vào
hoàn cảnh mỗi người, nhưng tránh đừng tạo ra lời nguyện bó buộc
mình một cách thái quá, ảnh hưởng sinh hoạt sống của mình. Chẳng hạn
lời nguyện đơn giản cho người tu Thiền, ta có thể đại ý lập ra như
sau: ...con xin thành tâm ghi tạc vào lòng, nguyện rằng con sẽ cố gắng từ
đây trở đi mỗi mỗi suy nghĩ hành động, đều được căn nhắc, tư duy
quán xét trong chánh niệm. Và khi đi đứng nằm ngồi con đều theo dõi hơi
thở nhiếp theo chánh niệm, để mỗi hơi thở con thấy đời là vô thường,
pháp là vô ngã; nguyện sống ý thức như vậy xin hồi hướng đến tất cả
mọi người đều được giác ngộ như con.
Người tu niệm Phật:..con xin nhất
tâm nguyện rằng từ đây trở đi cho đến ngày con bỏ xác thân này, câu
niệm Phật sẽ không rời khỏi tâm con, và mỗi khi làm được công đức
gì con nguyện không quên, hồi hướng công đức đó đến tất cả chúng
sanh trong muôn loài cùng con được sanh về thế giới Phật A Di Đà.
Lời nguyện đại khái như vậy.
Nhưng điều quan trọng là luôn luôn đọc lên lời nguyện ấy ít nhất một
lần trong ngày, đây có thể huân tập vào tâm thức và sẵn sàng chuẩn bị
cho ta đối diện mọi tình huống xảy ra trong đời; nhất là giờ phút
chót khi thân xác sắp hư hoại, lâm chung.
Thiết nghĩ việc học Phật bấy lâu
của ta không tiến triển, là do ta quên hẳn lời nguyện của mình khi sơ tâm
vào đạo. Nếu giữ được và luôn luôn làm mới lời nguyện như thế, có
lẽ ta sẽ tìm được an lạc nhiều hơn, cũng như thấy được pháp giải
thoát thực tế hơn.
Một ngày trôi qua thật nhanh người
học Phật chúng ta đã làm được những gì cho mình? Một vài công phu thiền
tọa, tụng kinh, niệm Phật hay vài công việc Phật sự v.v...có đủ để
ta bù lại những nghiệp tội mà ta đã tạo trong quá khứ kiếp? Cho đến
kiếp này ta cũng đã tạo nhiều nghiệp tội, mà tự mình không thấy, hoặc
có thấy biết lại không dám nhìn nhận. Đối với người khác thì sao?
Chúng ta lại chẳng thể hiện được là bao tâm yêu thương từ bi của Bồ
Tát. Bồ Tát nào phải duy nhất là các Ngài Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi,
Tu Bồ Đề...Bồ Tát là những hạnh nghiệp thiện, mang đến cho người yên
vui an lạc, và con đường Bồ Tát như vậy bắt buộc chúng ta phải hành
động, nếu như chúng ta muốn thành Phật. Chẳng có vị Phật nào mà trước
đó không hành Bồ Tát đạo lại được chứng quả.
Nhìn lại mình đã chưa toàn vẹn,
xét lại người khác mình chẳng giúp được họ cái gì; thế có phải
chúng ta đã thiếu lời phát nguyện! Vì thiếu phát nguyện học tu, nên
còn nhiều lưỡng lự, dè dặt và tự tha thứ cho mình để luôn nhìn mình
và người bằng một khoảng cách quá xa. Vậy ra chỉ có lời phát nguyện
mới đủ lực cho ta hành đúng con đường giải thoát. Và chỉ có phát
nguyện mới trọn được tánh từ bi trí tuệ đi trọn con đường.