Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

24
Niềm tin

Việc gì trước khi làm phải cần tìm hiểu, nếu không thể tìm hiểu thì ít ra cũng đã thấy, có người tìm hiểu thay cho mình. Khi hiểu rồi thì sự việc theo sau đó mới dễ thành tựu. Hiểu là thẩm thấu vào mình sự sáng tỏa của vấn đề mà trước kia mình hoài nghi thắc mắc, từ đây trở thành niềm tin để sống chết với niềm tin đó. Vào đạo giải thoát, niềm tin thật quan trọng, giúp mình đi trọn con đường. Người học Phật sơ cơ cần phải lãnh hội những căn bản về con đường giải thoát, để làm bước tiến kiên cố không cho lui sụt về sau. Hẳn nhiên trải qua đoạn đường tư duy, nghi vấn đến nay chúng ta đã có niềm tin về PHÂT, về PHÁP, về TĂNG một cách mãnh liệt; phải nói một cách mãnh liệt chớ không dè dặt gì cả. Khiêm hạ vấn đề gì chớ niềm tin ba ngôi TAM BẢO không thể khiêm hạ được, ta phải tự tin trong niềm tin. Chúng ta đã nhắc qua trong đoạn ‘Thành kính tri ân’ thế nào thì niềm tin bây giờ phải là thành thật. Nhưng thật sự mà nói, tin trong thật tin không phải là dễ, vì dễ thì liệu chúng ta đã cụ thể niềm tin chưa, hay đa số vẫn rơi vào lý tưởng! Chứng minh điều này, là những gì ta thấy việc tu hành trong thời đại ngày nay; các vị tu chứng quả hiếm hoi khó thấy, và tình trạng hỗn độn nhiễu nhương của con người vẫn không vì sự tín ngưỡng chân lý mà giảm đi. Đây là điều suy tư thiết thực, cho ta tư duy và chánh kiến lại niềm tin của chính mình.

Chúng ta đã khẳng định có sức mạnh niềm tin vào Phật, nhưng chúng ta vẫn cách xa Phật, nghĩa là chỉ gần gũi với Phật qua ảnh tượng màu sắc, mà không qua chân ảnh bên trong là tánh từ bi, tâm trí tuệ - để rồi vẫn chỉ là niềm tin với hình ảnh, màu sắc. Khẳng định về niềm tin Pháp giải thoát cũng vậy; ta cũng chỉ thể hiện qua nhận thức thô thiển bằng sự ca tụng giải bày qua thuyết giảng, sách báo...chớ ít khi qua nhận thức bên trong mà bên ngoài không thể nào nói lên được. Khẳng định niềm tin Tăng, là hình ảnh sứ giả của Như Lai - ta bề ngoài cũng cung kính như vậy, nhưng bên trong có thật như bên ngoài không! Đối với niềm tin Tăng bảo, tuy chỉ là số người đại diện cho pháp giải thoát và gợi lại hình ảnh của đấng Từ Phụ Thích Ca, nhưng phần quan trọng thật là vô cùng. Vì không lạ gì để hiểu, Phật pháp không thể hòa vào tâm với một người tự làm bất hòa Tam Bảo; bất hòa Tam Bảo là không có sự tri ân và cung kính. Nếu không có hình ảnh Tăng đoàn, thì ta chẳng học được gì công đức khiêm hạ lễ nghi, dù kiến thức Phật pháp của ta có cao tới từng trời. Ta cũng nên biết công đức tôn kính Tam Bảo cũng đủ đưa ta đi vào giải thoát. Và ngược lại chẳng còn công đức gì khi bản Ngã còn quá cao.

Xét như thế thấy rằng, mọi hành động đi vào giải thoát của chúng ta cần nên nhìn lại về niềm tin. Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm, tin là mẹ sanh ra công đức. Tin mà sanh ra công đức nghĩa là phải sống với niềm tin đó; không nên hiểu rằng chỉ tin thôi là được. Thực tế thí dụ, sanh ra ở nơi khổ như Phi Châu vậy, rồi tin chắc chắn ở Mỹ Châu, Âu Châu sung sướng lắm, nhưng rồi có được sướng không, hay cũng chỉ ở Phi châu. Cũng như người tu Tịnh Độ, chắc chắn tin có cõi Cực Lạc Tây Phương, nhưng chỉ tin mà không niệm Phật phát nguyện vãng sanh về đó, thì muôn kiếp cũng chẳng về được. Tuy nhiên niềm tin tạo nên năng lực có thể hoán chuyển, thay đổi hoàn cảnh, hay thể chất của mình để thành đạt khía cạnh nào đó, điều này vẫn là sự thật. Nhưng giới hạn của niềm tin vẫn là giới hạn, bởi không cụ thể hóa niềm tin thành hành động. Áp dụng vào đạo Phật tất phải thực tế, và đi sâu vào thì không đơn giản. Chúng ta từng nghe truyền sử nhiều bậc cao tăng chứng đạo, có những hành tung lạ thường khi tu, và đừng nói là các Ngài tự nói là có niềm tin PHẬT, có khi các Ngài làm những việc ngược lại sự lễ kính niềm tin của ta; nhưng thật sự các Ngài đã đạt đến mức độ vô cùng của niềm tin TAM BẢO nên mới dám làm vậy. Và thường thì các Ngài chẳng nói nhiều, chẳng quan tâm đến ai, thậm chí đến TAM BẢO nữa; các vị đã hòa vào TAM BẢO nên tự thân đã là TAM BẢO, thầm lặng hoán chuyển cuộc đời.

Nếu chúng ta khó củng cố được niềm tin thành Phật, do nhìn lại mình còn đầy tham ái, thì niềm tin gần nhất với chúng ta là các vị Tổ, hàng cao tăng đệ tử Phật trong thời đại gần đây. Tuy nhiên đối với Pháp Phật thì ngay tại đây, tại cuộc đời này - Phật dạy thế nào, ta nên cụ thể suy niệm thế đó. Suy niệm lời Phật dạy, rồi thầm lặng trắc nghiệm xem Phật có nói đúng không; khi kinh nghiệm áp dụng qua thấy thế nào? Ta thấy, ta có thay đổi gì không so với trước khi hiểu Phật pháp? Khi có điều gì phản ứng trái ngược, ta phải tìm người hiểu đạo mà hỏi. Không nhất thiết người ta hỏi phải là tu sĩ; mà có thể là bạn ta, hoặc một người xa lạ thật biết Phật pháp, hoặc có thể tự mình tra cứu kinh sách giải thích điều mình muốn biết. Quan trọng hơn hết phải tự tin chính mình, lẽ đương nhiên tự tin đó không là ngoan cố chấp nê. Quan sát chính bản thân chưa đủ, ta còn khách quan nhìn đến người khác, lấy họ làm đối tượng để học, cả hai mặt xấu tốt, mà không bình phẩm phê phán, cuối cùng quay về lời Phật dạy để thấy thế nào.

Tạo được niềm tin Phật kiên cố rồi, ta sẽ có nhiều lợi lạc - điều trước nhất, dù ta chưa đoạn được phiền não dù là phiền não thô, nhưng chắc chắn ta không thoái chuyển Bồ Đề Tâm. Thứ hai, mọi hành động phật sự hay không phật sự, ta vẫn tạo được niềm tin Phật trong đó, nghĩa là vẫn luôn luôn hướng về chánh pháp. Cuối cùng trong quá trình làm người, đến giai đoạn rủ bỏ xác thân, dù sanh nơi nào ta vẫn đủ duyên hướng về Phật pháp. Do vậy nếu chúng ta tạo được niềm tin Phật đến mức sâu nhiệm, luôn luôn ấm dịu trong lòng như tế bào máu luân lưu trong thân, thì công đức sẽ dư thừa mỗi khi làm bất cứ phật sự nào. Và như thế, với niềm tin đó dù cúng dường một đồng cũng thành một vạn, dù làm công quả một ngày cũng bằng một năm, dù chỉ đọc kinh một lần trong một ngày cũng dư thừa công đức, dù chỉ niệm Phật một tràng chuỗi cũng nhiếp được tâm sống hoài với câu niệm Phật, và dù ngồi thiền năm mười phút mà thân tâm lúc nào cũng sống trong chánh niệm...

Thế đó, tạo cho mình niềm tin chân thật không phải là dễ, dù biết rằng những gì mình tin là chân lý.


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang