- Nhân Duyên Vào Đạo Phật
- Thích Phổ Huân
- 3
- Tu theo Phật pháp
Khi nói tu theo Phật, có nghĩa còn
có nhiều đường hướng khác để tu. Nhưng đã là tu thì đường hướng
nào cũng là tu thiện tu lành, hay ít ra tu sao cho hơn cái hiện tại mình
đang là đang có... Ở đây chúng ta là người chọn con đường tu Phật, tất
nhiên chúng ta nên suy niệm một vài điều cho vấn đề tu học của mình.
Chúng ta không nên tự khiêm (hạ mình) cho rằng việc tu Phật chỉ dành cho
các vị tu sĩ, còn mình hạng cư sĩ ràng buộc với thế gian làm sao vói
tay tới!
Trong pháp giải thoát có nhiều quả
chứng tùy do trình độ tu tập của mọi người. Chẳng hạn tứ Thánh quả:
Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán*. Bốn quả vị này chưa phải là
giải thoát rốt ráo, nhưng là bốn bước thành tựu đi đến quả Phật.
Trong bốn quả này trừ quả A La Hán bậc vô học, ba quả kia còn là hữu
hậu tức còn đang tinh tấn phấn đấu đi lên. Và đặc biệt ba bậc này,
người Phật tử tại gia có thể đạt được mà không cần phải xuất
gia. Việc này thời Phật còn tại thế xảy ra không khó, nhưng thời nay cách
Phật hơn hai ngàn năm trăm năm hẳn là rất hiếm; nhưng không phải vì hiếm
mà không có, chỉ vì ta không nhận ra các vị đó. Các vị có thể mang nhiều
hình tướng lăn xả vào đời, với đủ địa vị, có khi là người chủ
của ta, có khi làm người giúp việc và có khi là người mà thế gian
không bao giờ ngờ được. Nhưng một điều, các vị thường luôn có một
hành vi vị tha, một tinh thần nhân ái, và tư chất cao thượng sáng ngời
dù ở bất cứ địa vị, tình huống nào. Các vị có thể mang giáo pháp
giải thoát vượt qua mọi hình thức thế gian.
Về giới tu sĩ chứng quả (chứng
luôn quả thứ tư) thì chắc chắn phải có, nhưng cũng lại khó tìm khó thấy,
khó tìm khó thấy vì các vị không bao giờ nói ra là mình thế này thế
kia. Kinh Phật có dạy, Bồ Tát thật sự chỉ khi nào giờ phút ra đi của
các Ngài, hay khi các Ngài vắng bóng thì người ta mới nhận ra các Ngài
là Bồ Tát.
Trường hợp đức Đạt Lai Lạt Ma
vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, được mọi người công nhận là hình
ảnh một sứ giả hòa bình thánh thiện. Người dân Tây Tạng cho Ngài là
hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm v.v...Điều mà mọi người ca ngợi tư
chất thánh thiện của Ngài, đó là việc không thể phủ nhận; nhưng việc
Ngài là vị tu sĩ chứng quả thế nào thì chúng ta không thể biết, vì
chúng ta chưa phải là Thánh nên không có thiên nhãn để nhận ra. Chúng ta
chỉ nhờ căn cứ qua lời Phật và chư Thánh Tổ giảng dạy để phần nào
suy đoán mà thôi.
Theo kinh dạy thì bốn Thánh quả vậy,
chỉ là hàng Thanh Văn, Duyên Giác Tiểu thừa chưa phải là Đại Thừa Bồ
Tát, nên dù là quả vô học như A La Hán cũng cần tiếp tục tu nữa để
được giải thoát. Nhưng trong kinh Pháp Hoa Phật lưu ý ở Phẩm Phương Tiện
thì chẳng có Thanh Văn, Duyên Giác cả đến Bồ Tát, mà chỉ có Phật thừa.
Phật dạy từng bước chứng quả, chỉ là phương tiện đi tới cứu cánh
là nhất thừa Phật quả. Điều này đã đánh thức các vị mới đắc quả
Thánh, để không khởi lòng chấp ngã chấp pháp. Từ đây các vị Thánh mới
dễ dàng bước lên quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác; do đó chúng ta không lạ
gì khi biết các vị Thánh còn gia công tu trì hơn cả người mới phát tâm
cầu đạo. Và khi hiểu như thế, ta lại càng không dám phân biệt, pháp
này là Tiểu thừa, pháp kia là Đại thừa, bởi vì tất cả chỉ là giai
đoạn tiến đến quả giải thoát; hơn nữa một người không có tâm từ
bi trí tuệ, không hướng đến giải thoát, không cầu đạo Vô Thượng để
thành Phật thì không thể đạt được quả Thánh dù là đắc quả Dự
Lưu (Tu Đà Hoàn). Cho nên chớ đem tâm trí phàm nhân mà bình phẩm địa vị
tu chứng của người khác, để không khéo kẹt vào quả báo khẩu nghiệp.
Và nếu có thể bằng cái nhìn sâu rộng bình đẳng, chúng ta cũng dè dặt
kính trọng cả người cư sĩ nào thật tu thật học như các vị tu sĩ vậy.
Vì biết rằng vị cư sĩ ấy đang đi trên con đường thành Phật, nên sự
kính phục của ta chắc chắn mang lại công đức cho ta. Điều này Tôn Giả
Sàntideva đại sư Ấn Độ đã dạy: ‘‘Đối với các bậc hiền giả
khéo dùng phương tiện hướng dẫn làm lợi ích cho chúng sanh, Bồ Tát
luôn đảnh lễ kính trọng. Đối với mọi người Bồ Tát luôn nhún nhường
như một người đệ tử vậy.’’*
Suy niệm như thế, ta thấy quả tu
giải thoát có thể đến với bất cứ ai; và việc chuẩn bị bước đường
tu học của mình cũng đã bắt đầu tiến tới.
Bây giờ chúng ta đã rõ, mục đích
của việc tu theo Phật là muốn giải thoát, là muốn thành Phật; và tùy
theo căn cơ trình độ hoàn cảnh của mỗi người mà việc tu có dễ có
khó, nhưng chung quy cũng phải tu cho được thành Phật. Bởi không ai tu Phật
lại muốn làm trời hay tu Phật để được thỏa mãn hỷ hê phước báo
thế gian. Nếu vậy uổng cho ta đã gặp một khu mỏ kim cương mà đi lựa
toàn sỏi đá.
Vậy ta phải bắt đầu tu từ đây,
phải bắt đầu bỏ hết đi những đá sỏi, mà chỉ lấy cho được những
hạt ngọc kim cương.
*
Từ lúc làm quen qua những nhân
duyên vào đạo, chúng ta đã bước được vào điện Phật, đã thưa chào
các vị đồng tu bằng cử chỉ chúc lành giải thoát (A Di Đà Phật), đã
lạy Phật dâng hương, đã phát tâm hướng thiện tìm về lối sống tỉnh
thức, đã nhìn người với cái nhìn bình đẳng v.v...Tuần tự tạo duyên
như vậy, đã đưa ta đến phần nào con đường tu niệm, và con đường tu
niệm bây giờ là phải làm sao thấy được con đường giải thoát. Nghĩa
là phải thấy chính ta thế nào, để vững bước trên đoạn đường đi.
Ta phải thấy được phiền não trong ta nhiều ít! Phải thấy mức độ
tham, sân bộc phát yếu mạnh ra sao, và trong một ngày ta được bao lâu sự
yên tịnh.
Thật sự mà nói, bao nhiêu tiếng
đồng hồ trong ngày, ta đều để vọng tâm làm chủ, ít khi nào sống được
cho ta. Sống cho ta, không có nghĩa từ bỏ hết công việc, từ bỏ giao thiệp
với mọi người...mà có nghĩa sống trong ý thức việc làm của ta. Khi sống
ý thức thì tâm ta tỉnh táo, khi
tâm tỉnh táo sáng suốt, vọng tâm
không có mặt, như vậy thật sự ta đã bắt đầu bước vào giai đoạn tu
Phật. Nhưng ý thức bằng cách nào? Ý thức bằng cách sống theo đúng những
gì mình tu Phật.
Người mới bước đầu vào đạo
giải thoát được quy y Tam Bảo (Phật Pháp Tăng), rồi phát nguyện thọ
trì ngũ giới* chính thức làm con Phật (Phật tử). Con Phật thì có nhiều
hạng tu, hạng giữ giới nhiều ít tùy vào căn cơ mỗi người, như cư sĩ
ngoài đời có thể thọ ngũ giới, thập thiện hay Bồ Tát giới*. Hàng tu
sĩ thì bước đầu là mười giới, sau hai trăm năm năm mươi giới (250) dành
cho nam tu sĩ, và ba trăm bốn mươi tám (348) giới cho nữ tu sĩ*.
---------Đó là những phương tiện,
như con thuyền lớn nhỏ đưa người qua sông mê lên bờ giải thoát. Và nếu
người tài
giỏi biết lèo lái con thuyền, thì
dù là thuyền nhỏ cũng lướt khỏi sóng to đến bờ giải thoát, ngược lại
vô tài bất lực (không giữ giới tu), thuyền có to lớn cũng vẫn mất hướng,
trôi dạt vô phương làm mồi cho sóng dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc
sanh).
٠thức việc làm của mình là giữ giới tu học,
giữ giới tức là giữ con người mình, vì tu thiện làm ác cũng từ ngay
con người mà ra.
Trong con người chứa đựng ba nghiệp, ba nghiệp
này quyết định cho hành trình vào đạo, nhập đạo và chứng đạo. Đó
là Thân, Khẩu, Ý. Tu thân, khẩu, ý là thân không làm ác như sát sanh, trộm
cắp tà dâm; nếu là tu sĩ thì không dâm dục - Khẩu phải nói lời chân
thật hiền hòa (chánh ngữ), và Ý là phần quan trọng hơn, có thể kiềm
thúc được thân, khẩu do vậy tu sao cho Ý được thanh tịnh không tham
không sân không si. Vậy khi ba nghiệp được thanh tịnh, mặc nhiên chúng ta
giữ giới được thanh tịnh. Việc giữ thanh tịnh ba nghiệp, lại không
có nghĩa cản trở sinh hoạt đời sống của ta, và như không hiểu ta sẽ
tích cực quá việc giữ giới, mà chẳng làm được chuyện gì công đức.
Ta nên tích cực làm thiện hơn để chu toàn công đức giữ giới; chẳng hạn
phải bố thí, phóng sanh, thương người, thương vật để công đức trì
giới, được tăng trưởng. Người sơ cơ học đạo giải thoát ở bước
đầu, phải tu bồi công đức phước báo, nhất là người cư sĩ, bởi vì
sự tạo thiện nghiệp, ác nghiệp dễ phát sinh song song với nhau. Người
cư sĩ tại gia phải đương đầu vào cuộc sống, phải va chạm luôn với
đời, nên ba nghiệp khó lắng động, vì khó lắng động nên khó thanh tịnh.
Do đó đôi khi cùng một lúc tạo thiện tạo ác mà không hay biết. Chúng
ta có thể lấy thí dụ, một người vừa sung công tiền của cho một cơ
quan từ thiện, hành động đang được tán dương, nhưng bỗng nghe người
khác chê trách là vẫn còn thua kém người kia, số tiền hiến tặng đó đâu
có gì là chánh đáng v.v...Từ lời gièm pha như thế, người không hiểu đạo
giải thoát sẽ có tâm phản lại, thế là tiêu mất công đức và trong
lúc giận tức vô tình sanh ra ác nghiệp. Do đây lại thấy, từ một người
thật tâm tạo nghiệp tốt trở thành phản lại nghiệp tốt của mình. Tuy
nhiên dù trường hợp tạo nghiệp ở đời phức tạp vậy, hàng con Phật
tại gia vẫn nên luôn luôn tìm cơ hội để tạo thiện nghiệp phước báo;
bởi khi làm một hành động thiện là bồi dưỡng ý nghiệp được trong sáng.
Ý nghiệp trong sáng là nhân lành đưa đến ý thanh tịnh. Trong ý thanh tịnh
như vậy mới điều khiển được hai nghiệp thân và khẩu, và thế việc
giữ giới có thể lần lần dễ dàng hơn. Điều này nói chung cả hai giới
xuất gia và tại gia.
Người tu sĩ xuất gia cũng chẳng khác là bao,
quý Ngài giữ giới cũng bằng cách gia công tinh tấn tu dưỡng huệ đức,
thanh tịnh ba nghiệp qua công phu thiền niệm, quán tưởng, đọc tụng thường
xuyên kinh điển. Và khi quý Ngài công phu đã thuần thục thì giới tướng,
giới thể* của
các Ngài sáng ra, mà người đối
diện có thể cảm nhận được. Lúc đó với các Ngài, không còn thấy gò
bó gì ở giới nữa. Cho nên chúng ta thường nghe qua chuyện tích chứng đạo
của các Ngài có vẽ lạ thường lắm. Như thế cách sống của người tu
Phật phải lấy giới làm nền tảng. Lấy giới làm thân mạng sống còn,
hễ sợ thân bệnh mạng vong, thì cũng nên sợ phá giới như phá thân mạng
vậy. Và gìn giữ thân mạng ra sao, lại y như gìn giữ giới hạnh như thế.
Tìm hiểu lại cuộc đời đức Phật,
Dù Ngài trên lý tánh đã là đấng tối thượng, nhưng dưới nhiều cặp mắt
phàm nhân, một số người vẫn nhìn Ngài như một con người bình thường
giản dị, tuy nhiên hình tướng giản dị bình thường của Ngài đã thể
hiện một sự uy nghi điềm tĩnh, cụ thể qua sự sinh hoạt, đi đứng nằm
ngồi an nhiên tự tại vượt lên sự siêu hình huyền ảo. Và chính từ đây
phàm nhân quy ngưỡng Ngài, ngay ở cách sống ý thức chánh niệm đó, hơn
là thấy Ngài hiện tướng thần thông của vị đại Thánh. Hình tướng
trang nghiêm đó là do Ngài nhiếp thủ trong sự trì giới. Ngài hay thường
kể lại tiền thân của Ngài, do luôn luôn giữ giới và tu giới, cho nên
bao phước báo công đức trong vô số kiếp đã thành tựu và hiện ra tươi
đẹp như ngày nay. Do vậy, giờ phút cuối cùng tại Sa La Song Thọ đức Phật
đã từ bi cân nhắc: ‘‘Này, các người hãy tự thắp đuốc lên mà
đi! Các người hãy lấy pháp của ta làm đuốc! Hãy theo pháp của ta mà tự
giải thoát. Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự
giải thoát ở một nơi nào khác ngoài các người ...’’
‘‘Này, các người đừng nghe dục
vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì là quý giá.
Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có đạo ta là quý báu. Chỉ có chân lý đạo
ta là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hởi các người
thân yêu của ta.’’ *
Chúng ta thừa biết, theo Phật pháp
thì thế gian ta đang ở là cõi dục, nghĩa là tham muốn và từ chỗ tham muốn
không ngừng nên thành cõi khổ, vì đơn giản là sự tham muốn không thể
toại nguyện hết được. Do vậy dù sống không gian thời gian nào ở cõi
Ta Bà này, không thể tránh được khổ. Cũng may cho ta là thế gian vô thường
các pháp vô ngã, nên theo đó mà ta chẳng sống hoài chịu khổ; và trong cuộc
đời con người không phải toàn khổ mà vừa khổ vừa vui. Chính chỗ khổ
vui đối đãi này, suy ra cõi người phúc lạc hơn cõi trời; bởi do có khổ
mà đưa ta đến chỗ thấy đạo dễ hơn.
Giáo lý giải thoát dạy ta làm sao
cho mình được thanh tịnh thân tâm, và phương pháp làm được như thế là
giữ giới và tu thiền. Tu thiền có nghĩa giữ sao cho tâm được an tịnh,
sáng suốt, để ý thức được sự sự vật vật như sự thật của nó,
chớ không phải khẳng định chấp chặt buộc phải ngồi xuống bán già,
kiết già mới là Thiền định, mà không hiểu rằng tư thế Thiền tọa chỉ
là phương tiện để là kết quả đứng dậy đi vào đời sống.
Về phần giữ giới sẽ sanh ra
thanh tịnh thân tâm do vậy mặc nhiên cũng đã tu thiền.
Bây giờ ta đã hiểu trọng tâm của
việc tu thành Phật, và vậy có thể từ đây an tâm cho cuộc khởi hành
qua sông giải thoát.
____________
*Tu Đà Hoàn: sanh trở lại bảy lần,
rồi đắc quả A La Hán
Tư Đà Hàm: chỉ một lần sanh lại,
rồi đắc quả A La Hán
A Na Hàm: không còn sanh lại, sẽ đắc
quả A La Hán ở cảnh trời Sắc giới.
A La Hán: gọi là quả vô sanh, tức
không còn luân hồi. (Nhưng lại phải tiếp tục tu để thành Phật)
_________________
*Bồ Tát Hạnh, của Tôn Giả
Sàntideva, Thích Trí Siêu dịch.
___________________
*Ngũ giới: Không sát sanh, không trộm
cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
*Giới Thập thiện:- Giữ thân không:
sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Giữ khẩu không: nói dối, nói hai chiều,
nói thêu dệt, nói độc ác. Giữ 頫hông:
Tham, sân, si.
*Bồ Tát giới: giới tu tiến cao hơn
cho hàng cư sĩ nam, nữ theo tinh thần đại thừa Phật giáo. Xin xem Kinh Phạm
Võng Bồ Tát giới.
*Giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni: còn gọi
là giới cụ túc, nghĩa là đầy đủ giới, khiến cho vị tu sĩ nương đó
mà đạt đến giải thoát.
_____________
*Giới tướng: hiện ra bên ngoài tướng
trạng, có thể thấy được, như là sạch dơ thấy được (Người tu Phật
quan trọng trước tiên phải giữ được giới tướng). - Giới thể: bản
thể bên trong không thấy được, chỉ người trì giới tự ý thức được
mà thôi. (Hàng chứng đạo có thể thấy được người trì giới thể ).
________________
*Phật Học Phổ Thông, của HT
Thích Thiện Hoa, Khóa thứ nhất: Thuyết minh về nhân thừa Phật giáo